Tập 06 : Gió cát quay cuồng
Hồi 1 : Kinh đô của đất và nước (5)
0 Bình luận - Độ dài: 2,367 từ - Cập nhật:
Đặc sản nổi tiếng ở Gilan, một thành phố cảng, đương nhiên là tôm cá, hải sản nói chung. Trên bàn ăn của nhóm Arslan lúc này chất dầy cá trắng chiên giòn tẩm gia vị, cua hấp, tôm rang muối, cá viên xiên, cơm rang nghệ tây và nhiều loại sò, súp trứng rùa biển, phô mai trắng, sò điệp…. Đồ uống ngoài rượu nho còn có rượu mía, trà táo, nước cam pha mật ong cùng nhiều loại trái cây khác.
Lý do cả nhóm quyết định dùng bữa tại nhà hàng bến cảng trước khi tìm đến dinh thống đốc là vì Narsus muốn thăm người bạn cũ của mình. Nhà hàng Circias với góc nhìn hướng biển thuộc sở hữu của người bạn này, nhưng Narsus lại không có duyên gặp lại anh ta. Nghe nói anh ta cùng tình nhân đã đi nghỉ dưỡng tại một dinh thự tư nhân trên núi cao cách cảng 10 farsang, ít nhất hai ngày sau mới quay lại.
“Thế thì ta hãy tới dinh thống đốc trước.”
Ăn uống ngấu nghiến ở dinh thống đốc thì quá mất mặt. Nói thì buồn cười chứ thân làm quan chức, nhiều khi phải giữ hình tượng.
Nhưng vấn đề cuối cùng vẫn là tiền.
Chỉ cần có tiền thì có thể chiêu binh mãi mã. Từ binh lính, ngựa, vũ khí, lương thực, cái gì cũng có hết. Theo Narsus, thái tử có trí tuệ và lòng dũng cảm, chỉ cần có của cải nữa thôi là không gì đáng lo. Trên thực tế, Narsus không còn lại bao nhiêu tiền. Nếu chỉ có 8 người, bọn họ đi lang thang thêm 1 năm cũng không hề gì, nhưng như thế thì thật vô nghĩa. Vua Andragoras ra lệnh cho Arslan triệu tập 5 vạn binh sĩ, cho nên họ cần vay một khoản kinh phí đủ nuôi 5 vạn quân trong vòng 3 năm.
“Người nghèo có dốc hết tài sản cũng không cứu được bản thân, trong khi đám người giàu có thể cứu hàng trăm người chỉ bằng tiền tiêu vặt.”
Narsus nói với Arslan. Dù đây là phép ẩn dụ quá mức thô thiển nhưng lại chính xác khỏi bàn. Mục tiêu của Narsus là phải làm sao để những người giàu kia sẵn sàng quyên góp phí quân sự. Để làm được như thế, phải khiến họ tin “góp tiền cho quân đội của thái tử thì sau này chúng ta cũng được lợi.” Mấy ngày trước, “Lệnh bãi bỏ chế độ nô lệ” vừa được công bố dưới danh thái tử, e là khó mà lấy được sự ủng hộ của các chủ nô.
Dù nhận được sự trợ giúp của hơn 1000 thành viên tộc Zot nhưng nếu muốn họ chấm dứt hành vi cướp bóc thì phải đảm bảo được cuộc sống cho họ. Narsus không nghĩ miễn là tiền thì tiền nào chẳng được. Anh cần những người tự nguyện quyên tiền.
Con đường thương mại đông tây qua Đại lục vương lộ bị gián đoạn bởi hai nước Sindhura và Lusitania. Hai nước này phá hủy sự bình yên trên vương lộ, gây ra nhiều hỗn loạn khiến các đoàn lữ hành không dám đi qua, việc buôn bán bị đình trệ. Đây là điều đáng lo ngại, nhưng có nhiều người lại lấy khổ đau của người khác làm hạnh phúc cho mình. Không cần phải nói, những người vui vẻ nhất bây giờ là các thương nhiên đường biển ở Gilan.
“Việc buôn bán trên đất liền bị gián đoạn? Quá tuyệt vời ! Nhờ thế chúng ta mới kiếm được bộn tiền.”
Thương mại với các nước phía đông chủ yếu tập trung vào “Xứ sở tơ lụa”. Hàng hóa ở đây rất được quan tâm. Các thương gia sẽ kiếm lời bằng cách nhập hàng qua đường thủy hoặc đường bộ. Đường bộ bị chặn, các thương nhân trên đất liền phải đau đầu, nhưng thương nhân trên biển thì vớ được cơ hội làm giàu béo bở.
Narsus lại dung phép ẩn dụ để giải thích.
“Hãy hình dung xã hội này như một cái ao đầy bùn. Muốn cá trong ao tiếp tục sống thì phải mất thời gian để làm sạch nước. Đổ hết nước cũ ra, rồi mới có thể thay nước mới vào.”
Thế là người ta tát cạn ao để thay nước, nhưng nếu làm vậy thì cá sẽ chết hết. Cuối cùng, cả nước và cá đều không còn gì. Arslan chưa tròn 15 tuổi, và chàng đã phải coi đây là sứ mệnh cả đời.
“Không, có lẽ 10 đời cũng chưa chắc đã hoàn thành được.” Narsus nói, và Arslan đáp lại rằng:
“Tuy nhiên, nếu ta không thực hiện bước đầu tiên thì sẽ không bao giờ đến được đích. Chỉ vì thấy mất quá nhiều thời gian mà không làm thì vĩnh viễn không thể làm xong.”
“Câu này thật đáng giá ngàn vàng.”
Narsus mỉm cười hài long.
Arslan nói đúng. Nếu không đi bước đầu thì sẽ không có bước cuối. Ngồi đó thở dài thì đâu ích gì.
Trước khi vương quốc Pars được thành lập, sức mạnh tà ác của xà vương Zahhak vô cùng khủng khiếp, đến nỗi không ai dám tin một thế lực nhường ấy có thể bị lật đổ. Thời ấy, mỗi ngày sẽ có hai mạng người được hiến tế. Hai con rắn mọc trên vai Zahhak ăn não người để sống. Với chúng, đó chỉ là bữa ăn đạm bạc. Nhưng nỗi kinh hoàng ấy đã kéo dài suốt 2000 năm.
Cho đến khi một chàng trai trẻ xuất hiện, chống lại Xà vương. Đó là Kai Khosrow.
“Con người ta sống để làm gì? Làm thức ăn cho hai con rắn trên vai Zahhak ư? Không phải. Dù có mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, hàng trăm năm thì cũng phải đứng lên. Đừng để Xà vương thống trị chúng ta!”
Ban đầu, không ai đáp lại lời kêu gọi ấy. Thậm chí, còn có kẻ cười nhạo, “Tự đi mà đấu tranh!” Ấy thế nhưng Kai Khosrow không hề bỏ cuộc. Ngài tìm đến người đầu bếp của Zahhak, kết bạn với anh ta. Mỗi ngày sẽ có hai người đàn ông trẻ trung khỏe mạnh bị giết, não của họ dùng làm thức ăn cho hai con rắn trên vai Zahhak. Cứu hai người cùng lúc thì khó, nhưng ít ra cũng có thể cứu một trong số họ.
Thế là Kai Khosrow giết một con cừu, lấy não ra và bí mật đưa cho đầu bếp của Zahhak. Người đầu bếp ấy trộn não của con cừu với não của một người bị giết để làm thức ăn, dâng lên cho Xà vương. Xà vương không nghi ngờ gì, vẫn ăn một cách vui vẻ. Thế là mỗi ngày lại có một người được cứu. Sau 1 năm, Kai Khosrow có được đội quân 365 người để chống lại Zahhak.
Kết thúc cuộc chiến khốc liệt, Xà vương Zahhak bị phong ấn thật sâu trong lòng núi Demavant. Kai Khosrow bước lên ngai vàng do Vua thánh hiền Ramshid truyền lại, an ủi hàng triệu linh hồn đã bị Xà vương giết hại. Đồng thời, để tạ lỗi 365 con cừu mình đã giết, ông ban lệnh không được ăn não cừu. Đó là lý do xứ Sindhura ăn cà ri óc cừu, còn Pars thì không.
Bất chấp tất cả, Arslan cũng bắt đầu cuộc hành trình của mình. Hiện chàng còn chưa biết, liệu kết thúc hành trình ấy có được trọn vẹn như Kai Khosrow hay không.
Thống đốc Gilan là một chức vụ quan trọng, ngang với thư ký triều đình nên đương nhiên dinh thự rất xa hoa. Những bức tường trắng cùng muôn vàn cỏ cây cận nhiệt bao quanh khu đất hình vuông rộng 2 amagi mỗi cạnh. Tiến vào bên trong là đài phun nước tạc hình tiên cá, nhiều tác phẩm điêu khắc công phu, một gian nhà phủ dây thường xuân cùng hồ nước nở đầy hoa súng.
Chủ nhân dinh thự, thống đốc Pelagius là một người đàn ông to béo chừng 40 tuổi. Ngoại trừ mái tóc bạc, trông hắn vẫn còn khá trẻ và khá nhanh nhẹn. Tuy nhiên, khi chào đón nhóm của Arslan, hắn lại có vẻ hơi sợ sệt.
“Thái tử…..thái tử….”
Thống đốc Pelagius chỉ lặp lại mấy lời này như một con vẹt. Hắn hoảng đến mức quên cả kính ngữ “điện hạ”. Chắc hắn ta không ngờ rằng có ngày thái tử Arslan lại đến đây chỉ với vài thuộc hạ đi theo hộ tống.
Trong năm nay, Pelagius đã không gửi tiền tô thuế thu được từ dân chúng và thương nhân đến kinh đô Ecbatana. Một phần là do kinh đô bây giờ bị quân Lusitania chiếm giữ, mặt khác là do hắn đã biển thủ 40 vạn đồng vàng dưới tầng hầm trong dinh thự nhà mình và hy vọng được giữ chúng làm của riêng. Chỉ cần có số tài sản ấy, dù Pars có rơi vào cảnh chiến loạn, hắn vẫn có thể trốn ra nước ngoài, sống cuộc sống giàu sang. Kế hoạch ban đầu là vậy, nhưng không ngờ thái tử lại đến đây.
Dù có thế nào đi nữa, Pelagius cũng không định dấn sâu vào chuyện triều đình. Với tư cách là thống đốc Gilan, hắn không hề có động thái ủng hộ vua hay thái tử kể từ tháng 10 năm ngoái, sau trận đại bại ở Atropatene. Hắn nghĩ thay vì tham gia một trận chiến chưa biế rõ thắng thua, thà rằng cứ ở yên một chỗ, tích góp của cải. Nhưng lúc này, phán đoán của hắn đã sai. Với một quan chức của Pars, hành vi tư lợi nhất định sẽ khiến nhà vua và thái tử không bằng lòng.
“Số tiền thuế 40 vạn đồng vàng đáng lẽ phải nộp vào ngân khố quốc gia nhưng lại bị tham ô. Tội này không thể tha!”
Nếu bị tuyên án, tài sản và tính mạng hắn sẽ gặp nguy hiểm. Cho nên hắn phải tìm mọi cách che giấu.
“Thái tử điện hạ, Pelagius này thật vui mừng khi người vẫn bình an.”
Biểu hiện đó có chút khoa trương nhưng hắn không có thời gian mà quan tâm. Pelagius nắm tay Arslan, dìu vào phòng khác rộng rãi, xa hoa đối diện đài phun nước. Dù là giữa mùa hè, căn phòng vẫn mát mẻ do dòng nước lạnh được dẫn từ sâu trong lòng đất chảy qua trần nhà bằng đá cẩm thạch.
“Thực ra, gần đây lũ cướp biển thường gửi thư đe dọa sẽ phá nát cảng Gilan, cho nên thần không thể điều động quân đội đi giúp điện hạ. Khi nghe tình hình ở kinh đô, thần lo lắng ngày đêm.”
Tất nhiên những lời đó toàn là nói dối, Pelagius chưa bao giờ nghĩ sẽ chi một binh một tốt nào cho nhà vua hay thái tử để chống giặc ngoại xâm. Pars quá rộng lớn, còn những chuyện xảy ra ở phía bắc, bên kia dãy núi Nimruz thì còn xa hơn chuyện bên nước ngoài.
Với tư cách là thống đốc, ông ta vẫn muốn quay về kinh đô để kiếm một chức vụ cao hơn, bổng lộc tốt hơn, nhiều quyền lực hơn. Hắn ta không thể thờ ơ hoàn toàn trước tình hình Ecbatana được. Tuy nhiên, Pelagius thà tận hưởng sự giàu có của mình ở Gilan còn hơn liều mạng ở Ecbatana.
Những chiếc ghế đẩu bằng tre được làm bởi các thợ thủ công Serica đặt trên bàn đá cẩm thạch. Pelagius dẫn cả nhóm đến đây. Jaswat và vài người khác nghĩ “Tôi là người hầu nên cứ đợi bên ngoài”, nhưng Arslan vẫn bảo họ vào ngồi cùng.
Pelagius đi gọi người hầu dâng đồ uống. Nhân lúc ấy, Arslan thì thầm với Narus : Chẳng lẽ lũ cướp biển định tàn phá Gilan thật ư?”
Vị quân sư vui vẻ đáp.
“Giả thôi.”
Sau khi đưa ra kết luận, Narsus mới giải thích. Đối với cả thương nhân lẫn cướp biển, Gilan là cái bát cơm lớn. Nếu bị phá hủy, chẳng hai trong số họ được lợi. Đúng là chúng có thể đến cướp bóc, nhưng lời của Pelagius chỉ là cường điệu thôi.
“Tuy nhiên, nếu Gilan bị phá thì việc buôn bán sẽ ngừng lại. Có thể có ai đó nhân cơ hội này mà trục lợi? Hoặc có một thế lực đang muốn thay thế….”
Hiện có quá ít dữ liệu để suy đoán nên tốt hơn cứ quan sát thêm hai ba ngày rồi lên kế hoạch, Narsus nói thế. Ở phía bắc, cuộc xung đột khốc liệt giữa vua Andragoras và quân Lusitania đang diễn ra. Phe Arslan có thể quan sát động tĩnh cả hai bên từ trên cao. Dù trong cảnh bị lưu đày, Narsus vẫn tận dụng cơ hội ấy. Trong tay không có gì, nhưng họ lại có vô số thời giờ để cân nhắc.
“Tạm thời cứ để ngài thống đốc đó phát hoảng lên đi. Đi đêm lắm có ngày gặp ma thôi mà.”
Narsus nở nụ cười nham hiểm. Thế nhưng dự đoán của vị quân sư lại xảy ra sai lầm. Ngay khi thống đốc Pelagius quay lại định ngồi vào bàn để nói chuyện thì tiếng bước chân dồn dập vang lên từ ngoài cửa phòng khác. Một người trông có vẻ như là quan thư ký phủ thống đốc tìm đến báo cáo với vẻ hốt hoảng.
“Tàu buôn của Serica đang bốc cháy ngoài cảng. Có mấy tàu cướp biển trang bị vũ khí đuổi theo sau, hình như định tấn công.”
“Cái gì?”
Thống đốc kinh hãi kêu lên, 8 vị khách đồng loạt đứng dậy. Tin xấu này xuất hiện chỉ ngay sau khi thái tử cùng các thuộc hạ phá vỡ sự bình yên nơi này.
0 Bình luận