#26 – Anh Ly và thân thế
Mãi sau này, qua lời kể của Sơn, tôi mới biết Anh Ly vốn xuất thân trâm anh phế thiệt, gia thế thuộc dòng quý tộc từ thời phong kiến, tới giờ vẫn có nhiều thành viên giữ chức vụ quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục và chính trị.
Quả thật lúc nghe điều đó, tôi chỉ ồ lên một tiếng rồi thôi. Cũng chẳng phải ghét bỏ hay ghen tị gì, chỉ là từ lâu tôi đã có linh cảm rằng cô gái họ Mạc này vốn không phải người tầm thường.
“Vậy sao trông cậu có vẻ chưa bằng lòng với việc Anh Ly có dòng dõi cao quý?” Sơn hỏi sau khi nghe tôi thổ lộ điều đó.
“Chắc tại hình tượng quý tộc trong tưởng tượng của tớ có chút khác biệt.” Tôi nhún vai “Tớ nghĩ đã là quý tộc thì sẽ có thói quen uống trà, thường xuyên diện đồ đắt tiền và thậm chí là có vệ sĩ theo kèm nữa cơ...”
“Ừ. Đúng là cậu ấy không có những thứ đó...”
Sơn chưa dứt câu thì cửa phòng sực mở
Vừa nhắc đã đến, Anh Ly thong thả bước vào, trong khoảnh khắc ánh mắt liếc xuống chúng tôi, cô hừ mũi một tiếng như khinh thị. Rồi chẳng nói thêm lời nào, Anh Ly ngồi xuống chiếc ghế gỗ quen thuộc bên cửa sổ, rút sách ra đọc.
Thấy vậy tôi bèn che tay thì thầm với Sơn.
“Hình như đám quý tộc hay làm cao thế này đúng không?”
Sơn nghe thế liền lắc đầu, tỏ vẻ đã quen với những chuyện này, thì thầm đáp lại.
“Không Trâm ạ. Cái này là tính người thôi.”
Rồi im lặng một hồi, Sơn chợt nhìn tôi nói.
“Dù vậy Anh Ly không xấu đâu. Tôi có thể đảm bảo điều đó, chỉ là đôi lúc cậu ấy hơi ngượng ngùng thôi nên hành động kì lạ, cậu đừng để bụng nhé.”
“Ừ. Tớ sẽ cân nhắc.”
Tôi gật nhẹ đầu.
Kì thực, vào lúc đó, tôi chẳng mảy may có chút thắc mắc nào về mối quan hệ giữa Sơn và Ly, chắc vì bản thân vốn không phải tuýp người nhạy cảm hay đại loại thế.
Nhưng dù sao chuyện gì đến cũng đến, và tôi rất vui khi mình có thể trở thành một phần của nó.
#27 – Lan Chi và đồng phục trường
Một ngày nọ tôi bỗng không thấy Lan Chi vận bộ đồ nữ hầu khi ở trong phòng câu lạc bộ, thay vào đó cô bé chỉ mặc áo sơ mi trắng với váy đồng phục màu đen một cách hết sức bình thường.
Nhìn thế nào cũng thấy nó thật bất thường.
Không giấu được tò mò, tôi hỏi.
“Hôm nay em ăn mặc khác mọi ngày nhỉ? Chán hóa trang rồi à?”
Lan Chi buồn bã lắc đầu.
“Không phải ạ.”
“Sao có vẻ ỉu thế?”
“Tại vì...” Cô bé khịt mũi “Em quen mặc đồ nữ hầu khi ở câu lạc bộ rồi. Nên không được mặc nó làm em có cảm giác như đang khỏa thân vậy.”
Nghe thấy thấy tôi liền giơ tay búng vào trán Lan Chi làm cô bé kêu ré lên một tiếng.
“Ngốc à? Con gái con nứa đừng nói tới chữ khỏa thân một cách dễ dàng thế chứ.” Tôi lên lớp con bé “Vả lại nữ sinh mặc đồng phục nữ sinh là đúng rồi. Còn băn khoăn gì nữa?”
Lan Chi hai tay ôm trán, nhìn tôi thở dài.
“Chị không hiểu rồi. Đồng phục trường áo eo quá rộng nên không tôn dáng, còn váy thì dài quá đầu gối, chẳng khoe chân được gì cả. Với lại nó cũng không co dãn như đồ nữ hầu nên nhiều chỗ em thấy hơi chật chội.”
“Rộng thì đem ra hàng bóp lại, còn muốn váy ngắn thì cắt bớt đi...” Vừa nói tôi vừa lườm lườm cách chiếc khuy chỗ ngực áo Lan Chi đang khổ sở chống cự để không bị bung ra “Mà đây là trường học chứ có phải sàn diễn thời trang đâu?”
Đồ béo ú, ba từ đó vừa đến họng liền bị tôi nuốt ngược lại.
“Em cảm ơn chị vì đã mách nước. Nhưng mà sửa đồng phục như thế mọi người sẽ cho rằng em là kiểu con gái không đứng đắn mất.”
“Cái gì đây? Tiêu chuẩn kép à? Mà hình như cái khái niệm mọi người của em không có chị, chị Ly với cả anh Sơn nhỉ?”
Lan Chi gật đầu một cách thành thật.
“Vâng ạ. Ở câu lạc bộ so với ở trước mặt mọi người, em cảm thấy yên tâm hơn nhiều. Giống như đứng trước chó nhà mình với chó của người lạ vậy.”
“Chị hiểu ý em. Nhưng chị sẽ không nói đó là một phép so sánh phù hợp. Chó nhà đôi khi cũng cắn chủ đấy.”
Thế rồi chợt nhớ ra điều mình vẫn đang thắc mắc, tôi bèn hắng giọng hỏi.
“Mà nói thế chắc hôm nay em đem bộ đồ kia đi giặt à?”
“À không ạ.” Lan Chi lắc đầu “Chú em có việc cần dùng nên lấy lại thôi ạ.”
“Việc cần dùng?”
“Vâng, em nghe nói chú hôm nay xin nghỉ phép để tham dự ngày hội Nhật Bản ở một trường đại học nào đó...”
“À, thế thôi chị không hỏi nữa.”
Tôi nhăn mặt nhìn Lan Chi. Có chúa mới biết một lão già đầu mang bộ đồ nữ hầu đến lễ hội nào đó để làm cái gì. Và tôi, may mắn thay, không phải chúa.
#28 – Bí quyết bỏ túi cho một tác phẩm hay
“Theo mọi người, đâu là lí do khiến một câu chuyện khiến nó được nhớ mãi nhỉ?”
Tôi lên tiếng hỏi vào một buổi chiều thu mát mẻ.
“Nếu phải chọn thì...” Ly vừa nói vừa xoay ngược cuốn sách trên tay “Với những tác phẩm ngắn, cậu chỉ cần một chi tiết gây ấn tượng đặc biệt là được rồi. Ví dụ như trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, hẳn là cậu sẽ chẳng thể nào quên nổi chi tiết người cháu, hay nói đúng hơn là tác giả, dù còn rất nhỏ đã biết dùng mùi khói xua đi cái mùi tử khí len lỏi khắp cái ngõ ngách vào cái thời điểm khi mà nạn đói năm 45 đang hoành hành.”
Cô thở dài não nề một cái rồi nói tiếp.
“Hoặc muốn tạo ấn tượng xấu thì cậu chỉ cần in ngược sách thôi.”
“Thực ra bí quyết đơn giản hơn thế nhiều. Cậu chỉ cần một nhân vật chính với cái tên ấn tượng mà thôi.”
Chẳng biết từ đâu nhảy ra, Sơn chợt nói với giọng tưng tửng.
“Là sao?”
“Ví dụ rất đơn giản thôi, giả như bây giờ anh hùng Núp không phải anh hùng Núp nữa mà là anh hùng Thắng thì cậu có thấy khác không? Vả lại cái tên Núp không chỉ tiếng Việt mà phiên âm tiếng anh của nó cũng ấn tượng nữa.”
“Ừ, cũng có lí.”
Tôi và Anh Ly gật gù tán thành.
#29 – Tóc dài vs Tóc ngắn
“Nè, tớ chạm vào tóc cậu được không?”
Tôi đứng chống nạnh, người ưỡn ngửa về phía sau.
Xin đừng nghĩ bậy bạ, chẳng qua tư thế kì lạ này là một phần trong bài tập giãn gân cốt của tôi mà thôi.
Và dù có đang nhìn ngược, tôi vẫn đủ tỉnh táo để đón nhận cái chau mày khó hiểu từ Anh Ly.
“Sao tự dưng nói gì kì vậy?” Cô dứt khoát gập sách vào, chớp mắt một cái rồi hỏi.
“Nghe này, nó không kì lạ.” Tay giơ căng hết cỡ, tôi vừa nghiêng người sang trái vừa đáp “Việc con gái, đặc biệt là bạn thân, muốn nghịch tóc nhau là hết sức bình thường. Với lại tóc cậu vừa đen vừa dày, lại còn dài nữa, tớ sắp không thể kiềm chế ham muốn được thưởng thức nó rồi.”
“Tôi nhầm hay cậu đang bị nhiễm cách nói chuyện của Sơn?”
“Xin lỗi.”
“Mà” Anh Ly ngồi chống cằm, mắt hướng ra ngoài cửa sổ, nhẹ giọng nói “Nếu chỉ một chút thôi thì cũng được.”
Ara? Lời thỉnh cầu của tôi được chấp thuận rồi kìa? Liệu hôm nay có phải tôi đang đại cát không?
Tất nhiên tôi còn lâu mới bỏ lỡ cơ hội ngàn năm có một này. Lập tức sán lại gần Anh Ly, tôi đặt nhẹ bàn tay lên mái tóc dài đen nhánh của cô ấy.
Oa, mượt mà thật. Dù có vuốt thẳng một đường xuống, tóc vẫn không bị vướng vào nhau. Vả lại tôi cũng chẳng mong điều đó xảy ra, nó sẽ khiến Anh Ly đau mất. Và nếu không bao giờ được cô ấy tin tưởng mà giao phó cơ thể cho nữa, chắc tôi sẽ ân hận suốt đời mất thôi.
Thầm nhủ như vậy, tôi lặng lẽ chạm vào mái tóc ngắn thô ráp của mình, thử phủi nhẹ mấy sợi tóc lởm chởm bị chẻ ngọn.
Đúng lúc đó, Anh Ly nghiêng đầu nhìn. Bị bắt quả tang rồi, tôi la lên trong lòng.
Rồi cô ấy nói.
“Nếu thích tóc dài như vậy, sao cậu không thử nuôi tóc đi.”
“Thì cậu biết đấy, có những người thích vuốt ve chó, nhưng lại rất ngại nuôi cho mình một con.”
“Ra vậy.” Anh Ly gật đầu.
“Với lại tớ phải chạy vặt nhiều, tóc ngắn năng động hơn, không bị vướng và cũng đỡ nặng nề nữa.”
Tôi ôn tồn giải thích.
Thực ra tôi để tóc ngắn chẳng qua là vì không muốn bị đối phương nắm được lúc choảng nhau mà thôi. Nhưng tôi thà chết còn hơn phải thú nhận điều đó với Anh Ly. Hay bất cứ bạn gái nào tôi quen.
#30 – Chuyện bình thường như cân đường hộp sữa
Với các thành viên khóa trên của câu lạc bộ văn học thường thức, phải trả lời những câu hỏi vô thưởng vô phạt của nhóc đàn em tên Chi đã trở thành một thông lệ.
Và hôm nay cũng thế, đang lúi húi chép bài thì cô bé ngẩng lên hỏi.
“Em không hiểu, đàn heo hút gió là gì ạ?”
“Thực ra em nói thế thì đến anh cũng không hiểu. Em đang học kĩ thuật chăn nuôi à? Hay là đọc tiểu thuyết viễn tưởng đấy?” Sơn buông giọng châm chọc Lan Chi. Nhưng cô bé chỉ cười trừ rồi xua tay.
“Tại hôm qua em nghỉ học nên mượn vở chép bài bạn ạ. Mà tự dưng có chỗ này làm em hơi bối rối.”
“Có lẽ bạn ấy chép sai thì sao? Mà em đang chép môn gì đấy?” Đặt điện thoại xuống, tôi hỏi.
“Môn Văn ạ. Chủ đề là về thành ngữ, tục ngữ ạ.”
Lan Chi lễ phép đáp lại, tay gõ gõ bút bi lên mặt bàn.
Mà, đàn heo hút gió là cái quái gì? Một điển tích dân gian à? Hay đây là kinh nghiệm nuôi trồng của nông dân thời xưa? Tôi hoàn toàn không có lấy một ý tưởng. Và khuôn mặt tỉnh rủi của Sơn thì cho thấy cậu ta chẳng khá hơn tôi là bao.
May mắn thay, vị cứu tinh trong đa số trường hợp – nữ sinh băng giá tên Anh Ly, cuối cùng cũng chịu lên tiếng. Mắt vẫn dán vào sách, cô điềm tĩnh nói.
“Không phải đàn heo hút gió mà là đèo heo hút gió, thành ngữ này có nghĩa là đi vào nơi hoang vắng. Mà thực ra đây là do đèo Neo hút gió nói chệch đi. Ngày trước, đường quốc lộ từ Thăng Long lên ải Nam Quan phải đi qua đèo Neo. Tiễn người đi sứ sang Trung Quốc, bạn bè dù thân thiết cũng chỉ đi tiễn đến nơi đây, người đi sứ phải tự mình đi đoạn đường rừng hoang vắng lên cửa ải.”
Anh Ly vừa dứt lời, cả bọn liền vỗ tay trầm trồ, cứ như lũ nhóc mẫu giáo nghe cô mình kể chuyện vậy. Câu hỏi của Lan Chi đã giải đáp xong và bọn tôi cũng được biết thêm một kiến thức mới.
Đáng lẽ ra chuyện đến đó là hết.
Nếu như Sơn không tự dưng khoanh tay nhìn Anh Ly như đang chờ đợi gì đó.
Bị ánh mắt chòng chọc của đối phương làm phiền, Ly thở dài một cái.
“Có vấn đề gì nữa không?”
Nghe thấy thế, Sơn bèn đưa tay lên gãi cằm, giọng ráo hoảnh.
“Tớ cứ thấy thiếu thiếu.”
“Thiếu gì cơ?” Anh Ly chớp mắt.
“Đáng lẽ ra sau khi giải thích, cậu sẽ nhân đó nói móc tớ hay ai đấy chứ nhỉ?”
À phải, bình thường là thế thật, tôi hiểu ý cậu rồi Sơn ạ.
“Đừng nói cậu đang mong chờ lời sỉ vả của tôi đấy nhé? Cậu là cái hạng người đáng kinh tởm nào vậy?”
“Đàn ông.” Sơn nghiêm giọng đáp lại.
Nắng chiều thu chiếu qua cửa sổ, ánh vàng trên cặp kính của Anh Ly. Cô im lặng cầm sách lên, kể từ giây phút đó, trong mắt Anh Ly, căn phòng nhỏ chỉ còn có ba người mà thôi.
10 Bình luận
mới tạch bếp lửa xong đây 🙂
yên tâm là đã ra bếp lửa r thì lần sau thi sẽ ít có khả năng dính bếp lửa hơn
yolo
Chỗ trên có thể là lỗi thiếu từ hay cái gì đó tương tự, không chắc về việc này lắm...