• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Ngày thứ sáu: Một buổi biểu diễn thơ ca

0 Bình luận - Độ dài: 8,161 từ - Cập nhật:

I.

Chàng đã tỉnh giấc.

Trần phòng màu sữa dê. Cửa sổ tầng 8. Giá vẽ. Tịnh xác nhận mình đang ở trong phòng trọ, nơi đồng thời cũng là phòng vẽ tranh, phòng ngủ, phòng đọc sách và tất cả các thể loại phòng khác của chàng - trừ phòng tắm và nhà vệ sinh, nó lại là một căn phòng nhỏ hơn trong căn phòng lớn này. Dù gì thì chàng cũng đang không hiểu tại sao mình lại quay về nhà trọ. Chàng nhớ là mình đang ngồi nghe gã Áo Choàng kể một câu chuyện kỳ quặc về lúc Đức Phật rời bỏ Hoàng cung để đi tìm chân lý. Câu chuyện đó có thật không hay do gã tự bịa? Hẳn là không rồi, gã làm sao mà biết tường tận mọi thứ đã xảy ra để mà kể với chàng một cách chi tiết như vậy, gã đâu có ở đó lúc Channa chia tay Đức Phật. Gã không thể ở đó.

Chàng xoay qua bên cạnh, một người con gái đang nhìn chàng với vẻ mặt lo lắng, những lọn tóc uốn xoăn nhẹ bồng bềnh, có màu nâu sẫm.

“Thư?” Chàng hỏi, rồi hình ảnh trước mắt dần trở nên rõ ràng hơn, và đó không phải là Thư.

“Thư là ai vậy?” Trẻ và đẹp 1 hỏi. Sao cô ta lại ngồi đây, bên cạnh chàng, trên giường của chàng, trong phòng chàng?

Tịnh ngồi dậy, lắc lắc đầu và xoa gáy để tỉnh táo hơn. “Bạn gái tôi. Mà sao cô lại ở trong phòng tôi thế?”

“Anh có bạn gái rồi à?” Một sự thất vọng chẳng biết lý do, cô gái hỏi.

“Có thể nói là vậy.” Chàng gật đầu xác nhận.

“Dù sao thì.” Trẻ và đẹp 1 tạm thời bỏ qua chuyện đó, “Anh cảm thấy trong người thế nào?”

“Hơi choáng váng chút, nhưng không sao!” Chàng dựa vào gối kê đầu giường, nhìn thấy cốc nước đang đặt trên hộc tủ kê cạnh cô gái thì chồm tay lấy và đưa lên miệng hớp cạn.

“Tôi qua xem anh thế nào, anh vừa ngất xỉu nữa à?” Cô gái nhận lấy cốc nước rỗng.

Nữa là sao?”

“Thì anh đã ngất trong buổi triển lãm tranh thành phố, rồi sau đó tỉnh lại, đó là chuyện của ngày hôm kia.” Trẻ và đẹp 1 giải thích.

“Hôm kia? Vậy còn hôm qua?” Chàng nhíu mày, nỗi bất an cồn cào lại bắt đầu xâm chiếm chàng không biết là lần thứ mấy trong những ngày gần đây.

Cô gái lục túi lấy sổ tay, có vẻ cô là một người đã quen ghi nhớ mọi thứ bằng cách viết chúng ra giấy.

“Hôm qua anh vẫn làm việc bình thường, anh đến quán cà phê nào đó vẽ tranh, rồi còn bán được một bức tranh với giá hai trăm triệu nữa, chúc mừng nhé! Có thêm một người ngỏ lời mua một bức khác giá năm chục triệu nhưng anh đang cân nhắc.”

“Còn cả như thế nữa!” Chàng trố mắt, thốt lên.

Cô gái gật đầu: “Phải, bạn anh, cái anh chàng có giọng khàn đặc ấy - chắc là do hút thuốc nhiều quá - anh ấy nhờ tôi săn sóc anh giúp. Nên là hôm qua tôi đã ghé phòng thăm anh vài lần, ngó chừng xem anh có sao không ấy mà. Nhưng hôm qua anh ra ngoài khá nhiều nên tôi chỉ biết có bao nhiêu đây thôi. Mà sao thế, hình như anh chẳng nhớ mình đã làm những gì thì phải?”

“Hình như vậy…” Chàng ôm lấy đầu, nhắm tịt mắt lại để tập trung suy nghĩ. Những gì Trẻ và đẹp 1 vừa nói hoàn toàn lạ lẫm với chàng, cảm giác như bản thân vừa bị bốc từ nơi nào và quẳng vào giữa cuộc đời này vậy.

Cô gái dường như cũng bối rối theo: “Anh có thật sự ổn không, tôi đã nghe kể về chuyện anh phẫu thuật rồi. Nó có để lại di chứng gì không?”

“Hiện tại tôi cũng không rõ.” Chàng lắc đầu, mắt không nhìn cô mà nhìn xuống tấm chăn trên người mình.

“Từ từ đã, dù sao thì anh cũng nên liên lạc với bạn gái và bảo cô ấy đến đây đi. Không hiểu sao bạn anh lại nhờ tôi lo cho anh trong khi anh đã có bạn gái rồi nữa, nên để cho cô ấy chăm sóc anh thì tốt hơn. Tôi không muốn xảy ra hiểu lầm gì đâu!” Trẻ và đẹp 1 nói, đầu vô thức gật gật, một kiểu thói quen.

Tịnh thở dài, nhìn cô: “Bạn gái tôi thì lại có chỗ khó.”

“Giận nhau sao?” Cô gái hỏi.

Chàng lắc đầu: “Không phải. À đúng rồi, cô tên gì nhỉ?”

“Tôi tên Thuý.”

Thư, Thuỷ, Thuý, tiếp theo sẽ là Thuỳ hay Thy đây? Chàng lẩm bẩm những cái tên trong đầu mình.

“Thật sự làm phiền cô quá. Dạo này tôi đã gặp khá nhiều chuyện, đa phần là từ vụ tai nạn mà ra cả. Tôi không biết có phải là một dạng di chứng không nhưng hy vọng nó sẽ không ảnh hưởng gì.”

Cô gái gật đầu cảm thông, ai cũng dễ dàng cảm thông khi nhìn thấy tình trạng của Tịnh. Đối với chàng, không chết là đã may mắn lắm rồi. Nhưng bây giờ đang có nhiều vấn đề đáng lo hơn. Rốt cuộc thì vào cái ngày hôm qua đã bị mất khỏi ký ức, chàng đã đi đâu và làm gì, lỡ như chàng đã làm ra chuyện kỳ quặc mà không biết thì sẽ rất nguy ngại.

Chàng kiểm tra các hoạt động trên điện thoại, kiểm tra tin nhắn và các cuộc gọi xem có manh mối nào hay không. Chẳng có tin nhắn mới nào ngoài hàng loạt tin trong nhóm chat của hội Táo Tợn. Kèm theo chúng là đường dẫn đến trang của một sự kiện nghệ thuật. Nội dung đại khái của đống tin nhắn đó là cả đám muốn tổ chức ăn mừng việc chàng được tham gia triển lãm lớn và bán được tranh bằng một buổi xem biểu diễn đọc thơ, phong cách tổ chức của sự kiện ấy khá thân thiện và nhẹ nhàng. Họ có vẻ đã hoảng loạn khi thấy chàng bị ngất xỉu ở sự kiện triển lãm tranh của thành phố nên không dám chọn hoạt động nào tốn sức hay sôi nổi quá. Buổi biểu diễn diễn ra ngoài trời, ở Phố đi bộ của một quận trung tâm. Có vẻ khó hiểu khi một buổi đọc thơ mà lại được tổ chức ở nơi tốn kém kinh phí mặt bằng đến như vậy.

Ngoài ra còn có hai cuộc gọi từ nhà, chắc cha mẹ chàng đã nghe tin chàng bị ngất, hoặc tin chàng đã bán được một bức tranh giá hai trăm triệu và sắp tới là một bức khác với giá năm chục triệu, hoặc có thể cả hai, hoặc có thể là không phải cái nào cả mà chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm thông thường.

Một sự kiện đọc thơ.

Chàng kiểm tra đồng hồ, bây giờ vẫn còn sớm, nhưng chàng có lẽ cần phải ra ngoài và ghé qua tiệm cà phê nơi mình được thuê trang trí để xem hôm qua mình đã làm đến đâu rồi. Nếu vậy thì chàng cứ chuẩn bị một thể rồi sẽ từ quán cà phê đi đến sự kiện đó luôn, nếu chàng thật sự muốn đi. Chàng có thể huỷ kèo nhưng nghĩ lại mình vẫn nên đi thì hơn.

Sau một lúc im lặng quan sát, Trẻ và đẹp 1 tiếp tục lên tiếng, mắt nhìn về phía giá vẽ và những cây cọ gác trên đó cùng với một bảng màu trông đã rất bẩn:

“Nếu tranh của anh thật sự nổi tiếng và có giá trị như thế thì thử vẽ tôi đi. Vài chục năm nữa tôi có thể sẽ trở thành Mona Lisa, Thiếu Nữ Đeo Hoa Tai Ngọc Trai, hay cùng lắm cũng là Thiếu Nữ Bên Hoa Huệ. Có thể tôi sẽ trở thành một cô gái bí ẩn với vô số giai thoại mà người ta thêu dệt về mình, trở thành nàng thơ của vô số tên nghệ sĩ có tâm hồn say sưa yêu thích cái đẹp. Nếu anh vẽ tôi thì hãy vẽ sao cho được như thế. Ai ai cũng có thể nhìn thấy tôi, chiêm ngưỡng tôi và phán xét tôi. Và người trong tranh thì sẽ đẹp mãi mãi, trẻ mãi mãi, sẽ không bao giờ đối diện với tuổi già, không bao giờ lo lắng về gò má chảy xệ hay những nếp nhăn ở đuôi mắt, hay đồi mồi, tàn nhan, hay rụng tóc, rụng răng. Đôi khi cơ thể con người quá yếu ớt và dễ hỏng hóc, còn thời gian luôn trôi nhanh hơn chúng ta tưởng. Mà không biết cậu nhân viên ở cửa hàng tiện lợi nếu biết có một bức tranh vẽ mình được bán với giá hai trăm triệu thì sẽ cảm thấy thế nào nhỉ. Anh nên đi thông báo và trả tiền làm mẫu cho cậu ấy, việc vẽ cậu ấy mà chưa có sự cho phép hẳn là sẽ gây ra một vài rắc rối nhưng nếu thương lượng và bù đắp đủ thì cũng không sao.”

Giật mình, chàng quan sát cô như để xem cô đang nói đùa hay thật, rồi vội lắc đầu từ chối yêu cầu: “Không được, tôi không vẽ cô được đâu, tôi không thể vẽ những cô gái trẻ và đẹp được.”

Trước nỗi hoài nghi của Thuý, chàng kể về người bạn Đại học đã từng làm mẫu vẽ cho chàng, một cô gái dịu dàng và xinh xắn, có tỉ lệ cơ thể và cấu trúc giải phẫu mà chàng rất thích tái hiện chúng lên giấy. Cô từng làm mẫu cho nhiều bức tranh của chàng hồi cả hai còn là sinh viên, cô cũng rất thích công việc đó, dù tất nhiên vì cả hai là bạn nên hầu như chàng chẳng bao giờ phải trả tiền công cho cô, trong khi cô phải cố gắng giữ một tư thế trong thời gian rất lâu để chàng vẽ.

Cô gái ấy bảo mỗi lần nhìn thành phẩm của chàng cô đều thấy yêu bản thân mình hơn một chút, giống như là chàng đã tìm thấy những nét đẹp ở cô mà đến chính cô còn chẳng nhìn ra và chàng đã lôi chúng đem lên mặt giấy, thể hiện toàn bộ qua tác phẩm của mình, vì thế mà thông qua nó người khác có thể thấy chúng. Đó là một thứ cảm quan kỳ lạ. Chàng cũng nhận ra chỉ có cô là chàng có thể làm được điều ấy, những người khác thì không, hoặc có khi cũng được nhưng ít hơn.

Tốt nghiệp xong, cô trở về Bắc, họ không còn gặp nhau nhưng vẫn giữ liên lạc. Chàng còn đặc biệt giữ lại nhiều tranh vẽ cô, vì là sản phẩm thời sinh viên nên bán cũng chẳng ai muốn mua mà vứt đi thì không nỡ. Cũng không phải giữ lại để ngắm hay có mục đích kỳ quặc gì, chàng chỉ cất hết ở một chỗ với những sản phẩm bài vẽ khác và cứ để như vậy thôi, đôi khi còn quên mất cả sự tồn tại của chúng. Rồi đến khi cô bạn đó thông báo kết hôn, chàng đã gửi lại hết chúng cho cô. Chàng cũng không rõ cô đã làm gì với chúng, nhưng chắc cô sẽ vui bởi vì chúng dù sao cũng là hình ảnh cô lúc trẻ, và đẹp. Có thể lưu giữ lại bản thân lúc còn trẻ trung là một điều tốt.

Cho đến khi chàng nhận được tin cô chết. Vì bị chồng bạo hành. Từ đó về sau chàng bắt đầu có một nỗi sợ với việc vẽ những cô gái trẻ và đẹp. Chàng cảm thấy bất an mỗi khi cầm cọ lên và bắt đầu vẽ họ, dù đó có thể chỉ là một người mẫu trên lớp hay một người đi đường xa lạ. Như thể những bức tranh của chàng chứa đựng một lời nguyền hay một sự xui xẻo nào đó, nó khiến cho những cô gái trong tranh của chàng gặp bất hạnh. Những cô gái ấy sẽ gặp chuyện gì đó nếu làm mẫu vẽ cho chàng. Thứ niềm tin và cảm giác ấy đeo đẳng chàng đến tận bây giờ.

Tịnh bước xuống giường, đến bàn làm việc và kéo hộc tủ, lấy ra một túi tài liệu. Chàng đưa nó cho Thuý. Được sự cho phép, cô mở ra xem. Bên trong là những tấm ảnh, bài báo, cả báo giấy và báo mạng được in ra, cùng những nét bút gạch, xoá và ghi chú. Tất cả tên người được đề cập trong những bài báo đều đã bị xoá đi bằng những nét mực lộn xộn.

Bức ảnh đầu chụp một cô gái có khuôn mặt khá xinh xắn, các bức còn lại do cánh phóng viên chụp thi thể của chính cô gái đó. Khuôn mặt xinh đẹp ấy giờ đã bầm dập và sưng phù lên như một thứ trái cây bị thối rữa, cảm tưởng như chỉ cần nhấn ngón tay vào thì sẽ bị lún xuống và da thịt sẽ nát tươm cả ra.

Cánh môi tím tái, khuôn miệng lệch qua một bên, khoé môi bị rách một đường và máu chảy ra từ đó, bên cạnh là mấy chiếc răng bị gãy.

Đầu bị đập bằng một cái chân ghế.

Cổ bị nện bằng ống nước, xương cổ đã nứt làm cái đầu nghẹo qua một bên.

Cánh tay và đùi chằng chịt lằn roi, cũ mới đều có đủ.

Xương mũi bị nện gãy, lệch qua một bên cùng hướng với khuôn miệng, máu mũi ọc ra.

Mắt trái tím bầm, mạch máu quanh mắt phồng lên.

Xương hông bị vỡ.

Hai xương đùi bị nứt nhiều chỗ.

Cánh tay bị bẻ ngoặc ra sau tạo thành một tư thế dị dạng.

Một bên ngực thâm tím, xương lồng ngực gãy đâm vào phổi.

Cả cơ thể có nhiều dấu vết của việc bị hành hạ bằng bạo lực trong một thời gian dài. Không tìm ra thủ phạm nên vụ án bị gác lại, cũng không đủ bằng chứng để kết tội bất cứ ai, đến giờ kẻ hạ thủ vẫn chưa bị trừng trị.

Trẻ và đẹp 1 nhăn mặt khi lướt qua từng bức ảnh, đọc nhanh các thông tin. Quá nhiều vết tích trên người nạn nhân như thế mà vẫn không thể tra ra được thủ phạm, rốt cuộc là kẻ thực hiện đã cao tay đến mức nào, làm việc sạch sẽ đến mức nào. Nếu kẻ làm ra được những hành động này vẫn còn lởn vởn ngoài xã hội thì thật đáng lo ngại.

“Nhưng mà…” Cô ngước lên nhìn chàng, giọng nói hơi cao hơn bình thường, “Anh bảo là cô ấy bị chồng bạo hành. Làm thế nào cảnh sát không biết mà anh lại biết, mà nếu anh biết thì tại sao không tố cáo hắn? Một tên đàn ông như thế này thì không thể để cho hắn được tự do bên ngoài xã hội được. Có những thứ chỉ xảy ra vì bốc đồng, vì lý do nào đó hoặc kẻ thủ ác thuộc vào diện có thể thay đổi, nhưng cũng có những thứ nó là bản chất không thể thay đổi được. Trường hợp này chắc chắn hắn phải là một người có vấn đề về đầu óc và nhân cách, nếu cứ để hắn đi lại nhởn nhơ ngoài kia thì sẽ rất nguy hiểm, sẽ có những nạn nhân tiếp theo…”

Chàng cúi đầu, không trả lời cô. Căn phòng chìm vào im lặng.

Có nhiều lý do để người ta có thể làm hay không thể làm một điều gì đó.

Bên ngoài cửa sổ, trận đại hoả hoạn đã nuốt được hơn một nửa thành phố. Chàng tiễn Thuý ra thang máy rồi quay về chuẩn bị để ra ngoài. Chỉ một vài thủ tục nữa là chàng sẽ được nhận số tiền bán tranh của mình, công việc vẽ tường cho quán cà phê hình như cũng đã xong rồi. Chỉ một ngày mất ký ức thôi mà có quá nhiều việc đã xảy ra.

Những con sứa bay trên không trung. Những bãi nhớt đen di chuyển chầm chậm trên các mảng tường hai bên đường phố. Đám mây cong cong. Tất cả những thứ kỳ lạ vẫn còn nguyên như hôm kia chàng đã thấy. Hôm qua thì không biết có hay không.

Có khi nào tất cả là do gã Áo Choàng gây nên? Chàng đã mất đi một đoạn ký ức kể từ lúc nghe xong câu chuyện của gã. Chàng chỉ nhớ nội dung câu chuyện chứ không thể nhớ lại phần ký ức hơn một ngày sau khi gặp hắn. Nhưng nếu hôm qua không phải chính chàng mà là một chàng khác đã sống thay chàng thì sao. Có thể chàng vẫn đang bất tỉnh và cái người khác đó đã thế vào chỗ chàng để sống một ngày, trong ngày hôm đó hắn cứ làm những gì hắn thích, điều khiển mọi việc theo ý hắn để phá tung cuộc sống của chàng lên. Hắn và chàng liệu có phải là một? Và cần phải được biết ngay là ngày hôm qua hắn đã làm những gì, đi những đâu, gặp những ai. Điều đó là vô cùng quan trọng. Cả gã Áo Choàng kỳ quặc nữa, gã kể câu chuyện đó cho chàng để làm gì, nó có ý nghĩa gì, hơn hết là bằng cách nào gã có thể khiến chàng bất tỉnh rồi lại tỉnh dậy mà khuyết đi một phần ký ức? Hay chính gã đã nhập vào chàng ngày hôm đó và sống thay chàng, như một hồn ma.

Hoặc chỉ đơn giản là chàng đã bị mất ký ức về ngày hôm qua do di chứng của cuộc phẫu thuật. Việc bán bức tranh, vẽ tường, nhận lời tham gia một sự kiện đọc thơ cùng hội Táo Tợn, tất cả đều là ý muốn của chàng, chàng đã quyết định sẽ như thế một cách tỉnh táo chứ chẳng có gì kỳ lạ cả, chỉ là chàng quên mất mà thôi. Vì thế xoay qua xoay lại vẫn chỉ có chàng và chính chàng sống trong cuộc đời mình, không ai làm gì chàng ngoài chính chàng cả, và sự thật là thế đó. Không còn một sự thật nào khác?

II.

Quán cà phê nhốn nháo. Người đứng ken chật và dài ra đến bên ngoài, có một số đang thảo luận gì đó. Chàng lách qua vai một người trung niên đang đút hai tay vào túi quần đứng nói chuyện với một người trung niên khác đang phì phèo điếu thuốc. Tất cả đều mặc sơ mi quần tây, dường như đàn ông trên thế gian này không có cách phối đồ nào khác ngoài cách ấy, đâu đâu cũng là áo sơ mi và quần tây, già trẻ lớn bé, một phong cách an toàn và phù hợp với hầu hết hoàn cảnh. Chàng cố tìm những khe hở, chen giữa họ để vào được bên trong. Nếu hôm nay là ngày khai trương mà quán lại được đông khách thế này thì chàng thật sự rất mừng cho tay chủ quán, dù chàng chẳng thích y lắm.

Tay chủ quán tướng như Trương Phi tóm được chàng. Y hớn hở dắt chàng vào trong, phải nói là chàng bị y lôi đi thì đúng hơn.

“Cậu vẽ bậy bạ lên bức tường của quán tôi.” Hắn nói, nhưng thay vì tức giận thì trông hắn lại giống như đang hào hứng, dù khuôn mặt bặm trợn đó lúc tức giận và hào hứng không khác gì nhau lắm, thành thử chàng không biết rốt cuộc là hắn đang giận hay là đang vui. “Nhưng cậu đã vẽ ra một kiệt tác. Tôi đã nhờ những bạn bè và chuyên gia đến thẩm định.”

Giờ thì chàng đã biết tại sao hôm nay quán lại đông người như thế dù còn chưa khai trương. Họ đang xúm xít quanh bức tranh chàng đã vẽ trên tường, người chỉ chỗ này, người trỏ chỗ nọ, luôn mồm bàn luận với vẻ tâm đắc. Chàng nhìn bức tường.

May mắn thay, dù chẳng thể nhớ chàng của hôm qua đã làm gì, nhưng tên đó có vẻ đã giúp chàng vẽ khá thành công sản phẩm, trông nó không khác gì mẫu được đưa cả. Song tay chủ quán vẫn dí cho chàng tấm ảnh mẫu của hắn, bàn tay bè bè như con gấu thúc vào người chàng.

“Tôi bảo cậu vẽ giống bức tranh mẫu này, sao cậu lại vẽ thành ra như thế?” Hắn hỏi.

Tịnh nhìn bức tranh mẫu, rồi lại nhìn sản phẩm của mình ở trên tường. Một bộ đùi dạng ra hai bên, ở giữa là một bụi hoa đang nở rộ tạo thành hình âm vật, tất cả được vẽ cách điệu bằng những nét thẳng, mang phong cách hội hoạ lập thể, một thứ gì đó nằm giữa Gris và Picasso. Hoàn toàn giống, cả tông màu được pha cũng bám sát mẫu đến bất ngờ, sắc độ không bị lệch đi dù chỉ một chút, đường nét như in, chẳng có điểm nào để chê đối với công trình sao chép này cả. Chàng nhìn những người xung quanh, họ đều đang chăm chú quan sát tác phẩm, chẳng biết họ đã nhìn ra được gì trong nó.

“Tôi vẽ đúng mẫu anh đưa cho còn gì.” Chàng cãi lại.

“Thế này mà đúng cái gì!” Tên chủ quán nói như quát vào mặt chàng, dù hắn không có ý tức giận nhưng lối ăn nói của hắn đã bỗ bã như thế từ trước đến giờ, “Tôi nghe người khác giới thiệu cậu là một hoạ sĩ chuyên vẽ phong cảnh nên mới giao cho cậu mẫu này. Mẫu vẽ một khu vườn với trung tâm là một đài phun nước đang lấp lánh trong nắng sớm. Hoa cỏ xum xuê, ánh nắng chan hoà, còn có cả chim chóc. Cậu vẽ ra cái thứ này mà dám bảo rằng giống mẫu à?” Đoạn, hắn chỉ tay về phía bức tường cho chàng thấy.

Chàng đâm bối rối: “Đây là mẫu vẽ một khu vườn với đài phun nước à?”

“Chứ còn cái gì nữa cha nội!” Gã Trương Phi vỗ vỗ vào mảnh giấy làm nó kêu lên phần phật.

Bởi vì không hiểu nên chàng chẳng thể trả treo lại được gì. Lại thế nữa rồi, chàng không hề nhìn thấy vườn hoa và cái đài phun nước ấy ở đâu trong bức mẫu cả, những gì chàng thấy đã được chàng và chàng của hôm qua thể hiện hết lên trên bức tường. Bây giờ có bảo chàng nhìn thấy cái khác thì chàng cũng không thể nhìn ra được.

Chàng ngẩng lên, ngó xung quanh, mọi người đến đây là vì cái thứ sản phẩm kỳ quặc chàng đã vẽ. Có lẽ họ tụ tập đông đúc như vậy là bởi vì trông nó quá kỳ dị. Mặt mũi chàng nóng bừng. Ra là vậy, họ đến để cười cợt chàng vì đã vẽ ra một tác phẩm thô thiển thế kia. Họ muốn biết rốt cuộc tên điên nào có thể làm ra được chuyện này, vẽ một cặp đùi và các chi tiết ám thị gợi nên những hình ảnh biến thái. Chàng xấu hổ đến mức tưởng như mình có thể chết ngay được. Hẳn mọi người đang xem chàng là một gã hoạ sĩ có vấn đề về thần kinh, một đứa bệnh hoạn và đáng bị mọi người xa lánh vì cái sở thích bệnh hoạn của mình. Những ngón tay của chàng đỏ lựng lên, cổ họng khô rốc. Ra là họ đến cốt để cười cợt và bè dỉu chàng mà thôi.

“Xin… xin lỗi, vậy để tôi vẽ lại cho anh! Chắc là tôi đã lộn yêu cầu của quán anh với một bên khác… Tôi sẽ vẽ lại…” Chàng cố gắng năn nỉ tay chủ quán.

Cái quai hàm đang bạnh ra dần dần thả lỏng, tay chủ quán lắc đầu: “Không cần đâu. Như cậu thấy, ai cũng thích bức vẽ này nên cứ để nó thế đi.”

Hướng giải quyết của y làm chàng bất ngờ.

Thấy chàng nghệch mặt không hiểu, như để chứng minh lời mình vừa nói, chủ quán bèn mở điện thoại ra và đưa chàng xem. Là một bài báo có tiêu đề “Một tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong quán cà phê giữa lòng thành phố”. Chàng lướt xuống đọc nội dung, kèm theo bài viết là một tấm ảnh chụp bức tường chàng vẽ và một tấm khác chụp tay chủ quán đứng cạnh bức tường, hắn ở trong ảnh đang khoanh tay lại, vẻ mặt hớn hở.

Một biểu hiện độc đáo. Một tay cọ đầy tài hoa. Một bức tranh đa nghĩa. Tác phẩm giàu tính cách tân và mới mẻ. Sự trải nghiệm nghệ thuật đầy táo bạo.

Quá nhiều danh từ và tính từ. Chàng đọc mà hoa cả mắt.

“Được biết, tác giả của bức tranh này chính là Vinicius, người hoạ sĩ tuy còn rất trẻ nhưng đã làm chấn động bao nhiêu diễn đàn hội hoạ và nghệ thuật mấy ngày hôm nay với buổi triển lãm kết hợp do thành phố tổ chức. Bây giờ, khi sức nóng buổi triển lãm vẫn chưa hạ nhiệt thì Vinicius lại có thêm một tác phẩm gây xôn xao dư luận nữa. Được biết, anh chủ quán cà phê không hề biết đến danh tiếng của Vinicius, anh đã thuê cậu hoạ sĩ trước khi cậu được mọi người biết đến rộng rãi. Tuy vẫn còn nhiều thắc mắc và vấn đề cần phải giải quyết giữa hai bên song anh chủ quán chia sẻ rằng mình cũng thích tác phẩm này và sẽ giữ nó lại.

Rốt cuộc Vinicius - chàng hoạ sĩ đã khởi nguồn cho bao nhiêu cuộc tranh luận trong giới nghệ thuật mấy ngày nay - là một chàng trai như thế nào? Vẫn còn quá ít thông tin về con người bí ẩn ấy, nhưng có thể nói rằng, tài năng của cậu đã chính thức được phát hiện, hứa hẹn nhiều đột phá hơn nữa trong tương lai.”

Tịnh choáng váng muốn ngã ngửa ra sau. Chỉ mới qua mấy ngày mà mọi thứ xung quanh chàng đã thay đổi đến chóng mặt. Bây giờ chàng đã bước lên vị trí trung tâm, trở thành một hiện tượng trong giới hội hoạ dù chẳng hiểu gì.

Một gã khác đột ngột xuất hiện như vừa mọc lên từ dưới đất, hắn vỗ vai Tịnh. Chàng giật mình, xoay lại nhìn. Có lẽ vẻ mặt thiếu máu của chàng lúc này đã làm tên đó cảm thấy bản thân vừa làm một hành động thiếu ý tứ.

“Xin lỗi, tôi là phóng viên. Sáng hôm nay tôi có viết một bài về anh.” Hắn tự giới thiệu và đưa cho chàng danh thiếp, chàng lướt qua cái tên và xác nhận đúng là người đã viết bài báo mà mình vừa được đọc, rồi chàng đút tờ giấy vào túi quần và ngay lập tức quên ngay cái tên đó. Rất ít cái tên có khả năng được lưu lại trong đầu chàng. Chàng toàn nhớ họ qua những biệt danh.

“Xin phép cho tôi… Tôi được biết cậu là Vinicius?” Tên mọc từ dưới đất hỏi với sự lịch thiệp y như những gã trên truyền hình.

Điều duy nhất chàng thắc mắc là tại sao hắn ta lại có thể viết và lên bài báo đó nhanh đến thế? Chàng của hôm qua vừa vẽ xong bức tranh cho quán, hôm nay hắn đã đến và thế là có bài đăng ngay rồi, trong khi chàng còn chưa biết gì. Chàng luôn đi sau tất cả mọi động thái quanh mình, dù chàng có là trung tâm của những động thái đó. Dư luận lúc nào cũng phản ứng nhanh hơn nhân vật chính.

Chàng gật đầu. Tên phóng viên này trông trẻ hơn tưởng tượng của chàng về người đã viết ra bài báo ấy. Chàng còn nghĩ người trẻ thì thường không quen tâng bốc một ai, hoặc thường ít khi rung động mạnh mẽ với một tác phẩm nghệ thuật đến mức tôn vinh nó một cách thái quá. Đặc biệt là với kẻ ăn mặc có thể xem là chỉn chu nhất trong cả đám người đứng ở đây, đầu tóc xịt cứng, kiểu chải chuốt văn phòng, bộ vest trên người cũng đem đến cảm giác của một nhân viên ngân hàng. Có lẽ phóng viên cũng là một nghề đòi hỏi vẻ ngoài thật sự chỉn chu, hoặc có khi ở đây đang có máy quay ghi hình cũng nên. Mắt chàng bị hút vào đôi giày da không dính lấy một hạt bụi của gã. Gã có vẻ cỡ tuổi chàng, nhưng trắng trẻo hồng hào hơn, có da có thịt hơn, lịch lãm và thu hút phái nữ hơn. Và nó mở đầu cho một tâm lý so sánh vô lý.

“Mời anh ngồi!” Tên phóng viên, lại với sự lịch thiệp của mình, đưa tay hướng về bộ ghế có lẽ cũng vừa mới mọc từ dưới đất lên, mời chàng. “Chúng tôi xin được phỏng vấn anh vài câu.”

Đến ngồi vào bộ ghế vừa mọc từ dưới đất lên, đối diện với gã phóng viên vừa mọc từ dưới đất lên, chàng phân vân có nên chạy trốn hay không. Những người đến xem bức tường tụ tập xung quanh bộ ghế, xì xào bàn tán, nhìn chàng, đánh giá, ngưỡng mộ, cổ vũ. Họ không có chuyện gì khác để làm à? Lo mà xem tranh đi, đừng xem chàng.

“Cảm giác của anh hiện tại như thế nào? Anh nghĩ sao về tác phẩm mình vừa mới tạo ra?” Tên phóng viên đặt câu hỏi.

“Tôi không thích nó.” Chàng trả lời ngay.

Gã đối diện ngơ ngác hai giây. Đám đông rộ lên, toàn là những lời thì thầm nhưng cộng lại cũng đủ tạo thành một lớp tiếng ồn tạp nham khiến người khác mất tập trung.

Tên phóng viên gật đầu, cảm thấy phản ứng của chàng như thế cũng không tồi, đây có thể sẽ là một bài phỏng vấn thú vị chăng?

“Tại sao? Có phải vì xích mích trong công việc giữa anh với chủ quán cà phê, người trên danh nghĩa là chủ sở hữu của bức tường này không?” Gã hướng mắt về phía tay chủ quán đang đứng khép nép ở một góc làm tên nọ giật mình xua xua tay. “Tôi nghe bảo bức tường này là anh được chủ quán thuê vẽ, nhưng không hiểu vì lý do gì anh đã làm trái ý tưởng của khách và vẽ ra một bức tranh khác so với yêu cầu, mà bức tranh ấy bây giờ lại gây chấn động khắp mọi nơi và chắc hẳn trong tương lai nơi này sẽ trở thành một địa điểm thu hút rất nhiều người. Nhưng tất cả những thứ lợi ích đó đều về hết vào tay chủ sở hữu bức tường - khách hàng của anh. Vì thế anh phải tìm cách hưởng thêm chút ít, như là đòi thêm tiền công nếu không thì sẽ xoá bức tranh đi, hay tham vọng hơn là muốn giành cả quyền sở hữu bức tranh. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa hai người chăng?”

Chưa gì mà hắn đã nghĩ ra một câu chuyện dài và hấp dẫn như một bộ phim truyền hình vậy. Chàng nghĩ và cảm thấy nể phục sức tưởng tượng và đầu óc suy luận của gã.

“Không phải.” Chàng lắc đầu. “Trên tranh có ký tên tôi, báo đài cũng đã đưa tin về tôi nhiều rồi. Dù quán cà phê này được lợi bao nhiêu thì tôi cũng đã gom về một lượng không nhỏ danh tiếng cho mình, vì thế tôi cũng không thấy thiệt thòi gì cả. Mà dù có thiệt thòi tôi cũng không quan tâm. Vấn đề nằm ở vế đầu tiên, tôi đã không vẽ đúng theo mẫu mà khách hàng đưa cho.”

“Hành động bốc đồng bộc phát đó đã làm nên chuyện! Anh lẽ ra nên cảm thấy tự hào, không ai trách anh cả.” Tên phóng viên khẳng định.

“Nhưng có tôi trách tôi này!” Chàng đứng phắt dậy như thể chiếc ghế là một tấm bạt nhún và đến bây giờ chàng mới bị bật người lên, “Tôi được nhận vẽ một khu vườn, một khu vườn được miêu tả là rất đẹp, có nước, có nắng, có hoa cỏ. Nhưng giờ thì xem tôi đã vẽ ra cái gì? Thứ này là gì?” Chàng vung tay về phía bức tường, “Nó là gì ngoài thứ mà tôi không được trả tiền để vẽ. Tôi được người khác thuê để vẽ lại những cảnh đẹp của hiện thực, với những đường nét chân xác chứ không phải cách điệu. Thay vì thể hiện cuộc sống này đẹp như thế nào thì tôi lại vẽ ra thứ gì đây, rốt cuộc thì nó tôn vinh cái gì vậy? Hội hoạ có nhiều trường phái và phong cách, mỗi hoạ sĩ sẽ theo đuổi một quan niệm mỹ học riêng. Chưa nói đến cái nào hay và cái nào dở. Nhưng thứ tôi muốn thể hiện là vẻ đẹp của cuộc sống kìa, vì thế tôi muốn tái hiện lại hiện thực, hiện thực theo nghĩa đen của nó, chứ không phải thứ này. Các anh xem, đây là gì?”

“Tôi hiểu những điều anh chia sẻ.” Tay phóng viên gật gù, giờ là thời khắc gã phải tinh tế tạo nên một màn đối thoại quan điểm ra trò, hiếm hoi lắm mới có một dịp thế này. Một chàng hoạ sĩ trẻ vừa mới nổi tiếng đã lên tiếng đối thoại về quan điểm nghệ thuật với công chúng. Nó sẽ là một bài báo thú vị. “Nhưng nếu anh là một họa sĩ có tài trong việc vẽ tranh trừu tượng, hay những biểu hiện phong phú hơn thực tại đơn thuần thì anh cứ thế mà phát triển thôi. Tại sao lại muốn đi một hướng khác cái mà khả năng trời đã phú cho mình? Giống như các ca sĩ vậy, nếu trời đã ban tặng một giọng hát hay, một tư duy âm nhạc và kỹ thuật điêu luyện nhưng lại không có năng khiếu nhảy nhót múa may, cũng không có một cơ thể hấp dẫn thì cứ hát những thể loại phù hợp với mình, tại sao chứ phải đâm vào những thể loại dance-pop làm gì. Đó là đi sai với thiên mệnh! Hay một nhà văn có tài miêu tả hành động thì nên sáng tác những tác phẩm mang thiên hướng hành động, sao lại tự hành hạ mình đi viết những tác phẩm tâm lý phức tạp hay thể hiện những thủ pháp mà mình không giỏi. Hay một ví dụ rõ ràng hơn, anh không thể trở thành một người đầu bếp tài ba nếu anh bị vấn đề về vị giác, không thể làm giáo sư Sử học nếu có trí nhớ kém. Trời cho anh khả năng vẽ những tác phẩm cách tân, trừu tượng thì không nên cố chống đối mà đi theo hướng nghệ thuật cổ điển hay truyền thực.”

“Vô lý! Sao các người có thể nói như thế được?” Chàng gạt phắt những lập luận đó. “Nói thế thì chẳng khác nào khuyên con người ta chịu thua trước định mệnh, trước những gì mà cuộc đời sắp đặt. Thứ có thể làm và thứ muốn làm. Hai mệnh đề này đã mâu thuẫn với nhau suốt bao lâu nay nhưng không phải là không có cách điều hoà nó. Nếu tôi muốn vẽ hiện thực nhưng lại được phú cho khả năng tư duy sáng tạo nghệ thuật kỳ dị, vậy thì đúng là một bi kịch. Một người muốn làm đầu bếp nhưng lại có vấn đề về vị giác, nhưng ngược lại có khả năng cảm âm cực tốt nhưng không muốn làm nhạc sĩ; một người muốn làm họa sĩ nhưng bị mù màu, mà ngược lại có khả năng ghi nhớ siêu hạng nhưng không muốn làm giáo sư Sử học; một người muốn làm vũ công nhưng lại bị cụt chân, nhưng ngược lại có năng khiếu về văn chương nhưng cứ nhất quyết không muốn làm nhà văn. Tất cả đều là bi kịch giữa cái thiên phú và cái thật sự muốn làm. Người muốn làm thứ này nhưng lại bị trời phú cho khả năng làm một thứ khác. Chẳng lẽ chúng ta chỉ có thể chấp nhận như thế hay sao? Anh bảo xem!”

Rồi giữa những cặp mắt đang còn trố ra, chàng vội vã rời khỏi quán. Người phóng viên nhổm người gọi giật lại nhưng chàng không nghe, cứ một mạch đi thẳng. Chàng cảm thấy một nỗi bực dọc không tên khi chính mình đã đạp đổ những quan điểm làm nghề từ trước đến nay mình luôn theo đuổi.

Chàng nhìn đồng hồ, tuy chưa đến giờ diễn ra sự kiện đọc thơ nhưng chắc chàng sẽ đến đó sớm.

Hiện thực đang lao dốc, hiện thực nằm ngoài chàng.

Chàng không thể đánh mất hiện thực của mình. Chàng cố níu giữ nó nhưng bất lực nhìn nó dần dần tuột khỏi tay mình. Như đang nắm một con lươn cứ ngọ nguậy thoát khỏi lòng bàn tay vừa tóm được nó.

III.

“...Thả em bên kia chiêm bao nghĩ thoáng

Rong suốt giải phân ly

Theo đam mê lững thững

Ô em quỷ mị mùa hè

Sông nước phơi vàng xoá bờ bến

Tịch mịch rơi hạt lệ quạnh không….” [note48379]

Khoảng không gian được dùng để tổ chức sự kiện nằm ở giữa Phố đi bộ. Một khán đài lớn được dựng lên bằng những khung sắt. Vải được căng ra, rèm rủ xuống, thảm nhung bao lấy bục gỗ, ta có một khán đài nổi lên như một hòn đảo nho nhỏ nhô cao giữa biển. Những bó hoa trang trí, một dàn âm thanh tuy không quá mới nhưng cũng đủ ấn tượng. Hàng ghế ngồi được xếp trật tự, đủ chỗ cho tất cả những ai đăng ký. Bộ ghế đỏ đặt giữa sân khấu, hẳn là để chuẩn bị cho phần phỏng vấn những diễn giả khách mời. Dải đèn chưa được bật vì trời vẫn còn sáng.

Đông người hơn Tịnh nghĩ, số lượng thính giả và người biểu diễn đều rất ấn tượng. Triển lãm hội hoạ và buổi biểu diễn đọc thơ. Có cảm giác như ở thành phố này nghệ thuật đang phát triển rất khoẻ mạnh và được nhiều người quan tâm.

Tịnh ngồi ở hàng ghế thứ hai, giữa đám bạn của mình. Sẽ không ai thắc mắc tại sao một chàng trai có vẻ ngoài như giang hồ với một chiếc sẹo xấu xí trên đầu lại tham gia loại hoạt động thanh nhã như thế này.

Trời vẫn còn sáng, một ngày quá phù hợp cho những hoạt động ngoài trời. Dù không hiểu ban tổ chức lấy can đảm ở đâu để quyết định tổ chức một sự kiện diễn ra hoàn toàn ở ngoài trời như thế này, trước những lo lắng về thời tiết và rất nhiều điều kiện ngoại cảnh có thể ảnh hưởng. Nhưng họ đã có một quyết định đúng đắn.

Một sự kiện có thể nói là tương đối thành công.

Và tất cả những thứ đó đang cháy.

“Sông kia rày đã nên đồng,

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.” [note48380]

“Mày bị làm sao thế? Sao lại đổ mồ hôi nhiều vậy, để tao chỉnh cây quạt quay về hướng này cho nhé?” Hoàng lo lắng hỏi chàng, đoạn chỉ tay về phía cây quạt to đùng bên góc trái đám đông, ngồi ở đây có thể nghe tiếng nó chạy vù vù, sức gió đủ phục vụ cho một không gian lớn.

Tịnh lắc đầu, lấy tay quệt mồ hôi trên trán và trên mái đầu trọc lốc: “Không sao… chỉ là…”

Thành phố đang cháy!

Mọi người đều thản nhiên, chỉ có chàng là không. Chàng đang ngồi nghe đọc thơ ở giữa một đám cháy. Tại sao họ có thể thản nhiên đọc thơ giữa một đám cháy như vậy chứ? Tại sao chỉ có chàng là cảm nhận được nó?

Hoa đang cháy, sân khấu đang cháy, bốn mặt đều là lửa, lửa đang lần bước từ từ vào trong. Chàng thấy những người ngồi ở mé ngoài đã bị chìm vào ngọn lửa hết rồi

Da thịt họ bị nướng lên, mỡ sôi xèo xèo, mùi thịt người nướng lan ra khét lẹt.

Họ vẫn ngồi yên để bị đốt cháy.

Cơ thể co quắp lại, phồng lên, xẹp xuống, rã ra, lớp da bị bỏng làm lộ phần thịt và mỡ bên trong, nhỏ tí tách xuống đất.

Lửa lột sạch da họ ra, nướng phần thịt bên trong, nướng thành than, thành một khối người đen ngòm.

Mùi khét đặc kín mũi chàng, tàn lửa bắn tứ tung và tro bay tán loạn.

Những chiếc ghế ngựa chảy ra và đặc lại, cũng biến thành màu đen.

Lửa biến tất cả thành màu đen.

Nó ăn dần lên khán đài, tấm rèm bốc cháy phừng phừng. Người đọc thơ vẫn đang cầm micro, đọc chậm rãi và nhấn nhá cho thật tình tứ, thật dữ dội… thật lố lăng. Một gã hơi béo nhưng có giọng đọc khá truyền cảm, phát âm tốt. Giữa một trận hỏa hoạn nhưng gã vẫn đứng trên bục để đọc thơ. Lửa đã gần như bao trọn tất cả, nó đang đến rất gần chàng.

“...Hương thuỷ diện

Sóng vỡ bờ

Chôn nhung nhớ

Nửa vần thơ

Ai đi nhắn hỏi đôi lời

Con chim còn đó bên trời ái ân

Mắt đỏ thắm

Nước dầu trong

Sương khuya tĩnh mịch ai nằm

Mà nghe gió hú thổi lòng giá băng…” [note48381]

Nước! Có ai có nước không? Ai đó dập lửa đi! Lửa sắp giết chàng rồi, lửa đã giết tất cả. Mới mấy ngày trước nó còn ở phía bên kia thành phố, hôm nay nó đã lan đến phía bên này. Về phía chàng. Người đàn ông vẫn ung dung đọc thơ. Lửa ăn mòn dây loa, điện chập, lửa lại càng được thế lan ra mạnh hơn. Đã có những tiếng nổ. Dàn loa phát nổ. Mảnh vụn bay qua mặt gã đang đọc thơ, nhưng gã vẫn đọc. Tay gã huơ huơ trong không khí, điệu bộ tâm đắc, xúc động, mãnh liệt như lửa.

Nước! Ai đó làm ơn dập lửa!

“Này! Mày có thất sự ổn không? Ê, Tịnh!”

Chàng không biết là ai đang gọi mình nữa, tiếng kêu loang dần như những vòng sóng đồng tâm trên một mặt hồ, càng lúc càng mờ mịt. Chàng chỉ biết là ai đó đang gọi chàng nhưng chàng không thể đáp lời được, cơ thể đã đơ ra trên ghế, miệng ngước lên trời, cố lấy hơi. Cổ họng chàng phát ra những tiếng hức hức như người bị ngạt.

Đúng là chàng bị ngạt thật. Người bên cạnh lắc lắc vai chàng, cổ chàng hết ngoẹo qua bên này lại ngoẹo qua bên kia. Mắt chàng trợn ngược như muốn lòi ra bên ngoài. Gân cổ nổi như rễ cây. Chàng rướn lên trời như gà trống gân cổ gáy gọi bình minh. Cơ thể không tự chủ được mà co giật trên ghế. Mồ hôi chảy ướt đẫm quần áo, rỏ xuống mặt đất, đọng lại thành vũng. Như lên cơn động kinh, hay một cơn điên nào đó, sau khi ngáp ngáp lấy hơi, chàng gào lên, không ai hiểu chàng đang gào cái gì và tại sao lại gào như thế.

Đám đông hoảng loạn.

Chàng nhìn lên bầu trời. Khói ngùn ngụt che kín màu xanh thiên thanh, nó nhuộm cho bầu trời thành một màu xám xịt, xám hơn cả lúc bầu trời đang chuyển dông, màu đen đặc quánh, tro bụi bay tứ tung.

Chỉ còn một vòng tròn màu xanh, như chàng đang bị nhốt trong một toà tháp hình trụ và nhìn lên, bầu trời bị bao lại thành vòng tròn, như con ếch ngồi dưới đáy giếng. Tất cả đều xoắn bệnh những khói là khói. Ngột ngạt, không có oxi, những thứ chàng hít vào phổi đều là khói bụi, chàng cảm nhận được chúng đóng dày thành lớp trong phổi của mình.

Và trên bầu trời hình tròn, đám mây cong cong nhìn giống con mắt đang khép lại cuối cùng cũng mở ra. Đó là một con mắt thật. Con mắt của bầu trời. Nó nhìn xuống chàng qua đám khói. Tròng đen di chuyển qua lại, y hệt một con mắt, như một gã khổng lồ nào đó đang vén mây và ghé mắt nhìn xuống chàng, hắn đang nheo một mắt và nhìn bằng con mắt còn lại. Đồng tử hướng chòng chọc vào chỗ chàng đang ngồi, nó chớp chớp mấy cái, vẫn đang nhìn và không biết khi nào thì ngừng lại. Một con mắt đáng sợ. Vì nó quá to nên chàng có thể quan sát được cả những mạch máu tí hon trong lòng trắng, đồng tử co lại rồi giãn ra. Mắt bão, theo nghĩa đen. Hay là một thứ gì khác.

Cùng với nó là tiếng kẻng, tiếng trống dộng vào in tai. Uỳnh uỳnh! Chúng làm tai chàng ù đặc, những âm thanh xung quanh dường như đã bặt câm, chỉ nhường lại cho thứ tiếng động như đang giáng xuống từ phía trời cao. Uỳnh uỳnh!

“Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh;

Linh lung bóng sáng bỗng rung mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh…” [note48382]

Chàng có phải đang sống trong một thế giới bị người khổng lồ quan sát? Con mắt như đang soi mói từng cử động và biểu hiện của chàng. Một kiểu phán xét?

Uỳnh uỳnh! Sứa bay trong lửa, nhựa đường bò trong lửa.

“Gọi cấp cứu đi! Ai đó, làm ơn!”

Họ đang chạy trong lửa. Không biết là tiếng ai đang hét, giọng nam và giọng nữ trộn vào nhau như một đĩa salad.

Gã đọc thơ trên khán đài cuối cùng cũng dừng lại. Gã quăng cái micro xuống sàn. Lửa đã nuốt trọn gã, nướng gã lên, thịt gã cháy bừng, quần áo bị đốt trụi, mỡ chảy xèo xèo và bốc khói, những mảng da đỏ ửng và bong lên. Gã đang cháy dở thì chạy xuống chỗ chàng, xông về phía chàng. Và chàng thấy trong đám cháy, những hình thù dị dạng bỏng nát da thịt tiến về phía mình, những miếng thịt lủng lẳng ở cẳng tay hay cẳng chân, thịt cháy xém hay cháy ra tro, lớp da bong ra, phù lên, mỡ người đang sôi bắn vào áo quần chàng.

Đứng dậy, chàng định tìm cách chạy ra khỏi đây nhưng đã bị họ giữ lại.

Chàng bị những tảng thịt nóng siết chặt vào người. Chàng hét lên khi cảm nhận được chính mình cũng đã bị bỏng.

Mọi thứ đang cháy. Cả thành phố đã chìm trong lửa.

Uỳnh uỳnh!

Ghi chú

[Lên trên]
Hạ ca - Thanh Tâm Tuyền
Hạ ca - Thanh Tâm Tuyền
[Lên trên]
Sông lấp - Trần Tế Xương
Sông lấp - Trần Tế Xương
[Lên trên]
Tuyệt tình ca - Hà Văn Kỳ
Tuyệt tình ca - Hà Văn Kỳ
[Lên trên]
Nguyệt cầm - Xuân Diệu
Nguyệt cầm - Xuân Diệu
Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận