Cung đường ẩm thực
Cencelia Đỗ Thiên Bảo
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chính văn

Chương 19: Nghĩ

0 Bình luận - Độ dài: 2,336 từ - Cập nhật:

- Thiệt vậy hả bây?

Bà cụ hỏi lại, tuy vậy, nhìn sắc mặt bà thì nhỏ Thảo đã biết bà đã tin tin ít nhiều.

- Chín trên mười.

Thế là bà cụ lẩm bẩm:

- Hèn gì mà nó nấu ngon quá. Chứ bình thường, bọn đàn ông con trai có mấy ai mê chuyện bếp núc đâu…

Nghe bà mình “gọt chân cho vừa giày”, Thảo cười khúc khích, vì cái mệnh đề mà bà dùng làm điểm tựa vô lý quá mà. Làm gì có chuyện đàn ông là không mê bếp núc, người ta có năng khiếu thì người ta mê thôi. Cũng giống như cô, tuy là thân gái nhưng có nấu được bữa ăn nào tử tế đâu, chỉ biết lủi vô hết quán này đến quán khác. Nghĩ cũng chán, nhưng chính cô là minh chứng rõ ràng nhất cho luận điểm giới tính và tài năng nấu ăn chẳng liên quan gì với nhau.

Nhưng Thảo cũng thông cảm cho bà, hơn ai hết, cô hiểu vì sao bà lại có quan điểm thế kia. Bởi ở những vùng nông thôn, người ta vẫn cứ giữ quan niệm xưa rằng bậc nam nhi đại trượng phu thì phải lo việc lớn, việc nội trợ là bổn phận của đàn bà. Thế nên, như một lẽ hiển nhiên, những người phụ nữ nông thôn bị trói chặt vào gian bếp. Chưa kể, khi nhìn quanh làng xóm thì phần lớn các quầy bán thức ăn đều do các bà, các cô mở ra. Lâu dần người ta sinh ra cái định kiến rằng chỉ có đàn bà con gái mới nấu ăn, chứ đàn ông thì khỏi. Hệ quả là có những ông chồng gia trưởng cứ rảnh rỗi là lao đầu vào các cuộc nhậu nhẹt, còn bắt vợ bày biện ra nấu rồi dọn dẹp luôn sau khi cuộc nhậu tàn. Thảo nhìn thôi cũng thấy ngán tới tận cổ.

Tuy nhiên, khi học ở thành phố, Thảo mới nhận ra rằng thế giới này có thể đa dạng hơn thế. Dù gái hay trai, dù gay hay les, miễn họ thích nấu thì nấu thôi. Ai cũng có thể mở quán nếu họ nấu ngon, chắc chắn vậy. Dù thuộc bất cứ xu hướng tính dục nào, họ vẫn có quyền hạnh phúc không chỉ trong tình yêu mà còn trong việc tự do lựa chọn nghề nghiệp nữa. 

Nhưng nói gì nói, có một thực tế phải thừa nhận là hầu hết các đầu bếp chuyên nghiệp, bếp trưởng đều là nam. Thảo từng hỏi Dương xem thanh niên có thấy đó là một biểu hiện của bất bình đẳng giới không thì thanh niên lắc đầu nguầy nguậy. 

Dương kể rằng môi trường làm việc của nghề bếp khắc nghiệt lắm, nhiệt độ phòng bếp luôn luôn cao và mắng chửi là một phần văn hóa chỗ làm. Bị chửi bới, mạt sát bằng những lời thậm tệ nhất và thường xuyên hơn cả ăn cơm là chuyện bình thường lắm, chẳng có gì đáng kinh ngạc. Chưa kể, làm bếp có nhiều công đoạn thật sự tốn sức. Ví dụ như phải thịt một con cá to tổ bố đâu đó năm mười kí, phải xách những thùng nguyên liệu nặng đến hai mươi kí lô, phải cầm con dao bếp rất nặng trong hàng chục tiếng đồng hồ… Những điều ấy thật sự là thách thức rất lớn với đa số phụ nữ. Hiển nhiên, sẽ có một số người vẫn có quyết tâm và thể lực để vượt lên giới hạn chung, nhưng xét đến cùng thì đó chỉ là thiểu số. Nên hầu hết đầu bếp nổi tiếng trong giới đều là nam.

Đang nghĩ vẫn vơ đủ thứ, Thảo chợt hoàn hồn. Cô nhận ra rằng nếu để Dương biết mình đã vu oan anh ta thậm tệ như thế thì chắc chẳng còn cháo để ăn, nên vội vã dặn bà:

- Nhưng mà bà nè, đừng có kể chuyện này cho ai nghe nha.

Bà cụ gật gù:

- Biết rồi mà. Kể làm chi cho thằng nhỏ khổ như thằng Trí.

Trí cũng là một người quen khác của họ. Cậu đã từng là một thanh niên bình thường như bao nhiêu trai trẻ khác trong làng. Cho đến cái ngày nọ, ngày mà ba mẹ Trí tình cờ phát hiện ra Trí lén lút mặc chiếc váy của chị gái, họ mới biết con mình là gay. Và họ đã không thể chấp nhận điều đó.

Thế nên, gia đình Trí chửi mắng cậu thậm tệ. Rồi họ còn làm bao nhiêu chuyện cực đoan khác để ép cậu “bình thường”. Nào là nhốt cậu lại bỏ đói, nào là ép uống nước lá bùa, nào là dùng cành liễu quất tím người để đuổi vong… trò gì họ cũng thử cả. Tệ nhất là họ còn nhờ người mai mối cho cậu một cô vợ! 

Để không lôi một người vô tội vào bể khổ, đứng trước bao nhiêu là người, Trí thẳng thắn thừa nhận mình là gay. Như có cánh, tin ấy truyền đi khắp xóm làng và người ta lại có chuyện để bàn tán đủ kiểu. Phần đông người lớn đều thấy chuyện đó thật tệ hại, họ hay bảo rằng ba mẹ Trí bất hạnh lắm mới có đứa con trai chả ra trai, gái chả ra gái thế này. Lớp trẻ thì cởi mở hơn, không ai phán xét gì Trí vì họ biết đó là lỗi của cậu. Nhưng việc đi đâu cũng nghe thấy những lời bàn tán xì xào khiến Trí không chịu nổi. Vậy nên, cậu đã bỏ xứ ra đi, bây giờ chẳng ai rõ đi đâu.

- Kể cũng tội cho thằng nhỏ. Trừ cái chuyện yêu con trai ra thì nó sống tử tế thế mà. Đã hay lam hay làm, gặp người lớn cũng biết chào biết thưa, thế mà sao người ta ác với nó quá.

Bà nội, lúc này đã đeo mặt nạ oxi lên, từ từ nói, giọng run run xúc động. Thảo biết bà nội thương thằng Trí, bởi xưa giờ bà vốn yêu thương mọi đứa trẻ ngoan.

- Nên tao hứa với bây là không bao giờ nói chuyện thằng Dương với ai đâu, không bao giờ.

Đang xúc động chợt nghe bà cụ hứa chắc nịch, Thảo cũng thấy hơi chột dạ. “Nhưng như vậy là tốt rồi, bà mà lộ ra là mình toi.” Thế là nhỏ gật gù lia lịa ngay:

- Đúng vậy, đừng có nói ra nha. Ổng giấu khổ lắm, nói ra tội ổng.

Cách đó hơn tám cây số, một thanh niên đang vừa hát vừa chọn gạo ra để ngâm. Đang làm việc say sưa, chẳng hiểu sao anh ta hắc xì liên tục trong khi cơ thể đang rất mạnh khỏe. Nên anh ta đoán rằng mình đang bị ai nói xấu. Và trong lòng Dương đã nghĩ thầm rằng: “Tốt nhất đừng để ông biết mày là ai, ông đây mà biết thì mày sẽ bị bằm thành giò lụa”.

Nhưng thôi, hãy gạt chuyện ấy sang một bên. Vì hiện tại, Dương đang phải làm những chuyện quan trọng hơn thế. Anh ta xử lý gạo để làm món cháo se như những gì đã hứa với đứa đàn em nhà cạnh bên.

Kể ra, cháo se là món cháo đặc biệt nhất mà Dương từng biết. Vì nói là cháo, nhưng người ta phải dùng đũa để ăn món này. Nguyên liệu nấu món cháo khá đơn giản, nhưng cách làm lại tốn lắm công phu. Nào là ngâm gạo, nào là xay gạo sống, nào là lọc lại bột gạo, nào là hầm xương, nào là se các “con se”, bao nhiêu là chuyện phải làm. Quanh quanh quẩn quẩn là mất toi một ngày như chơi chứ chẳng đùa đâu.

Và vào lúc này, Dương đang làm bước đầu tiên, đó là chọn gạo đi ngâm. Nghe thì tưởng là dễ, vì tưởng chừng như chỉ cần chọn gạo nào căng, mẩy thơm thì chắc chắn là thành phẩm làm ra sẽ tốt. Ừ thì những điều trên cũng đúng nhưng chưa đủ, để có bột gạo ngon, phải chọn loại gạo khi nấu thành cơm có độ khô ráo nhất định thay vì quánh dẻo. Có như vậy, sau quá trình ngâm xay, bột gạo mới nhanh ráo nước và có chất lượng cao. 

Thế nhưng, có một thực tế là nhà Dương chẳng có bất kì loại gạo nào đáp ứng toàn bộ các tiêu chuẩn này. Bởi vì nhà cậu chỉ có hai loại gạo: ST25 và gạo tài nguyên. Còn nguyên do vì sao trong một nhà có tận hai loại gạo cũng là câu chuyện… khá phiền. Kể vắn tắt và đại khái thì toàn bộ mớ gạo ST25 là do mẹ Dương đặt người giao đến tận nhà cho ông bà nội. Nhưng khổ cái là ông bà đã lớn tuổi, không thích mấy gạo quá dẻo, chỉ thích loại gạo khô, nấu lên chỉ cần xới nhẹ là từng hột cơm đã tơi ra. Vậy là ông bà tự ra chợ mua gạo tài nguyên lúa mùa (*) ở một vựa quen mang về ăn, mặc kệ mấy hơn chục bao ST25 nằm trơ ra đó. Phải đến tận khi đầu bếp Dương lết về đến nhà ông bà thì mới tá hỏa phát hiện ra “vụ án” ấy. 

Ừ, được cái Dương là đầu bếp nên đâu bao giờ chê những loại gạo ngon. Trong mắt Dương, cả gạo Tài Nguyên và ST25 đều có là những giống ngon, nhưng tùy vào món nấu mà loại này sẽ hợp hơn loại kia một ít. Ví dụ như nấu cháo chẳng hạn, hôm qua, khi nấu món cháo nấm bồ câu cho ngoại Thảo, Dương đã trộn cả hai loại với nhau, trong đó gạo tài nguyên chiếm tám, loại còn lại chiếm hai. Làm vậy là để hạt cháo xốp, mềm, tơi, thêm một ít ST25 vào cốt là để tạo thêm chút độ sánh và mùi thơm cho cháo. Hôm nay làm bột gạo, Dương ước mình có nhiều sự lựa chọn hơn thế. “Nhưng chỉ có hai loại cứ dùng tạm vậy, chắc vẫn sẽ ngon thôi mà.” Dương nghĩ thầm. Đằng nào thì ở vùng quê miền Tây cũng khó mà mua được hàng “chính cống” của mấy loại gạo đặc sản miền Bắc.

Sau một lúc ngẫm nghĩ, đầu bếp trẻ quyết định đong hai loại gạo với tỉ lệ một một. Sau đó, anh ta cho nước vào ngập mặt gạo rồi lấy nắp nồi đậy lại ngâm. Việc đậy nắp không phải là điều bắt buộc khi ngâm gạo, nhưng lại là bước không thể thiếu ở nhà Dương. Ai bảo nhà anh ta có nuôi một con Husky phá hoại thích uống nước ở những nơi nó không được phép. Phải cẩn thận, bằng không nó sẽ nhúng cái mõm chó vào thau ngâm dạo để uống nước cũng không chừng. Như vậy thì mất vệ sinh lắm!

Vừa nghĩ xấu cho chính chủ, chính chủ đã đến.

Grâu grâu grâu.

Thấy chủ đang đứng ở bếp, con Husky tên Ngáo vui sướng vậy đuôi, miệng sủa đòi ăn. 

- Chẳng có gì để ăn đâu.

Dương càm ràm. Nghe vậy, con Ngáo ỉu xìu, cụp cả đuôi lẫn tai xuống rên ư ử, trông vô cùng tội nghiệp. Bộ dạng đó làm Dương mắc cười quá, anh ta cũng phải bật cười:

- Đừng có diễn, mày mới ăn hai tiếng trước mà con.

Con Ngáo vẫn cứ rên ư ử đầy thảm thiết. Dương cúi xuống, lấy tay vò mạnh vào cái đầu nó rồi bất ngờ thọt tay xuống bụng mà bóp lấy bóp để:

- Thấy chưa, ăn nhiều đến độ có mỡ bụng mà vẫn cứ đòi ăn hoài.

Mặc dù mấy con chó béo tròn núc ních trông cũng dễ thương, nhưng Dương không mong con Ngáo trở nên như vậy. Bởi nếu mập quá thì dù là chó cũng dễ mắc nhiều bệnh nan y. Thế nên, anh ta luôn rất cân nhắc về lượng thức ăn mà nó được nạp vào người trong ngày. Khổ nỗi là ông bà anh đều thương con Ngáo như con cháu trong nhà. Cứ nó diễn sâu giả đói là ông bà cho ăn, cưng chiều phải biết! Đã mấy lần, Dương hết lời khuyên nhủ ông bà rằng đừng cho nó ăn nhiều quá nhưng họ không nghe.

- Em nó đói mà, chả lẽ bỏ đói nó sao!

Không thể ngăn được người lớn tuổi song vẫn muốn đảm bảo sức khỏe cho con Ngáo, Dương chỉ còn cách lôi nó đi chạy bộ. Việc ấy cũng có hiệu quả, ít nhất là từ ngày Dương về con Ngáo đã không thể mập thêm trăm gram nào. Song lâu lâu, con chó nghịch ngợm lại gây ra một “thảm án” làm anh phải đi xin lỗi thiên hạ. Ví dụ như hù con nít, chẳng hiểu sao con Ngáo đặc biệt thích hù con nít. Nó thấy các em nhỏ nhỏ là sủa, là nhe nanh trợn mắt, khiến cho bọn nhỏ khóc lóc om sòm. Cả cô bé tên Lam kia cũng bị nó hù hú hồn hú vía một phen…

Nghĩ đến Lam, thanh viên Dương vô thức thở một hơi thật dài:

- Hey, tốn bao nhiêu công sức để nấu cháo se mà không biết con Thảo có lôi được ẻm qua đây không nữa.

Chú thích:

(*) Gạo lúa mùa: Gạo được sản xuất từ những giống lúa chỉ có thể trồng vào một đến hai mùa nhất định trong năm chứ không thể trồng suốt quanh năm như các loại khác. 

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận