• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

1

Chương 1

0 Bình luận - Độ dài: 2,496 từ - Cập nhật:

Đây là một câu chuyện. Không phải “truyện”, đừng nhầm! Truyện thuộc một phạm trù gì đó dành cho các nhà văn, còn tôi đơn giản là một anh chàng đang kể lại quá khứ. Nhưng ngay lúc này, tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Hãy để tôi lục lại trí nhớ, hãy để tôi đào sâu tâm khảm, hãy để tôi tìm lại ký ức thuở nào, hãy để tôi…

Thực ra tôi đang cố lảm nhảm như một ông nhà văn thực thụ. Bạn có thể chuyển xuống đoạn tiếp theo và ngừng tự hỏi “thằng này đang lảm nhảm gì thế?”. Trong câu chuyện này, thi thoảng tôi sẽ lảm nhảm như thế. Ai đang đọc và sẽ đọc, xin thông cảm cho sự hâm khùng bất chợt của tôi.

Đó là một sáng thứ hai – thời khắc chán nhất trong tuần, khi tôi còn ngáy khò khò thì tiếng chuông báo thức vang ầm ĩ khắp phòng:

“Xin thông báo, bây giờ là… 7 giờ 1 phút! Xin thông báo, bây giờ là… 7 giờ 1 phút! Xin thông báo…”.

Tôi choàng tỉnh, lồm cồm bò dậy mò tới bàn học. Trên bàn, chiếc Nokia cổ lỗ sĩ rung bần bật phát giọng nữ: “Xin thông báo, bây giờ là…”. Như cỗ máy được lập trình, tôi tắt chuông, đặt lại giờ báo thức là 7 rưỡi, sau đó… trèo lên giường ngủ tiếp. Mỗi tối, tôi luôn thảo kịch bản hôm sau mình sẽ dậy lúc 7 giờ 1 phút, vệ sinh cá nhân, ăn sáng ngon lành, rung đùi uống café rồi thong thả đi làm. Nhưng tôi chẳng bao giờ thực hiện được. Luôn luôn là ngủ thêm ba mươi phút, quáng quàng đánh răng rửa mặt, nuốt vội cái gì đó hoặc dắt xe đi làm ngay, khỏi ăn. Tôi nhớ hồi đi học, mẹ làm hộ công việc của chuông báo thức lẫn máy nói. Hoặc dậy, hoặc phải nghe bà xạc một trận thối lỗ nhĩ nếu thấy tôi chây ì trên giường quá năm phút.

Đúng 7 rưỡi chuông lại réo inh ỏi. Thực tình tôi chỉ muốn ngủ tiếp. May sao lý trí nhắc nhở tôi điện thoại sắp hết tiền, xe máy sắp hết xăng và tôi vẫn chưa kiếm được khách hàng. Lương tháng chưa về, nguy cơ nhịn đói dài hạn hiển hiện! Mò dậy trong tâm trạng vừa nhục vừa buồn ngủ, tôi tắt chuông rồi xuống phòng vệ sinh đánh răng rửa mặt. Trước khi câu chuyện tiếp tục, bạn nên dành chút thời gian để coi cái thằng đang lảm nhảm này có nhân dạng thế nào. Qua gương phòng vệ sinh, ngoại hình của tôi như vầy: tóc cua, mắt thâm quầng do thiếu ngủ và đeo kính thường xuyên (tôi cận thị nặng), mặt hơi gầy, không đẹp không xấu; vóc người bình bình tầm tầm, cao hơn một mét bảy tí xíu, vừa đủ điều kiện làm nhân viên ngân hàng. Túm lại tôi là một anh chàng bình thường, chỉ có mong ước nho nhỏ cuối tháng ví luôn đầy, dù rằng nó sẽ xẹp đi nhanh chóng và phải xin thêm tiền trợ cấp từ bố mẹ. Hai mươi ba tuổi với tình trạng như thế, bạn có thể gọi tôi là một thằng ăn hại – nếu bạn thành đạt, hoặc bạn cũng có thể tặc lưỡi: chuyện bình thường – nếu bạn thông cảm. Thực ra tôi cũng mơ ước thành ông nọ bà kia lắm. Nhưng cuộc sống chỉ ban phát sự như ý cho bộ phận thiểu số, mà tôi lại thuộc phần đa số.

Đánh răng rửa mặt một tí, than thân trách phận một tí, tôi tìm đồ ăn. Chẳng món nào hợp rơ với sáng thứ hai chán ngắt bằng mì tôm sặc mùi chất bảo quản. Đang sì sụp húp bát mì, tôi chợt thấy bố đi xuống. Tôi nhóng mắt nhìn dáng đi hai hàng của ổng rồi cúi xuống ăn tiếp. Bố bật tivi, nghe đài truyền hình lảm nhảm mấy vấn đề kinh tế xã hội rồi nhẹ nhàng hỏi:

-Trưa về ăn cơm chứ?

-Chắc là không. – Tôi trả lời cộc lốc.

-Vậy nhớ ăn cơm đầy đủ. Chọn cái hàng nào sạch sẽ nhé! – Bố tôi tiếp lời.

-Vầnggg!

“Vầng” chứ không phải “vâng” và tôi cố tình kéo dài lê thê âm cuối. Chữ “vầng” xuất phát từ mớ cảm xúc hỗn độn của đứa con trai dành cho ông bố. Đôi lúc tôi yêu thương ổng, có lúc tôi muốn đập ổng thật lực. Nghe giống thằng cu con tuổi teen ẩm ương, nhỉ? Nhưng tôi đã qua tuổi đó khá lâu. Chỉ là bất cứ thằng con trai nào cũng có vấn đề với ông bố của nó, còn vấn đề của tôi thuộc loại “trầm trọng”. Tôi luôn tránh nói chuyện với bố, trừ lúc mời cơm hay ra khỏi nhà. Bạn biết đấy, mỗi nhà mỗi cảnh mà! Nhiều năm gần đây, một suy nghĩ ám ảnh tôi rằng khi có con, tôi sẽ trở thành bản sao của bố, còn thằng nhỏ sẽ trở thành bản sao của tôi bây giờ. Bi kịch gia đình thường có chu kỳ vòng lặp. Bởi thế, ít nhất mười năm tới tôi không muốn lấy vợ. Chậc! Nghĩ cảnh bố mẹ nuôi một thằng như mình từ lúc bé thơ đến khi nó to vật vã phá làng phá xóm, tôi thấy sợ.    

Xong bữa sáng, tôi đi làm và không quên chào bố mẹ. Ra đường cái, tôi nhìn trời nhìn mây, nhìn dòng người chen chúc qua lại, miệng lẩm bẩm chửi thề câu quen thuộc mỗi ngày đầu tuần: “Đ.M, hôm nay là thứ hai!”. Phải, tôi vừa chửi thề. Xin lỗi nếu bạn khó chịu. Tôi không ngụy biện rằng ai cũng nói bậy hay cái gì đại loại thế. Chỉ là chửi thề khiến tôi bớt hằn học với cuộc sống. Theo một nghĩa nào đó, nó giúp bạn sử dụng vũ lực trong tư tưởng thay vì động tay chân. Xã hội bây giờ không phải xã hội người Viking, nơi bạn có cơ hội cầm kiếm xỉa chết một thằng khốn khiến bạn ngứa mắt từ lâu. Vậy nên chửi thề là một cách khác cho việc cầm kiếm. Quan điểm cá nhân thôi!

Ở trên tôi có nói mình cao trên 1m7 và đủ điều kiện làm ở ngân hàng, nhưng thực tế tôi làm ở một công ty tài chính nhỏ, cũng tiền bạc cũng vay nợ, nhưng trong con mắt đại đa số người, nó kém danh giá hơn nhân viên ngân hàng nhiều. Nếu bạn hỏi tôi có thích công việc hiện tại không thì tôi sẽ khẳng định: không. Chính tôi luôn hỏi tại sao mình học ngành này, chọn nghề này?

Câu hỏi đó quấy rối tôi nhiều nhất vào bữa trưa. Đĩa cơm ba mươi ngàn, cơm hôm nóng hôm nguội, đồ ăn lúc ngon lúc dở mà dở thường nhiều hơn. Thành thử tôi bớt chú mục ăn uống và dành thời gian nghĩ tháng này làm hồ sơ ra sao, tháng sau kiếm khách hàng mới như thế nào. Đó là chuyện của bốn tháng đầu. Nhưng sang tháng thứ năm, tôi bắt đầu đặt câu hỏi “tại sao mình chọn nghề này?”.

Tại sao mình theo con đường này?

Những lúc như thế tôi mong có thể quay ngược thời gian, làm lại từ đầu. Tôi tin hàng triệu người trên thế giới mơ ước giống mình, thậm chí các nhà khoa học đang tìm cách biến nó thành sự thật. Người ta nói chỉ cần máy gia tốc đủ lớn tạo lỗ hổng không – thời gian, con người có thể trở về quá khứ hoặc đến tương lai như trong truyện Doraemon vậy. Món công nghệ tuyệt vời ấy ra đời lúc nào không ai biết, nhưng chắc chắn là sau khi tôi nằm hòm. Vậy nên nó chỉ là mơ ước.

Tan sở, tôi ra về với gương mặt nhầu nhĩ như giẻ lau nhà. Hồ sơ trục trặc, chẳng kiếm được khách hàng mới, bị khiển trách vì chểnh mảng công việc, ghen tị khi đồng nghiệp được khen thưởng; từng ấy thứ ập xuống đầu khiến tôi bực bội. Tôi ghét con đường về nhà, ghét dòng phương tiện xả đầy khói, ghét những chiếc xe buýt cồng kềnh. Khi bị một bà cô đứng tuổi lái con Súppơ Cúp tạt đầu, tôi phát điên và ghét toàn bộ phụ nữ. Hàng mớ luật giao thông nhưng chẳng cái nào ngăn cản phụ nữ tung hoành ngoài phố. Ăn hại! – Tôi bực dọc.

Tuy nhiên tôi không đem nỗi bực dọc ở cơ quan về nhà. Tôi cấm mình làm vậy bởi bố tôi đã từng làm thế. Khi bạn trút nỗi phiền muộn vào gia đình, sự phiền muộn sẽ như đòn hồi mã thương đâm thẳng chính bạn. Bố tôi làm vậy và đòn hồi mã thương kia là tôi. Thế nên khi bước chân vào nhà, tôi cố nặn ra bộ mặt tươi tỉnh, gật gà gật gù “Vẫn bình thường!” trước câu hỏi “Công việc thế nào?” của hai cụ. Vả lại, nếu có chuyện gì thật, tôi cũng không nói vì không muốn các cụ lo lắng.

Cơm nước tắm rửa xong, tôi dành hết thời gian vào máy tính. Chơi game, nghe nhạc, hẹn mấy thằng bạn đi café, đọc mấy tin tức cướp hiếp giết đầy rẫy trên mạng. Nghe nhàn hạ nhưng kỳ thực nó không làm tôi vui hơn chút nào. Chơi game một mình thì chán, báo chí hơi tí lại trưng bày một cô người mẫu hoặc hotgirl chẳng biết từ cái lỗ nào chui ra. Tôi thậm chí chẳng buồn tán gẫu trên facebook nữa; trước đây vì chúi mũi vào thế giới mạng, kỹ năng giao tiếp ngoài đời của tôi dở tệ hại, một tháng đi làm đầu tiên không có khách hàng là hậu quả.

Đó là một buổi tối chán ngắt nếu tôi không làm công việc khác: vẽ. À, xin tự giới thiệu, tôi là nhân viên tài chính nhưng có một niềm đam mê không hề liên quan: vẽ. Tối nào tôi cũng vẽ và nó giúp tôi quên đi những phiền muộn công việc. Tôi không tưởng tượng được mình sẽ ra sao nếu thiếu vẽ. Tôi vẫn ôm ấp dự định xuất bản cuốn truyện tranh riêng, nhưng từ mơ ước đến sự thật luôn khó khăn.  

Ngày đầu tuần của tôi kết thúc, sáu ngày sau cũng sẽ kết thúc như ngày đầu tuần. Họa chăng hôm chủ nhật tôi đi cafe cùng đám bạn. Nói tới đây chắc bạn cũng hiểu tình trạng của tôi: độc thân. Phải, tôi đây, hai mươi mấy năm lọ mọ ăn khoai sọ vẫn chưa yêu được cô nào. Thậm chí chẳng cô nào gọi điện cho tôi, họa chăng mấy “cô” sồn sồn tuổi băm hỏi thủ tục vay tiền. Họ hàng mỗi lần đến chơi luôn hỏi một câu vừa quen vừa kỳ cục: “cháu có người yêu chưa?”. Tôi luôn trả lời bằng mấy lý do quen thuộc như công việc chưa ổn định hoặc chưa đến tuổi thích hợp. Mấy người họ hàng cười nhạt, nhìn tôi với ánh mắt của vị quan tòa thấu triệt gã phạm nhân quanh co chối tội. Rồi mấy bài ca quen thuộc xướng lên: hồi bằng tuổi cháu, con bác có hàng đống đứa chạy theo! Mà chưa cần họ hàng, mẹ tôi dạo này liên tục càm ràm chuyện gái gú. Bà đinh ninh tôi phải lấy một cô vợ kém một tuổi, hai tuổi hoặc bốn tuổi, sau đấy tôi phải lập gia đình lúc hai mươi bảy tuổi. Tôi cứ ừ ừ vâng dạ rồi để đấy. Bộ tôi là cái máy đến năm hai mươi bảy tuổi phải sản xuất ra một thằng cu (hoặc một con nhóc)? Mặc kệ các cụ, he he!

Nhưng trớ trêu thay, chuyện yêu đương lại trở thành vấn đề chủ yếu trong câu chuyện mà tôi đang kể cho bạn đây. Tôi chẳng biết yêu đương là gì. Có thể bạn nói: chú mày không có quyền nói về yêu.

Nhưng một thằng độc thân không có nghĩa là nó chưa từng yêu bao giờ.

Vào thứ tư, lúc đang buồn chán vì chưa tìm được khách hàng mới, một số điện thoại lạ gọi tới con Nokia ghẻ lở của tôi. Số lạ hoắc, con vẹo nào đây? – Tôi nheo mắt. Nghĩ là khách hàng, tôi ho hắng rồi cất giọng oanh vàng thánh thót:

-Vâng, xin nghe! Ai đang gọi số này đấy ạ?

Người ở đầu dây bên kia hơi ngập ngừng rồi hỏi:

-Xin hỏi chị đây có phải là số máy của Tùng không ạ?

“Giọng nữ!” – Tôi tự nhủ, đáp:

-Vâng, em là Tùng ạ!

-Tùng à? Trời ôi, sao giọng chua thế, như con gái ấy! Linh đây, nhớ không?

Tôi thừ mặt. Một hai giây sau, tôi bèn chạy khỏi phòng làm việc, chui vào nhà vệ sinh đoạn trả lời vội:

-Linh hả? Là Hoa Ngọc Linh thật hả?

-Ừ! Còn Linh nào vào đây? Ha ha! – Người bên kia cười – Dạo này chẳng thấy Tùng gọi điện gì cả! Quên mình rồi, đúng không? Có bạn gái rồi hả?

Tôi cười gượng:

-Có đã phước! Chỉ là Linh thay đổi số điện thoại, mình không gọi được.

-Đâu có? À ừ, đúng rồi! Xin lỗi nhé! Này, mai rỗi không, café tí nhé?

Tôi gãi đầu xoành xoạch. Suốt thời học đại học, Linh chưa bao giờ mời tôi café hay đi chơi mà toàn tôi chủ động mời. Trời sập chắc? Tôi hỏi:

-Có chuyện gì quan trọng lắm à?

-Quan trọng lắm! Nhưng mà đến mai mới nói được, hi hi! Tùng rỗi giờ nào?

Tôi cười khanh khách:

-Đang thất nghiệp đây, giờ nào cũng rảnh!

-Toàn đùa cợt thôi! Vậy năm giờ chiều ở địa chỉ XYZ này nhé!

-Ờ được, mình sẽ đến!

-Vậy nha, nhớ đến đấy! Không được trốn đâu!

Linh cúp máy, còn tôi đứng trân trân một lúc, tâm trí cố giải nghĩa cuộc gọi đường đột này. Rồi tôi chợt hiểu Linh cũng bằng tuổi mình, cũng hai mươi ba tuổi. Phải, ngày ấy sẽ đến, nhưng tôi không nghĩ nó đến sớm vậy. Dù thế, cuộc hẹn khiến tôi phấn chấn hơn nhiều. Ít nhất là từ nay đến bốn giờ chiều ngày mai, tôi luôn ở trạng thái yêu đời dù công việc hay cuộc sống bết bát ra sao chăng nữa. Thật!

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận