• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Ngày đầu tiên: Lão Gà Mên (2)

0 Bình luận - Độ dài: 2,615 từ - Cập nhật:

IV.

Chiếc ống nhòm chàng mua từ hồi đi phượt cùng đám thanh niên trong hội Táo Tợn - gồm một tập hợp những hoạ sĩ trẻ trong thành phố và tất nhiên là vô danh. Lúc đó chàng đã nghĩ thứ này mình chỉ mua để làm dáng, vì chàng không có hy vọng rằng trên đời còn cái gì tự nhiên đáng nhìn ngắm nữa. Sau đợt phượt, chàng quẳng nó vào ngăn dưới cùng của hộc tủ quần áo, không lấy ra thêm một lần nào, vẫn là cái thói phung phí của những kẻ đồng bóng. Bây giờ thì chiếc ống nhòm tưởng như là vô dụng ấy lại đột nhiên trở nên hữu dụng sau bao nhiêu tháng năm bị vứt bỏ.

Tịnh chống hai tay lên cửa sổ, đưa ống nhòm lên mắt và bắt đầu xoay xoay chỉnh chỉnh, như một tên biến thái đang lén lút quan sát nhà ai đó. Chàng cố gắng nhìn cho thật rõ tình hình đang diễn ra ở phía tây bắc thành phố nhưng đập vào mắt chàng chỉ có lửa, khói và những hình ảnh rung rinh do nhiệt toả ra. Không quan sát được một con người nào cả, có thể vì con người quá nhỏ so với đám cháy và những toà nhà, hoặc họ đã chìm hết vào ngọn lửa. Chàng quan sát những người đi đường ở gần mình hơn, chẳng thấy ai đoái hoài gì đến đám cháy, giống như họ không nhận ra sự tồn tại của nó, mà có vẻ đúng là vậy thật.

Sau một hồi lia ống nhòm khắp tứ phía, Tịnh đành bỏ xuống. Đám cháy trông chân thật đến độ chàng không thể tin rằng nó là một ảo giác, ảo giác sẽ có lúc biến mất, hoặc sẽ không chân thật được đến mức này.

Nếu đây chỉ là một thứ ảo giác quái dị thôi thì tốt! Chàng nghĩ, ít ra nếu đám cháy ấy không có thật thì cũng xem như là một điều may mắn. Chỉ hy vọng việc này sẽ không ảnh hưởng gì đến mình.

Hai tuần nay chàng vẫn sinh hoạt một cách bình thường, chẳng có bất kỳ hiện tượng bất thường nào xảy ra cả, ít nhất là chính chàng thấy thế. Có thể vụ tai nạn đó đã khiến cho mắt chàng khi nhìn ra ngoài bầu trời sẽ thấy một lớp màu đỏ phủ lên mọi vật, làm cho nó có cảm giác giống như một đám cháy. Mong là không phải vậy, vì điều này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công việc của chàng, công việc quan sát và vẽ lại cuộc sống.

Chàng bước về phía giá vẽ. Dẫu sao thì hôm nay chàng cũng nên vẽ một cái gì đó, ý định ban đầu của chàng khi mở cửa sổ là như thế. Chàng không nên chểnh mảng công việc của mình vì còn rất nhiều thứ đang đợi chàng. Song khi nhìn khung tranh trống trơn trước mắt cùng cây cọ và bảng màu sạch sẽ vì suốt quãng thời gian qua đã chẳng được đụng đến, chàng lại không thấy có chút cảm hứng nào. Có lẽ là thôi, hẹn những thứ này vào một ngày khác. Chàng nhìn vào gương, vẫn là chàng trọc lốc, vết sẹo khủng khiếp chạy trên da đầu đang lành lại từng ngày.

Tiếng móng mèo cào vào cánh cửa sột soạt. Một đám nữ sinh của hai phòng 803 và 804 đã nhặt từ ngoài đường về một con mèo đen đúa và lén nuôi nó trong phòng mình dù biết chủ trọ không cho phép điều đó. Nhưng bởi vì khu trọ này quá rộng, mười một tầng, mỗi tầng có hơn mười phòng cho thuê, mỗi phòng lại là một đời sống khác nhau, có người sống một mình còn có người thì sống chung với cả gia đình. Như một tổ kiến. Mà người chủ thì chỉ lâu lâu mới đích thân đến xem tình hình. Nên mèo vẫn sống tốt dù là được nuôi lén lút và không được chăm sóc kỹ, nó trở thành một con thú tiêu khiển cho đám nữ sinh. Tuy nói là nuôi lén nhưng họ vẫn thả nó đi nhong nhong khắp nơi.

Và nó đang cào cửa phòng Tịnh, luôn luôn là cửa phòng chàng. Con vật không chọn bất kỳ một nơi nào khác mà chỉ có phòng chàng. Dù chàng đã mua những bình xịt chuyên dùng để đuổi chó mèo nhưng con vật ấy dường như chẳng cảm nhận được gì, nó vẫn cứ đến và cào bộ móng tí hon của nó lên cửa. Các hộ gia đình khác thì không quan tâm, vì họ không cảm thấy con mèo là một điều phiền phức. Họ không cảm thấy phiền là bởi vì họ không bị làm phiền - như chàng. Con mèo được nhặt về vẫn sống tốt.

Chàng lục ra một số bức tranh mình đã vẽ đang được bọc lại và đặt dựa vào nhau trong góc phòng, có thể một trong số đó sẽ gợi lại chút ít cảm hứng mà chàng cần. Một bức vẽ khung cảnh đường phố, để vẽ được bức này chàng đã phải bày giá vẽ và dụng cụ ở giữa công viên, đổi lại là những ánh nhìn tò mò của người đi đường, họ chẳng có việc gì để làm ngoài để ý đến người khác hay sao nhỉ? Một bức vẽ bạn chàng, người chuyên làm mẫu cho những bức tranh của chàng, người bạn ấy đã đến chính căn phòng này để đứng làm mẫu cho chàng vẽ, đó là một thanh niên có vẻ ngoài không thể nói là đẹp, nhưng không phải lúc nào hoạ sĩ cũng phải chọn cái đẹp để mà vẽ. Một bức khác được đặt hàng bởi một người phụ nữ, vẽ vườn hoa của bà ấy, đơn giản nhưng treo lên trông cũng oách. Tất cả đều được vẽ từ những thứ chàng đã quan sát được từ cuộc sống.

Tả chân. Hiện thực. Cực thực. Tất cả những gì chàng đam mê chính là dùng khả năng của mình để tái hiện những điều đôi mắt nhìn thấy lên tranh. Phong cảnh, con người, đường phố, cuộc sống. Tất cả đều là thật.

Hội hoạ không như văn học, nó là loại nghệ thuật không gian, nó được tri nhận toàn bộ ngay từ khi con người nhìn vào nó. Nghĩa là đẹp thì sẽ đẹp và xấu thì sẽ xấu. Một bức tranh không cần phải hàm chứa những ẩn dụ sâu xa và bắt người xem phải chiêm nghiệm. Chỉ cần một bức chân dung đẹp thôi thì đã là thứ có giá trị. Tịnh không hiểu những tên theo các trường phái tiền phong nổi loạn khác nghĩ gì mà lại vẽ ra những bức tranh gớm ghiếc và bảo đó là nghệ thuật. Mấy gã bảo: “Hội hoạ đúng là phản ánh hiện thực, thì đây chính là cách tôi nhìn hiện thực, quan điểm về hiện thực của tôi”. Hợm hĩnh để lấp liếm vậy thôi, chứ mắt của mấy gã đó cấu tạo từ gì mà nhìn ra được những thế giới xiên xẹo như tranh của mấy gã vẽ, mà nếu mấy gã nhìn thế giới này mà ra được những hình thù như thế thì chính mấy gã sẽ phát điên chứ chẳng hề tươi tỉnh mang tranh đi triển lãm, nhận lời khen và đếm tiền từ việc mua bán các tác phẩm như vậy.

Vì những điều ấy mà Tịnh không thể nào hoà hợp được với họ, dù có là đồng nghiệp. Nhưng đôi khi trong giới nghệ thuật sẽ có những thứ chỏi nhau như thế. Không thể tránh và không cần tránh.

Tịnh hơi thấy lo khi nghĩ rằng nếu ngày mai mình xách dụng cụ vẽ ra ngoài và lại thấy cái mảng màu đỏ trong suốt ấy ở khắp mọi nơi thì sao. Hiện thực của chàng sẽ bị xâm phạm, nếu không thể nhìn hiện thực một cách bình thường thì chàng không thể tái hiện nó - một cách chuẩn mực, lên tranh của mình được nữa.

Chàng mở cửa, định bụng rời khỏi nhà để kiếm đồ ăn tối. Chẳng có con mèo nào, ấy vậy mà trong đầu chàng vẫn còn văng vẳng âm thanh những cái móng nhỏ lúc cào vào cửa, rột rộtloẹt xoẹt, có thể thứ âm thanh ấy đã ám lấy đầu chàng rồi, hiện tại chúng chỉ là những vọng âm do chàng tưởng tượng ra. Hy vọng con mèo ấy vẫn sống tốt.

Trên mạng không ai nói gì đến việc thành phố đang cháy, đến cả một vụ hoả hoạn cũng không có. Tịnh đi thang máy xuống lầu, nhìn mình trong gương phản chiếu của thang máy, xác nhận bản thân vẫn đang trọc lốc và vết sẹo vẫn nằm trên đỉnh đầu. Vết lõm nhỏ phía bên phải khiến đầu chàng trông như một trái bóng không được bơm căng và có ai đó đã ấn ngón tay vào làm móp nó.

Trên đường ra Family Mart, chàng chạm mặt với Trẻ và đẹp 1. Cô gái xách một túi đồ khá to, có vẻ là vừa từ trong cửa hàng ra. Cô bây giờ không đeo kính râm, có thể thấy rõ một đôi mắt buồn, không phải do cô gái đang buồn mà đơn giản vì đôi mắt ấy nó tự buồn như thế. Bộ trang phục trên người tất nhiên là kín đáo hơn lúc trưa trên sân thượng. Dưới ánh đèn đường và bầu trời sâm sẩm tối, Trẻ và đẹp 1 trông như nhân vật nữ chính trong một bộ phim tình cảm lãng mạn, hoặc nạn nhân trong một bộ phim hình sự.

“Chào anh! Trùng hợp quá!” Cô gái phát hiện ra chàng, “Anh đi mua đồ à?” Cô hỏi, đoạn chuyển túi đồ từ tay này qua tay kia.

Tịnh gật đầu: “Đi kiếm đồ ăn thôi.”

“Anh không tự nấu ăn?”

“Anh không biết nấu.” Tịnh bắt đầu tự xưng anh với người lạ không rõ là vì sao.

“Lúc trưa có chuyện gì vậy?” Trẻ và đẹp 1 lại hỏi, về chuyện gặp nhau buổi trưa.

Tịnh không muốn trả lời vấn đề của mình, nên chọn cách trả lời đơn giản nhất, đồng thời xen vào cuối một câu hỏi khác: “Không có gì quan trọng. Những cô kia là bạn của em à, họ ở cùng trọ hay ở một nơi khác?”

“Cả đám toàn sống ở những chỗ khác nhau thôi.” Cô nàng nhún vai, mái tóc dài uốn nhẹ động đậy, lại chuyển túi đồ từ tay này qua tay kia. “Tụi nó qua đây chơi ấy mà. Một buổi tiệc thường kỳ.”

Tịnh tất nhiên là không hiểu mấy thứ đó, và cũng không cần phải hiểu.

“Vậy thôi tôi đi trước.” Chàng đưa tay, giả cách chào, dợm chân định bước tiếp. Chàng lại trở về với danh xưng “tôi”.

“Mà, anh bị tai nạn gì vậy?” Trẻ và đẹp 1, với mái tóc bồng bềnh cố níu cuộc trò chuyện lại để hỏi một câu hỏi, túi đồ lại chuyển từ bên này qua bên kia.

“Bị một chiếc xe tải tông trúng.”

Cô gái gật gật như vừa xác nhận xong điều gì đó, có vẻ đối với một người lạ thì chỉ cần tò mò đến thế là đủ, không cần phải hỏi thêm về những chuyện đã diễn ra để dẫn đến vụ tai nạn, cũng không cần hỏi lúc bị tai nạn như thế nào, và cả những chuyện sau khi bị tai nạn xong cũng không cần nốt. Họ tạm biệt nhau ở đó.

Trẻ và đẹp 1 làm chàng nhớ đến một cô gái khác, bạn của chàng thời sinh viên, cũng thường hay làm mẫu vẽ cho chàng. Không phải ai cũng có thể làm mẫu vẽ được, không phải cứ chọn đại một người rồi bảo họ đứng mẫu cho mình, mẫu vẽ có nguyên tắc riêng của mẫu vẽ, và cái người ấy cũng phải có một khả năng đặc biệt, ví dụ như khả năng đứng yên, cái này thì chắc ai cũng rõ. Chàng nghĩ có thể mình sẽ nhờ Trẻ và đẹp 1 làm mẫu vẽ cho mình, ngoài cô bạn lúc trước ra thì đến nay chàng không còn kiếm mẫu nữ để vẽ nữa, ngay cả bạn gái chàng cũng không, bạn gái chàng là một câu chuyện khác. Vấn đề chỉ là kể từ khi cô bạn đại học ấy chuyển ra ngoài Bắc và chết ở ngoài ấy, bị đánh chết, chàng không thể cầm cọ để vẽ những mẫu nữ nữa, có một thứ gì đó khiến chàng bất an trong những tác phẩm của mình. Nó khiến chàng phân vân, cả nghi hoặc.

Một vài khách hàng là nữ - trẻ và đẹp - đã từng thuê chàng vẽ họ, nhưng chàng không thể vẽ được, chàng có thể vẽ một bà lão, một người đàn bà đứng tuổi, một bé gái, nhưng những người con gái ở lứa tuổi tương đồng với cô bạn đã chết ấy thì không. Bất kể đẹp hay xấu, miễn là một cô gái ở độ tuổi ấy, hoặc trông có vẻ như đang ở độ tuổi ấy. Hai mươi bốn. Quá trẻ để chết, nhưng vẫn có thể chết. Điều đáng buồn là các bức tranh chàng vẽ quá sinh động, gần như y đúc mẫu, nên chàng cứ có cảm giác cô gái ấy chưa bao giờ chết. Chàng không giữ lại bất kỳ tác phẩm nào liên quan đến người bạn đó. Cái cảm giác chứ bâng khuâng về việc một người chết hay không chết thật khó chịu. Giống như cháy hay không cháy…

Bỗng nhiên, trong lúc đang bước chân vào cửa hàng tiện lợi, đầu chàng nảy ra một suy nghĩ.

Sau khi đã ăn một cái gì đó, mà chúng ta chẳng cần quan tâm đó là món gì, nó không quan trọng, Tịnh quay trở lại khu trọ, đi thang máy lên tầng 11, rồi leo thang bộ lên sân thượng. Đúng như những gì chàng đoán, đám cháy của thành phố trong bóng đêm rực rỡ vô cùng. Trên sân thượng không có ai khác ngoài chàng. Phía tây bắc thành phố, ngọn lửa toả sáng bừng bừng, rực rỡ như một cuộc cắm trại của một toán thổ dân trên hoang đảo. Những đốm lửa bay lất phất trên tầng không, khói hoà vào bóng đêm. Sáng bừng như thể mặt trời đang mọc từ phía đó. Cả một dải ánh sáng, đứng ở đây trông nó mỏng như một đường cọ màu đỏ cắt ngang phân chia trời và đất, nhưng sinh động và đáng sợ, khói ngùn ngụt toả ra, dày như một trận bão. Một đám cháy trong đêm, sẽ hơi tàn nhẫn nếu khen nó đẹp, nhưng chẳng còn từ gì khác, như một dải sáng sáng kỳ lạ lưu động và rọi vào từng căn nhà, những hình khối, những mảng sáng tối do nguồn sáng tạo ra, tất cả đều mang một dáng vẻ lộng lẫy phi thường. Vẫn không có tiếng gào thét, vẫn không có sự náo động nào, như một bộ phim thảm hoạ bị mất âm thanh, chỉ có đẹp và không gì khác.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận