Cuốn Anima này tổng cộng 13 vạn chữ, viết rồi nghỉ, nghỉ rồi viết hết 11 tháng.
So với những lần viết trước, điều kiện viết lách lần này khá là ngặt nghèo.
Tôi không còn có những khoảng thời gian nhàn rỗi rất dài để viết nữa (ví dụ như nghỉ đông nghỉ hè), chỉ có thể mỗi ngày tranh thủ một chút thời gian, viết từng tí một.
Bắt đầu đặt bút viết là tháng Sáu năm 2012, cách cuốn Con dơi lần trước xuất bản tháng Mười năm 2010 hơn một năm rưỡi. Trong khoảng thời gian này tôi không viết một chữ nào.
Không phải vì không có ý nghĩ viết lách, mà vì công tác giảng dạy kiêm cán bộ hành chính khiến lực bất tòng tâm.
Nhưng tháng Sáu năm ngoái xảy ra một số chuyện, tôi bèn quyết tâm cầm bút, quán triệt tinh thần phải viết xong.
Còn đã xảy ra chuyện gì, thì đó lại là một câu chuyện khác.
Vốn định viết trước một cuốn tiểu thuyết ba vạn chữ để khởi động, rồi mới viết tiểu thuyết mười vạn chữ.
Chương đầu tiên của Anima thực ra chính là những gì trứng nước của cuốn tiểu thuyết ba vạn chữ ấy.
Sau này cảm thấy mấy năm nay đã viết tới mấy cuốn ba vạn chữ rồi, nếu thêm một cuốn nữa, mà nhỡ may lại viết cực kỳ hay, chưa biết chừng các bạn sẽ đổi tên cho tôi thành “Thái ba vạn” mất.
Nên tôi quyết định viết dài, gộp luôn cuốn tiểu thuyết mười vạn chữ định viết sau đó vào.
Cuối cùng trở thành Anima.
Nhiều năm trước từng nghe một cô bạn kể chuyện hồi trung học tan trường đi xe buýt về nhà.
Cô ấy kể trên xe, những học sinh ngồi ghế sẽ chủ động cầm cặp sách hộ những bạn phải đứng, dù hai người học khác trường nhau và cũng chẳng quen nhau.
Tôi nghe xong cảm thấy rất ấm áp, rất muốn viết về chuyện đó, nhưng tới nay mới hoàn thành được.
Có thể học sinh bây giờ sẽ cảm thấy chuyện đó giống như truyện Nghìn lẻ một đêm, toàn là bịa đặt, nhưng rất tiếc, đó là chuyện thật, không phải là những câu chuyện cổ được thêu dệt nên để khiến xã hội tốt đẹp hơn.
Về cuốn truyện mười vạn chữ định viết lúc đầu, chủ yếu lấy cuộc sống đại học cuối thập niên 1980 làm bối cảnh.
Tuy các cuốn tiểu thuyết trước đây thường đề cập tới cuộc sống đại học, nhưng cuốn này chú trọng vào phương diện “đoàn thể”.
Đây là thứ trước đây rất ít gặp.
Thời gian trong Anima khoảng từ năm 1992 tới năm 1994, chậm hơn mấy năm so với dự kiến ban đầu.
Hơn nữa vốn định kéo dài tới năm 1999, nhưng cuối cùng dừng lại ở tháng Năm năm 1994.
Phần còn lại, nếu có duyên sẽ tiếp tục kể trong một câu chuyện khác.
Khi tôi học đại học, trên lớp có 50 thằng con trai, nhưng chỉ có hai cô gái.
Có lần tôi ngủ quên không dự buổi họp trong lớp, một bạn nữ đề cử tôi làm cán bộ xã hội, vì thế mà tôi lãnh chức cán bộ xã hội trong học kỳ hai năm thứ nhất.
Còn tại sao cô ấy lại đề cử tôi ư? Tới giờ vẫn là một câu hỏi lớn không lời đáp.
Cô ấy và tôi gần như không giao tiếp gì với nhau, cũng không tính là thân, chỉ biết là học cùng một lớp.
Tôi đoán có lẽ cô ấy chỉ khó chịu việc tôi không đến dự họp, nên dạy cho tôi một bài học mà thôi.
Tóm lại tôi chẳng hỏi tại sao cô ấy lại đề cử tôi, chỉ lẳng lặng chấp nhận sự thật tàn khốc là phải làm cán bộ xã hội.
Lần đầu tiên hẹn con gái nhà người ta đi giao lưu, họ bảo tôi qua tết Đoan Ngọ mới có thời gian rảnh.
Lúc đó cảm thấy rất thất bại, sau này nghĩ lại mới cảm thấy cô ấy rất hài hước.
Lần thứ hai là hẹn con gái trường ngoài, gặp nhau bàn bạc trong tiệm thức ăn nhanh.
Vừa ngồi xuống cô ấy liền nói, cô ấy không có ý kiến gì về hình thức và địa điểm tham gia, vì con gái chỉ phụ trách vui chơi mà thôi.
Tất cả mọi thứ phải do con trai phụ trách, hơn nữa con gái sẽ đóng ít hơn con trai 100 đồng.
Khi đó tôi còn trẻ trâu, chẳng thèm nói lấy một câu, nguẩy đít đi thẳng.
Đối với một thằng không cao, không đẹp trai, sống hướng nội, không biết ăn nói như tôi, làm cán bộ xã hội thật sự rất kỳ cục.
Cũng giống như chúng ta cảm thấy đười ươi thì hợp làm vệ sĩ, nhưng nhìn thấy khỉ làm vệ sĩ lại thấy quái dị.
Vì làm cán bộ xã hội, không thể không chủ động tiếp cận một số bạn gái xa lạ.
Có ngươi hiền lành gần gũi, có người sang chảnh; có người xinh đẹp phóng khoáng, có người dinh dưỡng không đầy đủ.
Đối với tôi, đó đều là những kinh nghiệm hiếm có, khiến tôi học được cách tôn trọng, bao dung và trao đổi.
Anima có đề cập sơ qua về tâm lý học phân tích của Carl Jung, thực sự tôi rất cẩn trọng và sợ hãi.
Tuy dù gì đây chỉ là một cuốn tiểu thuyết thôi, độc giả sẽ không dùng trình độ cao hơn để săm soi, nhưng đối với tôi, tôi quyết không vì viết tiểu thuyết mà tùy tiện khoe khoang lý luận của các bậc thầy.
Tiếc là trình độ có hạn, những điều đề cập trong sách nếu có gì sai sót, xin các bạn lượng thứ.
Cũng giống như những lần viết trước, trong thời gian viết Anima cũng xảy ra một số chuyện không hay.
Ví dụ như ba ngày trước khi viết xong màn hình máy tính tự dưng lăn quay ra hỏng, USB dự phòng tự dưng không đọc được nữa, nhưng mấy chuyện đó, so với cái chết của Tiểu Bì, căn bản không nhằm nhò gì.
Cái chết của Tiểu Bì giáng cho tôi một cú sốc cực lớn, khiến viết Anima xong viết tới phần hậu ký này, đầu óc gần như trống rỗng, không biết phải viết gì?
Một đêm đầu tháng Ba năm nay, Tiểu Bì nôn ra đầy nhà.
Thoạt tưởng rằng nó chỉ bị đau bụng thôi, nhưng sau đó hai ngày liền nó không ăn không uống, toàn thân rệu rã.
Tôi cuống cuồng bế nó đi bác sĩ, làm kiểm tra xong, chức năng gan và chỉ số bạch cầu tăng vọt, hơn nữa trong bụng nghi có một khối u.
Bác sĩ nói Tiểu Bì đã 13 tuổi rồi, mong tôi chuẩn bị tâm lý.
Tôi cho Tiểu Bì nằm viện một tuần, mỗi ngày đi thăm nó, đều cảm giác nó đã khỏe hơn một chút.
Cuối cùng thậm chí nó đã có thể đứng dậy vẫy đuôi với tôi, không giống lúc mới vào viện cả người không có chút sức lực nào.
Nhưng chỉ số bạch cầu vẫn cao không hạ, lại hoàn toàn không ăn được, chỉ dựa vào truyền dịch.
Tôi thử đưa mấy miếng thức ăn chó cho cu cậu, không ngờ nó lại ăn được mấy miếng.
Bác sĩ cho tôi mang nó về nhà theo dõi, nếu ăn được thì tình hình không đến nỗi quá tệ, nhưng phải tới khám đúng hẹn, kiểm tra chỉ số bạch cầu.
Có lẽ do bị nhốt trong bệnh viện lâu quá, khi về nhà tinh thần của Tiểu Bì tốt lên trông thấy.
Hơn nữa lượng ăn cũng dần hồi phục, một dạo tôi tưởng nó đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Nhưng hai tuần sau, Tiểu Bì lại lả đi, không chịu ăn uống.
Nó lả đi trọn một ngày, rồi bỗng gắng gượng đứng dậy, lê từng bước.
Mở cửa lưới ra ban công đi tè.
Tè xong, sức cùng lực kiệt, lại lả đi, không quay lại phòng khách được nữa.
Tôi bế nó vào phòng khách, nó vẫn nằm lả trên mặt đất, không nhúc nhích, giống như một con chó bông.
Tôi hoài nghi nó thậm chí còn chẳng chớp nổi mắt.
Tiểu Bì, tao biết mày mệt rồi. Nếu nghỉ đủ rồi, thì dậy đi được không?
Vì không muốn làm bẩn nhà, chút hơi tàn cuối cùng của Tiểu Bì trước khi chết, là dùng để gắng gượng đứng dậy, lê từng bước ra ban công, mở cửa lưới.
Và đó cũng là hình ảnh cuối cùng mà tôi nhìn thấy, của Tiểu Bì.
Lần thứ hai bế nó đi tìm bác sĩ, tôi đã chuẩn bị sẵn tâm lý, có lẽ Tiểu Bì cũng vậy.
Ánh mắt nó nhìn tôi, như muốn nói với tôi, nó phải đi rồi.
Kết quả kiểm tra của bác sĩ cho thấy, trong bụng nó đã lúc nhúc những khối u lớn nhỏ khác nhau.
Tôi quyết định chọn cái chết êm ái, rồi hỏa thiêu, tro cốt rải trong đất làm phân bón cho hoa.
Tôi thầm nghĩ sau này mình chết đi, xử lý như vậy cũng được.
Tối ngày Cá tháng Tư, rời khỏi trường tôi tới thẳng bệnh viện.
Bác sĩ cho tôi biết, buổi chiều Tiểu Bì đi rất bình an, không đau đớn, hậu sự cũng đã xử lý ổn thỏa.
Tôi cảm ơn bác sĩ, trả tiền phí, vội vã rời khỏi bệnh viện.
Từ bệnh viện về nhà, chỉ cần đi qua hai cột đèn giao thông, tôi nghĩ mình có thể làm được.
Nhưng đi ngang qua cột đèn đầu tiên, tôi gần như không nhìn thấy đường.
Dừng xe lại bên đường, nước mắt chảy giàn dụa, không ngăn lại nổi.
Miễn cưỡng trở về nhà, tôi tưởng rằng nước mắt đã cạn, bèn ngồi xuống ăn tối.
- Chuyện của Tiểu Bì xử lý ổn thỏa rồi. Bác sĩ nói Tiểu Bì đi rất bình an. – Tôi nói.
- Vậy cũng tốt. Tiểu Bì đã già như vậy rồi, cũng tới lúc trở về rồi.
- Nhưng mà…
Nhưng mà Tiểu Bì chết rồi.
Tiểu Bì cùng tôi trải bao thăng trầm vui buồn suốt 13 năm qua đã chết rồi.
Vừa mới và một miếng cơm, nước mắt tưởng như đã cạn khô lại ào ạt tuôn.
Nước mắt chảy từ gò má xuống khóe miệng, cuối cùng chui vào bát.
Một ngày sau khi Tiểu Bì qua đời, tôi đem vứt bỏ hết các vật dụng của nó như bát, xích vân vân, để trong nhà không còn bất kỳ đồ dùng gì của Tiểu Bì hay bất kỳ thứ gì có thể nhắc nhớ tới Tiểu Bì.
Một tuần đầu tiên rất không quen, trước khi ra ngoài không có nó tiễn, trở về nhà không có nó đón. Ăn cơm xong lại muốn dắt nó đi dạo vài vòng, nửa đêm lại nghĩ không biết nước trong bát nó có còn không?
13 năm nay, mỗi khi tôi viết thứ gì đó, Tiểu Bì luôn lặng lẽ nằm dưới chân tôi.
Tôi thường vừa gõ chữ vừa lấy chân cọ lên người nó.
Khi tôi buồn ngủ, lúc đứng dậy ra giường ngủ, thường đã rất khuya.
Tiểu Bì cũng nhỏm dậy theo, lảo đảo về chỗ của mình ngủ tiếp.
Nếu sau này tôi vẫn viết, thì trước tiên phải tập làm quen với việc không còn Tiểu Bì nằm dưới chân.
Nhất định tôi đã bồi đắp tâm lý rất nhiều, cũng nhất định đã dốc toàn lực để ý chí thêm kiên định.
Cho nên tôi vẫn có thể ngồi trước máy tính, tập trung viết Anima.
Chỉ còn lại một đoạn đường nhỏ cuối cùng, tôi nhất định phải tự lực đi nốt.
Tôi duy trì trạng thái này trong suốt một tháng, gần như đã thoát ra khỏi ám ảnh về cái chết của Tiểu Bì.
Cuối cùng đã gõ tới dòng chữ cuối cùng của Anima, tôi phấn khởi gọi: Tiểu Bì, đồng thời lom khom cúi xuống định bế nó lên.
Nhưng dưới gầm bàn trống rỗng, hoàn toàn không có bóng dáng của Tiểu Bì.
Nỗi đau bỗng nhói lên, nước mắt trào ra, từng giọt rơi trên bàn phím.
Thái Trí Hằng
Đài Nam tháng Năm 2013
2 Bình luận
cái lời bạt đã phá hỏng mọi chuyện =.='