ANIMA
Thái Trí Hằng (蔡智恆)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Cô gái hoa dành dành (3)

4 Bình luận - Độ dài: 2,582 từ - Cập nhật:

Từ sau lần đó, hễ lên xe gặp cô ấy, cô ấy liền cầm cặp sách giúp tôi.

Dù xe đông hay vắng.

Trừ lúc mới lên xe cô ấy nói “Túi xách”, “Cặp sách”, và tôi nói “Cảm ơn” ra, suốt quãng đường 45 phút, chúng tôi không trao đổi thêm điều gì, mắt cũng rất ít khi nhìn nhau.

Tới lúc tôi sắp xuống xe, thỉnh thoảng sẽ nói hai câu, không nhiều không ít, đúng hai câu.

- Mình là người Đài Loan chính gốc đấy. – Cô ấy nói.

- Ừ.

- Lần trước là nói đùa thôi.

- Ừ. – Tôi cười – Mình biết.

Tôi xoay người xuống xe, cảm thấy kết cục như vậy vô cùng hoàn mỹ.

- Xuống xe cẩn thận. – Giọng cô ấy vang lên phía sau.

Tôi không khỏi ngoái đầu lại nhìn cô ấy, gần như không tin nổi.

Cô ấy không nói gì thêm, chỉ cười khẽ một cái, tay trái chỉ về phía trước xe.

Tôi lập tức tỉnh ngộ, quay người tăng tốc, luồn lách xuống xe.

Không biết là vì lời dặn dò của cô ấy, hay là vì ánh nắng ban mai, sau khi xuống xe tôi thấy cả người mình ấm bừng lên.

Từ đó, trong những ngày tháng gặp cô ấy, câu nói “xuống xe cẩn thận” luôn đồng hành cùng tôi xuống xe.

Trước đây mỗi lần bước xuống chiếc xe đông đúc, không khỏi đi đứng loạng choạng hay có lúc còn bải hoải cả người.

Bước xuống xe đặt chân lên mặt đất rồi, sức nặng trên tay và vai sẽ đem nhắc nhở tôi về sự tồn tại của áp lực học hành.

Nhưng lời dặn của cô ấy, dù chỉ là câu nói xã giao đơn thuần, cũng khiến tâm trạng khi xuống xe của tôi trở nên ung dung thoải mái.

Tôi thậm chí còn có cảm giác sai lầm là gánh nặng trên người mình đã trở nên nhẹ bớt.

- Bạn học lớp 11 à? – Cô ấy hỏi.

- Phải.

- Mình cũng lớp 11 nè.

- Tốt thật.

- Xuống xe cẩn thận.

Người lớn khi giới thiệu nhau sẽ bắt đầu từ việc hỏi người kia họ gì, có lẽ để tiện xưng hô, cũng có thể chỉ là lời xã giao.

Nhưng giữa học sinh với nhau, lẽ ra nên hỏi học trường nào trước, rồi mới hỏi đến học lớp mấy.

Cách hỏi này chẳng phải vì xưng hô, cũng không phải xã giao, chỉ đơn thuần là muốn biết mà thôi.

Đối với việc muốn tiến thêm một bước trong việc quen biết đối phương, đây là một giai đoạn quan trọng bắt buộc.

Tôi đã từng rất băn khoăn tại sao hễ bước lên xe là tôi sẽ đứng trước mặt cô ấy trong vòng bán kính nửa mét?

Nghiền ngẫm suốt mấy ngày, phát hiện ra điều này rất hợp lý, cũng rất logic.

Đối với học sinh đi học bằng xe buýt, hầu như ngày nào cũng bắt một tuyến xe vào cùng một thời gian.

Nếu có thể lựa chọn, phần lớn mọi người bình thường sẽ ngồi hay đứng cùng một chỗ.

Có lẽ đó là vì cảm giác an toàn, hoặc chỉ đơn thuần là vì thói quen.

Tôi và cô ấy có lẽ đều thuộc tuýp người bình thường, vì thế cô ấy luôn ngồi ở bên trái phía đuôi xe; còn tôi luôn đứng cách cửa sau xe bốn bước chân tính về phía đuôi, đối diện với cửa sổ bên trái.

Về sau mỗi lần lên xe xoay người đi về phía cuối xe, khóe mắt tôi liền khởi động chức năng tìm kiếm.

Khi đã nhìn thấy cô ấy, tôi sẽ vô thức điều chỉnh độ dài của bước chân, để có thể bước đến trước mặt cô ấy một cách hoàn hảo.

Thậm chí tôi còn hoài nghi liệu mình có còn duy trì thói quen bước đủ bốn bước.

Vì thế dưới sự hỗ trợ của ý thức chủ quan, tôi luôn có thể vừa vặn bước đến trước mặt cô ấy.

Hợp lý hay không, logic hay không, có phải do số mệnh an bài, hay là đặc biệt có duyên hay không không phải điều quan trọng, quan trọng là tôi sẽ đứng trước mặt cô ấy, tôi muốn đứng trước mặt cô ấy, tôi phải đứng trước mặt cô ấy.

- Đúng rồi. – Cô ấy nói – Mình nói mình thiếu máu cũng là nói đùa thôi, chỉ là da mình trắng ấy mà.

- Ừ.

- Da trắng không phạm pháp đâu nhỉ?

- Không phạm pháp. – Tôi nói – Nhưng phạm quy.

- Xuống xe cẩn thận. – Cô ấy cười.

Tôi lưu luyến mùi hương ấy, bước vào lớp tôi bèn dí mũi vào cặp sách, nhắm mắt hít hà.

Đúng là một chiếc cặp hạnh phúc, được nằm trên mặt biển xanh thăm thẳm nồng nàn mùi hoa dành dành.

- Mày là chó đấy à? – Thằng bạn ngồi cạnh hỏi tôi.

- Được thế thì còn gì bằng. – Tôi lại dí mũi vào chiếc túi xách.

Khi đó đúng mùa dành dành trổ hoa, con đường từ phòng công nghệ tới phòng mỹ thuật của trường nở đầy hoa dành dành. Bông hoa to cỡ bàn tay, hình dáng vô cùng thanh nhã.

Trước đây đi ngang qua đó chẳng bao giờ để ý, từ khi quen với cô ấy, lại cố tình đi qua để ngửi hương hoa.

Cánh hoa dành dành giống như nước da cô ấy, trắng tinh khôi.

Sau này mỗi khi nhìn thấy hay ngửi thấy hương hoa dành dành, tôi đều nghĩ tới cô ấy.

- Bạn có thích hoa dành dành không? – Cô ấy hỏi.

- Thích. – Tôi nhìn cô ấy, gật đầu.

- Mùi hoa dành dành nồng lắm, ngửi lâu cứ như say ấy.

- Đúng thế. – Tôi lại gật đầu.

- Xuống xe cẩn thận.

Tuy không phải ngày nào đi học cũng được găp cô ấy, nhưng chỉ cần gặp được cô ấy, cặp sách của tôi sẽ rất hạnh phúc.

Tôi đã từng thống kê, trong 50 buổi học, có 19 ngày gặp được cô ấy, tỉ lệ là 38%.

Nếu đem con số này sang lĩnh vực đập bóng, thì gần như cầm chắc chức vua đập bóng trong môn bóng chày.

Còn có một thống kê thú vị nhưng không chặt chẽ nữa, đó là trong những ngày gặp cô ấy, điểm thi bình quân của tôi khá cao.

Có lẽ điều này hàm ý rằng, cách tốt nhất để nâng cao thành tích của tôi, là tăng tỉ lệ gặp cô ấy trên đường đến trường.

- Thời tiết hôm nay đẹp quá.

- Ừ.

- Đúng là thời tiết thích hợp để học hành chăm chỉ.

- Chính xác.

- Xuống xe cẩn thận.

Có một lần gặp cô ấy trong tiết trời mưa gió bão bùng, hôm đó mưa rất to, đã che ô nhưng cặp và túi xách vẫn bị ướt.

Nhất là trong lúc gập ô để lên xe, có khoảng hai giây phải ở trong tình trạng mưa dập gió vùi.

Lên xe, thấy sàn xe lấm lem bùn đất vì mọi người giẫm giày ướt lên, tôi rón rén đi tới trước mặt cô ấy.

- Túi xách. – Cô ấy nói.

- Ướt váy của bạn mất. – Tôi đưa mắt nhìn chiếc túi đã ướt mất một phần ba.

Có lẽ tiếng máy xe và tiếng mưa đã át mất tiếng của tôi, nên cô ấy không nghe thấy.

- Thôi không cầm nữa vậy, bẩn túi mất. – Cô ấy nhìn chỗ bùn đất trên sàn xe. – Ô.

Tôi đưa tay trái đang cầm cả túi và ô về phía cô ấy, cô ấy chậm rãi cầm lấy chiếc ô.

Cô ấy gác chéo chiếc ô của tôi cùng với ô của mình vào đầu gối, cẩn thận giữ thăng bằng.

- Cặp sách. – Cô ấy nói.

- Ướt váy của bạn mất. – Tôi lại nói.

- Váy của mình ướt mất rồi, cặp của bạn chắc không để ý đâu nhỉ? – Có lẽ cô ấy lại không nghe thấy.

Tôi không biết phải nói có hay không, mà tay trái xách túi cũng không tiện đưa cặp sách cho cô ấy.

- Ái chà. – Cô ấy sực tỉnh – Vẫn nên cầm cả túi xách mới phải.

- Sẽ ướt… - Không đợi tôi dứt lời, cô ấy đã đưa tay phải ra, tôi đoán dù tôi có nói hết câu cô ấy chắc vẫn không nghe thấy.

Tôi ngập ngừng muốn nói, chần chừ một lúc, rồi vẫn đưa túi xách cho cô ấy.

Cô ấy đặt chiếc túi lên đùi, hai tay lần lượt cầm lấy hai chiếc ô đang dựa trên hai đầu gối.

- Cảm ơn. – Tôi nói.

- Không có gì. – Cuối cùng cô ấy cũng đã nghe thấy.

Có lẽ vì chưa từng nói chuyện với cô ấy trên quãng đường đi, lại thêm người ngợm có phần nhếch nhác, tôi không biết phải nắm bắt tiết tấu cuộc trò chuyện như thế nào, hơn nữa giọng tôi luôn nén xuống.

Đại khái là ngoài câu “Cảm ơn” vẫn như bình thường ra, những câu nói khác như thể bị nuốt lại trong miệng.

Tôi phát hiện ra đuôi tóc cô ấy hơi ẩm ướt, áo khoác cũng dính vài vết nước mưa.

Cùng bị dính mưa mà trở nên nhếch nhác, nhưng thần thái cô ấy vẫn ung dung như thường.

- Bạn xem. – Cô ấy ngẩng đầu lên, mỗi tay cầm một chiếc ô, lòng bàn tay nắm lấy cán ô, dựng thẳng chúng lên, mũi ô chạm sàn xe, người chúi về phía trước – Thế này có giống trượt tuyết không?

Tôi không nhịn được bật cười, tiếng cười e là còn to hơn cả tiếng nói vừa rồi.

Xem ra ngoài làn da trắng ngần, tính cách của cô ấy cũng có phần “trắng”, ý tôi là “nhắng”.

- Hôm nay mưa to quá.

- Ừ.

- Đúng là thời tiết thích hợp để học hành chăm chỉ.

- Chính xác. – Tôi lại không nhịn được cười.

- Xuống xe cẩn thận.

Sắp lên lớp 12, sắp bước vào những tháng ngày địa ngục trong truyền thuyết.

Trong thời đại thi đại học là con đường duy nhất để vào đại học này, đối với những học sinh cấp ba bình thường như tôi và cô ấy, dù nóng hay lạnh, dù nắng hay mưa, đều là thời tiết thích hợp để học hành chăm chỉ, cũng đều nên học hành chăm chỉ.

Tôi và cô ấy đều giác ngộ được điều này, hơn nữa để tránh bị áp lực quá lớn từ việc phải đỗ đại học khiến cho thần kinh trở nên không bình thường, chúng tôi cũng đồng thời giác ngộ được cần phải thường xuyên nói vài câu chuyện cười nhạt nhẽo để giải tỏa áp lực.

- Cứ một Nobita thì có một Xuka, vậy nhiều Nobita thì đi với cái gì? – Cô ấy hỏi.

- Ờ… - Tôi suy nghĩ ba giây rồi nói – Đồng ca[6].

- Đáp án này không tệ đâu. – Cô ấy cười.

- Có lẽ vậy. – Tôi cũng cười.

- Xuống xe cẩn thận.

- Trịnh Thành Công cho con trai 1000 đồng, tại sao con trai ông ta chỉ tiêu có 100 đồng? – Cô ấy hỏi.

- Thế mới gọi là chín chắn nghiêm túc[7] chứ. – Tôi đáp.

- Câu hỏi này rõ là vớ vẩn. – Cô ấy cười.

- Đúng là rất vớ vẩn. – Tôi cũng cười.

- Xuống xe cẩn thận.

- Thế nào là một đích trăm tên? – Cô ấy hỏi.

- Hố xí. – Tôi đáp – Cụ thể hơn là: Hố xí của nhà vệ sinh công cộng.

- Bạn phản ứng nhanh thật. – Cô ấy cười.

- Chẳng may đoán trúng ấy mà. – Tôi cũng cười.

- Xuống xe cẩn thận.

Lên địa ngục lớp 12, túi xách càng ngày càng trĩu, cặp sách càng lúc càng nặng.

Không muốn đôi chân cô ấy phải gánh vác quá nhiều, tôi luôn nhét túi cho chật căng để giảm trọng lượng của cặp sách.

Chiếc túi căng phồng như cái bụng bầu tám tháng, tôi sợ có ngày nó sẽ bục mất.

Ở trên xe khi đưa túi cho cô ấy, tôi sẽ đặt thẳng túi xách lên sàn xe trước, rồi đẩy từ từ về phía cô ấy;

Lúc xuống xe lấy túi, tôi sẽ bảo cô ấy đẩy túi ra trước, rồi túm lấy góc phải phía trên quai túi kéo về phía tôi.

Tóm lại tôi không để cho cô ấy có cơ hội nhấc túi lên, thực ra chắc cô ấy nhấc một tay cũng không nổi.

- Cặp sách của bạn nhẹ đi rồi.

- Ừ.

- Thế túi xách thì bao giờ sinh con thế?

- Chắc sau thi đại học.

- Xuống xe cẩn thận.

Hồi trước tôi chẳng bao giờ giặt cặp sách, sau khi quen cô ấy tuần nào tôi cũng giặt cặp và túi ít nhất một lần.

Cặp và túi đã sớm phai màu, màu xanh biếc như cỏ trở thành một màu xanh bạc phếch nhạt hơn cả nhạt.

So với cặp của mấy đứa bạn khác, tôi cứ như đang đeo cặp trường khác.

Cặp và túi vốn chữ trắng nền xanh, vì màu xanh bạc quá, tên trường càng nhạt nhòa không rõ.

Nếu lần đầu tiên gặp cô ấy tôi đeo cái cặp hiện giờ, có lẽ cô ấy sẽ rất khó nhận ra tôi học trường nào.

Vậy thì câu hỏi của tôi khi đó sẽ không ngớ ngẩn nữa, mà sẽ có ý nghĩa.

Quá trình bạc màu của chiếc cặp diễn ra từ tốn, mức độ quen biết với cô ấy cũng tiến triển từ từ.

Cùng với việc màu sắc chiếc cặp càng lúc càng nhạt nhòa, hình bóng cô ấy trong trí óc tôi càng lúc càng trở nên rõ rệt.

Dù là từ tốn hay từ từ, thì tốc độ cũng đều chậm tới mức khó lòng cảm nhận được sự thay đổi.

Chợt ngoảnh đầu nhìn lại mới ngỡ ngàng nhận ra cặp sách đã không còn biếc xanh, còn tôi và cô ấy cũng đã quen nhau gần mười tháng.

Cặp sách và túi xách không chỉ ghi dấu thời gian tôi quen cô ấy, mà còn là chứng nhân giữa tôi và cô ấy.

- Cặp và túi của bạn già đi rồi.

- Hử?

- Vì đã bạc đầu.

- Nói hay lắm.

- Xuống xe cẩn thận.

Chú thích:

[6] Chơi chữ, “xu” đối với “đồng”.

[7] Nguyên gốc câu hỏi là tại sao chỉ sử dụng 200 đồng, ở đây tác giả sử dụng lối chơi chữ. Cụm từ “Chín chắn nghiêm túc” trong tiếng Trung nguyên văn là “Chính kinh bát bách”, “bát bách” nghĩa là 800 (bằng 1000 trừ đi 200). Người dịch xin được chuyển 200 thành 100 để hợp với chữ chín trong“chín chắn nghiêm túc” phía dưới.

Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

Intimacy đang tăng dần đều. Klq nhưng tui cũng sắp vô lớp 12 địa ngục rồi =.='
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
TRANS
Khổ tận cam lai mà, cố lên ٩(^‿^)۶
Thiên đường đại học đang chờ bác (>‿◠)✌
Xem thêm
Xem thêm 1 trả lời
Intimacy đang tăng dần đều. Klq nhưng tui cũng sắp vô lớp 12 địa ngục rồi =.='
Xem thêm