• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

1

Chương 13

0 Bình luận - Độ dài: 5,652 từ - Cập nhật:

Tôi của thời cấp ba khác nhiều thời cấp hai, bởi lẽ một phần tâm hồn tôi đã ở lại với quá khứ. “Nó” – thứ tâm hồn ấy vẫn quẩn quanh trong những trò nghịch ngu, cái nắm tay vụng trộm giữa mùa đông và con đường trải nắng có cây phượng xòe bóng. Tôi và “nó” sẽ cùng nhau lớn, hoặc tôi đã từng nghĩ thế.

Nhưng tôi càng lớn bao nhiêu, “nó” càng thụt lùi bấy nhiêu. Không còn nghịch ngu nữa, không còn thể hiện cái tôi trước mặt người khác nữa, “nó” đang dần xa rời tôi mà chính tôi chẳng hay biết. Chỉ đến khi cây phượng năm nào bị người ta chặt mất, tôi mới giật mình. “Nó” đang biến mất. Chỉ còn cái nắm tay ấm áp thuở xưa vẫn tồn tại trong trí nhớ của tôi. Nhưng đó là tôi…

…Linh thì sao? Liệu em còn nhớ không?

Vì muốn níu giữ “nó” – thứ tâm hồn đầy kỷ niệm ấy, tôi đã vẽ. Trong thiệp chúc mừng sinh nhật, tôi đã nói mỗi khi hoàn thành một bức tranh, tôi sẽ cho Linh xem. Và để thực hiện lời hứa, tôi vẽ liên tục trong ba tháng hè. Tôi vẽ trong âm thanh của rock và metal, bao nhiêu bài hát là từng ấy lần tâm trạng tôi biến đổi. Khi tôi vẽ tranh fantasy – thể loại sở trường, khi thì tranh tĩnh vật, cũng có lúc tôi biến tờ giấy A4 thành những trang truyện tranh hài hước. Mỗi khi hoàn thành một bức, tôi đạp xe sang nhà thằng Choác hoặc thằng Cuốc để nhờ chúng nó thẩm định. Nếu chúng nó bảo “cũng được” hoặc “bình thường”, tôi vẽ lại. Nếu chúng nó bảo “được” hoặc “đẹp”, tôi sẽ đạp xe thêm vài cây số nữa và mang bức tranh tới nhà Linh. Tôi muốn cho em biết đam mê của mình, muốn thanh minh rằng chỉ vì mê vẽ quá tôi quên mất quà sinh nhật.

Nhưng gặp Linh khó hơn lên trời. Hễ ra hàng điện tử, việc đầu tiên tôi làm là mở Yahoo! và ngó nick em. Phiền nỗi mỗi khi tôi online thì em lại offline, nhắn tin nhiều thế nào, em cũng không trả lời. Nội dung tin nhắn cũng chẳng thay đổi mấy, đại khái thế này:

Mày có xem mấy bức tranh không? Đẹp chứ? ^^

Tao xin lỗi về quà sinh nhật nhé, tại tao quên! He he!

Thích tao vẽ cái gì thì cứ bảo nhé!

Mà năm lớp 10 mày học hành thế nào?

Tao được học sinh trung bình thôi, cơ mà giờ ai quan tâm mấy bằng khen nữa chứ? :))

Mày có bị các cụ nói về chuyện thi đại học không?

Tao bị nói suốt!

Đ.M cứ trường này trường kia, mệt hết cả người!

Tao khoái vẽ, chắc tao sẽ xin vào ngành mỹ thuật!

Chẳng biết các cụ đồng ý không nữa

Vậy thôi

Trả lời tao sớm nhé! :D”.

Chẳng hiểu vận số đen đủi thế nào, đã không gặp được trên mạng thì chớ, tôi cũng chẳng gặp được Linh ngoài đời. Mỗi lần đưa tranh, tôi lại đợi chờ trước cửa nhà em; hôm đợi một tiếng, hôm hai tiếng, có lúc nguyên buổi chiều. Nhưng em cứ gieo vào lòng tôi cả thất vọng lẫn hy vọng bằng sự vắng mặt. Có lẽ em giận tôi vì không trả lời tin nhắn Yahoo!, không tặng quà sinh nhật đúng hẹn. Dù vậy tôi không nản. Tình cảnh này cũng chẳng khác sự vụ năm lớp 7, tôi tin Linh sẽ sớm vui tươi trở lại.

Nguyên vụ tặng tranh cũng phát sinh lắm chuyện bên lề. Vì không gặp được em nên tôi toàn phải luồn tranh qua khe cửa sắt. Phiền nỗi ba tháng hè ở Hà Nội mưa nắng thất thường. Có hôm tặng tranh xong, tôi đang túc tắc về nhà thì trời nổi gió rồi mưa ào ào rơi. “Ôi thôi Đập Con Muỗi Văng Cuốn Lịch rồiiiiiiiiii!” – Tôi lẩm bẩm. Đợi ngớt mưa, tôi cuống cuồng đạp xe quay trở lại nhà Linh và cảnh tượng đau lòng hiển hiện: tranh dính bét trên đất, nhoe nhoét không còn ra hình gì. Sau này, nhằm tránh bị mưa, tôi bọc tranh trong túi nylon, sau khi luồn nó qua khe cửa sắt, tôi lại đặt một tấm bìa các-tông lên trên. Trừ phi mưa thối đất ba bốn ngày chứ trước những cơn mưa rào ngày hạ, tranh của tôi vẫn sống khỏe.

Qua ba tháng hè, tôi đã tặng Linh ba mươi lăm(35) bức tranh. Vào năm học mới tôi vẫn vẽ, vẫn tặng tranh cho em, hầu như không quan tâm học hành hay thi đại học. Dù tôi cố giấu giếm nhưng bố mẹ thừa biết tôi vẽ nhiều hơn học. Mẹ thi thoảng bóng gió:

-Con người ta hết tìm học bổng này học bổng nọ, đi du học, học tiếng Anh! Con mình thì suốt ngày vẽ vời!

Một cách trẻ trâu và bướng bỉnh, tôi không nghe lời phụ huynh. Tôi thu mình, tránh tiếp xúc bố mẹ. Tuổi mười bảy, tôi nghĩ đấng sinh thành không hiểu tôi, không hiểu nguyện vọng của tôi, không hiểu công việc tôi đang làm. Tôi như người mộng du lang thang trong những khát vọng của chính mình. Chẳng cần biết sau này làm gì, trở thành cái gì hay có trách nhiệm với ai, tôi chỉ biết vẽ, rock và metal. Tuổi mười bảy của tôi giống bài hát “Only for the weak” của ban nhạc In Flames, một bài hát đầy tâm sự, bực dọc với những mối quan hệ và cuối cùng gào lên:

No need for sympathy, the misery that is me! – chẳng cần sự cảm thông, tự tay tôi sẽ làm nên điều kỳ diệu!”.

Dại khờ – tôi tự gọi thời đó như vậy. Dại khờ vì số tranh tôi vẽ ra xêm xêm số tóc trên đầu tôi (tôi là thằng tóc tốt), dại khờ vì quay cuồng trong những bản nhạc rock và metal…

…và dại khờ vì trót thích một cô gái.

Sang lớp 11, ba lớp chọn(B1, B2, B3) từ khu nhà mới chuyển về khu nhà cũ, nhường khu nhà mới cho khối lớp 10. Lớp B3 của thằng Choác ngay cạnh lớp B4 của tôi, thành thử cứ giờ ra chơi tôi hoặc nó lại chạy sang lớp nhau. Nhiều lần như thế, thằng Choác quen luôn Sĩ và Cuốc. Bốn đứa chúng tôi lập thành nhóm chơi chung, ăn chung và cùng tâm sự. Những thằng con trai mới lớn thì đầy thứ tâm sự, tiêu biểu nhất là chuyện gái gú. Có một hôm thằng Sĩ khởi xướng chủ đề “cô gái lý tưởng”, nó nói:

-Tao phải yêu một con xinh, ngoan, biết nấu ăn, biết thông cảm cho tao, biết chăm sóc tao khi tao mệt mỏi! Và quan trọng là chung thủy!

Ba thằng còn lại châu đầu bàn tán. Thằng Cuốc nói:

-Cái tính chảnh của nó thì ai thông cảm nhỉ? Chắc chỉ có mẹ nó thôi!

-Mà con nào vừa xinh vừa thảo hiền vừa nấu ăn ngon thế? – Tôi phụ họa.

-Thôi Sĩ ơi, mày lấy tao đi, tao vừa nấu ăn ngon vừa ngoan hiền nè! – Thằng Choác tru môi hôn chụt chụt.

Cả lũ cười khả ố rồi kết luận đứa con gái lý tưởng của thằng Sĩ không tồn tại. Xong thằng Sĩ đến lượt thằng Cuốc:

-Tao phải yêu một con biết chơi Call of Duty, Dota, tóm lại là mọi trò chơi! Nó phải am hiểu công nghệ, biết sửa chữa máy tính, biết sửa điện thoại! Đại khái thế! À mà… phải biết nấu ăn nữa!

Ba thằng còn lại nhìn nhau. Thằng Sĩ trầm ngâm:

-Gái đẹp thường ít chơi điện tử!

-Chúng nó mua quần áo với make up là chủ yếu! – Tôi đế thêm.

-Thôi mày lấy tao nè! – Thằng Choác xen vào – Tao không những nấu ăn ngon mà còn chơi điện tử giỏi, còn ba cái máy móc? Vặt!

Thằng Choác giả bộ tiểu thư õng ẹo, tru mỏ hôn gió chùn chụt khiến thằng Cuốc sợ hết hồn. Cả đám cười lớn và kết luận cô gái trong mơ của thằng Cuốc không tồn tại. Sau nó tới lượt thằng Choác, cả bọn đều háo hức muốn nghe thằng hẹo này khoái mẫu con gái nào. Thằng Choác vuốt vuốt cằm, ánh mắt hướng về chân trời xa xăm như vị lãnh tụ tìm đường cứu rỗi nhân loại:

-Chúng mày yên tâm đi, một con người cao cả như tao thì gái nào cũng phải chạy đến! Tao là người trong mơ của chúng nó chứ tao việc quái gì phải mơ?

Con bà nó tự tin vãi! – Ba thằng lẩm bẩm. Thằng Sĩ bĩu môi:

-Vậy khi nào mày làm lãnh tụ?

-Mày mà làm lãnh tụ thì trái đất phăn-ni(funny) vãi luôn! – Tôi cười sằng sặc.

-Đứa nào ngu mới bỏ phiếu bầu mày làm lãnh tụ! – Thằng Cuốc tiếp lời.

Bọn tôi thi nhau dìm hàng, nhưng con hẹo Choác nổi tiếng lý sự nên không ai cãi được. Hết thằng Choác, giờ đến lượt tôi. Nhưng chưa kịp mở miệng, thằng Sĩ đã vỗ vai tôi, ánh mắt cảm thông:

-Thôi ông không cần nói đâu. Bọn tôi rất hiểu và thông cảm cho ông, họa sĩ ạ! Nhưng sự thật là con gái không đứa nào thích mấy cái tranh fantasy của ông đâu. Nhưng đừng sợ, đã có bọn tôi yểm trợ cho ông!

Thằng Cuốc cũng vỗ vai tôi và nói:

-Các họa sĩ khi chết mới nổi tiếng. Ông cứ yên tâm, lúc ấy khối em sẽ điên đảo vì ông!

Và tới lượt con hẹo Choác phán:

-Đừng sợ, Tóp ạ! Đàn ông thiếu gì người yêu! Người yêu mày sẽ nặng hơn mày ba chục cân hơi, to gấp đôi mày!

Bị ba thằng tổng công kích, tôi gầm lên:

-Tiên sư chúng mày nguyền rủa tao đấy à?

Tôi cứng họng, còn ba thằng cười hô hố muốn tốc mái nhà. Chúng nó nghĩ tôi mê vẽ quá nên chẳng bao giờ để ý con gái. Thực tình, tôi là con người, là con trai, và con trai cần con gái. Nhưng quả thực lúc đó, tôi không biết cô gái trong mơ của mình như thế nào. Giống mấy nhân vật nữ trong game chăng? Hay truyện tranh? Thậm chí là Hoa Ngọc Linh chăng? Có thể lắm!

Vào năm học tôi vẫn vẽ, vẫn tặng Linh đều đều. Do muốn tặng em những bức tranh hoàn hảo nhất nên ngoài mấy thằng bạn, tôi tìm đến một người khác: cô bé “Trâu điên”. Châu biết vẽ, lại có con mắt tinh tế đặc trưng của phụ nữ, để em thẩm định là hợp lý. Em góp ý nhiệt tình, như thể đang góp sức vào một đại tác phẩm:

-Chỗ này đổ màu đỏ đẹp hơn! Không, không phải màu đỏ! Phải là cái màu gì đó nhạt hơn tí, nhạt hơn nhưng vẫn rực rỡ! Như kiểu trộn màu ấy, hiểu ý tớ không? Còn chỗ này nữa, đổ bóng chưa đẹp lắm, sửa lại coi! Hả? Nói chậm lại á? Tớ nói thế này là chậm lắm rồi! Hả? Giời ơi, tai điếc à? Còn – phải – chậm – thế – nào – nữa?

Kể từ đó, sau mỗi lần hoàn thiện tranh tôi đều đưa cho Châu. Hai chúng tôi khá hợp nhau trong việc vẽ vời, dù thỉnh thoảng cãi nhau (đa số vì em “bắn” nhanh quá và tôi yêu cầu em nói chậm hơn). Tuy vậy, chúng tôi chỉ hợp nhau chuyện vẽ chứ trái tính trong nhiều vấn đề.

Chẳng hạn như chuyện học hành, em thích môn tiếng Anh, tôi thích Toán. Trong ăn uống, tôi khoái đồ mặn, em hảo đồ ngọt. Lúc đi chơi em tìm chốn đông người, tôi chọn nơi yên tĩnh. Em nghe nhạc nhẹ nhàng lãng mạn, tôi nghe rock và metal. Đa số những thằng nghe rock rất hay giới thiệu âm nhạc của mình cho bạn bè và coi nó là nhất, là đỉnh cao âm nhạc. Tôi cũng làm thế nhưng Châu chẳng thích tí nào. Thời ấy game Audition hoành hành khắp nơi, nhà nhà mở bài Lucky – Lucky Twice (một ngày tôi bị bài này tra tấn vài lần, hệt như bài Kiếp Đỏ Đen thời cấp hai), người người nghe nhạc hoàng tử công chúa (đi đâu cũng nghe “bong bóng” với “trà sữa”). Châu cũng chơi Audition, cũng bị cuốn vào trào lưu âm nhạc đó. Thế nên em hoàn toàn xa lạ với thứ âm nhạc ồn ào của tôi. “Only for the weak” – bài hát tôi yêu thích bị em chê không thương tiếc:

-Trời đất, đây mà là nhạc à? Hát cái gì thế? Sao chẳng giống hát vậy? Điếc tai quá!

Tôi lắc đầu chán nản. Túm lại con gái chẳng mấy ai thích loại nhạc ầm ĩ này. Nhưng một điều hài hước là dù không thích rock và metal, Châu vẫn cứ tìm hiểu tại sao tôi thích chúng. Em hết hỏi tôi lại tỏ vẻ nghiêm trọng:

-Tớ đọc báo thấy người ta bảo nhạc này gây ảnh hưởng thần kinh đấy! Nguy hiểm lắm!

Tôi cười sặc:

-Báo nào thế hả cô? Gọi thằng tác giả ra đây để tôi uýnh nó!

Em chống cằm, đầu nghiêng nghiêng, mắt nhìn thẳng mắt tôi:

-Vậy tại sao Tùng lại nghe? Tớ chẳng thấy nó hay gì hết! Biết mấy đứa con gái bảo Tùng thế nào không? Chúng nó bảo Tùng nghe nhạc “không giống người”!

Tôi không muốn kể cho Châu nghe sự tích thời lớp 7 xa xưa. Câu chuyện ấy rất sến súa và em sẽ nghĩ tôi chém gió chứ không phải sự thật. Hết cách, tôi đành trả lời:

-Có đứa bạn tặng đĩa nên nghe thôi, nghe lâu thành nghiện. Tôi nghe vì… ờm, lúc đang vẽ, nghe cái đó rất là hứng! Đại loại thế!

-Bạn trai hay bạn gái?

-Bạn… mà sao cô hỏi nhiều thế?

Cô bé hếch cằm:

-Hỏi để biết, có làm sao không?

Trông gương mặt khiêu khích của em, tôi bật cười thành tiếng. Em đấm vai tôi rồi tiếp lời:

-Tặng quà sinh nhật cho tớ!

Tôi ngạc nhiên:

-Hả? Hình như… cô sinh ngày bao nhiêu nhỉ? Ờ, ờ… hai tháng nữa mới tới sinh nhật cô, sao đòi quà sớm thế? Đợi đến lúc đó thì tặng quà!

-Nhưng hai tháng nữa lâu quá, với lại lúc ấy không hợp! – Châu lắc lắc đầu, đuôi tóc ngúng nguẩy.

-Cái gì mà không hợp? – Tôi hỏi.

Cô bé bắn tía lia:

-Tớ thích kem Tràng Tiền! Kem ốc quế ấy! Hai tháng nữa mùa đông rồi, mùa đông ai ăn kem? Nhá? Đi mà! Tớ thích kem lắm!

Em túm tay áo tôi lắc lắc như đứa trẻ đòi quà. Tôi không ưa đồ ngọt nhưng cũng khoái món ốc quế Tràng Tiền. Ngày xưa bọn học sinh trường tôi gọi món đó là “vãi cả xa xỉ”. Xa xỉ không phải đắt, mà vì trường tôi cách phố Tràng Tiền rất xa, đạp xe tới đó mệt phờ râu. Vả lại ai ra Tràng Tiền cũng phải kiếm bằng được ốc quế nên nó nổi tiếng dù chưa chắc ngon hơn nơi khác. Mấy thằng có xe máy thường dụ khị gái bằng món này; được đèo lên phố, được bao món kem ốc quế, cô nào chả đổ? Thời đó, cưa gái dễ vô cùng, cứ công thức xe máy(xe nào cũng được, đờ rim chiến cũng không thành vấn đề) cộng với kem ốc quế là có người yêu liền.

Nhưng nghĩ cảnh è cổ đạp xe lên tận Tràng Tiền, tôi thấy ớn. Ăn được bát cháo lội ba quãng đồng, tôi không ham. Thở dài đánh sượt một cái, tôi trả lời Châu:

-Mệt lắm cô ơi! Thôi, để sinh nhật tôi tặng quà cho!

Châu xụ mặt, cặp lông mày của em vẽ thành một đường gấp khúc khó coi. Em phụng phịu:

-Vẽ tranh, đổ màu, rồi còn đóng khung gỗ tặng người khác thì được, đây nhờ cái kem cũng không được!

Tôi ngẩn người và mất vài giây mới hiểu em nói gì. Thằng Cuốc dại gái thì chớ, được thằng Sĩ cũng dại gái luôn thể! Hẳn thằng Sĩ đã kể cho Châu Nghe chuyện tôi vẽ tranh rồi đóng khung tặng quà . Ôi, hai ông bạn dại gái của tôi! – Tôi thở dài.

Song cô bé “Trâu điên” có biệt tài làm người khác không thể từ chối. Em ngả sấp người xuống bàn, tay cầm bút bi vẽ linh tinh. Mà tưởng em vẽ linh tinh, thế nào lại hiện ra hình con mèo Kitty hoặc con Pikachu và con nào cũng ôm cây kem to đùng. Có cần thiết phải thế không trời? – Tôi phì cười rồi nói với em:

-Thôi được! Thì kem! Nhưng với một điều kiện! Ờ, ai bảo cô đòi quà sớm? Xem nào, ờ… thế này nhé, hãy hát một bài nhạc rock! Được chứ?

-Nhưng tớ không biết hát! – Châu lắc đầu – Tớ hát dở lắm!

-Tôi không biết, đấy là việc của cô. Nhanh lên nhé, sắp mùa đông rồi, hết ăn kem đấy!

Tôi cười ranh mãnh, tay xòe biểu tượng metal-horns(chi tiết xin google) chọc tức cô bé. Thực tình tôi chỉ trêu em chứ chẳng bắt em hát hò gì sất. Vả lại vì ngại đường xa nên tôi mới bày ra yêu cầu không tưởng đó. Suốt tháng ấy, Châu chẳng đả động mấy cái kem nữa.

Khoảng đầu tháng 11, trường tổ chức tham quan. Ban giám hiệu tổ chức sớm vì muốn học sinh lớp 12 năm sau sẽ hoàn toàn tập trung cho thi cử. Nghe tham quan, đứa nào cũng háo hức, riêng tôi thì không. Không còn ở cái tuổi trẻ trâu thích bày trò chơi trội, với tôi tham quan hay không cũng thế. Nhưng tôi chẳng ngờ đó lại là kỳ tham quan tuyệt vời nhất mình từng biết.

Kỳ thực, toàn bộ chuyến tham quan nhạt thếch! Lớp tôi không đoàn kết lắm nên nhiều nhóm xé lẻ chơi riêng. Người ta nói thời cấp ba đẹp nhất đời người nhưng tôi không thấy thế. Ngó sang lớp thằng Choác, chúng nó kéo đàn kéo đống vui đùa phá hoại mà thèm. Hết buổi tham quan, cả lớp lên xe ô tô về Hà Nội, không khí tựu chung nhàn nhạt như nước ốc. Lại một kỳ tham quan dở ẹc nữa! – Tôi thở dài chán nản, lòng mong về Hà Nội nhanh nhanh. Nhưng giữa lúc chán chường, cô bé “Trâu điên” lên tiếng:

-Này, sao cả lớp mình không hát chung nhỉ?

Hầu hết lớp không nói gì, chỉ vài đứa hưởng ứng cô bé. Em tiếp lời:

-Thế này nhé, chúng ta sẽ hát theo chữ cuối cùng. Tức là chữ cái của bài kế tiếp phải trùng chữ cái cuối cùng của bài trước, hiểu chứ? Bắt đầu nhé! Để tớ trước! Ờm… “Tình thôi xót xa” nhé!

Và rồi em cất tiếng hát. Em hát không hay lắm, thua xa cô bé Hoa Ngọc Linh năm xưa. Nhưng có một thứ gì đó rất đặc biệt trong giọng hát của em khiến cả lũ bị thu hút. Một đứa, năm đứa, mười đứa rồi cả lớp lắng nghe em hát. Em hát xong, lác đác tiếng vỗ tay vang lên, bỗng một thằng đứng dậy tuyên bố hùng hồn:

-Để tao hát “Anh vẫn đợi chờ” của Đan Trường nhé!

Nó hát và vài thằng bắt đầu hát theo. Khi nó kết thúc bài, nửa lớp vỗ tay khen nó hát hay. Rồi một thằng khác nhảy ra giữa hai hàng ghế, hắn dang tay như thể ca sĩ đón chào bầy fan hâm mộ:

-“Ở trọ” của Trần Hiếu nhé chúng mày!

Giọng thằng này vừa chua vừa rè như cái đài Liên Xô sắp hỏng. Nhưng nó bày trò uốn éo như mấy cô ca sĩ gợi cảm nên cả bọn hưởng ứng nhiệt liệt. Từ đấy chẳng còn phân biệt hát hay hát dở nữa, cứ thằng nào lên sâu khấu là cả lũ cổ vũ nhiệt tình. Ngay cả những đứa vốn im lặng cũng tham gia cuộc vui. Hài nhất là khi thằng Cuốc lẫn thằng Sĩ bày trò âu yếm nhau theo video clip của bài Lucky – Lucky Twice (lần đầu tiên tôi thấy lũ con trai không ghét thằng Sĩ). Chúng nó toàn hát nhạc Việt mà tôi chẳng mấy khi nghe nhạc Việt. Nhưng nghe chúng nó hát, tôi cũng biết thế nào là “Công chúa bong bóng”, “Trà sữa”, “Xe đạp”, hay thế nào là “Tuyết yêu thương” – mấy bài hát làm mưa làm gió thuở đó. Hôm tham quan có một thằng mang đài và hễ sẵn bài nào trong đĩa, nó lại bật lên cho cả bọn hát chung. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi thấy lớp mình đoàn kết đến thế. Vẫn có những hiềm khích nhưng đó là chuyện của ngày khác, còn hôm nay, trên chiếc xe này chỉ có sự hòa đồng. Lớp tôi hát hò to đến nỗi bọn học sinh trên mấy xe khác phải chú ý bằng ánh mắt ghen tị.

Chúng tôi cứ hát hò, nhảy múa hai tiếng liên tục. Tới khi về Hà Nội, cả bọn mệt lử, không nói năng được câu nào. Cô bé “Trâu điên” lên tiếng:

-Hay cả lớp mình hát thêm bài nữa đi?

-Sung thế cô ơi, cho bọn tôi nghỉ đi! – Một đứa nói.

-Mà bài nào cả lớp mình biết đây? – Đứa khác tiếp lời.

Châu nhoẻn miệng cười. Em vớ lấy cái đài rồi nhét đĩa vào, bấm bấm một hồi, sau lấy chai nước Lavie làm “micro” rồi chỉ tay về phía trước, trông hệt như một ca sĩ chuyên nghiệp đang khuấy động khán giả. Cái đài bắt đầu phát tiếng nhạc và tôi bỗng nhổm lưng. Nhạc nghe quen quá! Châu nói lớn:

-Có một người yêu cầu tớ hát nhạc rock! Và sau đây “Tìm lại” của Microwave xin được bắt đầu!

Tôi không nghe nhạc Việt mấy nhưng tìm hiểu kha khá rock Việt, và chẳng có lý do gì tôi lại không biết bài hát “Tìm lại” đang nổi như cồn trên đài XoneFM thuở đó. Châu mới cất giọng, chẳng ai bảo ai, tất cả chúng tôi hát cùng em:

Chẳng muốn nghe gì

Chẳng muốn tìm khác…

Năm 2006, Rock Storm chưa khởi động nhưng trên chuyến xe này, cơn bão Rock Storm đã xuất hiện. Lớp tôi có sĩ số bốn mươi, và bạn tưởng tượng bốn mươi cái miệng cùng hò hét một giai điệu, cùng quay cuồng theo âm thanh ồn ã, bốn mươi gương mặt đối diện nhau dưới ánh đèn tù mù của xe ô tô, nó tuyệt vời nhường nào? Lần đầu tiên tôi hát mà không phải ngượng, hát mà có người hát cùng, hát với tất cả những gì mình có trong tâm hồn. Những khoảnh khắc để bạn hết mình với tuổi mười bảy không nhiều, tôi là một trong những người may mắn được tận hưởng những khoảnh khắc đó. Sau này, bọn trong khối thường lưu truyền câu chuyện về chiếc xe ồn ào nhất kỳ tham quan năm lớp 11 mang tên B4.

Tìm lại đi hãy tìm lại trong mỗi người

Để ta không thấy ta như lúc này

Đường xa quá dài, rồi ta mệt nhoài

Vì ta không đứng bên nhau nữa…

Người cho tôi tìm lại bản năng của mình chẳng phải ai khác ngoài cô bé “Trâu điên” vô tư nọ. Tôi nhớ như in cô bé nhỏ nhắn cầm chai nước làm micro, đuôi tóc xõa tung cùng gương mặt hồn nhiên bất tận. Tôi tự nhận mình nghe rock nhưng chỉ được cái vỏ mà không được phần hồn. Em không nghe rock nhưng “rock” hơn bất cứ ai. Tôi vẽ để tặng Hoa Ngọc Linh, nhưng người cho tôi động lực vẽ là Châu. Tôi vẽ những thứ quá xa lạ với mọi người, người đồng cảm với tôi cũng là Châu. Tôi không có ai để chia sẻ ước mơ và Châu lắng nghe những ước mơ xa vời ấy. Tôi…

Tôi không biết nữa…

Lúc xe về đến trường, em vỗ vai tôi thì thầm:

-Tớ hát rock rồi nhé! Vậy kem ốc quế của tớ đâu?

Tôi cười mếu, đành trả lời:

-Thứ bảy tuần sau nhé! Được không?

-Được! “Chuận” luôn! – Châu giơ ngón cái – Năm giờ chiều, tớ đứng ở chỗ này nhé, đi qua sân vận động là tới, gần nhà tớ lắm! Nhớ đấy!

Tôi và Châu giữ kín lịch hẹn hò ăn kem. Suốt một tuần sau em chẳng đả động gì. Tôi cũng im lặng tránh để hai ông bạn tọc mạch ngửi được. Đèo gái đi ăn kem à? Chắc là hay lắm! – Tôi mơ màng.

Nhưng thằng con trai vốn ham vui, mà hễ dính vui chơi bù khú là quên hết trời đất. Đúng thứ bảy tuần kế tiếp, thằng Sĩ tổ chức sinh nhật. Được mẹ cho năm lít(500 nghìn), nó bao bọn tôi chơi điện tử, ăn uống rồi đi bơi cả chiều. Rồi khi trời sẩm tối, cả lũ lại kéo về nhà thằng Cuốc nhậu nhẹt. Gọi là nhậu cho oai chứ bàn tiệc toàn bim bim, bò khô, nem chua rán, mấy món cóc ổi với Coca hoặc Pepsi. Bốn thằng tỉ tê đủ chuyện trên trời dưới biển. Được một lúc, chúng tôi nói về chuyến tham quan tuần trước. Thằng Choác hỏi:

-Thấy mấy đứa lớp tao bảo xe lớp mày hôm ấy vui lắm!

-Chuyện! – Thằng Sĩ cười – Vui vãi luôn! Mà hôm ấy mà không có Châu thì chẳng vui vậy đâu!

Thằng Cuốc hỏi:

-Mày không rủ Châu ăn sinh nhật à?

-Nó bảo bận buổi chiều nên không đi được. – Thằng Sĩ nói.

Nghe tới đó, tôi hốt nhiên ngồi dậy, đôi mắt hoảng hốt tìm đồng hồ. Bảy giờ tối! Ôi thôi Đớp Cơm Muối Với Củ Lạc nhà con rồiiiiiiiiiiiiiiii! – Tôi gào lên đoạn chạy khỏi nhà, tay dắt xe đạp. Ba thằng bạn tưởng tôi mất cái gì bèn hỏi:

-Sao thế? Quên đồ ở bể bơi à?

Tôi trả lời đại:

-Ờ! Tao quên mất quyển sách!

Đi bơi thì chẳng ai mở sách ra đọc, nhưng trông bộ dạng hớt hải của tôi, chúng nó nghĩ tôi mất sách thật.

Tôi không quay lại bể bơi mà xuôi thẳng đường hướng về sân vận động. Châu đã hẹn tôi đi ăn kem, thế mà tôi quên hết! Khốn nạn hơn là mới đạp nửa đường, trời bỗng ầm ầm tiếng sấm rồi mưa rơi như trút. Tôi ghét trời mưa vô cùng dù luôn thủ áo mưa phòng thân. Tôi đeo kính nên mỗi lần mưa là nước làm mờ hết mắt kính, loạng choạng đi tắt đón đầu xe tải như chơi. Vì mưa, tôi sẵn sàng nằm nhà không chơi bời gì hết. Nhưng hôm đó tôi không quay xe về mà vẫn cố đi tới chỗ hẹn. Mưa to thế này, hẳn Châu đã về. Nhưng nếu em vẫn chờ thì sao? – Tôi cả sợ, vội vàng đạp xe nhanh hơn mặc cho mấy lần suýt xòe giữa đường.

Đạp xe qua sân vận động, tôi tới chỗ hẹn và đúng như tôi lo sợ, cô bé “Trâu điên” vẫn đợi. Em nép mình dưới mái hiên một ngôi nhà. Mà chủ nhà đã cuộn mái hiên thành ra nó chỉ đủ che không ướt đầu cô bé, chứ lưng áo và hai cánh tay Châu đã bết nước mưa. Trông em như thế, tôi chẳng biết nói sao, chỉ trách em sao không quay về thay vì đợi tôi ở đây? Vừa thấy tôi, em vẫy tay:

-Tớ ở đây, Tùng ơi!

Tôi đạp xe đến. Em ngồi lên yên sau rồi chui đầu vào áo mưa. Thấy mình có lỗi với em quá, tôi nói:

-Xin lỗi, bị bọn bạn giữ lâu quá! Tôi chở cô về nhà nhé!

Cô bé giãy giụa, miệng bắn súng liên thanh:

-Về là về thế nào? Tới đây rồi thì phải đi ăn kem chứ? Đã hẹn thế rồi cơ mà! Đi, nhanh! Chở tớ đi ăn kem!

-Nhưng mà muộn rồi, sợ không còn ốc quế đâu!

-Không có ốc quế thì ăn kem que! Tùng trả tiền cơ mà! Được ăn miễn phí thì tội gì mình bỏ chứ?

Tôi phì cười vì lý do hài hước của em. Và tôi đèo em lên tận Tràng Tiền thật. Đường xa, mưa cứ rơi táp mặt. Tôi không nghe thấy em nói gì mà chỉ im lặng. Tôi biết em đang giận. Chờ đợi dưới mưa hai tiếng đồng hồ, em không giận mới lạ!

Sau một chặng đường tầm tã mưa rơi, chúng tôi đến hiệu kem Tràng Tiền lúc tám giờ. Kem ốc quế thường hết khá sớm, nhưng có lẽ nhờ cơn mưa nên người mua ít hơn thường lệ và may mắn thay, hai chiếc ốc quế cuối cùng chưa bị ai ngó tới. Tôi mua cả hai, một cho Châu, một cho tôi. Hai đứa đứng dưới mái hiên cửa hàng, vừa ăn vừa ngắm con đường thưa người qua lại, những chiếc xe buýt vội vã đến rồi đi và những dòng nước mưa từ mái hiên chảy ròng xuống đất. Châu cúi đầu không nói gì, trông chẳng giống em chút nào. Tôi lục cặp, lấy ra chiếc máy nghe đĩa rồi bật nhạc của Sonata Arctica – một band mà tôi rất thích. Tôi nhét một phone vào tai em, mình đeo phone còn lại. Em lắc đầu nguây nguẩy:

-Không nghe rock đâu! Đau đầu lắm!

-Cái này nghe được đấy! Không đau đầu đâu! Thề, nói dối mua cái kem khác liền!

Và chúng tôi cùng nghe nhạc, cùng ăn kem, cùng ngắm phố phường dưới cơn mưa mùa thu. Châu không bỏ tai nghe ra như em vẫn làm. Em chợt hỏi tôi:

-Bài hát tên gì vậy?

-Tallulah. – Tôi trả lời.

-Tallulah nghĩa là gì?

-Tên của một cô gái. Một anh chàng yêu Tallulah, anh ta không thể chịu đựng nổi khi Tallulah bỏ đi. 

Em gật gật đầu, chừng như chẳng quan tâm cô nàng Tallulah nọ. Em đang giận. Tôi thu hết can đảm rồi nói nhỏ:

-Xin lỗi nhé! Tại tôi mải chơi quá!

Tới lúc ấy, em mới ngẩng đầu lên, gương mặt đỏ bừng ướt đẫm không biết do nước mưa hay nước mắt. Em nói chậm, chẳng giống kiểu nói liến thoắng như mọi khi:

-Bắt người ta chờ thế mà coi được à?

Đứng trước cô gái đang khóc là việc đáng sợ nhất đời. Tôi vội vàng trấn an:

-Được rồi, được rồi! Tôi sai! Được chưa? Này, ăn kem nữa không?

Tôi chìa chiếc kem của mình ra. Em bật cười, cười với đôi mắt đỏ hoe ngấn nước, rồi há miệng cắn mất nửa cây kem của tôi, coi như trả thù vụ đến muộn. Em khóc ngay được, nhưng nín cũng nhanh lắm. Tôi hỏi tiếp:

-Mà muộn thế, sao cô không về luôn?

-Thì để xem có giữ lời hứa không. – Em trả lời.

-Tôi giữ lời hứa rồi đó! – Tôi cười, mắt chớp chớp – Vậy thì thưởng cho tôi cái gì đi?

Châu chẳng đáp chẳng rằng, chỉ nhìn thẳng vào đôi mắt tôi. Trông gương mặt em, tôi không thở nổi. Nó không giống gương mặt đã thổi bay trái tim tôi hồi cấp hai. Nhưng gương mặt ấy khiến tôi trở thành một gã trai dại khờ.

-Nhìn gì ghê thế? – Tôi hỏi – Nói sai cái gì à?

Bỗng nhiên em chụm tay lên môi, hôn một tiếng “chụt” rồi đặt hai ngón tay ấy lên má tôi. Tôi bần thần cả người, tay luống cuống suýt đánh rơi cây kem, miệng lắp bắp:

-Thế… nghĩa là sao?

-Là như thế chứ sao nữa! – Châu điềm nhiên đáp.

-Nhưng… tôi không hiểu?!

-Đứa nào không hiểu là đứa ấy ngu! – Em cười.

-Hả?

Ngoài kia mưa vẫn rơi, bài hát Tallulah vẫn vang trong tai hai đứa. Thời gian như ngừng đong đưa và tôi nhận ra mình đã tìm thấy nàng Tallulah của mình.

Cô gái trong mơ của bạn như thế nào?

Mỗi anh chàng có một cô gái trong mơ. Còn tôi? Tôi sẽ trả lời rằng giữa tháng 11 năm ấy, có một cô gái đứng ăn kem cùng tôi. Đó là cô gái trong mơ của tôi, là Tallulah của tôi. Tôi sẽ không thể chịu đựng nổi khi em – Tallulah của tôi – ra đi. Tôi muốn thời gian này là mãi mãi.

Nhưng chẳng có gì là mãi mãi, và tôi cần xác định trái tim mình thuộc về nơi nào.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận