1.
Tôi nhìn thấy bản thân mình đang ngồi bên bàn ăn tối, trước mặt là một chiếc bánh kem sô - cô - la tuyệt hảo cắm năm chiếc nến. Không chỉ có vậy, khắp mặt bàn còn có nào là món khoai tây chiên, gà nướng và chai Coca Cola to bự, toàn là những món mà tôi thích ăn. Ngước mặt lên, tôi thấy hai bóng người đang ngồi đối diện mình. Người phụ nữ với khuôn mặt hiền từ khẽ mỉm cười với tôi, còn người đàn ông lại đứng dậy xoa đầu tôi, sang sảng nói:
“Chúc mừng con trai của ba lên năm tuổi nhé!”
Rồi họ cùng nhau đồng thanh hát bài hát chúc mừng sinh nhật, còn tôi nhắm mắt lại, “phù” một tiếng thổi tắt cả năm chiếc năm chiếc nến, bên khóe môi nở nụ cười thật tươi. Sau khi tôi thổi nến xong, người phụ nữ mới dịu dàng hỏi:
“Lúc thổi nến con đã ước chưa? Con ước điều gì thế?”
“Da vâng, con ước…”
Tôi còn chưa kịp trả lời thì đã bị một âm thanh inh ỏi xen ngang. Khung cảnh bên bàn ăn và chiếc bánh sinh nhật bắt đầu bị đảo lộn, tôi thì bị kéo đi ngày một xa dần. Điều duy nhất tôi còn nhớ được là khung cảnh bản thân mình đang cố chạy đuổi theo những hình ảnh mờ nhòe, không còn rõ nét ấy.
Tôi tỉnh dậy.
Tiếng đồng hồ báo thức vang lên inh ỏi bên trên chiếc bàn đầu giường khiến tôi như muốn phát điên lên, bèn giơ tay ném “xoảng” một cái, chiếc đồng hồ vỡ tan thành nhiều mảnh nhỏ.
Đến khi ném xong, tôi mới bàng hoàng nhận ra điều mình vừa mới làm. Đó chính là chiếc đồng hồ mà ba mẹ đã tặng cho tôi nhân dịp sinh nhật bốn tuổi, tôi không hề có ý muốn phá hủy nó.
Ngay lúc này, giọng nói hiền từ của một người phụ nữ từ đâu vang lên:
“Chào buổi sáng con trai của mẹ…”
Rồi giọng mẹ im bặt, tôi biết bà đã nhìn thấy bãi chiến trường ngổn ngang dưới đất mà mình vừa gây ra. Nước mắt nước mũi lưng tròng, tôi chỉ biết đứng yên chờ đợi phản ứng của bà. “Mẹ tôi” vốn rất nghiêm khắc trong việc giữ gìn đồ đạc, có lẽ bây giờ ở bên kia máy bộ đàm, bà đang lựa lời để mắng mỏ tôi.
Đúng vậy, tôi chưa từng được nhìn thấy gương mặt của cha mẹ mình. Bọn họ giao tiếp với tôi bằng chiếc máy bộ đàm dạng huy hiệu mà mọi đứa trẻ con trên tinh cầu này đều được phát kể từ khi chúng có đầy đủ nhận thức. Tôi nuốt nước bọt, khẽ cúi đầu đi đến bên chiếc bàn đầu giường, nơi chiếc huy hiệu nằm yên vị trong bộ sạc dựng đứng. Từ bên kia, mẹ có thể nhìn thấy rõ ràng bộ dạng của tôi.
Tôi nghe thấy tiếng mẹ thở dài, một tiếng thở dài đầy kiềm nén, cũng chứa đầy sự bất đắc dĩ. Nhưng mẹ yêu tôi mà đúng không? Dù bà có bực dọc như thế nào, cũng chỉ là vì lo lắng cho tôi mà thôi.
“Đừng có vội mừng vì không bị mắng đấy nhé! Bởi vì hôm nay là sinh nhật con nên mẹ mới bỏ qua cho đấy.”
Đầu bên kia bộ đàm vang lên âm thanh dịu dàng của mẹ, tôi cười tươi, hớn hở chạy xung quanh bộ sạc như một con khỉ con vừa được người ta thả xích, hồi hộp hỏi:
“Hôm nay là sinh nhật con rồi, ba mẹ sẽ đến gặp con có đúng hay không?”
Trong trường học, cô giáo đã dạy đi dạy lại lũ trẻ con chúng tôi rằng: Ngày sinh nhật của mỗi người là một dịp vô cùng quan trọng. Sinh nhật khi chúng tôi lên năm, mười, và mười lăm tuổi lại càng có ý nghĩa to lớn hơn cả. Bởi vì tinh cầu của chúng tôi đã được một vị Tiên Đỡ Đầu lựa chọn để ban phước lành. Chỉ cần chúng tôi là những đứa trẻ ngoan ngoãn, nghe lời thì đúng năm năm một lần, vị Tiên Đỡ Đầu sẽ xuất hiện và ban cho chúng tôi những điều ước. Còn hơn cả ba điều ước mà vị thần trong chiếc đèn có thể ban cho con người trong câu chuyện cổ tích Alladin, tất cả những điều ước của trẻ nhỏ đều sẽ trở thành sự thật.
Đợi mãi, đợi mãi, cuối cùng tôi cũng đã tròn năm tuổi. Tôi và lũ bạn ở trường đều đã quyết định sẽ dùng điều ước này, nhờ Tiên Đỡ Đầu gọi mẹ đến để ăn sinh nhật cùng với mình.
“Không được. Con không thể dùng điều ước đó để gọi cha mẹ tới ăn sinh nhật được đâu!”
Sau khi nghe tôi kể về điều ước của mình, giọng nói của mẹ qua bộ đàm nghe có vẻ vô cùng khác lạ.
Cùng với sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật hiện đại, tinh cầu mà chúng tôi đang sống đã trở thành miếng mồi ngon trong đôi mắt của các thực thể hiểm ác ngoài không gian. Giống như bao đứa trẻ đang sống tại nơi đây, cha mẹ tôi cũng phải đi làm nhiệm vụ bảo vệ tinh cầu như bao người lớn khác. Nghe nói rằng, rồi một ngày cũng sẽ đến lượt chúng tôi phải ra tay bảo vệ tinh cầu, vì nơi an toàn sau tiền tuyến này chỉ dành riêng cho những đứa trẻ dưới mười tám tuổi.
Tất cả chúng tôi rồi sẽ phải rời tinh cầu vào năm tròn mười tám. Đó cũng chính là thời điểm mà cô giáo dạy rằng chúng tôi có thể thoải mái gặp mặt cha mẹ của mình.
Nhưng tôi và lũ bạn trong lớp vẫn hay kháo tai nhau, tại sao lại phải đợi lâu đến mức đó? Chúng tôi có điều ước của bà tiên cơ mà, chẳng phải như vậy sẽ nhanh hơn nhiều hay sao?
Nghe cách giải thích của tôi, mẹ cười trừ từ bên kia máy bộ đàm:
“Các con ngốc quá, sao có thể làm như vậy được? Hiện tại bọn mẹ đang làm việc ở nơi tiền tuyến của loài người, vị trí của ai cũng là vô cùng quan trọng. Nếu mẹ rời khỏi đây, những người còn lại ở đơn vị làm sao có thể tiếp tục làm công việc của họ được?”
Mẹ tôi nói rằng, mọi thứ trên đời này đều vận hành theo một trật tự của riêng nó. Bà kiên nhẫn lấy ví dụ cho tôi về tòa nhà Lego bằng gạch mà tôi đang xếp một cách hoàn mỹ, nhưng bỗng nhiên lại bị mất một viên. Tôi thậm chí còn chẳng thể biết được viên gạch ấy đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với cả tòa nhà. Chỉ cần biết là mất thôi cũng đã đủ để tôi cảm thấy bứt rứt không yên rồi.
Thế là tôi đành chấp nhận cách trả lời của mẹ, và đồng thời thực hiện thêm một yêu cầu của bà. Tôi ước cho ba mẹ ở bên kia có được thật nhiều danh vọng, tốt nhất là những người đứng đầu của cả “tiền tuyến” ấy, như thế thì họ sẽ chuyển từ vị trí “viên gạch” thành “người xếp gạch”, lần sau tôi có thể dùng điều ước cho mình mà không cần phải lo về chuyện đơn vị của họ nữa.
Vào buổi tối hôm đó, tôi ngồi một mình trước chiếc bánh kem vị sô cô la tuyệt hảo cắm năm chiếc nến. Tôi thổi tắt cả năm cây, bên cạnh tôi xuất hiện một bà lão hiền từ, trên tay bà cầm chiếc đũa phép lấp lánh bụi ánh sao. Bà chẳng nói với tôi một câu gì kể từ khi xuất hiện, cho tới khi tôi thổi tắt nến. Có vẻ như bà cũng chỉ mong đợi đến phần đó.
“Nào, điều ước của con là gì?”
2.
Tất cả bạn bè cùng lứa của tôi dường như đều bị ám ảnh với việc trở thành một đứa trẻ “ngoan ngoãn”. Và lý do tại sao thì hẳn rằng ai cũng biết rồi. Chỉ có những đứa trẻ ngoan mới được nhận những điều ước sinh nhật đặc biệt mà thôi.
Nhưng mọi việc không đơn giản chỉ có thế. Cái việc tưởng chừng như có phần gò ép kia lại trở thành tiêu chuẩn, giống như nấc thang thể hiện địa vị xã hội của tất cả chúng tôi trong tập thể. Lúc tôi mới vào lớp một thì chưa hề xảy ra hiện tượng này, cho đến khi cả lớp rộ ra tin đồn về Huy - một đứa bạn cùng lớp tôi đã không nhận được điều ước vào ngày sinh nhật năm tuổi của nó. Cả lớp tôi tránh xa thằng Huy như một thứ ôn dịch. Chúng nó đồn rằng thằng Huy chắc đã làm những chuyện vô cùng kinh khủng, chẳng hạn như hành hạ một con mèo, con chó đến chết, hoặc là bỏ xác một con chuột cống to đùng vào cặp đứa mà nó ghét chẳng hạn… Là một đứa trẻ được ba mẹ dạy dỗ đàng hoàng, tôi chả thấy thích thú gì với mấy lời đồn thổi nhảm nhí từ đám bạn. Ngược lại, tôi càng tò mò về lý do thực sự từ chính mồm thằng Huy hơn.
Hôm ấy vào lớp học, tôi thấy Huy vẫn ngồi một mình ở dãy bàn cuối cùng, xa xa là đám bạn chọc ghẹo, chỉ trỏ. Tôi biết chúng nó sẽ chẳng dám lại gần thằng Huy đâu, và cũng vì sự tò mò… gì cũng được, tóm lại là tôi đã xách cặp tới và ngồi vào ngay bên cạnh nó.
Đám nói xấu kia ngạc nhiên lắm. Chúng nó xì xầm với nhau, và tôi nghĩ rằng từ nay hội người bị cô lập có lẽ sẽ có thêm một đứa như tôi. Nhưng như thế thì cũng tốt, đằng nào thì tôi cũng thuộc dạng yên tĩnh trong lớp ngay từ đầu rồi, việc bị cô lập này cũng chẳng thể ảnh hưởng nhiều đến vậy.
Từ đó, tôi làm bạn cùng Huy. Mất khối thời gian để thật sự có thể làm thân với nó, nhưng chuyện gì tới rồi cũng sẽ tới, cuối cùng tôi cũng nghe được thằng Huy tự thú về lý do thực sự khiến nó mất đi điều ước sinh nhật.
Huy hoàn toàn chẳng có hành động gì có thể khép vào khung phạt “không ngoan ngoãn”, cho đến tận hôm trước buổi tiệc sinh nhật.
Vào ngày hôm đó, nó vẫn tiếp chuyện với cha mẹ qua bộ đàm như bình thường, và cũng như tôi, nó đề cập đến điều ước nó muốn vào ngày hôm đó.
Huy thở dài úp mặt vào tay, có lẽ nó thấy hối hận lắm.
Cũng như cha mẹ của tôi, người nhà Huy giải thích cho nó nghe lý do mà nó không thể dùng điều ước để gọi họ đến ăn mùng sinh nhật.
Nhưng không thể hiểu được những điều mà họ nói.
Và cũng không phải người cha, người mẹ nào cũng có thể kiên nhẫn đưa ra lời giải thích như mẹ của tôi.
Thế là thằng Huy lần đầu tiên cự cãi với cha mẹ của mình, đến tận bây giờ nó vẫn chẳng nhớ gì về những điều mà mình đã nói vào ngày hôm đó, hay cha mẹ nó đã đáp lời như thế nào.
Cứ như vậy mà thôi, ngày hôm sau, bà Tiên Đỡ Đầu đã không xuất hiện ở bữa tiệc sinh nhật của nó.
Nhưng những sự việc kỳ lạ vẫn chưa hề dừng lại tại đó. Cha mẹ thằng Huy từ bên kia bộ đàm bắt đầu trở nên bất thường.
“Bất thường như thế nào cơ?”
“Tớ… cũng không rõ nữa.”
Huy tuy không thể nói ra lý do chính xác, nhưng nó có thể đưa ra những dấu hiệu cụ thể.
Cha mẹ vẫn hành xử với nó như mọi khi, có vẻ không khác gì so với trước đây.
Chỉ là thi thoảng, nó nghe thấy những tạp âm kỳ lạ phát ra từ phía sau giọng nói của họ. Đó là tiếng người thở phì phò, hay có khi là tiếng hét, tiếng mắng chửi… những tạp âm mà nó chưa từng được nghe thấy trước đây.
Huy là một người con, và nó có linh cảm rằng có chuyện chẳng lành đã xảy đến với cha mẹ của mình. Đỉnh điểm của chuyện kỳ lạ cũng là khi nó hỏi cha mẹ mình về điều đó.
Thằng Huy nhắm chặt mắt, như thể đang nhớ lại. Cơ thể nó run lên từng đợt, không thể niềm chế được nỗi sợ hãi.
Từ bên kia chiếc máy bộ đàm, cha mẹ nó đồng thanh trả lời, âm thanh của họ hòa quyện vào nhau, vô cảm và hững hờ như thể hai chiếc máy hát đã đến giai đoạn hỏng hóc:
“CHỈ CẦN CÓ ĐIỀU ƯỚC CỦA CON, CHỈ CẦN CON DÀNH ĐIỀU ƯỚC ĐÓ CHO CHA MẸ, TẤT CẢ NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA SẼ BIẾN MẤT.”
Đó là lý do tại sao thằng Huy phải cố gắng nhẫn nhục với những kẻ đã bắt nạt mình.
Dẫu cho chúng có đánh, có hành hạ thế nào, thì nó vẫn phải cắn răng chịu đựng.
Vì đứa bắt nạt bạn là đứa không ngoan. Không ngoan thì làm sao mà nhận được điều ước từ Tiên Đỡ Đầu cơ chứ?
Tôi cảm thấy nực cười. Trò chơi giai cấp mà đám bạn cùng lớp tôi đặt ra đã phản lại bọn chúng từ lúc nào không biết.
***
Chẳng mấy chốc mà ngày sinh nhật mười tuổi của tôi sắp đến rồi.
Cũng như mọi năm, cứ đến khoảng thời gian này thì tần suất tôi nói chuyện với cha mẹ qua bộ đàm lại càng nhiều hơn trước.
Sáng sớm, tôi thức dậy bởi tiếng chuông của chiếc đồng hồ báo thức mới mà cha mẹ gửi cho tôi nhân ngày sinh nhật.
Lần này cha là người nói chuyện với tôi. Chất giọng ông sang sảng đặc trưng, tuyệt đối không thể nhầm lẫn với người khác.
“Lần này, cha mẹ phải tham gia vào một nhiệm vụ đột kích đặc biệt vào tinh cầu của người ngoài hành tinh. Đó là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.”
Tôi khe khẽ gật đầu. Cũng tức là nói, cha mẹ lại không thể đến ăn sinh nhật cùng với tôi. Là những người chỉ huy chính của binh đoàn, họ càng không thể vắng mặt khỏi nhiệm vụ một cách tùy tiện được. Tuy thất vọng nhưng tôi không hề trách móc cha mẹ mình, ngược lại còn cảm thấy vô cùng tự hào vì công việc của bọn họ.
Cha bật cười khi nhìn thấy biểu cảm của tôi. Câu nói tiếp theo của ông đã khiến cho tôi cảm thấy phấn khích vô cùng:
“Để bù đắp cho con, cha mẹ sẽ đặc cách xin phép cấp trên được gửi ảnh của mình cho con nhé.”
Một món quà sinh nhật không thể nào tuyệt vời hơn! Tôi không ngờ mình lại có thể may mắn đến mức có thể được nhìn thấy chân dung của cha mẹ trước năm mười tám tuổi. Phải biết rằng ở lớp tôi hiện tại, tình hình của cha mẹ đám bạn tôi ở “bên kia” đã tệ đi rất nhiều.
Càng ngày càng nhiều đứa trẻ nhận thấy sự khác lạ trong giọng nói của cha mẹ chúng. Những tiếng hét, tiếng chửi, tiếng bước chân, tiếng thở đã trở thành chủ đề chính trong những cuộc trò chuyện của đám bạn tôi. Thật may mà cha mẹ của tôi không hề có những dấu hiệu như bọn họ đã nói.
Cha tôi có lẽ đã thấy được gương mặt phấn khích của tôi từ bên kia bộ đàm, chất giọng của ông cũng dịu dàng hơn một chút:
“Nếu con cảm thấy cô đơn thì hãy ước bà tiên cho con thêm một đứa em nhé. Khi em sinh ra thì sẽ được đưa đến chỗ của con, khi đó hai đứa có thể chơi cùng với nhau đấy.”
Tôi gật đầu đồng ý trong niềm vui sướng vô ngần. Quả nhiên là cha mẹ rất yêu thương tôi. Dù họ có như thế nào thì cũng là vì lo lắng cho tôi mà thôi.
3.
Khoảng một năm trôi qua kể từ ngày sinh nhật lần thứ mười, tôi lần đầu tiên nhìn thấy đứa em trai mới sinh của mình. Nó được đặt nằm trong một chiếc nôi trong suốt, và được chăm sóc đặc biệt bởi rất nhiều con robot bảo mẫu khác nhau. Đứa bé rất phiền nhiễu, tiếng khóc của nó là lớn nhất trong số những đứa trẻ ở đây, và số robot đi qua đi lại xung quanh nó cũng là nhiều nhất.
“Cậu là con trai cả của ông Nguyễn Thành Đăng, hôm nay có hẹn đến thăm bé Bảo Khang, con trai út của ông ấy có phải không ạ?”
Tuy hơi khó chịu trước cách mà con robot bảo mẫu ấy gọi tên đứa em mới sinh của tôi, còn tôi thì chỉ được gọi là “con trai cả”, nhưng tôi thầm tự nhủ rằng nó chỉ là một con robot vô tri vô giác, không cần phải để ý.
Tôi nhìn chằm chằm đứa bé nhỏ xíu đang nằm trong chiếc nôi trước mặt mình. Hơi thở của nó đều đều nhẹ bẫng, cơ thể thì lại vô cùng mỏng manh. Tưởng chừng như tôi chỉ cần nhấn tay một chút là có thể khiến cho cái lồng ngực đang phập phồng không ngừng kia bằng phẳng lại.
Tôi khẽ đưa tay tính chạm vào mặt thằng bé, nhưng dưới sự bàng hoàng của tôi, gần như tất cả những con robot đang đứng xung quanh đều giơ cánh tay bằng sắt to lớn của chúng nó ra trước mặt tôi.
Nhiều cánh tay robot như thế, rõ ràng là chúng định ngăn tôi lại. Đôi đồng tử của tôi co mạnh trong hốc mắt khi tôi nhận ra cái sự thật đau đớn đó.
Những cánh tay sắt ấy tạo thành một chiếc lồng lớn, bao bọc lấy phần không gian hình chữ nhật bên trên chiếc nôi của em tôi.
Kín kẽ, chặt chẽ.
Bọn chúng dùng đôi mắt kim loại không có một chút cảm xúc, nhìn chằm chằm như thể thẩm thấu vào cả trong cả linh hồn của tôi:
“Xin lỗi, nhưng chúng tôi có nhiệm vụ phải bảo vệ cậu chủ nghiêm mật.”
Nghiêm mật? Và tôi có nghe nhầm hay không, con robot đó vừa nói là “cậu chủ”?
Sau chuyến đi thăm em trai tại bệnh viện ngày hôm đó, cha mẹ đã gọi điện thoại cho tôi. Họ hỏi tôi rất nhiều về thằng bé. Nào là tôi có thấy thằng bé dễ thương hay không? Tôi có quý nó không? Và cả chuyện sau này nó sẽ trở thành bạn chơi cùng tôi đấy.
Tôi mỉm cười thật vui vẻ khi trả lời cha mẹ. Tôi bảo thằng bé rất dễ thương, tôi rất quý nó, và thật mừng vì sau này tôi không còn phải lủi thủi một mình nữa.
***
Ngày qua ngày, em trai tôi dần dần lớn lên, còn tôi cũng trở thành hình ảnh một người anh trai vô cùng mẫu mực trong mắt nó. Nó khác tôi của khi xưa rất nhiều, có thể dễ dàng làm cho cha mẹ bật cười khanh khách, chẳng giống như tôi chỉ toàn làm cho họ phiền lòng.
Em trai tôi giống như kẻ chiến thắng kể từ khi nó được sinh ra vậy. Cha mẹ tôi đã công thành danh toại, nó lại là đứa con đã có lúc tuổi xế chiều nên được họ vô cùng chiều chuộng, yêu thương. Nó nổi bật trong đám bạn cùng trang lứa, thậm chí cả với những con robot ở khắp nơi trên tinh cầu. Tất cả như đều xoay quanh nó.
Ngày sinh nhật năm tuổi của em tôi là một ngày đặc biệt đến nỗi gần như người của toàn bộ tinh cầu đều biết. Trong buổi tiệc sinh nhật ngày hôm đó, rất nhiều trẻ con tập trung trước chiếc bàn để bánh kem, chăm chú lắng nghe xem nó sẽ ước điều gì với bà Tiên Đỡ Đầu. Giọng nói non nớt cất lên, tất cả đều trái với dự đoán của tôi về những điều ước mà nó có thể được gợi ý từ cha mẹ:
“Con mong bản thân mình sẽ khỏe mạnh lớn lên, chắc chắn một ngày cha mẹ có thể gặp được con.”
Vào khoảnh khắc ấy, một ý nghĩ chiếm trọn lấy tâm trí tôi, và dường như tôi đã hiểu ra toàn bộ quy tắc thật sự của thế giới này.
***
Ngày sinh nhật thứ mười lăm của tôi lặng lẽ bước đến như một tên trộm vặt lén lút. Trái ngược với em trai mình, buổi tiệc sinh nhật của tôi lúc nào cũng chỉ có một cái bàn với chiếc bánh kem sô - cô - la, nhưng lần này thay vì cắm năm, hay mười, thì có tận mười lăm chiếc nến đang cháy rực rỡ. Tôi nhìn những ngọn lửa lung la lung lay như thể sắp tắt lụi ấy, cảm giác bên cạnh mình xuất hiện hình ảnh của một bà lão. Bà lão chẳng nói gì, vẫn chỉ đứng yên chờ tôi thổi tắt nến. Đây là lần ước cuối cùng của tôi, nhưng lại là lần đầu tiên tôi nói chuyện cùng với bà lão.
“Cha mẹ của chúng cháu sợ ba điều ước, nên mới không bao giờ xuất hiện trước mắt chúng cháu, có đúng không ạ?”
Chẳng có tiếng ai trả lời, nhưng tôi vẫn mặc sức mà nói. Dẫu sao thì điều đó cũng chẳng cần thiết, hiện tại chỉ cần có người chịu lắng nghe tôi thôi là đã đủ lắm rồi.
Mọi thứ trên đời này đều vận hành theo một trật tự của riêng nó, ngay cả thế giới này cũng không hề ngoại lệ. Có điều, cha mẹ của chúng tôi có lẽ ngay từ đầu đã chẳng phải là bất cứ viên gạch nào của tòa nhà ấy cả.
Họ chỉ là bùn đất. Bùn đất không hơn không kém.
Mà chúng tôi, những đứa trẻ mới chính là những người thợ xây, những kẻ dùng điều ước của mình để “đắp nặn” nên những người mà chúng tôi gọi là cha mẹ.
Cha mẹ tôi đã thực hiện rất tốt công đoạn “đắp nặn” này. Bởi tôi đã ước cho họ địa vị và danh vọng, sau lại ước cho họ có thêm một đứa con. Khách quan mà nói, chính xác thì tôi đã cho họ thêm hẳn ba điều ước nữa.
Nếu không có điều ước của tôi, thì có lẽ bây giờ họ cũng như cha mẹ của những người bạn cùng trang lứa khác. Có lẽ họ sẽ trở thành nô lệ, khổ sai… hay chính bọn họ là những người đã tạo ra bộ máy ấy? Thế nào cũng được, tôi không biết quá rõ về những chuyện đó.
Tôi có thể chịu đựng được những sự thật trần trụi này, mặc cho việc bản thân đã cố gắng phớt lờ nó trong một thời gian rất, rất dài. Nhưng điều ước của em trai tôi dường như đã đẩy sự chịu đựng của tôi đến giới hạn.
Rốt cuộc thì sau cùng, cha mẹ có yêu tôi hay không? Những điều mà họ làm, thật sự là vì tôi chứ?
Tại sao sau tất cả những gì mà tôi đã ước cho họ, mà người họ muốn được gặp nhất lại không phải là tôi?
Con người thường có xu hướng xem nhẹ tất cả những thứ mà họ đã có được, mà quên đi một sự thật rằng, kẻ có thể cho bọn họ những điều đó, cũng có thể dễ dàng lấy đi tất cả.
Tôi thổi tắt cả mười lăm ngọn nến, chắp tay lại ước điều ước cuối cùng của cuộc đời mình - điều ước khiến cho bà Tiên Đỡ Đầu cười phá lên theo một cách man rợ nhất.
Và chỉ với một lần vẩy đũa phép, điều ước của tôi đã trở thành sự thật.
0 Bình luận