Chia tay mà không khéo là...
langsat Nagarisis; Clover Dot; Đất-sama; Masaharu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Vol 02: Một chàng trai như anh (đã hoàn thành)

Chương 13: Thiếu nữ ngủ ngày

4 Bình luận - Độ dài: 3,072 từ - Cập nhật:

Tuy bên ngoài chỉ mang tính chất là một phong trào dành cho học sinh cấp ba, nhưng trong cuộc thi quay phim ngắn lần này lại chứa vô vàn những tham vọng lớn.

Đây là năm đầu tiên một cuộc thi có quy mô lớn như thế này được tổ chức, cả ba ngôi trường cấp ba danh tiếng trong thành phố đều đăng ký tham gia, vì thế nếu chiến thắng thì chắc chắn sẽ đem lại vinh quang lớn. Trường cấp ba Giải Phóng lại nổi tiếng là có tiềm lực tài chính hơn hẳn các nơi khác, nên nhất định sản phẩm mang đi thi không thể qua loa. Chưa kể các thế lực xung quanh còn ngấm ngầm bàn tán và so sánh, xem rốt cuộc sự cân bằng của thế ba chân vạc liệu có vì sự kiện này mà lung lay hay không.

Trường cấp ba Giải Phóng và trường cấp ba Độc Lập, như các bạn khán giả đã biết từ Mùa 1 của chương trình, các thành phần ở cả hai bên đều không ưa nhau và công khai đối đầu liên tục. Từ trận thua lần trước giữa hai cặp đôi hoàn hảo của trường, những học sinh của trường cấp ba Độc Lập đã quyết tâm phải lấy lại danh dự bằng cuộc thi lần này. Nên ai nấy đều rất căng thẳng.

Chỉ riêng những người trong cuộc là nhởn nhơ như không vì chẳng hề nhận ra không khí quái dị xung quanh mình.

Thành Nam ngắm nghía một loạt những bộ trang phục được đưa đến, mắt lấp lánh sáng rực:

“Đẹp quá đi mất, đúng là đồ đắt tiền và được thiết kế riêng có khác!”

Hoàng My cũng gật gù đồng ý, “Đúng là đẹp quá, không ngờ Cường lại có một người chị là nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp đấy.”

Các mẫu trang phục của nhà thiết kế thời trang Hoàng Kim Mai thật ra vẫn luôn xuất hiện trên các tạp chí thịnh hành, Hoàng My chắc chắn đã không ít lần xem qua nhưng không hề biết đó là chị gái của bạn mình. Nhờ một người có chuyên môn về thời trang Á Đông giúp đỡ trong việc thiết kế trang phục phải nói là một nước đi chuẩn không cần chỉnh.

Hôm nay là ngày thử phục trang và chụp poster phim, nên tất cả những thiết kế được sử dụng trong bộ phim đều được đem hết và sắp xếp trong studio. Chụp ảnh quảng bá thì họ sẽ thực hiện trong studio của trường, còn khi quay sẽ dùng cảnh thật ở một ngôi nhà cổ trong thành phố mà nhà trường đã nhờ quan hệ mà thuê được cho cả đám cùng êkip, lúc đó cũng sẽ đông người và nhiều thứ phải lo đến hơn.

Những học sinh của ngôi trường bình thường chẳng ai để ý trong trường của mình có những cơ sở vật chất nào, nên căn phòng studio này tuy cực kỳ hiện đại và được đầu tư khủng nhưng phần lớn chỉ để phục vụ cho công tác truyền thông chứ chẳng mấy ai lui tới. Chính những thành viên trong câu lạc bộ Điện ảnh bây giờ mới có dịp để sử dụng. Các bạn xem đài hãy luôn để ý trường mình đang học có những cơ sở vật chất gì để còn tận dụng nữa nhé!

Ngoài nhạc phim, poster quảng cáo cũng là một phần cực kỳ quan trọng. Ở những hạng mục giải phụ, gồm có một giải cho nhạc phim và một giải cho poster dành cho khán giả bình chọn, nếu không lấy được giải chính thì hy vọng vẫn có thể lấy được các giải phụ, xem như cũng không phí công sức bỏ ra. Vì thế, Cường thiếu gia cũng rất quan tâm đến những khâu này.

“Được rồi, mọi người thay phục trang chuẩn bị vào set chụp nào!” Cường cuộn kịch bản lại thành gậy chỉ huy, ra hiệu cho mọi người như một đạo diễn thứ thiệt.

Một vài thành viên trong câu lạc bộ có nhuộm tóc nên tóc giả cũng đã được chuẩn bị đâu ra đó, cả râu giả của ngài Tổng Cóc cũng có nốt. Thành Nam nhanh chóng thay quần áo rồi bước ra, xoay một vòng trước gương, tay ve vẩy cây quạt.

“Bất ngờ thật, mình không nghĩ cậu lại hợp với tạo hình này đến vậy đó!” Cường nhìn một lượt rồi đưa ra nhận xét với ngài chủ tịch.

Thành Nam được thế vênh mặt, “Còn phải nói, tôi có khả năng nhập vai rất đa dạng đấy nhé!”

Đột nhiên, bên phòng thay đồ nữ có tiếng hét lên thất thanh.

“Khôngggggg, có chết em cũng không mặc bộ này đâu! Hở hang quá đi mất!”

Giọng nói này hình như là của cô đàn em…

“Chuyện gì vậy trời!” Cường thở dài, chống hông.

Sau đó, Ngọc và My đã phải lôi kéo cô bé ra ngoài. Ánh giãy nãy đòi sống đòi chết nhất quyết không bước ra.

“Đẹp xuất sắc thế mà lại ngại, con bé này!” Hoàng My chậc lưỡi.

Theo như tạo hình gốc, tất cả nhân vật nữ đều được mặc áo dài truyền thống, màu sắc nhã nhặn tinh tế để phù hợp với không khí xưa cũ. Nhưng trong lúc lên ý tưởng và thiết kế, nhà thiết kế của chúng ta đã nảy ra một sáng kiến mới.

Đó là cho nhân vật chính mặc một chiếc yếm đào, khác với hai nhân vật nữ còn lại.

Ánh bước ra với một chiếc yếm đỏ tươi, trên ngực thuê hình ảnh hoa sen bằng chỉ vàng, đầu đội một chiếc nón quai thao tua đỏ. Chiếc yếm vừa quyến rũ nhưng cũng vừa đủ kín đáo, lại có màu sắc nổi bật, thít chặt vào người làm tôn lên từng đường cong của cơ thể, thật sự trông rất xinh xắn.

Ái chà, đúng là bất ngờ, không thể tin là cô bé đàn em lại hợp với tạo hình này đến vậy!

Đặc điểm ngoại hình của Ánh là cơ thể nhỏ nhắn nhưng đầy đặn, trông như một chú sóc nhỏ. Vì thế yếm đào cùng váy lụa sồi là một lựa chọn hoàn hảo, giúp tôn lên hết mọi điểm sáng của một người con gái cùng những đường nét truyền thống, mang lại cảm giác rất chân phương và giàu nét đẹp lao động.

Nhưng đối với cô bé thì ăn mặc thế này thà chết còn hơn.

Ánh phải giấu mặt sau vành nón quai thao to tổ chảng, tay che chắn đủ nơi nhưng tất nhiên là chẳng che được gì.

“Sao trong lúc bàn bạc ý tưởng thì em sẽ mặc áo dài mà!” Cô bé vùng vằng không chịu.

“Thì rõ ràng là vậy.” Cường giải thích, “Nhưng sau đó chị anh đã nghĩ nếu chỉ có một loại trang phục thì đơn điệu quá, vả lại yếm trông cũng rất đẹp mà!”

Bên cạnh Ánh, My và Ngọc cũng đã mặc trang phục xong. Vợ cả mặc áo dài xanh lục và tóc được búi cao gọn gàng và vợ hai mặc áo dài trắng, xoã tóc duyên dáng cùng chiếc nón lá. Đúng là mỗi người một vẽ, đều trông rất xinh đẹp và hợp với tạo hình được giao cho.

“Không chịu đâu, thế này thì hở hang quá, lộ hết cả lưng phía sau!”

“Anh thấy cũng khá kín đáo rồi đó chứ.” Cậu thiếu gia quan sát từ trên xuống dưới cô đàn em. Dù yếm là loại trang phục phơi da thịt khá nhiều nhưng trông cũng không quá táo bạo, bình thường đi chơi các bạn nữ vẫn thường mặc những kiểu quần áo quyến rũ khoe lưng và vai thế này nên không có vấn đề gì.

My đặt tay lên vai trấn an cô bé, “Yên tâm đi, trông đẹp lắm, mặc bộ này mới thấy trông em có da có thịt đó!”

Nghe người đàn chị am hiểu về thời trang nhất trong nhóm nhận xét như vậy, Ánh cũng phần nào yên tâm hơn, cô bé cuối cùng cũng dám hạ nón xuống.

“Đúng vậy.” Thành nam vuốt chòm râu giả trên mép tổng rất nhăn nhở, nói, “Nhìn thế này mới thấy em là người đầy đặn và có thân hình đẹp nhất trong cả ba đó, không ngờ trông nhỏ con như thế mà…”

“Khoan đã, anh đừng vừa nhận xét vừa vuốt râu như vậy được không, nhìn ghê quá đi…”

Chưa gì mà Thành Nam đã trông rất giống một tên dê cụ rồi.

Cường bắt đầu trình bày sơ lược cho mọi người nắm tinh thần của thơ văn Hồ Xuân Hương. Tuy không giỏi trong việc dạy học do tính khí dễ nổi nóng, nhưng khả năng thuyết trình và ăn nói của cậu lại rất tốt do đã được rèn luyện với các chuyên gia ứng xử và giao tiếp từ nhỏ, nên chuyện này cũng không làm khó được cậu thiếu gia của chúng ta.

“Những thể loại thơ Đường luật như thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt… được nước ta học tập từ Trung Quốc, vấn đề này thì quá rõ ràng rồi. Nhưng để áp dụng loại chữ Nôm của dân tộc và dựa vào Đường luật để sáng tác những bài thơ của riêng chúng ta thì phải cần một quá trình dài.”

Cậu thiếu gia bắt đầu vẽ một đồ thị thời gian lên bảng.

“Cột mốc thứ nhất là Nguyễn Trãi, ông có những bước đầu khám phá và tìm kiếm cách để tạo ra một phong cách riêng cho thơ Nôm. Nhưng mọi thứ bấy giờ vẫn chưa được hoàn chỉnh. Phải đến cột mốc thứ hai, là lúc Hồ Xuân Hương xuất hiện, đặc biệt là trong kho tàng thơ Nôm truyền tụng của bà, thì thể thơ Nôm mới dần được hình thành.”

Minh Ngọc đưa tay lên thắc mắc, “Nhưng rốt cuộc là nó có sự khác biệt nào so với các thể Đường luật của Trung Quốc vậy?”

“Ừm, cái này thì mỗi nhà nghiên cứu sẽ nói một kiểu.” Cường xoa cằm, “Nhưng mình sẽ chỉ nói đến hai khía cạnh dễ thấy và dễ hiểu nhất thôi. Đó là về mặt hình thức, Hồ Xuân Hương bắt đầu sử dụng hàng loạt những từ ngữ không phải phiên âm Hán Việt mà ngược lại, chúng nghe cực kỳ nôm na và gần gũi với đời sống, đặc biệt còn rất nhiều từ láy và thán từ, chưa kể còn có từ chửi đổng nữa. Còn về mặt nội dung, thơ văn của bà miêu tả cuộc sống cũng rất bình dị, không còn những hình ảnh tầm vóc và ước lệ như thơ Đường luật, ngoài ra còn có sự tếu táo và cười cợt hàng loạt giá trị trong đời sống. Chưa kể, Hồ Xuân Hương còn tiến xa hơn trong việc lên tiếng về nữ giới và khao khát hạnh phúc lứa đôi, phá bỏ những rào cản phong kiến luôn kìm hãm con người thời bấy giờ.”

Và đó sẽ là những gì mà các thành viên của câu lạc bộ Điện Ảnh cần phải thể hiện trong bộ phim ngắn của mình.

Phim ngắn mang tính chất là một lát cắt rất nhỏ, nhưng không vì thế mà dễ làm. thật ra ngược lại nó vô cùng khó thực hiện. Ý đồ phải gọn gàng nhất, nội dung phải cô đọng nhất, vì thế mà cách thể hiện sẽ phức tạp và khó khăn hơn.

Đầu tiên là poster phim, loại poster này chủ yếu chỉ cần nhân vật chính, hoặc nếu muốn nghệ thuật hơn thì cũng chẳng cần có nhân vật cũng được, ăn điểm chủ yếu sẽ nằm ở khâu thiết kế và lên ý tưởng. Sau đó sẽ đến poster của các nhân vật, mỗi diễn viên đều phải thể hiện rõ tính cách nhân vật của mình chỉ thông qua một bức ảnh giới thiệu. Đó cũng là bài toán lớn mà người cầm trịch cần phải tìm cách.

“Mình dự định mỗi nhân vật sẽ được gắn với một câu thơ hoặc bài thơ của Hồ Xuân Hương.” Cậu thiếu gia trình bày ý tưởng của mình, tay cầm khư khư máy ảnh, tay còn lại chỉ định từng người, “Tổng Cóc thì tất nhiên sẽ là bài Khóc Tổng Cóc [note54494] rồi. Vợ cả là bài Tự tình II [note54493], bài thơ này than trách số phận của những người phụ nữ phải chịu kiếp chồng chung thời phong kiến. Còn vợ hai sẽ là bài Mời trầu [note54492], bài thơ này thể hiện khát khao tình yêu đôi lứa và tự do hôn nhân, cũng có chút nũng nịu nữ tính, rất hợp với người vợ hai. Còn vai Hồ Xuân Hương cứ dùng bài Bánh trôi nước [note54495] cho quen thuộc nhé!”

“Sao chúng ta không dùng bài nào mang tính đả kích và thể hiện rõ cá tính của Hồ Xuân Hương chút nhỉ?” Thành Nam nêu ý kiến, “Có thể dùng bài Thiếu nữ ngủ ngày [note54491] được này. Trong đó có câu: Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,/ Đi thì cũng dở ở không xong.”

Cường lắc đầu, có vẻ nhân tiện chuyện này cũng muốn giải thích qua một chút, “Bài thơ này tuy nghe qua dường như Hồ Xuân Hương đang đả kích những kẻ quân tử nhưng vẫn còn si mê nữ sắc. Nhưng mọi người nghĩ kỹ lại xem, nếu ra đường thấy một cô gái ngủ hớ hênh, lộ cả những chỗ nhạy cảm ra thì ai mà không nhìn, đúng không? Một bà lão hay một đứa con nít gặp cảnh đó cũng thấy kỳ lạ đứng lại nhìn thôi mà.”

Cậu thiếu gia đặt câu hỏi làm ngài chủ tịch cũng bất ngờ, suy nghĩ, “Đúng là vậy nhỉ, Thế tại sao Hồ Xuân Hương lại chế giễu những người quân tử khi thấy cảnh đó lại đứng nhìn?”

“Thật ra cái cười trong bài thơ này tuy đúng là chế giễu, nhưng không phải đả kích sâu cay hay thâm ý hằn học gì cả, mà chỉ là cái cười vui vẻ và thông cảm thôi.” Cường diễn giải, “Chúng ta thường được dạy trong thơ văn là cứ địa chủ hay quan lại phong kiến thì đều xấu xa, đàn ông thì lộng quyền. Có người còn nghĩ nữ quyền là phải ghét đàn ông hay đả kích đàn ông, nhưng thật ra không phải vậy. Như trong bài thơ này, nếu nói Hồ Xuân Hương hạ bệ những người quân tử thì đã suy diễn quá xa rồi, bà chỉ dừng ở mức nêu rằng những kẻ quân tử cũng chỉ như người bình thường mà thôi.”

Rất nhiều người cho rằng thơ văn của Hồ Xuân Hương mang tính hằn học, thể hiện sự ngoa ngoắt và đáo để, thế nên không tránh khỏi bài thơ nào của nữ thi sĩ này cũng đều được dán mác đả kích người này người nọ. Nhưng khách quan mà nói, tư tưởng trong thơ Hồ Xuân Hương sâu sắc hơn thế nhiều. Đó cũng là điểm mà cậu thiếu gia bắt buộc mọi người phải nắm rõ.

Minh Ngọc cũng xen vào góp ý kiến:

“Bài đó có câu: Yếm đào trễ xuống dưới nương long, hình như cũng không hợp với độ tuổi lắm thì phải, cũng không phù hợp với hình ảnh trên poster nốt!”

“Vậy thì dễ lắm!” Nam nảy ra một sáng kiến, rồi lại vừa nói vừa vuốt râu ở cằm, trông càng ngày càng không khác gì một lão già dê, “Để cho Ánh mặc yếm đào trễ xuống dưới…”

Bốp!

Vâng, chúng ta đều đã đoán ra tình tiết này. Hoàng nữ đứng bên cạnh nhanh chóng vả vào gáy ngài chủ tịch một phát khiến cậu chàng muốn cắm đầu xuống đất.

“Tôi có cảm giác hồn của ngài Tổng nhập vào cậu thật rồi đó!” My thu tay lại, rùng mình ớn lạnh.

Ánh cũng tái xanh mặt, “Phải đó, từ lúc anh mặc áo thụng lam rồi mang râu vào là hành xử không khác gì nhân vật mình đang thủ vai!”

Nghe vậy, cô nàng Minh Ngọc hốt hoảng, sợ rằng Nam sẽ không thể trở về con người cũ được nữa. Nỗi sợ khiến cô nàng phải phát vào lưng cậu bạn thêm một cái, lần này đến mấm đội đầu cũng rơi xuống đất. Minh Ngọc luôn mồm hét:

“Xuất ra đi, xuất ra nhanh!”

“Khoan đã!” Cường tuy rất muốn im lặng nhìn Nam bị đánh tiếp vì trước giờ cậu chưa từng thấy một cảnh tương tự thế này, nhưng tất nhiên lương tâm cậu không cho phép. “Chắc là mấy hôm nay cậu ấy tập sống trong nhân vật rồi, đây là trường phái thể nghiệm đó.”

Trong diễn xuất có rất nhiều trường phái, một trong số đó được gọi là trường phái thể nghiệm. Diễn viên theo trường phái này sẽ sống cùng nhân vật, hoà bản thân mình với nhân vật làm một, sự nhập tâm sẽ được đẩy lên đến tối đa. Nhưng hậu quả là diễn viên rất khó thoát vai, có người còn bị trầm cảm hay có hành vi nguy hiểm sau khi đã hoàn thành bộ phim nữa. Rất có thể Thành Nam là người theo trường phái đó.

“Ê mình chỉ đùa thôi mà, chỉ đùa thôi!” Ngài chủ tịch nhanh chóng ôm đầu, không dám giỡn nữa, “Cũng may nhân vật mình không có thật, chứ có ở đây chắc không toàn thây với mấy cậu rồi…”

Lúc này cả đám mới yên tâm và thở phào nhẹ nhõm.

———

Kết quả hôm nay: Lê Thành Nam thua cuộc.

Thế là phần chụp ảnh poster đã được các thành viên câu lạc bộ Điện ảnh hoàn thành. Hãy cùng đón chờ những diễn biến tiếp theo của dự án quay phim đầy sóng gió này ở những tập phát sóng sắp tới nhé!

Ghi chú

[Lên trên]
"Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng./ Lược trúc biếng cài trên mái tóc,/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long./ Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm,/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông./ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,/ Ði thì cũng dở ở không xong."
"Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng./ Lược trúc biếng cài trên mái tóc,/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long./ Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm,/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông./ Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,/ Ði thì cũng dở ở không xong."
[Lên trên]
"Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi./ Có phải duyên nhau thì thắm lại,/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi."
"Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,/ Này của Xuân Hương mới quệt rồi./ Có phải duyên nhau thì thắm lại,/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi."
[Lên trên]
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,/ Trơ cái hồng nhan với nước non./ Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,/ Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,/ Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn./ Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,/ Mảnh tình san sẻ tí con con!"
"Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,/ Trơ cái hồng nhan với nước non./ Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,/ Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn,/ Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,/ Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn./ Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,/ Mảnh tình san sẻ tí con con!"
[Lên trên]
"Chàng Cóc ôi, Chàng Cóc ôi,/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi./ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,/ Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi."
"Chàng Cóc ôi, Chàng Cóc ôi,/ Thiếp bén duyên chàng có thế thôi./ Nòng nọc đứt đuôi từ đây nhé,/ Nghìn vàng khôn chuộc dấu bôi vôi."
[Lên trên]
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn,/ Bảy nổi ba chìm với nước non./ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son."
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn,/ Bảy nổi ba chìm với nước non./ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son."
Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

với một thằng đội sổ môn Văn thời đi học thì thứ ấn tượng với t ở chương này là minh họa các gái hơn =]]z (mặc dù đã đc thấy từ trước rồi :v)
nhưng có khi nào Thành Nam là dê cụ ngầm mà ko nhận ra ko <(")
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Mấy thanh niên độc thân lâu ngày thì thường mạnh miệng lắm =)))))
Xem thêm
Tớ có tí ý kiến: Nếu trích thơ mà không xuống dòng thì cậu nên ngăn các câu thơ bằng dấu gạch chéo, đọc tiện hơn nhiều!
Xem thêm
Acting method <(")
Xem thêm