Human. Into Darkness: Huy...
Hashur RaH. Kamina
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chu Kỳ Shur'san'gal o'Ernlwgth

Kẻ Trốn Chạy Khỏi Cái Chết [I]

0 Bình luận - Độ dài: 5,338 từ - Cập nhật:

Endvich, England.

Đêm tối trên con phố Malakath vẫn đông nghịt người mặc cho mưa đang rơi tầm tã, nhưng khi nhìn vào những cung đường từ ô cửa sổ của căn nhà gỗ nhỏ cũ nát nơi góc phố, tôi chỉ có thể lờ mờ thấy những bóng người lướt qua liên tục và tiếng xe cộ ầm ĩ không dứt—bởi lẽ sương mù đã luôn phủ khắp thành Envich cổ này một mảng không khí lạnh lẽo, ngột ngạt và mờ đục suốt sáu trăm năm từ khi nó được thành lập; một màn sương như thể đang cố che giấu đi những tội ác dơ bẩn nhất và những mục ruỗng ủ dột tăm tối nhất của lòng người nơi đây.

Với phần lớn kiến trúc là những dãy nhà kiểu Victorian và Gothic đan xen, thỉnh thoảng mọc lên từng cụm lớn các nhà máy với đầy rẫy ống khói; vào đầu những năm bảy mươi-tám mươi⸺người ta vẫn thường nói đến Endvich như là Thiên Đường cho những ai muốn được đổi đời bởi vẻ ngoài hào nhoáng đã được thêu dệt và truyền thông một cách quá hoàn hảo thông qua bàn tay của những kẻ có tiền, và những con buôn viết thuê. 

Trên thực tế, chỉ những ai đã và đang sống ở nơi đây mới biết nó tồi tệ và khủng khiếp đến nhường nào, và sẽ không một người nào có thể thoát ra khỏi đây hay tiết lộ những chà đạp kinh tởm mà họ đã phải chịu đựng khi mà bọn họ chắc chắn sẽ chết trước khi có thể làm được những điều đó. Mọi thứ được định sẵn sẽ như vậy bởi nó đã được “lập trình” như thế.

Ngoại trừ những người thuộc tầng lớp thượng lưu⸺những người mang theo ‘Bộ Mặt của Endvich’, số phận cho bất kỳ ai còn lại đã và đang sống tại thành phố này chính là tiếp tục đồi phế, sa đọa và lún sâu vào trong cái vực thẳm của nghèo đói và lầm than—cho đến khi sự tăm tối của nó sẽ nuốt chửng hết nhân tính, và sau đó là mạng sống của họ. 

Tất cả những ai đặt chân tới, sẽ tiếp tục sống ở đây; và sẽ vĩnh viễn nằm lại trong mê trận của thành phố này, như một con người, rồi như một con thú vật, một tên nô lệ, và cuối cùng là một bộ xương khô.

Nhưng mặc dù bất bình là vậy, tôi sẽ không nói nhiều về nó nữa, bởi lẽ tôi—Ahravain Chrishtoph—tôi không có những nỗi quan tâm sâu sắc tới những thứ trần tục này. Có nhiều những thứ đáng sợ hơn ở ngoài kia—những thứ thật sự ghê tởm nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người, những chiếc lồng giam cầm số phận của mọi sinh vật sống—đó mới là nỗi quan tâm thực sự của tôi. 

Đúng rồi, chính là như thế, luôn tồn tại vô số những nỗi kinh hoàng đang lẩn khuất trong thế giới bên ngoài bức tường nhận thức nhỏ bé này của chúng ta...

.

Đồng hồ đã sắp điểm mười chín giờ đêm khiến tôi có chút lo lắng, đôi mắt thi thoảng lại không tự chủ được mà cứ liếc nhìn tới một góc phòng ngủ, nơi có một cái hốc sâu dường như bị đào ra bởi hai bàn tay trần của con người. Đó là chốn cư ngụ của người bạn tốt của tôi, hoặc ít nhất nó là một “chốn cư ngụ” như cách mà anh ấy đã gọi. Andervista Honhenjun là một con người đã từng rất đỗi thông thái và dũng cảm phi thường, và rất có thể là một trong số những người thông tuệ, gan dạ và cũng không kém phần tốt bụng bậc nhất mà tôi từng gặp. Nhưng nay, bạn tôi đã sa vào một cơn điên loạn bất tường từ sau cái sự việc khủng khiếp ấy cách đây đúng hai mươi năm, rũ bỏ đi cái quá khứ hào nhoáng trước kia của anh. 

Dễ dàng nhận thấy rằng, cái chốn ngủ nghỉ của bạn tôi ở kia cũng hoàn toàn quái gở như cách mà anh ấy cư xử hiện tại, nơi trông giống như một nấm mồ nông ẩm ướt với nền đất và đá hơn là một chỗ nghỉ ngơi thực sự, với những vụn gỗ mốc đã mọc nấm còn vương vãi phía dưới hòa quyện cùng những vết máu đen đã khô như là những vết tích còn sót lại sau công cuộc cấu xé cái sàn gỗ của căn phòng. Bạn tôi thường nằm co ro trong ấy suốt phần lớn thời gian của mình, và dường như luôn cố gắng để không rời khỏi đó quá lâu trong những lúc bắt buộc. Tôi không cho rằng nằm ở đấy sẽ dễ chịu hơn là trên một chiếc giường vói nệm êm hay chăn gối đầy đủ, và rõ ràng là cả người Hohenjun cũng luôn run lên bần bật với những cơn mê sảng bất tận mỗi khi màn đêm ập xuống tại đấy—nhưng bất chấp điều đó, nó lại tỏ ra hữu ích với anh ấy trong đúng một việc. Một việc quan trọng nhất. Tra tấn bản thân.

Khi những tiếng chuông thờ vang lên mỗi lúc màn đêm bắt đầu buông xuống, Hohenjun sẽ luôn rơi vào một chu trình kinh dị khó có thể tưởng tượng được.Thoạt đầu, anh ấy tái mét mặt mày trong khi thét lên những tiếng khàn khàn như phổi đã bị móc rỗng. Rồi trong chốc lát tiếp sau, tiếng thét chuyển thành tiếng rên rỉ với một giọng điệu như đã mất đi cái 'nhân tính' vốn có, pha thêm trong nó những tạp âm quái lạ vô danh, rờn rợn từng hồi ngắt quãng như một giai điệu chói tai bị tắc nghén. Những lúc như vậy, tôi sẽ không thể giúp gì nhiều cho Hohenjun, bởi lẽ chính anh ấy cũng chẳng còn chút ký ức nào rõ ràng với người bạn thân gần phân nửa đời người này của anh—sự việc năm ấy đã tàn phá anh ấy khủng khiếp quá. Hohenjun khi đã trên bờ vực của tuyệt vọng và gần như bị kéo chìm vào trong khoảng trống vô thức ấy sẽ chỉ còn cách không ngừng cào cấu bản thân, dùng thân mình va đập liên tục vào những mảng đất đá cho đến khi máu thịt ứa ra vung vãi với hy vọng cơn đau sẽ phần nào giúp anh ấy thanh tỉnh đôi chút. Anh ấy tra tấn bản thân mình, rồi ngất đi vì kiệt sức cùng những cơn thống khổ, và sau khi tỉnh lại thì anh cứ thế lặp lại cái quy trình ấy, không màng đến những gì xảy ra xung quanh—mãi cho đến hàng tiếng đồng hồ sau đó khi những tạp âm kia phai nhạt.

—Nhưng nay đã gần đến giờ chuông tắt lửa rồi, bạn tôi tại sao vẫn chưa về?

Hohenjun với cơn điên và nghiện chẳng mấy khi chịu lộ mặt giữa cái thành phố của tội ác này, anh thà thối rữa trong cái nhà gỗ rách nát của chúng tôi còn hơn là phải lang thang bên ngoài. Những sự tra tấn mà anh đã chịu đựng về mặt tinh thần đã từ lâu vượt khỏi thường thức lẫn những cái khuôn khổ của vật lý thông thường. Anh không sợ Endvich; trái lại với điều đó, anh chỉ đơn thuần lo sợ rằng những tên nghiện ngoài kia sẽ chẳng thể khiến anh phải chịu đủ cơn đau để có thể giữ vững tỉnh táo vào những giờ chuông điểm.

Nhưng bây giờ anh ấy đã ra ngoài. Rốt cuộc là có chuyện gì đang xảy ra?

Với những sự lo lắng, bất an về vận mệnh và những nỗi ám ảnh triền miên về cái miền mờ ảo ấy; nhiều lúc, tâm trí tôi cũng đang tiến thẳng tới cái vực sâu không đáy nơi mà Hohenjun đang chật vật chống chọi. Mặc dù vẫn giữ được thanh tỉnh suốt ngần ấy năm, nhưng những hình ảnh cấm kỵ mà tôi mơ về mỗi khi chìm vào giấc ngủ vẫn luôn bủa vây lấy tôi và đang gặm nhấm tâm trí tôi từng chút một. Tôi cũng không muốn chết, nhưng tôi sắp chết vì điên rồi!

Tôi không biết mình có thể giữ vững ý thức này bao lâu nữa. Và bạn tôi, tôi có một dự cảm không mấy tốt đẹp với anh ấy; số phận đang đuổi theo hai chúng tôi, và hồi kết có vẻ đã đứng ngay trước mặt của cả tôi lẫn anh ấy. Vì lẽ đó, trước khi thời điểm mà số mệnh của cả hai bắt buộc phải kết thúc ập đến, tôi cần phải làm một vài điều gì.  

‘Hãy tạm bỏ qua chuyện của Hohenjun đi nào.’ Tôi tự nhủ với mình như thế, rồi lấy hai tay đánh vào hai bên má thật mạnh, cố gắng tập trung tâm trí và chấn chỉnh lại đầu óc. 

Đưa ánh mắt thu hồi từ phía góc phòng ngủ, tôi nhìn lại vào phía trên bàn làm việc trước mặt.

Chiếc đèn Anglepoise ở góc trên bên trái sáng chập chờn, chỉ soi được một vùng nhỏ trung tâm. Và ở đó, có những chồng sách và giấy chật kín chữ viết bị dẹp hẳn sang một bên, chỉ để chừa lại hai cuốn sách phân biệt nằm phía tay trái và tay phải của tôi, một cuốn sổ nhật ký nhỏ đã cũ; và một cuốn sách cổ khổ lớn, dày, phủ bụi mà thoạt nhìn thôi cũng có thể cho ta một ấn tượng mạnh mẽ không lẫn vào đâu được—rằng nó đã tồn tại với niên đại thậm chí còn lâu đời hơn cả khi Vương Triều của Sargon được thành lập, trước cả thời điểm mà Thành Phố Cổ Catalhoyuk được xây dựng nên. 

Trong đó, cuốn sổ nhật ký là thứ mà tôi đã mang theo bên mình kể từ những năm còn theo học tại Đại Học Cambridge, với mục đích ghi chép lại những sự kiện mang tầm cỡ quan trọng đối với cuộc đời của tôi. Nó không phải là một phương thức để kỷ niệm, mà gần như là một cách để tôi nhắc nhở lại bản thân về những sự kiện đã qua—nếu chẳng may tôi mất trí và quên hết tất cả những gì đã xảy ra, giống như anh bạn Hohenjun của tôi hiện tại vậy.

Có lẽ mình nên đọc qua nó một lần cuối cùng’. Khi nhìn vào cuốn sổ, tiềm thức của tôi cứ nhắn nhủ điều đó mãi từ nãy đến giờ, những mảnh ký ức sớm đã phủi bụi nhưng nay lại rung động một cách lạ thường. Có lẽ đây là một điềm báo, một dấu hiệu cho thấy rằng cơn bão sắp tới là thứ mà chỉ mình tôi sẽ không thể chống chọi được? 

Với ý nghĩ thúc giục đó và một động cơ không tên mà chính tôi cũng không thể hiểu nổi, tôi quyết định cầm lên cuốn nhật ký và lật mở từng trang bìa mốc đã hoen ố...

.

Tôi của gần ba thập kỷ trở về trước đã là một học giả có tiếng sau khi tốt nghiệp ngành khảo cổ từ Đại Học Cambridge, với nguyên do của những danh tiếng có phần ‘quá phóng đại’ và ‘giả dối’ ấy bắt nguồn từ bài luận văn mà tôi đã nộp cho giáo sư Wenger trình bày về “Mối liên hệ thực chất giữa những hóa thạch, những tín vật cổ xưa và những đức tin đời đời xuyên suốt lịch sử”.

Mãi cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ như in những ngày đó, bởi nó có lẽ là bước ngoặt lớn nhất trong đời tôi—sự vụ đã khiến tôi lấn sâu vào trong thế giới bùn đen ám này, và cũng là thứ đã giúp tôi quen được Andervista Hohenjun, một trong số ít những người mà tôi có thể thực sự coi là bạn.

Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 12 năm 1977, khi những cơn gió lạnh buốt đã bắt đầu ám lên Cambridge cổ kính. Vào khoảng độ một giờ chiều hôm ấy, tôi nhận được lời nhắn của giáo sư Wenger từ Henry Borfort—trợ giảng của ông, rằng hãy đi đến thư viện trường vào lúc chập tối để gặp ông ấy, và chúng tôi sẽ cùng nhau bàn luận về hướng đi cho bài luận văn tốt nghiệp. 

Đó là một tin tốt! Và hiển nhiên, tôi đã đến nơi trước cả nửa tiếng đồng hồ với một tâm trạng phấn khích lạ thường. Vì chỉ mới chiều hôm trước thôi, tôi đã nhờ thầy ấy xem qua bản sơ thảo ý tưởng và trình bày sơ lược về một số điểm chủ chốt cho bài luận văn dài bảy mươi tám trang, và chỉ sau chưa đầy hai mươi bốn tiếng mà giáo sư đã đặt lịch cho một buổi thảo luận? 

Hẳn là giáo sư Wenger đã đọc nó say sưa và suy ngẫm về nó, và có lẽ ông ấy đã nhìn ra được sự mới mẻ cũng như tầm quan trọng của những điều mà tôi đã trình bày—tôi nghĩ thế.

Phải thú thật là tôi đã mở đầu bài luận văn ấy bằng một vài luận điểm không mấy mới mẻ, dẫn về câu hỏi ‘Thần Thoại liệu có tồn tại thực sự hay không?’ vốn đã được sử dụng quá nhiều bởi các khóa đàn anh, cũng như các nhân vật nổi tiếng trong giới này. Tuy nhiên, tôi đã không để tâm tới điều này, và vẫn cố chấp đi theo một quy trình gần như cũ rích, ấy là cho đến khi những vấn đề mới được khơi gợi ra sau đó. Trong bài viết, thoạt đầu tôi đã trình bày một cách khá phức tạp từng thành phần trên phương diện khoa học, về những lý luận nhận thức và các kiến thức vật lý học logic để trước tiên bác bỏ tính ‘thực sự hiện hữu’ của những vị Thần với vẻ ngoài giống người—điều mà thần thoại thường giải thích rằng là do nhân loại được tạo ra dựa trên hình hài của họ—và tỏa ra ánh hào quang rực rỡ, ngự trị trong những cõi giới nối liền với đất, sử dụng quyền năng của họ để tạo ra hỗn loạn và duy trì trật tự trong vũ trụ. 

Điều này có vẻ rất hiển nhiên, bởi lẽ con người đã luôn ảo tưởng về vị thế của họ xuyên suốt từ thời cổ đại cho đến mãi tận bây giờ với những tầm nhìn hạn hẹp và thủng lỗ nhiều chỗ trong mảng kiến thức mỏng như giấy của họ.

Con người thời xưa cần một đức tin, một đức tin với quyền năng vượt trội và phi phàm để hô mưa gọi gió, để tạo ra những trận động đất, dấy lên những cơn sóng thần mà con người thời bấy giờ không thể giải thích được. Có vô số dẫn chứng chỉ ra điều đó, và sẽ trông có vẻ thật là ngu ngốc nếu cứ mù quáng tin tưởng vào Thánh Thần dẫu cho ở thời điểm hiện tại, con người đã phơi bày gần hết toàn bộ sự thực về thế giới.

—Tôi đã viết phân đoạn đầu với những hàm ý như vậy, nhưng sau đó lại chóng phản bác lại chính luận điểm mà tôi đã đưa ra bằng một góc nhìn khác, trình bày về một phương diện nơi thế giới cũng tồn tại những thực thể siêu nhiên, nhưng siêu việt hơn và hoàn toàn vượt ngoài thường thức của trí tưởng tượng con người. 

“Sẽ ra sao nếu logic của chúng ta không thực sự giải quyết được toàn bộ những vấn đề xảy ra trong vũ trụ này?”

“Sẽ ra sao nếu như chúng ta chỉ thêu dệt nên những truyền thuyết bởi đó là cách thức duy nhất mà tâm trí ta có thể tiếp nhận những sự tượng ấy?”

“Và sẽ ra sao, nếu như các vị Thần thực sự tồn tại, dưới một cách thức khác, với một bản chất khác, và họ không phải là những vị Thần nhân hậu như những gì ta đã tưởng tượng?”

Đây là vài ba câu hỏi đã liên tục được nhắc đến và cố gắng trả lời bởi tôi, một chủ đề hoàn toàn mới với những phương thức suy nghĩ hoàn toàn tách biệt. 

Với điểm ngoặt này, tôi tin rằng những điều phía sau ấy chính là nguyên nhân khiến giáo sư Wenger gọi tôi đến.  

—Và quả thực vậy. Với sự phấn khích cứ tăng lên từng chút một trong suốt buổi chiêu ấy kể từ lúc nhận được tin, tôi đã đến điểm hẹn vào lúc năm giờ ba mươi hai phút, tức là sớm hơn giờ hẹn của chúng tôi gần nửa tiếng đồng hồ; tuy nhiên, người thủ thư đã nhanh chóng nhắc nhở tôi rằng giáo sư Wenger đang chờ tôi ở khu nghiên cứu học thuật, và rằng ông ấy đã ngồi ở đó suốt từ tối hôm qua để nghiên cứu.  

Khi tiến lại gần nơi ông ấy đang chờ, tôi đã bất ngờ khi thấy giáo sư đang bận bịu rà soát từng dòng chữ trong cuốn ‘The Ancient Near East’ của James B. Pritchard, và bên cạnh đó là một loạt ngổn ngang các cuốn sách học thuật về những thời đại xa xưa trên trái đất cùng một số những bản tường thuật về các cuộc thám hiểm thực địa trực tiếp. Mà trong số đó, tôi chỉ có thể loáng thoáng thấy được một vài cái tên như ‘The Cambridge Ancient History’ của Frank Adcock và Stanley Arthur Cook, ‘The Archeology of Palestine’ của W.F. Allbright, ‘The Art and Architecture of Ancient Egypt’ của W. Stevenson Smith, hay nổi bật nhất là cuốn ‘Rituals of the Octagram’ của Iserish V. Himber—thứ được mệnh danh là tà thư kể về góc khuất của những mảnh cổ sử.

Tiếng lẩm bẩm vang lên liên tục, xen kẽ cùng với tiếng lật sách, và đôi lúc là tiếng bút viết nhanh chóng; giáo sư có vẻ đang mải mê đối chiếu các thông tin trong những cuốn sách, và sự chăm chú của ông ấy mạnh mẽ đến mức ông chẳng thể nghe được những tiếng gọi của tôi. Khi nhận thấy mình có thể đang làm phiền sự hăng say của giáo sư, tôi không tiếp tục gọi nữa, và kiên nhẫn ngồi chờ ở một bên thêm tầm hai mươi phút nữa cho đến khi ông ấy phải ngừng lại vì mệt mỏi.

Thầy Wenger ngồi bệt ra trên chiếc ghế gỗ, thở những hơi dài nặng nhọc với một tay đang liên tục xoa nhẹ vào hai bên thái dương; tôi đã thấy những vết nhăn đã hằn rõ trên khuôn mặt ấy, và sự mệt lử đã trùm lên cả thân thể, nhưng sự phấn khích và có phần 'điên cuồng' trong đôi mắt sáng như đuốc của ông ấy vẫn hiện ra một cách vô cùng rõ ràng. 

Và khi đôi mắt xanh biển của ông ấy nhìn thấy tôi ngồi phía đối diện, ông đã ngạc nhiên và thốt lên “Ồ, Chris đấy à. Em đến từ khi nào vậy?”—“Xin lỗi nếu đã phải để em chờ lâu, thầy đã mải nghiên cứu quá.” giáo sư bổ sung thêm. 

“Em chỉ vừa mới đến đây thôi thưa thầy.” Tôi đáp, trong khi mắt vẫn nhìn chăm chú vào những dòng nguệch ngoạc trong bản bút ký của thầy ấy.

Đó là một loạt các dòng chữ kỳ lạ và những nét gạch xóa liên tục, những ký tự như thể không thuộc bất kỳ một nên văn minh nào trên hành tinh này. Chúng ngoằn ngoèo, uốn lượn với hàng chục nét chồng lên nhau để tạo thành những thứ như một bức tranh nhỏ kỳ quặc, cực kỳ khó để nhận dạng và cũng hiếm ai có thể liên tưởng tới chúng như là một ngôn ngữ thực sự để giao tiếp. Nhưng tôi nhận ra nó—đó là hệ chữ Ulqthe đã được đề cập trong cuốn “Rituals of the Octagram”.

Không có nhiều thông tin thực sự có độ tin cậy cao xoay quanh hệ chữ này ngoài một điều chắc chắn là niên đại của nó lớn hơn bất kể những loại ngôn ngữ cổ nào khác mà con người ta đã phát hiện ra cho đến hiện tại, nhưng nhiều nhà ngôn ngữ học và khảo cổ học nổi tiếng đã đồng ý rằng những người dân du mục trải dài quanh khu vực Lưỡng Hà và Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng hơn mười hai ngàn năm trước đã sử dụng nó. Không có thêm một lời giải thích nào được đưa ra và điều đó đến bây giờ vẫn còn là một ẩn số, nhưng tôi đã nghe nói loáng thoáng rằng họ tin đó là tiền thân của ngôn ngữ Sumerian cổ đại, và những chữ cái Ả Rập cũng bắt nguồn từ nó. Một số người còn cho rằng đó là dấu hiệu cho việc các truyền thuyết về Lục Địa Mu hay Atlantis là thực sự có thật—và rằng trái đất đã từng tồn tại những nền văn minh bậc cao của con người, hoặc của một chủng tộc giống người từ hàng ngàn vạn năm về trước.

Trong cuốn “Rituals of the Octagram”, Iserish V. Himber—một nhà khảo cổ học có tiếng vào đầu thế kỷ XVIII, đã trình bày sơ lược về hệ chữ Ulqthe ở phần đầu tiên, và sau đó là một cách dịch thô sơ giúp ta có thể chuyển đổi những ký tự dị lạ ấy qua tiếng Anh. Và trong phần còn lại của cuốn sách, Iserish đã đi thực nghiệm tới hầu hết những nơi có tồn tại các vết tích của hệ chữ ấy và tiến hành phiên dịch—mà phần lớn trong số đó là từ Gobekli Tepe, công trình kiến trúc lâu đời nhất của nhân loại cho đến hiện tại. 

Theo như những gì Iserish viết, có vẻ như những người dân ở đó đã từng sử dụng hệ chữ này để làm các bài thờ cúng cũng như một số các nghi thức mai táng khác.

Tuy nhiên, điều khiến các văn bản này không được chấp nhận rộng rãi là vì phần nào Iserish đã tự tiện chắp vá cho những mảng ký tự cổ đã bị phá hủy bởi thời gian, với hơn phân nửa trong số đó đều là do ông ấy tự biên soạn ra, như chính những gì ông ấy thừa nhận—mặc dù Iserish cũng đã nhiều lần tuyên bố rằng những gì mình viết hoàn toàn là sự thực, nhưng hiển nhiên là không có quá nhiều người tin vào điều đó và cũng không có cơ sở để tin.

Cuối cùng, cuốn “Rituals of the Octagram” đã chìm vào dĩ váng cùng với sự biến mất đầy bí ẩn và đột ngột của Iserish không lâu sau khi ông công bố thành quả của mình ra bên ngoài thế giới. Không còn nhiều người để tâm tới câu chuyện ấy ngoại trừ những học giả mê tín, nhưng chính họ rồi cũng sẽ phải sớm từ bỏ việc theo đuổi nó thôi; bởi cuốn tà thư ấy chỉ được in thành ba bản duy nhất và đã sớm được bảo quản một cách chặt chẽ bởi Đại Học Cambridge, Đại Học Havard và Bảo Tàng Louvre, điều mà tôi cũng không rõ nguyên do đằng sau.

Và vậy là giáo sư Wenger đã sử dụng những kiến thức được ghi chép trong cuốn tà thư của Iserish với mục đích là trụ cột của cuộc nghiên cứu, sử dụng nó như là một cái khung để hàn gắn với những mảnh ghép từ những cuốc sách khác với độ tin cậy lớn hơn. Điều này xem ra khá thuận lợi cho tôi, bởi bài luận văn mà tôi viết cũng đã tham khảo ít nhiều từ cuốn sách ấy—sau khi tốn mất ba tháng để đơn xin được đọc qua cuốn sách ấy được phê duyệt bởi Thầy Hiệu Trưởng—thế nên công việc mà giáo sư đang làm hiện tại chính là lần mò và kiểm tra lại những thông tin cần thiết trước khi đi sâu vào việc bàn luận về phần còn lại trong luận văn kia.

Khép lại dòng suy nghĩ thoáng qua về cuốn sách, tôi ngước lên, đối mặt với đôi mắt sáng của giáo sư Wenger và nói bằng một giọng phấn khích:

“Thật ngạc nhiên là thầy đã dành nhiều công sức như vậy để đối chiếu các nguồn thông tin với bài luận văn của em. Vậy là thầy cũng thấy đây là một vấn đề đáng để bàn luận?”

“Ồ, quả thực thế. Phải công nhận là cách trình bày của em và góc nhìn mà em nêu ra thực sự rất mới lạ, cách thức phân tích cũng được tường thuật bằng một giọng văn hết sức chân thực, Christoph ạ. 

Bỏ qua những lời mở đầu ở mục thứ nhất mà thầy đã biết rất rõ mục đích của em là gì; thì khi đọc những dòng đầu tiên trong mục thứ hai, nếu như không phải thầy biết người viết những lời này là em thì có lẽ cảm tưởng trước nhất của thầy sẽ là một bài luận hết sức chau chuốt của một tín đồ dị giáo nào đó, rất có sự lôi kéo và tính thuyết phục một cách vô thức. Tuy nhiên, chính em cũng đã thể hiện được sự khác biệt của mình khi đưa ra những phần luận điểm và phân tích vào sâu trong các bằng chứng khảo cổ về những nghi thức thờ cúng trước kia.” Giáo sư Wenger khen ngợi, tỏ vẻ công nhận những điều mà tôi nói.

—Đúng vậy, những trích dẫn từ các văn bản cổ cùng các bằng chứng khảo cổ học về những hình vẽ điêu khắc từ Tas Tepeler hay Catalhoyuk đã đóng vai trò là dẫn chứng cho tôi; bởi đã có nhiều những hình ảnh kỳ lạ hoặc những đoạn cổ văn khắc họa về các sinh vật không sở hữu bất kỳ một hình dạng nào phổ thông như những gì mà chúng ta đã biết, hoặc là những nghi lễ khó hiểu của người xưa mà Iserish đã đưa ra rất nhiều trong cuốn “Rituals of the Octagram”. Và thay vì bác bỏ chúng như những ‘hoa văn trang trí’ hoặc kết luận hẳn chúng là các 'tư tưởng siêu hình không thể giải thích' bởi người dân thời ấy; tôi đã coi chúng là cơ sở để giải thích một hệ thống các sinh thể kỳ dị và vĩ mô vô cùng thay thế hoàn toàn cho các vị thần mà chúng ta vẫn hằng quen thuộc, coi chúng như là những hình hài 'phi vật lí' được tạo ra bởi những thứ thực sự nhưng ‘không thể tiếp cận được’ bởi một trí tuệ bị giới hạn bởi các chiều không-thời gian hay những quy luật vật lí thông thường của chúng ta. 

Mắt ta thấy chúng quái dị như thế nào là bởi bộ não của chúng ta chỉ được thiết kế để có thể xử lý được cái hình đại diện ảo mà các vị thần ấy tạo nên theo chiều hướng đó, bởi lẽ bản chất của họ dù có được thu nhỏ lại bao nhiêu lần thì nó vẫn luôn nằm ngoài khả năng nhận thức của con người— 

“Vậy thầy thấy phần liên kết chúng với những ‘giấc mơ không thể giải thích’ mà nhiều người vẫn hay gặp phải vào ban đêm thì sao ạ?” Tôi hỏi tiếp.

Bấy giờ giáo sư Wenger đã lấy ra phần luận văn của tôi từ một bên, thầy mở ra mục thứ hai, và nhìn tiếp về phía dưới nơi tôi liên hệ rộng ra thêm những vấn đề. 

Thầy ấy đọc lướt qua nó một lần nữa, rồi trả lời:

“Nó là một điều rất đáng để lưu ý. Mặc dù khoa học chúng ta đã có thể giải mã ra cách thức vận động của những giấc mơ—đặc biệt là những khung cảnh bỗng nhảy ra trong giấc ngủ mà không có bất kỳ liên hệ nào với chúng ta khi ấy, nhưng rõ ràng là ta vẫn chưa thể đào sâu hơn vào những nguồn chịu trách nghiệm giải phóng cho các bộ phận hình ảnh mà chúng ta bắt gặp. Đó có thể là một sự liên hệ sâu sắc giữa những suy nghĩ của nhận thức, với bản năng của tiềm thức và sự thêu dệt trong vô thức, hoặc thậm chí xa hơn như trường hợp mà thầy đã nêu trước đó; nhưng rõ là chúng ta vẫn chưa thể kết luận về chúng hoàn toàn.

—Tuy nhiên...thầy vẫn chưa hiểu tại sao em lại liên hệ 'những giấc mơ' với mô hình hệ thống mà em đã đề ra? 

Bởi lẽ em biết đấy, mặc dù em đã đưa ra những bài phỏng vấn với không dưới hai mươi trường hợp về những 'giấc mơ phi thực tế', lí giải nó như những ảo ảnh vô hình đã phản chiếu nhiều thực tại và cách thức vận động của nhiều vũ trụ với những hằng số vật lý lẫn các cấu trúc không-thời gian khác so với cái của chúng ta. Và em cho rằng chúng được phản chiếu một cách vô thức thông qua các giấc mơ, những nỗi ác mộng hay đôi ba suy nghĩ bất chợt của con người. 

Nhưng động lực đằng sau nó là gì? Điều mà thầy thắc mắc chính là nguyên do cho những liên hệ của em.”

Bầu không khí bỗng chốc ngưng đọng lại trước câu hỏi của giáo sư, chỉ còn tiếng hít thở đều đều của chúng tôi. 

Tôi đã tiên liệu trước việc giáo sư Wenger sẽ hỏi điều này, đó là lí do tôi đã nhờ ông ấy xem xét chứ không phải là một người nào khác. Tôi cần biết được ai là người mình nên tin tưởng, và ai là người có thể thực sự đưa ra những lời đánh giá hữu ích. Trong trường hợp đó, với sự suy xét thật kỹ càng, tôi tin giáo sư Stephen J. Wenger là người tuyệt vời nhất, không chỉ bởi vì ông ấy là một trong những người thông thái nhất mà tôi biết, mà còn là một người theo chủ nghĩa vô thần, luôn là bên trung lập và không vội phán xét bất kỳ vấn đề nào.

Khi đã lần nữa chắc chắn về lựa chọn của mình, tôi đã đưa ra câu trả lời.

Với một giọng trầm thấp hơn hẳn, hiện ra rõ cái vẻ nghiêm túc nhưng cũng đồng thời có chút ghê rợn; tôi xích người lại gần giáo sư, cúi thấp người xuống và nói: 

“Vâng thưa thầy, em hoàn toàn có nguyên do để liên hệ chúng với nhau, bởi chính em đã bị ám ảnh bởi những giấc mơ như vậy nhiều hơn ai hết. Em sẽ kể lại cho thầy về chúng, và em cũng mong thầy biết rằng, những điều sau đây mà em nói hoàn toàn là sự thực...”

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận