Toàn tập
Chương 3.8: Bỏ cái tư tưởng đấy về thời Heisei đi
3 Bình luận - Độ dài: 1,840 từ - Cập nhật:
Góc nhìn của Kujo
“Tại sao chứ…!”
Tôi siết chặt nắm tay của mình khi thốt ra những lời đó. Thứ xúc cảm đang trào dâng là một hỗn hợp của tức giận và xấu hổ.
—Tại sao… sao một bức tranh như thế lại tồn tại được chứ!!
Không như bức tranh khu rừng đầu tiên và bức tranh chú chim thứ hai, bức vẽ này không thể hiện ra được bất cứ đường nét rõ ràng nào cả. Có thể chỉ là một tác phẩm trừu tượng thôi.
Cấu trúc rất đơn giản.
Ở giữa tấm vải bạt trắng chỉ có một họa tiết tròn màu xanh lam.
Cái họa tiết này trông như một quả trứng méo mó, do dự về việc chào đời, hay như một giọt nước mưa phải miễn cưỡng từ bỏ vô số thứ khi trở nên cô độc.
Và hơn hết, thứ rõ ràng nhất với tôi là nó như tượng trưng cho tôi.
Bằng lí do khó hiểu nào đó mà tại khoảnh khắc đó tôi cảm thấy điều đó một cách mãnh liệt, đầu tôi như sôi lên với thứ cảm xúc rằng “trái tim mình đang bị phác họa mà không được cho phép”. Và ngay lập tức sau đó, tôi cảm thấy hận chính mình vì đã tức giận vô lý như vậy.
Tôi nhặt chiếc chìa khóa lên rồi chạy nhanh ra khỏi phòng chuẩn bị mĩ thuật. Tôi không nhớ cách mà mình tới được nhà nữa.
Tôi đã bỏ bữa tối rồi khóa mình trong phòng khiến cho gia đình lo lắng.
Tôi vùi mình vào tấm chăn trên giường. Thứ cảm giác xấu hổ cứ không phai đi.
Kể cả khi nhắm mắt lại tôi vẫn chẳng thể vứt bức tranh đó ra khỏi đầu.
…Không có hứng thú gì với loài người.
Nghĩ rằng việc cô đơn ở trường là hoàn toản ổn và không cần những người bạn mà bản thân thực sự thấy hiểu.
Những thứ cảm xúc đó không phải giả dối.
Chúng là sự thật, nhưng mà…
Không phải là tôi hoàn toàn mất đi khao khát những người bạn cùng sở thích, những người có nhiều đam mê với những thứ giống của tôi.
Tôi như một quả trứng dị dạng được bao bọc trong một lớp vỏ của sự tủi hổ, một giọt nước mưa cô độc và bất lực chẳng thể làm gì ngoài việc rơi xuống.
Bức tranh đó gợi nhắc tôi về những thứ mà tôi đã giả vờ quên đi.
“Ự, ự, ughhh…!”
Phẫn nộ, bực mình. Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt!
Chỉ là một bức vẽ thôi mà. Chỉ thế thôi. Dù ai tạo ra nó đi nữa thì cũng đơn giản là vẽ tranh thôi.
Đừng có làm như rằng cậu hiểu rõ tôi lắm chỉ vì cậu bôi được chút sơn lên giấy hay vải bạt!
“…Ughhhhh!”
Tất nhiên, logic mà nói, tôi mới là người đang nói ra những thứ vô nghĩa.
Sau cùng thì, không có bất cứ quan hệ gì giữa tôi và họa sĩ vô danh của bức tranh ấy cả. Bức vẽ được tạo ra hoàn toàn không liên quan gì tới sự tồn tại của tôi.
Dù vậy tôi vẫn nghĩ rằng, “bức tranh này đang vẽ mình”. Tôi cũng nghĩ rằng, “bức tranh này là dành cho mình”.
Điều đó là bất khả thi, bất khả thi mà, về mặt logic thì nó thật vô lý. Không có bất cứ quan hệ nhân quả hay tính nhất quán nào cả.
Trong khi những kết luận dựa trên logic của tôi chối bỏ nó thì những cảm xúc đang trào dâng trong tôi không thể chấp nhận điều đó. Bị giằng xé bởi sự mâu thuẫn nội tâm của chính mình, tôi nằm quằn quại trong đau đớn.
Không thể chợp mắt chút nào, tôi rón rén bò ra khỏi giường dưới ánh bình minh mờ ảo.
“…Chỉ là lỗi, lỗi của con người.”[note58779]
Tôi cố vặn ra câu trả lời có vẻ hợp lí nhất.
Nó chỉ là một trò lừa thị giác rẻ tiền thôi. Hẳn là vậy, tôi sẽ chứng minh điều đó.
Bật máy tính của mình lên, tôi gõ nhanh một dàn code bằng bàn phím. Không khó chút nào, rồi chỉ ít giây sau đó tôi đã tạo ra được một chương trình tự tạo hình ảnh.
Khi cho nó chạy, những hình ảnh với cấu trúc giống với bức tranh tôi thấy trong phòng chuẩn bị mĩ thuật—một phông nền trắng với họa tiết màu xanh—bắt đầu hiện lên màn hình từng cái một.
“Xem đây…”
Thoạt nhìn thì thứ hình ảnh như vậy có vẻ được tạo ra bằng cách nhỏ từng giọt sơn một cách ngẫu nhiên lên khung vẽ. Vậy nên nếu tôi tự động tạo ra hàng nghìn hình ảnh giống hệt, hẳn trong số chúng sẽ xuất hiện những hình có tác động y hệt lên tôi.
Khi con người thấy những hình thù khó nhận biết, họ tự động liên tưởng nó đến một “thứ gì đó” mà mình biết và tự gán ý nghĩa cho chúng. Đó là một trong những lỗi mà loài người có.
Thực tế thì bức tranh đó chỉ là một đòn tấn công lợi dụng điểm yếu đó. Bằng cách vẽ một thứ gì đó mờ hồ và giống với nhiều thứ khác nhau, mọi người sẽ tự cảm nhận nó theo cách riêng của mình, và trong số đó, vài người sẽ cảm thấy xúc động. Một trò lừa nông cạn với hi vọng thành công.
Tin rằng là vậy, tôi kiểm tra những bức hình được tạo ra.
Khi đi học, tôi dành nhiều ngày nhìn một lượng khổng lồ những bức hình.
Đáng lẽ số lượng chỉ giới hạn trong khoảng vài nghìn thôi nhưng nó lại chạm tới con số một trăm nghìn.
Kể cả nếu nó chỉ tốn 1 giây cho một bức, đấy vẫn tổng cộng là 28 tiếng.
Có vẻ điều này khá nực cười với người khác, nhưng tôi đang rất nghiêm túc và tuyệt vọng.
Tôi phải làm điều này… để chấp nhận rằng bức tranh đó không chỉ đơn giản là ăn may.
Hôm tiếp theo, sau khi tôi kiểm tra toàn bộ một trăm nghìn bức hình, tôi đang tới ngắm phòng chuẩn bị mĩ thuật một lần nữa sau khi tan học.
Kể cả khi nhắm mắt, một thứ gì đó với họa tiết màu xanh lam cứ trôi nổi trong mí mắt tôi, suýt thì khiến tôi bị rối loạn thần kinh. Thực sự thì, tôi không muốn nhìn thấy bất cứ một bức tranh nào nữa.
Nhưng, tôi muốn xác nhận lại bức tranh đó. Thứ tác động đó.
Tuy nhiên, trong tình trạng như hiện giờ, tôi có thể sẽ không cảm thấy gì kể cả nếu có thấy nó một lần nữa. Tôi nên cảm thấy thế nào nhỉ, vui à, hay là…
Mối lo này là hoàn toàn thừa thãi.
“Ah…-------“
Ngắm bức tranh ấy một lần nữa như thổi bay tất cả những họa tiết thất bại vẩn còn lảng vảng trong mí mắt của tôi.
“…”
Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận.
Tôi đã tạo ra một trăm nghìn hình ảnh với cùng bố cục. Ấy vậy mà, không một lần nào tôi cảm thấy thứ tác động của bức tranh đang ở trước mặt mình từ chúng. Dù chỉ một chút cũng không.
Tôi đã hiểu ra được rằng vấn đề không phải là sự khác biết giữa bức tranh nguyên gốc và đống hình ảnh kia.
Bức tranh này đã được vẽ với niềm đam mê. Nó không chỉ hướng tới mình tôi, nhưng lại được vẽ bằng đủ tài năng và kỹ thuật để khiến tôi tin rằng như vậy.
Đẹp quá. Bức tranh trước mặt tôi vô cùng đẹp.
Tuyệt vời. Thực sự tuyệt vời. Tôi công nhận điều đó.
Và vì lí do đó, sự căm ghét trào dâng trong tôi.
“…!”
Tôi nắm chặt bàn tay mình, không hề cảm thấy móng tay đâm vào trong lòng bàn tay do cơn giận sôi sục.
Sự căm ghét người đã vẽ lên nó. Căn bản thì nó như sự căm giận bị tràn ly. Dù biết rõ điều đó, tôi không thể làm gì khác ngoài việc ghét nó.
Ngay từ ban đầu tôi đã chẳng có mấy thiện cảm với việc vẽ tranh.
Tôi biết những bức tranh đòi hỏi rất nhiều kĩ thuật và lí thuyết. Dù vậy, tôi cảm thấy thứ cốt lõi là thứ gì đó như sự nhạy cảm hay “nhân tính”.
Kể cả thứ ở trước tôi trong giống như một bức vẽ đối nghịch với đức tin vào vẻ đẹp của tôi—thứ trật tự lạnh lẽo, dựa trên những quy tắc và logic.
Dù vậy, trái tim tôi vẫn bị lay động và… tôi thấy nó thật đẹp. Như xát muối vào vết thương, cảm giác thật nhục nhã.
Tôi ghét người đã vẽ bức tranh này.
Nếu họ đã không vẽ thứ như vậy, tôi đã không phải chịu đựng thứ tủi nhục này.
…Và tôi đã không bị ép phải đối mặt với thứ mong muốn mình đã thầm giấu kín trong lòng, mong muốn mà đến tôi cũng không hề biết.
“Chết tiệt, chết tiệt, …chết tiệt!”
Tôi muốn nhìn mặt người đó. Tôi vẫn chưa nghĩ ra mình sẽ làm gì tiếp, nhưng tôi không thể chịu đựng việc cứ để mọi thứ thế này được.
Tôi đã tìm ra tác phẩm ấy thuộc về ai. Giáo viên mĩ thuật đã bảo khi tôi hỏi.
Miyashiro Kuuya. Một năm nhất giống tôi.
Một học sinh mà, dù mới chỉ năm nhất, đã đạt được giải nhất trong mảng tranh sơn dầu tại một cuộc thi cao trung toàn quốc được tổ chức bởi chính phủ vào năm nay.
Không có câu lạc bộ mĩ thuật nào ở ngôi trường này cả, và hiện tại thì người đang làm việc trong phòng mĩ thuật chỉ có mình cậu ấy.
“…”
Biết được người đã vẽ nên bức tranh này đang ở phòng kế bên khiến tôi cảm thấy hơi kì lạ.
Tôi đặt tay lên cánh cửa dẫn từ phòng chuẩn bị mĩ thuật tới phòng mĩ thuật.
Tôi không hề nghĩ gì về việc bắt đầu một cuộc trò chuyện hay gây chiến. Tôi chỉ không thể đi về nhà với cảm giác mình vừa bị hit and run được… Tôi còn không chắc mình muốn làm gì nữa.
Tôi từ từ, vô cùng từ từ mở cánh cửa ra rồi lén nhìn sang.
Họ là người thế nào nhỉ? Người mà đã vẽ bức tranh mà có thể nói là siêu phàm như vậy hẳn phải khác biệt với người thường, có thể phù hợp với khuôn mẫu một người nghệ sĩ…
“…Ah”
3 Bình luận