Hôm qua tôi xem phóng sự này ( https://vtv.vn/van-hoa-giai-tri/vang-bong-nhung-tac-pham-dinh-cao-su-menh-cua-nha-van-hom-nay-20230224201441434.htm ) và có khá nhiều suy nghĩ. Thế nào là một tác phẩm đỉnh cao? Theo các nhà văn, nhà thơ trả lời phỏng vấn, họ cho rằng đó là một tác phẩm không u ám, mang tính nhân đạo và hướng về con người, về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nhưng tôi nghĩ quan niệm ấy đã cũ rồi. Một tác phẩm như vậy đúng là đẹp đấy, nhưng sẽ không thành công. Một khi đã không được công nhận thì làm sao mà trở thành đỉnh cao được?
Đúng hơn thì thứ mà văn học Việt Nam bị thiếu là tính giải trí và marketing. Chẳng nhìn đâu xa, tại sao hàng chục năm qua không có được một sáng tác nào tạo được một cơn sốt mãnh liệt, nhưng chỉ cần vài năm là một thứ như Tiktok có thể khuấy động cả xã hội? Vì tính giải trí mà Tiktok mang lại là cực kỳ phù hợp với số đông; nó dễ hiểu, dễ tiếp nhận, không cầu kỳ, không dài dòng phức tạp, giống như đồ ăn nhanh vậy. Phần lớn mọi người đều không cần những thứ quá cao siêu, quá sâu sắc; họ chỉ cần một món ăn tinh thần ngon miệng thôi. Văn học Việt Nam bị thiếu đi tính hấp dẫn bề mặt, dù nội dung có hay đến đâu mà không thu hút được người ta mở ra đọc và không giữ được họ đọc đến hết thì cũng chả để làm gì.
Mà để thu hút được thì cần phải marketing. Ví dụ điển hình là Nhật Bản, nơi mà họ có thể bán được những tác phẩm isekai sản xuất hàng loạt, thiếu chiều sâu, không có tính nghệ thuật, những bộ romcom hư cấu đến mức vô lý, nhồi nhét đầy fanservice. Dù khác biệt văn hóa là khá lớn nhưng phải công nhận một điều, Nhật Bản là hình mẫu trong việc marketing các sản phẩm văn học nghệ thuật. Có thể nói, họ đã tạo được cả một chuỗi giá trị, bắt đầu từ nhà văn, đến họa sĩ manga chuyển thể, studio anime cho tới các sản phẩm ăn theo như figure, game,... Nó tạo ra nguồn lực tài chính cho các tác giả nói riêng và cho cả nền công nghiệp nói chung, giúp họ tiếp tục duy trì vòng quay sản xuất.
Giờ nhìn lại Việt Nam, cố gắng nghĩ nát óc để viết ra một tác phẩm, làm việc nhiều tháng trời với nhà xuất bản, cuối cùng bị leak đầy trên mạng cùng cả đống sách lậu. Tác giả Việt Nam cũng không có nhiều cách để quảng bá tác phẩm của mình, chỉ có các hội sách và giới thiệu trên các nền tảng khi họ đã có danh tiếng nhất định. Nhưng như thế thì quanh đi quẩn lại chỉ ở trong cộng đồng đọc, quá ít. Để thực sự thành công, họ cần lôi kéo được số đông, những người chẳng bao giờ đến hội sách. Họ cần một hình thức quảng cáo phù hợp thì mới có thể lôi kéo được nhóm người đó, giả dụ như qua Youtube hay Tiktok chẳng hạn, nhưng sẽ rất tốn chi phí và khó tiếp cận. Mà kể cả quảng cáo được thì đã sao? Như đã nói ở trên, văn học Việt bị thiếu tính giải trí bề mặt, vậy nên dù có quảng cáo thì cũng khó mà thu hút được ai.
Nếu nội dung đã khó nhai với những người thiếu kiên nhẫn, ta cần phải làm mềm nó. Làm mềm bằng cách chế biến cho nó trông ngon miệng hơn. Nhưng kể cả cách này, nước mình cũng chưa làm được trọn vẹn. Giờ chỉ cần nhìn bìa truyện là biết ngay. Bìa truyện Việt nhẹ nhàng và tiêu chuẩn quá, cho nên bị thiếu tính phá cách. Nó là một thứ trưng bày lên thì cũng đẹp đấy, nhưng không đủ để khiến người ta nhìn một cái là muốn mở ra xem bên trong ngay. Cứ so bìa truyện Việt với bìa Chú thuật hồi chiến là thấy cả một trời một vực. May thay vẫn có điểm sáng, đấy là thành công của một số bộ phim chuyển thể như Mắt biếc hay Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Chúng có độ phủ sóng cao và được công chúng đón nhận, đó là những gì một tác phẩm cần. Tôi nghĩ đấy chính là công thức thành công cho văn học Việt: Một tác phẩm có nội dung tốt và một hình thức chuyển thể phù hợp.
Về phía người đọc, thực sự số lượng cá nhân đủ khả năng cảm thụ văn học là quá ít. Như lúc tôi còn là học sinh, gần như 100% những người mà tôi biết đều không thích học văn. Người đọc Việt Nam thích mơ mộng, xa rời thực tế, ưa những thứ ăn liền, những câu chuyện giật gân. Minh chứng có đầy trong thực tế, với sự thành công của những cuốn tản văn, sách self help, những tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đè bẹp truyện Việt cả ở trên mạng lẫn ngoài nhà sách. Thực sự tôi đã không nghĩ đến vấn đề này, nhưng người đọc đóng vai trò quyết định trong thành công của một tác phẩm, và cảm nhận của mỗi người là không đồng nhất. Dù bạn thấy hay thì người khác chưa chắc đã nghĩ như vậy.
Hồi cấp ba, khi học "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, tôi thấy nó rất hay và dễ đồng cảm, vì bản thân tôi cũng từng trải qua tuổi thơ thiếu thốn. Nhưng khi nghe mấy đứa bạn cùng lớp nói rằng nó chán và khó hiểu, tôi mới nhận ra rằng, con người trong hoàn cảnh khác nhau sẽ có cảm nhận khác nhau. Các tác phẩm thời kỳ kháng chiến thành công được, một phần là vì đó là hoàn cảnh chung của đất nước và thời đó ai cũng khổ cả. Nếu giờ viết một tác phẩm về cái nghèo cái khổ trong thời đại này thì xuống đáy là cái chắc. Một tác phẩm muốn thành công vang dội thì phải chiếm được cảm tình của số đông trong xã hội, hoặc ít nhất là phần đông những người trong nhóm đối tượng mà tác phẩm hướng đến. Muốn vậy, cần phải tìm một mẫu số chung về con người trong xã hội, về những hoàn cảnh phổ biến và thị hiếu của những người sống trong hoàn cảnh ấy, từ đó tạo ra một thứ mà họ nhiều khả năng sẽ thích nhất. Điều đó nghe vừa khó vừa mơ hồ.
Người đọc là kẻ nắm đằng chuôi, và các tác giả cần phải tìm cách để thỏa mãn họ. Nhưng nếu quá sa đà vào việc thỏa mãn người đọc, các tác phẩm sẽ thiếu hồn, thiếu đi màu sắc của tác giả. Đó là còn chưa kể đến những rào cản về chính trị, xã hội và các quy định kiểm soát của ngành xuất bản. Việc cân bằng giữa sáng tác cho bản thân và sáng tác để bán một lần nữa sẽ làm khó các nhà văn.
Để chạm đến đỉnh cao, một tác giả sẽ phải vượt qua những khó khăn trên. Nhưng làm thế nào để vượt qua thì tôi chịu. Nếu biết làm thế nào thì tôi đã không ngồi đây gõ mấy dòng này.
Đôi lời cảm nghĩ từ một kẻ thất nghiệp đang mơ mộng với con chữ.
30 Bình luận
Bài phóng sự của VTV cho rằng là bởi “thiếu những tác phẩm đỉnh cao, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng và tình cảm của người đọc”. Mình thấy chỉ đúng một phần. Dẫu cho những tác phẩm đỉnh cao có xuất hiện đi nữa, tình trạng của thị trường vẫn không thay đổi. VTV nhấn mạnh cái “chất” từ những tác phẩm đỉnh cao, trong khi đó để giải quyết tình trạng trên thì cần chú trọng cái “lượng” được bày bán ra thị trường. Về cơ bản, theo lý thuyết, chỉ cần lượng sách trong nước được xuất bản nhiều hơn và được tiêu thụ nhiều hơn, khi đó thị trường sẽ biến chuyển một cách tích cực hơn.
Nói là “theo lý thuyết” là bởi về mặt thực tiễn thì cách thức giải quyết rất phức tạp. Để lượng sách trong nước được xuất bản nhiều hơn, thì cần nhiều tác giả hơn. Với các tác giả, họ cần rất nhiều công sức để tra cứu tư liệu, ngẫm nghĩ ý tưởng và thời gian để hoàn thành bản thảo. Song nhuận bút thu lại từ một tác phẩm bình thường là rất thấp, không đủ để họ chi trả cho cuộc sống cũng như không đủ để đền đáp nỗ lực họ bỏ ra. Vì thế không nhiều người sẵn sàng dấn thân vào con đường rủi ro này. Ngoại lệ là khi một cá nhân có thu nhập ổn định, có không ít thời gian rảnh, thích đọc sách và xem viết lách là thú vui, khi đó họ có thể tìm đến con đường sáng tác như một nghề tay trái. Có ít người như vậy, vì để làm được cần quá nhiều yếu tố.
Mình viết đến đây bắt đầu thấy rối bời. Những vấn đề như này rất phức tạp, ngẫm nghĩ có khi là không hết, mà dẫu cho nghĩ cho ra phương án khả thi thì cũng chưa chắc là thực hiện được. Mình cảm tưởng nó như một sợi dây bị buộc lại chằng chịt và rắc rối, để gỡ nó ra thì hoặc là tỉ mỉ cùng kiên nhẫn kéo ra từng đoạn, hoặc là dùng kéo cắt đi cho đỡ lằng nhằng. Tất nhiên ta không thể dùng phương án sau, nghe cứ như tư tưởng của những nhân vật phản diện.
Về phim Việt, ngoài kịch bản thì có quá nhiều yếu tố khác như diễn viên, đạo diễn, kinh phí,... ảnh hưởng đến thành công của một bộ phim. Nhưng cũng phải công nhận một điều, kịch bản phim Việt còn khá yếu và ít đột phá. Nhìn qua mấy bộ rác phẩm gần đây là thấy ngay. Phim Việt cần những câu chuyện tuyệt vời để chuyển thể và khán giả cũng rất mong chờ đc xem một bộ phim chuyển thể như thế, nhưng lại có quá ít tác phẩm như vậy. Giống như cây cối ở vùng sa mạc, đất đai khô cằn quá nên chẳng trồng đc rau củ, chỉ toàn xương rồng thôi.
Nói về những tác phẩm u ám, quan điểm của các tác giả trong Hội Nhà văn là quá phiến diện và chủ quan. Khó mà trách đc, vì đa phần họ đều là người của thế hệ trước. Trong một thế giới thay đổi từng ngày, những suy nghĩ và cảm nhận của họ bị biến thành đồ cổ trong vài cái chớp mắt. Thay đổi họ là điều k thể và cũng k cần thiết. Chúng ta cần những người trẻ với tư duy đúng đắn, cân bằng được cả truyền thống với hội nhập thì mới có thể phát triển đúng hướng. Tiếc thay, sự chuyển giao thế hệ là cực kỳ chậm chạp, và tôi cũng chưa thấy một tác giả trẻ nào có đủ tầm ảnh hưởng để đảm đương trọng trách lớn lao ấy. Chỉ có thể hi vọng vào nhân tài trong tương lai thôi.
Tương lai là một nơi mù mịt, chúng ta vẫn cứ sống cuộc đời của mình nhưng chỉ với việc Hội Nhà Văn không chấp nhận và công nhận những tác phẩm u ám thì đã phá nát nhiều cuộc đời lắm rồi. Những tác phẩm gây lệch lạc tư tưởng và truyền bá những điều sai phạm thì tôi không nói gì nhiều nhưng những tác phẩm mà tôi nghĩ là đủ sức để truyền bá và hướng con người tốt đẹp hơn lại chính là những tác phẩm có phần u ám và tiêu cực, nó hiệu quả hơn những đầu sách đơn thuần tươi đẹp, luật nhân quả cũ rích mà họ chọn. Nó tạo ra một cộng đồng tốt một cách diệu kì.
P/s: Với tôi, việc mà công nghiệp cái giải trí đó sẽ chẳng tốt lành gì cả, ai rồi cũng sẽ ngán các phương tiện truyền thông mới và hay từ lúc đầu và hiểu quả với thiếu chất lượng vào lúc sau cả thôi. (quan điểm cá nhân có vẻ nhiều từ khúc này) Nền văn học ở cái đất nước này không cần những thứ mới lạ kéo dài mà nó cần nhiều, rất nhiều những thứ mới lạ, nó cần một vụ nổ Big Bang với nhiều các tác phẩm cá tính, xây dựng những điều mới, xây dựng các tượng đài trong giới văn học Việt Nam bao hàm những lứa tuổi từ thiếu nhi tới già gân, tiêu cực thì không chắc nhưng tôi chắc chắn không câu chuyện hay nào là không cần sâu sắc hết cả. Tôi nghĩ chúng ta cần khôi phục loại thời đại của truyện trào phúng với những điều mới mẻ và cách mạng hơn, chê cười cũng là một cách thu hút và giải trí, đen tối là để thấy chúng và chung quanh ta sai trái đến thế nào (để mà tránh); chả phải ngoài kia còn nhiều điều tồi tệ à? Nhiều điều tồi tệ mới, phải tới lúc để phê phán chúng rồi.
Ba láp ba xàm thế thôi nhưng sau cuối cùngcũng chả hề có cách giải quyết nào, chả hề có một hy vọng và đường đi nước bước nào để giúp cho ngành văn học có trong cái comment này cả. Mọi người hãy đọc nó dưới một tâm thế đừng nghiêm túc quá nhé... mà có khi chả có ai quan tâm...
Tất cả chúng ta đều biết trong cuộc sống hiếm có những thứ drama vi diệu, những cuộc tình thơ mộng hoặc những mối tình tay ba tay bốn kịch tính chắc chỉ có trong phim Hàn, thứ mà bản thân nằm ngủ cũng k mơ tới nổi. Những ae thích harem ở đây tôi dám chắc rằng ngoài đời chỉ có 1 vợ, có khi còn là sợ vợ nữa k chừng. Nên là những gì trong cuộc sống k có, chúng ta tìm nó trong những tác phẩm văn học, trong những bộ novel, manga, anime,... thậm chí cả trong game nữa. Chúng tôi biết thuần phong mĩ tục là gì nhưng chúng tôi thích đọc những thứ trái với thuần phong mĩ tục, một ngày bôn ba làm lụng thì tối về chẳng lẽ k đáng được một vài phút ảo tưởng hay sao? Con người ai cũng thích cái đẹp, nên chúng tôi thích harem, nhưng ngoài đời chúng tôi chung thủy. Chúng tôi thích những nhân vật lạnh lùng, đánh đấm như phim chưởng nhưng ngoài đời chúng tôi tuân thủ pháp luật không gây gỗ đánh nhau. Nhưng các chú các bác lại căn theo khuôn phép mà kiểm duyệt, chúng tôi đọc harem 18+ thì có bằng các chú đi chơi gái ngành không? Đừng bắt chúng tôi khẩu nghiệp.
Cuối cùng thì tôi xin trả lời câu hỏi của chủ post "thế nào là tác phẩm đỉnh cao" theo quan điểm của tôi. Tôi thấy nó đỉnh cao thì nó là đỉnh cao, thế giới chê rác rưởi, thì tôi vẫn thấy nó là đỉnh cao. Tôi k gây hại cho ai, k làm gì trái đạo đức pháp luật thì tôi đọc những thứ tôi cho là hay, người ngoài k có quyền phán xét. Một tác phẩm là đỉnh cao trong lòng người hâm mộ nó chứ không cần những thứ khác.
Ngoài ra còn là về độc giả nữa, người VN không có thói quen đọc sách, chắc cũng do mạng XH bùng nổ quá nhanh.
Về độc giả thì đúng như bác nói. Mạng XH làm người ta ít kiên nhẫn hơn, thích những thứ vừa ngắn vừa nhanh, chứ ít ai thích vừa dài vừa lâu (ê hê hê :]]). Dĩ nhiên là họ sẽ k tìm đến kiểu giải trí tốn nhiều thời gian như sách. Một phần nữa là vì bây giờ điều kiện kinh tế phát triển hơn, đầy đủ hơn, thành ra người ta khó có thể có nhiều cung bậc cảm xúc như thế hệ trước. Các cụ hồi xưa trải qua đủ đắng cay ngọt bùi, cảm xúc của họ chắc chắn dạt dào hơn mấy đứa nhóc ăn no mặc ấm từ bé. Cảm xúc ít, khả năng cảm nhận cũng thấp hơn. K chỉ ở phía người đọc, các tác giả mang cái cảm xúc một màu này sẽ khó mà tạo ra đc một thứ gì nổi trội và ấn tượng. Dù gì người ta vẫn hay nói là "nghệ thuật sinh ra từ đau thương" mà.
Tôi vẫn đang tích chap Đêm săn bất tận chờ đọc đây :))