• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Quyển 4

Chương 83 - Vân đỉnh thiên cung

3 Bình luận - Độ dài: 6,314 từ - Cập nhật:

Quần thể cung điện Huyết Chân được xây trên móng hình chữ vương (王), trên vách đá trắng vát phẳng hình thang, và mỗi điện lại nằm trên một thềm đá khác nhau.

Trục giữa là đường cầu thang dẫn lên điện chính. Chia cung điện thành ba tầng. Bước qua cổng thành Thiên môn là tiến vào tầng một của cung điện. Nơi đây chỉ có một hồ nước nhân tạo chảy thành bốn dòng thác xuống dưới núi, gọi là hồ ngự uyển.

Theo cầu thang lên tầng núi thứ hai, hai bên mở ra hai hồ nước. Nước từ đây theo những rãnh chìm trên đất tạo thành những hoa văn hình long mạch trên mặt hồ tuyệt đẹp. Nước hồ trong như ngọc bích, có thể nhìn thấy đáy, ở giữa mỗi mặt hồ còn có một cung nổi để quốc vương thưởng ngoạn.

Trên đường lên thiên cung tôi đã băng qua cả một đoạn rừng hai bên ngợp những lá anh đào, còn có bàn cờ tiên ở dưới gốc cây, chỉ thiếu hai tiên ông ngồi đánh cờ là có thể đầy đủ một khung cảnh trong chuyện cổ tích. Daisuke đưa máy ảnh lên nhưng không tài nào hạ nổi máy xuống.

Mizuki đưa tay múc nước rửa mặt. Anh đưa tay nhấp một ngụm rồi nói nước ở đây chảy từ núi cao xuống, vô cùng tinh khiết, có thể dùng để uống.

Cái nắng bỏng rát của biển khơi đã làm cho mặt mũi của mọi người đều đỏ au như tôm luộc, nghe thế thì tôi cũng không khách sáo. Nhúng cả đầu xuống nước để giải nhiệt.

Để lên tầng núi thứ hai này chúng tôi phải đi qua một điện lớn, thẳng trục với điện chính, gọi là điện Nhân gian. Bốn đứa đã dành một khoảng thời gian lớn trong đó.

Nhân gian điện bày biện không nhiều, ngoài mái thiên hoa và cách phiến, trong điện gần như là không có lấy một vật gì khác. Nói về mái thiên hoacách phiến, thực ra đó là hai thuật ngữ để chỉ trần nhà và vách ngăn trong Tử Cấm Thành, nhưng vì tôi không biết người Huyết Chân gọi trần nhà và vách ngăn như thế nào, nên tôi sẽ gọi chúng bằng cái tên đó cho phải phép. Nói về mái thiên hoa, đó là kiểu trần nhà được dựng lên từ các thanh gỗ xen kẽ vào nhau, sau đó khảm các khối ô vào khe hở và vẽ rồng, phượng trên các tấm ván. Còn vách ngăn ở đây cũng làm bằng gỗ, đẽo thành hình cổng vòng tròn nên tôi mới dễ dàng liên tưởng tới cách phiến trong cung nhà Đường.

Tôi đưa tay muốn chạm vào tấm vách ngăn cổ này nhưng đã sớm bị Jenny đánh cho một cái phải rụt tay về. Cô vội vã ngăn tôi, còn kêu.

“Ấy, đừng có sờ mó linh tinh kẻo hỏng mất hiện trường khảo cổ của tớ chứ.”

Giỏi thật thì chưa thấy đâu cô nàng chỉ giỏi làm người khác tụt hứng. Làm tôi cứ nghĩ là cô ấy chu đáo như Mizuki, cứu tôi khỏi cơ quan có độc.

Chính giữa của điện không có ngai vàng mà chỉ có một thông đạo lớn, thông với trục đường chính lên thiên cung. Quan lại men theo con đường này lên thiên cung thiết triều. Dường như điện này chỉ đóng vai trò một cổng vào đầy khoa trương, còn toàn bộ công việc triều chính của vua Huyết Chân nằm ở trên Thiên Cung cao vút kia.

Jenny phát hiện ra trong gian điện có thể lại hai bình sứ cao quá đầu người. Nằm ở hai bên cửa điện. Đấy là một trong ít cổ vật có cơ may được ở lại.

Chỉ có điều, nhìn vào lớp men trắng, họa tiết tranh thủy mặc và màu mực xanh. Cô không kìm được một cơn ớn lạnh.

Bạn không cần phải là nhà khảo cổ để có thể nhận ra đó là những đặc điểm của sứ Thanh Hoa, thứ mà không thể nào xuất hiện ở thời đại của Từ Phúc được.

Daisuke chớp chớp mắt, cậu hỏi có hai cái bình sứ vẽ chim hạc thì có gì khiến cho cô phải hãi hồn thế, Jenny không bỏ tật cũ liền lên lớp cho cậu một tràng diễn văn dài ba mươi phút. Đại ý là sứ Thanh Hoa xuất hiện sớm nhất vào thời Nguyên, thế kỷ thứ mười ba, sau khi Từ Phúc rời trung hoa một ngàn năm sáu trăm năm lận.

Sau khi chiếm được Trung Nguyên, lịch sử văn hóa Trung Hoa bị ảnh hưởng bởi những nét đặc thù của người dân Mông Cổ, đặc biệt là nghệ thuật văn hóa gốm sứ. Đồ sứ thời Nguyên thì có những đặc điểm sau: Đường nét trên gốm sứ thời nhà Nguyên mang đậm phong cách Mông Cổ nên nét vẽ thô, chưa mang tính thẩm mỹ cao, vẽ con rồng dài giống con trùn đất, còn vẽ con phụng giống con gà. Nhưng đến cuối thời kỳ nhà Nguyên đầu thời kỳ nhà Minh, đường nét vẽ tinh tế, biến tấu tinh xảo hơn.

Đồ sứ thời Nguyên có 3 giai đoạn phát triển nổi bật của  là: Diên Hữu, Chí Chính và giai đoạn cuối thời nhà Nguyên, trong đó đồ sứ trong giai đoạn Chí Chính được đánh giá cao nhất.

Nói đến đây thì Jenny còn muốn tự vả cho mình một cú đau đớn hơn nữa, vì cô bảo họa tiết của cái bình này tinh xảo đến nhường đó, thì sớm nhất cũng phải là đồ chế tác gia đoạn Chí Chính trở đi chứ không thể là sứ Thanh Hoa đầu thời nhà Nguyên được.

Tôi nhìn lên trần nhà, thấy họa tiết của người Huyết Chân đều mang những màu sơn xanh biển thanh khiết và dịu dàng, cùng với màu đá trắng của thành, vô cùng hài hòa với màu sắc của sứ Thanh Hoa. Có thể nói là người Huyết Chân ưa tông trắng – xanh biển. Lại nghĩ nếu tôi là quốc vương Huyết Chân nếu chẳng may gặp qua sứ Thanh Hoa thì tôi cũng không đời nào bỏ qua cơ hội du nhập nét văn hóa này.

Vậy là giả thiết bế quan tỏa cảng của Jenny chỉ nhờ hai cái bình gốm cổ mà bị dập tắt hoàn toàn. Cô nàng có vẻ cũng mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế như tôi nên trong lòng cứ thấp thỏm không yên, tôi đành phải tới xoa lưng dỗ dành cô ấy.

“Thôi nào, khảo cổ dù có tiên tiến tới đâu cũng chỉ dừng lại ở lý luận thôi mà. Cậu đâu có ở đó để chứng kiến lịch sử. Công trình của các giáo sư danh tiếng nhiều lúc còn bị hậu thế chứng minh bác bỏ, nào tránh khỏi việc một người còn không có bằng tiến sĩ như cậu mắc sai lầm.”

“Giáo sư chứ không phải là tiến sĩ, và tớ chưa bằng tiến sĩ có chứ không phải là không có!”

Tôi nhìn qua hai bên, điện Nhân gian này còn nối với hai đoạn hành lang ngoài trời có mái che, dẫn đến hai điện nhỏ ở hai bên. Hai tiểu điện này có tên là Phàm nhân điện và Súc sinh điện.

Nhìn bảng tên lòng thầm nghĩ cái ông kiến trúc sư này sao mà có sở thích kỳ quặc. Tôi cùng Daisuke và Jenny qua đó xem, phát hiện những tiểu điện này là hậu cung. Phàm nhân điện là nơi ở của quan lại và người hầu. Súc sinh điện là nơi họ nuôi gia súc, giết mổ.

Tại Súc sinh điện chúng tôi đi xuống gian bếp ở tầng dưới thăm thú một chút, chuyến này cũng không tránh khỏi gặp mặt thêm nhiều chén đĩa Thanh Hoa. Jenny nâng niu chiếc hũ sứ trong lòng bàn tay miệng không ngừng chế giễu.

“Quân đội thời đó đúng là một đám thiếu hiểu biết mà, chỉ chăm chăm vơ vét vàng bạc châu báu, còn những thứ nghệ thuật tao nhã như thế này thì chúng lại không màng tới.”

...

Trở về hiện tại, sau khi cả nhóm đã tắm rửa sạch sẽ ở hồ sen,tinh thần ai nấy đều phấn chấn trở lại. Chúng tôi mở ba lô thay một bộ quần áo mới, dùng nước hồ để giặt bộ đồ cũ và hong khô. Daisuke nói đúng là nước mát thì cũng làm mát cả tâm hồn. Đáng tiếc là ba người còn lại ở đây đều là con nhà nòi, có học thức nên không ai hùa theo những miếng đùa nhạt nhẽo của cậu cả, cậu đành xấu hổ xuề xòa vờ như mình chưa nói.

Mọi bùn đất, mồ hôi bám dính lấy cơ thể trong chuyến đi rừng đã không còn nữa, chúng tôi bây giờ có thể thoải mái thăm quan thiên cung được rồi.

Tôi cùng Daisuke tay trong tay bước đi giữa điện nổi trên mặt hồ mà lòng cũng không kìm được xúc động, buột miệng khen một câu để cho Jenny nghe thấy.

Khi nghe tôi khen thế thì cả Jenny lẫn Mizuki mặt đều tỉnh bơ. Jenny che miệng khéo chê tôi nhà giàu mà đến cái khuôn viên này còn có thể kêu là rộng được sao.

Jenny có cơ hội khoe tôi gia đình cô ấy sở hữu nhiều khu trang viên rộng lớn, trong đó, căn nhà mà cô lớn lên có cả một vườn thượng uyển rộng hai trăm bốn mươi mẫu anh, với nhiều tòa dinh thự cổ phương Tây. Khu nhà nằm sâu trong núi, phải có người lái xe chở mới vào tới nơi. Chỉ riêng nơi ở của riêng cô ấy đã là cả một tòa lâu đài cổ theo phong cách Pháp ba tầng. Căn nhà... ừm tòa lâu đài riêng của cô ấy có hồ bơi, sân Tennis, rạp chiếu bóng và viện bảo tàng cá nhân của cô.

Jenny từ nhỏ sinh ra đã ngậm thìa vàng, muốn thứ gì chỉ cần nghĩ đến thứ đó. Cô nói bố mẹ cô chỉ cần đi tới đâu liền xuất hiện một dinh thự của gia đình cô ở đó. Trang viên mà cô kể cho tôi cũng chưa hẳn là lớn nhất, vì gia đình cô còn có một khu nghỉ dưỡng ở Oahu, và nhiều trang viên khác để lui về nghỉ cuối tuần.

Tôi quay sang Mizuki thì anh chỉ gật đầu lí nhí nói phải, tuy không đến mức như nhà Jenny, nhưng căn nhà trước đây từng ở với Shun và bé Shiho cũng có đầy đủ những tiện nghi như vậy.

Sinh ra chưa một ngày biết đến cơn đói, chưa một lần thiếu quần áo xinh để mặc, tôi cũng cứ nghĩ là mình đã sướng nhất cõi đời này rồi. Xem ra thượng lưu ở Nhật Bản nó khác thượng lưu ở Hoa Kỳ nhiều lắm. Nghĩ lại thì khác với cha mẹ của Jenny và Rin, bố mẹ tôi là thượng lưu tri thức, không phải là thượng lưu tài phiệt. Vậy nên phần lớn số tiền mà bố mẹ tôi có được, đều dành hết vào từ thiện và những công trình nghiên cứu của họ và để cho tôi và Toru được du lịch học hỏi vòng quanh thế giới. Tôi nói mình chưa từng rời khỏi Kyushu, nhưng ý của tôi là chưa tự mình rời khỏi bằng thực lực của mình. Nói về du lịch, châu á, châu âu, châu phi, châu đại dương...thì nơi nào cũng đã in dấu giày của tôi dưới tư cách một khách du lịch rồi.

Căn biệt thự mà gia đình tôi từng ở là ước muốn của bao nhiêu người cả đời cũng không chạm tới được, nhưng bố mẹ tôi vẫn còn có thể nâng tầm đời sống lên cao nữa. Nhiều lúc tôi nghe bố cân nhắc đến chuyện mua một căn nhà lớn hơn, nhưng mẹ không muốn chiều chuộng tôi và Toru quá đáng. Cũng giống như việc mẹ ngưng việc nhận người hầu năm tôi lên mười, mẹ nói mẹ không muốn tôi và em có tâm lý hưởng thụ, nếu như tôi và em tôi muốn gì có đó thì chúng tôi sẽ không bao giờ cố gắng, và chúng tôi sẽ không bao giờ nên người.

Daisuke vỗ về an ủi tôi, tôi cười trừ với cậu. Tự nhiên tôi lại có cảm giác như mình đồng cảm với cậu, đang đóng vai giai cấp nghèo khó ở đây.

Tôi tựa vai cậu, thều thào.

“Này Daisuke, sau khi mọi chuyện kết thúc, anh có muốn dọn tới đây ở với em không.”

Cậu cũng tựa đầu vào tôi, cười xòa.

“Anh không biết là tiểu thư nhạt nhẽo nhà em cũng có ngày biết rung động trước cảnh đẹp vậy đấy.”

Bốn góc của cung điện là bốn tòa tháp cao chót vót, được nối với nhau bằng đường hành lang ngự uyển lơ lửng giữa không trung. Tháp này có móng hình chữ hồi, mỗi tháp chín tầng, mỗi tầng có một vòng mái ngói, hệt như tháp Yasaka ở Kyokto nhưng diện tích lớn hơn vậy. Ở giữa của mỗi đường hành lang trời là một đài vọng cảnh có mái che. Đoạn hành lang này vẽ nên một vòng hình chữ khẩu (口)bao quanh cung điện, cùng móng hình chữ vương(王) vẽ nên một chữ quốc (国).

Khi chúng tôi vào bên trong, thấy bên trong những tòa tháp ấy chỉ đều là gươm đao giáo mác,áo giáp, binh sách, giá treo cung tên và chuồng ngựa... Jenny nhận định đây là nơi ở của quân đội hoàng gia, chúng là bốn tháp canh bảo vệ cho cung thành, giống như những đài phong hỏa của làng chúng tôi vậy.

Ba đài vọng cảnh ở giữa là những trạm nghỉ, đứng từ trên có thể nhìn thấy bao quát vương quốc, nhìn ra biển xanh, tầm mắt mở rộng ngút ngàn. Cả vương quốc bên dưới phủ trong màu sắc của hoa anh đào. Cảnh tượng vô cùng mĩ lệ hoành tráng, mà tôi có nói mãi, bạn không thấy tận mắt thì có nói nữa cũng không để làm gì. Ở đây cũng chỉ có chuồng ngựa và quân trang, hình như là trạm nghỉ và trạm tiếp tế cho bốn đại tháp vừa kể. Hiện vật vẫn giữ nguyên trạng thái sử dụng như thể vẫn có người còn đang sinh sống. Vào cái ngày quân đội Mĩ đổ bộ lên đảo Huyết Chân, có lẽ cả vương quốc đã sơ tán khẩn cấp, nên mới để lại một vương quốc trọn vẹn như thế này.

Cung điện không có dấu hiệu bị phá hủy, đồng nghĩ với hoàng triều không có ý định chống trả.

Jenny nói cả cái cố cung này những tiểu cung để ngắm cảnh thì nhiều mà khu vực bố trí quốc phòng thì ít. So với những quốc gia khác, thì có vẻ như Quốc Vương của Huyết Chân hẳn là phải quá tự mãn với bức tường thành Long Cốt trận pháp trên biển của bản thân hoặc là người nước này đầu óc vô cùng nghệ sĩ, họ chỉ tập trung vào thơ ca họa cầm, mà chẳng có nhu cầu thể hiện sức mạnh với thế giới.

Ngay cả những vũ khí và giáo mác ở đây cũng rất sơ sài, dường như họ chỉ thiết kế vừa đủ để quân lính có thể chống trả trong lúc tháo chạy, chứ không hề có ý định chiến thắng.

Tôi nhớ lại những người huyết chân mà tôi từng gặp chỉ có Shun và bé Shiho cả hai anh em họ đều rất dịu dàng, nhút nhát. Trong đại dịch cả hai anh em cũng biết vun vén cho mình sao cho thật gọn gàng, xinh xắn. Dù không muốn vơ đũa cả nắm, nhưng tôi nghĩ có lẽ sự thùy mị tinh tế ấy đã nằm trong máu của những người con của tộc.

Tranh cổ để lại của những nền văn minh khác đều là những cảnh quân đội hùng hậu, chiến trường rực khói và những chiến công lẫy lừng. Còn điêu khắc cổ trên mái thiên hoa và trong điện của người Huyết Chân chỉ đều là những cảnh thả hồn với gió vây, chơi đàn dưới cung trăng, hòa hồn với thu thủy. Linh vật rồng bay phượng múa của họ cũng thiên hướng thiết tha dịu dàng, hoàn toàn không có lấy một nét phô trương mưu cầu bành trướng.

Jenny bước tới một bộ áo giáp, binh khí quý giá trong những tháp này cũng không tránh khỏi số phận bị thực dân Mĩ đem đi cả rồi. Những thứ còn lại ở đây đều là những vật dụng thường ngày rất phổ thông, đủ để những kẻ bần cùng trong thế chiến không thèm để mắt tới. Đột nhiên trong lòng tôi nảy ra một ý nghĩ xấu xí, liền chia sẻ nó với ba người kia. Nếu như sách cổ Akashic là bảo vật quý giá đến nhường ấy, dễ dàng gì họ để lại nó cho chúng tôi cả trăm năm sau mới đến lấy.

Về điều này thì dường như Jenny chẳng lo lắng, cô ấy nói nếu thứ bảo vật quý giá tầm nhân loại ấy mà tồn tại, thì quốc vương đã đem nó theo mình rồi, không đến lượt hội thực dân mĩ nhanh tay hơn bọn tôi.

Giống với chén sứ Thanh Hoa trong điện Nhân gian, bộ áo giáp này có thiết kế tương đồng với áo giáp samurai thời kỳ chiến quốc Sengoku. Cách cột mốc Từ Phúc bỏ trốn khỏi Trung Hoa tám trăm năm. Daisuke nói chẳng phải Fujiwara Eji đã đến Huyết Chân thì nơi này ít nhiều cũng được tiếp xúc với văn hóa lịch sử kéo dài tới thời mạc phủ rồi sao. Tôi gật đầu đáp lại. Huyết Chân quốc không hẳn là tuyệt giao với bên ngoài, họ có trao đổi và giao thương với những nền văn hóa khác, thậm chí còn tiếp thu những văn hóa mà họ cho là thú vị. Còn lý do vì sao Huyết Chân quốc hoàn toàn không được sử sách nơi nào ghi lại, thì tôi cũng không thể giải thích cho bạn được, đó là cả một bí ẩn lịch sử mà tôi đoán nếu muốn nói cho các bạn, phải viết cả cuốn sách khác để giải thích mất.

Cả tòa cung điện này, là cả một công trình khảo cổ bày ra trước mắt, mà những người làm nghề này cả đời nằm mơ cũng không có được. Jenny nói khảo cổ thông thường tiêu tốn nhiều thời gian nhất ở công đoạn đào xới, sau đó may mắn lắm thì trong đất đá mới lộ ra bên trong cổ vật để họ học hỏi. Đấy còn chưa nói đến việc cổ vật bị biến dạng trong quá trình bóc tách đất đá, màu sắc dưới lòng đất lâu năm bị thay đổi.

Có cả một vương điện, một vương quốc nguyên vẹn dọn ra ở trước mặt, vậy mà đám Asuka vẫn không thèm dừng lại để ngắm nghía. Tôi bảo Jenny miếng bánh ngon ngay ở trước mặt rồi cô còn chưa hài lòng hay sao, thì cô ấy trả lời tìm ra thành phố mất tích thì có vô số người từng làm trước đây rồi, phải tìm ra văn vật mang tầm cỡ nhân loại như Akashic thì cô ấy mới đủ khiến mấy ông bà ở trường đại học lác mắt.

Ngăn cách giữa tầng núi thứ hai và thiên cung cao nhất là một điện trung gian có tên là điện U Minh, thẳng trục đường trung tâm nối liền từ Thiên Môn, qua điện Nhân Gian điện tới chính điện ở trên kia. U Minh điện có bài trí tương đồng với Nhân Gian điện nên tôi không nhắc lại nữa. Bên trong không bày biện ngoài mái thiên hoa. Ở giữa là một thông đạo lớn nối tiếp con đường dẫn lên đỉnh núi cao, hai bên cầu thang là những cánh cổng trời vô cùng đẹp mắt.

Điện U Minh cũng nối với hai tiểu điện hai bên, Ngạ quỷ điện và Âm tào điện. Là nơi giải quyết những vụ án, nơi quan xét xử làm việc.

Càng tiến gần tới điện chính, tâm lý tôi lại càng bị tầm cỡ của nơi đây làm cho nghẹt thở. Có thể là do đường cầu thang dốc đứng và vị trí của gian điện này ở cao quá, làm cho không khí trong phổi điều hòa không nhịp nhàng.

Tôi ngửa cổ nhìn tòa chính điện với ba tầng mái ngói nguy nga, cuối cùng trên cổng chính cũng nhìn thấy bảng hiện bốn chứ Thiên vân hải cung.

Đây đã là nơi cao nhất và rộng nhất của quần thể cung điện Huyết Chân. Nếu như điện Nhân Gian và điện U Minh ở hai tầng núi dưới kia đã không phải là nơi diễn ra hoạt động triều chính, thì nếu ngai vàng không ở đây tôi cũng bó tay chẳng biết nó còn có thể ở nơi nào nữa.

Bước qua khoảng sân trời khổng lồ đã từng là nơi dàn quân kiến vua của các quan võ ngày xưa. Mặt đất dưới chân tôi bị bao phủ bởi mây mù, không nhìn thấy cả bàn chân mình chìm trong làn khói trắng. Gọi nơi này là thiên cung cũng không hẳn là quá lời. Mọi sự vật trên tầng này nửa dưới đều bị bao phủ trong mây, phía trên chỉ có màu xanh của bầu trời. Không khác nào cảm giác đang bước đi trên mây và cung điện này là cả một tòa lâu đài đang lơ lửng trên thiên đàng vậy.

Hiên trước được chống bằng những cột trụ hoa lệ. Có họa tiết rồng cuốn phô trương hơn hẳn hai đại điện dưới kia.

Tôi bất giác đưa tay rờ những đường khắc chìm trên thân rồng cuốn quanh cột, cảm giác thu về vô cùng khoan khoái. Từ thời xa xưa con người ta đã có thể tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo đến nhường này... nói không ngoa thì đây là hình điêu khắc cẩn thận và chi tiết nhất tôi từng thấy trong đời, kể cả hình ảnh từng thấy trong sách vở Từng miếng vảy trên thân rồng đều rõ ràng khác nhau, trong mắt của con rồng còn khắc rõ từng đường khóe mi mắt, vô cùng chân thực còn hơn cả sinh vật sống.

Màu sắc của cây cột và những tiểu long cuốn quanh cột cũng là những mảng xanh dương và trắng sáng, vô cùng hài hòa, tươi mát. Khác xa với kết hợp đỏ vàng quyền uy của những cung điện Nhật Bản và Trung Hoa.

Chưa vội bước vào tham quan điện từ đây nhìn sang hai bên còn có hai đường hành lang trên không trung nữa, nối liền với hai tiểu điện ở hai vách đá trắng hai bên. Tôi quay đầu nhìn ngược về đoạn cầu thang sâu hút sau lưng, điện Nhân gian và điện U Minh cũng có hai tiểu điện nối liền hai bên chúng như vậy. Hai tiểu điện của điện Thiên Vân Hải Cung cùng với hai tiểu điện nối liền điện U Minh và hai tiểu điện nối liền điện Nhân gian, cân xứng nhau tạo thành sáu cạnh của chữ vương (王) , và tạo nên một vòng tròn sáu điện với một cái tên Lục đạo điện.

Lúc nãy tôi cũng đã kể cho các bạn về hai tiểu cung của điện Nhân Gian và điện U Minh rồi. Bây giờ biết được hai cái tên của hai lục đạo điện cuối cùng, tôi mới hiểu ra, ý nghĩa của bốn tiểu điện này là gì.

Lục đạo điện lần lượt là Phàm nhân điện, Súc sinh điện, Âm tào điện, Ngạ quỷ điện, Quỷ thần điện, Thiên giới điện, đều là những hậu cung và nơi ở của thành viên triều đình thấp hơn vua. Nếu không biết tên của năm điện còn lại trong vòng tuần hoàn, thì lòng dễ nảy sinh cảm giác kỳ quái, nhưng nếu biết được cả sáu thì chúng lại không đáng cười một chút nào mà lại cực kỳ thâm thúy.

Daisuke nhận ra ngay mối liên kết này, vì nhà dì cậu theo đạo Phật. Đó chính là sáu cái tên của sáu cõi trong lục đạo luân hồi. Cậu nói, tồn tại trong Phật giáo có sáu cõi. Sáu cõi này người ta vẫn thường gọi là lục đạo. Thế giới của loài người chúng ta thực ra chỉ là một trong sáu cõi ấy, cõi phàm nhân. Một người sau khi chết đi tùy vào đức hạnh của kiếp này sẽ được đầu thai vào một trong sáu cõi. Nhiều đức thì tiếp tục đầu thai vào cõi phàm nhân làm người, ít đức thì đầu thai vào cõi súc sinh làm động vật. Nếu trong đời phạm tội nhỏ thì đầu thai vào cõi ngạ quỷ làm ma đói lưu lạc nhân gian, phạm tội ác thì xuống cõi âm tào địa ngục chịu phạt tới khi bù đắp hết lỗi lầm rồi mới được luân hồi đầu thai trở lại. Người nào ở đời cứu nhân độ thế, không làm chuyện xấu bao giờ nhưng tính tình nóng nảy xấu xí sẽ được lên cõi quỷ thần làm thần thánh, được hưởng vinh hoa phú quý nhưng sẽ phải ở với những kẻ tính tình khó chịu như mình. Người nào đức hạnh vô biên lại hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt sẽ lên Thiên giới làm thần phật.

Xét trên phương diện khoa học, thì lục đạo luân hồi không những mâu thuẫn mà còn hết sức logic. Không như thiên chúa giáo, các nhà khoa học, thần học giải thích sự tồn tại của sáu cõi và đầu thai dưới nguyên lý bảo toàn khối lượng. Đại ý, vũ trụ dù vô biên, cũng chỉ tồn tại một số lượng vật chất nhất định. Linh hồn – ý thức của con người mắt thường không nhìn thấy, cũng là một loại vật chất. Sau khi một sinh vật chết hồn lìa khỏi xác, thứ vật chất linh hồn này không tự nhiên mất đi mà sẽ tìm một chủ thể mới để làm nhà. Điều này lý giải hàng ngày vì sao luôn có người cũ chết đi và người mới được sinh ra, thậm chí còn giải thích hiện tượng ma quỷ là những vật chất linh hồn lưu lạc không thể tìm thấy cơ thể mới vì thế gian không kịp đáp ứng số lượng vật chủ.

Tôi nghe cũng hiểu phần nhiều, nhưng thực sự nói đến sự tồn tại của linh hồn là tôi đã không thể thuyết phục rồi. Một phần tôi cũng ý thức, khoa học chỉ là tương đối, những gì hiển nhiên của ngày hôm nay có thể dễ dàng trở thành điều phi lý của ngày mai. Khi công nghệ tiên tiến hơn hậu nhân sẽ tiếp tục tìm được lời giải thích gần gũi hơn với sự thực. 1 cộng 1 sau này có thể không phải là bằng 2, nhưng bây giờ nó vẫn bằng 2 bởi vì chưa ai có thể chứng minh điều trái ngược cả.

Và như thế, tôi đã hiểu ra ngụ ý của việc đặt tên sáu cõi lục đạo cho sáu hậu cung. Tồn tại ở trên cõi đời, ngoài Phật tổ Tất Đạt Đa giác ngộ siêu thoát khỏi lục đạo tuần hoàn lên cõi Niết Bàn, thì không một sinh vật sống nào trên đời thoát khỏi vòng lặp vô tận này. Sáu hậu cung là nơi Quốc Vương để người có quyền lục trong triều đình thấp hơn mình sống, còn ông ta ngự ở, Thiên Vân Hải Cung nằm ngoài vòng tuần hoàn này. Ngụ ý việc nắm giữ Hoa trường sinh trong lòng bàn tay, ông ta đã vượt qua giới hạn của lục đạo luân hồi. Người nắm hoa trường sinh bước qua Nhân gian vượt qua U Minh, là bước lên Thiên Cung bất tử. Phụ điện của Nhân gian điện là Phàm nhân điện và Súc sinh điện, vì nhân gian bao hàm hai cõi người và cõi động vật. U Minh có hai tiểu cung Ngạ quỷ và Âm tào, vì U Minh là bao hàm hai cõi chết.

Thiên Vân Hải Cung chễm trệ nằm ngoài tuần hoàn lục đạo, không chỉ ngang hàng mà còn dám ngồi cao hơn Quỷ giới và Tiên giới. Jenny buột miệng thốt lên: “Không biết người nghĩ ra ý tưởng này có phải là Từ Phúc không, nhưng dám xây cung điện theo mô hình này thì ông ta đúng là quá đỗi cao ngạo rồi!”

image

Vậy là đã bao quát toàn bộ cung điện, chỉ còn lại một tòa kiến trúc cuối cùng, cũng là điểm đến quan trọng nhất. Từ lúc đặt chân và thiên cung tôi đã tự hỏi vườn địa đàng và tượng Phật  trong bức tranh dưới mộ cổ của Rin ở đâu, và nhóm Asuka nếu như đã đến đây thì tại sao chúng tôi vẫn chưa gặp lại họ. Theo phương pháp loại trừ, tất cả những câu trả lời mà tôi kiếm tìm đều hướng về tòa đại cung tối thượng này.

Dù đã nhìn thấy nó từ dưới kia rồi, tôi vẫn choáng ngợp trước thái độ nguy nga ngạo nghễ của nó. Bóng tối đổ xuống làm cho bốn đứa bọn tôi không khác nào bốn con kiến nhỏ bé đứng trước một vị thần. Xây được một tòa nhà lớn thôi thì vẫn chưa đủ, kiến trúc là cả một nghệ thuật đòi hỏi người thiết kế làm sao phải tạo nên được một tòa cung điện tràn đầy khí chất, bắt những kẻ ngoại đạo phải vô thức quỳ sụp xuống khuất phục trước sự tồn tại của nó. Ngoài báu vật nhân loại mang tên cung Càn Thanh ra, tôi chưa thấy cung điện thứ hai nào ngoài Thiên Vân Hải Cung đạt được đến đẳng cấp này.

Tôi và nhóm bạn đặt chân lên những bậc thang dốc đứng, xuyên qua tầng mây, tiến lên Thiên Vân Hải Cung cuối cùng. Càng đến gần với chân tướng, tôi càng nghe rõ tiếng tim mình đập rộn ràng.

Trong đầu tôi vẫn quanh đi quẩn lại một thắc mắc. Như thế này chẳng phải là dễ dàng quá rồi hay sao? Tôi cứ có cảm giác như có điều gì đó không đúng lắm ở đây. Bức tranh cuối cùng mà Rin cố tình ẩn giấu lại cho tôi một gợi ý khác. Nếu như băng thành đã ở đây, thì cung điện ngoài biển xa trong bức tranh ấy còn có ý nghĩa là gì?

Càng lúc tôi càng không hiểu ý nghĩa của bốn chiếc chìa khóa. Cánh cổng băng thành đã rộng mở, trên tường thành còn không có lấy một ổ khóa. Vậy... hà cớ gì tổ chức Asuka sống chết giành lấy chiếc chìa khóa từ bọn tôi? Vì nó mà bao nhiêu người vô tội ở làng tôi phải chết oan uổng?

...

Tầng cao nhất của Thiên Vân Hải Cung, là nơi cao nhất của đất nước, vượt qua đỉnh của ngọn núi lửa.

Nơi đây ngự một gian điện ngoài trời thoáng gió có mái che, bốn bề nhìn ra đại dương, bao quát cả vương quốc.

Trên cao, hai bên hàng lang vẫn còn lưu lại những dải lụa cổ màu xanh dương đã sờn rách, phất phơ bay trong gió. Lối đi ở giữa trải thảm đỏ. Hai bên là hai hồ nước nóng hình chữ nhật được đẩy lên từ mạch nước ngầm trong lòng núi lửa, chảy xuống hồ thượng uyển bên dưới, tạo thành những cột thác nước xuyên tầng mây. Đứng ở đây lòng xúc động vô cùng, tôi thả mình theo cơn gió trời lồng lộng, để hồn cuốn theo những lá hoa đào. Khóe mi trực trào nước mắt, sẵn sàng tuôn ra.

Tôi không thích nói quá cả ngày đâu nhưng bạn phải tin tôi. Đây không phải là một cung điện nữa rồi... đây là một kỳ quan. Khoảng khắc tôi đang sống và hít thở đây là một trải nghiệm đặc biệt và duy nhất, nó làm cho tôi có cảm giác, cả cuộc đời tôi cho đến giờ phút này chỉ là những tiểu tiết vô giá trị.

Chính là cảnh vật trong bức tranh thứ tư... chỉ là... được tận mắt chứng kiến nó còn mĩ lệ hơn nhìn qua tranh rất nhiều. A thứ lỗi, chỉ là tôi đang xúc động quá mà thôi, bạn có thể cho tôi một phút để trấn định lại tinh thần chứ? Dường như vẻ đẹp của nơi đây đã làm cho câu từ của tôi trở nên lộn xộn mất rồi.

Rin là một họa sĩ tài năng... bức tranh ở dưới mộ của cô hồi đó, không lột tả được hoàn toàn cảm giác thần tiên này, nhưng cũng chính xác tám phần mười. Từng bước, từng bước tôi đi theo hình ảnh trong tranh vẽ hóa hiện thực. Chính nó dãy hành lang có những hàng cột trụ cuốn tường vy hai bên đường, chính nó thiên đạo trải thảm đỏ tới ngai vàng.

Từng bước chân mà chúng tôi đang bước đi trùng với dấu giày của bốn người đội Eji, Rin, thuyền trưởng Tohkisaki và phù thủy Fuuto hai trăm năm về trước. Thoáng chốc tôi đặt mình vào vị trí của Rin, ngắm nhìn dưới con mắt của cô ấy lần đầu tiên tới đây. Hình ảnh trong bức tranh cổ dưới huyệt mộ thay cho những mảnh ghép ký ức lấp đầy những khoảng trống. Tôi tưởng tượng ra cảnh hai trăm năm trước đây, những công chúa hoàng tử của tộc Huyết Chân đang đùa giỡn ở nơi này. Họ đang đu mình trên những cành cổ thụ xum xuê kia. Thậm chí, tôi còn có thể mường tượng như mình đang nghe thấy những tiếng trẻ con cười rôm rả.

Bốn người chúng tôi, không ai còn đủ tỉnh táo để thốt lên một lời. Cổ họng cả bốn đều nghẹn lại, không ai nói với ai một câu. Trong bốn cặp mắt và bốn con tim là vô vàn những cảm xúc hỗn độn đang giằng xé. Ba người kia chẳng cần nói thì tôi cũng hiểu là họ đang cảm thấy gì. Đó là cảm giác tê liệt và rung động trước một kỳ quan thất truyền của nhân loại.

Và ở cuối con đường đó là tượng Phật bằng đá sau ngai vàng. Người thanh thản ngồi trong tư thế thiền định, dưới gốc cổ thụ đâm xuyên tới thiên đường.

Trong tay người là cuộn sách, thiên thư ghi lại diễn biến của hôm nay, của ngày mai... của khởi nguyên vũ trụ và chung cực của thế giới.

Lốm đốm trên những nhành cổ thụ xum xuê, là những bông Lan trắng, bông hoa nở ngày tận thế, đã kết thúc đại dịch thây ma của lần đầu.

Jenny hăm hở chạy đến đoạt pho sách, Mizuki nhanh chóng đuổi theo ngăn cô lại. Trước khi tay Jenny kịp chạm tới cuộn sách vải nằm ngang trên tay Phật. Cổ tay cô đã bị những ngón tay dài của Mizuki khóa chặt lại.

“Mizuki, anh làm cái gì thế, chẳng phải chúng ta đến đây vì pho sách này sao?”

Mizuki đáp lại cô bằng một ánh mắt rất lạnh lùng. Trong phút chốc da gà tôi nổi lên, một cảm giác tê buốt chạy dọc khắp sống lưng, thay thế cho nỗi xúc động khi được đặt chân tới chốn thiên đường.

Jenny dè chừng, tạo tấm màn cảnh giác với Mizuki.

“Mizuki, đừng nói với em, anh là gián điệp của họ chứ?”

Mizuki không đáp lại mà đánh mắt để cho Jenny tự nhìn thấy. Không phải là Mizuki có ý xấu, mà Jenny đã hiểu sai ý của anh ấy. Khuất sau ngai vàng của Quốc Vương, bên dưới chỗ mà Phật ngồi, một người đàn ông đang nằm ngửa trên đất. Hai tay anh ta đặt trước ngực trong tư thế hiệp sĩ thập tự chinh. Đầu của anh ta lở loét, da thịt bị ăn mòn không còn thấy được mặt. Bên ngoài lớp xương trắng nửa ẩn nửa hiện là da thịt vẫn còn đang chảy nước và đang cháy xèo xèo.

Hai con mắt của huyết thi trợn trừng. Nhìn trang phục và phù hiệu tôi không khỏi bị sang chấn. Đồng phục này tôi đã thấy trước đây rồi phải chứ? Bên trong trang phục thám hiểm màu nâu đất là bộ đồ công nghệ cao bó sát màu đen. Chẳng phải, đây là y phục mà ba người hội Hari đã mặc, khi tấn công làng của chúng tôi sao?

Bình luận (3)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

3 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Viết tới chương 83 này lại nhớ về hai quyển đầu, thử tưởng tượng ai đang đọc hai cuốn đầu mà lỡ click nhầm vào chương 83 này cứ ngỡ là đọc nhầm truyện (╥ ω ╥)
Còn nữa, lẽ ra sẽ có sơ đồ cố cung Huyết Chân đăng cùng chương này cho các cậu dễ tưởng tượng, nhưng tớ đặt sai vị trí của Thiên Vân Hải Cung trên bản đồ nên phải edit lại, mà tớ thì khum thích số chẵn nên muốn đăng ngày 27 chứ hum muốn đăng ngày 28. Thôi thì hẹn các cậu ngày mai sẽ có sơ đồ bổ sung hoàn chỉnh nhá ♡〜٩( ˃▿˂ )۶〜♡
Xem thêm
bao giờ hari đc lên sóng dị nhớ wá đi 😣
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
@Haru simp lỏd: ngay chương sau nè cậu (´。• ◡ •。`)
Xem thêm