***T/N. ‘Thuyết tất định’ (hay ‘Thuyết tất định cổ điển’, ‘Thuyết tất định nhân quả’) về mặt triết học cho rằng mọi việc xảy ra trên thế giới này đều có nguyên nhân của nó, và nếu biết điều kiện ban đầu thì một người có thể dự đoán được tương lai.***
Khi nhắc đến bộ ba nhân vật chính trong web novel—hồi quy giả, chiếm hữu giả, chuyển sinh giả—bạn nghĩ kẻ thù lớn nhất của họ là gì?
Một con quái vật hùng mạnh? Nhân vật chính sẽ luôn thắng.
Stress? Tổn thương tâm lý? Ám ảnh cưỡng chế? Đây không phải những câu trả lời sai. Tuy nhiên, khó để nói những thứ đó là kẻ thù của riêng hồi quy giả. Từ thời xa xưa, stress luôn là một điểm yếu chung của loài Homo sapiens, từ anh chàng thất nghiệp 35 tuổi đến Tổng thống Hoa Kì 60 tuổi.
Hói? Sao bạn nỡ nói vậy chứ?
Câu trả lời đúng tưởng chừng như bất ngờ nhưng lại rất hiển nhiên… chính là ‘Hiệu ứng cánh bướm’.
- Liệu một con bướm đập cánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở phía bên kia Trái Đất không?
Hiệu ứng cánh bướm.
Một lý thuyết cho rằng sự chênh lệch nhỏ nhất trong điều kiện ban đầu sẽ dẫn đến những thay đổi không thể dự đoán ngày càng lớn theo thời gian.
Tôi xin được phát biểu câu sau với sự tự tin tuyệt đối. Hiệu ứng cánh bướm là kẻ phản diện lớn nhất của một hồi quy giả, tựa như một thiên địch không thể tránh khỏi trên một cây cầu gỗ hẹp, và là kẻ thù chung của thế giới.
Ôi thật đáng thương làm sao!
Biết bao nhiêu hồi quy giả (trong những cuốn tiểu thuyết) đã phải chịu thua trước Hiệu ứng cánh bướm chứ?
- Tôi là một độc giả thường xuyên của vô số thể loại web novel, và tôi có vốn hiểu biết tường tận không ai sánh bằng về thế giới mà bản thân vừa bước vào. Theo tính toán của tôi, công tắc đầu tiên dẫn đến thảm kịch sẽ được ngăn chặn, nếu tôi cứu sống một cô hầu gái đã bị giết một cách lố bịch ngay ở phần đầu… Hả? Tại sao ma vương lại xâm lược khi tôi cứu cô hầu gái?
- Vì thấy thương một đứa bé đang chết đói dưới bức tường cung điện nên tôi đã đối xử tốt với nó, và 10 năm sau, hoàng tử cầu hôn tôi? Tôi chỉ muốn một cuộc sống yên bình, nhưng giờ tôi phải làm sao đây?
- Tại sao nhân vật chính lại yếu đuối thế này (sau khi giải quyết hết các nhiệm vụ mà đáng lẽ nhân vật chính phải làm trong tác phẩm gốc, chiêu mộ những thành viên mà đáng lẽ phải gia nhập tổ đội của nhân vật chính, và độc chiếm các vật phẩm cùng năng lực mà đáng lẽ nhân vật chính phải có)? Yare yare, không còn cách nào khác, tôi đành phải tự ra tay rồi.
Tất nhiên, riêng trường hợp sau cùng thì vấn đề nằm ở lương tâm và trí thông minh nhiều hơn là hiệu ứng cánh bướm.
Bất kể bối cảnh có là fantasy, fantasy hiện đại, fantasy lãng mạn, hay alternate history[note59633] , dưới góc nhìn của bộ ba hồi quy-chiếm hữu-chuyển sinh, không tình huống nào đáng sợ bằng hiệu ứng cánh bướm.
Vì vậy, hôm nay ta sẽ nói về cách mà tôi, Người Đưa Tang, một hồi quy giả tài giỏi, đã loại bỏ Hiệu ứng cánh bướm.
∗ ∗ ∗
Lần đầu tiên tôi cảm nhận được có điều gì đó kì lạ là ở vòng lặp thứ 30.
“Hửm?”
Ban đầu chỉ là một chút cảm giác khó chịu.
“Quán cà phê này… có bao giờ mở cửa à?”
Khoảng sáu tháng sau khi kết thúc màn hướng dẫn, tôi quay lại tòa nhà Bệnh viện Baekje cũ, nơi có thi thể Lão Scho nằm trên sân thượng. Thi thoảng tôi nhớ về quá khứ và lui tới đây.
Nhưng tại sao, trong một tiệm cà phê mà đáng lẽ phải treo biển đóng cửa, lại có một người đàn ông đứng quầy?
Lần đầu tiên gặp phải cảnh này trong tất cả các vòng lặp, tôi không giấu nổi sự bối rối.
“Xin lỗi…”
“Vâng, thưa ngài. Chào mừng.” Người đàn ông mỉm cười. Anh ta là kiểu người đầu tư 80% chỉ số thời trang và phong cách vào bộ râu của mình.
“Anh có nên bán hàng như này không? Cả thế giới đang rơi vào hỗn loạn đấy.”
“À… Vâng. Tôi có định chạy trốn sang Nhật, nhưng vào hôm kia, một cơn bão lớn kèm theo lốc xoáy đã đi qua Nam Hải, và tất cả các tàu tị nạn đều bị đánh chìm.” Người đàn ông thở dài.
Đối với tôi, một kẻ vừa từ Seoul trở về Busan, thì tin này hoàn toàn mới. “Một cơn bão?”
“Vâng. Tôi không rõ lắm, nhưng hình như số người thiệt mạng lên tới hàng nghìn. Hiện giờ Cảng Busan đang vô cùng hỗn loạn. Tôi có nghĩ đến việc trả một khoản lớn để đặt vé tàu tư nhân, nhưng chủ tàu bảo tôi rằng một tuần nữa ông ta mới ra khơi, và nếu tôi không thích thì đi mà tìm tàu khác. Ông ta đã nói vậy thì tôi đâu làm gì được? Vì không còn việc gì để làm, nên tôi nghĩ ít nhất nên mở cửa tiệm trong tuần này. Mặc dù tiền cũng chẳng còn ý nghĩa nhiều nữa, haha.”
Người quản lý cười lớn. Nhưng tôi không cười nổi.
‘Mình không nhớ là có bão tại thời điểm này.’
Tôi sở hữu [Trí Nhớ Hoàn Hảo], một năng lực giúp lưu trữ tất cả các kí ức.
Trên thực tế, chính nhờ đạt được năng lực ấy vào lần hồi quy thứ 5, mà tôi có thể kể cho các bạn nghe những câu chuyện giống như bây giờ. Bởi tôi có thể nhìn lại toàn bộ sự kiện đã xảy ra tại vòng lặp thứ 30, cùng với suy nghĩ của tôi khi ấy.
Vì vậy, tôi có thể nói điều này với độ chắc chắn 100%.
‘...Đây là một sự kiện bất thường.’
Để tôi nhắc lại, thời điểm tôi đến quán cà phê trong vòng lặp thứ 30 là ‘sáu tháng sau khi kết thúc màn hướng dẫn’.
Đại khái là vẫn còn trong giai đoạn rất sớm của đầu vòng lặp.
Hành động của tôi khi bắt đầu một lần hồi quy luôn giống nhau. Cũng không quá nếu nói rằng không có gì thay đổi so với vòng lặp thứ 29 hay thậm chí là 28.
Không thể là do hành động của tôi được.
Vậy mà, trong thế giới của lần hồi quy này, một ‘cơn bão’ đã tấn công Nam Hải.
‘Là thứ gì? Thứ gì đã gây ra việc này?’
Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân của nó.
Với một người có học thức như tôi, kẻ kịch liệt phản đối những lý thuyết lòng vòng như Cách giải thích của Copenhagen về vật lý lượng tử và chỉ tôn trọng thuyết tất định nhân quả, thì tình huống này quả thực khó hiểu.
“Thưa ngài.”
“Gì vậy?”
“Thứ lỗi cho tôi khi phải nói điều này, nhưng nếu ngài không định gọi đồ gì…”
“Ồ, xin lỗi. Tôi chỉ đang mải suy nghĩ thôi. Ờm, làm ơn cho tôi một tách café au lait.”
“Ôi, tất nhiên rồi. Tổng cộng sẽ là 59500 won[note59716] .”
“...”
Tách café au lait, sau khi trúng đòn trực diện của lạm phát tận thế, trở nên vô vị.
Nhưng sự việc còn làm tôi đau đầu hơn là vào lần hồi quy tiếp theo, vòng lặp thứ 31.
「Doanh nghiệp tạm thời đóng cửa vì lí do cá nhân.」
Khi tôi đến tiệm cà phê một lần nữa cũng vào khoảng thời gian này, biển thông báo đóng cửa vẫn treo ở ngoài như thường lệ.
“Chúa ơi.”
Chuyện gì đang diễn ra vậy?
Còn quá sớm để hoảng loạn, bởi ngoài việc tiệm cà phê có hoạt động hay không, nhiều biến số bắt đầu xảy ra độc lập ở các vòng lặp khác nhau.
“Ủa? Thánh Nữ, cô chuyển nhà à?”
“Vâng?”
“Những vòng lặp trước, cô luôn sống tại nhà mình ở Yongsan.”
“À… Dạo gần đây hơi khó kiếm đồ ăn cho cá. Một người ở bang hội lân cận cũng có sở thích nuôi cá cảnh giống tôi, nên tôi chuyển nhà đến gần họ hơn.”
“...”
Địa chỉ nhà của Thánh Nữ thay đổi một chút vào vòng lặp thứ 47.
“Thưa các quý ông và quý bà! Tôi xin tuyên bố, thủ đô mới của Hàn Quốc là Thành phố Đô thị Busan!”
“Oa!”
“Chính thường quốc! Chính thường quốc!”
Trong vòng lặp thứ 71, thị trưởng Busan nắm quyền kiểm soát hoàn toàn cục diện chính trị của Bán đảo Triều Tiên. Tôi không khỏi ngạc nhiên. Người thị trưởng đó, ban đầu đã bỏ trốn tới Fukuoka, Nhật Bản, để thành lập một chính phủ lâm thời. (Ông là một người đàn ông kiểu mẫu, thậm chí còn tận tụy chăm lo cho gia đình thứ hai của mình trong quá trình bỏ trốn.)
Thêm vào đó, đủ loại sự kiện điên rồ diễn ra, chẳng hạn như một con quái boss tầm trung đáng lẽ phải tấn công Bắc Triều Tiên đột nhiên cảm mến nền dân chủ và đổi ý rút lui, hay một cơn mưa thiên thạch mà đáng lẽ phải rơi xuống tỉnh Gyeongsangnam cuối cùng lại hạ xuống tỉnh Jeollanam.
‘Không.’
Tôi cảm thấy rối bời.
‘Chẳng phải cứ thế này thì việc dự đoán tương lai sẽ gặp rắc rối sao?’
Mặc dù trong hầu hết các vòng lặp, luật nhân quả đều hoạt động ‘bình thường’ mà không gặp phải vấn đề nào, thi thoảng—và thường là đột ngột—mọi thứ sẽ rơi vào hỗn loạn.
Ừ thì, nếu cứ coi chuyện đó giống như thi thoảng ăn pizza với dứa thì cũng không phải việc gì lớn.
Tuy nhiên, là một người theo thuyết tất định cổ điển, tôi không thể thấy yên tâm chừng nào chưa khám phá ra nguyên nhân đằng sau những sự kiện kì lạ này.
「Ngài Người Đưa Tang.」
Và vì thế, ở vòng lặp thứ 82, cuối cùng một manh mối cũng xuất hiện.
「Một cơn bão vừa được phát hiện ở ngoài khơi bờ biển Incheon. Là một cơn lốc xoáy khổng lồ.」
“Gì cơ? Một cơn lốc xoáy trên Hoàng Hải? Không thể nào, mực nước ở đó quá nông.”
「Vậy mà chuyện ấy đang thực sự xảy ra. Tôi đang chia sẻ tầm nhìn với những Thức Tỉnh Giả ở Cảng Incheon ngay lúc này. Xin hãy cẩn thận, vì chúng ta không biết cơn lốc xoáy sẽ hướng về đâu.」
“Chờ chút, ở Incheon có rất nhiều người tị nạn…”
「Ngài không cần lo lắng. Nhân danh các Chòm Sao, tôi đã gửi tin nhắn cho những Thức tỉnh giả khác. Hiện tại họ đang sơ tán.」
Tôi nhanh chóng truy cập vào SG Net. Quả nhiên, bảng tin cộng đồng đang xôn xao.
- Anonymous: Tin nóng: phát hiện vòi rồng ở Tây Hải lol
- [Tam Thiên] Kẻ Xét Xử Phù Thủy: Tôi muốn giúp, nhưng chỗ đó xa quá.
- Goryeojang: Thôi nào, để đám người già vào quan tài đi thôi~
- dolLHoUse: nguy hiểm
- Anonymous: Không đùa đâu, nhìn qua ảnh thì có vẻ nghiêm trọng lắm. Nếu mới ở đường chân trời mà đã lớn đến vậy, thì đường kính của cơn lốc ít nhất phải cỡ 3km. Tôi không rõ về sức gió, nhưng tuyệt đối đừng lại gần nó. Chỉ cần sơ sẩy một chút là mấy người bị sét đánh như chơi đấy.
Giữa lúc hỗn loạn, có người đăng ảnh và video của cơn lốc xoáy khổng lồ. Tôi chưa từng thấy bất kì thứ gì như thế.
“...”
Và rồi như một tia chớp, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi.
“Đúng rồi, là cơn bão!“
「Gì cơ?」
“Là cơn bão! Không, là cơn lốc xoáy!”
Giờ nghĩ lại thì, không phải chủ tiệm cà phê có nhắc đến rồi sao?
‘Vào hôm kia, một cơn bão lớn kèm theo lốc xoáy đã đi qua Nam Hải, và tất cả các tàu tị nạn đều bị đánh chìm.’
Tôi nói đầy tự tin. “Trong những vòng lặp mà cơn lốc xoáy xuất hiện, dòng chảy của các sự kiện khác cũng bị bóp méo đến kỳ lạ. Rõ ràng thủ phạm là cơn bão… Không, thủ phạm chính là kẻ đã gây ra cơn bão.”
「Xin lỗi, ngài Người Đưa Tang. Tôi không hiểu ngài đang nói về việc gì…」
“Tôi sẽ giải thích sau. Thánh Nữ, cô có thể lần theo đường đi của cơn bão ở ngoài khơi bờ biển Incheon, rồi định vị nguồn gốc của nó chính xác nhất có thể được không?”
「Chắc là hơi khó một chút, nhưng tôi sẽ thử. Để tôi kiểm tra những khu vực bị ảnh hưởng bởi cơn lốc.」
“Đợi tôi một chút”, Thánh Nữ thì thầm, có vẻ đang lấy một tấm bản đồ ra. Sau khi quan sát một lượt các thành phố ở gần Hoàng Hải, cô báo cáo lại.
「Ừm… Tôi không chắc làm vì tầm ảnh hưởng của cơn bão quá rộng. Ngài Người Đưa Tang, xin hãy nhớ đây chỉ là ước tính của tôi thôi.」
“Không sao, cứ nói đi. Là ở đâu?”
「Bắc Kinh, Trung Quốc.」
Bắc Kinh. Trung Quốc. Lốc xoáy.
“A.”
Vào lúc ấy, không rõ vì sao, tôi dường như đã biết được danh tính thực sự của cơn lốc này.
∗ ∗ ∗
- Liệu một con bướm đập cánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở phía bên kia Trái Đất không?
Một câu nói ngắn gọn mô tả Hiệu ứng cánh bướm.
Ban đầu, địa điểm không phải ‘Bắc Kinh’ mà là ‘Brazil’. Một điều thú vị khác là, ngay cả tên địa điểm cũng chỉ là một chi tiết được thêm vào sau này.
Khi một nhà khí tượng học lần đầu tiên trình bày về Hiệu ứng cánh bướm tại một buổi hội thảo, họ đã nhắc đến ‘chim hải âu’ mà không phải ‘bướm’. Dĩ nhiên, cũng không có Brazil hay lốc xoáy.
Chỉ nhìn vào đây cũng đủ thấy, những hiện tượng kì lạ đã phớt lờ lịch sử khoa học của nhân loại một cách thô bạo đến chừng nào. Khả năng đọc hiểu của chúng vốn không màng đến độ chính xác về mặt thực tế.
Thông thường, một người có học thức và quan điểm khoa học chặt chẽ về thuyết tất định nhân quả như tôi sẽ có thắc mắc sau:
- Tại sao Hiệu ứng cánh bướm lại xuất hiện ở Bắc Kinh mà không phải Brazil?
- Hiệu ứng cánh bướm nói rằng chỉ một chênh lệch nhỏ nhất trong điều kiện ban đầu, sẽ dẫn đến những thay đổi không thể đoán được ngày càng lớn theo thời gian, vậy tại sao hiện tượng kì lạ kia không phóng gió bão ra mọi phía?
Tôi không biết.
Thật đấy, tôi không biết.
Về cơ bản, những hiện tượng kì lạ cũng không hề quan tâm đến trí tò mò hay các phản ví dụ của con người. Đối với chúng, bản thân những câu hỏi ấy không hề ‘thú vị’.
Nhưng hãy để tôi, một hồi quy giả dày dặn kinh nghiệm, chia sẻ phán đoán của mình…
Đó là vì mấy thứ chết tiệt này không khác gì ‘AI vẽ tranh’ cả!
Đối với những hiện tượng kì lạ, bề dày lịch sử và kho kiến thức chung của nhân loại không hơn gì những ‘dữ liệu đầu vào’. Giống như AI nghĩ rằng dù số chân là hai hay ba cũng đều bình thường với loài Homo sapiens, những hiện tượng kì lạ cũng không phân biệt gì giữa người Trung Quốc và người Brazil.
Khái niệm Hiệu ứng cánh bướm, vốn là một phần của khoa học nhân loại, đã bị sửa lại liên tục vào cuối thế kỉ trước.
‘Một thực thể tạo ra những cơn bão không bị ràng buộc bởi luật nhân quả!’
Nếu phải diễn đạt lại, thì tôi sẽ dùng cụm từ ‘máy phóng lốc xoáy’.
Thật vậy, ‘Hiệu ứng cánh bướm’ giống như tên lửa của Bắc Triều Tiên. Mọi người đều biết rằng cứ khi nào thấy buồn chán thì bọn họ sẽ phóng tên lửa, nhưng tên lửa bay về đâu thì còn tùy tâm trạng người phóng.
Ở vòng lặp thứ 30, cơn lốc vòng xuống phía Nam, đánh chìm những chiếc tàu đang hướng đến Nhật Bản. Ở vòng lặp thứ 82, nó đổ bộ vào bờ biển Incheon và dâng sóng thần rửa tội cho những người tị nạn.
Có phải vậy là hết không? Từ vòng lặp thứ 83 đến 85, cơn lốc di chuyển khắp nơi, lần lượt về phía Mông Cổ, Ấn Độ và Siberia. Hàng loạt những pha chuyển hướng mà nếu các huấn luyện viên của Major League nhìn thấy, họ sẽ lập tức phát cuồng lên và tranh nhau mời cơn lốc ký hợp đồng.
Dù sao thì, hiếm khi có lốc xoáy đánh vào trong lãnh thổ Bán đảo Triều Tiên, nên đương nhiên sẽ rất khó để tôi, một người Hàn 100%, để ý tới cơn lốc.
“...Đúng là một tồn tại nguy hiểm.”
Rộp. Thánh Nữ cho một miếng khoai tây chiên vào miệng.
Bất ngờ thay, Thánh Nữ không ăn khoai tây từ trong bịch mà là từ một hộp cơm trưa Lock & Lock bằng nhựa. Ngay cả món ăn nhẹ của cô cũng được chia thành từng phần nhỏ và để vào tủ lạnh, chứng tỏ đầu óc cô không bình thường.
Thêm nữa, cô đang gắp khoai tây chiên bằng đũa, không phải ngón tay. Cô có còn là con người không?
Thánh Nữ hikikomori nói, “Hiệu ứng cánh bướm là tên gọi thông thường, nhưng trên thực tế, nó giống một biến số ngẫu nhiên không thể đoán trước hơn. Nếu vậy chẳng phải lợi thế lớn nhất của một hồi quy giả sẽ không còn sao?”
“Đúng thế. Mà vấn đề lớn hơn là làm sao để xác định vị trí chính xác của hiện tượng kì lạ này.”
“Gì cơ?”
“Thử nghĩ mà xem, Thánh Nữ. Nếu đích đến của cơn lốc thay đổi theo từng vòng lặp, thì tức là điểm bắt đầu của nó cũng có thể thay đổi. Dù sao, chúng ta biết chắc rằng nguồn gốc của cơn lốc nằm ở Bắc Kinh, nhưng Bắc Kinh có hơi lớn quá không?”
“A…” Thánh Nữ gật đầu tỏ ý hiểu. “Quả thực nhiệm vụ này sẽ rất khó khăn.”
“Phải. Tôi không biết hiện tượng kì lạ ấy có lớn cỡ Cthulhu hay không, nhưng xét về việc mạng lưới thông tin của tôi vẫn chưa tóm được nó, thì chắc là nó khá nhỏ. Dù sao thì, ta phải tìm hiện tượng kì lạ này ở Bắc Kinh, mà địa điểm chính xác lại thay đổi theo từng vòng lặp. Không khác gì mò kim đáy bể.”
“Ngài nói phải. Quả là như vậy.”
“Đúng. Tôi gần như không thể tự mình giải quyết được. Giá như tôi có một thiên tài có thể chia sẻ tầm nhìn với tất cả các Thức tỉnh giả.”
“...”
“...”
“...?”
“...”
“...Tôi sẽ đi cùng ngài. Đến Bắc Kinh.”
“Ôi trời. Cô không cần phải làm vậy đâu. Nhưng nếu Thánh Nữ giúp đỡ, thì tôi như có được cả thiên binh vạn mã vậy.”
“...”
Chuyến công tác nước ngoài thú vị của Thánh Nữ hikikomori, đã được xác nhận!
5 Bình luận