Hãy tìm Cheol Soo
가짜과학자, Nhà khoa học rởm
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn truyện

Chương 01

1 Bình luận - Độ dài: 2,010 từ - Cập nhật:

Dấu hiệu của cái kết cận kề bắt đầu từ một đoạn tin tức nhỏ.

“...Tin tức tiếp theo. Chắc hẳn quý vị vẫn còn nhớ đến ʻOumuamua, tiểu hành tinh lần đầu tiên được phát hiện ra vào năm 2018. Từ đó về sau, toàn bộ những thiên thể bay tới hệ mặt trời từ bên ngoài đều được gọi là vật thể liên sao. Thời gian qua các nhà khoa học đã phát hiện ra rất nhiều vật thể liên sao, nhưng phát hiện lần này lại đặc biệt hơn cả. Phóng viên Heo So Ri sẽ nói rõ thêm về vật thể này. Phóng viên Heo So Ri?”

“Vâng.”

“Vật thể liên sao mới được phát hiện có điểm gì đặc biệt?”

“Các nhà khoa học cho biết vật thể này khả năng cao sẽ xâm nhập vào Hệ mặt trời. Các vật thể liên sao được phát hiện từ trước đến nay đều chỉ có quỹ đạo cắt qua Hệ mặt trời nên tuy chúng ta biết về sự tồn tại của chúng nhưng lại khó có thể nghiên cứu kỹ hơn. Nhưng lần này, chúng ta có thể quan sát được rõ tiểu hành tinh X1L/RAMA, hay còn gọi tắt là Rama thông qua kính viễn vọng Vasco khổng lồ. Rama có quỹ đạo hướng vào vành đai tiểu hành tinh giữa sao Hỏa và sao Mộc và khả năng cao sẽ va chạm vào một trong hai. Cục Viễn thám Vũ trụ Quốc tế dự đoán cuối cùng nó sẽ mất lực đẩy và trở thành một tiểu hành tinh trong vành đai.”

“Có vẻ như Cục Viễn thám có kế hoạch thăm dò tiểu hành tinh mới sau cuộc va chạm. Nhưng liệu cú va chạm này có gây tổn hại gì đến Trái đất hay không?”

“Dự đoán Rama sẽ tiến vào vành đai khi Trái đất ở phía bên kia Mặt trời nên chúng ta không cần phải quá lo lắng về ảnh hưởng của nó. Ngoài ra, chính phủ cũng có kế hoạch bắn tên lửa hạt nhân để ngăn chặn tiểu hành tinh trong trường hợp xấu nhất nên người dân không cần phải lo lắng…”

Ít nhất thì Cheol Soo nghĩ vậy. Đương nhiên là vì hồi đó anh vẫn chưa biết gì. Đây chẳng qua chỉ là một vấn đề xa vời trong cuộc sống thường nhật mà thôi.

Nhưng ba tháng sau, tình hình đã đổi khác. Giới khoa học lo sợ mảnh vỡ của tiểu hành tinh sẽ rơi xuống Trái đất sau cú va chạm thứ hai, nhưng vấn đề thật sự chính là Rama. Khác với dự đoán ban đầu rằng nó sẽ chỉ bay đến vành đai tiểu hành tinh, quỹ đạo của Rama lại từ từ nhích đến gần Mặt trời.

Chương trình thời sự ban đầu chỉ nhắc đến vấn đề này trong mục tin vắn, nhưng dần dần nó đã trở thành chủ đề chính được nhắc tới mỗi ngày.

“...Hiện tại Rama đã tăng tốc lên 17.5km/s, hay 63.000km/h. Nếu quý vị còn chưa rõ tốc độ này nhanh đến đâu thì tôi xin nói thêm rằng Trái đất cách Mặt trăng khoảng 380.000km, và Rama có thể vượt qua quãng đường đó chỉ trong sáu tiếng đồng hồ…”

Cheol Soo chuyển kênh. Anh chẳng muốn biết. Tốc độ ngày nào chả thay đổi. Có khi ngày mai nó lại nhanh thêm 0.1 hay 0.2 thì cũng không phải chuyện của anh.

Nhưng sau khi chuyển kênh, anh lại thấy một chương trình không phải bản tin thời sự nhưng cũng nói về chủ đề tương tự. Chương trình tên là “Tọa đàm cùng Chuyên gia”, chủ yếu để người dẫn chương trình bàn luận với các khán giả trong trường quay.

“...Tôi nghe nói vào lần đầu phát hiện ra thì Rama chỉ có tốc độ chưa bằng 1/4 hiện tại, cho hỏi vì lý do gì mà tốc độ lại tăng lên nhanh chóng thế?”

“Chúng tôi đoán có hai lý do lớn nhất. Đầu tiên là thanh chắn (bar) của nó có hình cánh buồm, khiến thiên thể này hoạt động không khác gì Buồm mặt trời (solar sail) [note46606]cả.”

“Solar sail có cơ chế sử dụng áp lực từ ánh sáng mặt trời để tạo lực đẩy phải không?”

“Đúng thế. Ánh sáng mặt trời cũng được sử dụng giống như gió vậy.”

“Vậy đáng lẽ ra càng đến gần mặt trời nó phải càng giảm tốc độ mới đúng chứ? Cũng giống như khi chúng ta đi ngược gió vậy.”

“Chắc hẳn các vị cũng đã nghe đến loại buồm hình tam giác. Thuyền có buồm loại này có thể đi ngược gió bằng cách đi theo hình zigzag so với hướng gió, và thật trùng hợp là cấu tạo cũng như sự quay vòng đặc biệt của X1L/RAMA cũng tương tự như thuyền có buồm hình tam giác.”

“Khó tin thật.”

“Chúng tôi cũng không thể tin nổi. Nhưng chỉ có lý do này là hợp lý nhất mà thôi.”

“...Tôi hiểu. Vậy còn lý do còn lại thì sao?”

“Một lý do khác là vì sự bay hơi nước. Thiên thể càng đến gần mặt trời thì hơi nước bị đóng băng dưới mặt đất sẽ bốc hơi và khiến X1L/RAMA tăng tốc như được bơm gas vậy.”

“Ý anh là sau này nó còn có thể tiếp tục tăng tốc sao?”

“Vâng. Theo kết quả giả lập thì Rama rất có thể sẽ tăng tốc đến 15km/s khi còn chưa xuyên qua quỹ đạo trái đất.”

“Tại sao đến giờ các nhà khoa học vẫn chưa thể tính chính xác tốc độ cao nhất của Rama thế?”

“Khó khăn lớn nhất hiện tại là chúng ta vẫn chưa có cách nào để tìm hiểu thành phần cũng như cấu tạo của tiểu hành tinh. Điều quan trọng là phải biết được lượng nước còn lại dưới mặt đất của hành tinh, nhưng cũng không có cách nào để tìm hiểu cả. Chúng ta có thể dự đoán thành phần cấu tạo trên bề mặt hành tinh nhưng lại không thể chắc chắn được.”

“Vậy cũng có khả năng Rama sẽ không va chạm với trái đất phải không?”

“Vâng. Chắc chắn là tiểu hành tinh sẽ đi xuyên qua quỹ đạo của trái đất, nhưng chỉ cần không rơi vào những trường hợp hiếm hoi nhất thì hành tinh có khả năng sẽ không va chạm với trái đất.”

“Thì ra là vậy. Gửi những khán giả đang xem chương trình, vẫn chưa có điều gì chắc chắn cả. Mong quý vị hãy yên tâm và không cần quá lo lắng.”

Kết luận là họ cũng chẳng biết thiên thạch có đụng trái đất hay không nên dân cứ sống như bình thường thôi.

Tuy nghe không có sức thuyết phục lắm. 

Và đúng như anh nghĩ. Mọi sự dự đoán ẩn chứa hy vọng ấy chỉ là dự đoán mà thôi. Thời gian dần trôi đi, và tiểu hành tinh vẫn tiếp tục bay thẳng về phía trái đất.

Nếu trước đó con người chuẩn bị trước cho vụ va chạm này thì đã có cách giải quyết kịp thời. Nhưng thật tiếc là mọi đối sách đều bị dập tắt trên bàn họp. Kế hoạch nghe thì cũng hợp lý đấy. Thấy người ta vạch ra kế hoạch sẽ bắn nổ tiểu hành tinh trước khi nó kịp va chạm, hay dùng tên lửa để làm lệch quỹ đạo, ai cũng yên tâm và không lo lắng nữa.

Nhưng nếu không đủ ngân sách thì kế hoạch có hoàn hảo đến mấy cũng thành công cốc. Chính phủ lấy đủ lý do chính trị và kinh tế để lần lữa khoản ngân sách đã được ấn định rồi cuối cùng hủy luôn. Và thế là rủi ro va chạm mà người ta đã dự đoán từ trước cuối cùng cũng trở thành sự thật.

Trên TV ngày nào cũng phê phán các chính trị gia và đống quyết định ngu xuẩn của họ. Đã thế, các chuyên gia cũng rơi vào tình cảnh bị chửi lây. Lý do là vì chính những dự đoán sai lầm của họ đã đẩy cả nhân loại vào hiểm cảnh.

“Các người phải biết tiểu hành tinh này to tận 160km ngay từ hồi đầu quan sát chứ! Nếu biết vậy thì chúng ta đã kịp chuẩn bị rồi! Các người chỉ phóng vệ tinh quan sát là xong việc à!?”

“Anh cũng biết do X1L/RAMA đột nhiên tăng tốc…”

“Nhưng các người cũng phải phòng bị chứ! Hồi xưa không được học cách phòng bị mỗi khi gặp phải rủi ro tiềm năng hả!”

“Lúc trước chúng tôi đã cố gắng hết mình và bây giờ cũng vậy. Xin các vị đừng phê phán mà hãy ủng hộ chúng tôi. Đội ngũ nghiên cứu đã dốc hết sức rồi.”

Dự án chuẩn bị ngân sách khẩn cấp để bắn lệch quỹ đạo tiểu hành tinh được gấp rút thực hiện đúng như lời họ nói. Nhưng đã quá muộn. Tiểu hành tinh Rama đã tới gần Trái đất. Có huy động toàn bộ bom hạt nhân trên thế giới cũng chẳng đủ để làm nó bay lệch khỏi quỹ đạo.

Trên TV vẫn liên tục hiện lên những lời nhắn động viên. Rằng vẫn chưa qua thời điểm lý tưởng. Rằng người dân nên tin tưởng chính phủ và chờ đợi mọi chuyện được giải quyết.

Nhưng những tin đồn được lan truyền trên mạng xã hội lại có xu hướng trái ngược. Báo đài chẳng qua chỉ đang nói dối để xã hội bớt hỗn loạn mà thôi.

Chẳng bao lâu sau, tin đồn đã trở thành sự thật. Con người bắt đầu nhìn thấy X1L/RAMA đang lao thẳng đến trái đất. Ban đầu còn phải dùng kính viễn vọng không gian để quan sát, nhưng sau này chỉ cần dùng loại kính viễn vọng bình thường cũng có thể thấy được, và cuối cùng ai ai cũng có thể tận mắt chứng kiến bằng mắt thường.

Vào thời điểm này, dự án bắn hạ tiểu hành tinh đã được tiến hành. Tên lửa có gắn vũ khí hạt nhân được bắn ra hàng loạt và đã chạm tới tiểu hành tinh Rama, sau đó lóe lên và phát nổ.

Những người vẫn tin tưởng báo đài nhìn khung cảnh này với niềm hy vọng le lói. Nhưng hy vọng rồi cũng biến thành tuyệt vọng. Vụ nổ đó còn chẳng đẩy lùi được X1L/RAMA chứ đừng nói gì đến phá hủy nó. Những tiểu hành tinh có đường kính hơn 1000km trong phim còn vỡ thành hai mảnh, chứ đây là đời thực.

Vào lúc tiểu hành tinh bắt đầu tiến vào bầu khí quyển, các quốc gia trên trái đất liên tục bắn tên lửa như thể muốn phản kháng lần cuối. Tên lửa nổ tung tóe, khiến bầu trời đang bị thiên thạch che phủ đến tối đen bỗng sáng bừng như pháo hoa. Như lời tiễn biệt cuối cùng dành cho nhân loại.

Cheol Soo bình tĩnh đón nhận hiện thực. Tuy cảm thấy choáng váng nhưng anh chẳng hề sợ hãi hay lưu luyến. Cha mẹ anh đã mất sau một vụ tai nạn, anh đã kết hôn nhưng rồi lại ly dị khi còn chưa có một đứa con và sống lẻ loi đến giờ. Đã có lúc anh sợ hãi vì phải đối mặt với cái kết cuối cùng. Nhưng dù sao anh cũng chẳng còn gì. Cái kết đến quá sớm ngược lại còn khiến lòng anh nhẹ nhõm.

Cheol Soo cầm lon bia và bước ra ngoài ban công. Nhìn thiên thạch trông còn lớn và rõ ràng hơn cả mặt trăng, anh nâng lon bia lên và uống bằng sạch.

“Cạn ly.”

Anh nghe thấy tiếng thiên thạch xé ngang bầu khí quyển. Sau đó, trước mắt anh tối sầm.

Ghi chú

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận