Tập 01: Đại Kim bên bờ diệt vong
Chương 02: Quá khứ anh hùng trẻ
4 Bình luận - Độ dài: 3,379 từ - Cập nhật:
Chúng ta hãy cùng lội ngược trở về bảy năm trước đó, khi trận chiến giữa Mông Cổ và Đại Kim vẫn còn ở thời kì gay gắt, chưa rõ thắng bại.
Hoàn Thừa Lân là người con duy nhất của đại tướng quân Hoàn Thừa Ngạn, trước từng đóng quân bên kia Vạn Lý Trường Thành, cùng Hồ Sa Hổ chiến đấu vô cùng ác liệt với Mông Cổ, lập nhiều công trạng. Thành Cát Tư Hãn đích thân mang đại quân tới Trung Đô, gặp quân của Thừa Ngạn bố trí dày đặc, hàng lối chỉnh tề, không phá được mà than, “Vách thành sừng sững như vách núi, trải dài đến tận đường chân trời. Quân Kim đông như kiến cỏ, vô số vũ khí hạng nặng, gươm giáo sáng loà. Quân ta như bị lọt thỏm vào biển người, trận này nếu cố sức đánh chỉ có thiệt hại mà thôi.” Dứt lời thì rút quân, kinh đô Yến Kinh mới tạm yên ổn.
Chẳng may Thừa Ngạn bị Hồ Sa Hổ e sợ mình cậy công lũng đoạn triều chính, nên tước binh quyền, đuổi về Liêu Dương. Chính sau đó Hồ Sa Hổ bị Thủ Trung nghi ngời, áp bức, ép mang một đội tiên phong tử chiến với Thành Cát Tư Hãn, chẳng khác gì tự sát. Hồ Sa Hổ chết rồi, quân Kim không còn tướng tài, Mộc Hoa Lê đánh một trận tan tác. Âu cũng là lẽ trớ trêu.
Thừa Lân lọt lòng đúng tết Đoan Ngọ, trong sân vườn nhà Thừa Ngạn có cây bạch dương nhỏ bỗng cao lên vài trượng. Thừa Ngạn mời pháp sư đến xem điềm lạ này tức là làm sao. Pháp sư nói, “Đây ắt hẳn là điềm lành, cậu quý tử nhà đại quan được ban phước lành từ thần linh.” Thừa Ngạn cả mừng, liền gọi vợ cả của mình vào trong, trong mặc áo lụa, ngoài mặc áo da hươu, tóc chít vải tím, cổ đeo vòng nanh rắn, theo đúng tập tục làm lễ cảm tạ thần linh. Thừa Lân lên một tuổi đã nói sõi, lên năm tuổi đã tập đánh trận giả, ở trong nhà thường tay cầm kiếm gỗ, sai gia nhân giả bộ làm quân Mông, đuổi đánh khắp nhà, Thừa Ngạn thấy ưng thuận vô cùng, mới mời đại kiếm sư A Hạp Lợp về truyền thụ kiếm giáo. A Hạp Lợp thấy Thừa Lân tuy dáng người mảnh khảnh nhưng tâm pháp vô cùng uyển chuyển, liền khuyên Thừa Ngạn đưa con trai lên duyên hải Hồ Lý Cải lạnh lẽo xa xôi, thỉnh cầu lão sư Ni Kham Gia Tịnh để học Hạc Kiếm pháp. Khi ấy, Thừa Lân mới mười hai tuổi.
Vợ cả của Thừa Ngạn, cũng tức mẹ Thừa Lân, thấy con thân hình mảnh mai như liễu, da trắng môi đỏ, phải lên miền viễn Bắc lạnh lẽo thì thương tiếc vô cùng, một mực khuyên con ở nhà. Thừa Ngạn cũng nói, “Lần này ta không thể đi với con. Con đi một mình lên phương Bắc, ban ngày mặt trời chẳng chiếu sáng, ban đêm tuyết dày quá khuỷu chân, con thì tay chân gầy nhom như con hươu con, chưa chắc đã chịu được cái lạnh. Chi bằng hãy cứ ở đây, vài năm nữa thân thể cường tráng, đi cũng chẳng muộn.”
Thừa Lân đáp, “Bẩm thưa cha, Khả hãn đã tràn quân tiến sát Vạn Lý Trường Thành, chính cha ở đó tận mắt chứng kiến. Khả hãn hung bạo, lòng tham vô đáy, giờ còn nhăm nhe chiếm lấy kinh đô. Chuyến này con phải đi, đi để còn về kịp góp chút sức mọn đánh đuổi lũ giặc. Nếu con ở đây, đợi tới khi thân thủ cứng cáp thì quốc gia khéo cũng chẳng còn.”
Thừa Ngạn thấy phải, không cản con nữa, bèn cử người nhà tập hợp thành một đoàn hai chục người cùng một viên gia tướng đi cùng. Thừa Lân xin phép chỉ mang theo một đoàn ba người, Thừa Ngạn cũng phải chiều ý con. Thừa Lân lên tới vùng duyên hải thì Ni Kham Gia Tịnh không tiếp. Thừa Lân quỳ rạp trước cửa nhà Gia Tịnh ba ngày ba đêm, tuyết rơi kín đầu cũng không di dịch. Gia Tịnh thấy lạ lùng, bèn sai con trai là Gia Khảm ra đuổi đi.
Gia Khảm nói, “Kiếm pháp họ Ni Kham không truyền cho người ngoài. Xin cậu hãy đi cho.”
Thừa Lân đáp, “Vó ngựa Mông Cổ đã tới kinh đô, đây là chuyện cấp bách. Nếu họ Ni Kham không định ra tay cứu giúp thì ít nhất hãy giúp ta một tay.”
“Chuyện trong thiên hạ hãy để thiên hạ tự giải quyết, bọn ta không can thiết.”
“Nếu như quân Mông Cổ tới tràn tới nhà các người, bằm xác con nhỏ của các người, hãm hiếp vợ các người, lúc đó kiếm pháp các người không những phải dùng đến, mà còn bị ép truyền thụ lại cho chúng nó. Các người muốn vậy sao?”
Gia Khảm thấy lời lẽ hùng hồn, muốn phản biện cũng không cam tâm, bèn đáp. “Để ta vào nói chuyện với cha ta.”
Gia Khảm vào trong một hồi. Khi trở ra, Khảm chỉ gật đầu một cái, khoát tay ra hiệu cho Thừa Lân vào trong. Thừa Lân cả mừng, chắp tay cảm tạ một hồi rồi mới bước vào.
Hạc Kiếm pháp ung dung, uyển chuyển, kiếm khí như sương tuyết, đối với bộ kĩ năng của Thừa Lân thì lại vô cùng phù hợp. Kiếm pháp mà Gia Khảm học trong hàng chục năm, Thừa Lân chỉ mất năm năm để thấm nhuần. Chỉ có điều là cơ thể vẫn chưa cao lớn hơn là bao, và quan trọng hơn cả là nội công vẫn chưa thể khai mở. Đã nhiều lần Thừa Lân sốt ruột hỏi sư phụ làm thế nào để khai mở nội công, sức một địch mười như cha là Thừa Ngạn, nhưng Gia Khảm chỉ đơn giản đáp, “Cứ để thuận theo tự nhiên. Nếu con gượng ép vận nội công thì e rằng khi có phản ứng tiêu cực, thân thể của con sẽ không chịu được.”
Thế nên chàng mới kiên nhẫn chờ đợi, chỉ nhập tâm vào cải thiện kiếm thuật. Tuy nhiên, khi kiếm đạo chưa đạt tới cực hạn thì tin dữ là Yên Kinh thất thủ tới tai. Thừa Lân vội từ biệt sư phụ mà trở về miền Nam.
Trước khi đi, Gia Tịnh gửi gắm cho Thừa Lân một cuốn sách mỏng, trong đó ghi Hàn Cầm Kiếm Phổ. Gia Tịnh khuyên nhủ, “Trong đây chính là tất cả tinh hoa chiêu thức của Hạc Kiếm pháp, ta chưa bao giờ truyền thụ lại cho ai, kể cả Gia Khảm. Nay ta không còn có thể truyền dạy cho con, nên con hãy đọc lấy, nếu tự ngộ ra được thì con chính là có tư chất, còn không được thì kiếm thuật cũng sẽ chỉ tới đó mà thôi.”
Nói đặng, lại truyền lại cho Thừa Lân thanh Không Ngưng Kiếm. Đốc kiếm dài gần ba thước, lưỡi kiếm mảnh mà sắc lẹm, phản quang sắc trời xanh dương biêng biếc. Thừa Lân cầm kiếm lên, thanh kiếm tưởng nhẹ mà nặng không tưởng, chuôi kiếm lại khảm gỗ bạch dương sần sùi, kể cả cầm hai tay vẫn thấy khó chịu. Thừa Lân vốn nhỏ người, vừa cầm kiếm vừa cưỡi ngựa chắc chắn không thể sử dụng dễ dàng. Gia Tịnh nhìn nét mặt của đồ đệ, biết ý mà nói, “Kiếm thuật không chỉ nằm ở sức mạnh thể chất, mà còn ở nội lực khai mở được tới đâu. Khi nào một tay con đốc ngựa, tay kia múa được kiếm, ấy mới là vận dụng được nội công.”
Thừa Lân hiểu ý sư phụ, nhưng vẫn chưa biết làm thế nào để lĩnh hội. Nhưng thời gian quá cấp bách, đành phải từ tạ mà rời đi, một mình một ngựa một mạch về Liêu Dương đoàn tụ với gia đình.
Trên đường đi, Thừa Lân cứ có phút nào nghỉ ngơi là lại mang sách ra đọc, vừa đọc vừa luyện kiếm pháp theo chỉ dẫn. Tuy nhiên, Không Ngưng Kiếm thì khó điều khiển, chiêu thức thì không cho phép dùng hai tay, Thừa Lân không thể thoải mái ra chiêu. Sử dụng đoản kiếm thông thường thì lại không cảm thấy chút sát thương nào. Thừa Lân trong lòng không vui, nhưng tự dặn mình không được nản lòng. “Từ giờ về tới Liêu Dương, vẫn còn cả một tuần đường. Tới đó thế nào cũng lĩnh hội được chút ít,” Thừa Lân nhẩm trong đầu.
Nhưng khi vừa mới vượt qua núi Điệu Binh, tới gần ải Thiết Lĩnh, Thừa Lân không còn thấy cờ nước Kim treo lên nữa. Chỉ thấy xác chết la liệt bên đường, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Thừa Lân cẩn trọng men đường núi đi thêm một dặm nữa thì thấy một trại lính ở xa, cắm cờ nheo hình tam giác, mép đỏ răng cưa bao bọc lấy màu xanh bên trong. Khi đó, Thừa Lân mới nhận ra một sự thật kinh hoàng.
Cả Liêu châu đều đã rơi vào tay Mông Cổ.
Trầm tư một hồi, chàng thanh niên cho rằng gia đình mình đã di tản về Hà Bắc. Muốn xuống Nam, nếu không vượt qua trại lính này thì phải đi đường vòng ven biển, sẽ mất thêm tối thiểu hai tuần trời. Nhưng bất tiện thế nào cũng phải cắn răng chịu. Thừa Lân biết chắc chỉ một mình mình chưa chắc đã địch được ba kỵ binh Mông Cổ, chứ chưa nói đến việc san bằng được cả trại, bèn lui sâu vào cánh rừng thông ven núi ẩn nấp.
Vừa mới xuống ngựa ngồi nghỉ bên gốc thông, Thừa Lân đã nghe tiếng động sột soạt bên tai. Chàng lập tức cầm đoản đao bật dậy, xem xét xung quanh, nhưng không thấy một bóng người nào. Chỉ khi nhìn lên trên, mới nhận ra một đôi mắt lấp ló sau rặng lá kim, chăm chăm nhìn mình.
Nhảy xuống từ trên cành cây cao chục thước là một người đàn ông lạ mặt. Người này thân hình vạm vỡ như hổ, cầu vai rộng như gấu, mắt tựa diều hâu, râu rậm dài xuống ngực, thân hình vững chãi như đá tảng, đứng trước mặt Thừa Lân mà như che phủ mặt trời, nhưng khi tiếp đất thì tuyệt nhiên không gây ra một tiếng động. Chỉ một chi tiết đó thôi, Thừa Lân cũng nhận ra đây phải là hạng cao thủ. Nếu không phải hắn mặc áo choàng da hươu, tay lăm lăm đoản kiếm đính lông đỏ của người Nữ Chân, thì Thừa Lân đã một phen khốn đốn rồi.
Kẻ lạ mặt phủi tuyết khỏi áo, “Giác quan cũng bén nhạy đó, nhưng tại sao lại bất cẩn thế?” Thừa Lân chưa kịp đáp thì kẻ đó đã tiếp lời. “Trại giặc cách đây chưa đầy một dặm, ngươi vẫn còn ngồi đây rung đùi, lại còn dắt cả ngựa theo, tiếng kêu lộc cộc khắp rừng đều nghe thấy, chẳng lẽ là chán sống rồi sao?”
Thừa Lân cung kính chào hỏi, xưng tên tuổi và lí do tới Thiết Lĩnh. Kẻ lạ mặt đáp, “Ta đã nghe tới danh Đại tướng quân, nhưng không ngờ lại gặp con trai danh tướng ở đây. Ta tên Ô Di Hà, người dòng dõi Ô Di tộc Dã Nhân. Nay Hung Nô xâm phạm vào bờ cõi tổ tiên, tàn sát hết các anh em của ta rồi.” Nói rồi, Ô Di Hà nắm chặt nắm đấm, răng nghiến lại, mắt long sòng sọc. “Già, trẻ, lớn, bé, chúng giết sạch. Em trai ta cũng bị chúng đâm chết; ta ngay sau lưng mà không sao ngăn cản. Ta cùng hai mươi tám vị huynh đệ chạy thoát khỏi đại quân, rút lên Điệu Binh Sơn, tổ chức mai phục. Ngày bọn ta ẩn nấp, cứ đêm bọn ta tập kích, quấy rầy không cho chúng ngơi nghỉ. Giờ chúng chỉ còn vài trại nhỏ ở Thiết Lĩnh thôi, ta liệu sức mình có thể giải quyết. Thanh niên trẻ đây muốn đánh giặc, chúng ta cùng chung chí hướng, chi bằng hãy giúp chúng ta một tay.”
“Tôi là đệ tử lão sư Ni Kham, nhưng quả thực kiếm pháp còn nhiều thiếu sót, không biết có giúp gì cho anh được không?”
“Nếu lão sư đã truyền lại thần khí cho cậu, hẳn tư chất cũng không phải tồi.” Ô Di Hà liếc nhìn thanh Không Ngưng Kiếm sau lưng Thừa Lân. “Nhưng cậu đã biết sử dụng nó chưa?”
“Quả thực, tôi vẫn chưa biết.”
“Ta không biết môn phái cậu theo học, nhưng nếu cậu muốn khai mở nội lực, ta có thể chỉ dạy.”
Thừa Lân lấy làm kinh ngạc. Cậu chưa nói gì với Ô Di Hà rằng cậu chưa khai mở được nội lực, nhưng chỉ nói chuyện có một chút mà họ Ô Di đã tự biết. Cậu đáp, “Nếu được vậy thì tốt quá.”
Ô Di Hà ra hiệu cho Thừa Lân lên ngựa, dặn bước lên tuyết đi có chậm hơn nhưng sẽ không ồn ào. Nói rồi thi triển khinh công, di chuyển từ ngọn cây này sang ngọn cây khác, tốc độ vượt trội so với Thừa Lân trên lưng ngựa, nhưng tuyệt nhiên không gây ra tiếng động gì. Thừa Lân lấy làm phục.
Di chuyển không lâu thì họ tới trại của người Kim, lưng nép vào quả núi, trước mặt nhìn ra sình lầy. Ngựa của Thừa Lân không di chuyển được, chàng đành phải xuống ngựa dắt bộ lội qua. Sình lầy phía dưới thì bùn ngập tới mắt cá chân, toàn những cây cỏ tùm lum bao bọc, phía trên lại toàn cây rủ lá xuống tận mặt bùn, trông thật gớm ghiếc. Bình thường không có chiến sự sẽ chẳng ai ở đây cả, nhưng đang nước sôi lửa bỏng, nếu có bị tấn công thì đường vào trại vừa hẹp vừa khó đi, kẻ địch quân số đông tới bao nhiêu cũng gặp bất lợi.
Ô Di Hà giới thiệu Thừa Lân tới các vị huynh đệ. Họ Ô Di nói khi mới tới sình lầy thì có tổng cộng hai mươi tám người, nhưng Thừa Lân chỉ thấy có hai mươi hai. Chàng không muốn biết số phận của sáu người kia ra sao rồi.
Người Thiết Lĩnh phần lớn đều từ tộc Dã Nhân, thân thể họ đồ sộ, ai cũng đều cao tối thiểu hơn Thừa Lân một cái đầu, sức vóc mỗi người phải bằng hai thanh niên bình thường hợp lại. Thừa Lân chào họ một lượt, đi tới người thứ tám—kẻ với cặp lông mày rậm như hổ và chiếc mũ lông da sói trên đầu—thì bị hắn siết chặt tới cánh tay, tới mức chàng thấy đau nhức.
“Ngươi kiếm đâu ra thanh kiếm đó?” Hắn hục hặc hỏi.
“Sư phụ tôi là Ni Kham Gia Tịnh truyền lại cho tôi,” Thừa Lân đáp.
“Thằng nhãi con dối trá! Ô Di Đạo ta đây nửa đời tầm sư học võ đạo, lọ mọ lên Hồ Lý Cải thỉnh sư không dưới ba lần, chưa bao giờ được chấp thuận. Ngươi gầy như nhành cây khô, ta bẻ một cái là gãy làm đôi, mà dám vỗ ngực tự nhận mình là đệ tử Ni Kham?” Nói rồi, hắn mới quay sang xung quanh mà lớn tiếng, “Tên nhãi con này là kẻ ăn cắp! Cái việc hắn nói hắn là dòng dõi vua Kim, ắt cũng là lời dối trá nốt. Bây giờ nhân lúc tất cả anh em đều ở đây, ta sẽ cho hắn lộ bộ mặt thật.”
Trong đám đông huynh đệ xung quanh có tiếng xì xào bàn tán.
Nói rồi, hắn rút ra một cây đoản kiếm, sừng sững đứng trước mặt Thừa Lân. “Ta và ngươi tỉ thí ngay bây giờ. Nếu ngươi trụ nổi năm hiệp, ta sẽ rút lại lời ta nói. Còn nếu không, ta sẽ tước thanh kiếm báu của ngươi khỏi tay ngươi.”
Ô Di Hà quát, “Em họ ta cấm có vô lễ!”
Ô Di Đạo nạt lại, “Nếu không vì ta đang cần người thì em đã đập chết thằng nhãi con này ngay tại đây rồi. Nếu hắn ta thực sự là đồ đệ Ni Kham, hắn không có gì phải sợ cả. Chẳng phải anh cũng muốn biết sao?” Rồi lại quay ra Thừa Lân. “Ngươi sợ rồi chứ gì? Hãy ngoan ngoãn giao nộp thanh kiếm ra đây, và ta sẽ chỉ đánh ngươi bầm tím thôi chứ chưa tới nỗi chết. Dù gì thì ngươi cũng không vung nổi thanh kiếm đó đâu.”
Thừa Lân nhắm mắt, hít một hơi thật sâu. Khi cậu mở mắt, cậu rút thanh Không Ngưng Kiếm ra. Thanh kiếm đi trong không khí, kêu vút một tiếng gọn gàng.
“Ta đồng ý tỉ thí,” cậu đáp.
1. Hạc kiếm pháp: Hạc kiếm pháp, hay còn gọi là Ni Kham Gia Hạc Kiếm, là kiếm thuật gia truyền của Ni Kham gia. Kiếm thuật này chú trọng vào sự biến ảo, uyển chuyển, và vô định của đường kiếm. Kiếm nhân tập trung vào sự mềm mại nhiều hơn sự cứng rắn, những bước di chuyển cần phải thật nhịp nhàng để mở ra cơ hội tấn công, đường kiếm thay đổi đột ngột thường xuyên, hai chân cần chú trọng nhanh lẹ và thân thể cần dẻo dai. Dòng dõi Ni Kham vốn không phải tộc Dã Nhân, nhưng vì bất mãn với chính sách bành trướng xuống phương Nam của các triều vua Kim nên di cư lên miền viễn Bắc. Ni Kham Gia Đồng, tức cha đẻ của lão sư Ni Kham Gia Tịnh, thành danh vào thời kì hoàng kim của Kim quốc, ngay cả khi cao thủ Kim quốc nhan nhản như kê ngoài đồng vẫn đứng trong hàng thập đại tuyệt nhân, có kẻ đồn đại đã đột phá cảnh giới thứ năm trước khi khước từ giao du với triều đình, trở về hùng bá một cõi Hồ Lý Cải. Về sau Gia Tịnh không kế thừa được toàn bộ tinh hoa của Gia Đồng, tuy vậy cũng kịp lưu giữ Hàn Cầm Kiếm Phổ, trong đó có đầy đủ hướng dẫn luyện chiêu thức Hạc kiếm pháp lên tới thức cuối cùng. Có những chiêu thức trong quyển sách chỉ những kẻ phải đạt nội công ít nhất tứ tầng trung cấp mới có thể luyện được, vậy nên hiện tại không còn truyền lại trong giang hồ.
2. Không Ngưng Kiếm: Không Ngưng Kiếm là một thanh kiếm lưỡi mảnh làm từ sắt nặng, có lõi bạch kim được luyện thành trong dung nham hàng chục năm, nặng tới trăm cân, vô cùng khó sử dụng. Khi kẻ sử dụng có thể truyền nội công vào thần khí, Không Ngưng Kiếm trở nên nhẹ hơn tương đối, dù vẫn gây ra nhiều khó khăn cho kiếm nhân. Kẻ chưa biết dùng hay sử dụng kiếm để chém, nhưng Không Ngưng Kiếm được sinh ra dành cho việc đâm thẳng, ép chết đối thủ với sức nặng trăm cân của mình. Một thanh kiếm nặng như Không Ngưng Kiếm tưởng như khó bề dung hòa với Hạc kiếm pháp, nhưng do kẻ nội công càng thâm hậu kiếm càng nhẹ, lại thêm việc khi thanh kiếm va chạm với thanh kiếm khác, trọng lực từ nó truyền qua vũ khí của đối phương, lại có thể khiến đối phương nặng nề chậm chạp hơn. Kẻ thành thục Hạc kiếm pháp mà sử dụng Không Ngưng Kiếm, nếu kéo dài trận tỉ thí lâu, sẽ có thể khiến bản thân càng thanh thoát mà đối phương càng mệt mỏi.
4 Bình luận