Ectabana, thủ phủ của Pars, đã bị quân xâm lược Lusitania chiếm đóng từ mùa thu năm 320.
Cho đến gần đây, Ecbatana vẫn còn là một thành phố tráng lệ. Chắc hẳn đâu đó vẫn tồn tại thói đạo đức giả trong bộ máy chính quyển, sự chênh lệch giàu nghèo sâu sắc, nhưng dẫu sao cung điện bằng đá cẩm thạch vẫn tỏa sáng lộng lẫy dưới ánh mặt trời, những hàng cây dương rợp bóng và những dòng nước chảy dọc hai bên con đường lát đá. Xuân về, hoa tulip nở rộ ngát hương.
Nhưng sự biến đổi chỉ diễn ra trong nháy mắt. Sau cuộc xâm lăng của người Lusitania, thành Ecbatana vương đầy máu đỏ, xác chết, chất thải của con người. Cho đến tận bây giờ vẫn thế. Những người Pars nói, sự thô tục của quân Lusitania chẳng liên quan gì đến chức vị hay cấp bậc. Bọn họ hầu như không chịu tắm rửa, các bác sĩ thì không có kiến thức về gây mê, họ kinh ngạc quá đỗi khi thấy giấy của xứ Serica. Họ chỉ đơn giản tự cho mình là bề trên khi vác đao kiếm đi tàn sát, coi hành vi phạm tội dù là nhỏ nhất làm cái cớ để rút kiếm giết dân thường.
Những kẻ áp bức kiêu ngạo ấy, những tướng lãnh và binh lính quân đội Lusitania ấy, đều rơi vào cơn hoảng loạn do một sự cố xảy ra vào đầu mùa đông.
Đó là cái chết của một người có sức ảnh hưởng tương đối lớn. Người này không những là bá tước, thủ lĩnh hiệp sĩ, tướng quân, mà còn là một giám mục được phong chức sắc, tên là Pedelaus.
Đêm hôm ấy, ngày 5 tháng 12, Pedelaus say khướt sau khi tắm mình trong rượu vang trắng của Pars, đang vênh vang quay về nơi ở của mình cùng các hiệp sĩ. Lão ta hả hê khoe khoang về việc đã trừng trị những kẻ ngoại đạo với phương pháp tàn nhẫn như thế nào. Lão đun sôi một vạc dầu lớn, bỏ những đứa trẻ ngoại đạo vào, rồi dùng gươm kề cổ, đe dọa cha mẹ chúng, bắt họ ăn thịt chính con của mình. Thường thì những người cha mẹ ấy sẽ nổi điên lên, tấn công lão bằng tay không, để rồi bị phanh thây làm nhiều mảnh.
Các hiệp đi cùng lão nhăn mặt khi nghe đến chuyện tàn ác ghê tởm ấy, có vài người thậm chí còn buồn nôn, nhưng dưới sự giám sát của kẻ quyền lực như Pedelaus, họ chỉ có thể gượng cười đáp lại. Ai cũng biết trước kia từng có chuyện Pedalaus đâm mù mắt một người lính dưới quyền mình chỉ vì anh ta khiến lão không vui.
Không lâu sau, Pedelaus tách khỏi nhóm hiệp sĩ, đi đến một luống hoa tulip để giải quyết nỗi buồn. Chẳng có một quý tộc Pars nào có chức có quyền lại cư xử thô bỉ như vậy. Ấy là bởi những ngôi nhà bình thường ở Lusitania thậm chí còn không có nhà vệ sinh, thứ được coi là hiển nhiên ở mỗi hộ gia đình xứ Pars.
Rồi bất ngờ.....
"Á!"
Một tiếng kêu kinh hoàng vang lên. Binh lính đứng gần đó ngạc nhiên quay lại, không hiểu chuyện gì đã xảy ra.
Bá tước loạng choạng ngả người về phía sau, chưa kịp với lấy thanh kiếm bên thắt lưng đã ngã vật ra đất. Các hiệp sĩ và lính canh vội vàng chạy đến cứu giúp, nhưng sau đó họ chỉ thấy một vết rạch kinh hồn ở bụng dưới của bá tước, máu và ruột chảy ra ồ ồ.
Không ai tiếc thương cho cái chết của Pedelaus, nhưng khi thấy ông ta bị sát hại, họ vẫn phải truy tìm thủ phạm. Họ quan sát xung quanh, gắng nhìn xuyên bóng tối. Sau đó họ thấy nó. Một bàn tay nắm lấy thanh kiếm mọc lên từ mặt đất, cách đó năm bước chhân. Trước ánh mắt sững sờ của họ, cả bàn tay lẫn thanh kiếm đều biến mất vào lòng đất.
Một hiệp sĩ khác chạy tới, tuốt gươm khỏi vỏ và đâm xuống đất, nhưng ngoài sỏi đá và cát bụi ra thì chẳng có gì.
Ngay sau đó, tia sáng trắng lóe lên gần đầu gối người này.
Cảnh tượng còn kinh khủng hơn. Cơ thể anh ta bị cắt làm đôi từ đầu gối, trượt thẳng xuống. Phần còn lại của hai chân vẫn đứng vững, xếp thành hàng trên mặt đất.
"Đó là một con quái vật. Một con quỷ hung ác của lũ dị giáo đang ở dưới chân chúng ta."
Cơn hoảng sợ nhấn chìm tất cả bọn họ. Đối với họ, thứ gì không thể lý giải bằng lời răn của Yadabaoth hay thông qua kinh nghiệm cá nhân thì đều bị xem là ác quỷ. Ngôn ngữ nước ngoài khó hiểu thì gọi là ngôn ngữ của quỷ. Những nền văn minh với hệ thống tín ngưỡng khác với chính họ thì gọi là văn hóa của quỷ. Cho nên những gì họ vừa trải qua là bằng chứng chắc chắn về sự tồn tại của những con quỷ này.
Khi gió đêm đổi hướng, mùi máu tanh xộc lên, một người la hét rồi bỏ chạy. Những người khác cũng làm theo.
"Lạy đấng Yadabaoth, xin cứu vớt chúng con!"
Có lẽ đó là lời cầu nguyện chân thành nhất trong đời họ.
Sau khi tất cả trốn thoát, trong đêm tối chỉ còn hai cái xác người. Còn bàn tay cầm kiếm lấp lánh sáng trắng kia thì luồn lách hồi lâu trong bóng tối trước khi ung dung biến vào lòng đất.
Khi nhận được thông tin lạ lùng này, công tước Guiscard, người nắm quyền chỉ huy thực tế của quân đội Lusitania đồng thời cũng là em trai nhà vua, đã đến cung điện hoàng gia.
Tổng giám mục Bodin đang đứng bên cạnh vua Innocetius đệ thất với ánh mắt hắn học, hoặc ít nhất là Guiscard cảm thấy thế.
"Em đến đúng lúc lắm."
Chỉ với anh thôi, Guiscard thầm rủa.
Vua Innocentius đệ thất nâng chiếc cốc bạc chứa nước đường lên môi, đảo mắt tới lui trong trạng thái kích động. Dù không phải người hiểu rõ tình hình nhưng chí ít ông ta cũng nhận thức được sự thù địch giữa em trai mình và tổng giám mục.
Hôm nay, người lên tiếng mỉa mai trước là Guiscard. Tâm trạng hắn đã không tốt ngay từ đầu rồi, đang âu yếm trên giường với một người phụ nữ Pars xinh đẹp thì bị gọi ra ngoài.
"Kính thưa tổng giám mục, đây chỉ là chuyện thế tục vặt vãnh cỏn con mà thôi, không ảnh hưởng đến vinh quang của thiên đường. Đức ngài không cần phải bận tâm."
Giọng điệu nghe thì lịch sự nhưng ánh mắt Guiscard chứa đựng sự thù địch rõ ràng, như thể nói, "Đừng có xía mũi vào, đồ giả thần giả thánh."
Bodin chưa bao giờ là loại người khéo léo. Ông ta đôi khi còn sỉ nhục nhà vua Innocentius thẳng mặt. Sự tồn tại của ông ta đại diện cho sự trịch thượng và hợm hĩnh của đạo Yadabaoth, như thể tất cả quyền lực hùng mạnh của giáo hội được vật chất hóa thành một con người trong bộ lễ phục.
"Dù điện hạ nói vậy, nhưng ta lại nghĩ khác. Bá tước Pedelaus đã bị giết bởi một con quái vật của lũ ngoại đạo. Ông ấy không những là một vị tướng lĩnh cấp cao trong quân đội mà còn là chức sắc của giáo hội. Nhân danh chúa, ta phải trả thù những kẻ đang sống trên vùng đất độc địa này. Ngài thấy đấy, đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến vinh quang của thiên đường."
"Báo thù?"
"Đúng, mạng sống của một tín đồ Yadabaoth đáng giá bằng cả ngàn mạng sống của lũ ngoại đạo. Và với một con chiên thánh thiện như ngài ấy...."
Một vạn mạng người mới đủ đền bù, tổng giám mục Bodin tuyên bố.
"Đó là những gì tổng giám mục đề xuất, còn Guiscard, em nghĩ sao?" Vua Innocentius đệ thất nâng cốc nước đường trong tay.
Bodin, tên khốn ! Mi không chỉ là kẻ cuồng tín mà còn là một tên điên. Guiscard thầm nghĩ. Bất cứ con người nào đủ tỉnh táo để suy nghĩ, như bản thân Guiscard, đều hiểu rằng điều quan trọng lúc này là truy tìm và bắt giữ thủ phạm.
"Nếu thiêu sống 1 vạn người thì phải tìm chỗ nào để đốt lửa đây, khó nhỉ." Innocentius đệ thất tiếp tục nói một câu hết sức lạc đề, không để ý đến tình cảnh của em trai mình. Guiscard phải kiềm chế lắm mới không gào vào mặt ông ta.
Bodin lại lên tiếng.
"Tức là ta sẽ nướng chúng từ từ, không tạo khói."
Guiscard lại tặc lưỡi.
Không sai khi nói rằng hỏa hình ngay từ đầu đã là một hình thức xử tử tàn ác, nhưng sự thật là vẫn còn nhiều trò man rợ hơn gấp bội. Thông thường, khi hành quyết bằng lửa, người ta sẽ đốt cho lửa vượng một hồi lâu, tạo ra khói lớn bao phủ để phạm nhân bất tỉnh hoặc chết vì ngạt khói trước khi chết cháy. Cái gọi là hỏa hình thật ra không phải thiêu sống theo nghĩa đen, mà là sự thanh tẩy bằng ngọn lửa, mang tính biểu tượng tôn giáo đối với kẻ phạm tội.
Tuy nhiên, việc giết dần giết mòn mà không tạo khói là chuyện hoàn toàn khác. Đó là thiêu sống nạn nhân khi anh ta vẫn còn tỉnh táo. Sự đau đớn của người chịu cực hình này nằm ngoài sức tưởng tượng.
"Thành phần của 1 vạn người thì không được thiên vị. Tất cả dân Pars đều phải gánh tội lỗi như nhau. Chúng được chia ra, nam, nữ, trẻ con, trẻ sơ sinh, thanh niên, trung niên, người già, mỗi bên chiếm một phần."
"Vậy là đức tổng giám mục đáng kính định giết hại hai nghìn trẻ sơ sinh và trẻ em?"
Thật là một lời đề nghị lố bịch, nhưng Guiscard lại lần nữa im lặng. Việc giết hại hàng vạn người dân vô tội chắc chắn sẽ khiến lòng căm thù đối với người Lusitania tăng lên bội phần.
Không phải Guiscard đặc biệt đồng cảm với cảnh ngộ của dân ngoại đạo. Hắn xưa nay đâu phải loại từ bi. Nhưng Guiscard cân nhắc mọi thứ dưới cái nhìn của một chính trị gia. Hơn nữa, hắn sở hiểu được thứ hai người còn lại không hiểu : luân thường đạo lý.
"Ta khẩn cầu ngài, thưa đức tổng giám mục, hãy hiểu cho hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Chúng ta đã chiếm được thủ phủ hoàng gia Pars, có mối liên kết chặt chẽ với Maryam, nhưng chỉ mới thế thôi. Cuộc chinh phạt toàn bộ lãnh thổ xứ Pars của ta còn đang dang dở, thậm chí hầu chưa chưa bắt đầu."
"Đương nhiên ta hiểu. Vì lý do đó, ta phải tuyên truyền cho lũ ngoại đạo hiểu được vinh quang tối cao của đấng Yadabaoth và sức mạnh tuyệt đối của Lusitania. Tuy không tránh được đổ máu, nhưng đó là ý muốn của chúa nên nhất định phải thực hiện.
"Vấn đề không chỉ ở Pars mà còn Misr, Turan, Turk, Sindhura... Không gì đảm bảo các nước chung biên giới sẽ không nhăm nhe phát động cuộc tấn công. Nếu các nước này kết hợp lại với nhau, tổng số quân lên tới không dưới 1 triệu. Chúng ta chỉ có 30 vạn, không có cơ hội thắng. Ta không muốn chúng ta tạo thêm sóng gió trong nước nữa."
Tuy Guiscard đã nói tương đối khoa trương nhưng cũng không hẳn là nói dối. Ví dụ như với Turan, nếu họ xâm lược với mục đích ủng hộ Pars, Lusitania sẽ chẳng thể than trách được.
Nhưng tổng giám mục Bodin đã giải quyết tất cả chỉ bằng một vài từ.
"Cần gì phải sợ hàng triệu tên ngoại đạo? Bất kỳ hiệp sĩ nào của ta với phước lành chúa ban đều có thể nghiền nát trăm tên ngoại đạo hoặc hơn thế."
Guiscard không có tâm trí đâu mà tranh luận, nhưng khi nghe những lời tiếp theo của tổng giám mục, con ngươi hắn như lồi ra khỏi hốc mắt.
"Một khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát của công tước Guiscard, những con chiên trung thành của chúa đang đóng quân ở Maryam, các Hiệp sĩ Dòng đền, sẽ tham gia vào cuộc thánh chiến vinh quang này."
Vua Innocentius bối rối liếc nhìn em trai mình. Chiếc cốc trong tay ông ta rơi xuống mặt bàn gỗ đàn hương xứ Serica, nước đổ lênh láng.
"Ngài nói gì vậy, thưa tổng giám mục? Ngài muốn triệu tập các Hiệp sĩ Dòng đền từ Maryam tới đây ư?"
Việc Guiscard lặp lại lời tổng giám mục với giọng nhấn mạnh như vậy cho thấy hắn hoảng hốt cỡ nào trước lời tuyên bố này. Sức mạnh của binh đoàn Hiệp sĩ Dòng đền dưới sự lãnh đạo tôn giáo của Bodin là một mối đe dọa nghiêm trọng với quyền lực của hoàng gia. Chính vì thế Guiscard đã phải vắt óc suy nghĩ mãi mới tìm được cách giữ chân bọn họ ở Maryam, không bị đưa đến Pars. Vậy nhưng tất cả đã trở nên vô nghĩa.
Bodin nhìn Guiscard với nụ cười khinh bỉ.
"Nghe đồn họ đã giết 150 vạn người ngoại đạo và dị giáo ở Maryam. Hơn nữa, một nửa trong số đó là phụ nữa và trẻ em, người già, người bệnh. Một con số đáng kinh ngạc, có phải không."
Đôi mắt Guiscard gần như phun ra lửa khi liếc nhìn Innocentius đệ thất. Kẻ cho phép những cuộc tàn sát diễn ra một cách bừa bãi ấy không phải chính nhà vua hay sao?
"Chỉ sao khi trả giá bằng cái chết, lũ ngoại đạo mới nhận được sự cứu rỗi cho tội lỗi của mình. Đó là ý muốn và lòng thương xót của đấng Yadabaoth."
Bodin có chất giọng của loại người không cơn gió nào lay chuyển được, một cái cây cao chót vót mang hình người với những cái rễ ngổn ngang của định kiến và cuồng tín cắm sâu trong lòng đất. Khi lần nữa ý thức điều này, Guiscard không khỏi thấy ớn lạnh, dù bản thân hắn cũng không phải người thiếu nghị lực gì.
"Nhưng chắc hẳn đâu cần phải giết phụ nữ và trẻ em..."
"Phụ nữ sẽ sinh con, mà lũ con của ả lớn lên sẽ thành bọn ngoại đạo. Người già người bệnh cũng từng là lính ngoại đạo, đã từng giết chết các tín đồ của Yadabaoth." Bodin cao giọng đắc thắng, "Tất cả đều là mong muốn của đấng chúa trời, cũng như mục đích của ngài. Vì vậy, chúng ta phải hiện thực hóa mong muốn ấy. Ngài có ý kiến gì không, công tước Guiscard?"
Guiscard im lặng. Không có cách nào nói lý với một tên mở mồm ra là nhắc đến chúa.
Thủ thuật rẻ tiền mà Bodin hay dùng là lấy tên chúa ra để biện minh cho tất cả mọi hành vi của mình. Sự ngoan cố và thiếu nhận thức của lão đã khiến cuộc chơi này bất công ngay từ đầu. Guiscard ghê tởm tất cả những điều đó. Nhưng bỗng nhiên, hắn chợt nảy ra cách khiến gậy ông đập lưng ông, dù chỉ cắn trả được một miếng.
"Thế thì ta vẫn có một điểm nghi hoặc liên quan đến sự việc tối nay mà nghĩ mãi không thông. Thỉnh cầu đức tổng giám mục giảng cho tỏ tường."
"Điều gì vậy, thưa điện hạ?"
"Chỉ là một chuyện đơn giản thôi. Sao đấng Yadabaoth lại không cứu rỗi những tín đồ trung thành của mình như bá tước Pedelaus khỏi ma thuật của lũ dị giáo nhỉ?"
Giọng hắn xuyên thẳng vào tai tổng giám mục như một mũi tên độc. Lần đầu tiên trong đêm nay, Guiscard chiếm lợi thế trước kẻ thù.
"Ngài dám nói ra những lời báng bổ như vây? Ngài...." Giọng Bodin liền trở nên hung bạo, nhưng lão ta vẫn do dự, có lẽ do địa vị của đối phương, hoặc lão có nguyên nhân sâu xa nào khác. Vẻ mặt lão trở nên trống rỗng rồi nói một cách trang nghiêm, "Kẻ tầm thường như ta đâu dám cho rằng mình có thể giải thích được trí tuệ vô biên của chúa."
Bấy giờ, Bodin mới tỏ ra khiêm nhường rồi bỏ đi, Guiscard nhổ một bãi xuống sàn nhà cẩm thạch. Vâng, xin nhắc lại, đó là điều mà không quý tộc Pars nào làm, nhưng Guiscard lại đang phải kìm nén cảm xúc quá đỗi.
Sau đó, Vua Innocentius cũng lên tiếng vưới người em trai xấu tính của mình với giọng xu nịnh.
"Mà này Guiscard, anh có chuyện quan trọng hơn hết thảy muốn nói. Em có có nghe không?"
"Vâng, gì vậy anh trai?"
Phản ứng của công tước không mấy nhiệt tình.
"Thật ra là, Tahamine....chuyện liên quan đến vua Andragoras đang bị giam dưới nhà tù trong lòng đất..."
"Xin thả ông ta ra à?"
"Không không, nàng nói 'Ta muốn cái đầu của hắn, nếu không thì ta không thể cưới ngài'. Nguyên văn là vậy đấy."
Guicard đơ người mất một lúc.
Tahamine là hoàng hậu của Pars, hiện đang bị giam lỏng trong cung điện. Chính người phụ nữ đó lại muốn có cái đầu của chồng mình, Andragoras đệ tam? Nghĩa là sao? Rốt cuộc mớ bòng bong này là thế nào?
"Nàng ấy nói vậy cũng phải thôi. Chừng nào tên đó còn sống, Tahamine sẽ phạm tội hai chồng. Thật may là nàng đã chủ động đề nghị."
Không hề có ác ý nào trong sự vui mừng của nhà vua. Ông ta hoàn toàn tin Tahamine làm tất cả để có thể danh chính ngôn thuận kết hôn với mình mà không chút nghi ngờ.
Đương nhiên, điều Guiscard nghĩ hoàn toàn khác.
"Người đàn bà xinh đẹp đó đúng là một ả phù thủy thâm độc."
Và rồi Guiscard chợt nghĩ, liệu có phải hoàng hậu đã sớm nhìn ra sự bất hòa giữa các cấp lãnh đạo trong nội bộ Lusitania hay không?
-----------------
Lời editor :
1. Đọc nguyên tác lại thành fan của Guiscard. Ông ta rất người, nhưng là một con người kiệt xuất. Có tham vọng, có dục vọng, biết chiều chuộng bản thân, lý trí tỉnh táo, không bị cảm xúc lấn át, biết người biết ta, hành xử khôn khéo, làm việc có kế hoạch, nhìn xa trông rộng, tận tụy cống hiến, suy nghĩ thực tế.....Tất cả những phẩm chất cần có của một nhà lãnh đạo giỏi, dù ít lòng từ bi nhưng vẫn hiểu thế nào là luân thường đạo lý.
2. Hóa ra manga đã giảm bớt rất nhiều các chi tiết bạo lực man rợ của nguyên tác rồi.
3. Khi chuyển ngữ, tớ thật sự phân vân không biết có nên dịch thần Yadabaoth là chúa không. Ai cũng biết đạo Yadabaoth trong truyện được dựa trên Công giáo. Trong tiếng Nhật thì thần nào cũng là thần, cách xưng hô với thần không khó như tiếng Việt. Tớ sợ nếu dịch là "chúa" thì sẽ khiến các bạn theo Công giáo cảm thấy khó chịu, vì tôn giáo này trong truyện là phe phản diện. Hơn nữa, khi dịch là chúa thì tớ cũng phân vân không biết có nên viết hoa không. Nếu là Chúa Jesus thì đương nhiên tớ sẽ viết hoa, nhưng đây là một tôn giáo giả tưởng nên tớ không cảm thấy cần viết hoa chữ này. Trời ơi khó quá, ai góp ý giúp tớ với.
4. Tớ cũng gặp khó khăn trong việc chuyển ngữ cách xưng hô của các nhân vật, đặc biệt là giữa anh em vua Innocentius. Truyện được viết như một cuốn sử thi Ba Tư cổ đại nên tới muốn hạn chế dùng từ Hán Việt. Vậy nên việc anh em nhà vua gọi nhau là "hoàng huynh", "hoàng đệ" nó cứ sai sai sai thế nào ấy. Nhưng nếu gọi anh em bình thường thôi thì cũng chưa hợp lý. Rồi cả Arslan nữa, nên để cậu ta gọi vua Andragoras là phụ vương, hay là vua cha đây? Tiếng Việt khó quá.
CÍU PÉ !!!!!!!!!!!!!!!!!!
0 Bình luận