Súng, tro cốt và âm binh...
Nguyễn Văn Mười, Bé Vỉa Tôm Chiên Kùwu
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Phụ chương: Những câu chuyện bên lề (Autospy Revolution)

Giai điệu của cát (P2)

0 Bình luận - Độ dài: 3,881 từ - Cập nhật:

Từng có truyền thuyết kể rằng, một thương nhân Ả Rập đã cùng chú lạc đà hai bướu của mình rong ruổi khắp sa mạc rộng lớn, liên kết giữa hai lục địa khổng lồ để đi tìm những vùng đất mới. Và từ dấu chân của ông, những lái buôn khác cũng đi theo con đường ấy với mục đích tương tự. Rồi thời gian trôi qua, con đường năm nào đã mở rộng thành một mạng lưới khổng lồ chạy dọc lục địa Á Âu. Những chuyến thuyền dong buồm giữa cát vàng mang theo cổ tích phương Đông tới các miền đất hứa đã không còn quá xa lạ nữa, dưới cái tên Con Đường Tơ Lụa.

Phú có thể nghe được tiếng đàn qanun văng vẳng đâu đây, dù anh chưa từng thấy một nghệ sĩ nào sống quanh đây. Thật kỳ lạ, chẳng lẽ mình bị say nắng rồi sao, chàng trai tự hỏi. Giữa biển cát mênh mông và nóng tựa lòng chảo này, ai có thể đủ can đảm mà chơi đàn?

Âm thanh cứ ngày một rõ hơn, rồi như thể có người đang rót vào tai Phú những giai điệu dân gian ấy. Anh ta bắt đầu cảm thấy lo lắng, pha chút lo sợ. Phải chăng việc sống trong môi trường quân đội đã khiến não bộ anh hoạt động sai lệch?

Nhưng đó chỉ là những phút ban đầu. Sau phút thứ sáu, dường như Phú đã tìm thấy cái hay trong chất âm cổ tích đó. Anh say mê nó hơn, thậm chí còn thấy bản thân lâng lâng, như thể đang hóa thân vào một nhân vật trong số nghìn lẻ câu chuyện mà nàng Scheherazade kể hàng đêm cho vua Ba Tư nghe vậy. Cả cửa sổ tâm hồn của Phú cũng thay đổi. Thay cho ánh nắng chói chang là ngôi sao phương Đông bay vút giữa trời đêm, nom như đi tìm kẻ may mắn tiếp theo. Những bụi cây và loài bò sát đói bụng cũng hóa thành vàng bạc, châu báu. Ôi tuyệt diệu làm sao!

Đáng tiếc thay, điều đó cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Sớm thôi, luồng cát nóng bỏng lại tạt thẳng vào khuôn mặt ngẩn ngơ của anh lính mũ nồi xanh. Tiếc hùi hụi, Phú nhổ cát xuống đất rồi chui vào khoang xe mà ngẩn ngơ. Anh ước gì mình sẽ được nghe lại tiếng đàn ấy một lần nữa.

Càng đi về hướng Đông, đoàn xe càng ì ạch. Những bánh xe không bám vào bề mặt cát nữa; thay vào đó, chúng dần lún sâu xuống. Nhận thức được tình huống này, cả đoàn xe dừng lại để xử lý vấn đề. Mệnh lệnh đốc thúc lính tráng ra khỏi phương tiện cứ thế um sùm cả lên, lẫn trong tiếng chửi và hò hét.

Phú trườn từ nóc xe xuống, cùng lúc những đồng chí của anh ra hết khỏi. Cỗ thiết xa vận từ sụt xuống với tốc độ khủng khiếp nay đã bị hãm lại đôi phần. Giờ là lúc kiểm tra. Phú bới cát lên và tìm kiếm thanh chỉ thị trên lốp xe. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn vào phần ta lông đã là quá đủ để anh đưa ra kết luận.

“Cao su lão hóa, bánh xe hỏng rồi!”

“Tuyệt”, “Vui nhỉ”, các chiến sĩ mũ nồi khác ngồi phịch xuống cát mà ngán ngẩm giùm. Bây giờ họ sẽ phải vần bốn chiếc lốp to vật vã, sau đó hợp sức để kích khối thép nặng vài tấn này lên giữa sa mạc khô cằn này, thật chẳng khác nào hành xác. Nhưng rồi ai cũng phải làm việc, bởi nếu không thì có đến tối xe cũng chẳng lết được đến điểm dừng, chứ đừng có nói là về tới doanh trại nguyên hình.

Xe nào cũng như xe nào, tất cả đều được kích lên một điểm vững, sau đó bắt đầu sửa chữa. Tám người, ai cũng có việc cho mình. Lính tráng vứt mũ lăn lông lốc, tóm lấy chiếc cờ lê vặn lấy vặn để từng bu lông cố định bánh xe. Hai người còn lại thì chui vào sâu trong gầm, tháo tấm giáp ra mà kiểm tra từng cọng dây điện. Dù diễn ra dưới môi trường không lấy gì làm lý tưởng, nhưng dẫu sao khung cảnh lao động này cũng thật sôi nổi.

Vừa thay lốp xong, Phú lại lao vào trong khoang lái để kiểm tra thông số. May mắn thay, không có két nước nào bị quá nhiệt, không có cảm biến nào bị nướng chín cũng như bất kỳ giọt dầu nào bị rò rỉ. Như vậy là xe có thể chạy tiếp được rồi, anh chàng giơ ngón cái lên để ra hiệu cho đội thu dọn đồ đạc. Rất nhanh chóng, toàn bộ tám người đã có mặt trên cỗ thiết xa. Lần này, Phú quyết định ngồi ghế phụ, không thèm phơi nắng trên giá súng nữa.

“Tiếp tục chuyến hành trình thôi.”

Dứt lời, chiếc xe ì ạch trườn trên cát rồi dần dần tăng tốc.

Sau một tiếng vượt sa mạc, đoàn xe đã thấy được những ngôi nhà mái đất sét - dấu hiệu rõ nét nhất cho nền văn minh. Phú mở máy định vị để kiểm tra thì thấy mình đang đi đúng hướng, mặc dù đoàn không hề biết tên của nơi này. Thường thì những ngôi làng kiểu này có thể nằm ở đủ kiểu vị trí địa lý, từ đơn độc, hẻo lánh cho tới nằm sát sườn núi. Nhưng dù sao thì đến được điểm dừng cũng là điều thần kỳ rồi, nên Phú không muốn nghĩ thêm nữa.

Sớm thôi, ngôi làng đã hiện ra trước mắt đoàn xe. Đó là tổ hợp những ngôi nhà đơn tầng xếp thành từng dãy trên một ô đất hẹp giữa sa mạc, mắt thường hoàn toàn có thể nhìn thấy bao quát. Tuy mỗi nhà chỉ to cỡ cái lán ở miền Tây Việt Nam, song khác ở chỗ là chúng xây bằng gạch và mái bằng. Nói là người dân nghèo và sống ở vùng hẻo lánh, nhưng ít ra nhà nào cũng được sơn sửa rất đàng hoàng. Vậy xem ra châu Phi cũng không hẳn là quá tan hoang như thời thuộc địa, nhưng sự thật là dân chúng vẫn đói nghèo cực kỳ.

Ngay khi những cỗ thiết xa vận vừa dừng lại ở đầu làng, người dân đã đua nhau chạy về phía chúng. Vừa xuống xe, Phú đã nhìn thấy một đám chừng hai, ba chục người bu về phía xe bên cạnh, phần lớn là những người phụ nữ da màu đội hijab. Dáng người gầy gò, nhỏ thó bị phơi dưới ánh nắng gay gắt khiến họ có thể ngã quỵ bất cứ lúc nào. Những nếp nhăn trên khuôn mặt như lời nói thay cho số cuộc chiến mà họ đã trải qua, từ nội chiến tới bom đạn dân chủ.

Chưa kịp định thần thì đột nhiên, một đám trẻ con mình không mảnh vải chạy lon ton đến xe của Phú. Thừa biết thứ mà chúng đang cần lúc này, anh liền kêu đồng đội dỡ trước một thùng lương thực xuống, trước khi phát thuốc. Dường như thứ lũ trẻ mắt lồi bụng giun ấy không phải là sự an toàn mà những người lính đem lại, mà là cơn đói tạm lắng xuống nhờ bánh mì. Mỗi đứa trẻ hai tay ôm bao gạo nặng vài ký đi về nhà mình, lòng đầy vui sướng.

Trong khi đó, những người lớn với đôi vai gầy đang hối hả nhận dược phẩm thiết yếu. Khác với những lần ở vùng chiến sự, khi dân chúng lợi dụng lý tưởng tư bản chủ nghĩa hòng chiếm đoạt nhiều thuốc giảm đau nhất có thể, đây là lần hiếm hoi mà Phú thấy người ta đứng xếp thành hàng rất nghiêm chỉnh. Có lẽ nơi đây đã được ghé thăm nhiều lần rồi nên một cách vô tình, nếp sống đã được hình thành.

Bỗng, một người đàn ông nhỏ bé chạy đến bên Phú và hỏi bằng tiếng Ả Rập. Ông ta khẩn khoản cầu xin hãy chạy chữa cho đứa con thuộc lực lượng nổi loạn, dù có phải bán cả mảnh ruộng và gia súc đi. Vốn thương người, Phú liền gọi theo một đồng đội người ngoại quốc là bác sĩ rồi theo chân ông ta về nhà.

Mùi hôi thối xộc lên trong túp lều đất sét. Dưới tấm nilon, một thanh niên trẻ đang quằn quại trong cơn đau. Mồ hôi phủ khắp khuôn mặt hốc hác của anh, trông chẳng khác nào người sắp chết tới nơi. Lật chăn lên mới thấy, bàn chân của anh ta đã bị hoại tử một phần lớn, dịch mủ tiết ra đầy vết thương. Thậm chí, có thể nhìn thấy những con ấu trùng trắng hếu bằng mắt thường. Cổ họng Phú nghèn nghẹn, mặt tái mét, tưởng như sắp ói tới nơi. Anh lập tức hối thúc bác sĩ quân y người ngoại quốc.

“Nhanh lên đi, bằng không anh ta sẽ chết!”

Bác sĩ nghe thế liền nhanh nhảu lấy chiếc nhíp gạt hết dị vật quanh vết thương ra, sau đó chích cho bệnh nhân đang quằn quại kia một liều morphin. Cùng lúc ấy, Phú lấy vài tấm giấy ra thấm mồ hôi cho bệnh nhân. Quả nhiên, sau một hồi thì thuốc đã có tác dụng, triệu chứng đã giảm dần. Bệnh nhân từ đó cũng thiếp đi.

Viên bác sĩ đưa cho Phú vài dụng cụ kèm băng gạc và nói.

“Được rồi, anh hãy cầm hộ tôi mấy thứ linh tinh này.”

Phú ừ một tiếng rồi đứng nhìn. Quân y bắt đầu bằng việc tiêm thuốc tê vào vùng da xung quanh, rồi một tay cầm dao, một tay cầm nhíp xử lý. Moi móc, chọc ngoáy một hồi, viên đạn, thủ phạm của vết thương đã xuất đầu lộ diện. Màu vàng ban đầu của nó đã không còn, thay vào đó là một màu xỉn pha lẫn sắc huyết đỏ. Nhìn kỹ hơn, có thể thấy vài mẩu sợi cơ còn bám trên viên đạn đó.

Viên đạn vang một tiếng trên nền nhà. Bác sĩ quân y bắt đầu sát trùng, khâu vết thương lại rồi cố định bằng mấy tấm băng gạc. May mắn thay, nhờ thuốc tê nên bệnh nhân không kêu đau mấy, giúp quá trình xử lý diễn ra nhanh chóng. Vị bác sĩ bỏ chiếc nhíp vào cái bịch ni lông, cất vào ngăn riêng của túi rồi gọi người nhà, vốn vẫn chưa khỏi lo lắng tới chỗ mình.

Rồi bỗng từ đâu, những tiếng xe tải gầm rú lên, kèm theo vài tiếng la ó, chửi rủa không thể nào hợp tai nổi. Bất ngờ, người đàn ông có con đang bị thương chạy ra ngoài, giơ thân như để chặn thứ gì đó. Phú cũng xách súng ra xem có điều gì bất thường ở đây. Quả không ngoài dự đoán của anh, đúng là có một đám ngồi cheo leo với cây súng bên thùng xe, mặt mũi lếch nhếch, ăn mặc cũng xù xuề chẳng kém. Đích thị đây là thổ phỉ.

“Làm ơn, xin đừng lấy con trai của tôi đi nữa!”

Người đàn ông da màu khóc trong tuyệt vọng. Thực sự, Phú đã rất sốc trước cảnh tượng người bố gầy gò và ốm yếu lấy thân mình chặn xe tải này. Dường như ông bố này đã phải chịu khổ quá nhiều, nên quyết bảo vệ bằng được đứa con tội lỗi của mình.

“Câm miệng.”

Trong tích tắc, một tên thổ phỉ chĩa súng và bắn thẳng vào ngực người đàn ông tội nghiệp kia. Quá ngỡ ngàng, Phú há hốc mồm và tự hỏi, rằng liệu đám này có phải bọn ăn thịt người không mà xuống tay nhanh vậy? Theo phản xạ, anh lập tức giơ súng lên và hét lớn bằng tiếng Ả Rập.

“Quân đội Liên Hợp Quốc đây! Đề nghị tất cả buông súng xuống!”

Đương nhiên, đám thổ phỉ này đời nào có biết “quân đội giữ gìn hòa bình” là gì. Chúng vẫn lăm lăm chĩa thẳng súng vào Phú mà chẳng hề biết những hậu quả đang đợi chờ chúng đằng sau. Ở phía đối diện, anh lính đến từ Đông Nam Á từ từ di chuyển về phía căn nhà nhỏ, vị trí mà nắp bình xăng lọt vào tầm ngắm, sẵn sàng bóp bất cứ lúc nào. Mồ hôi chảy tong tỏng xuống nền cát, bốc hơi thành căng thẳng. Cả hai bên không ai chịu nhường ai, có thể có kẻ ngã xuống bất kỳ lúc nào, mặc dù khả năng Phú thành liệt sĩ là rất cao.

Cùng thời điểm đó, nhờ bác sĩ quân y mà nguyên đoàn xe đã chạy đến để ứng cứu cho Phú. Trước cảnh một người lính trẻ phải chọi lại nguyên toán thổ phỉ, ai nấy cũng đều thấy rùng mình.

Rồi viên chỉ huy người Tây phương đã tới. Ông ta bằng một cách thần kỳ đã thuyết phục được đám khủng bố chỉ với những từ ngữ ôn hòa, không hề phức tạp hay sực mùi tuyên truyền như Phú đã được huấn luyện tại Việt Nam. Nói thế không phải Phú muốn quy phục mấy gã tư bản này, mà anh thực sự cần học hỏi nhiều từ họ.

“Thôi nào, chúng tôi chỉ đến để cho họ thuốc men và một số nhu yếu phẩm. Nếu cần, các người có thể trao đổi đạn dược cho chúng tôi mà, rẻ thôi.”

Nghe đến đây thì Phú bắt đầu thấy có mùi. Ừ thì thu vũ khí đúng là nhằm mục đích hướng thiện thật, nhưng chỉ nửa năm trước đây thôi, đã có một vụ buôn lậu vũ khí cũ gây chấn động cả thế giới. CNN, Vice, The Washington Post đều đã đưa tin rầm rộ, khiến các nước phải ngồi họp với nhau để xử lý vấn đề. Hồi xưa, Phú đã từng được nghe kể về những kho vũ khí để lại theo diện “bỏ của chạy lấy người” hoặc mua bán kiểu “tiền trao cháo múc”, song lần này thì quá trắng trợn rồi. Đường đường là lực lượng bảo vệ hòa bình, đội chiếc mũ nồi xanh cao quý đến vậy mà cũng cố lợi dụng tình hình bất ổn mà kiếm lời. Có thể quân đội các nước tư bản chủ nghĩa cho đó là bình thường, nhưng tuyệt nhiên một người con máu đỏ da vàng như Phú không thể chấp nhận nổi nó.

Thì ra đây là cú sốc đầu đời, anh thầm nhủ. Hóa ra đi lính bảo vệ người dân mấy xứ Ả Rập này cũng chả khác gì đánh thuê rồi buôn lậu kiếm lời. Mặc kệ người lính tên Gia Phú đang ngồi thụp trên nền đất pha cát, viên chỉ huy kia vẫn tiếp tục màn thương lượng bằng tài năng kiệt xuất của mình. Nói theo cách văn hoa thì ông ta là một doanh nhân thành đạt, còn huỵch toẹt ra thì hắn là tay vắt sữa vĩ đại nhất lịch sử thế giới.

Sau một hồi ngã giá, cuối cùng hai bên lại thỏa thuận theo một hướng khác. Tạm thời phe vũ trang sẽ không nhận thứ gì và rút khỏi làng này, còn lực lượng Liên Hợp Quốc sẽ ở lại hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, ở các làng lân cận, nơi có một số nhân viên thuộc Hội Chữ Thập đỏ đang mắc kẹt, phiến quân sẽ có nhiệm vụ đưa họ tập kết về nơi này, đổi lại sẽ được nhận mười hai thùng đạn súng trường và lương thực các loại. Sở dĩ có chuyện này là bởi họ, tức các nhân viên chăm sóc y tế ngoại quốc kia, rất cần trở về chính quốc vì lý do cá nhân. Và đương nhiên, để được lên những chuyến bay đặc biệt, thay vì phải chịu cảnh nóng bức vượt hàng trăm cây số để đến phi trường dân sự “nguyên vẹn nhất”, hàng ngàn đô sẽ cần phải qua tay gã chỉ huy da trắng này.

Dĩ nhiên, Phú ngây thơ của chúng ta cũng chẳng biết được chuyện đó. Anh ta chỉ buồn vì những lý tưởng mà mình mong muốn được thực hiện đã tan thành mây khói. Chẳng có nơi nào là thiên đường trên Trái Đất này cả, tất cả đều là địa ngục với kẻ tay trắng. Nhìn chiếc bán tải chở phiến quân đi xa, Phú lại nghĩ về cơm áo gạo tiền…

Trong khi đó, những dân làng xúm lại khiêng người bố bị bắn vào trong nhà. Dường như đây không phải lần đầu tiên họ gặp phải một đội quân và tình huống như thế này. Thoáng nghĩ, Phú cho rằng họ chỉ muốn được sống bình yên, còn niềm tin dẹp loạn đã biến mất từ lâu rồi.

Nguyên buổi chiều ngày hôm ấy đã phải dừng lại tại ngôi làng này. Người đàn ông xấu số ban sáng được mai táng theo nghi thức địa phương, và chính Phú đã tận mắt quan sát quy trình ấy trong sự buồn bã. Thi thể được khiêng vào một cái bồn bằng đá, sau đó lại được người làng tắm rửa sạch sẽ bằng nước giếng có màu nhàn nhạt. Tiếp theo, người làng căng ra một cuộn vải trắng, bọc kín thi thể da đen và đem đến huyệt. Nơi an nghỉ cuối cùng của người đàn ông tội nghiệp ấy cũng không xa làng mấy, chỉ cách một đoạn đường mòn tầm bốn cây số. Tại đó cũng có những tấm bia được dựng xen kẽ nhau, mỗi miếng đá đều khắc lên bằng tiếng Ả Rập tên tuổi, ngày sinh năm mất và bộ tộc thuộc về. Từ khi làng không có Imam, trưởng làng đã đứng ra lo khoản nghi lễ tâm linh.

Khi tất cả mọi người trong làng đều nín thở chờ ông ta đọc xong những dòng kinh Qur’an thì những người lính bỏ đi làm việc khác. Đội gìn giữ hòa bình trở về ngôi làng ban đầu thu dọn những thiết bị như thùng chứa, bộ đàm và máy dò kim loại. Sau đó, mỗi người trong đội sửa chữa lại được cử ra để kiểm tra hỏng hóc và nạp lại nhiên liệu. Trong lúc mọi người đang hăng say làm việc như vậy, bỗng người chỉ huy da trắng hồi sáng huých huých vào người Phú.

“Cậu đi ra đây, tôi có chuyện muốn nói.”

Phú thân là lính quèn nên cũng tuân lệnh theo ông ta ra cổng làng. Mặt trời khi này đã lặn, nhường chỗ cho nền trời tím rịm, lấy trăng lưỡi liềm làm chủ đạo.

“Một đêm Ả Rập thật tuyệt vời nhỉ.”

Viên chỉ huy cười cười. Phú đứng cạnh, mắt nhìn lên trăng mà lòng cứ lo lắng một điều. Bản thân anh không muốn trở thành một gã ngốc chút nào, song vẫn mong biết lý do mà chỉ huy lại giao kèo với mấy tay phỉ bằng đồ nhà. Nhưng cái rụt rè của Phú cũng có lý do chính đáng. Anh lính sợ bị cả trại thù ghét vì không nghe sếp, trường hợp tệ hơn thì bị nuốt mất lương. Nếu cái bối cảnh đó mà xảy ra thì không chỉ danh dự, mà cả căn hộ tương lai của chàng trai cũng sẽ tiêu tùng.

Nhưng rồi, viên chỉ huy người Tây đó lại chia sẻ với Phú.

“Tôi không bắt ép cấp dưới của mình phục tùng ai cả. Thực lòng mà nói, tôi thụt kho của đơn vị để đem đổi âu cũng là vì hoàn cảnh gia đình.”

Tuy chẳng biết là thực hay giả, nhưng Phú cũng hiểu được phần nào. Không cần anh phải nhắc, gã đàn ông da trắng đó nói tiếp.

“Nghiệp nhà binh bắt đầu khi tôi mới học hết trung học. Khi đó, nhà tôi rất nghèo, lương của bố mẹ thuộc loại mạt hạng nhất bang Delaware rồi đó. Rất nhiều ngân hàng đã từ chối thẩm định tài chính, thế nên tôi chẳng còn cách nào khác ngoài tham gia lực lượng thủy quân lục chiến. Nghe buồn cười lắm phải không? Được cái kể từ khi gia nhập, gia đình tôi đã khấm khá hơn đôi phần, bản thân tôi cũng có cho mình xe riêng, nhà riêng và vợ con.”

Thì ra là như thế, một gia đình Mỹ điển hình, Phú thầm nhủ. Rồi anh quay sang nhìn viên chỉ huy và hỏi.

“Vậy, ngài đã tham chiến ở những đâu?”

“Iraq, Afghanistan và vài tháng bên Syria. Ông tôi cũng từng là cựu Mũ nồi xanh ở Việt Nam, chú tôi thì tham chiến ở Mogadishu năm 1993. Nghe đâu khủng khiếp lắm, hơn cả trên phim ‘Black Hawk down’ nhiều.”

Đoạn ông chỉ huy châm một điếu thuốc bạc hà. Song Phú vẫn còn thắc mắc chưa được giải đáp.

“Nhưng trở lại với vụ sáng nay, tại sao ngài lại thụt kho của doanh trại mình? Chẳng phải ngài nói kinh tế gia đình đã được cải thiện rồi sao?”

“Ừ, phải thừa nhận là tôi tham. Nhưng cái lon Trung tá trong quân đội không đủ để đáp ứng cuộc sống cho một gia đình sáu người. Rất nhiều khoản vay cần phải trả, quá nhiều thuế phải đóng cho những năm tháng mà tôi chưa biết mình có sống để hưởng thụ không. Mỗi bang một quy định, mà xui là bang tôi sống lại là nơi nghiêm ngặt nhất.”

Nghe đến đây thì Phú cũng hiểu được phân nửa. Lòng tham con người đúng là vô đáy. Cơ mà có tiền thì cũng sướng biết bao, càng nhiều thì lo lắng vơi bớt đi. Nhìn vẻ mặt suy tư của anh lính trẻ, gã da trắng liền đưa ra một đề nghị.

“Hay là cậu làm vận chuyển và môi giới cho tôi nhé, tôi trông cậu cũng đô con mà? Cho mỗi lần trót lọt, tôi sẽ trích ba mươi phần trăm lấy làm thù lao cho cậu, vị chi là khoảng vài trăm đô. Chỉ cần vài ba lần một tháng thôi là đã gấp đôi lương hiện tại của Liên Hợp Quốc rồi, cậu nghĩ sao?”

“Dạ thôi ạ. Ngài nên đem cơ hội này cho người khác, chứ thân phận như tôi thì e là không đủ khả năng đáp ứng đâu.”

Nhưng Phú dứt khoát từ chối. Anh chỉ cười xuề xòa rồi quay trở về những chiếc xe chở quân. Chỉ còn vài tháng nữa là sẽ được về Việt Nam. Khi đó, có thể Phú sẽ suy tính đến việc giải ngũ chăng?

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận