Píp píp píp píp… Píp píp píp píp.
Tôi với tay tắt chiếc đồng hồ báo thức. Bốn giờ sáng. Tôi ngồi dậy khỏi giường, vươn vai thật cao và ngáp thật dài để nỗi buồn ngủ trôi đi. Tôi đứng dậy bước tới nhà tắm, xả hết mệt mỏi còn vương lại trên cơ thể và thay một bộ quần áo thoải mái hơn, đồng phục thể dục.
Bốn giờ bốn mươi lăm phút sáng. Sau khi tự tặng cho mái tóc mình một chiếc đuôi ngựa, tôi xuống nhà lấy chìa khóa, đeo giày rồi ra khỏi nhà. Sau khi khóa cửa cổng cẩn thận, tôi bắt đầu chạy bộ buổi sáng như thường lệ. Tuy còn trẻ, nhưng tôi lại hay được nhận xét rằng tôi trông như người già, ngủ ít hoạt động nhiều. Và những nhận xét đấy lại đến từ những người già trong làng, biết rõ nhất họ đang sống như thế nào.
Năm giờ sáng. Tôi rẽ phải và chạy xuống bờ kè ven sông Hồng. Vẫn như mọi hôm, gió sông Hồng nhẹ nhàng vuốt má tôi, mang theo hơi thở trĩu nặng hòa vào tiếng sóng rì rào. Tiếng sóng rì rào cũng đan vào tiếng bình bịch của đôi chân, tạo nên bản hợp âm khá vui tai. Nhưng tai tôi lại không có rảnh rỗi để nghe bản hợp âm lộn xộn ấy.
Trước mặt có chướng ngại vật. Một đường ống dân sinh bị nứt, nước trong ống nhựa rỉ ra ngoài, nếu ai không cẩn thận thì có thể bị trượt chân và ngã lộn cổ xuống bãi đá. Tôi cũng từng là một nạn nhân của ống nước này, nhưng tôi không trôi tuột xuống bãi đá. May mắn thay, lúc đó tôi tóm được một cái cây con, nên đã tránh được kiếp đua xe lăn khi còn tuổi xuân. Tôi giảm tốc độ, rồi bật qua cái ống nước. Sau khi vượt qua chướng ngại vật, tôi lại tiếp tục chạy.
Mặt trời cũng bắt đầu thế chỗ cho những ngôi sao lờ mờ cắm vào bức vải đen trên đầu tôi. Sông Hồng sóng xô sóng, tạo thành những đỉnh sóng nhỏ phản chiếu ánh hồng của bình minh chiếu sáng cả một vùng ven sông. Trước khi nhận ra, tôi đã tắm mình trong mặt trời ấm áp của mùa hè rồi. Tôi vẫn chạy đều đều, như cái cách đã tôi luôn chạy.
Sáu giờ sáng. Tôi lại vào nhà tắm, xả hết sự nhức mỏi sau một chuyến chạy bộ. Tôi thay bộ đồng phục gồm áo sơ mi và quần âu như mọi hôm, sửa soạn tóc tai, xách cặp rồi nhảy lên xe phóng đi học. Tất nhiên là cửa nẻo đã được khóa kĩ càng rồi.
Sáu giờ hai mươi phút sáng. Tôi đang có mặt tại quán bánh mì ở cổng trường, tay cầm chiếc bánh kẹp thịt mua được với giá mười lăm nghìn. Tôi gặp chị Liên, người vừa bước ra khỏi cổng trường và có vẻ định tiến đến chỗ tôi đang đứng. Tất nhiên rồi, đây là quán yêu thích của chị mà.
- Hello em yêu, nay vẫn trông như mọi hôm nhỉ. – Chị nói – Cô cho cháu cái bánh mì kẹp xúc xích ạ.
- Em chào chị.
Tôi trả lời, giọng gần như không cảm xúc. Chị Liên thì vẫn như mọi khi thôi, vẫn là một người lạc quan tới độ bất ngờ. Tôi đợi chị lấy bánh mì rồi cùng quay về trường. Cả hai chị em ngồi xuống chiếc ghế đá gần hòn non bộ của trường, rồi không hẹn mà cùng cầm bánh mì lên ăn cùng một lúc. Đột nhiên chị Liên lên tiếng:
- Vẫn không son phấn gì sao?
- Thứ son phấn hạ đẳng đó chỉ làm bổn cung thêm phần xấu xí thôi, tốt nhất là không dùng.
- Thế mua giùm chị chưa?
À quên. Đúng là tuần trước chị có gửi tôi link và nhờ tôi mua giùm thỏi son thật, nhưng tôi lại quên béng mất. Chị không nhắc thì em không nhớ nổi đâu.
- Cho bổn cung một tuần. Đợi giảm giá đã.
- Thế để chị đợi.
Bảy giờ sáng
- Chúng mày khỏi xét. Đồng hoa thì cứ nhân bốn cho tao.
- Mẹ kiếp!
- Đồng hoa hơn. Mày chết!
. Tôi đang ngồi trong lớp. Hiện tại chúng tôi đang học Ngữ văn, hay đúng hơn là lẽ ra đang học…
Hiện tại, tôi cùng mấy người bạn đang đánh ba cây. Không rõ lý do vì sao mà lúc nào cầm chương, Uyên luôn là đứa ăn đậm nhất, nên chúng tôi có một luật bất thành văn đó là không được để nó cầm lượt đầu. Nhưng có vẻ có là lượt thứ bao nhiêu thì số nó vẫn cứ gọi là đỏ bạc. Vừa rồi cả bọn còn chưa kịp khui bài thì nó đã lật ra ba lá 7 8 9 bích, thắng thì cứ phải gọi là cực đậm. Nãy giờ chúng tôi mà chơi tiền thì dù chỉ hai nghìn thôi, riêng lượt này Uyên đã ăn tám chục rồi. Tất nhiên, nó vẫn không ăn được của tôi, vì bài của tôi là 7 8 9 cơ, nên tôi coi như là lết được qua cửa tử. Ván sau nó mà bốc được sáp thì nghỉ khỏe.
- 10 át cụ. Trừ Thúy với Hiếu sáp ra, còn lại nhân hai hết cho tao.
Vậy, nếu không chơi tiền, thì nãy giờ chúng tôi nhân hai nhân bốn gì ở đây? Câu trả lời chính là “búng tai”. Đúng vậy, hình thức thưởng phạt thường thấy nhất của học sinh cấp ba. Bọn tôi coi thua là một cái búng tai, và cứ thế mà nhân lên nếu có 10, sáp hay đồng hoa thôi. Chứ học sinh cấp ba thì đào đâu ra tiền để mà cá cược chứ. Mà kể cả có thì bọn tôi cũng chẳng dám chơi đâu, Uyên mà nổ cho quả đồng hoa như lúc nãy thì lỗ vốn hết.
- Đứa nào cầm chương đi, tao búng mỏi tay lắm rồi.
- Tao nghỉ đây…
- Tao cũng đi.
Vậy là cả bọn giải tán. Đương nhiên là vậy rồi, cả bọn tai đứa nào cũng đỏ như cà chua, chơi nữa khéo chuyển sang tím mất. Mà chúng tôi chơi nãy giờ mà chả thấy cô Hoài vào nhỉ…
Chín giờ năm mươi lăm phút sáng.
“Ting~~”
Ồ… Điện thoại tôi có tin nhắn.
- Như, qua đây nói chuyện tí.
- Ừm.
Uyên vỗ vai và bảo tôi đi với nó một lát. Là bạn với nó đã lâu, cụ thể là một năm rưỡi, sự tin tưởng mà tôi dành cho nó là gần như tuyệt đối. Có lẽ nó sẽ không kéo tôi vào đám nào đang tỷ thí võ thuật đâu. Với lại, nó cũng hẳn biết rằng nó mà kéo tôi vào chỗ đấy thì tôi sẽ đấm nó đầu tiên, do nó gần tôi hơn cả. Dù không phải kiểu tư lợi, nó chắc chắn sẽ không bao giờ làm những điều có hại cho chính mình. Chỉ cần thế là tôi yên tâm rồi.
Uyên rẽ vào căng tin và mua hai cái bánh bao. Theo một nguồn tin chưa được xác thực mà chị Bí thư cho tôi biết, trường tôi thường nhập số lượng bánh bao bán cho một tuần, và trong số đó sẽ có ít nhất là sáu cái có hai trứng. Thế mà trong hơn một năm học tại trường Mỹ Năng, Uyên cứ hễ đến căng tin là số lượng bánh bao có hai trứng trong tuần lại giảm đi một cái. Có những hôm cô nàng hứng lên thì cả sáu cái bánh hai trứng đều nằm trong tay cô. Tôi không biết sự khác biệt giữa bánh một trứng với hai trứng có phải chỉ là hương vị hay không, nhưng vì hiếm có như vậy nên mọi người toàn bảo bốc được hai trứng là may mắn cả ngày. Nhưng nếu họ dùng hết may mắn trong ngày của họ để bốc bánh bao thì chả phải cả ngày họ sẽ gặp xui xẻo sao?
Hai đứa bọn tôi ngồi xuống chiếc ghế đá đặt cạnh sân bóng rổ. Nếu không tính hai đứa dở người đang nắng bỏ xừ mà ra ngoài ghế đá, tức là bọn tôi, thì ngoài sân chả có ai cả. Do biết nóng, Uyên còn cẩn thận xách quạt tích điện ra bật. Ôi làn gió mát rượi. Chiếc quạt này chỉ có một công dụng duy nhất là làm mát người sử dụng thôi, trái ngược hoàn toàn với vị chủ nhân suốt ngày nghĩ ngợi của nó. Uyên mà cũng đơn giản như vậy thì tốt biết mấy.
- Thế bạn hiền gọi tôi ra làm gì đây? – Tôi hỏi, giọng điệu đùa cợt.
- Đầu tiên, mày đừng có kể chuyện hôm kia ra. Thứ hai, sáng nay tao vừa gặp con bé hôm trước mua sách giáo khoa. Nó bảo là vào năm mới là nó sẽ vào học trường mình đấy, biết gì không?
Ừm ừm, toàn thông tin chán òm. Mà bạn tôi cứ yên tâm đi, chuyện hôm kia có chết tôi cũng không hé dù chỉ nửa lời.
- Cái con bé mày bảo ý… bằng tuổi mình đấy...
- Hả???
Khi tiếp nhận với những thông tin hoặc vật thể mới, một số loài vẹt sẽ có xu hướng hoảng sợ và đề phòng. Nếu tôi nhớ không nhầm thì các nhà sinh vật học đặt tên cho hiện tượng này là “neophobia”, tức là nỗi sợ trước cái mới. Nhà Uyên cũng nuôi một con vẹt, và lâu lâu cô bạn lại dùng cách này để dọa phát chơi chơi. Nhưng giờ vẻ mặt của cô trông chả khác gì con vẹt nhà cô, mặc dù chả biết có sợ không nữa. Đúng là chủ nào tớ nấy mà.
- Cô Yến vừa gửi danh sách lớp mới cho tao. Cô bạn kia là người nước ngoài, và sẽ học với lớp mình trong hai năm tới. – Tôi bình thản nói.
- Có chắc là đúng người không đấy? – Uyên nghi ngờ tôi – Nhà ngươi hay có thói quen trêu người ta lắm.
Tôi đưa điện thoại mở sẵn tin nhắn cho Uyên. Cô Yến cũng gửi ảnh của bạn mới cùng với một số thông tin cơ bản. Cô bạn kia tên là Kamisato Chiruzu, nguyên quán là Osaka. Tôi chỉ biết vậy thôi, chứ đâu rảnh mà đào sâu vào thông tin các nhân của người ta làm gì. Cô chủ tiệm sách trẻ trầm ngâm một lúc rồi trả điện thoại cho tôi. Đừng nói cô nàng đang thử tìm hiểu xem tên của Chizuru có nghĩa là gì nhé. Đừng có tưởng lấy được cái bằng N2 là tài Uyên nhé!
“Ting~~”
- Lên lớp thôi…
- Ừm.
Mười giờ hai mươi hai phút sáng. Người đang đứng lớp chúng tôi không phải là cô Hoài, mà là thầy Toản. Ôi, lần đầu tiên tôi có thể thức chép bài trong tiết Ngữ văn một cách tự nguyện từ đầu đến cuối. Mấy tên lớp F cứ bảo là thầy Toản dạy khó lắm, chứ tôi thấy học thầy dễ hiểu mà. Giọng đọc truyền cảm, kiến thức đúng trọng tâm, bài tập đơn giản dễ hiểu. Nếu có gì để phàn nàn thì chỉ có thể là thầy giao nhiều bài tập gấp đôi cô Hoài thôi. Mới học có một lát mà chúng tôi đã viết mỏi cả tay. Đột nhiên Uyên, người đang ngồi ở kế tôi, quay sang và bảo “Bảo sao bọn lớp F khỏe thế, dứt mãi chẳng ra”. Chả là khi trước Uyên có được một đứa lớp F tỏ tình. Cái đáng nói là sai khi bị từ chối, cậu bạn kia không có rời đi mà cứ nắm tay Uyên dùng dằng, khiến cô bạn nổi tiếng là lành tính này của tôi phải sử dụng tới vũ lực để thoát ra.
Năm giờ mười hai phút chiều.
- Chào Kamisato. Hôm nay bạn tới tìm gì ạ?
- Mình cần… Hả?


2 Bình luận
P/S: Truyện học đường này hay