• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Hồi 3: Dân vô tín bất lập

Chương 16: Giảng nghĩa

2 Bình luận - Độ dài: 2,075 từ - Cập nhật:

Ngày hôm sau, Học chánh đã tổ chức giảng nghĩa đặc biệt.

Tại địa điểm tổ chức Viện thí, Thí viện, các đồng sinh tập trung lại trong một giảng đường khổng lồ mà trông lên khuôn mặt vị văn nhân[note58598] đứng hiên ngang trên bục giảng. Y khoác lên mình bộ quan phục trang trí bằng bổ tử hình con sếu, chiếc mũ ô sa đội đầu thể hiện tước vị quý tộc và nổi bật nhất, chính là cặp kính ngoại nhập y đeo trên mắt.

Sau khi cởi chiếc mũ ô sa, Học chánh Vương Thị Viễn bắt đầu thuật lại thao thao bất tuyệt về diễn giải của “Mạnh Tử”.

Dù gì cũng là một bài giảng nghĩa đáng trân trọng đến từ Học chánh, các đồng sinh có vẻ lại chẳng chú ý lắng nghe là mấy. Bài giảng nghĩa vô thưởng vô phạt cứ thế kéo dài thêm một lúc, để rồi chừng nửa tiếng sau, Vương Thị Viễn thở hắt một hơi mà tuyên bố.

“Giảng nghĩa tới đây là kết thúc. Tiếp theo, ta xin được giải thích về bài Viện thí diễn ra vào ngày mai.”

Vừa dứt lời, đám đồng sinh đã bắt đầu nhốn nháo.

Xem ra đúng thật là bài Viện thí sẽ không được tổ chức theo cách thông thường.

Vương Thị Viễn vẫy tay dẹp cơn nhốn nháo, đoạn bình thản tiếp lời.

“Mặc dù có chút đường đột, nhưng chúng ta đã quyết định tổ chức bài Viện thí lần này theo hình thức khác. Những năm trước Viện thí có bốn lần thi, để rồi mỗi lần thi xong ta sẽ lại thông báo kết quả để giảm bớt số lượng thí sinh. Tuy vậy, lần này sẽ có tổng cộng năm lần thi, và tất cả thí sinh sẽ tham dự toàn bộ kỳ thi từ đầu đến cuối.”

Rồi sẽ tính điểm trung bình năm lần thi để quyết định kẻ đỗ người trượt?

Không, đời nào lại có chuyện đơn giản như thế.

“Phải rồi, nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả. Chúng ta đã thiết lập một chủ đề chính cho bài Viện thí lần này. Ta mong các người hãy giữ lấy chữ tín mà chuyên tâm nỗ lực.”

Tín. Nghe quá là mơ hồ.

“Đã nhắm tới vị trí tú tài thì các ngươi ắt hẳn đều đã hiểu rõ, ‘tín’ là một khái niệm hết sức trọng đại bên cạnh ‘nhân’, ‘nghĩa’, ‘lễ’ và ‘trí’. Không thực hiện được điều ấy thì khó mà thành công dưới cương vị sĩ đại phu được. Đọc hiểu Kinh Thư đúng thực là một điều đáng khen, nhưng thực hành cũng quan trọng chẳng kém cạnh.”

“… Cái vị Vương Thị Viễn này cũng nói điều hay thật đấy chứ.”

Lý Thanh Long ngồi cạnh cô thì thầm.

Cô không rõ kẻ này có nói thật lòng hay không, nhưng đã là quan viên Hồng Linh Quốc thì ắt hẳn y đã phải thối nát, không ít thì nhiều.

“Ông cha ta có câu Dân vô tín bất lập. Tín thể hiện sự tín nhiệm, sự tin tưởng, mối liên kết và cả bản tính thành thật. Chính bởi vậy mà ta mong các ngươi hãy lập thành một nhóm bốn người để tham dự kỳ thi. Để cho tiện, ta sẽ gọi nhóm bốn người này là Ngũ[note58599], mặc dù trong nhóm không có năm người.”

Các đồng sinh không còn nhịn được nữa liền rôm rả trao đổi với nhau.

Tại sao trong một cuộc chiến cá nhân như khoa cử lại cần lập nhóm bốn người?

Đặt câu hỏi là vậy, chứ kỳ thực Vương Thị Viễn đã đưa ra câu trả lời từ lâu.

Bởi chủ đề của bài thi là “tín”. Chính vì điều này mà y đã hủy diệt cả thường thức.

“Mỗi bài thi, thành tích sẽ được xác định theo Ngũ. Qua mỗi lần thi vẫn sẽ có công bố điểm, nhưng sẽ chỉ công khai điểm của cả Ngũ chứ không phải của từng thành viên… À, sẽ không còn chuyện các ngươi bị đuổi khỏi Viện thí giữa chừng vì có thành tích kém nữa nhé. Dù gì hình thức thi cũng quá khác biệt so với Huyện thí và Phủ thí mà.”

Vương Thị Viễn đẩy kính lên mà tiếp tục diễn giải.

“Và sau khi năm lần thi đã kết thúc, thành tích qua mỗi lần thi sẽ được tính tổng để xác định kết quả đỗ hay trượt. Nói cách khác, kỳ Viện thí lần này không phải thi đấu cá nhân mà là thi đấu tập thể, và các ngươi sẽ buộc lòng phải vừa phấn đấu học hành vừa cạnh tranh khốc liệt với cả thành viên trong Ngũ của mình. Tiện nói thêm, nếu như các ngươi không thể lập thành một nhóm bốn người thì nhóm một, hai hay ba người cũng đều có thể được công nhận là một Ngũ. Song, hãy nhớ rằng điều này sẽ khiến các ngươi gặp bất lợi do thành tích được tính dựa trên tổng điểm chứ không phải điểm trung bình. Nói là như vậy thôi, chứ ở đây có vừa đúng 160 thí sinh nên ắt sẽ không xảy ra tình trạng như vậy đâu.”

Các đồng sinh dáo dác nhìn nhau, ai nấy cũng đều có vẻ băn khoăn lo lắng.

“Liệu mình có thể lập Ngũ được không đây? Mà lập rồi thì liệu kẻ khác có kéo mình xuống không đây?” Những mối lo như vậy liên tục hòa trộn vào nhau mà tấn công bọn họ.

“Hình thức thi cử này là do ta đề nghị, song trung ương cũng đã phê duyệt ý tưởng này, coi như là một phần trong công tác cải cách chế độ khoa cử. Nói thêm, đã có sắc lệnh thay đổi cách thức chấm thi kể từ kỳ Viện thí năm nay. Trước giờ công tác chấm thi vẫn là do Học chánh và bí thư đảm nhận, nhưng điều này lại có hệ lụy là Học chánh sẽ phê đỗ trượt tùy thích, chính vì vậy mà một viên quan gọi là Canh chu sẽ đảm nhận công tác chấm thi lần hai, nên các người hãy cứ an tâm hoàn thành Viện thí.”

Rốt cuộc mục đích của Vương Thị Viễn là gì?

Hình thức thi cử thế này thì làm sao đánh giá đúng đắn thực lực của các đồng sinh được.

Ấy thế mà Vương Thị Viễn lại kết luận cùng nụ cười hòa nhã trên môi.

“Ta biết rằng không ít người ở đây vẫn còn cảm thấy bối rối, tuy vậy thì đây vẫn là biện pháp cần thiết để đo lường ‘tín’ của các ngươi, vậy nên mong tất cả hãy chung tay mà nỗ lực hết sức. À phải phải, các ngươi nhớ lập Ngũ cho xong rồi nộp danh sách trước sáng sớm ngày mai nhé. Bằng không thì coi như khỏi được công nhận vào thi luôn đấy.”

Vương Thị Viễn phổ biến xong liền thu lại hành trang rồi rời đi.

Các đồng sinh bị bỏ lại giảng đường liền trao đổi ầm ĩ như họp chợ. Chưa gì đã nghe được tiếng ai chiêu mộ thành viên vang lên đây đó. Do chẳng biết thực lực các đồng sinh khác thế nào, Tuyết Liên quyết định sẽ không hành động hấp tấp.

“Thật là. Bên ta đã có tại hạ, ngài Tuyết Liên và ngài Lê Ngọc rồi, chỉ cần chiêu mộ thêm một vị nữa là được.”

“Ai cho anh tự tiện lập nhóm với bọn tôi?”

“Ủa? Chẳng lẽ ý ngài là tôi không được phép…? Bạc tình làm sao, trong khi ta đã ăn trưa cùng nhau rồi mà…”

“Ừ thì, tôi cũng chẳng bận tâm đâu.”

“Làm sao bây giờ Tiểu Tuyết ơi?! Tụi mình cũng nên đi mời ai đó thôi chứ…?!”

Bộ dạng Lê Ngọc đứng ngồi không yên.

Tuyết Liên lấy tay xoa cằm, nhìn ra khỏi Lê Ngọc.

“Có tới 160 đồng sinh ở đây. Cứ lập nhóm với một trong số đó là được.”

“Nhưng mà ngài Tuyết Liên, ngài không nghĩ ta nên chiêu mộ những vị ưu tú càng sớm càng tốt hay sao?”

“Anh biết được ai ưu tú hả?”

“Đi tìm những vị sở hữu đôi mắt tỏa sáng thôi nào.”

Nói cái gì vậy không biết.

Tuyết Liên khẽ buông tiếng thở dài rồi đứng dậy.

   

   

Các đồng sinh khác đã tới hỏi Tuyết Liên, Lê Ngọc và Lý Thanh Long không biết bao nhiêu lần để mời họ làm thành viên trong Ngũ. Đối với Lê Ngọc thì đây đúng thực là cầu được ước thấy, vậy mà chẳng rõ tại sao Tuyết Liên lại không cho phép.

“Phải quan sát tình hình chút đã.”

Là điều Tuyết Liên đã nói. Có hỏi lý do thì cô cũng chẳng đáp. Nhiều khả năng cô gái này đang đánh giá năng lực của các đồng sinh khác, nhưng Lê Ngọc lại cho rằng cứ đủng đỉnh như vậy thì cơ hội sẽ trôi qua lúc nào chẳng biết mất. Dẫu vậy thì ý Tuyết Liên đã quyết, vậy nên bọn họ sẽ thật thận trọng khi chiêu mộ thành viên,

Lê Ngọc và Tuyết Liên trọ lại hội quán liên kết với Thí viện.

Hầu hết các thí sinh dự thi Viện thí đều dự định trọ lại nơi đây.

Nhược bằng không mắc chuyện chiêu mộ thành viên thì cô dự định sẽ học nhóm cùng Tuyết Liên, song cô gái lại bảo rằng có việc khác cần làm rồi bỏ đi.

Chẳng còn cách nào khác, Lê Ngọc đành tản bộ phủ thành một mình. Đằng nào Lý Thanh Long cũng từng nói “Đến phút cuối mới nhồi nhét cũng chẳng được tích sự gì” mà.

Xét về độ huyên náo thì chốn phồn hoa đô hội này đúng thực là một trời một vực so với làng Anh Tang. Tắm mình trong ánh mắt trời gay gắt không giống mùa xuân cho lắm, Lê Ngọc lon ton rảo bước trên phố sá phủ thành.

“Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ hà dã. Đại xa vô nghê, tiểu xa vô nghê, kỳ hà dĩ hành chi tai[note58600]…”

Cô ngâm lại một đoạn nói về chữ “tín” trong sách Luận Ngữ.

Có làm như vậy cũng hoài công. Điều một đồng sinh có thể làm đâu phải đoán xem trong đầu quan chấm thi đang nghĩ gì, mà chỉ có dốc hết sức mình hoàn thành bài thi được giao thôi.

Dầu vậy, cô lại chẳng thể nào ngăn được dòng suy nghĩ trong mình.

Bài thi này rõ ràng chẳng hề bình thường. Liệu rằng một người như cô có thể vượt qua được không đây?

“Ưưưưư!! Chẳng hiểu gì hết! Tiểu Tuyết đang nghĩ gì vậy hả trời!!”

Vạt áo vung vẩy, Lê Ngọc liên tục giẫm đạp lên nền đất.

Cô thực chẳng hiểu sao Tuyết Liên lại có thể ung dung tự tại như vậy.

Một thí sinh bình thường thì giờ này phải rối rít chạy lăng xăng rồi chứ.

“–––Ê con bé kia! Đầu óc cứ để trên mây vậy hả?!”

“Oái!”

Chấn động ập tới người cô. Không sao đứng vững được, Lê Ngọc liền ngã sõng soài ra nền đất. Ngẩng đầu nhìn lên, cô thấy một tên đàn ông say lướt khướt đang rời đi. Cứ đứng yên giữa đường giữa chợ như thế thì có bị xô ngã như vậy cũng chẳng trách ai được.

(Ủa? Người kia hình như là…)

Bóng lưng của cái người say rượu đó trông có vẻ rất quen.

Lê Ngọc dù gì cũng là một con người tài năng đã vượt qua được cả kỳ Phủ thí. Theo như trí nhớ xuất chúng của cô, hình như cái người vừa rồi cũng có mặt trong buổi giảng nghĩa của Vương Thị Viễn.

Nói vậy, người đó cũng là một đồng sinh giống Lê Ngọc chăng?

Khi còn mải quan sát bóng lưng ấy với ánh mắt nghi hoặc, bỗng có một tấm vải sắc xanh rủ xuống chắn mất tầm nhìn của cô. Có ai đó vừa bước tới bên cạnh Lê Ngọc.

“Cô có sao không?! Có bị thương gì không…?!”

Ghi chú

[Lên trên]
Văn nhân trong tiếng Việt là "người có học, người biết làm văn thơ", nhưng trong tiếng Trung thì từ này dùng để chỉ học giả đã thông thạo Tứ Thư Ngũ Kinh vào thời nhà Thanh, còn được gọi là "thân sĩ", "sĩ phu" hay "sĩ đại phu".
Văn nhân trong tiếng Việt là "người có học, người biết làm văn thơ", nhưng trong tiếng Trung thì từ này dùng để chỉ học giả đã thông thạo Tứ Thư Ngũ Kinh vào thời nhà Thanh, còn được gọi là "thân sĩ", "sĩ phu" hay "sĩ đại phu".
[Lên trên]
Ngũ ở đây là chữ 伍, là số 5 bình thường thêm bộ Nhân (亻 + 五). Ngoài nghĩa số 5 như chữ Ngũ thường thì chữ này còn có nghĩa là "hàng ngũ".
Ngũ ở đây là chữ 伍, là số 5 bình thường thêm bộ Nhân (亻 + 五). Ngoài nghĩa số 5 như chữ Ngũ thường thì chữ này còn có nghĩa là "hàng ngũ".
[Lên trên]
Trích sách Luận ngữ thiên Vi Chính, có nghĩa: "Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì. Cỗ xe lớn không có chốt (hãm), cỗ xe nhỏ cũng không có chốt thì làm sao chạy được?!"
Trích sách Luận ngữ thiên Vi Chính, có nghĩa: "Người không có chữ tín, chẳng biết sẽ làm được việc gì. Cỗ xe lớn không có chốt (hãm), cỗ xe nhỏ cũng không có chốt thì làm sao chạy được?!"
Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

Sau khi lập team:

Lê Ngọc: "Mình có Tiểu Tuyết và 2 đồng đội!"

Tuyết Liên: "Mình có Lê Ngọc và 2 công cụ để xài."
Xem thêm
Nice xừ, thank trans 🐸
Xem thêm