Lúc một mình, tâm trí Tiểu Hồ không ở yên. Nó thường du hành tới những viễn cảnh hoặc ảo cảnh tô dệt bằng nhiều âm thanh, nhiều hình ảnh con người. Và nàng sẽ ở trong đó chừng nào thực tại còn chưa vỗ vai. Cô gái tự nhận mình không mơ mộng, vì thế giới nọ chỉ tái hiện lại những gì nàng từng chứng kiến, từng trải qua, có chăng thêm thắt chút tình tiết phi thực – quá nghèo nàn so với cái gọi là “mơ mộng”.
Vả lại chẳng có sự mơ mộng nào khi Tiểu Hồ nhớ về cô nhi viện. Tâm trí là thứ khó kiểm soát, nàng không thể ngăn cản nó.
Kỳ thực Tiểu Hồ chẳng ghét cô nhi viện, nó không đáng sợ như mọi người lầm tưởng. Tất nhiên khó mà nói rằng tất cả bà mẹ nuôi đều nhân hậu tốt tính, hay tất cả lũ trẻ đều vô tư hồn nhiên. Nó khắc nghiệt hơn thế, nhưng nếu biết cách thì vẫn sống khỏe re. Cho tới ngày đại thánh sứ Tây Minh xuất hiện rồi đón đi, Tiểu Hồ ít gặp chuyện buồn ở cô nhi viện. Nếu tính vụ bị đám con trai lớn hơn bắt nạt giành đồ chơi cũng gọi là buồn, nhưng Tiểu Hồ đã trả đũa bằng nhiều cách như dội nước cống xuống đầu chúng nó, hoặc xịt mù tạt vào lỗ mũi của từng thằng lúc bọn này ngủ say, kể ra lại quá vui. Và ở đấy có món bánh ngọt ngon tuyệt, là cảm hứng để sau này Tiểu Hồ mở tiệm Con Cáo Nhỏ. Cô nhi viện không vui song cũng không quá tệ.
Nhưng có một thứ của cô nhi viện khiến Tiểu Hồ sợ hãi. Tới nỗi nhiều năm sau khi đã sở hữu cho mình một căn hộ tiện nghi, một cửa hàng khang trang, một công việc nhiều người mong ước, một vị thế đáng nể, nàng vẫn run rẩy nhớ lại.
Cô nhi viện có một hành lang dài, rộng, hai bên là những căn phòng đánh số chẵn lẻ đối diện nhau. Mỗi sớm, bọn trẻ con tập trung tại đó để điểm danh trước bữa sáng, rồi đêm xuống, chúng lại sắp hàng điểm danh lần cuối trước lúc đi ngủ. Hành lang ấy tập trung mọi bước chân của lũ trẻ, chứng kiến đủ trò đùa nghịch, là sàn đấu mà lũ đầu bò đầu bướu hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn, là nơi mà các bà mẹ nuôi hò hét quát mắng những đứa nghịch ngợm, và là nơi cấm túc. Phá hoại, nghịch ngợm, bỏ bữa, vẽ bậy, chây lười... mọi tội lỗi đều quy thành cấm túc, đứa bị phạt sẽ không được ngủ và ở ngoài hành lang suốt đêm.
Bọn trẻ con hãi cấm túc, Tiểu Hồ cũng vậy. Đoạn hành lang như thể được sinh ra cho hình phạt đó. Nó chắc chắn không có ma – Tiểu Hồ dám khẳng định như thế vì đã bị cấm túc vài lần, cũng không có con quỷ lưỡi dài nào như lũ trẻ dọa dẫm nhau. Vẫn nó và vẫn là nó: một hành lang gồm những căn phòng đánh số chẵn lẻ. Nhưng dưới màn đêm lợt lạt ánh đèn trần, nó hiện lên trong dáng vẻ kỳ lạ. Cánh cửa hình chữ nhật, gạch lát nền hình vuông, hai bức tường chạy dọc hành lang thẳng tưng như được kéo căng – tất cả chúng hợp lực với nhau, khoét không gian thành đường hầm hun hút sắc cạnh. Nó bẻ ánh sáng đèn trần, bẻ cả mắt người vào một khuôn khổ chẳng thể phá vỡ.
Lần đầu bị cấm túc, Tiểu Hồ thức suốt đêm. Hành lang vọng tiếng thạch sùng tặc lưỡi, tiếng chuột chạy lục cục lẫn những bước chân mơ hồ vào tai cô bé năm tuổi sợ ma. Khi đã quen, giấc ngủ cũng chẳng đến với Tiểu Hồ dễ dàng hơn khi mặt sàn lạnh ngắt thổi những cơn run rẩy vào bàn chân và sống lưng. Hoặc giả như quá mệt mỏi mà thiếp đi, cô bé Tiểu Hồ mơ thấy mình nhẹ bẫng rồi bay lên như có cánh gắn dưới gót chân; nhưng nếu muốn vươn tận trời cao, cô bé phải vượt qua mái trần hành lang đầy mạng nhện. Mạng nhện mỏng manh nhưng chăng kín góc, trải khắp, nom như keo đặc phủ kín những mảng trần tróc sơn. Chúng ở đấy từ ngày Tiểu Hồ bước vào cô nhi viện, mỗi tháng đều có người quét dọn, nhưng chẳng hiểu sao qua mỗi năm càng dày thêm. Cô bé Tiểu Hồ nhận ra mình không thể vượt qua lớp mạng nhện, mà mãi mãi chỉ có thể bay trong đoạn hành lang sắc cạnh đó.
Thực tình không phải mạng nhện ngăn Tiểu Hồ. Chẳng thứ cạm bẫy mành lưới nào có thể ngăn giấc mơ con trẻ. Vấn đề là những con nhện. Tiểu Hồ không sợ nhện mà sợ cái cách chúng sinh ra.
Có lần cấm túc, Tiểu Hồ trông thấy một con nhện cái bò xuống chỗ mình. Cô bé biết là nhện cái bởi nó bò ì ạch, bụng mang theo một túi trứng màu trắng đục, từng cái chân khó nhọc nhấc bước trên mặt tường. Cô bé không hiểu tại sao nó bò xuống đây. Luýnh quýnh thế nào, con nhện trượt chân rớt xuống góc tường, túi trứng bật khỏi bụng. Con nhện cái lủi ngay vào bóng tối như vừa thoát khỏi cục nợ. Túi trứng vỡ bung, hàng trăm con nhện bé xíu bò lổm ngổm trên sàn tỏa ra khắp nơi. Chúng chạy trốn ánh sáng, lao vào bóng tối và bắt đầu vòng đời giăng tơ kết mạng. Chúng không cần mẹ hệt như mẹ cũng không cần chúng. Chúng đến thế giới Tâm Mộng này như một lẽ dĩ ngẫu, tự mình lớn lên, không cần đặt câu hỏi. Cô bé Tiểu Hồ không hiểu tại sao lũ nhện có thể sống như thế.
Từ ngày đó, Tiểu Hồ cảm giác mình như đám nhện con, không bao giờ thoát khỏi ngóc ngách đoạn hành lang. Những giấc mơ bắt đầu hạ thấp rồi đồng điệu ít nhiều với thực tại. Giấc mơ nghèo nàn. Đại thánh sứ Tây Minh đưa Tiểu Hồ rời cô nhi viện nhưng nàng không thể quên đoạn hành lang cấm túc hay lũ nhện. Và những giấc mơ vẫn hết sức nghèo nàn.
Trong tâm thức Tiểu Hồ chợt vang tiếng chuông. Không phải ảo thanh ảo ảnh mà là tiếng chuông nhà. “Bốn giờ chiều!” – Nàng ngó đồng hồ, chắc mẩm Liệt Trúc đi học về, bèn chạy ra mở cửa. Trước mặt nàng, con bé Liệt Trúc hiện lên trong mái tóc đỏ dài thõng, tai nghe nhạc trùm đầu, ba lô trễ nải bên tay và lệt xệt dưới đất. Con bé không nhìn Tiểu Hồ, chỉ lầm lì bước qua, miệng hơi mấp máy:
-Em chào chị.
Tiểu Hồ nhìn con bé, trông thấy áo quần xộc xệch rồi thêm ba lô bị rách, đoán chừng Liệt Trúc lại gây chuyện ở trường. Gần đây thư nhắc nhở từ giáo viên gửi về nhà đều đều, Tiểu Hồ đọc riết thành quen. Từ lúc đại thánh sứ Tây Minh mất, Liệt Trúc đâm khó bảo. Con bé dễ nổi nóng và lạc lõng với cuộc sống học đường. Vả lại Liệt Trúc đã mười bốn tuổi – bắt đầu giai đoạn dở hơi nhất của một đứa con gái. Tiểu Hồ biết mình không nên nói con bé và dẫu nói cũng chẳng ích gì.
-Đói không? – Tiểu Hồ hỏi.
Liệt Trúc gật đầu. Tiểu Hồ làm món trứng chưng kem rồi đưa cho con bé. Liệt Trúc lặng lẽ ăn, không nói không rằng. Máy sưởi bật cả ngày nhưng không khí căn nhà chẳng khác ngoài trời: lạnh lẽo và đầy tuyết. Đã tháng 3 nhưng tuyết vẫn đóng tảng ngoài bệ cửa sổ và phủ khắp Phi Thiên thành. Mùa đông đang kéo dài một cách bất thường theo lý thuyết khoa học, nhưng lại hợp rơ tâm trạng của người Phi Thiên quốc. Họ vừa mất đại thánh sứ Tây Minh. Còn Tiểu Hồ và Liệt Trúc mất người thầy, người cha. Có lẽ không phải gió phương bắc mà chính người Phi Thiên tạo ra mùa đông này.
Đáng lẽ Tiểu Hồ đang ở Diệp quốc, công việc bên ấy nhề nhãi và chưa có chút tiến triển nào. Nhưng Liệt Trúc khiến nàng bất an, cộng thêm cuộc gọi từ Hỏa Nghi làm nàng phải quay về đây.
“Cậu đang ở đâu thế, thú dữ? Diệp quốc? Công việc gì? Bí mật? Được rồi, bí mật gì thì cũng tạm gác lại, quay về đây và chăm nom Liệt Trúc giùm tôi. Cậu không thể vứt con bé cho người khác. Đừng quên con bé là con của ai. Giờ cha nó là tội phạm số một, cậu nghĩ Hội Đồng Pháp Quan hay đám khác sẽ để con bé yên ổn? Thầy Tây Minh mất rồi, liệu bọn họ còn giữ lời không? Và đừng quên tóc đỏ không ở đây nữa, hắn sẽ không xuất hiện như vị cứu tinh mà giúp Liệt Trúc đâu! Cứ quay về Phi Thiên thành, tôi sẽ giúp cậu!”
Trở lại Phi Thiên thành, Tiểu Hồ tránh xa truyền hình báo chí càng nhiều càng tốt, nhất là khi Liệt Trúc ở bên cạnh. Hai tháng qua, đám truyền thông vẫn ngày ngày rỉa xác đại thánh sứ và bậu đầy quanh gã trùm khủng bố. Tiểu Hồ khó chịu một còn con bé bực bội gấp trăm. Tàu điện, đại lộ, quảng trường, bảo tàng... hễ nơi nào có người thì nơi ấy có lời bàn tán về chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành, người chết, đại thánh sứ Tây Minh, Liệt Giả. Chúng lan tới cả trường học, luồn lách vào những màn đấu láo của lũ trẻ vốn mơ mộng thành chiến binh. Thế nên Tiểu Hồ không khó hiểu khi Liệt Trúc lấy tai nghe nhạc và chọn sự lầm lì để đối mặt thế giới.
-Em nhớ đại thánh sứ thích nhất món gì không? – Tiểu Hồ chợt hỏi.
Liệt Trúc ngừng ăn đoạn tháo tai nghe nhạc. Nó ngẫm nghĩ một lúc, sau đáp lời:
-Thầy không thích món ăn nhất định. Nhưng thầy thích thuốc lá và trà thiết mộc.
-Ừ. – Tiểu Hồ cười – Cha ăn nhiều món, không chê món nào, có thể ăn những món cay thối ruột của người phương đông. Cha không có sự tinh tế về đồ ăn. Chị mất nửa ngày làm bánh, đủ thứ công phu cầu kỳ, vậy mà cha ăn xong chỉ khen “cũng được”. Em hiểu từ “cũng được” đánh gục người ta thế nào không? Nó hạ thấp mọi công sức, sự cố gắng hay giá trị mà một người nào đó cố tạo ra. Cha không có ác ý, nhưng tính cha là vậy. Có lẽ mọi vị giác của ông ấy đều dành cho thuốc và trà thiết mộc. Cha biết loại thuốc ngon nhất, loại thuốc phải thưởng thức bằng một cái điếu dài, hay thuốc nào phải cuốn trong lá thảo mộc tương ứng. Và cha sẽ nói về trà thiết mộc cả ngày. Người ta nói cha kiệm lời. Không đâu! Cha có hẳn trăm bài diễn thuyết về trà thiết mộc, nếu người ta chịu ngồi yên và lắng nghe, nhưng đa phần mọi người đều bỏ đi trước khi cha kịp nói hết.
Liệt Trúc không cười nhưng gật đầu. Nó ở bên Tây Minh đủ lâu để biết những sở thích và thói quen khác người của ông. Trong lúc đó, Tiểu Hồ lục lọi ba lô của con bé:
-Nhưng cha không khuyến khích người khác giống mình, đặc biệt là người thân. Rõ ràng cha không bảo em “hút thuốc có lợi cho sức khỏe”, hay chị nhầm? – Tiểu Hồ móc ra vài bao thuốc từ ba lô – Em không thể ra tiệm mua thứ này, đứa nào ở trường cho hả? Hay bọn du đãng?
Liệt Trúc im lặng, bộ mặt lầm lì sau mái tóc đỏ, đôi mắt màu xanh lá bới móc cái đĩa trứng chưng kem trống không. Sẽ là hợp lý nếu con bé gào lên về chuyện tài sản cá nhân bị xâm phạm, đám trẻ tuổi này không thích ai đụng vào đồ của chúng. Nhưng Liệt Trúc hoàn toàn thờ ơ – một dấu hiệu nguy hiểm. Nó như con sói nhỏ đang mất niềm vui khám phá thế giới và trở thành con sói trưởng thành, man rợ và chết chóc. Tiểu Hồ gạt mớ bao thuốc lá vào thùng rác, tiếp lời:
-Em còn muốn làm thánh sứ không? Em từng nói muốn trở thành thánh sứ giỏi. Em còn ước mơ ấy không?
-Em không biết. – Rốt cục Liệt Trúc cũng cất lời.
-Trước đây em khẳng định chắc chắn sẽ theo nghiệp thánh sứ. Vậy mà giờ nói “không biết” là sao?
-Em không biết nữa. – Liệt Trúc lắc đầu – Làm thánh sứ là được Vạn Thế che chở và ban phước cho mọi người. Nhưng cây mẹ không che chở thầy Tây Minh, cũng không che chở anh Phong. Nếu cây mẹ không che chở thầy và anh tức là cũng không che chở em hay người khác. Tại sao em phải đặt niềm tin vào một thứ như thế?!
Tiểu Hồ thở dài:
-Nhưng thánh sứ có sức mạnh, phải chứ? Vạn Thế ban cho em sức mạnh và em sẽ dùng nó che chở mọi người, cứu giúp hoặc ban phước cho họ. Dĩ nhiên, một thánh sứ giỏi nhất cũng không thể chống chọi chiến tranh. Chị đã ở giữa cuộc chiến, nó khủng khiếp hơn mọi cơn ác mộng. Chúng ta phải tự hào thay vì đau buồn mãi! Phải tự hào chúng ta có một người cha tuyệt vời! Vả lại nếu muốn giúp anh trai, em phải có sức mạnh, đúng không?
Nghe tới “anh trai”, Liệt Trúc nhổm người. Tiểu Hồ đã gãi đúng chỗ ngứa của con bé. Rõ ràng con bé chưa quên sự vụ hồi lễ khai giảng. Hơn bao giờ hết, con bé muốn trở thành một thứ gì đó mạnh mẽ, một vị thần, một đấng quyền năng và xách cổ tra hỏi những kẻ đã truy sát anh trai mình. Thấy vậy, Tiểu Hồ tiếp lời ngay:
-Nếu vẫn muốn làm thánh sứ, em phải ngừng hút thuốc. Hút quá sớm, phổi của em sẽ yếu, dễ hụt hơi và không đủ thể lực. Cứ tiếp tục thế này, em sẽ trượt kỳ thi tuyển. Này bé... – Tiểu Hồ cúi người đoạn nắm lấy tay Liệt Trúc – ...nếu em không cố gắng, cha ở thế giới bên kia sẽ thất vọng và Phong sẽ chẳng thể về bên chúng ta. Em hiểu chứ?
Liệt Trúc chẳng còn bé bỏng mà tin vào thế giới bên kia, nhưng đủ lớn để hiểu Vô Phong đang chui nhủi ở đâu đó trên thế giới. Anh trai nó sẽ chẳng về trong mùa hè này, lễ năm mới năm sau, năm sau nữa, năm kia, thậm chí nhiều năm liền. Con bé không chấp nhận viễn cảnh đó.
-Đọc thử xem! – Tiểu Hồ dúi vào tay con bé vài quyển sách thực hành phép thuật – Mỗi tối đọc một ít, đừng thực hành lung tung nếu không muốn bị bỏng. Cũng đừng đem nó đến trường... Ôi, đáng ra chị không nên nói! Thôi được rồi, chị biết là em sẽ mang nó đến trường, nhưng đừng cho đứa nào thấy. Nhỡ bị giáo viên bắt gặp thì đừng khai người cho mượn, nhé? Và không hút thuốc, không sinh sự hay đánh nhau, hoặc là em sẽ không có sách đọc tiếp! Thỏa thuận?
Tiểu Hồ giơ ngón út, con bé tóc đỏ ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ sau ngoắc lấy ngón tay của cô nàng. Liệt Trúc đã mong muốn tiếp xúc phép thuật từ sớm, vì nghe đại thánh sứ nên miễn cưỡng đi học văn hóa. Giờ cuộc sống trường học tù túng, phép thuật là thứ cứu cánh duy nhất của con bé. Tiểu Hồ chẳng tìm được cách nào khả dĩ hơn. Ở tuổi Liệt Trúc, nàng cũng bướng bỉnh ngang ngạnh y hệt và chỉ làm điều mình thích, đại thánh sứ khuyên răn không nổi.
Nhận được sách, Liệt Trúc lật vài trang, lẩm nhẩm đọc vài dòng. Lần đầu tiên Tiểu Hồ thấy đứa nhỏ chịu chú mục vào chữ nghĩa lâu hơn năm phút, trong lòng an tâm hơn. Được một lúc, con bé tóc đỏ chợt ngẩng đầu:
-Có bao giờ chị nghĩ cây mẹ Vạn Thế... là một con nhện không? Vạn Thế sinh ra chúng ta, sinh ra mọi thứ. Nhưng cây mẹ bỏ mặc những đứa con của mình, để chúng tự sống, tự lớn, tự chết. Em biết một chút về nhện, môn sinh học có dạy. Chúng không hề tồn tại tình mẫu tử, không có tình thân. Phải chăng giữa Vạn Thế và chúng ta là quan hệ loài nhện? Em ghét nhện. Em ghét cách lũ nhện con chui ra từ trứng, bò lổm ngổm. Em ghét chúng giăng tơ! Cây mẹ luôn bỏ rơi chúng ta, để thầy phải chết, để anh Phong phải rời khỏi đây, để xảy ra chiến tranh Tuyệt Tưởng Thành. Cây mẹ là con nhện, đúng không chị?
Ký ức về lũ nhện cùng đoạn hành lang cấm túc bỗng hiện về trước mắt Tiểu Hồ. Những con nhện ngày đó thế nào? Lớn lên, tiếp tục chăng tơ, đẻ lũ nhện con mới? Hay xui xẻo gặp bọn thạch sùng đói ăn? – Thi thoảng nàng tự hỏi chuyện cũ. Nếu đúng như Liệt Trúc nói rằng cây mẹ là một con nhện, vậy nàng và Liệt Trúc là đám nhện con vô tình lạc vào một chỗ, hờn dỗi rồi trách móc người mẹ bỏ rơi chúng. Còn thế giới Tâm Mộng ngoài kia chẳng khác nào một mạng nhện khổng lồ được dệt nên từ bộ rễ Vạn Thế.
Giống như Liệt Trúc, Tiểu Hồ ghét nhện, không phải vì hình dáng mà bởi tập tính vô cảm máu lạnh của chúng. Đời này qua đời khác, lũ nhện sinh sôi từ sự bỏ rơi. Chúng bỏ rơi lẫn nhau, tự mình mà sống. Ngày đại thánh sứ Tây Minh xuất hiện, nàng nở nụ cười thật tươi khi được rời xa cô nhi viện, nơi mà bọn trẻ chẳng biết mình là ai, bò lổm ngổm giữa thế giới mà sống tiếp.
-Nhà đông con thì ít công bằng, huống hồ Vạn Thế có hàng tỷ đứa con? – Tiểu Hồ nhún vai – Nhưng chúng ta có liên hệ, sống cùng nhau, quan tâm lẫn nhau. Chúng ta không phải nhện.
-Chị chỉ ở đây vài ngày rồi lại đi? – Liệt Trúc hỏi.
-Công việc mà, mong bé hiểu cho chị. – Tiểu Hồ cười gượng – Cha giao việc rất quan trọng, chị không thể bê trễ.
Liệt Trúc không đáp, chỉ lặng lẽ kéo ba lô lệt xệt vào phòng ngủ. Tiểu Hồ nhìn theo, lòng bối rối. Nàng biết rõ con bé sẽ hỏi như thế song lại không biết cách trấn an nó. Ngay lúc này, nàng cần sự thông tuệ xen lẫn khiếu hài hước của cha nuôi để vỗ về Liệt Trúc. Phiền thay, đại thánh sứ đã mất và nàng phải lãnh việc trông trẻ.
Kỳ thực Liệt Trúc chẳng gặp mối đe dọa nào từ Hội Đồng Pháp Quan hay những người biết về sự tồn tại của con bé. Theo Tiểu Hồ đề nghị, Bất Vọng đã dọn về căn hộ kế bên để tiện trông nom. Liệt Trúc cũng chưa bao giờ ở nhà một mình, luôn có Mộng Dụ – học trò ruột của đại thánh sứ – ghé qua chăm sóc rồi nấu ăn cho con bé. Hỏa Nghi cũng thi thoảng ghé thăm[1]. Họa may thế giới này sụp đổ mới khiến con bé tóc đỏ gặp nguy hiểm. Nhưng Mộng Dụ hay Hỏa Nghi không phải người thân, Bất Vọng lại không thể sống chung nhà với một con bé mười bốn tuổi. Hơn bao giờ hết, Liệt Trúc đang cô đơn trong một căn nhà an toàn, tự giăng lưới bằng những tâm trạng buồn rầu và tự mắc kẹt trong cái lưới đó. Đứa nhỏ sắp trở thành một con nhện đúng nghĩa. Tiểu Hồ không muốn thế.
Đợi con bé tóc đỏ đóng cửa phòng, Tiểu Hồ rút ra một bức thư. Thư gửi từ tháng 2, vì nó mà Tiểu Hồ phải lặn lội sang Diệp quốc, cũng vì nó mà nàng thấy có lỗi với Liệt Trúc. Thư viết:
“Gửi con gái,
Khi con đọc thư này tức là ta đã không còn trên cõi đời. Xin lỗi con gái. Điều hối tiếc duy nhất là ta không khen ngợi con nhiều hơn, nhất là những món bánh mà con làm. Quả thực ta là một lão già kém tinh tế. Nếu được, mỗi năm, hễ đến ngày ta mất, con hãy làm một món bánh gì đó tưởng niệm ông già này. Ta không phải người phương đông cũng không theo quan niệm sống chết của họ, nhưng biết đâu đấy trong những dòng chảy từ Vạn Thế, linh hồn ta có thể cảm nhận thế giới thực? Phương đông hay phương tây cũng vậy cả.
Nhưng hãy để món bánh sau, còn nhiều việc quan trọng hơn. Ta cần con giúp, con gái. Nó rất nguy hiểm nhưng ta không thể giao việc này cho ai khác ngoài con.
Vài tháng trước, anh chàng Vô Phong đã nhờ con đến thư viện Xích Quỷ quốc. Chuyến đi nguy hiểm của con và anh bạn Vô Phong vô tình mở ra nhiều thứ hơn ta tưởng. Con còn nhớ đã nhờ ta vào kho hạn chế của thư viện quốc gia Xích Quỷ? Và ta đã gửi cho con một bản in truyện huyền sử do người Xích Quỷ ghi lại[2]. Có một câu chuyện mà chúng ta hứng thú nhất, là chuyện anh chàng Từ Thức bước vào thế giới khác. Chuyện “Từ Thức gặp tiên”. Con còn nhớ? Ta chắc chắn con nhớ.
Vậy để ta kể lại một chút. Trần Độ đã cung cấp bản in truyện huyền sử này cho ta. Trần Độ đánh dấu ghi chú rất nhiều ở câu chuyện “Từ Thức gặp tiên”, và nhờ ta giải thích[3]. Ban đầu ta không hiểu lắm câu chuyện này, nhưng dựa vào những gì đang xảy ra, ta đoán rằng Liệt Giả đang tìm cổng không gian – một thứ ngỡ chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Nhưng thứ tưởng tượng ấy có thật, có lẽ nó nằm ở Ngọn Xám, ta đoán thế. Ta tin rằng dù phải tổn thất bao nhiêu sinh mạng và dù phải trả giá thế nào, Liệt Giả cũng sẽ chiến thắng cuộc chiến để có cổng không gian. Ta biết hắn sẽ thắng. Bởi vì ta đã chứng kiến hắn chiến đấu. Trong thời đại Chiến Tranh Tài Nguyên đầy đau khổ, hắn là kẻ tài năng nhất, cũng là kẻ sống sót sau cùng.
Ta không biết Liệt Giả mở cổng không gian nhằm mục đích gì, nhưng rõ ràng nó không hề tốt đẹp. Có nhiều điều bên ngoài thế giới thực. Những vị thần, những thực thể bóng tối, những thế giới kỳ quặc... vô vàn thứ mà ta không biết. Nhiều khả năng hắn đang nhắm tới đất thánh, như nhiều năm trước hắn đã làm. Đáng tiếc, chẳng còn nhiều vị thánh sứ hay pháp sư hiểu biết về cổng không gian. Ta tin rằng ở Phi Thiên quốc không có ai như thế.
Có lẽ con phải đi xa hơn, về phương đông, nơi mà nhiều điều huyền bí còn tồn tại. Thứ nhất là hãy đến các thư viện, danh sách nằm trong bản phụ lục đính kèm. Thứ hai là tìm một người phụ nữ, một thành viên thuộc Ngũ Pháp Sư, tên bà là Lập Hoa Ngân Thôn Cơ, nữ pháp sư vĩ đại nhất Diệp quốc. Khi gặp, hãy đưa bức thư đính kèm (đừng mở ra) cho bà Thôn Cơ, bà ấy sẽ giúp con. Bà ấy mang nợ ta. Con sẽ cần bà Thôn Cơ, rất cần, và con sẽ vui mừng vì có một đồng minh mạnh mẽ như thế.
Tuy nhiên không dễ tìm Thôn Cơ. Người đời đồn đại đúng, các Ngũ Pháp Sư đã rời bỏ thế giới này. Thậm chí họ chẳng tranh đấu với nhau trong thế giới của riêng họ nữa. Vì vậy con cần một người dẫn đường. Người này chắc chắn tìm được Thôn Cơ. Nhưng hãy đề phòng vì người đó tính khí thất thường. Người già hay cáu gắt, con hiểu mà. Ta đã gửi một bức thư, nếu cuộc chiến Tuyệt Tưởng Thành diễn biến xấu, tự ông ta sẽ đến tìm con. Cũng giống Thôn Cơ, người đó nợ ta nhiều thứ. Ta từng kể rất nhiều chiến tích thời trai trẻ của mình, nhưng con chẳng nghe mấy, nhỉ? Thử nhớ xem, con gái!
Ở đây ta có một chiếc dây chuyền, hãy coi nó như là kỷ vật cuối cùng từ người cha này. Hai phần ba tài sản của ta thuộc về con, số còn lại thuộc về Liệt Trúc. Nếu bà vợ ưa cằn nhằn và đám con cái của ta tìm đến con thì không cần lo, ta đã làm thủ tục thừa kế.
Đừng để ngọn lửa bên trong mình cháy quá mạnh, Tiểu Hồ. Con nhớ châm ngôn của họ Hỏa không? Họ chẳng phải pháp sư nhưng rất thực tế. Lửa sinh tất cả, lửa thiêu tất cả. Đừng quên.
Ta yêu thương con như yêu thương Dạ Bích và Lục Châu.
Ngày 30 tháng 5 năm 7517
Tây Minh
Tái bút: Liệt Trúc thích ăn trứng
Tái bút 1: Liệt Trúc thích nhất món trứng chưng kem
Tái bút 2: đừng để Liệt Trúc ăn trứng quá nhiều”
Tiểu Hồ đọc lại bức thư đoạn sờ lần quanh cổ, kéo ra một chiếc dây chuyền mảnh dẻ khắc mặt con cáo. Nàng gìn giữ và quan tâm đến nó. Có chiếc dây chuyền ở bên, nàng cảm thấy bớt lạc lõng. Cuộc đời nàng dành phần lớn thời gian bên đại thánh sứ. Giờ Tây Minh không còn, nàng cũng như Liệt Trúc, như con nhện con tự mắc kẹt với cái lưới do chính mình dệt nên.
Nửa tháng trước, Tiểu Hồ tới lục địa Đông Thổ rồi lần mò hầu hết các thư viện mà đại thánh sứ yêu cầu. Tài liệu đã đọc, ghi chú đã viết nhưng nàng vẫn không tìm được điều gì mới mẻ hơn về cổng không gian. Trên hết, nàng chưa tìm thấy nữ pháp sư Thôn Cơ. Phương đông rộng lớn còn Tiểu Hồ không thể rảo chân cả lục địa để tìm kiếm một người. Đáng buồn hơn, người dẫn đường mà Tây Minh nhắc vẫn chưa xuất hiện, dường như người đó đã quên mất hoặc chẳng quan tâm lời thỉnh cầu của đại thánh sứ. May mắn thường trễ hẹn còn xui xẻo thì luôn đúng giờ! – Tiểu Hồ nghĩ thầm.
Đương bận suy tính, Tiểu Hồ nghe chuông cửa vang liên hồi và ầm ĩ. Bực mình vì kẻ bấm chuông bất lịch sự, cô nàng hầm hầm mặt bước ra định bụng quát tháo xối xả. Chắc lại thằng cha say rượu nào đây! – Tiểu Hồ nghĩ bụng. Nhưng trái với suy nghĩ, trước mắt nàng là một người đội mũ trùm, tóc bạc thồi ra từ cái mũ rơi rớt những vỏ cây mùn đất, áo khoác ngoài bốc mùi hôi như lâu ngày chưa giặt. Người nọ ngẩng đầu nhìn Tiểu Hồ, lộ ra một gương mặt già cỗi như mảnh đất đã trải qua hàng thiên niên kỷ mưa bão. Ông già làu bàu, giọng khàn khứ:
-Sao mà khó tìm thế?! Vậy... nhóc con là Tiểu Hồ, con gái của thằng nhóc Tây Minh hả? Ủa, ta nhớ thằng nhóc Tây Minh đâu có con gái?
-Là con nuôi. – Tiểu Hồ đáp – Nhưng ông là ai?
Ông già tự tiện bước vào mà chẳng đợi Tiểu Hồ cho phép, vừa đi vừa rờ bàn tay gầy đét lên bức tường hành lang. Bàn tay ông ta cáu bẩn, bức tường cũng đen nhẻm đi theo. Tiểu Hồ rủn người khi nhận ra một con nhện vằn vện đen đỏ đang bò quanh bàn tay đó. Ông già lạ mặt tiếp lời:
-Ta? Ta... không... nhớ. Lâu quá rồi. Nhưng nhóc con có thể gọi ta là Cụ Cố Tổ.
4 Bình luận
Mà tôi chưa từng thấy ai cho kem vô trứng chưng lên đó, ăn ngon không ta??? Tôi chỉ sợ là nếu tôi làm vậy thì phải gặp ông William Cường trò chuyện nguyên ngày quá
Nhưng cái khoản ăn cháo đá bát thì trừ Vô Phong ra được mấy người uy tín đâu lên quen rồi, trừ mấy tên dở dở ương ương như Thú thì không chấp @@