Nhận xét về truyện Tôi Yêu Nữ Phản Diện - Raynard.
Members

Trước khi vào bài đánh giá, có một số thứ mình muốn nói tới. Cấu trúc của bài đánh giá này sẽ khác với hai bài đánh giá trước mà mình viết. Một phần vì bộ truyện này có phần khác biệt trong cách chia volume. Và thứ hai là mình muốn nó dễ đọc, "nhẹ" hơn để dễ hiểu. Mình cảm giác như hai bài viết trước đặc và dài quá.

 

Bài đánh giá bắt đầu dưới đây:

_________________________________

 

Tôi Yêu Nữ Phản Diện của tác giả Raynard là một bộ truyện rất nổi tiếng trong cộng đồng OLN của Hako, chỉ nhìn qua lượng tương tác (theo dõi và lượt xem cũng như bình luận là có thể hiểu). Việc này khiến mình càng tò mò hơn khi để ý thấy bộ truyện mới chỉ có khoảng 80,000 từ và nó còn chia thành hai volume cho hai góc kể (một và ba). Lượng tương tác này có vẻ là đủ chứng minh cho độ nổi tiếng của bộ truyện, vậy nên trên góc nhìn của một độc giả, mình xin phép gửi bài đánh giá này để nêu ra những điểm mình thích, những điểm tác giả làm tốt, và những khuyết điểm có lẽ là nên cải thiện.



Để bắt đầu, mình sẽ nói về volume 1 (First Ver). Volume này có tổng cộng là mười hai chương, bao gồm cả chương mở đầu. Tác giả sử dụng ngôi 3 để dẫn dắt câu chuyện. Chương mở đầu thể hiện rõ được mục tiêu của nhân vật chính (giúp nữ phản diện Alicia đến với người sẽ mang lại hạnh phúc cho cô). Qua những suy nghĩ và hành động, một phần tính cách nhân vật chính Audrey được nổi bật lên. Tác giả đã làm rõ kẻ “phản diện” của câu chuyện là Tomoe (hoặc có thể là có plot twist sau này, nhưng hiện tại thì kẻ “phản diện” mà tác giả sắp đặt cho câu chuyện là Tomoe thánh nữ). 

 

Chương một đưa thẳng vào nội dung chính, rất thẳng, như là bị quăng vào giữa một câu chuyện mà không rõ bất kỳ điều gì cả. Về một mặt, nó tạo sự thú vị từ việc vô thẳng vì không dạo đầu rườm rà. Một phần, nó có thể khiến độc giả cảm thấy bối rối về nhân vật cũng như bối cảnh câu chuyện. Để so sánh với việc chơi game thì nó giống như người chơi bị thẩy vô giữa chừng mà không có một tí sắp đặt gì hay giới thiệu gì. Ban đầu mình không nghĩ nó là lỗi mà có thể là cách làm của tác giả, nhưng càng về sau (từ chương 2 đến chương 3, thậm chí là chương 4) mới bắt đầu nói thêm một chút ít về thế giới này, rất ít.

 

Ở chương 1 có phân đoạn nhân vật chính Audrey đến gặp thầy giáo Vincent của mình trong thư viện để bắt đầu buổi học. Tác giả sử dụng việc này để gài gắm thông tin cho độc giả rất tốt. Nhưng có một vấn đề đó là độc giả chưa biết một chút gì về thế giới để biết về những thứ như chiến thuật quân sự và thực sự hiểu được vai trò của nó. Nên trước mắt, lượng thông tin đưa ra ở đây có vẻ là dư thừa. Và mình đọc đến chương 6 của volume 1 mà vẫn không thấy nó có tác dụng gì. Có lẽ mục đích tác giả sử dụng là để thể hiện sự nhạy bén và thông minh của Audrey chứ không hoàn toàn là để truyền tải thông tin về chiến thuật quân sự. Nếu là trường hợp đó, cách làm cũng rất hay và tinh tế, có khi hơi, chỉ hơi cringe thôi, nhưng thực sự làm nổi bật lên được tính cách của Audrey. Thế nhưng nó cũng bị ảnh hưởng bởi một điều, vì người đọc chưa hề biết gì về con người Audrey hay cái bối cảnh gia tộc, thế giới để mà hiểu được thực sự Audrey là một nhân vật thông minh đến cỡ nào. Chỉ có Vincent là ngạc nhiên.

 

Để tóm tắt vấn đề mình gặp phải trong chương một này: Không biết rõ là nhân vật chính đã bị chuyển sinh vào lâu chưa? Hay mới đây? Và nếu là lâu rồi thì tại sao phần trên lại dẫn dắt như mới vừa đột ngột chuyển sinh vào, vì Audrey nói trước đó cần chuẩn bị lại tâm lý. 

 

“Thật sự vô lý chết đi được!

 

"Nếu thế thật thì mình là ai trong cốt truyện vậy?" Audrey đặt bàn tay lên má, dán chặt hai con mắt của mình vào trong gương để quan sát bản thân cho thật kĩ. "Mà khoan đã, mình cũng chẳng nhớ cốt truyện nó ra sao cả!"” (Raynard, First Ver, chương 1).

 

Còn nếu là mới chuyển sinh vào thế giới này thì việc nhân vật Audrey biết về bài học quân sự trước được nói tới từ trước đó với Vincent là một việc khó hiểu. Nhất là khi bản thân cậu không nhớ gì về cốt truyện của game cả, hay thậm chí là vai trò của chính mình trong thế giới này.

 

Ở chương 2 thì độc giả được giới thiệu tới nhân vật Alicia, cũng là nữ chính của bộ truyện. Việc Audrey ngay lập tức có cảm tình với cô có thể cảm giác hơi gượng ép, nhưng điều này là có chủ đích, là một tình huống gài gắm tinh tế và thông minh từ tác giả. Trong chương này, tác giả dựng những tương tác giữa Audrey với Alicia rất nhẹ nhàng tình cảm, ngây thơ như những đứa trẻ đúng với lứa tuổi, tuy vẫn giữ được những mặt tâm lý bị bóp méo của nhân vật do bối cảnh gia đình. Vì là con nhà quý tộc quan trọng nên những nhân vật cũng hành xử đôi khi có phần trưởng thành hơn độ tuổi. Nhưng điều đó không làm nhân vật trở nên ngược ngạo, mà bù lại khiến cả hai trở nên dễ gần gũi và thấu hiểu được hơn.

 

(Mình không thường thêm cảm nhận quá cá nhân vào đánh giá nên dòng này nếu cần thiết có thể không tính chữ trong bài đánh giá cũng được, cứ coi như là mình tự kể lể thôi: mình cực kỳ thích cặp Audrey và Alicia, dù chỉ mới gặp ở chương 2 và chương 3 mà vẫn chưa được giới thiệu quá nhiều, chỉ vừa đủ để hiểu được gia cảnh của họ. Sự tương tác được xây dựng rất tốt và tự nhiên, quá ngọt nếu nói thẳng, và là một độc giả thích yếu tố romance thì đây là một điểm để lại ấn tượng nhất với mình. Tác giả làm romance rất hay, nhất là trong Second Ver, nhưng để nói sau).



Trước khi đi đến những phần nhận xét còn lại ở volume 1 này, mình muốn xác định rõ một điều là mình chưa đọc hết từ chương 7 đến chương 11. Vậy nên những gì mình nhận xét chỉ áp dụng với những gì đã đọc qua tới chương 6 của volume 1.

 

Chương 3 trở đi bắt đầu có nhắc tới những thông tin về thế giới này, bối cảnh của gia tộc Alicia và Audrey, cũng như mục tiêu ngắn hạn của nhân vật chính Audrey. Để tránh spoiler thì mình sẽ không kể ra những thứ được nhắc tới trong bài đánh giá này, nhưng tóm tắt lại thì những chương này đẩy tình tiết đi lên, tạo sự căng thẳng từ chương 4 trở đi. Có nói về nguy hiểm tiềm tàng rình rập nhân vật chính, và Alicia. Cũng là điều mình sẽ nói tới trong chương 5 và chương 6. Hai chương này có thể nói là cao trào của phân đoạn mở đầu này. Nhân vật chính và hậu vệ Ludwild bị tách ra khỏi Lina và Alicia khi đang đi mua sắm. Cả hai nhận ra có thích khách và bắt đầu vướng vào cuộc chiến. Qua sự kiện này mà tác giả cũng gửi thông tin về những nguy hiểm liên quan tới gia thế và khả năng là vai trò của Alicia cũng như bản thân Audrey trong vòng xoáy sự kiện này. Cách gài gắm rất tinh tế, nhưng đó không phải điểm nhấn ở hai chương này mà ngược lại, chính là thứ hiện diện rõ mồn một khi đọc - cảnh đánh nhau. 

 

Phân đoạn đánh nhau của tác giả xây dựng rất tốt, có nhịp độ, có không khí. Miêu tả những thứ cần thiết và không quá nhiều làm chậm đi nhịp độ. Một điều đáng nói tới đó chính là việc tác giả miêu tả rất tốt, không chỉ khung cảnh, nhân vật, mà còn cả những đoạn hành động như này. Nó hiện lên một khung cảnh rõ ràng, chân thật, đôi khi quá chân thật mà để lại ấn tượng mạnh.

 

“Một con người đã tự tay mình cắt cổ người khác, nhuốm mình vào đống máu đỏ tanh hôi như Lina mà còn cảm thấy sợ hãi trước cái khung cảnh tàn sát phu xe của anh em Cassandra.

 

Máu đỏ, nội tạng và da thịt của phu xe và những con ngựa bắn lên khung cửa sổ của thùng xe, hiện rõ mồn một vào đôi mắt của cô. Tiếng gào thét thảm thiết của phu xe, tiếng cầu cứu trong tuyệt vọng của ông ấy vang khắp khu rừng và đi thẳng vào đôi màng nhĩ của cô. Chúng khiến cô muốn ói, muốn ngất xỉu vì sự kinh tởm khi mà hai tên khốn đó còn cười hả hê ở phía bên ngoài sau khi phanh thây người khác.” (Raynard, First Ver, giao đoạn 1).

 

Đoạn trích trên thể hiện rõ khả năng miêu tả “rùng người” của tác giả. Ngoài ra, qua việc sử dụng cảnh tượng rất chân thực, nó càng làm nổi bật lên điều mà tác giả muốn truyền tải - sự khắc nghiệt của cuộc đời Alicia, một cô bé ngây thơ bị vướng vào những âm mưu của giới quyền lực. Nó khắc họa được cái cảm giác muốn truyền tải rất tinh tế mà không cần phải kể lể thẳng ra. Phương thức show don’t tell này được tác giả sử dụng tốt, và đúng chỗ, đúng mức.

 

Tiện thể thì ở chương giao đoạn này, độc giả được giải thích rằng việc Audrey mê miệt Alicia chỉ ngay từ cái gặp đầu như vậy, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để giải cứu cô khỏi bọn ám sát ở chương 5 là minh chứng. Như mình đã nói ở trên, việc này có thể cảm giác khá cringe hoặc là nhân vật chính này khá nông cạn, mù quáng, nói trơ trẽn ra thì là simp. Nhưng thực chất không phải (ngoại trừ việc nhân vật chính mê miệt Alicia thì không phủ nhận *_*), vì lý do nằm ở lời nguyền mang tên “Tisvalkiel”. Ở đây thì tác giả vẫn chưa giải thích sâu cụ thể nó là gì và có vai trò gì, những gì mà người đọc biết được là nó ảnh hưởng tới việc chọn người định mệnh của đời mình (việc này là hợp lý vì không nên thẩy quá nhiều thông tin chưa cần thiết ra). Và với Audrey thì không ai khác ngoài cô bé thỏ lông vàng - nữ chính Alicia dễ thương, xinh đẹp. 

 

Để kết lại giao đoạn trước khi chuyển qua nhận xét volume 2, mình muốn khẳng định lại là truyện của tác giả để lại một ấn tượng mạnh với mình bằng cách xây dựng tương tác giữa hai nhân vật Audrey và Alicia, rất hồn nhiên, dễ thương, nhưng ẩn chứa những gánh nặng khiến họ trở nên lớn trước tuổi một cách hợp lý. Ngoài ra còn có cách tác giả miêu tả khung cảnh và dẫn dắt tâm lý nhân vật rất hay (Audrey quá ngầu ở cảnh cuối chương 5 - rất ngầu!!!).

 

Thế nhưng nó cũng không hoàn toàn là một trải nghiệm hoàn toàn trơn mượt. Vì như đã nói từ đầu, việc bị thẩy vào giữa tuyến truyện mà không có chút backtrack hay giải thích gì sẽ dễ khiến độc giả cảm thấy rối (như mình). Có thể nó không tạo ảnh hưởng gì nhiều khi chỉ liếc sơ qua, nhưng nếu đọc kỹ, người đọc có thể sẽ thắc mắc sự ảnh hưởng từ vai trò của nhân vật chính đến những mục tiêu mà truyện đề ra (mục tiêu dài và mục tiêu ngắn) và những tính thuyết phục của nó. Điều còn lại là một cảm nhận hết sức cá nhân, nhưng văn phong tác giả dẫn dắt có vẻ còn khá đều và… một cách nói khác, nó không có điểm nhấn, đôi khi sử dụng văn nói khiến mình đọc có hơi tụt mood. Nhưng nói chung thì trải nghiệm vẫn được trọn vẹn.

 

Sau đây là nhận xét về volume 2 - Second Ver. Sở dĩ mình đánh giá phần này sau không phải chỉ vì nó nằm ở volume thứ hai như cái tên nó nói lên, mà sự thật là vì mình phải nói qua những vấn đề ở volume 1 trước để phần đánh giá này người đọc có thể hiểu được những gì mình đã trải nghiệm ngay từ chương 1 của volume 2.

 

Không vòng vo thì volume 2 này tác giả đổi ngôi kể sang ngôi một, và nói thật thì ngôi 1 này cách dẫn dắt và hành văn có sự cá tính hơn. Việc so sánh giữa ngôi một với ngôi ba thì không hợp lý, nhưng cá nhân mình cảm nhận là ngôi một của tác giả nổi trội hơn hẳn. Ở volume này thì ngay từ đầu, độc giả được đưa vào khung cảnh nhân vật chính đang ngồi chơi game otome ở thế giới cũ trước khi bị chuyển sinh. Đúng vậy, ngay từ đầu luôn chứ không như ở volume 1 kia bị quăng vào giữa chừng. Thế nên điều này khiến mình có cảm tình ngay lập tức. Tác giả còn thể hiện được lối suy nghĩ của nhân vật “tôi” khiến cậu trở nên sinh động và chân thực dễ để người đọc đồng cảm được (simp Alicia từ trước cả khi chuyển sinh. Đúng như người ta nói là “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Dù có chết cũng không hết mê gái :))). Nhưng nó đồng thời cũng không phải thứ duy nhất.

 

Điều mà mình phải để dành đến tận phần này mới nói tới chính là việc tạo cảm xúc thu hút người đọc. Trước đó, có một số thứ cần xác minh trước. Một là volume 2 này theo bình luận của tác giả là góc một xảy ra song song với volume 1 kia, tức là không phải một bản remake lại. Hai là nó tuy có tạo nên một điều khó hiểu (sẽ nói về sau) nhưng trước mắt thì không bị ảnh hưởng gì. Và với những điều đó thì hãy nói về điều mình thấy ấn tượng nhất.

 

Thật ra, nó chỉ là một đoạn ngắn thôi. Nhưng cá nhân mình nghĩ có lẽ là đoạn quan trọng nhất của chương 1 này. Có một thứ mà mình nghĩ là cần thiết ở các bộ truyện nói chung, và thể loại chuyển sinh vào game/truyện như này nói riêng, đó là việc giữ chân độc giả bằng việc tạo cảm xúc. Cảm xúc ở đây mà mình nói là những thứ như: ức chế khi nhìn nhân vật hoàng tử ngạo mạn tự cao khoe mẽ, hay như khi phải chịu đựng sự khốn nạn của thánh nữ xinh đẹp nhưng có bộ lòng xấu quắc, vv. Ý của mình là, những thứ cảm xúc đó khiến người đọc trở nên emotionally invested vào câu chuyện, họ muốn xem nhân vật chính sẽ là người cuối cùng cười, sẽ là ánh sáng của “chính nghĩa” chiến thắng bóng tối của “cái ác” (trích Raynard, Second Ver, chương 1). Trong trường hợp này, việc tác giả mô tả tốt (đã nói trên) về cảnh trong game khi nữ phản diện Alicia bị xử tử. Tác giả tả quá chân thật và sống động nó khiến mình sôi máu như Audrey vậy. Tại sao lại sôi máu như vậy? Mình cũng tự hỏi, thường thì mấy cảnh game này chỉ như giới thiệu qua trong motip truyện như vậy thôi, vậy tại sao mình lại sôi máu như vậy? Khó chịu như vậy? Như khi bị ntr vậy? 

 

Và cuối cùng sau một hồi ngồi suy nghĩ, mình chợt nhận ra vì sao. Và cái lý do nó cũng hoàn toàn rất tầm thường, thậm chí không biết là tác giả chủ ý làm vậy, hay chỉ là vô tình, nhưng nó được sử dụng rất hợp lý. Thứ mà mình đang nói tới chính là việc tác giả đặt cái Second Ver này nằm sau First Ver. Trong First Ver, người đọc đã được giới thiệu qua nhân vật Alicia là một cô bé ngây thơ, dễ thương, xinh đẹp (xin thề, mình không phải lolicon) và đồng thời cũng mang vác trên người những trọng trách, quy tắc của gia tộc và hiểm họa rập rình,... kể không hết những điểm mình thích về Alicia. Nhưng mà vấn đề là ở đó, hay nói đúng hơn, chính xác là sự sắp đặt như vậy. Khi mà người đọc đã trở nên quen thuộc, thân thuộc, thấu hiểu Alicia như một cô gái tốt tính, tự dưng qua tới volume 2 thì phải chứng kiến (gián tiếp qua game) cảnh cô bị xử tử (nên nhớ là tác giả miêu tả rất sống động). Mình xin phép không trích ra, nhưng nếu ai có hứng thú thì hãy đọc thử theo thứ tự mình đã đọc nhé, volume 1 hết rồi qua volume 2 (dù cả hai volume chỉ là đổi góc nhìn và cách tiếp cận sự kiện chứ không phải nối tiếp). Tóm lại thì điều này vô tình tạo một cảm xúc ức chế trong mình, nó khiến mình khó chịu và muốn đọc tiếp để xem Audrey cứu Alicia, không, phải là khiến cô hạnh phúc thì mới chấp nhận.

 

Tiện thể sau khi luyên thuyên về cảm xúc ức chế trên thì mình có một thứ nữa nhận xét về cách tiếp cận nhân vật chính ở góc kể thứ nhất. Tác giả vẫn làm rất tốt việc truyền tải nội tâm nhân vật và từ đó thể hiện tính cách, con người họ. Như trong chương 1 này, việc nhân vật chính nhất quyết phải clear game với cái ending mà Alicia không phải chết. Dĩ nhiên, dù biết rằng các route đã được lập trình sẵn, nên việc tránh death flag là có thể, nhưng dù có là vậy thì cái kết chờ cô vẫn chỉ đơn thuần là “tồn tại”, cô không thực sự “sống”. Biết vậy, nhưng nhân vật chính vẫn ráng chịu khó chơi tới cùng. Có thể nói là cố chấp, có thể nói là simp, nhưng với mình, nó là một thứ tuyệt đẹp, khi bản thân nhân vật chính có thể cống hiến toàn bộ cho điều mình thích. Nó không bao giờ là một điều xấu cả, ngược lại còn khiến mình ngưỡng mộ nhân vật chính hơn.

 

Điều này đồng thời cũng tách biệt được nhân vật chính với Audrey mà cậu sẽ chuyển sinh vào. Nó cho thấy đây thực sự là bản chất của cậu, chứ không phải bị ảnh hưởng bởi tính cách của nhân vật Audrey trong game setup sẵn.

 

Tới đây thì dài quá rồi, mình vẫn còn nhiều ý muốn nói thêm trong toàn bộ volume 2 này. Nhưng mà nói hết thì chắc phải dài tới gần 5000 chữ mất. Nên xin phép kết thúc tại đây.

 

Tóm tắt lại, đây là một bộ truyện thú vị, hoàn toàn xứng đáng với lượng tương tác mà tác giả nhận được (vốn dĩ từ đầu mình cũng không có gì nghi ngờ điều này, nhưng đọc xong thì chỉ càng ngưỡng mộ hơn). Chúc tác giả may mắn trong việc chạy chương. Những điểm hay càng phát triển thêm (nhất là ngôi một) và những điểm còn chưa hay thì có thể khắc phục.

 

Truyện sáng tác

3 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Hạnh phúc cho Alicia!!! 😤
Xem thêm
AUTHOR
Very cool! Bài Rv hay lắm ạ. Mình mong bạn sẽ tiếp tục theo dõi những chương tiếp theo của NPD trong tương lai 😍
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Mong là nó không quá khó hiểu. Ủng hộ tác giả ra chương mới nhanh hơn. 😁
Xem thêm