Thế giới bên kia có hai lục địa: Đông lục địa và Tây lục địa.
Lục địa phía Tây bao gồm những đồng bằng và cánh rừng ngút ngàn tầm mắt. Không giống Đông lục địa, nơi Đại Vương quốc đã suy tàn từng thống nhất tất cả các quốc gia lại thành một, các quốc gia nằm trên lục địa này vẫn còn tương đối tách biệt và độc lập với nhau.
Một trong số đó là Sơn Quốc. Đúng như tên gọi của nó, một nửa diện tích của đất nước này được bao phủ bởi núi non trùng điệp. Souemon làm thị vệ ở đó. Và anh đã bắt đầu ghé thăm Nhà ăn của Thế giới Khác năm năm về trước.
Vào thời điểm đó, Souemon tình cờ kết bạn với một người halfling. Chàng lữ hành bé nhỏ này đã chu du khắp Tây lục địa, sáng tác những bài hát và ngâm thơ để kiếm tiền từ những hành khách dọc đường và những người dân làng. Gọi bản thân là một người hát rong, cậu halfling này là một người có tính đa nghi và ngoại hỉnh hơi giống một con chuột.
Hai người họ khá hợp nhau, và Souemon thậm chí còn mời chàng trai nhỏ bé này đến làm khách tại tư gia của mình. Đó cũng là lúc chàng halfling kể cho anh về vị trí của một cánh cửa ma thuật kết nối với một nhà hàng ở thế giới giới khác nằm ở gần thủ đô của Sơn Quốc. Souemon cảm thấy chuyện này vô cùng khó tin. Đúng hơn, anh cũng không có lý do gì để tin vào những thứ như thế. Tuy nhiên, vơi tư cách là một samurai của Sơn Quốc, anh cảm thấy ít nhất mình cũng nên đến địa điểm kia vào ngày anh bạn halfling đã bảo để xác thực câu chuyện này.
Đó chính là lúc anh khám phá ra Nhà ăn của Thế giới Khác với những món ăn ngon không tưởng... cũng như một khách hàng mà anh sẽ đối đầu trong những năm ròng rã sắp tới.
***
Một buổi tối...
Như thường lệ, tiếng chuông cửa của Nekoya lại vang ra ngay sau khi Souemon đặt chân tới nhà hàng.
Qua làn gió mang đậm mùi muối thổi phía sau lưng, Souemon ngay lập tức nhận ra người đàn ông vừa bước vào. Lại cùng lúc à? Anh thầm nghĩ. Khỉ thật!
Anh thở dài. “Lại là anh thầy bói của Hải Quốc đấy à.”
Đó là một gương mặt đã quá quen thuộc với Souemon. Cứ như thể cả đời chưa từng ra khỏi nhà, làn da của người này trắng bệch như tuyết mặc dù anh ta đến từ Hải Quốc, nơi ai ai cũng có một làn da rám nắng. Khuôn mặt của người này thon gầy và khó phân biệt tuổi tác. Người đàn ông đang đứng trước mặt Souemon đây cũng là một khách quen của nhà hàng và là người anh không thể ưa nổi.
“Chà, chà,” người đàn ông này nói. “Hoá ra là con vượn thích vung kiếm... ồ, cho tôi xin lỗi. Ý tôi là ‘ngài’ samurai của Sơn Quốc.”
Người đàn ông cáo già này tên là Doushun, và anh ta là Âm Dương sư làm việc trong Hoàng cung của Hải Quốc. Anh đưa mắt lườm Souemon, xéo xắt đáp trả lại lời chào ban nãy. Lời nói của người đàn ông này khiến chàng samurai vô cùng khó chịu, nhưng quy tắc của Nhà ăn của Thế giới Khác là không được rút vũ khí bên trong nhà hàng, nên anh đành tiếp tục đấu khẩu.
“Hmph! Vẫn vô ý tứ như mọi lần. Sao anh lại cứ phải canh giờ để đến đây cùng lúc với tôi thế?”
“Đấy phải là câu hỏi của tôi. Là một Âm Dương sư của triều đình, tôi lúc nào cũng bận rộn. Anh thì chỉ là một chân lính gác, lúc nào anh muốn đến mà chả được, không phải à?”
Doushun nhún vai, một lần nữa phun những lời lẽ thâm hiểm về phía Souemon. Bầu không khí giữa hai người họ thật căng thẳng. Bởi vì những cánh cửa ma thuật của nhà hàng xuất hiện ở mọi nơi, những vị khách đến đây thi thoảng lại đụng mặt phải những ‘kẻ thù không đội trời chung’ với mình. Ví dụ như elf và người lùn, hiệp sĩ và pháp sư, hoặc công dân của Vương quốc và công dân của Đế quốc.
Souemon và Doushun chính là một ví dụ điển hình cho vấn đề này.
Hải Quốc dồn tài lực vào nghiên cứu học thuật và Âm Dương đạo để giúp cho những chuyến đi biển được an toàn. Nhờ vào điều này, họ có thể giao thương với những quốc gia giáp biển ở phương Đông, đặc biệt khi bây giờ Hải Quốc đã thái bình. Trong khi đó, Sơn Quốc nổi tiếng với kiếm đạo, bao gồm những kỹ năng có truyền thống phát triển lâu đời để bảo vệ nhân dân khỏi quỷ dữ và quái vật cũng như để băng rừng vượt núi. Hai quốc gia này nổi tiếng khắp cả Tây lục địa bởi mối quan hệ ngoại giao rất xấu do tôn trọng và phát triển những giá trị hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, sự ngang ngửa về tiềm lực giữa hai quốc gia cũng góp phần làm tồi tệ thêm mối bất hoà này.
Xui xẻo cho Souemon, Doushun cũng tình cờ biết về một cánh cửa tại Hải Quốc qua một người bạn halfling của hắn. Do vậy, cứ mỗi bảy ngày, hai người đàn ông này lại chạm mặt nhau tại Nhà ăn của Thế giới Khác. Vì lý do công việc, hai người họ thường đến đây cùng một khoảng thời gian, cụ thể hơn là vào lúc chập choạng tối. Điều này cũng có nghĩa là hai vị khách quen này rất hay bị coi là một cặp.
Do họ chẳng ưa thích gì nhau, nên nếu một trong hai chỉ đơn giản đến muộn hơn mọi khi khoảng nửa tiếng, vấn đề này sẽ được giải quyết êm gọn. Nhưng họ đều cảm thấy làm thế chẳng khác gì nhận thua cuộc, thế nên chuyện vẫn luôn xảy ra.
Ông chủ nhà hàng đúng lúc đó đi ra từ phía trong bếp và mỉm cười chảo hai người họ. “Xin chào hai người. Xin mời ngồi.”
“Mm, cảm ơn ông.”
“Vâng, tôi xin phép.”
Sau khi đáp lại lời ông chủ, hai người đàn ông ngồi xuống tại cùng một chiếc bàn ở phía cuối nhà hàng gần với nhà bếp. Nhà hàng giờ này nhộn nhịp với rất nhiều các khách hàng bên trong; có một vài người phương Tây và có cả những người thuộc chủng tộc khác nữa. Cặp đôi lừ mắt nhìn nhau trước khi quay ngoắt đi và gọi ông chủ. Họ thậm chí còn chẳng cần xem thực đơn.
“Ông chủ, tôi sẵn sàng gọi món rồi.”
“Ông chủ, cho tôi được gọi món được không?”
Họ đã xác định xong món ăn mình định gọi từ lâu. Trong khoảng thời gian năm năm mà hai người họ cùng đến làm khách tại đây, họ đã nếm thử đủ loại món ăn. Mỗi món đều có vị ngon riêng, nhưng cuối cùng, họ quyết định chỉ gọi món ăn này.
“Aye. Như mọi khi đúng không?”
Cả hai gật đầu.
“Mmhm. Tôi lấy một phần okonomiyaki thịt heo với nhiều sốt.”
“Làm ơn cho tôi một phần okonomiyaki. Loại hải sản. Và cho tôi thêm càng nhiều bonito flakes[note22979] (cá bào) càng tốt.”
Cả hai người đàn ông đều tin rằng chỉ có món ăn này mới phát huy được hết vị ngon của “sốt” và “bonito flakes” – hai loại gia vị[note22981] tuyệt vời, độc nhất vô nhị của nhà hàng.
“Tôi rõ rồi. Tôi sẽ quay lại ngay.” Ông chủ nói và quay vào trong bếp.
“Hải sản như mọi khi, hả? Cậu ăn mãi chưa chán à? Có đúng là cậu đến từ Hải Quốc không thế?”
“Thế cậu thì sao? Thịt thú vật không phải là quá phổ biến đối với người dân Sơn Quốc rồi à?”
Sau khi chọc ngoáy món ăn của người kia, họ bắt đầu tán dóc vui vẻ với nhau trong lúc nhâm nhi thứ nước chanh nổi tiếng của nhà hàng.
“Thế là Hải Quốc có kế hoạch đẩy mạnh giao dịch với Đế quốc à?”
“Tôi hiểu rồi. Cậu nói là thợ rèn kiếm của tộc Người lùn, có phải không?”
Đương nhiên, chả có gì là ‘tán dóc vui vẻ’ ở đây hết. Họ đang thu thập thông tin của đất nước láng giềng. Sẽ có thời điểm những mẩu tin này trở nên quý giá. Và như vậy, hai người họ vẫn cứ ngồi cùng một bàn dù cho có ghét nhau đến đâu.
Âm Dương sư là một chức quan làm việc trong triều đình của Hải Quốc, nghĩa là sẽ có những mối quan hệ mật thiết với các thương nhân và giới quý tộc. Mặt khác, một samurai và thậm chí còn là thị vệ của chính Hoàng đế sẽ có mạng lưới thông tin và mối quan hệ rất sâu rộng. Con đường họ chọn cực kỳ khác nhau, nhưng đó chính là lý do những câu chuyện của họ lại rất mới mẻ và có thể hữu ích với người kia đến như vậy.
Tuy nhiên, cuộc trò chuyện của họ đã đi đến hồi kết.
“Đồ ăn của hai quý ông đây. Okonomiyaki.” Ông chủ mang ra hai chiếc đĩa kim loại đen bóng cùng một lúc và đặt chúng xuống trước mặt cặp đôi.
“Ooh, cuối cùng cũng ra!”
“Tôi chờ mãi rồi đấy!”
Mùi thơm toả ra từ món ăn trên chiếc đĩa kim loại nóng hổi khiến Souemon và Doushun vui sướng mỉm cười. Món okonomiyaki mới làm, vẫn còn phát ra những tiếng xì xèo nho nhỏ, được đặt trên một chiếc đĩa kim loại nóng màu đen để khỏi bị nguội.
Okonomiyaki được làm bằng cách chiên hỗn hợp của bột mỳ, cải bắp, khoai mỡ, cùng với các nguyên liệu khác. Bên trên lớp vỏ có màu vàng óng cùng màu xanh của rau được cho rất nhiều sốt, tiếp đến là lớp mayonaise được rưới lên theo hình ô bàn cờ. Thoạt nhìn, trên miếng okonomiyaki còn có một thứ trông như vụn gỗ bào đang nhảy múa rung rinh, ngoại trừ chúng phảng phất mùi thơm của biển cả[note22980]. Cuối cùng, được rắc nhẹ nhàng ở trên, như để điểm thêm cho món ăn một màu sắc khác, là những lát rong biển màu xanh lá thẫm. Tất cả những nguyên liệu này kết hợp với nhau để tạo nên những màu sắc sống động cho món okonomiyaki. Bên cạnh đó, mùi hương của món ăn cũng một điểm nổi bật không thể không nhắc tới. Nước sốt tràn từ trên miếng okonomiyaki xuống cái đĩa nóng, phát ra một tiếng ‘xèo’, toả một hương thơm mạnh mẽ tấn công thẳng vào dạ dày của cả Souemon và Doushun.
“Mm. Tôi tin là đã đến giờ ăn rồi,” Souemon nói.
“Itadakimasu,” Doushun cũng lên tiếng.
Cả Souemon và Doushun, không thể chống lại sự thèm thuồng lâu hơn nữa, cầm lấy đôi đũa và gần như cùng một lúc bắt đầu bữa ăn. Đôi đũa xẻ qua miếng okonomiyaki mềm xốp như bông một cách dễ dàng. Từ phần được xẻ ra, nước sốt rỏ xuống đĩa và sôi lèo xèo, tạo ra một mùi cháy sém thoang thoảng. Đắm mình trong mùi thơm ngây ngất đó, Souemon gắp một miếng okonomiyaki lên.
Nóng.
Hơi nóng là thứ đầu tiên anh cảm nhận được. Nhờ vào chiếc đĩa kim loại giữ nhiệt cho món ăn, miếng okonomiyaki này vẫn còn nóng hôi hổi.
“Ho, ho, có vẻ như mấy người Sơn Quốc các cậu vẫn ăn uống theo kiểu thô thiển như vậy nhỉ!” Doushun châm chọc.
Souemon mặc kệ lời Doushun và há miệng để thở làn hơi nóng ra.
Sau khi đã thoát bớt nhiệt, tất cả những gì đọng lại trong miêng anh là mùi thơm và vị chua của sốt cháy sém. Và khi miếng okonomiyaki đã đủ nguội để có thể nhai, anh cuối cùng cũng được tận hưởng vị giòn rụm của lớp vỏ bên ngoài cũng với phần nhân bông xốp có chứa cải bắp bên trong.
Tất cả những hương vị này sau đó quyện lại ở trong miệng anh. Hương vị từ những lát rong biển mang mùi thơm của đại dương cũng như từ những mẩu vụn bonito trông giống gỗ bào mang theo vị ngon của cá.
Thịt lợn béo ngậy có một hương vị nhẹ nhàng khác hẳn so với thịt sư tử, mặc dù nó thiếu đi những đặc điểm đặc trưng thịt thú rừng. Và hương vị của bột mỳ đã ngấm dầu chiên liên kết chặt chẽ với vị ngọt của bắp cải, sau đó lại được nâng tầm bởi vị đậm đà của trứng và vị cay của sốt đỏ. Rồi sau đó chúng được gói gọn lại bởi hương vị ngọt, chua, và ngon lành tinh tế của sốt mayonaise.
Đây chính là một món ăn tuyệt vời được tạo nên từ vô vàn những hương vị của núi non và biển cả. Đây cũng là lý do Souemon sẵn lòng chấp nhận hơi nóng nghi ngút từ mỗi miểng ăn; anh muốn được ôm trọn tất cả những hương vị đó cùng một lúc. Sau khi thử sức với rất nhiều món ăn khác nhau trong nhà hàng, anh đã gặp được món ăn mình tâm đắc nhất. Kể từ cái ngày định mệnh đấy, anh chỉ gọi mỗi okonomiyaki và vẫn chưa tỏ ra dấu hiệu nào rằng sẽ sớm dừng làm chuyện đó cả.
“Vậy là cậu không thể ăn uống có duyên hơn được à?”
Doushun lắc đầu chán chường và cắt phần okonomiyaki của mình ra thành các miếng nhỏ. Gắp một miếng lên, anh nhẹ nhàng thổi trước khi đưa nó vào miệng.
“Mmph. Ngon tuyệt như thường lệ. Không sót lại một chút mùi tanh của cá nào. Không chỉ phần hải sản được chế biến hoàn hảo, chỗ bonito flakes này cũng đơn giản là quá tuyệt vời.”
Doushun gật gù hài lòng trong khi đang nhận xét về những miếng shripe nhỏ nhắn, mềm cùng với những miếng krakeen[note22982] ngon lành. Anh biết rằng phần ngon nhất trên đĩa okonomiyaki này, chính là chỗ vụn bonito kia, được làm từ một loại cá, nhưng anh vẫn không thể nào nghĩ ra được cách họ tạo ra những miếng vụn nhỏ bé, ngon lành trước mặt anh như thế nào. Anh cảm thấy rằng nếu anh có thể giải mã được bí ẩn này và tìm ra cách chế biến được nó tại đất nước mình, nền ẩm thực nước nhà chắc chắn sẽ trở nên bất khả chiến bại.
Và đây là lý do Doushun luôn kiên định lựa chọn món ăn này mỗi khi tới nhà hàng. Ngoài ra, anh cũng không thể phủ nhận rằng anh gọi nó cũng bởi nó ngon vô cùng.
Một thời gian ngắn sau, cả hai người đều ăn hết đĩa okonomiyaki của mình.
“Ông chủ, cho tôi một suất thứ hai.”
“Ông chủ, ông có thể làm cho tôi một suất nữa được không?”
Họ đồng thanh gọi món.
“Aye, được rồi. Okonomiyaki cho cả hai người, đúng không? Loại gì nào?” ông chủ hỏi lại hai vị khách quen này, dù đã biết rõ câu trả lời ngay từ đầu.
“Cho tôi là hải sản đi,” Souemon thông báo.
“Tôi muốn gọi một phần thịt lợn,” Doushun trả lời.
Như mọi khi, hai người này, thực sự rất giống nhau dù cho họ quá ngại để thừa nhận, lảng tránh ánh mắt của ‘đối phương’ khi gọi món. Sau khi nhìn thấy người kia ăn miếng okonomiyaki của mình ngon lành thế nào, họ cũng muốn được tự mình thưởng thức chúng. Và chuyện này vẫn luôn xảy ra mỗi khi họ ngồi chung một bàn.
***
Sau khi kết thúc bữa ăn của mình, Souemon quay trở lại ngoại ô thị trấn, thở dài một hơi vẫn còn đượm mùi sốt. Nếu có một thứ anh muốn phàn nàn về nhà hàng này, đấy hẳn phải là việc anh lần nào cũng phải đụng mặt với cái gã đó.
“Xui thật. Nekoya sẽ còn tuyệt hơn biết bao nếu cái gã thầy bói của nợ kia không xuất hiện.” Souemon buông ra lời oán trách như để che giấu đi sự thực rằng anh cũng đã thấy khá vui với trận cãi vã ban nãy.
“Đến lúc chuẩn bị cho ngày mai đi làm rồi!”
Và như vậy, anh quay lại với nhịp sống hàng ngày, trong khi háo hức mong chờ ngày thứ bảy tới... và suy nghĩ về lần đối đầu tiếp theo với người đàn ông kia.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
*Góc dày mỏng:
Souemin nói theo phong cách của samurai, kết thúc câu bằng ‘de gozaru’ và gọi bản thân bằng ‘sessha’. Những từ này bị lược mất khỏi bản dịch, giống như từ ‘desu’. Ngoài ra, Doushun nói từ ‘hải sản’ bằng hệ chữ cái hiragana thay vì katakana.
Bản dịch mình quyết định để nguyên ‘bonito flakes’ thay vì ‘cá bào’ để đảm bảo tính hợp lý về phần nghĩa và hiểu của tiếng Việt. Nói một cách dễ hiểu, Souemon và Doushun gọi thứ này như tên riêng vì đều không nắm được món này là gì (Doushun chỉ biết nó làm từ cá thôi). Do vậy, nếu dịch là ‘cá bào’ thì mình cảm thấy không ổn lắm.
15 Bình luận
Thứ này được dùng là nguyên liệu nước dùng cho nhiều món ăn Nhật, ngoài ra được rắc lên các món ăn nóng để tăng hương vị cho món ăn, từ cơm trắng, soba, ton-katsu (thịt lợn cốt lết chiên xù), tako-yaki (bánh viên nhân mực), okonomi-yaki (bánh xèo Nhật Bản), cho đến thức ăn cho mèo.
Nhân tiện, có một món ăn tên là "Neko mamma" được một số người Nhật rất yêu thích. Món đó là katsuo-bushi rắc lên cơm trắng rồi thêm một chút xì dầu (shouyu) lên. Tên món ám chỉ đó là thức ăn cho mèo, nhưng thực chất, mèo không ăn được xì dầu.
Nhưng mà đúng là dầu hào, maggi cũng là condiment, mặc dù chúng được sử dụng cả trong lẫn sau khi nấu. Định nghĩa của nó là: gia vị được tổng hợp từ nhiều nguyên liệu (khác với spice là một nguyên liệu duy nhất, vd tiêu hồi quế), THƯỜNG được sử dụng ngay trước khi ăn (a.k.a sau khi nấu).