• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 01: Đại Kim bên bờ diệt vong

Chương 01: Vua Kim mất nước

0 Bình luận - Độ dài: 4,973 từ - Cập nhật:

Phàm trong thiên hạ, việc giang sơn chuyển tay từ kẻ này sang kẻ khác không phải điều gì lạ lùng. Trung Nguyên, vốn cũng chia năm xẻ bảy chẳng biết bao lần, chẳng phải là ngoại lệ. Thời Tam Quốc Ngụy Thục Ngô phân tranh, sau khi Tư Mã Viêm thống nhất đất nước, lập ra nhà Tấn thì vì quá đỗi kinh sợ ngoại tộc mà để xảy ra nạn Bát Vương. Nước Tấn sụp đổ, toàn cõi lại chia ra tới chục phe phái, thủ tiêu lẫn nhau lập ra không biết bao nhiêu nước bé lắt nhắt. Các tộc người Hồ xâm nhập vào Trung Nguyên, các tiểu vương cũng mở cửa cho mà vào, trợ lực cho người Hán tự diệt người Hán. Để các tộc phương Bắc thâu tóm quyền lực trong Trung Nguyên, tội của Tư Mã Viêm ắt chẳng kém gì các vua Thập Lục Quốc cõng rắn cắn gà nhà.

Ngay cả khi triều Đường ở thời kì huy hoàng nhất, các tộc từ tận Hồi Hột xa xôi vẫn có quyền lực không hề nhỏ. Vì lẽ đó nên khi đất nước chia năm xẻ bảy, rồi lại về một mối lần nữa, Tống triều bạc nhược sao có thể ngăn các tộc người phía Bắc lộng hành? Triều Liêu lập ra, lấy đất của nhà Tống phương Bắc, dẫu lấy tập tục người Trung Nguyên, nhưng nguồn cội vẫn là người Khiết Đan. Đất Trung Nguyên mất vào tay Khiết Đan từ tận thời Tấn, thế nhưng nước Tống chẳng thể nào thu hồi, vậy là lại nhờ tộc Nữ Chân giúp đỡ. Nữ Chân lật đổ triều Liêu, lập nên nhà Kim, tự gọi mình là chính tộc Trung Nguyên, âu cũng chỉ là vòng quay của thế sự.

Vì lẽ đó mà, chưa đầy một trăm năm sau, tới lượt Kim triều—tự xưng chính tộc Trung Nguyên—đứng trước bờ vực diệt vong trước người Hung Nô phương Bắc.

Mầm mống diệt vong đã hiển hiện từ thời Tuyên Tông. Năm 1215, giặc Hung Nô bức bách tới tận kinh thành, vua phải bỏ Yến Kinh, dời đô về Biện Kinh; không bao lâu sau gần như toàn bộ Hà Bắc rơi vào tay người Mông. Hung Nô đánh tới đâu, vua Kim chạy tới đó. Trấn Bắc tướng quân Minh An tay trắng xin hàng, đốt đuốc trong đêm dẫn Hung Nô đánh cả vào Trung Đô. Cả vua cả tôi, không chạy thì phản quốc, không chút phản kháng, quan dân đều nhục nhã ê chề. Phải tới khi Mông Cổ nội tình rối ren, ngưng việc tiến quân, sự tình mới tạm lắng.

Ở phía Nam, nhà Tống khinh Kim chủ ra mặt. Vua Tống sai Trần Tường tới dâng sớ hạch tội vua Kim làm mất ba châu Trung Nguyên vào tay ngoại tộc, ngưng nộp thuế, vua Kim tức xua quân đánh cũng bị bọn Trần Tường, Mạnh Tông Chính đánh dẹp cả. Vốn vua có con trai thứ ba là Quang Tâm vương Thủ Tự nhã nhặn khôi ngô, được phò tá bởi mãnh tướng Hoàn Thừa Lân, nhưng Trang Hiến thái tử Hoàn Thủ Trung ghen ghét kiềm chế binh quyền, đuổi lên Hà Đông phòng Mông Cổ, lại cho bọn Ô Cổ Tóa bất tài cầm binh, thành ra đánh Trần Tường mười trận thua quá nửa.

Chiến sự ròng rã tám năm, Kim không phá nổi Tống, phải chiêu dụ cả đạo tặc Lý Toàn dẫn quân Hồng Áo mới đánh xuống được Dương Châu. Lý Toàn thân cao tám thước, tay cầm thương sắt trăm cân, sức khỏe dẫu vô địch nhưng lại là phường hữu dũng vô mưu, trúng kế mai phục bị quân Tống vằm thây thành trăm mảnh. Vua từ đó cũng không dám thảo phạt nữa, chỉ biết ngày nào cũng tới lui cung cấm, than ngắn thở dài, biết ngày mất nước chẳng còn xa.

Vua Kim mỗi lúc quá buồn rầu lại ngắm cảnh tại điện Đoản Đức. Khi nào vua ngự điện, Thủ Trung cũng đi theo dìu dắt. Vua Kim lần nào chán đàn hát thì chơi cờ với Thủ Trung, chán cờ thì ngồi câu cá, chán câu cá thì chăm chim cảnh, tới khi nào Thủ Trung chán cảnh hầu hạ mới kiếm cớ đuổi đi. Thủ Trung đi rồi, vua mới dám đuổi bọn tùy tùng ra, thở dài, ngồi sụp xuống ghế tràng kỷ mà lẩm bẩm, “bọn nghịch tử này lúc nào mới thôi kề dao vào cổ ta!”

Thủ Trung vốn con trưởng, theo lệ thì truyền ngôi, nhưng vua biết y hạng nịnh hót, ngày nào cũng cùng hội Ô Cổ Kinh và Toàn Tuân, vốn là dân du mục, không màng chính sự mà chăm chăm ca kịch thâu đêm suốt sáng, chỉ khi nào có vua cha thì mới giả bộ hỏi han chuyện triều chính. Nhưng ngặt nỗi khi vua bỏ cả áo mũ mà chạy khỏi Yến Kinh, chính Toàn Tuân nắm ấn tín của vua điều hành đội Cấm quân, khi vua về Biện Kinh cũng không thèm trả. Từ đó quyền hành về tay vây cánh Thái tử bằng sạch.

Năm ngoái con trai út mà vua Kim hết mực yêu thương là Chí vương Huyền Linh nhập cung thăm cha, đương dưng lại trúng độc chết. Vua kinh hãi, ngờ là Thủ Trung nhúng tay mà chẳng dám nói ra, chỉ biết cắn răng đợi tới lượt mình.

Con chim hoàng yến mà vua ưng cũng vừa bệnh chết; Thủ Trung lệnh thay chim khác cho vua. Con chim sẻ mới của vua màu nâu bẩn, vừa thấp bé vừa gầy, trong lồng không mấy động đậy, vua lấy rất làm sầu. Vua Kim ngồi đối mặt chim sẻ, thở dài đườn đượt mà than, “Nay ta bỏ chạy về Biện Kinh, chẳng biết bao lâu nữa phải rời đô, mà thằng con bất hiếu còn giam lỏng ta ở đây. Là vua mà tôi tớ không bảo được, có chết cũng không dám nhìn mặt tiên tổ. Nỗi nhục này biết ai gánh giúp ta.”

Bỗng dưng, chim sẻ nhảy vào sát lồng, nói tiếng người lánh lót, “Mất nước là do thế địch vô song, là do ngươi nhu nhược, nhưng muốn phục quốc nhất định ngươi không thể ngu si nữa.”

Vua thất kinh ngã cả xuống đất.

“Vua không ra dáng vua. Mau đứng dậy xem nào,” con chim mới hắng giọng.

Vua mới bình tâm, phủi long bào đứng dậy, sụp lạy trước mặt chim. “Thần có mắt không thấy Thái Sơn, không biết Ngài là thần linh phương nào?”

“Ta chính là Hỗ Thanh Nghi, một tộc trưởng của Thái Tổ các ngươi đó. Cả đời ta chinh nam dẹp bắc, nay nước nhà tiên tổ nhà ngươi dày công xây dựng sắp mất. Số nhà Kim cũng đã tận rồi, việc mất nước cũng khó tránh khỏi. Nhưng ta không cam lòng. Chi bằng khi linh khí gia tộc họ Hoàn còn chưa mất, ta hiến kế cho ngươi. Mọi việc có khi vẫn còn có thể cứu được.”

Vua hỏi làm sao có thể cứu nước.

Chim đáp, “Ngươi có mắt như mù. Mãnh hổ còn ở trên núi không vời xuống núi, hà cớ gì lại để bọn linh cẩu xiềng xích, nhìn mình hau háu như miếng thịt kho.”

“Mãnh hổ là ai?” Vua hỏi.

“Quang Tâm vương Thủ Tự là người hiền đức, có thể lấy đức đó để thu hút người tại. Thủ Tự về được Biện Kinh toàn vẹn thì may ra số nhà Kim chưa tận.”

Vua toan hỏi thêm, nhưng chim sẻ đã sổ lồng bay mất.

Chim vừa rời tổ chưa bao lâu, Thủ Trung đã quay lại điện. Y thấy lồng trống trơn bèn hỏi, “Hoàng thượng vừa thả chim ra sao?”

“Chim có cánh là để bay, sao lại nhốt trong cũi được.”

Thủ Trung mới đáp, “Chim có cánh nhưng cũng gãy cánh, giống như vậy có bay đâu cũng chết. Chi bằng ngoan ngoãn ở trong cũi, hưởng cuộc đời an lành, nhàn cư hưởng thái bình.”

“Thiên hạ loạn lạc, đi đâu để hưởng thái bình?”

“Chuyện ngoài kia thì chim trong lồng cả đời cũng đâu bao giờ biết?”

Tuyên Tông hiểu ý Thủ Trung, trong lòng rầu rĩ nhưng không nói thêm lời nào. Thủ Trung dẫn vua về nội điện, rồi hớt hải chạy sang điện Nam Phòng để ăn tiệc với Ô Cổ Kinh. Thư cấp báo của tướng giữ ải Hoàn Nhan Hợp gửi về, báo quân Mông Cổ đã hành quân tới gần Thiểm Tây, Trung cũng không đọc, giấu nhẹm các quan viên trong triều vì sợ mất cuộc vui.

Tuyên Tông sức khỏe vốn đã yếu dần, thường xuyên mắc bệnh cảm, mới truyền cho con gái út là Ôn quốc công chúa Hoàn Dĩ An tới chăm sóc. Ai tới chầu vua cũng bị gia nhân của Thủ Trung dò hỏi lí do muốn gặp, chỉ riêng với công chúa, Thủ Trung nghĩ là phận đàn bà, không có gì phải đề phòng, nên không dò hỏi gì cả.

Lần này vua cho triệu con gái tới, dặn con chỉ mang theo người thân cận nhất. Dĩ An tới cùng một cung nữ mang tên La Mạc Huệ vốn đã chăm sóc nàng từ tấm bé, quan hệ khăng khít. Khi Mạc Huệ lấy nước rửa lưng cho vua, vua mới dùng ánh mắt hỏi dò công chúa, đại ý người này có tin tưởng được không. Công chúa gật đầu, vua mới nói, “Hôm nay trẫm gọi con đến đây, thực ra là có đại sự muốn bàn.”

Công chúa cúi đầu, hỏi vua rằng việc gì.

Vua ôm lấy vai công chúa mà rằng, “Ta nay như cá trong bể, muốn nhảy khỏi bể cũng chết khô trên cạn. Trước anh con Thủ Tự còn trong cung, ta dại dột nghe lời Thủ Trung đuổi nó lên biên ải. Giờ biên cương đang nhiễu nhương, chuyện trong cung đã vô cùng cấp bách nhưng không ai biết. Tâm phúc trong triều hoặc Thủ Trung đã thủ tiêu, hoặc cho từ quan hết rồi. Chỉ còn Vương Diệu là bô lão, Thủ Trung nó không dám đụng, nhưng nó cũng đề phòng cẩn mật lắm, không cho ra khỏi kinh đô. Nên trẫm đã viết mật chỉ này, nếu con không ngại khó khăn, thì con hãy đem giúp trẫm tới huynh con.”

Công chúa đáp nhỏ, “Cha đã dặn, con không dám trái lời. Nhưng bốn cổng Cấm quân đều canh phòng cẩn mật, ra vào phải có lý do chính đáng. Con muốn đi xem hoa cũng phải xin phép quan nội chính. Nếu nhi thần có ra khỏi thành, không bị giữ lại tại cổng thì anh trai cũng xua quân đi bắt phải về.”

“Con gái ta gan dạ chẳng kém một ai. Anh trai con trước giờ không tiếp xúc với con, sẽ lơ là không phòng bị. Ngoài cổng Tây thành có Lăng Mỗ hầu Vương Xán, con trai Vương Diệu, đóng cách đó năm mươi dặm, rèn đội Trung Hiếu Binh, bọn Toàn Tuân khống chế không nổi mới phải sai đóng trại ở xa. Ta không còn giữ ấn tín hoàng gia, nhưng gia tộc mình vẫn còn một cổ vật bí mật nữa, đây chính là nguồn sinh khí của đại tộc họ Hoàn. Con tới được đó, đưa ấn tín này cho Xán xem, hắn ta nhất định sẽ tin lời,” nói rồi, Tuyên Tông mới lấy từ dưới gối một tổ vật; một viên ngọc bích khảm ba con hạc cổ quấn vào nhau.

“Con đi rồi, anh trai biết chuyện ắt sẽ bắt nhốt cha. Con sợ có chuyện không hay.”

“Trẫm sống thế này chẳng khác gì chết. Thủ Trung vô đạo, nhưng giết cha cướp ngôi nó nào đã dám. Con tới được Hà Đông suôn sẻ, mời anh con về đây, cũng sẽ là đại phúc của họ nhà ta, con cũng sẽ được rạng rỡ với tổ tiên. Giang sơn này trăm sự vạn sự nhờ con.”

Ôn quốc công chúa mới tuổi mười lăm nhưng đã lanh lợi, ăn nói đĩnh đạc. Dung nhan nàng thanh tú, hai má bầu bĩnh, mắt sáng như ngọc, đôi mày tơ như lá liễu. Nàng là con gái cưng của vua, được vua cha chiều chuộng, cho ăn học chẳng kém gì các hoàng tử, nên tình cảm với Tuyên Tông sâu nặng. Chuyện lớn chưa biết tới đâu, nhưng tính mạng vua cha như treo trước thòng lọng thì rõ ràng lắm. Công chúa mắt ngấn lệ, không biết nói lời nào cho hay. Vua cũng khóc, ôm con mà rằng, “Đừng lo cho trẫm. Chúng nó không dám làm gì ta đâu.”

La Mạc Huệ phải khuyên nhủ mãi công chúa mới thôi khóc. Dĩ An cất ấn tín và mật thư vào trong chiếc túi vải đeo bên mình, lau mặt ráo hoảnh rồi mới bước ra, cười nói với lính gác cổng như không có chuyện gì xảy ra. Về tới phòng riêng, Dĩ An mới hốt hoảng vò đầu bứt tai, đi qua đi lại, gõ chân xuống mặt đất tanh tách. “Ta phải làm gì bây giờ? Việc lớn như thế này, ta chưa bao giờ làm.” Rồi quay ra nhìn Mạc Huệ. “Cô nhập cung từ hồi ông nội ta còn sống, hẳn phải biết nhiều con đường ra khỏi cung ít người qua lại. Liệu có đường nào có thể giúp ta an toàn ra khỏi thành không?”

La Mạc Huệ đáp, “Công chúa trước giờ đều hay tự ý ra ngoài, không phải để ngao du thì cũng đi săn bắn. Cớ sao lần này phải tìm đường khác mà đi? Chi bằng ta cứ bước ra khỏi cổng thành như bình thường, vậy là ít bị nghi ngờ nhất. Thần và công chúa giả vờ đi săn, mỗi người một ngựa, nếu Thái tử có sai người đuổi thì ta cũng chạy được.”

Công chúa ngẫm là phải, y lời mà làm. Sáng hôm sau, nàng giấu mật thư trong giày da thuộc, Mạc Huệ khoét một lỗ dưới đáy ống đựng tên, nhét ấn tín vào trong rồi lấy vải khâu giấu đi. Để tránh người khác nghi ngờ, nàng không mang gì theo, chỉ có cây Thiên Lệ Cung là bảo khí do Hoàn Nhan Hợp tặng cho là khư khư giữ bên mình. Hai người bước ra khỏi cổng Tây từ tờ mờ sáng, gặp các quan viên đều dừng ngựa, cười nói chào hỏi, với lính canh cũng bắt chuyện như thường, không ai mảy may nghi ngờ. Khi bước khỏi cổng thành phía trong, viên quan gác cổng nhận ra công chúa, cung kính chào hỏi rồi nói, “Nay trong kinh thành có yến tiệc, hạ thần đứng đây đón quan khách chỉ thấy người đi vào thành, chứ không thấy ai đi ra.”

Công chúa đáp, “Yến tiệc tuần nào Lục Kháng Vương chẳng cho tổ chức. Mùa này sơn dương về nhiều, tháng trước ta đã không đi săn, giờ không thể bỏ lỡ được.”

Viên quan nói, “Công chúa nói phải. Nhưng Toàn thượng thư đã có lệnh, ai ra khỏi thành trong đều phải có giấy thông hành.”

“Trước giờ ta chưa bao giờ nghe tới luật này.”

“Bẩm, Thái tử mới ban lệnh từ đầu tháng.”

Công chúa khoanh tay trước ngực, lắc đầu. “Tự ngươi nghĩ mà xem. Cứ cách hai ngày lại có yến tiệc, quan viên vào ra phải trăm người. Người nào thân với Toàn thượng thư đều ra vào, không bẩm báo với ai, tới Hoàng thượng còn không hay biết. Vậy cớ sao ta từ trong ra ngoài lại phải có giấy thông hành? Hay ý nhà ngươi là ta không đáng tin bằng quan viên từ Hứa Xương hay Bộc Dương?”

Viên quan lắp bắp, gãi tai không biết đáp sao, mới bẩm, “Công chúa nói phải. Nhưng là chỉ thị của Toàn thượng thư, thần chỉ biết làm theo chứ không dám trái lời.”

“Vậy thì chỉ thị của ta là hãy cho ta qua cổng. Nếu ngươi có gặp rắc rối gì thì cứ bảo Toàn Tuân tìm tới ta.”

Viên quan hết lí, đành phải cho công chúa qua. Dĩ An và La Mạc Huệ cười thầm trong bụng, biết rằng qua được thành trong thì đường ra ngoài sẽ dễ dàng hơn hẳn, liền dong ngựa thong thả đi. Nhưng đi chưa được chục bước thì có tiếng gọi với lại từ phía trong, “Xin công chúa chớ vội!”

Công chúa tay nắm chặt cương ngựa, biết giọng nói khàn đặc đó chẳng mang lại gì ngoài rắc rối. Quay lại thì thấy kẻ vừa gọi mình chính là Toàn Tuân.

Toàn Tuân khuôn mặt đã khắc khổ, đôi mắt còn sâu hoắm, trông thì có vẻ thâm nho, nhưng công chúa trước giờ luôn khinh miệt trong lòng. Tên này trong bóng tối làm bao nhiêu chuyện đại ác, chẳng khác gì bọn vô lại. Thấy Toàn Tuân ở đây, công chúa trong chốc lát hốt hoảng, chôn chân vài giây không biết nói gì. La Mạc Huệ sợ hai người họ trông khả nghi, vỗ lên ngựa công chúa. Nàng mới bừng tỉnh mà dong ngựa lại gần Toàn Tuân.

Nàng nói, “Toàn thượng thư bận việc công mà vẫn ra tận ngoài cổng, không biết là có việc gì?”

Toàn Tuân đôi mắt dò xét công chúa và nữ tùy tùng họ La lên xuống, không nói một lời. Không khí ngột ngạt khiến Ôn quốc công chúa càng lo sợ. Nàng tự nhủ bằng mọi giá không đặt tay lên ống đựng tên. Nếu Toàn Tuân cho lục soát giỏ tên và tìm thấy ấn tín, kể cả còn lớn số lắm thì hai người họ cũng bị bắt nhốt ngục.

Toàn Tuân rảo bước tới gần, lôi từ trong tay áo ra một túi vải rồi hai tay dâng lên công chúa. “Thái tử có chút quà muốn gửi, nhưng công chúa mới sáng sớm đã đi vội vàng. Mong công chúa nhận lấy rồi hãy đi.”

“Ta biết rồi. Phiền thượng thư bẩm lại với anh trai ta rằng ta cảm kích tấm lòng thành này.”

Toàn Tuân đưa quà xong rồi lại lui vào trong. Công chúa thở phào nhẹ nhõm, dong ngựa đi thẳng, tới khi ra khỏi cổng thành không gặp trở ngại nào nữa nhưng tuyệt nhiên không dám dừng lại mở túi vải ra xem.

Toàn Tuân bước vào trong thì gặp Thủ Trung vừa bước ra. Thủ Trung hỏi thì Tuân nói công chúa cùng một cung nữ đã dong ngựa lên núi Ban Thạch rồi.

Thủ Trung mới nổi giận lôi đình. “Trong túi vải là chiếu chỉ của hoàng thượng yêu cầu công chúa dù có việc gì cũng không được rời khỏi cung! Nhà ngươi để cô ta đi như vậy là hỏng rồi!” Nói đoạn lập tức sai kỵ binh chia hai đường đuổi bắt, một nhóm tới chân núi Ban Thạch, một nhóm theo đường lớn tới trấn Thành Quan nơi Vương Xán đóng quân.

Đội kỵ binh do Toàn Thạch, cháu Toàn Tuân tới Thành Quan, đích thân Vương Xán ra nghênh đón. Toàn Thạch hỏi Vương Xán liệu có thấy Ôn quốc công chúa vào thành hay không. Vương Xán đáp không thấy. Toàn Thạch không tin, đòi mở cổng thành rà soát.

Vương Xán cả giận, tím mặt mà mắng, “Ngươi là tiểu tướng, xua quân tới đây không có lệnh bài của hoàng thượng, mà dám cản trở việc luyện binh sao? Ngoài biên giới vừa gửi thư yêu cầu tiếp ứng, Trung Hiếu Binh sẽ xuất phát ngay trong tuần, việc này ta đã bẩm báo về kinh đô rồi. Vậy ngươi có đến đây để cứu viện không?”

“Không có,” Toàn Thạch đáp.

“Vậy có đến để cấp lương thảo không?”

“Cũng không.”

“Thế nhờ ngươi về tâu hoàng thượng, gấp rút tăng cường binh khí và lương thảo. Nếu đến đây để tìm công chúa, chẳng phải là trách Trung Hiếu Binh cả ngày rảnh rỗi không có gì làm nên mới mua vui với công chúa sao?”

Toàn Thạch xấu hổ lui quân. Vương Xán vào trong thành, mới gặp Ôn quốc công chúa đã ngồi trong đó từ sớm. Dong được ngựa chạy thoát được kỵ binh, quả tài cưỡi ngựa của Dĩ An không phải dạng vừa.

Công chúa đưa ấn tín và mật thư cho Xán đọc. Viên tướng họ Vương cầm lấy ấn tín, lập tức cảm nhận được dòng huyết mạch hoàng gia chảy trong tổ vật, nguyên khí vô cùng mạnh mẽ mà lại quái gở, không thể nào kết hợp được với nguyên khí trong kinh mạch của hắn. Đây quả nhiên là linh khí của họ Hoàn, kẻ ngoại tộc dù nội lực có dồi dào đến đâu cũng chỉ cảm nhận được sự tồn tại của linh khí này chứ không thể nào hấp thụ.

Xán giở mật thư ra đọc xong mới nói, “Công chúa phải đi ngay. Nay Hoàn Nhan Bác lĩnh quân tiên phong lên Thiểm Tây, công chúa và cô tùy tùng đây hãy đi cùng, cải trang làm lính. Việc này không được chậm trễ đâu. Thần chỉ giúp được tới đây thôi. Nếu Thủ Trung bắt được công chúa, đầu thần cũng sẽ rơi, không thể giúp gì thêm được.” Rồi cho gọi Hoàn Nhan Bác, sai dắt theo một vạn quân, cùng Dĩ An và La Mạc Huệ rời đi ngay trong buổi sáng.

Toàn Thạch trở về báo với Thủ Trung. Thái tử giận tím mặt, lớn giọng quát, “Hoàng thượng quả là hạng hồ đồ! Biết thế ta đã lấy ấn tín của cha ta từ lâu rồi.” Một mặt sai Toàn Tuân, Toàn Thạch hai người ngay lập tức tới điện của vua Kim để xem vua còn giữ ấn tín không.

Một viên quan, chức lang trung, tên Húc Tiến mới can, “Thái tử xin chớ làm điều dại dột này. Thái tử lấy ấn tín của vua cha là việc đại kị. Sau này nhiều người gièm pha, mọi sự đều bị phản đối, sẽ rất khó khăn.”

Thủ Trung đáp, “Ngươi khinh ta không đủ nhân đức sao?” Nói rồi sai quân lôi Húc Tiến ra giữa sân điện, cắt lưỡi. Không ai dám can gì nữa. Thủ Trung giắt dao găm bên người, đích thân cùng các cận vệ tới tận điện vua cha làm cho ra nhẽ.

Ở Thành Quan, Hoàn Nhan Bác đã xuất quân rồi. Cùng lúc đó thì ở Thiểm Tây, Hoàn Nhan Hợp vừa đón đạo quân tiếp ứng, đội hổ kỵ binh do Quang Tâm vương Thủ Tự dẫn đầu.

Nhân đây xin nhắc lại về chuyện biên ải. Sau khi Kim chủ chạy không Yến Kinh, Tể tướng nước Kim là Truật Hổ Cao Kỳ giao chiến với Hung Nô, năm trận thua cả năm. Hoàn Thừa Huy đem năm vạn quân tới Bá Châu ứng cứu, bị danh tướng Mông Cổ là Mộc Hoa Lê đánh úp, tuyệt đường cấp lương, vô cùng nguy cấp. Quá tuyệt vọng, Hoàn Thừa Huy quyết xua quân đánh một trận phá vòng vây, nhưng các tướng không tuân lệnh. Ông lấy máu viết biểu tố cáo việc này lên vua Kim, phân phát tài sản cho các tướng trung thành, rồi uống thuốc độc tự vẫn. Ông chết rồi, viên tướng trấn thủ nhân đêm tối mở cửa thành, cùng vợ bỏ trốn. Quân trong thành không tướng chỉ huy. Các tướng coi binh đoàn tranh quyền, đánh lẫn nhau, không ai giữ cửa. Có kẻ nhân đó mở toang cửa thành ra hàng Mông Cổ. Mộc Hoa Lê xua một vạn rưỡi kị binh, dẫn theo ba mươi binh đoàn thân binh tràn vào thành. Kỵ binh Mông Cổ xông vào tàn sát quân lính và dân chúng, đốt phá khắp nơi. Tám vạn quân Kim bị giết với khoảng năm mươi vạn dân chúng chết trong loạn quân. Mười vạn phụ nữ lên thành nhảy xuống tự tử vì sợ bị hãm hiếp. Trong ba tháng, thành Yến Kinh vẫn còn bốc cháy.

Truật Hổ Cao Kỳ quá hổ thẹn vì thất bại, mới tiến đánh Nam Tống hòng lập công chuộc tội nhưng lại bất thành, bị xử tử năm 1218. Kể từ đó, việc chống giữ biên ải được giao lại cho Hoàn Nhan Hợp. Hoàn Nhan Hợp là em họ vua Chương Tông, Tuyên Tông gọi bằng bác, tuổi đã bảy mươi nhưng kiếm thuật đã đạt cảnh giới tầng thứ tư, sức vóc vẫn cân được trăm người. Mộc Hoa Lê xua quân đánh Thiểm Tây, Hoàn Nhan Hợp cầm chùy sắt đập tướng tiên phong Mông Cổ chết tươi, kỵ binh Mông Cổ buộc phải lui quân. Mộc Hoa Lê chuyển sang bao vây thành trì, Nhan Hợp dựa vào núi non hiểm trở bốn phía cho quân liên tục quấy phá, quân Mông Cổ không đêm nào ngủ yên giấc, tức giận phải tạm lui quân. Trên đường về, Hoa Lê bị chính quân của Quang Tâm vương Thủ Tự tập kích, giết mất con gái yêu là Đồ Anh Quy, khiến hắn nổi xung, lần này mang đại quân tới ba chục vạn kỵ binh quyết san phẳng tới gọng cỏ cuối cùng.

Quân Mông Cổ đã thắng hơn chục trận liên tục, nhưng kể từ giờ phút này trở đi thế trận sẽ thay đổi khó lường. Đó là bởi vì Hoàn Nhan Hợp gửi thư tới khắp các trấn, yêu cầu chi viện để quyết tử chống Mông.

Trong hàng ngũ tướng Kim, có một vị tướng trẻ với tiềm năng vô cùng to lớn, là đối trọng lớn không chỉ với Mộc Hoa Lê, mà thậm chí với cả Thành Cát Tư Hãn, đại hãn vĩ đại nhất trong lịch sử. Đó chính là cánh tay phải của Thủ Tự—Hoàn Thừa Lân.

1. Sơ lược về nước Kim:

Nhà Kim (1115 đến 1234) là một triều đại do người Nữ Chân gây dựng. Người Nữ Chân nguyên là phiên thuộc của triều Liêu, thủ lĩnh Hoàn A Cốt Đả sau khi thống nhất các bộ lạc Nữ Chân, vào năm 1115 dựng nước đặt đô tại Hội Ninh phủ (nay thuộc A Thành, Hắc Long Giang), quốc hiệu là Đại Kim. Sau khi triều Kim lập quốc, cùng Bắc Tống định “Liên minh trên biển” nhằm giáp công Liêu, đến năm 1125 thì Kim diệt Liêu. Bắc Tống tiến đánh Liêu hai lần song đều thua, Kim thấy vậy liền xé bỏ hẹn ước với Bắc Tống, hai lần nam hạ Trung Nguyên, đến năm 1127 thì tiêu diệt Bắc Tống. Khi dời đô đến Trung Đô (nay thuộc Bắc Kinh), lãnh thổ Kim bao trùm Hoa Bắc, cùng khu vực Hoa Trung ở phía bắc Tần Lĩnh và Hoài Hà, khiến cho Tây Hạ cùng các bộ lạc Mạc Bắc như Tháp Tháp Nhi, Khắc Liệt phải thần phục, Nam Tống phải nhận là nước cháu (Tống gọi Kim là nước chú), xưng bá tại Đông Á.

Đến thời kỳ Kim Thế Tông và Kim Chương Tông, chính trị và văn hóa của Kim đạt đến đỉnh cao, song vào trung hậu kỳ Kim Chương Tông thì dần xuống dốc. Sức chiến đấu của quân Kim không ngừng suy giảm, thậm chí khi người thống trị tiến hành trao bổng lộc ở mức cao cho binh lính cũng không thể vãn hồi. Quan hệ giữa người Nữ Chân và người Hán mãi không thể tìm được con đường thích hợp. Thời kỳ Hoàng đế Hoàn Vĩnh Tế và Kim Tuyên Tông, Kim bị Đại Mông Cổ Quốc mới nổi lên ở phía bắc xâm lược, trong khi nội bộ cũng có tranh đấu, vùng Sơn Đông, Hà Bắc có dân biến không dứt, cuối cùng buộc phải rời đô về Biện Kinh (nay là Khai Phong, Hà Nam). Sau đó, nhằm khôi phục thế lực, Kim lại giao chiến với Tây Hạ và Nam Tống, các bên đều tiêu hao thực lực. Năm 1234, do bị Mông Cổ và Nam Tống bắc nam hợp đánh, Đại Kim diệt vong.

2. Ấn tín Hoàn tộc: Ngoài ấn tín mà vua dùng để truyền vương lệnh, Kim Tuyên Tông còn giữ một tổ vật đặc biệt, chính là một vật chứa nguyên khí Hoàn gia trong đó. Nguyên khí này kẻ nào mà cố chấp sử dụng thường phát điên mà chết, nhưng người họ Hoàn có thể hấp thụ để tạm thời gia tăng lượng nội công trong cơ thể, đặc biệt thích hợp để bày trận pháp cho quân số lớn. Tuy nhiên, nguyên khí từ ấn tín chỉ là vay mượn, không phải tự sinh ra, nên sử dụng hết cũng sẽ mất đi, không có tác dụng luyện công.

2. Thiên Lệ Cung: Thiên Lệ Cung là bảo khí của Ôn Quốc công chúa Hoàn Dĩ An. Cây cung này mang vận khí Hoàn gia, có thể hấp thụ kình lực từ xạ thủ sở hữu nó, lực bắn ra nhanh và mạnh hơn cây cung thông thường. Khi mũi tên chạm mục tiêu không chỉ gây thương tích tại một điểm, mà đầu cung còn vỡ tan ra như giọt lệ, gây thương tổn chia đều diện tích rộng như một cú đấm mạnh.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận