Súng, tro cốt và âm binh...
Nguyễn Văn Mười, Bé Vỉa Tôm Chiên Kùwu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

The Third Booklet: Sha'abiyya

Chương 30: Món quà từ cha

0 Bình luận - Độ dài: 3,347 từ - Cập nhật:

Lý do để một con người tiếp tục sống là gì?

Niềm vui trong cuộc đời? Đúng, nhưng vẫn chưa đủ.

Sự hạnh phúc khi được nhìn thấy người mình yêu thương? Lại là một lý lẽ đúng, nhưng đáng tiếc là chưa đủ.

Phú là một con người sống trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Anh sa chân vào cuộc chiến giữa những điệp viên nhà nghề chỉ vì muốn gặp lại người mình yêu. Nếu để hỏi chàng trai vào thời khắc ấy về lòng yêu nước, chắc chắn anh ta sẽ lắc đầu nguây nguẩy. Nhưng rồi khi đã chính thức bước vào nhiệm vụ này, Phú chợt nhận ra mình đã đòi hỏi nhiều thứ hơn thế. “Bạn tưởng chết là hết sao?”, Phú thường tự hỏi như vậy.

“Thì ra trong một ước nguyện, ta có cả ngàn điều ước khác.”

Đứng trước nhà ga quận Ba, đầu Phú liên tục lặp đi lặp lại thứ triết lý vặn vẹo này. Nó đã từng là nơi mà Kiều Văn Ba bị quân nổi dậy phục kích, đồng thời cũng chính là địa điểm đã xảy ra vụ thảm sát nổi tiếng. Nhưng ngày nay, tức hơn chục năm sau đó, thật khó để tưởng tượng được quá khứ đen tối của nó.

So với trước đây, ga đã được nới rộng để tiếp nhiều khách đi tàu hơn. Nhưng cũng không vì thế mà không gian tưởng niệm bị quên mất. Có một chiếc hộp lớn được đặt ở khu vực sân ga, dán giấy màu với vài dòng tưởng niệm. Và ở phía trên chiếc hộp đó, cũng có một bức tranh sơn dầu tái hiện lại khung cảnh tang thương của ngày hôm đó, như để nhắc nhở người dân về tội ác mà quân nổi dậy đã gây ra.

Phú ngắm nhìn bức tranh ấy rồi lại nhìn về phía sân ga. Hàng trăm con người đang thay nhau điền vào các khoảng trống. Chỉ vài phút thôi, tàu sẽ tới. Bất chợt, chàng trai nghĩ về những vị lãnh đạo trong thời khắc khó khăn. Có lẽ chính người dân và sự đi lên của đất nước chính là động lực để họ tiếp tục sống. Và anh tin rằng không chỉ có họ, mà bất cứ ai cũng đều có một phần trong động lực ấy.

Một lúc sau, chiếc tàu điện lao đến ga rồi phanh thật mạnh. Hàng trăm người lục đục bước vào trong toa, mặc kệ cho đằng sau có khốn khổ khốn nạn vì sự lề mề này tới mức nào. Nhờ nhanh chân nên Phú đã chọn được cho mình một ghế ngồi. Mặc dù có rất nhiều người phải tranh nhau dẫn đến còn có chút ít, nhưng như vậy vẫn còn tốt chán so với việc đứng.

Tranh thủ lúc tàu chạy, Phú lấy chiếc máy quay phim ra xem. Hôm nay tuy không phải quay thêm địa điểm nào, nhưng anh vẫn muốn quay cho riêng mình một vài khoảnh khắc, để sau này về nước còn đỡ nhớ. Trong một thước phim, Phú vừa chạy vừa thở phì phò chỉ để tránh chiếc taxi của một tay tài xế có phần nóng tính. Ở một đoạn phim khác, anh ta lại bước qua cửa khách sạn Chuyển Sinh nhưng không có ý định vào. Tính Phú là thế, chỉ biết rong ruổi rồi ca hát đến hết ngày dù ngày mai có ra sao đi nữa.

“Nhớ lắm ta ơi…”

Cất chiếc máy quay vào trong ba lô, Phú móc trong túi quần một tấm thẻ gắn chip có in logo của ngân hàng địa phủ. Nó cũng chính là một trong số những nguyên nhân thúc đẩy anh quay trở về chốn Minh Ti này.

Theo phong tục truyền thống, người ta thường đốt vàng mã cho người đã khuất vào rằm tháng Bảy hoặc Tết Nguyên Đán. Xưa kia, tiền vàng, quần áo, các vật dụng đều sẽ được chuyển đến tay người chết, nhưng bây giờ thì khác. Ngân hàng địa phủ tại Cộng hòa Liên bang Âm Phủ sẽ là cơ quan duy nhất nhận việc lưu trữ và giao nhận vàng mã đến tay từng linh hồn một. Đối với Phú, anh không quan tâm quá nhiều về những món đồ nhận được. Thay vào đó, anh quan tâm đến người cha vẫn còn trên trần thế kia hơn.

Để mà nói thì số ông già thân sinh ra Phú số cũng cô đơn. Ông ta đã mất vợ khi Phú hãy còn học lớp bốn. Tuy nhiên, chính người chồng ấy lại không tin được rằng mình chính là nguyên nhân dẫn đến chiếc thòng lọng treo trên cổ vợ mình. Bạo lực gia đình quả là một thứ gì đó quá ghê gớm, đến nỗi có thể khiến một người sẵn sàng quyên sinh. “Có không giữ, mất đừng tìm”, người ta thường nói vậy với bố của Phú mỗi dịp giỗ. Bởi vậy nên ông ta, vốn đã trầm buồn rồi, nay còn tuyệt vọng hơn gấp bội. Tính cách của bố Phú từ đó cũng trở nên hỗn loạn và cáu bẳn, lúc nào cũng chì chiết thằng con của mình.

Lý do khiến Phú trở thành một người lính mũ nồi xanh cũng từ đó mà ra. Ngày nào Phú còn học tiếng Nga trên trường đại học, ngày đó sẽ còn những vết thương lòng. Thế nên anh mới chọn cách ôm cây súng, rời xa căn chung cư tập thể số 503 và vì “nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” mà dấn thân vào vùng sừng châu Phi. Nhưng trong lòng Phú, dù bố anh có tồi tệ gấp năm, gấp mười lần thì anh vẫn yêu thương ông ta. Không chỉ vì bởi ông ta là một giáo sư, giảng viên xuất sắc, mà còn là một người đưa anh vào đời theo đúng cách nó nên xảy ra.

Vì có nhiều khúc cua nên người trên đoàn tàu cũng ngả nghiêng theo. Họ nắm chặt lấy tay nắm trên thanh sắt, nhưng điều đó không giúp tình hình cải thiện hơn là bao. Người người vẫn cứ ngả nghiêng theo, thậm chí một số còn ngã hẳn vào lòng người khác. Phú cũng không thoát khỏi cảnh này khi một người đàn ông ngã dúi dụi vào giữa hai chân anh, đến nỗi suýt nữa thì chiếc máy quay trong ba lô vỡ tan tành.

Sau hơn nửa tiếng di chuyển, chuyến tàu đã đến được ga quận Năm. Phú nhanh chóng rời khỏi toa cùng một đống bực đã chồng chất thành đống. Anh thầm nghĩ, có lẽ lần sau bản thân sẽ lái xe đi hơn là sử dụng phương tiện công cộng. Tình hình trên sân ga cũng chẳng khác ga quận Ba là bao, từ khi đây là giờ cao điểm. Những dòng người vẫn luôn xô đẩy nhau đến đập đầu vào tường xem ra cũng có dấu hiệu nhường nhịn nhau.

Kim đồng hồ đã chỉ đến số sáu. Nhưng dường như Phú chẳng bận tâm đến điều ấy một chút nào, vì bộ phận nhận vàng mã luôn làm việc thông suốt, bất kể là cuối tuần hay ngày lễ. Thứ duy nhất mà anh phải lo lắng tới có lẽ chỉ là Hùng với cái bụng đang réo ọt ọt.

Buổi tối thật kỳ lạ. Dù là trời mang màu của mực, nhưng con người vẫn luôn bước qua nó không chút sợ hãi. Hơn nữa, đây còn là thời điểm rực rỡ nhất trong ngày, đối nghịch hẳn với cái tên của nó. Hàng nghìn người kéo nhau ra đường tụ tập rượu chè hoặc đi chơi với nhau như thường, giao phó nhiệm vụ xua đuổi ám khí cho những cột đèn cao áp.

Lang thang giữa một rừng biển hiệu, Phú chợt nhớ về ngày còn sống. Khi ấy, anh vẫn thường la cà trên khắp các con phố về đêm, nhưng nhất định phải sầm uất. Những biển hiệu quảng cáo lấp lánh trên đường phố chẳng khác nào các cô người mẫu xinh đẹp, muốn phô ra cơ thể quyến rũ của mình. Và dường như cũng chẳng ai có thể cưỡng lại điều đó. Dù có chật ních người, họ vẫn cố nhét thêm cái thân mình vào, tất cả chỉ để ăn một món đồ vặt nào đó. Phú cũng vậy, cũng cố chen chân vào quán chỉ để nhâm nhi một tách cà phê. Tuy cực là vậy, anh vẫn cảm thấy vui vẻ, đơn giản là vì anh thích cảm giác này.

Giờ đây, khi cơ thể đã thối rữa trên trần gian, chỉ còn lại một linh hồn nhơ nhuốc mùi máu, Phú vẫn chẳng thể nào bỏ được thói quen ấy. Anh nhìn những biển hiệu quảng cáo nhấp nháy ánh đèn, kèm theo tiếng nhạc xập xình từ một góc nào đó trên đường. Những quán cà phê, hàng ăn thì liên tục mời gọi thực khách bằng những mùi hương và các cô hầu gái dễ thương. Ngay cả các tòa cao ốc cũng khoe sắc bằng thứ ánh sáng lập lòe. Chúng thật sinh động làm sao, nhưng cũng như đang vẫy gọi chàng ta trở về thăm những miền ký ức xa xôi. Trong một khoảnh khắc, Phú bỗng cảm thấy thật lạc lõng làm sao. Nếu hồi còn sống, chàng trai đánh mất chính mình giữa những hàng dài xe máy thì ngay lúc này, anh lại vô định giữa hàng tá biển quảng cáo. Đến mỗi tấm biển còn có nhiệm vụ của riêng mình thì anh còn có gì để tự hào nữa?

“Không, mình là một điệp viên. Mà điệp viên thì luôn có lý do cho sự xuất hiện của họ.”

Phú tự bào chữa cho sự lông bông của mình bằng một lý lẽ hiển nhiên. Đúng, anh là một tình báo viên, nên mỗi lần xuất hiện của anh đều có nguyên nhân cả. Nhưng anh luôn tạo ra cho mình một vẻ coi trời bằng vung, đi đâu cũng đều rất “phởn”, đến mức chính anh còn phải nghi ngờ về công việc nhà báo của mình. Tất cả những gì bản thân được dạy ở trường tình báo, Phú đều cải biên chúng thành của mình theo một cách không thể hài hước hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc anh là một kẻ thất bại trong ngành tình báo. Phú đã mang về đây cả đống tài liệu liên quan đến nội vụ và đối ngoại của vương quốc đối địch. Thế nên công tâm nhất mà nói, Phú còn có ích chán.

Băng qua một quãng đường dài quả thật không phải chuyện đơn giản. Những chiếc xe hơi cứ nối đuôi nhau, chậm rãi lăn bánh trên nền nhựa đường. Hẳn là các tài xế đã phải nén cơn giận lắm để không bấm còi. Hàng dài các nhân viên công sở tiến về phía nhà ga một cách thong thả, khiến Phú phải chen qua từng hàng một rồi mới đến được chỗ thông thoáng.

Cuối cùng, sau hơn nửa tiếng cuốc bộ thì Phú đã đến nơi. Đó là một tòa nhà to lớn sừng sững giữa con đường rộng nhất nhì thành phố, cao chừng sáu tầng. Bên ngoài, tất cả các bức tường đều được sơn màu kem, tạo thành một dáng vẻ có phần cổ điển. Ở giữa tòa nhà, một mái vòm hình nón nhô lên, trên đỉnh có cắm quốc kỳ của nước cộng hoà âm phủ. Đồng thời, đó cũng là nơi treo tấm biển lớn “ngân hàng địa phủ”.

Đi sâu vào trong, Phú chạm mặt với một cánh cửa bằng gỗ to và nặng, nhưng cũng không làm anh mất quá nhiều thời gian để đẩy vào. Khi cánh cổng mở ra, một không gian trang nghiêm hiện ra. Treo trên đầu đại sảnh là một đèn chùm lớn. Bởi vì không gian rộng lớn của đại sảnh nên ở khắp nơi, chỗ nào cũng treo những bức ảnh mang dấu ấn lịch sử của ngành ngân hàng. Ngoài ra, tất cả những bức tường đều được sơn màu kem, ngoại trừ bàn lễ tân. Và cũng chính tại đây, chàng trai được chứng kiến một khung cảnh hết sức bận rộn. Tuy đã hết giờ hành chính, nhưng các nhân viên vẫn đang hì hục làm việc. Những căn phòng tấp nập người vào kẻ ra. Các nhân viên áp tai vào nghe điện thoại, còn tay thì viết vào sổ ghi nhớ. Đây là nơi hiếm hoi trong thành phố còn làm ca đêm, chỉ đứng sau các cơ quan thiết yếu của chính phủ.

Theo trí nhớ của mình, Phú tiếp tục đi sâu vào bên trong. Thực ra thì đây không phải lần đầu tiên anh đến ngân hàng này. Kể từ lúc Phú mất, anh đã đi nhận vàng mã được đôi ba lần. Nhưng ngặt một nỗi, kể từ sau cuộc chiến khiến hai miền âm phủ chia làm đôi, chàng trai đã không thể trở về nhân gian xem mọi sự thế nào nữa. Có lẽ bố sẽ buồn vì bàn thờ thiếu vắng con trai lắm, anh thầm bật khóc. Nhưng dù sao thì Phú vẫn luôn muốn phù hộ cho ông bố được sống một cuộc đời khỏe mạnh, làm ăn phát đạt. Còn về phần cái chết của chính mình, anh cũng chỉ hờ hững, coi đó là phận bèo mây trôi mà thôi.

Tiếp tục lên tầng hai thông qua thang máy, Phú lại được một phen trầm trồ. Nơi này còn đông gấp bội so với tầng trệt. Họ đi đi lại lại quanh các phòng, hệt như dòng nước luân chuyển vậy. Một số ít thì ngồi nhâm nhi lon cà phê, lưng dựa vào máy bán hàng tự động.

“Giờ thì mình đã tìm thấy nơi nhận vàng mã rồi.”

Gia Phú nhìn thẳng vào tấm biển treo trước cửa một căn phòng. Cuối cùng thì sau hơn mười năm, anh cũng đã đến đây để nhận về những món đồ gửi về từ dương gian. Không chút chần chừ, chàng trai bước thẳng vào trong phòng.

“Chào cô, tôi muốn được rút tiền vàng mã của mình.”

Phú ngồi phịch xuống cái ghế trước quầy, nghiêm túc đề nghị nhân viên. Nhưng tay nhân viên kia cũng đâu phải dạng dễ dọa. Để đáp lại, cô ta lườm Phú, miệng hỏi một câu hết sức lạnh lùng.

“Cho tôi được xem thẻ ngân hàng và giấy tờ tùy thân của anh.”

Làm theo chỉ dẫn, Phú đưa tấm thẻ khi nãy vẫn còn lôi ra xem trên tàu điện ngầm, kèm theo giấy tờ chứng minh bản thân. Nhưng trong một chốc, anh cảm thấy thật kỳ lạ, bởi vì trước kia chỉ cần có thẻ ngân hàng là được rút rồi. Phú liền hỏi cô nhân viên đang soi giấy tờ kia một câu hết sức hồn nhiên.

“Ơ, trước kia tôi thấy có phải xuất trình thêm thứ gì ngoài thẻ ngân hàng đâu nhỉ, sao nay lại đổi quy định thế?”

Ngay lập tức, cô nhân viên cười lớn. Người phụ nữ ấy bèn giải thích cho chàng trai ngốc nghếch kia.

“Anh nói đúng, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác rồi. Từ năm ngoái, do vấn đề liên quan tới tài trợ khủng bố nên chúng tôi buộc phải làm chặt khâu này hơn rồi. Hơn nữa, anh cũng sẽ không còn được nhận hai triệu đổi từ vàng mã nữa, thay vào đó sẽ chỉ là vàng mã thôi. Liệu anh vẫn còn muốn rút chứ?”

Quái lạ, mọi thứ đã xoay ngược một trăm tám mươi độ rồi sao, Phú tự hỏi. Trong kỷ nguyên công nghệ này, vàng mã đã chính thức trở thành mớ giấy lộn không hơn không kém. Vốn dĩ anh cũng muốn kiếm thêm chút tiền từ hương hoa vàng mã đốt xuống, nhưng sự đã thế này rồi thì cũng phải chấp nhận thôi, chứ không nhẽ lại ra về tay trắng?

“Được, tôi vẫn muốn lấy tiền vàng mã.”

Phú thẳng thắn đáp. Cô nhân viên kia lại lấy thẻ của anh đưa vào trong đầu đọc gắn liền với máy tính. Mọi thứ chỉ diễn ra trong vòng vài phút. Sau đó cô ấy trở vào cánh cửa phía trong rồi hí hoáy một hồi. Phải mất thêm chừng hai mươi phút nữa cho tới khi nhân viên quầy mang ra một chiếc hộp các tông lớn, có dán tem ghi tên Nguyễn Phạm Gia Phú.

Đối mặt với chiếc hộp, tim Phú đập nhanh và mạnh hơn bao giờ hết. Đã quá lâu rồi anh chưa được sờ vào thứ đồ gửi xuống từ nhân gian, đã thế còn là đồ của bố chuyển xuống nữa chứ. Cầm lấy chiếc hộp, chàng trai trẻ liền móc con dao bấm ra và hỏi nhân viên một cách hồn nhiên.

“Hơi thô lỗ một chút, nhưng tôi có thể khui nó ngay tại đây chứ?”

“Cứ tự nhiên.”

Cô nhân viên khoanh tay ngồi nhìn Phú bằng ánh mắt của một kẻ chuyên soi mói.

Rạch và mở chiếc hộp các tông ra, Gia Phú không khỏi ngạc nhiên. Nếu như mọi năm chỉ có tiền vàng thì năm nay, số tiền trong hộp đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn lại ba xập tiền để gọn trong góc. Anh bắt đầu nhìn qua từng tập một, từ kiểu trung đại mang đậm chất phong kiến, mẫu phỏng theo tiền hiện lưu hành trên dương gian cho tới cả những đồng đô la nhìn trẻ con đến nực cười. Nhưng trong đầu Phú lúc này cũng nảy ra một câu hỏi, rằng liệu ông bố có biết đến sự tồn tại của những tờ tiền âm phủ đích thực không mà chỉ để chúng như thể đang tượng trưng vậy.

Tuy nhiên, suy nghĩ đó đã sớm bị xóa bỏ khỏi tiềm thức của Phú. Thì ra đằng sau chỗ tiền tượng trưng đó là một lớp bìa cứng khác. Thấy vậy, chàng ta liền để tiền sang một chỗ rồi tháo tấm bìa ấy ra.

“Ôi trời ạ…”

Ẩn sau lớp bìa chính là một bộ quân phục của lính “mũ nồi xanh” thuộc Liên Hợp Quốc. Dường như đây là hàng được đặt riêng ở một cửa hiệu vàng mã nào đó. Từng đường kim mũi chỉ được khâu rất gọn và đẹp, không có chút dư thừa nào. Từ áo, quần cho tới bốt, mũ nồi, khăn quàng, tất cả đều đủ cả. Lúc này, cổ họng Phú như nghẹn ứ lại. Chàng trai chẳng thể nào nghĩ được tới ngày hôm nay. Sau bao năm phơi mình ngoài vùng sừng châu Phi, kể cả đến khi chết rồi vẫn còn được tưởng nhớ tới. Có thể nói, đó là một niềm vinh dự lớn lao của mỗi người lính nói chung và Quân đội Nhân dân Việt Nam nói riêng. Ngoài ra, còn có một tấm thiệp ghi những lời chúc mà từ khi còn sống Phú chưa bao giờ được nghe thấy:

“Hãy yên nghỉ dưới suối vàng nhé, con trai cưng. Bố chỉ mong kiếp sau được nhìn thấy con một lần nữa, cho dù không còn là con trai của bố nữa.”

Khi này, đôi mắt của anh đã trực trào nước mắt.

“Bố ơi, con yêu bố nhiều lắm!”

Những giọt nước mắt của hạnh phúc rơi xuống tấm thiệp, làm nhòe đi chữ viết bằng thứ mực rẻ tiền nhưng đong đầy yêu thương ấy.

Sau cùng, Phú rời khỏi ngân hàng với chiếc hộp đã được dán kín lại. Có lẽ giờ đây anh đã hiểu được lý do sống của một người làm cha…

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận