Súng, tro cốt và âm binh...
Nguyễn Văn Mười, Bé Vỉa Tôm Chiên Kùwu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

The Third Booklet: Sha'abiyya

Chương 26: Trở về mẫu quốc

0 Bình luận - Độ dài: 5,603 từ - Cập nhật:

“Gửi bố,

Con đang viết bức thư này trong một tình huống hết sức vội vã. Mọi thứ xung quanh đây trôi nhanh như diều gặp gió vậy, bố ạ, đến mức khó có thể tưởng tượng được. Đã bao nhiêu năm rồi kể từ ngày con rời xa nhân thế nhỉ? Một năm, hai năm, ba năm, rồi thấm thoắt cái đã đến cái giỗ thứ mười mấy rồi. Thật buồn biết bao… Giờ thì con đã hiểu được cái cảnh người bạc đầu tiễn kẻ đầu xanh rồi.

Sinh ra trong một gia đình trí thức, thật khó cho con để tiếp thu bất kỳ thứ gì theo cách thuần túy nhất. Từ cách lẫy, cách nằm, cách chập chững đứng lên, sau này là đồ chơi, sách báo và phim ảnh, chúng đều được bố chọn lọc một cách nghiêm ngặt. Con, từ nay và mãi về sau, vẫn sẽ phải cảm ơn bố nhiều lắm. Con là ngôi sao sáng nhất đáp xuống trần gian này, may mắn gấp vạn lần những đứa trẻ cầu bơ cầu bất, đêm ngủ gầm cầu, sáng ăn bụi.

Mỗi đứa trẻ đều xứng đáng được nuôi dạy tử tế, con cũng như vậy. Được chiều chuộng và bế, ẵm bởi bố, mẹ và những người thực sự yêu thương con là vinh dự lớn nhất cuộc đời này. Sẽ không bao giờ con quên những bữa tối đầy ắp tiếng cười và niềm hạnh phúc giữa ba con người chúng ta. Tuy rằng chúng chỉ là những món đơn giản, nhưng chỉ cần chừng ấy là quá đủ rồi.

Dù bố mẹ không giàu có, song kiến thức là tất cả những gì quý giá nhất hai người dành cho con. Chúng thực sự rất có ích. Và quá trình tiếp thu cũng thật gồ ghề làm sao, khi thì thẳng đuột và nhẹ nhàng, lúc thì lại đau đớn. Tất nhiên, là một người trưởng thành, con nhận thấy đó là sự tất yếu trong cuộc đời này.

Nhưng bố ạ, sao bố lại tàn nhẫn với con như vậy? Phải chăng bố muốn con ngộ ra được chân lý của cuộc đời này? Những đồng tiền rơi vãi ngoài kia chẳng phải đã bị hốt sạch rồi sao?

Năm con mười hai tuổi, mẹ đã rời khỏi thế giới này. Tất cả những gì bà ấy để lại chỉ là một lá thư với vài dòng ngắn ngủi chỉ đích tội bố. Và sau đó chắc bố cũng biết rồi, họ hàng bên ngoại quay lưng với bố, sỉ vả và cố gắng hạ nhục bằng từng con chữ. Khi đó con còn quá nhỏ để hiểu được đằng sau ấy là gì. Tất cả những gì con biết chỉ là khóc bên thi hài của mẹ. Không, con đã làm điều này kể từ khi nhìn thấy cái xác vô hồn rồi. Một màu xám xịt, mạch không còn đập trong khi toàn bộ thân thể thì bị treo lơ lửng như ngọn đèn. Khuôn mặt mẹ khi ấy lạnh ngắt và cứng đờ, không một xúc cảm nào. Người chết trước lúc ra đi còn biết thanh thản, vậy mà mẹ lại lặng thinh như vậy. Có lẽ chúng đã trở thành cơn sóng ngầm dưới lòng sông rồi.

Mười sáu tuổi, con dần bước khỏi tuổi thơ êm đềm bằng một cú ngã dữ dội. Bố, theo một cách chính trực và thanh liêm nhất, đã bị kết tội bởi nhà ngoại vì đã gián tiếp gây ra cái chết cho mẹ con. Trước đó, con đã không hề biết những cú nấc của mẹ chỉ là sự nhẫn nhục và càng ngày, chúng càng đẩy mẹ về phía bóng tối. Và khi biết được sự thật tăm tối không kém đó, con cũng giống mẹ vậy, chỉ biết trách cứ bố trong thầm lặng. Bởi vì một sự thật hiển hiện trước con rằng, chỉ có bố là người giám hộ và sẵn sàng chi trả sinh hoạt phí cho máu mủ của mình. Nếu không, một thằng trẻ ranh chưa nứt mắt cũng chẳng biết đi đâu về đâu cả.

Khi lên mười tám, lần đầu tiên con thấy bố mỉm cười. Đó là khoảnh khắc mà con biết mình đã đỗ đại học. Buổi tối hôm ấy không hề xa xỉ chút nào, chỉ là mâm cơm quen thuộc với rau muống kèm đậu phụ. Nhìn thấy cảm xúc trên mặt người có công sinh thành với mình như vậy, con cũng rớt nước mắt vì hạnh phúc. Nhưng chỉ sáng ngày hôm sau thôi, bộ mặt cau có đó đã quay trở về với bản ngã của chính nó. Bố bắt đầu nghiến răng ken két, đi đâu cũng dậm chân một cái như để xả cục tức to bằng nắm đấm ra. Và con biết, con lại làm phụ lòng bố rồi. Rồi những năm tháng tiếp theo, bố liên tục chất vấn, hỏi rằng tại sao con không theo định hướng của bố. Nhưng bố ạ, lắng nghe là một chuyện, nhưng có làm theo không lại là chuyện khác. Vậy nên thế giới này mới có những sự chuyển biến vĩ đại.

Tốt nghiệp trường đại học với tấm bằng trong tay là ngày hạnh phúc thứ nhì đời con. Song đó cũng là ngày bố cắt trợ cấp cho con. Tiền làm thêm không thể bù đắp cho chi phí ăn ở riêng được, thế là con lại phải quỳ lạy trước thềm nhà. Và đùng một cái, con thi lại và vào trường sĩ quan.

Cho đến ngày con lìa đời, con vẫn chẳng thể nào quên những năm tháng trong quân ngũ. Kể cả những tháng ngày triền miên ở vùng sừng châu Phi nóng bỏng da thịt nữa. Tại đó con được gặp một gã sĩ quan biến chất và nghe ông ta kể chuyện hoa lệ ở xứ sở cách đất nước ta nửa vòng trái đất. Đó là hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo, bố ạ, người ta dẫm đạp lên nhau mà sống.

Có lẽ con hơi nhiều lời khi cứ nhắc đi nhắc lại chuyện xưa tích cũ. Thôi thì chuyển qua chuyện cá nhân con vậy. Bố vẫn còn nhớ nhỏ Tuyết ở khu tập thể cũ nhà mình chứ? Con muốn cưới và sống một cuộc đời hạnh phúc với em ấy, nhưng đáng tiếc là số phận, hay chí ít là con đã nỗ lực không đủ để được sống tiếp cho tới ngày lên xe hoa. Thật cay đắng làm sao, nhưng dẫu sao chuyện cũng đã rồi. Tiếc rằng bố chưa bao giờ hỏi con trai mình về chuyện lấy vợ, mà chỉ chăm chăm muốn con nó theo đường mình vẽ ra. Con rất thất vọng.

Chúng con đã yêu nhau từ khi còn học phổ thông. Tuyết là một người con gái đáng yêu và thuần khiết từ tâm hồn. Con, tuy đã bị nhơ nhuốc vì khói thuốc súng và những bữa nhậu nhẹt vô độ, nhưng vẫn đủ để được coi là người tình trong mắt em ấy. Kể cả trước đó thôi, tụi con vẫn còn ngồi tỉ tê tâm sự, rồi đàn hát với nhau. Chúng nhẹ nhàng vô cùng, đến nỗi đôi lúc con tưởng cả hai chỉ là bạn. Và rồi sau này, khi cả hai đã lớn lên trong sự hỗn loạn của xã hội người lớn, con mới thấy nó sâu đậm đến chừng nào.

Nhưng rồi như một dòng kẻ vậy, mọi thứ đều có điểm kết. Chỉ tiếc là dòng kẻ này quá ngắn. Con và Tuyết đã ra đi trong cùng một ngày. Bố ơi, cảm giác bị xe tông đau đớn lắm, nhưng làm sao bằng được cảm giác ôm người mình yêu đang chết dần chết mòn. Xương sườn con nát tan, lồng ngực như bể hết mọi thứ, nhưng bàn tay rướm máu ấy vẫn chỉ muốn ôm lấy Tuyết thôi. Con đã thực sự khóc khi thấy em ấy nhắm chặt đôi mắt trong lòng mình.

Thưa bố, nếu có kiếp sau, con vẫn muốn được đoàn tụ cùng mẹ và em Tuyết. Cuộc đời con được như cho tới lúc mất đều là nhờ hai người ấy, tươi đẹp biết nhường nào. Tuy bố không phải người xấu, nhưng con không tin bố là một phụ huynh tốt.

Gửi từ thế giới bên kia, nếu có thể đến tay người sống.”

Nguyễn Phạm Gia Phú nhìn đi nhìn lại bức thư được viết trên máy bay. Đôi mắt anh hiện lên nét đượm buồn, không biết là do nỗi khổ trong lòng hay do bản thân đã viết thư nữa. Anh đã không dám đề thêm những gì mình đang làm trong bức thư, phần vì lo sợ, phần vì luật lệ cổ xưa của thế giới này.

“Mình không mong gì hơn ngoài một cái kết có hậu.”

Chàng trai thở dài. Bao quanh anh lúc này là buồng nghỉ của máy bay, cách một ngàn mét so với mặt đất. Đó là hai miếng nhựa lớn ốp thẳng vào khoang hành khách, dạng chữ L.  Một tấm rèm ngăn cách Phú với những hành khách khác, trong khi nguồn sáng duy nhất chỉ là mặt trăng vằng vặc ngoài kia. Phú không bật đèn, mà cứ tranh sáng tranh tối như vậy mà soạn thư. Anh không có tâm trạng để được nhìn bằng thứ ánh sáng nhân tạo đó, mà chỉ muốn được thành thật với thực tại.

Tiếng gió hú bên ngoài truyền thẳng vào trong khoang làm chàng ta có phần bất an. Cảm giác như một nỗi nhớ xa lạ đâm thẳng vào tim vậy. Nhưng rồi chỉ được một chốc thôi, vì Phú đã dặn lòng mình không được nghĩ quá nhiều về chuyện tiền kiếp. Kể cả Tuyết nữa, vì dù sao công việc vẫn là công việc, tuyệt nhiên không thể để nó làm rối loạn được.

“Nhưng một chút thôi vẫn được chứ nhỉ?”

Anh tự hỏi. Phải, những ký ức xưa kia thật đau đớn, tựa một nhát dao đâm xuyên lồng ngực, nhưng cũng thấm thía làm sao. Phú còn nhớ người bố bất thường của mình. Tất cả dòng chữ kia không thể miêu tả được hết sự thay đổi về mặt tâm lý của ông ấy. Năm xưa, Phú đã từng ghê sợ vì nghi ngờ do ông học quá nhiều mà thành vậy. Và đến tận bây giờ, tuy đã khai phóng và rộng mở hơn chút, anh vẫn thấy ớn lạnh khi nói về người cha ấy. Thực sự, điều mà anh từng đau đáu đi tìm trong những năm tháng còn sống chính là nguyên nhân đằng sau cái chết của mẹ. Tuy năm lên mười sáu đã được biết, song Gia Phú vẫn không sao giải mã được tâm lý của người phụ nữ ấy. Anh khao khát được tìm hiểu chỉ để thấu cảm cho nỗi lòng người mang nặng đẻ đau, dù cho bà ấy đã không còn trên đời nữa. Dù thân xác là một người lớn, nhưng bên trong Phú vẫn là một đứa trẻ khát dòng sữa tên tình mẹ. Chỉ tiếc rằng tới khi rời xa nhân thế, Nguyễn Phạm Gia Phú vẫn không thể gặp lại bà ấy. Anh chỉ nghĩ vẩn vơ rằng mẹ đã đầu thai sang kiếp khác rồi.

Gia đình là thứ mà Phú chưa thể định hình rõ ràng, vì mỗi ngày sống với bố là một cuộc chiến. Loại chiến tranh mà được quyết định bởi việc anh có bị đuổi ra khỏi nhà hay không. Những năm tháng ấu thơ cứ thế trôi qua trong một gia đình hết sức giả tạo: con thì ở ngoài nhiều hơn ở nhà, lắm khi còn qua nhà bạn ngủ, trong khi bố thì chỉ suốt ngày đi thỉnh giảng hoặc làm việc mà quên luôn nó.

Thanh xuân của Phú là giấc mơ màu hồng của riêng anh. Đó là khi anh quyết định ra ở riêng vào ngày nhận bằng tốt nghiệp đại học. Hai mươi hai tuổi lại tiếp tục với Tuyết trong vài tháng, để rồi được chào đón bởi môi trường quân sự. Tuy rằng khắc nghiệt và khổ sở, nhưng chí ít anh được ngắm nhìn nụ cười của người bạn nối khố mỗi ngày. Cho tới tận lúc này, mười mấy năm kể từ sau ngày qua đời, Phú vẫn còn nhớ từng khoảnh khắc ấy. Bởi vậy nên nói đi tìm Tuyết cũng không sai trong chuyến hành trình đầy khổ ải này.

Càng nhớ, Phú càng thấy tức ngực. Anh lấy tay gạt đi những giọt nước mắt đau khổ rồi cố gắng đi ngủ. Ngoài kia, ánh trăng vẫn chiếu vằng vặc.

Bốn giờ sáng, khi mặt trăng còn chưa lặn, điện thoại Phú đã nhảy tin nhắn liên hồi. Cảm thấy khó chịu vì bị quấy rầy, Phú ngắt kết nối luôn với mạng không dây trên máy bay. Phải chừng nửa tiếng sau, anh mới chịu dậy vì tiếng chuông báo thức. Khi kết nối lại, Phú chợt nhận ra mình đã quên mất nửa kia của thứ gọi là “gia đình”. Hai tin nhắn từ người em anh giúp đỡ từ hồi còn học ở trường đào tạo tình báo.

“Lần cuối cùng mình nhắn tin với nó là bảy năm trước…”

Phú sững sờ trước mục thời gian nhắn tin. Bao năm qua, anh đã đâm đầu vào thu thập tin tức dưới vai một nhà báo mà quên mất người ấy. Giờ đây, khi anh ta đã có cơ hội để quay trở lại mẫu quốc, vậy mà lại quên bẵng đi một cách dễ dàng như thế. Có lẽ chẳng còn cách nào khác để đền tội nữa rồi…

“Xin lỗi, để chú phải chờ lâu rồi. Chắc chừng nửa tiếng nữa là anh sẽ hạ cánh, nên hãy chờ xíu nhé”. Phú vội nhập rồi nhấn gửi chỉ trong có vài giây. Lúc này anh mới chính thức tỉnh ngủ. Bên ngoài kia vẫn là những đám mây trắng phau, nhưng đã thấy được chút màu xanh của cây phía dưới. Rồi máy bay bất chợt lắc sang bên phải. Chàng trai biết rằng chỉ chốc nữa thôi, mình sẽ được trở về quê hương thứ hai.

Tranh thủ trước khi xuống Minh Ti, Phú cầm bộ bàn chải cùng tuýp kem ra nhà vệ sinh. Trong cái buồng chật chội tới nỗi không thể giang tay ấy, anh vừa đánh răng vừa ngân nga giai điệu xưa cũ. Bọt kem trắng xóa phủ khắp mồm Phú, tạo thành một lớp phủ từa tựa râu của ông già Noel. Vì không có cốc nên Phú phải làm một hành động hết sức khó coi: Ghé mồm vào vòi để súc miệng. Tất nhiên, hành động này không thể hoàn toàn làm sạch như cầm một cái cốc lên được, nên phải sau năm lần bảy lượt thì mới xong.

Vừa nhìn hàm răng trắng bóng như sứ của mình, Phú vừa thầm nghĩ:

Tiếng hát át tiếng bom là có thật.

Quả nhiên, trong một cái nhà vệ sinh ồn ào vì tiếng tua bin gió thì chỉ có nhạc là vị cứu tinh. Thêm nữa, dù đã lớn đầu rồi nhưng thực sự Phú rất sợ tiếng phát ra trong những căn nhà vệ sinh, nên cũng chẳng lạ khi thấy anh làm vậy.

Đúng nửa tiếng sau thì máy bay hạ cánh. Một cú đáp không được êm ái cho lắm đã xảy ra. Trước khi rời khoang hành khách, Phú đã kịp chỉnh trang lại quần áo sao cho giống một nhân viên ngoại giao, chứ không phải một tay nhà báo vô danh tiểu tốt. Anh lén mở vali và lấy ra chiếc áo vest còn mới, bỏ tay áo xuống rồi mặc nó vào, siết cà vạt sao cho không ai thấy kẽ hở nào. Tất cũng được thay bằng một đôi khác màu đen, sao cho phù hợp với đôi giày da.

Sân bay quốc tế Minh Ti là một nơi hoàn toàn khác so với nước láng giềng. Chỉ mới xuống máy bay được vài phút thôi mà người đã ở đâu kéo đến, làm rối loạn hết cả hàng lối. Trông họ cũng không phải dạng nghèo khổ, mà toàn khoác hàng hiệu trên người. Nhưng Phú đoán có lẽ vì đông quá nên mới xảy ra tình trạng này, và anh hoàn toàn thấy ổn với điều đó.

Tiến sâu vào trong ga quốc tế, những ký ức lại tràn về với chàng trai. Sân bay rộng khủng khiếp. Càng đi, anh càng thấy không gian như đang nở ra, cùng với sự xuất hiện của những cầu thang xoắn ốc. Mười năm trước, nơi này vẫn chỉ là cái lối đi tạm thay cho một phần ga quốc nội đã bị đánh bom, vậy mà bây giờ đã tách thành một chỗ riêng biệt. Thay cho những tấm bảng cảnh báo là các máy bán hàng tự động, bày ra đủ thứ như cơm nắm, bánh ngọt và mì ramen nhằm níu chân anh ta lại. Hai hàng nước mắt, sự ngờ nghệch vì tiếng pháo cũng được thay bằng những nụ cười và sự vội vã. Thực sự, nơi này đã khác xưa rất nhiều. Kể cả thời trước ly khai cũng không được nhộn nhịp đến như thế.

Phú rảo bước trong ga quốc tế vài vòng. Hàng chục bóng đèn huỳnh quang phả hơi ấm xuống cánh đồng người, khiến chàng trai có phần hơi bức bối. Như bao sân bay khác, phi trường quốc tế Minh Ti là nơi đặt đại lý bán vé của các hãng hàng không nổi tiếng. Những cầu thang xoắn ốc, vốn xuất hiện từ lối vào ga, từ lâu đã là điểm nhấn của ga quốc tế. Với hình dáng vốn có của mình, chúng cuốn các vị khách vào những cơn chóng mặt bất ngờ, khiến họ đôi lúc cũng lên nhầm tầng. Đặc biệt, ở tầng trệt còn có một bức phù điêu khắc trên cây cột trụ lớn nhất ga, với những họa tiết cổ truyền vô cùng ấn tượng.

Theo bước chân mình, Phú đi về phía cửa phi trường, gần các quầy check-in. Trước mắt anh, hàng dài những người thuộc đủ tầng lớp đang chờ được bay tới các quốc gia khác trong khối liên bang. Đó là dấu hiệu của sự thịnh vượng, điều mà vương quốc khó có thể làm được. Bản thân giá vé máy bay ở đấy cũng đã khá cao rồi, chỉ có những người thuộc lớp trung lưu đổ lên mới lo nổi. Như Phú đây thì cũng thuộc dạng bần nông, nhưng nhờ bầu sữa của tổ chức nên mới có tiền tiêu thỏa thích đến thế. Và đương nhiên, anh không muốn để lộ chúng ra trước thiên hạ chút nào.

Bỗng, Phú chợt nhớ ra hai thứ mình cần làm.

“Phải rồi, mình cần nội tệ và một cái sim.”

Và thế là anh chạy ra quầy thu đổi ngoại tệ cách đó không xa. Dù chỉ là một ki ốt nhỏ và tuềnh toàng, nhưng nhờ có logo nhà băng nên vẫn đảm bảo được độ uy tín. Nhân viên quầy cũng rất thân thiện. Nhờ sự tư vấn của anh ta, Phú mới biết được rằng một đồng vương quốc thì đổi được ba đồng liên bang. Trong mười phần mang theo thì Phú lấy năm phần tiền ra đổi, còn đâu để khi về nước còn có việc. Những tờ giấy bạc in mặt quốc vương, lấp lánh ánh vàng kim được nhân viên đếm trên máy rồi cẩn thận cất vào khay đựng. Sau đó anh ta lại lấy ra một xấp tiền khác, lần này chúng được in trên nền polymer. Chừng ba mươi triệu tiền nội tệ được sắp ngay ngắn, cột lại bằng thun rồi đưa cho Phú.

“Chà, chúng… đẹp quá.”

Chàng nhà báo cảm thấy như được trở về những tháng ngày đầu tiên trên vùng đất âm phủ này. Trên tay anh ta là những tờ bạc in hình quốc huy của toàn liên bang, còn bên phải vẽ chìm dưới các con số là bản đồ thời tiền ly khai. Thật là một cách dạy lịch sử tinh tế. Nhưng dẫu sao thì thực tại vẫn là điều cần chú trọng, hai bên đã ở trong thế ổn định, nên muốn giật dây lật đổ là tương đối khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Tuy vậy, thời thế tạo anh hùng, phải có việc khó thì mới sinh ra người xử lý.

“Thôi được, tới lúc phải tạm biệt chỗ này rồi.”

Phú quay lưng lại, định rời đi thì bất chợt nhân viên đổi tiền gọi anh. Ra là chiếc thẻ sim, anh phì cười. Chỉ một chốc với chiếc kim băng giấu trong túi áo, Phú đã truy cập vào mạng của Cộng hòa Liên bang Âm Phủ. Cảm giác như mới sở hữu một cái điện thoại nữa vậy, anh ta nhếch mép cười.

Bước ra ngoài sân bay mới là năm rưỡi sáng. Trời còn hơi tối, đèn đường vẫn sáng trưng. Nhưng cái làm Phú thích thú chính là làn gió từ đâu thổi đến. Nó mát lạnh, làm con người ta hơi tê tê, nhưng chỉ là một chút thôi. Cảm giác như gió biển thổi bên bờ Hải Mộ vậy, điều mà Phú đã không còn để ý trong vài năm trở lại đây.

Đi thêm vài bước, anh chàng mới nhận ra nơi này rộng đến chừng nào. Những chiếc cột lớn trụ vững cho chiếc mái vòm được vững. Các dòng chỉ dẫn được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Hán Âm Phủ. Và điểm xuyết là chiếc cầu hình vòng cung đang nâng đỡ sân ga. Trong tầm mắt anh, bao quát là khung cảnh nhộn nhịp của những chiếc taxi. Chúng như những con ong vậy, lặng lẽ vút qua như đi lấy mật, nhường chỗ cho xe khác. Người thì ra vào tấp nập, kẻ lên xe người xuống đường. Phú dễ thấy một vài vị khách cùng chuyến bay của mình, chủ yếu toàn là mấy tay doanh nhân thành đạt, nắm trong tay cả nền kinh tế quốc gia.

Giữa dòng đời tấp nập, Gia Phú vẫn loanh quanh trước cửa sân ga, cho tới khi một người thu hút ánh nhìn của anh. Đó là một thanh niên trẻ đứng dựa lưng bên chiếc Civic Mugen mẫu FD2. Người thanh niên đó khá đẹp trai, đeo kính áp tròng màu cam, tóc nhuộm vàng dù chính gốc là người châu Á. Khi nhìn thấy Phú, anh ta nhăn nhở cười, tay huơ huơ như để khoe bộ vest họa tiết nhiệt đới quá đỗi nổi bật.

“Lâu lắm rồi chưa gặp chú, vẫn là cái thói khoe khoang đấy à?”

Phú chậm rãi kéo vali đến chỗ anh ta, miệng cười nhăn nhở. Nhận ra người thân lâu ngày chưa gặp, chàng thanh niên kia liền chìa tay ra bắt trong sự vui mừng. Họ vốn là hai người xa lạ, gặp nhau trong cùng một hoàn cảnh, tuy rằng không xuống đây cùng ngày. Nhưng nhờ sức mạnh của tình đồng chí, cuối cùng cả hai người đã trở thành một gia đình. Và đây là lần gặp đầu tiên sau hơn mười năm Phú vào trong Nam liên bang cũ làm nhiệm vụ…

Sau một vài phút mừng rỡ, anh ta đánh mắt về phía chiếc xe và nói với Phú.

“Anh cứ ném cái vali này ở hàng ghế sau đi, giờ mình sẽ về nhà luôn.”

“Ừm”, Phú làm y hệt vậy rồi chuyển sang hàng ghế trước, coi như yên phận một cõi. Chiếc Civic gầm rú một hồi rồi phóng nhanh khỏi phi trường Minh Ti.

Trên xe, Phú không ngừng hỏi thăm tình hình của chàng thanh niên kia.

“Hùng, tình hình ở Tổng Cục vẫn ổn chứ? Công việc có tiến triển gì hơn không?”

Lập tức, anh thanh niên nhanh nhảu đáp.

“Dạ báo cáo anh, tình hình là năm vừa rồi em cũng được lên lon với thêm sao. Tuy cũng không phải cao lắm, nhưng đại khái cũng được coi là người quan trọng ở phòng tình báo số Hai rồi.”

“Ừm, tốt lắm, chú đã không làm phụ lòng tổ chức rồi. Thế giờ hỏi sang đời sống một chút nhé?”

“Anh cứ hỏi đi.”

Anh thanh niên tên Hùng đáp. Phú nhìn về phía đường cao tốc đầy ánh ban mai với đôi mắt như thể chứa một vạn nỗi nhớ vậy.

“Ở đây đã thay đổi nhiều rồi thì phải. Công việc nhà cửa chú vẫn quán xuyến tốt chứ?”

“Tất nhiên là tốt rồi anh! Mặc dù đôi lúc em vẫn mó tay sang chỗ tài liệu cũ anh để lại…”

Hùng, hay Huỳnh Văn Hùng là một trong số người thân cận của Gia Phú. Anh ta là một cán bộ thuộc cục tình báo hải ngoại, thuộc lực lượng dự bị. Trước kia, Hùng cũng chỉ là một thanh niên ngoài hai mươi bị vứt khỏi trần thế đầy dối gian. Nhưng kể từ khi gặp Phú - lúc ấy mới nhậm chức giám đốc chi nhánh chưa lâu, Hùng đã được nâng đỡ rất nhiều để tiếp tục con đường học vấn, rồi cuối cùng là gia nhập lực lượng tình báo. Hồi trước khi Phú chuyển vào Hải Mộ trinh sát, ở nhà Hùng là gia đình của anh ta, còn tại chốn công sở thì là đồng nghiệp thân tín. Bởi vậy nên nói là anh em cũng không sai, chỉ là không phải người yêu thôi.

Bỗng, Phú mở cửa sổ xe, cầm chiếc máy quay lia về phía bên ngoài kèm theo lời nhắc “đợi một chút”. Hùng dù thấy hơi lạ nhưng nghĩ do ông anh lâu ngày chưa được nhìn thấy thành phố nên cứ để vậy. Phú cười tươi và bắt đầu nhập vai.

“Như các bạn có thể thấy, đây là khung cảnh trên đường cao tốc. Rất đẹp, phải không nào?”

Thấu kính chiếc máy quay thu lại những khung hình đẹp mắt. Đằng sau rào chắn đường là một đồng cỏ xanh ngắt, với những chú bò đang thảnh thơi gặm cỏ, đuôi vẫy vẫy trông khá đáng yêu. Còn phía trước là bầu trời xanh thẳm được chiếu sáng bởi ánh bình minh. Những gợn mây cũng từ đó mà hiện lên, lơ lửng thành từng khối rời rạc trên bầu trời. Ở vương quốc Âm Phủ cũng có những nơi như vậy, nhưng không nhiều, đã thế trong những năm gần đây còn đang bị bê tông hóa nữa. Phú cảm tưởng nếu người xem có thể thấy được cảnh này, có lẽ họ sẽ muốn mang một chiếc ghế đến để ngồi. Thật là một điều tuyệt vời khi được trở về mẫu quốc, anh thầm nhủ.

Nhưng sớm thôi, khung cảnh thơ mộng ấy đã sớm được thay thế bằng một thành phố hiện đại. Chiếc xe rẽ vào cửa ngõ thành phố, nơi mà mọi thứ chỉ còn là một những khúc uốn lượn và rào thép quây hai bên. Tuy vậy, Phú vẫn có thể thấy được ngọn tháp truyền hình Vô Sản. Đó không chỉ là biểu tượng của thành phố Minh Ti, mà còn là của chính thể liên bang này. Nó được sơn màu đỏ chói lọi, đứng sừng sững trước lối đi về trung tâm thành phố và vượt trên tất cả mọi công trình tại đây.

Minh Ti, cũng giống như thành phố biển Hải Mộ, là một đô thị lớn. Từ trên cao nhìn xuống, nó như một thành trì khổng lồ vậy. Bao bọc nội đô là hàng dài các ngôi nhà xếp theo hình ngôi sao sáu cánh, khiến cho chốn thành đô này như một con nhím xù lông vậy. Phía trong thành phố mới là các tuyến đường huyết mạch và trung tâm kinh tế.  Những tòa nhà mọc san sát nhau thành từng cụm, trong khi các ngôi nhà nhỏ hơn thì trải dài theo một ô vuông khổng lồ. Các con phố tuy có phần đông đúc, nhưng được cái người dân biết chấp hành luật lệ nên đường xá cũng tương đối gọn gàng, không phải kiểu “điền vào chỗ trống” như bên nước láng giềng. Những viên cảnh sát cũng không đứng đường như bên kia, thay vào đó họ có một đồn riêng đại diện cho từng con phố.

Ở đây, phần lớn người dân đi tàu, nên dễ thấy những tuyến đường sắt trên cao. Chúng xuất phát từ các đường hầm dưới lòng đất, sau đó trồi lên mặt đất rồi qua các cầu vượt. Từ đó tạo thành một mạng lưới chằng chịt các tuyến tàu điện. Tuy vậy, các cây cầu vượt cũng không làm xáo trộn cảnh quan cho lắm, Khi đi xe ngang qua những chỗ đó, Phú vẫn còn nhớ các chuyến tàu mình hay bắt để đi làm hàng ngày.

Phố phường cũng đã thay đổi thay đổi ít nhiều. So với mười năm trước, chúng đã trở nên hiện đại và quy củ hơn. Các sạp hàng nhỏ lẻ cũng bắt đầu tràn ra khắp các tuyến phố chính, thay vì lủi sâu trong góc như trước. Nhiều chuỗi cửa hàng lạ hoắc lạ huơ mọc lên trước mặt tiền các con đường. Và chúng cũng không thoát khỏi tầm máy quay của Phú. Chàng trai liên tục lia qua lia lại, mồm chẳng ngừng liến thoắng và giới thiệu các con phố, dù bản thân còn không rõ chúng đã cải tiến ra sao.

Rồi bất chợt, anh nhà báo đóng máy quay lại.

“Phiền chú chở anh ra khách sạn Chuyển Sinh một chút nhé.”

“Để làm gì vậy?”

Hùng thắc mắc. Đến lúc này, Phú mới nhận ra rằng mình chưa giới thiệu thân thế cho người anh em chí cốt này. Anh cất máy quay vào túi áo trong, tay đan lại một cách hết sức thành thật.

“À, phải rồi, anh quên chưa nói. Trong suốt mười năm qua, anh đã làm tại tòa soạn báo Dân Chủ dưới vai trò là một nhà báo kiêm phóng viên. Và đúng như chú nghĩ, anh đang quay blog để gửi về bên kia dựng phim dài kỳ về đất nước chúng ta.”

“Thật vậy sao? Vậy mà em cứ nghĩ mục đích của anh là trở về báo cáo cho tổ chức chứ. Xem ra anh chẳng bao giờ để người khác nghĩ đúng về hành tung của mình nhỉ…”

Người đồng nghiệp thân thiết với Phú thở dài. Trái với vẻ chán chường của anh ta, đối phương lại vỗ tay một cách nồng nhiệt.

“Không, thực ra chú đoán đúng đấy. Mọi người đã thúc giục anh trở về từ lâu rồi, nhưng cũng phải khó lắm mới sắp xếp được công việc. Xin nghỉ phép thì sợ bị nghi ngờ, đi lặng lẽ thì dễ bị cắt lương. Mà chú biết đấy, trong cái thế giới tư bản này, con người làm sao mà sống được nếu thiếu tiền? Và thế là cái kế hoạch này ra đời. Anh trình bày ra trước sếp, thế mà hắn ta cũng tin được nó. Bịa ra mất có ba giây mà xem xét nghiêm túc kinh, nhưng tiếc là không được hỗ trợ đồng nào. Cơ mà cũng chả sao, ít ra có cái cớ để xuất ngoại, còn quay phim thì đơn giản.”

Thì ra là thế, Hùng thầm nghĩ. Từ trước tới giờ, anh đã luôn nghĩ về hoàn cảnh của một điệp viên khi được gửi vào vùng địch. Đó hẳn phải là những người có hồ sơ không một vết gạch, vào làm trong những vị trí thuộc hàng khủng. Nhưng không, đúng như sếp của Hùng đã từng nói, một tình báo viên tốt là người biết vận dụng hoàn cảnh và thân thế để làm nên chuyện lớn. Mặc dù không thể biết rõ Phú đã làm gì, nhưng Hùng cũng có thể mường tượng được anh ta đã quen với sự chật vật của một nhà báo. Phải chăng đó chính là thực lực của cựu giám đốc chi nhánh tình báo trần gian? Nói là ngưỡng mộ cũng không hẳn, nhưng nếu để đặt Hùng vào vị trí đó thì anh vẫn rất khâm phục cách làm một nhà tình báo của Phú.

Nghĩ mãi một chuyện cũng không tốt, Hùng chuyển qua câu hỏi tiếp theo.

“Thế còn việc anh qua khách sạn Chuyển Sinh?”

Phú nhìn thẳng vào mắt Hùng rồi đáp.

“À, một phần của blog thôi. Mà chú nên chú ý vào tay lái của mình đấy.”

Mải nói chuyện, chiếc xe đã chạy quá lố lúc nào không hay. Phú vội nhắc Hùng cẩn thận chuyện lái xe rồi lấy điện thoại chụp vài tấm hình. Trước mắt anh, bóng dáng một tòa nhà với bãi đáp trực thăng hiện ra, mang về những miền ký ức khó quên.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận