Cung đường ẩm thực
Cencelia Đỗ Thiên Bảo
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Chính văn

Chương 16: Món cháo láo nháo

0 Bình luận - Độ dài: 2,453 từ - Cập nhật:

Hai ngày lặng lẽ trôi qua, mọi người thay phiên nhau vào viện chăm nom bà nội. Ba mẹ Thảo, cô Thoa, cô chú Út lần lượt ra vào bệnh viện, thay nhau chăm sóc mẹ già. Lam và Thảo cũng ở yên trong nhà chứ không đi chơi như kế hoạch. Phần là vì họ không có tâm trạng đi, phần là vì họ lo sợ sẽ có bất trắc gì xảy ra bất ngờ nên cứ ở nhà chờ tin bác sĩ. Rất may là hai ngày sau, bác sĩ đã thông báo là bệnh tình của bà đã có tiến triển tốt.

Tuy nhiên, cũng theo lời bác sĩ là sức khỏe của bà vẫn chưa ổn định, họ buộc lòng phải giữ bà ở lại để theo dõi thêm mấy ngày. Mà như thế là công việc nuôi bệnh đã hóa từ khẩn cấp thành lâu dài, các thành viên trong gia đình Thảo buộc phải ngồi lại với nhau để tính toán, phân chia cho hợp lý.

Trước hết, mọi người khuyên nhủ cô chú Út về nhà trước. Họ còn công việc và đời sống hàng ngày để lo toan, chẳng thể ở đây lâu dài. Thế thì chỉ còn lại thì chỉ có cô ba Thoa và cha mẹ Thảo là rảnh. Đằng nào thì nghề chính của họ thường ngày là làm vườn, làm ruộng nên có thể tự do chi phối thời giờ. Và ba người họ quyết định sẽ chia ca với nhau để thay phiên chăm sóc bà cụ. 

Chỉ cần một người ở lại với cụ là đủ, không cần nhiều, vì nhiều quá chỉ khiến cho phòng bệnh chen chúc, lại không có chỗ cho người thăm nuôi ngơi nghỉ. Thảo không nằm trong danh sách bị đi nuôi người bệnh, vì ai nấy đều nói rằng việc chăm nuôi người bệnh cực nhọc lắm, nhỏ khó mà kham nổi. Đằng nào thì bà nội cũng đang nằm bẹp dí giường, chưa có sức đi tiêu tiểu, người nuôi bệnh chẳng những phải lo ăn uống vệ sinh người ngợm còn phải lo những việc cực khổ như đổ bô cho bà, bắt đám trẻ làm thì cũng khó khăn. 

- Con đâu có ngại làm mấy chuyện đó đâu.

Thảo cự nự. Nhỏ cũng muốn tham gia chăm sóc bà để mọi người bớt cực nhọc phần nào. Càng nhiều người chia với nhau thì việc càng ít hơn, mọi người cũng có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức.

- Đừng có giành làm chi cho mệt, ba phân công cho con một nhiệm vụ quan trọng khác nè.

Ông Hiền hắng giọng nói với con như vậy. Thảo vừa nghe xong đã sáng mắt lên:

- Cần con làm gì vậy ba?

Cô ba cười cười rồi nói:

- Thì xách cơm thăm nuôi cho mọi người đó!

Nghe xong, Thảo hào hứng liền:

- Được á. Mọi người muốn ăn món gì cứ nói con, con sẽ kiếm chỗ nấu thiệt ngon để mua rồi xách vô cho.

Cả nhà lại bật cười, Lam ngồi cạnh cũng cười theo. Không cần Thảo giới thiệu thì mọi người ở đây đều biết thừa là nhỏ sẽ mua đồ ăn bên ngoài và mang vào cho họ, vì tất cả những ai ngồi đây đều đã quá rành rẽ về tài năng nấu ăn của nhỏ. Quả là một nghịch lý của thế gian, khi một người sành ăn như nhỏ Thảo lại chẳng có chút năng khiếu nấu nướng nào cả. Nếu phải cố tìm thì ưu điểm lớn nhất của đồ ăn nhỏ nấu là luôn luôn chín kĩ, cũng không bị cháy khét chỗ nào. Còn khuyết điểm thì không cần phải nói: mùi vị rất lạ kì. Khi thì thiếu muối, khi thì thừa đường, nói chung chỉ cần ăn thử đồ ăn của Thảo sẽ thấy mùi vị rất sai trái. Nói chung là chẳng ai muốn ăn lại đồ ăn nhỏ nấu cả, bao gồm chính bản thân nhỏ.

- Rồi, chốt vậy đi. Ai về chỗ nấy nhá.

Tính toán đâu vào đấy rồi, mọi người cười với nhau rồi vẫy tay chào tạm biệt. Tuy nhiên, Lam vẫn nhạy cảm phát hiện ra đằng sau những nụ cười ấy là sự lo âu, mỏi mệt. Vậy nên, khi ngồi sau lưng xe Thảo, cô lập tức mở miệng hỏi:

- Mày thấy thế nào?

- Thì phân chia vậy là hợp lý rồi còn gì.

Thảo nói, giọng nhỏ hòa vào trong tiếng gió ù ù. Ngần ngừ một lúc, Lam mới nói tiếp:

- Ý tao là về bà ấy, mày thấy bà có ổn không. Chứ chuyện bà quạu quọ mắng chửi mấy ngày này cứ làm tao thấy sao sao á mày ạ.

Tính từ lúc bà tỉnh lại đến giờ thì cũng đã được đâu đó ba hôm, hôm nào bà cũng chửi mắng những người nuôi bệnh cả. Gặp ai chửi đó, chẳng chừa một ai. Dù là ba mẹ Thảo, cô Thoa hay chính bản thân nhỏ thì cũng đều bị mắng chửi xa xả. Chính bản thân Thảo cũng đã phải buồn tủi và hoang mang khi nghe bà chửi mình là “cái thứ lêu lổng không nghề ngỗng”, “cái thứ chả có ma nào thèm cưới”. Và cũng cần phải biết là từ trước đến giờ, Thảo được bà thương dữ lắm. Bởi vì dù có đến ba người con nhưng bà chỉ có duy nhất một đứa cháu là Thảo thôi! Thế nên, những lời mắng mỏ nặng nề như thế là chưa từng có tiền lệ, nó khiến Thảo buồn nhiều lắm.

- Thì chắc là bệnh tật khó chịu ấy mà.

Nhỏ Thảo nói bằng giọng dửng dưng hết cỡ. Nhưng Lam thừa biết bạn mình không dễ chịu như những gì nhỏ thể hiện ra. 

- Tao nghĩ là phải có lý do gì đó bà mới hành động như vầy.

Lam lẩm bẩm. Chẳng hiểu sao, cô luôn cảm thấy việc bà mắng chửi không phải là một cách giải tỏa cơn bực bội thông thường, mà dường như còn có nguyên nhân gì đó sâu xa hơn thế. Cho nên, cô tự nhủ trong lòng rằng nhất định sẽ tìm ra gốc rễ của vấn đề. Mỗi lần Thảo vào bệnh viện thăm bà, Lam đều chủ động xin đi theo để tìm hiểu. 

Về phía Thảo, nhỏ hoàn toàn không biết tâm tư của bạn mình. Thấy bạn cứ sáng ra chiều vào bệnh viện, nhỏ tỏ ra áy náy lắm:

- Tội cho mày thiệt, rủ xuống đây chơi với tao mà cuối cùng chỉ được đi vòng vòng bệnh viện thôi à.

Lam cười, đáp:

- Đâu có sao đâu, tao cũng rảnh mà. Giờ cứ tập trung lo cho bà trước, nào bà khỏe thì tao với mày quẩy banh nóc cũng chưa muộn.

Thấm thoát, đã ba ngày trôi qua mất. Tình hình sức khỏe của bà có phần khá hơn, nhưng bà vẫn cáu gắt như thường. Và cũng nhờ khỏe mạnh nên bà chửi càng hăng hơn mấy hôm trước, tiếng chửi oang oang khắp phòng bệnh khiến cho các bệnh nhân khác cũng phiền lòng. Nhận thấy điều đó, nhà Thảo đành xin lỗi người ta. Không chỉ xin lỗi miệng, họ còn chủ động mời cháo, mời cơm các bệnh nhân giường khác để mong họ có thể thông cảm cho mẹ già đang đau yếu.

Ngày thứ tư, bác sĩ tuyên bố với gia đình Thảo rằng bà có thể bắt đầu tập ăn trở lại sau ba ngày hoàn toàn không được ăn, chỉ uống sữa cầm hơi. Tất nhiên là bác sĩ cũng dặn họ chỉ cho bà ăn những thứ dễ tiêu thôi, như cháo, như súp chẳng hạn. Lời bác sĩ khiến ông Hiền vui lắm, ông vội vã bốc điện thoại gọi ngay cho đứa con gái của mình bảo nó đi mua cháo mang vào cho bà ăn, để còn lại sức và sớm ngày xuất viện.

Vừa nhận được tin, Thảo tỏ ra phấn khởi lắm. Nó vỗ ngực xưng tên với Lam:

- Đòi gì còn khó chứ cháo thì dễ, tao biết hết mọi quán cháo ngon trong cái huyện này.

Tuy nhiên, việc biết nhiều quá cũng dẫn đến một rắc rối khác. Sau một hồi suy nghĩ, Thảo vẫn chẳng biết mình nên chọn loại nào mang vào cho bà vì trong mắt nhỏ, mỗi loại đều có cái ngon riêng. Hết cách, nhỏ đành dùng quyền trợ giúp từ đứa bạn thân. Lam cũng nghĩ ngợi một lúc rồi quay sang nói với Thảo rằng:

- Thì mày mua đâu đó bốn năm loại xách vô bệnh viện luôn đi. Bà thích ăn cái nào thì ăn, còn lại thì cô Thoa và tụi mình chia nhau ra xử.

Như tìm được chân lý, Thảo ôm chầm lấy đứa bạn thân rồi phóng xe ra chợ. Đầu tiên, nhỏ ghé quán cháo gà ác, kế đến, nhỏ ghé quán cháo vịt ở kế bên. Sau đó, nhỏ lại lượn mấy vòng qua các con đường khác để mua cháo cá lóc. Rồi cuối cùng, nhỏ dừng lại ở một xe cháo gần bệnh viện để mua thêm hộp cháo lá dứa để xách vào trong cho bà. 

Nhỏ yên chí là phen này nhất định ổn thỏa, vì đích thân Thảo đã nếm qua tất cả các quán nhỏ mua. Tuy không thể nói là hương vị đặc sắc đến độ khiến người ta giật mình, nhưng ai ăn cháo ở các quán này cũng phải gật gù khen ngon cả. Ấy vậy mà khi nhỏ xách vào bệnh viện, bà nội Thảo chỉ nhìn sơ qua đã chê ỏng chê ẹo đủ điều.

- Cái này với cái này nhìn thôi đã ngán chết mẹ.

Đó là lời nhận xét của bà về hai món cháo gà và cháo vịt. Trong khi đó, cháo cá lóc cũng bị chê là “tanh rình”. Cháo lá dứa thì bị chê là “nhạt nhách, có cái gì để ăn đâu”. Bằng một thái độ rất kiên quyết, bà không chịu lấy một muỗng cháo. Dù cô Thoa có năn nỉ gãy lưỡi bà cũng chẳng chịu ăn.

- Thôi để con mua cái khác.

Thảo nói. Rồi nhỏ quay sang hỏi xem bà muốn ăn gì, để mua luôn cho đúng ý bà. Nhưng người bệnh đang quậy mà, đâu chịu đáp, bà chỉ hứ một tiếng rồi lại quay mặt vào tường luôn. Chẳng còn cách nào khác, nhỏ đành phải mua bừa thêm vài món nữa.

Lần này thì Thảo không chọn lọc nữa, nhỏ mua bất kì loại cháo nào mà nhỏ gặp khi chạy vòng vòng quanh khu vực chợ và những con đường có nhiều quán xá. Nhỏ mua luôn tay nào cháo đậu đỏ, cháo trắng chà bông trứng muối, cháo nấm, cháo huyết, cháo nghêu, cháo cá hồi… Khi trở lại bệnh viện, trên tay nhỏ lỉnh kỉnh một đống bọc đựng hàng chục hộp cháo khác nhau. Nhỏ hí hửng mang hết mớ đó đến trước mắt bà.

- Con đem hết cháo trong huyện đến cho nội lựa nè. Nội lựa coi cái nào thích thì ăn dùm con nhá.

Cặp con ngươi mờ đục của bà cụ quay sang nhìn Thảo đầy chăm chú. Nhưng khi nhỏ nhìn bà, bà lập tức dời mắt sang mấy hộp cháo kia. Với đủ lý do khác nhau, bà cụ đã chê hết tất cả mớ cháo mà Thảo mang đến. Hộp nào cũng bị cụ chê thậm tệ, cụ vẫn kiên quyết bảo là sẽ không ăn bất kì muỗng nào. Điều đó làm Thảo thất vọng lắm. Cô Thoa cũng thấy phát bực sau một buổi năn nỉ, van lơn đủ điều. Thế là cô đặt cháo xuống, không cố đút nữa. Rồi cô vẫy tay gọi Thảo ra trước cửa phòng.

- Dạo này nội kì quá à.

Không kiềm được, Thảo mở miệng càm ràm. Cô ba cũng ừ, rồi thở một hơi dài đằng đẵng. Đứng tựa ban công, hai người họ im lặng, nhìn đất nhìn trời. Một lúc lâu sau, cô ba mới nói tiếp bằng giọng mỏi mệt:

- Thảo ơi, lát nữa con ráng tìm mua cái món gì khác coi bà nội có chịu ăn không nha con.

Thảo quay sang nhìn cô ba ruột thịt của mình, thấy cô đã có hai quầng thâm to đùng dưới mắt. Đó là còn chưa nói đến việc mặt mày cô phờ phạc như thể thiếu ngủ mấy ngày đêm, người dưng nhìn vào cũng phải thấy xót. Ấy vậy mà chả hiểu sao bà nội Thảo không xót, bà ấy tiếp tục mắng chửi đủ điều cay nghiệt từ sáng đến chiều. Nhìn cô như vậy xong, Thảo quay sang nhìn bà nội đang nằm trên giường bệnh. Tự nhiên, nó thấy ghét bà mình quá!

- Thôi được rồi, để con ráng.

Nhưng giận thì nói thế thôi, chứ đằng nào thì người kiếm chuyện đó cũng người bà từng thương yêu Thảo hết mực. Nó nhớ đến thời còn nhỏ, bà hay dúi vào tay nhỏ mấy ngàn để mua bánh bịch (*) ăn chơi. Nó cũng nhớ đến những lần bà gói ghém đủ thứ đồ cho đứa cháu trước khi nó lên thành phố học. Nên đâu thể nào mặc kệ được, phải tìm cái gì đó để cho bà chịu ăn vào bụng thôi.

Nhưng, biết tìm cái gì bây giờ?

Nhìn một dãy những hộp cháu mà từ sáng đến giờ mình đã chạy đôn chạy đáo để mua về, gồm cháo gà, cháo cá lóc, cháo cá hồi, cháo ếch, cháo thịt bằm, cháo nấm, cháo huyết, cháo lá dứa… Mấy mươi hộp cháo đã được sắp xếp lại thành một chồng cao ngất ngưởng, hệt như mức độ bế tắc của Thảo, bởi vì nó chẳng nghĩ ra bất kì loại cháo nào khác để tìm mua.

“Rốt cục là bà muốn ăn cháo gì đây?” Nhỏ trầm tư nghĩ ngợi. Cho đến một lúc sau, đôi mắt Thảo tự dưng rạng ngời hẳn. Quá phấn khích, nhỏ nắm lấy tay cô ba mà reo:

- Con biết rồi, con biết nội muốn ăn gì rồi!

Nói xong, nhỏ phóng ra khỏi bệnh viện nhanh như một tia chớp.

Chú thích:

(*): cách người miền Tây gọi chung tất cả loại snack được đóng gói thành các túi nhỏ.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận