Tôi có một thằng con trai, tên nó là Hoàng Quốc Tuấn.
Tôi và mẹ nó đã li hôn từ khi thằng bé mới 3 tuổi. Kể từ ngày hôm đó, bố con tôi sống cùng với ông bà nội.
Bố và thằng bé rất thân thiết với nhau. Ông cõng thằng bé trên lưng, đưa nó đi khắp nơi với chiếc xe đạp, hai ông cháu cười đùa vui vẻ với nhau.
Mẹ thì là người chăm nom nó. Dạy thằng bé từng câu chữ, bón cho từng thìa cơm, kể những câu chuyện cổ tích trước khi đi ngủ.
Do phải bận bịu kiếm tiền nên tôi không có thời gian dành cho Tuấn. Nhưng tôi vẫn luôn nỗ lực hàng ngày để thằng bé có một cuộc sống ấm no, đầy đủ.
Nhưng tôi tự hỏi, liệu nhiêu đó đã là đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt tình mẫu tử của thằng bé chưa?
Nó là một đứa trẻ khó tính và bốc đồng, một đứa cứng đầu, bướng bỉnh.
Ngay từ nhỏ Tuấn đã bộc lộ bản chất bạo lực. Những lần đánh nhau thường xuyên xảy ra, có lần nó còn làm gãy tay một đứa trẻ. Thành tích học tập cũng chẳng khá khẩm là bao, chơi bời lêu lổng, hay bị giáo viên phản ánh.
Nghe xong những gì giáo viên nói, tôi cảm thấy buồn thiu. Chỉ biết tự trách bản thân vì đã không dành thời gian quan tâm đến thằng bé.
Từ đó tôi bắt đầu nghiêm khắc với Tuấn, trực tiếp đứng ra dạy dỗ thằng bé. Nếu cứ để ông bà nội chiều chuộng nó thì sớm muộn cũng sẽ sinh ra hư hỏng.
Trong thời gian này, cứ mỗi ngày nghỉ là tôi lại cho thằng bé lên nhà ngoại chơi.
Thằng bé trở lên vâng lời, ngoan ngoãn và hiền lành hơn trước. Một sự thay đổi đáng kinh ngạc, đến chính tôi cũng phải ngạc nhiên vì điều đó.
Cho đến một ngày nọ, một bầu không khí ảm đạm dưới cơn mưa tầm tã, Tuấn trở về nhà với bộ đồ ướt nhẹp cùng tâm trạng u sầu. Tôi đã cố hỏi chuyện, nhưng thằng bé không nói gì mà chỉ đánh trống lảng.
Sau khi hỏi chuyện họ hàng bên ngoại, họ đã kể tôi mọi thứ. Mẹ nó đã lừa ông bà ngoại một số tiền tích kiệm lớn và bỏ trốn.
Họ đã giải thích với tôi, rằng mọi thứ chỉ là hiểu lầm, do ông ngoại lúc đó đã quá nóng giận mà mất bình tĩnh.
Nhưng tôi vẫn không thể chấp nhận được. Tuấn chỉ là một đứa trẻ, nó là con tôi! Chỉ vì mẹ nó mà đối xử với thằng bé như vậy thật là quá đáng.
Tôi nghe nói mẹ nó đã dính đến các tệ nạn xã hội, nhưng tôi không thể tin được rằng cô ấy sẵn sàng lừa tiền chính bố mẹ mình. Bởi đằng nào cũng từng là vợ chồng nên tôi hiểu rõ cô ấy nhất, người mà tôi đã yêu sâu đậm cả đời, cùng lên xe hoa, sống chung một mái nhà, nay lại lừa tiền chính bố mẹ ruột mình.
Nhưng tôi cũng không có tư cách nói điều đó... Chỉ vì do tôi quá yếu đuối, không vượt qua được gia đình mà để vợ mình bị đối xử bất công.
Sau ngày đó, thằng bé đã không còn lên nhà ngoại một lần nào nữa, ngay cả khi tôi có yêu cầu nó lên đó.
Thời gian thấm thoát trôi qua, thằng nhóc mới nhú ngày nào nay đã lên cấp hai. Tôi có thể nhận ra sự thay đổi rõ rệt trong tính cách thằng bé.
Từ khi lên cấp hai thằng bé trở nên trầm tính, ít nói hơn hẳn, trái ngược hoàn toàn khi còn nhỏ.
Nó dường như có rất ít bạn bè, dù lúc trước chơi với rất nhiều đứa trẻ khác. Một trong số đó là Nam, bạn học cùng lớp Tuấn. Hai đứa từng chơi rất thân thiết, nhưng giờ như người dưng nước lã.
Thằng bé giờ còn tỏ rõ thái độ chán ghét với ông nội, dù hồi còn nhỏ hai ông cháu rất thân thiết với nhau. Tôi có thể hiểu được điều đó, trong mắt mọi người, bố tôi giờ chỉ là một kẻ nghiện rượu không hơn không kém.
Nhưng ông ấy vẫn là bố tôi, là người nuôi nấng, dạy dỗ tôi thành người, dù ông có như nào đi nữa thì điều đó vẫn sẽ không thay đổi. Tôi có nặng lời với ông, có mắng chửi ông như nào đi nữa thì tôi vẫn dành tình cảm, sự tôn kính dành cho người bố của mình.
Thằng bé dường như không còn chút tình cảm gì dành cho ông nội, mà thậm chí còn chẳng coi ông ấy là ông mình.
Dù mẹ tôi có tỏ ra chán ghét như nào, có nặng lời thì bà ấy vẫn một mực quan tâm đến chồng mình.
Bà quát mắng vì muốn tốt cho ông, cho ông uống rượu để chiều lòng ông. Nhưng sau tất cả bà vẫn một mực hầu hạ ông ấy, quan tâm từng li từng tí một, lo lắng sốt ruột mỗi khi ông đi lạc đường.
Nhưng Tuấn dường như không nhận ra được điều đó. Thằng bé nghĩ rằng những gì tôi và bà nội nó thể hiện ra bên ngoài là cảm xúc thật sự dành cho ông nội nó.
Thằng bé chỉ phớt lờ ông nội, coi như ông ấy không tồn tại. Dù ông có như nào cũng mặc kệ, không liên quan đến nó.
Lỗi do tôi và mẹ rất nhiều, nó còn là một đứa trẻ nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh. Chỉ cần một tác động nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng tới tư duy, suy nghĩ của nó sau này.
Tôi đã cảnh cáo Tuấn, cũng như bắt nó phải quan tâm đến ông nội nhiều hơn. Nhưng thằng bé chỉ miễn cưỡng làm điều đó, với sự khó chịu và bực bội hiện rõ trên gương mặt.
Tình cảm của thằng bé với nhà ngoại cũng chẳng mấy tốt đẹp, kể từ ngày đó nó vẫn không lên nhà ngoại một lần nào.
Khi ông ngoại Tuấn mất, tôi đã phải đưa thằng bé lên đó để dự đám tang.
Trong buổi lễ đau buồn đó, sự đau khổ hiện hữu trên gương mặt từng người, đôi mắt đỏ hoe với từng giọt lệ lăn dài trên má họ. Mẹ của Tuấn cũng về để dự tang lễ, cô ấy gào khóc, hối hận vì những gì đã làm.
Nhưng tuyệt nhiên, thằng con tôi không rơi nổi một giọt nước mắt. Trong suốt tang lễ chỉ thấy nó thờ ơ trước mọi người, không biểu lộ một chút cảm xúc đau buồn.
Sau lần đó mẹ thằng bé cũng đã sống tốt hơn. Có một người chồng mới, gia đình mới, một hạnh phúc mới. Mối quan hệ của cô ấy với nhà ngoại cũng đã được hàn gắn lại. Nhưng Tuấn thì vẫn luôn như vậy, thằng bé vẫn luôn mang theo quá khứ đó trong mình. Những gì mà thằng bé đã và đang trải qua đã ám ảnh, đeo bám thằng bé cho đến tận bây giờ.
Tôi tự hỏi rằng thằng bé có thật sự thay đổi chưa, hay chỉ đang giấu đi bản chất của mình?
Ở nhà Tuấn là một đứa ích kỷ, luôn bắt người khác phải sống theo ý muốn của mình, giống hệt với mẹ nó. Còn khi ra ngoài lại trở nên ôn hoà, tốt tính đến nhu nhược, cứ như thể... Thằng bé đang bắt chước tôi vậy!
Tôi không muốn thằng bé trở thành người như mẹ nó, nhưng cũng không muốn nó đi vào vết xe đổ của tôi.
Thằng bé không có chính kiến cá nhân, thiếu khả năng tự lập, tự quản. Nó không có quá nhiều điểm đặc biệt, không chút điểm nổi trội. Điều này khiến tôi phiền lòng ngày qua ngày.
Có một lần, trong bực tức tôi đã lỡ thốt câu.
“Sinh ra mày...”
Rất may tôi đã không nói hết câu đó, tuy nhiên nó đã khiến khoảng cách cha con vốn đã rất nhạt nhòa của tôi với thằng bé ngày càng dãn ra.
Tôi không phải người có thể tâm sự cũng như gần gũi với con cái. Tôi không thể hiểu nổi thằng bé đang nghĩ cái gì trong đầu, cũng như không thể chia sẻ những tâm tư của mình cho nó... Tôi có phải là một người cha thất bại?
Nhưng chí ít, trong thời khắc cuối cùng này... Tôi cũng đã có thể làm một điều gì đó cho thằng bé.
Sau khi cứu Tuấn, móng vuốt của con quái vật đã đâm xuyên qua lồng ngực tôi, máu cứ liên tục chảy dài không ngớt. Với chút hơi tàn cuối cùng, tôi tiến tới ôm thằng bé và nói lời xin lỗi.
Xin lỗi con... Vì mọi thứ.
Để thằng bé phải chịu đựng ngày qua ngày trong căn nhà này. Dù tôi có bù đắp bằng vật chất bao nhiêu đi chăng nữa, thì tinh thần của nó đã bị tổn hại nặng nề.
Giờ đây, tôi không cần thằng bé phải là một cái gì đó cao siêu, không cần phải trở lên vĩ đại, phải giỏi hơn con nhà người ta. Chỉ cần sống là được rồi, sống thật với chính mình, làm bất kỳ điều gì mà nó muốn.
Sống bằng bất cứ giá nào!
Đây là lần đầu tiên tôi mong muốn vì bản thân, một mong muốn ích kỷ.
“Con phải sống... Bằng bất cứ giá nào.”
0 Bình luận