Thi cuối kỳ xong là bắt đầu nghỉ đông, tôi thu dọn qua hành lý về quê.
Những ngày nghỉ đông rất nhàn nhã, ngoài việc tán gẫu với lũ bạn cũ ra, gần như chẳng còn việc gì khác.
Có lúc đi ngang qua bến xe buýt, tôi sẽ dừng lại, nhớ lại những tháng ngày bắt xe buýt đi học trước đây.
Quê tôi ở một thị trấn ven thành phố, căn cứ theo tuyến đường xe buýt, có lẽ cô ấy sống ở thị trấn bên cạnh.
Nếu cô ấy cũng học đại học, thời gian này có lẽ cô ấy cũng sẽ về nhà.
Tôi gần như manh động tới mức muốn nhảy lên chiếc xe buýt đi hướng ngược lại, nhưng cuối cùng chỉ thở dài, giữ nguyên hai chân trên mặt đất.
Tuần đầu tiên của học kỳ mới đúng vào ngày lễ Tình nhân, CLB tâm lý tổ chức hoạt động chuyển tình.
Hoạt động chuyển tình này không gì khác, chính là giúp người ta mua hoặc tặng quà cho đối tượng chỉ định.
San San sư tỷ cũng tự làm vài tấm thiệp xinh xắn đem bán, kiếm tiền cho CLB.
Hội viên năm nhất đại khái giúp chân chạy vặt, phụ trách việc tặng hoặc mua hộ quà.
Số sinh viên cần tới dịch vụ này khá đông, dù sao số người thiếu dũng khí nhưng lại muốn nhân cơ hội thổ lộ cũng khá nhiều.
Riêng mình tôi trong hai ngày trước Valentine đã phải chạy đi tặng quà 10 lần, mua hộ kèm tặng hộ 2 lần.
Xem ra học kỳ này kinh phí của CLB tâm lý sẽ không túng thiếu rồi.
Lễ Tình nhân, ban ngày tôi chạy bảy lượt, buổi tối chạy bốn lượt, cảm thấy cũng hòm hòm rồi bèn về phòng nghỉ ngơi.
- Cầm cái này đi. – A Trung đưa tôi một thứ gói bọc kỹ càng, - Tặng cho Lâm Y Kỳ hộ tao.
- Ngày nào lên lớp chẳng gặp nhau, mày không đưa cho cô ấy được à?
- Đây là quà lễ Tình nhân, chẳng lẽ mày bảo tao đưa cho cô ấy trên lớp à? – A Trung nói, - Nhỡ bị bọn nó nhìn thấy thì tao chết mất.
- Thế mày tự mang đến ký túc nữ mà tặng.
- Mày nhất định bắt tao phải thừa nhận là tao không dám hả?
- Thôi được. Trong trường 30 đồng, ngoài trường 50 đồng. – Tôi cầm lấy gói quà, - Đưa tao 30 đồng.
Nhận 30 đồng của A Trung, tôi lập tức rời khỏi phòng ngủ chạy tới cổng ký túc nữ.
Cách làm truyền thống là nhờ bạn nữ nào đang đi vào trong ký túc lên trên gọi người giúp.
Nhưng không phải cô nào cũng đồng ý giúp, tôi phải nhờ tới người thứ ba.
Tôi nói cho cô ta số phòng của Lâm Y Kỳ, nhờ cô ấy gọi Lâm Y Kỳ xuống.
Sau đó tôi kiên nhẫn chờ đợi, cho tới năm phút sau có người gọi tôi.
- Sao lại là bạn? – Tôi ngoảnh lại, nhìn thấy Dương Ngọc Huyên.
- Y Kỳ không có nhà. – Cô ấy hỏi, - Bạn tìm nó có việc gì không?
- Tặng cho cô ấy cái này thôi.
- Để mình đưa giúp bạn.
- Chuyện này…
Tôi bắt đầu do dự, dù sao thì đưa quà tận tay người nhận cũng là đạo đức nghề nghiệp cơ bản của dịch vụ này.
- Không tiện à? – Cô ấy hỏi.
- Đây là quà Valentine, mình muốn đưa tận tay cho bạn ấy.
- Bạn thích Y Kỳ à? – Ngọc Huyên giật mình.
- Bạn đừng hiểu lầm. Mình tặng hộ một người bạn thôi.
- Là của A Trung chứ gì. – Dương Ngọc Huyên cười cười, - Đưa cho mình, mình đưa cho Y Kỳ cho.
- Làm phiền bạn nhé. – Tôi đưa quà cho cô ấy.
- Chắc là chocolate nhỉ. – Cô ấy ngắm nghía bên ngoài hộp quà, rồi ước thử trọng lượng.
- Mình cũng đoán thế.
- Hôm nay bạn có nhận được chocolate không? – Cô ấy hỏi.
- Bạn nói đùa hả. – Tôi nói, - Dĩ nhiên là không rồi.
- Thế mình mời bạn ăn chocolate nhé. Đúng lúc có người tặng mình một hộp, mình ăn không hết. – Cô ấy nói, - Nhưng đừng có hiểu lầm đấy.
- Hiểu lầm gì cơ?
- Có thể có hai kiểu hiểu lầm. Tình huống một, là bạn cảm thấy mình đang khoe khoang; hai, là vì hôm nay là Valentine, chocolate ngày Valentine có ý nghĩa đặc biệt.
- Bạn muốn mình không hiểu lầm theo nghĩa nào?
Cô ấy không nói gì, lấy hai viên chocolate hình tròn bọc giấy vàng trong túi áo ra, đưa cho tôi một viên. Tôi đưa tay ra nhận, thấy cô ấy bóc vỏ ra, tôi cũng bóc theo.
- Thực ra mình mời bạn ăn chocolate người khác tặng mình, hình như không được tử tế cho lắm. – Cô ấy nói.
- Vậy… - Tôi đã nhét tọt viên chocolate vào mồm rồi.
- Bạn cứ coi như bạn nhặt được viên chocolate ấy ở trên đường đi. – Cô ấy cười.
- Được. – Tôi cũng cười.
- Ngày này mà hai người đứng dưới cổng ký túc xá ăn chocolate. – Lâm Y Kỳ cười nói, - Là muốn chọc tức quần chúng phỏng?
- Này. – Dương Ngọc Huyên lấy món quà tôi đưa cho cô ấy ra, - A Trung tặng cậu đây.
Lâm Y Kỳ đưa tay cầm lấy, vẻ mặt hơi thẹn thùng.
- Học hành chăm chỉ vào. – Tôi nói, - Đừng có chỉ mải mê yêu đương.
- Cần cậu lo chắc. – Lâm Y Kỳ lườm tôi.
Nhiệm vụ đã hoàn thành, tôi chào tạm biệt hai cô gái rồi quay người ra về.
- Này, Thái Tu Tề.
Tôi ngoảnh lại, thấy Dương Ngọc Huyên đứng đối diện tôi.
- Vừa rồi quên chưa trả lời bạn. – Cô ấy nói, - Tình huống một chắc chắn là hiểu lầm.
Nói xong cô ấy vội kéo Lâm Y Kỳ đi vào ký túc xá.
Câu hỏi “Thế còn tình huống hai?” của tôi đành phải trôi ngược vào trong bụng.
Đi mãi đi mãi, tôi lại nhớ tới cô gái hoa dành dành.
Tấm thiệp lễ tình nhân năm ngoái, dù sau khi viết xong không thấy nó được treo trên móc treo xe buýt, nhưng những gì viết trên đó, tới giờ tôi vẫn nhớ được gần hết.
Dương Ngọc Huyên nhận được chocolate là chuyện có thể dự đoán được, dù gì cô ấy cũng rất duyên dáng, tính tình lại tốt.
Hôm nay có lẽ cô gái hoa dành dành cũng nhận được chocolate nhỉ, em có vui không?
Thôi đừng nghĩ nữa, chỉ cần chúc mừng là đủ rồi.
Trong buổi họp lớp tuần thứ hai sau khai giảng, cán bộ xã hội và cán bộ đời sống xin từ chức.
Tất cả cán bộ kỳ này vốn đều do cán bộ kỳ trước làm tiếp một cách vô điều kiện, vì mọi người lười bầu lại từ đầu, mà hầu hết cũng chẳng ai muốn làm cán bộ.
Nhưng giờ lý do xin từ chức của cán bộ xã hội và cán bộ đời sống rất đầy đủ, thái độ cũng rất kiên quyết.
Tuy học kỳ trước đã tổ chức một số hoạt động, nhưng tiếc là hoàn toàn không tổ chức giao lưu với con gái.
- Không tổ chức được buổi giao lưu nào, tôi rất xin lỗi. – Cán bộ đời sống nói.
- Tôi rất áy náy. – Cán bộ xã hội nói, - Tôi căn bản không tìm được bạn gái nào để giao lưu với lớp ta.
Tóm lại, chúng tôi phải bầu lại cán bộ xã hội và cán bộ đời sống.
Bầu cán bộ đời sống trước, có người đề cử Lý Quân Tuệ, kết quả cả lớp vỗ tay đồng ý, chẳng cần bầu bán gì nữa.
Xem ra cả lớp cũng giống hệt tôi, đều nhận thức rõ rằng cái duyên con gái của Lý Quân Tuệ đúng là của trời cho.
“Mẹ ơi!” Đó là câu nói đầu tiên của nó khi biết mình được làm cán bộ đời sống.
Đến lượt bầu cán bộ xã hội, không ngờ Lâm Y Kỳ lại đề cử tôi.
- Trong vũ hội Thái Tu Tề đẩy ngã một cô gái, nhưng cô ấy không hề ghét cậu ấy, thậm chí có khi lại còn thích là đằng khác. – Cô nàng cười cười, - Chưa biết chừng cậu ấy có sức hấp dẫn con gái kỳ lạ đấy nha.
Kết quả câu nói này rất có sức thuyết phục, tôi cũng chẳng cần qua bầu bán gì mà lĩnh luôn chức cán bộ xã hội.
“Mẹ kiếp!” Đó là câu nói đầu tiên của tôi khi biết mình lĩnh chức cán bộ xã hội.
“Mẹ ơi” và “Mẹ kiếp” chỉ khác nhau ở từ cuối, nhưng ý nghĩa chắc chẳng khác nhiều.
Về phòng ngủ, tôi chửi thằng A Trung một trận tơi bời, nó chỉ ngoan ngoãn nhận lỗi, không dám cãi câu nào.
Nhưng họa đã tạo thành, chửi A Trung không quản lý Lâm Y Kỳ cho tử tế cũng chẳng ích gì.
Cái gọi là cán bộ xã hội chính là phụ trách tìm con gái để giao lưu, đối với cái lớp dương thịnh âm suy như lớp tôi, cán bộ xã hội là nơi gửi gắm hy vọng của lũ con trai muốn làm quen với con gái, thậm chí còn là nơi gửi gắm duy nhất.
Thảo nào vừa họp xong là một lũ con trai bâu đến quanh tôi:
- Nhờ anh cả đấy, anh Tu Tề ơi.
Anh ơi anh à cứ gọi loạn cả lên, từ lúc nào tôi lại thành anh Tu Tề mà tôi chẳng biết mô tê gì sất?
Phải làm sao bây giờ? Tôi giao tiếp không rộng, moi đâu ra con gái cho bọn nó giao lưu đây?
Càng nghĩ đầu càng phình ra, chắc chỉ còn cách nhờ đến hội viên CLB tâm lý thôi.
Bà chị năm hai khoa Trung văn nói chị ấy quen với người phụ trách hoạt động của ba khoa trong Viện Văn học, có thể giúp tôi.
Tốt quá rồi, trong cái trường dương thịnh âm suy này, Viện Văn học là nơi duy nhất con gái nhiều hơn con trai.
Tôi quyết định đi tìm cán bộ xã hội của lớp Lịch sử Một trước, bèn lập tức phi đến khoa Lịch sử.
Tôi đợi cô ấy ngoài phòng học, tan học cô ấy vừa bước ra ngoài, tôi bèn đến trước mặt trình bày ý định.
Vẻ mặt cô gái này rất lạnh lùng, như thể không biết cười hoặc là đã bị hỏng mất chức năng cười từ lâu lắm rồi.
- Khoa Thủy lợi? – Cô ta chau mày, - Vậy thì phải đợi đến sau tết Đoan Ngọ.
Tôi vội lấy sổ làm việc ra xem sau tết Đoan ngọ có ngày nào tổ chức giao lưu được.
- Tết Đoan ngọ rơi vào tuần thi cuối kỳ, sau tết Đoan ngọ là nghỉ hè rồi. – Tôi thảng thốt.
- Đúng thế. – Cô ta nói, - Ý của tôi là thế đấy.
- Ý gì cơ?
- Tức là học kỳ này phải sau tết Đoan ngọ mới giao lưu được với các cậu.
- Ý của bạn là, học kỳ này không thể giao lưu với bọn mình?
- Chính thế. Ý của tôi là như thế đấy.
Cô ta lạnh nhạt nói xin lỗi, quay người bỏ đi, mặt lạnh te.
Có lộn không vậy? Giờ mới vừa vào học mà, chẳng lẽ cả học kỳ này đều không có thời gian?
Xem ra mấy khoa của Viện Văn học này “hot” quá, tôi phải mau chóng liên hệ với cán bộ xã hội của hai khoa còn lại mới được.
Tôi lại chạy đến phòng học của khoa Trung văn đợi cán bộ xã hội năm nhất, lúc cô ấy bước ra, tôi không khỏi tấm tắc trong bụng: Cô bạn này dịu dàng quá, nếu có thể giao lưu với họ thì tốt biết mấy.
- Trả ngọc chàng, lệ như mưa, Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng[13]. – Cô ấy nói.
- Nghĩa là sao? – Tôi hỏi.
- Thì nghĩa là Trả ngọc chàng, lệ như mưa, Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.
- Ý bạn là, rất xin lỗi lịch của các bạn đã kín, không giao lưu được với bọn mình?
- Đúng thế, ý của mình là như vậy đấy.
Cô ấy khẽ khàng nói xin lỗi, rồi nhẹ nhàng quay người, thong thả cất bước ra đi.
Tôi đoán lúc đi học chắc cô nàng này phải đi ra khỏi nhà sớm hơn một chút.
Vì nhìn cái bộ dạng đi đứng của cô ấy thế kia, đoạn đường năm phút chắc phải đi mất 20 phút.
Hơn nữa lúc qua đường cô ta phải cực kỳ cẩn thận, vì có khi đi được giữa chừng thì đèn lại đỏ.
Nhưng cô gái dịu dàng như thế, hình ảnh lúc đi đường thật sự rất đẹp.
Nhưng giờ không phải là lúc khen ngợi hình ảnh con gái nhà người ta, vì chỉ còn lại nhõn năm nhất khoa Ngoại ngữ mà thôi.
Tôi đành phải chạy tới phòng học khoa Ngoại ngữ đợi cán bộ xã hội của họ.
Cán bộ xã hội khoa Ngoại ngữ rất ưa nhìn, tóc dài hơi xoăn, nhuộm màu vàng kim, lấp lánh như hoàng hôn trên biển An Bình.
- Bọn tớ rất muốn giao lưu với các cậu, you know. But, bọn tớ rất busy, you know. Ngày nghỉ nào cũng có hẹn hết rồi, you know. Không phải là nhằm vào cậu, cũng không nhằm vào khoa Thủy lợi, you know. Nhưng tớ chỉ có thể say sorry, you know. Mong cậu thông cảm, các cậu nhất định sẽ tìm được girls khác, you know. – Cô ta nói.
- I don’t know!
Lần này đến phiên tôi nói xin lỗi rồi quay người đi một mạch, không thèm quay đầu lại.
Cuối cùng tôi đã thấu hiểu nỗi khổ tâm của thằng cán bộ xã hội kỳ trước khi nó nói không thể tìm được con gái để giao lưu.
Vấn đề ở chỗ bây giờ cán bộ xã hội là tôi, nếu học kỳ này mà không tìm được con gái để giao lưu nữa, thì câu “Nhờ anh cả đấy, anh Tu Tề” rất có thể sẽ biến thành “Thái Tu Tề mau nạp mạng.”
Làm sao đây? Với cái EQ có hạn và số bạn bè ít ỏi của tôi, thật sự tôi không tìm ra được giải pháp nào khác.
- Vẻ mặt thẫn thờ, cúi đầu ủ rũ, có lẽ cậu ta đang phiền muộn vì chuyện gì đây.
- Mặt mày nhăn nhó, thở vắn than dài, chuyện khiến cậu ta phiền muộn ắt hẳn khó nhằn lắm đây.
- San San sư tỷ. – Tôi ngoảnh lại, - Cứu em với.
San San sư tỷ nói con gái Viện văn học không có thời gian giao lưu với bọn tôi gần như là điều hiển nhiên.
Chưa kể tới các học viện khác, chỉ Viện Công trình thôi đã có mười mấy khoa, một số khoa một khóa có những ba lớp, nhưng Viện Văn học chỉ có nhõn ba khoa, mỗi khoa chỉ có một lớp, nếu con trai cả trường đều đòi giao lưu với họ, thì lịch giao lưu của họ đã xếp kín đến tận năm sau rồi.
- Mà khoa Thủy lợi là khoa bị ghẻ lạnh, không hot bằng mấy khoa Điện cơ, Cơ khí gì đó, nên dù rỗi có khi họ cũng chẳng thèm giao lưu với bọn em đâu. – Di San sư tỷ nói.
- Hay là thử con gái Học viện Quản lý xem sao. – Tú San sư tỷ nói.
Học viện Quản lý tuy cũng dương thịnh âm suy, nhưng chênh lệch không đáng kể.
Nhưng khi giao lưu bọn tôi chỉ tìm con gái, làm như vậy hình như hơi ngại với mấy đấng mày râu lớp họ.
- Lớp Quản trị doanh nghiệp năm nhất đi. – Di San sư tỷ nói, - Lớp ấy nữ nhiều hơn nam.
- Mà bọn con trai lớp ấy đã quen với việc người ta chỉ giao lưu với con gái lớp mình rồi. –Tú San sư tỷ nói.
- Mấy thằng ấy cũng toàn tự đi giao lưu với con gái lớp khác mà.
Thôi được, quyết định vậy. Thử vận may với con gái lớp Quản trị doanh nghiệp năm nhất xem thế nào.
Chú thích:
[13] Hai câu thơ trong bài Tiết phụ ngâm (Bài ca người tiết phụ) của Trương Tịch, bản dịch của Ngô Tất Tố.
2 Bình luận