• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập Full

Đứa Con Út [Slice of Life]

0 Bình luận - Độ dài: 5,884 từ - Cập nhật:

Sân bay Tân Sơn Nhất, một ngày cuối năm 1979.

- Thằng Út! Đúng là thằng Út rồi!

Gia đình ông bà Năm Sang lập tức ùa đến bên cửa kính. Một người có thể nhầm, chứ bảy tám người thì không thể nào nhầm được. Nhất là khi người mà họ mong ngóng lại là người con, người em đã biệt tích ngót nghét gần chục năm trời.

Cuối cùng, thằng Út, mối lo của cả nhà đã từ trời Tây trở về.

Thằng Út mà mọi người biết, tên thật là Phan Thanh Quý, sinh năm 1967. Gọi nó là mối lo của cả nhà bởi ngay từ hồi còn ở trong nước, nó đã khiến cả nhà tá hỏa bởi thành tích học tập tệ hại của mình. Út biết đếm số bảy, tám, chín, mười thật đấy, nhưng điểm bảy, điểm tám tuyệt nhiên không biết mặt nó. Học lực luôn mấp mé đội sổ. Trầy trật mãi, cuối cùng Út mới qua được kì thi Tốt nghiệp với tấm bằng Trung bình.

So với năm anh chị trong nhà, kết quả học tập của Út quả thực đáng hổ thẹn. Người anh đầu là tổng giám đốc một xí nghiệp cơ khí. Người thứ hai là giáo sư tiến sĩ, viện trưởng một viện nghiên cứu khoa học. Người thứ ba, cô chị gái nhận ra Út trước nhất kia, là hiệu trưởng một trường đại học lớn. Người thứ tư là sĩ quan công an cấp Tá. Người thứ năm là đại diện cho một cơ quan thương mại của Việt Nam ở Nga. Hiếm có gia đình nào mà sự trưởng thành của con cái lại đem đến nhiều niềm tự hào và vinh quang như gia đình ông bà Năm Sang. Bởi vậy, sự tụt hậu bất thường của Út khiến cả nhà khó lòng làm ngơ.

Đương lúc cả nhà bàn tính cách cứu vớt người con cuối cùng trong gia đình thì người anh Hai - tổng giám đốc xí nghiệp có mấy suất đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, định cài thằng Út vào. Anh nói với cả nhà:

- Thằng Út không thích học chứ gì? Cũng được. Sau này khổ, cấm được trách ai. Nhưng giờ phải đi làm, để biết mồ hôi nước mắt của người chăm lo cho mình. Ba má cứ để nó đi cho biết đó biết đây.

Các anh Ba, chị Tư, anh Năm và cả anh Sáu của Út đều có vẻ chưa thỏa mãn. Muốn dạy dỗ thì cũng chỉ đến roi vọt, cấm đoán là cùng, chứ ai nỡ để giọt máu của mình bơ vơ nơi đất khách quê người. Ai cũng cho rằng anh Hai quá nghiêm khắc.

Trừ thằng Út. Nó lại đồng ý lên đường sang Tiệp Khắc ở tuổi 18.

Mọi chuyện cứ ngỡ như vậy là xong, nhưng đời người không ai học được chữ “ngờ”. Út vừa chân ướt chân ráo nơi đất lạ thì xứ người nổ ra những biến động chính trị - xã hội căng thẳng, những cuộc biểu tình liên miên đòi tăng lương giảm giờ làm, những vụ ngược đãi người lao động nước ngoài,… Từ đó, ông bà Năm Sang luôn hướng về đất nước Tiệp Khắc xa xôi với vô vàn những lo lắng và hối hận. Một năm, hai năm,… rồi năm năm, bảy năm, thằng Út vẫn biệt tích, không một lá thư hay bức điện nào về nhà. Nhưng nó càng im hơi lặng tiếng thì tin tức về nó qua những lời đồn lại càng nhiều thêm.

Có người nói thằng Út sang Tiệp Khắc một thời gian đã bỏ nhà máy để gia nhập một băng buôn bán chuyên vận chuyển hàng từ Việt Nam và Tây Âu vào các nước Đông Âu.

Có người kể thằng Út sống như một ông vua con, có xe hơi, biệt thự, lại cặp kè với một cô gái Tiệp xinh như búp bê.

Khi Đông Đức khởi xướng cuộc Cách mạng Hòa bình, rồi nước Đức thống nhất, lại có người nghe tin Út nằm ở một trại tị nạn Tây Đức.

Một người thanh niên lạ mặt tự giới thiệu mình từng sống với Út về kể rằng Út đã qua Mỹ. Nỗi hoang mang của ông bà Năm Sang còn đương lúc nóng hổi thì lại nghe một người bạn từ Nga về nói, có người quen gặp Út trên chuyến bay London – Warszawa… 

Giờ đây, đứa con bảy năm sống trong lòng người thân bằng những tin đồn nín thở thắt tim đang ở ngay trước mặt ông bà Năm Sang. Vẫn cái vẻ ngạo nghễ của một cái đầu xén hơi ngắn và không cần mượt, của một bộ quần áo giản dị với nhiều chỗ đã hơi nhàu, của một chiếc áo sơ-mi không ca-vat phanh ra đón gió lùa vào lồng ngực vạm vỡ. Tay nó xách chiếc balo cũ xưa kia vẫn theo nó đến trường, bước chân thong dong như vừa trải qua một chuyến đi chơi. Kể từ khi nó bước ra khỏi khoang máy bay, không ai trong gia đình để mất dấu nó, dù nó lẫn lộn giữa dòng hành khách phần lớn là người Tây trên sân bay chói nắng.

Vào trong phòng chờ, vẻ mặt Út tươi tỉnh hẳn ra khi đám con nít hơn chục đứa cháu quây xung quanh. Đứa nào cũng được ông chú bắt tay hoặc ôm hôn nhiệt liệt, dù rằng khi Út ra đi thì chưa đứa nào chào đời cả. Đó có thể coi là một buổi đoàn viên ấm cúng cho đến khi Út nhìn đến ba má và các anh chị ruột, các anh rể chị dâu. Vẻ mặt nó dần trở lại với vẻ lạnh tanh cố hữu.

- Có đồ đạc gì mang theo không, Út?

Chị Tư hiệu trưởng dè dặt lên tiếng khi thấy Út leo lên xe ô tô trước nhất. Thắc mắc của chị cũng là điều mà cả nhà đều quan tâm, nhưng vì nhiều lí do nên không ai nỡ lên tiếng. Song câu trả lời của Út chỉ chứng minh sự dè dặt của mọi người là hợp lí.

- Không… Không có gì đâu.

Rồi nó tựa đầu vào cửa kính, mắt lim dim định tiếp tục giấc ngủ bị gián đoạn trên máy bay. Dường như nó không coi sự có mặt đông đủ của người thân ở sân bay và mối quan tâm về nó chỉ là những tiểu tiết không đáng để ý trong chuyến trở về.

Anh Năm công an khẽ lắc đầu rồi nói nhỏ vào tai anh Ba viện trưởng:

- Chỉ bị đuổi mới về tay không như thế.

Anh Ba chép miệng đồng tình:

- Rồi nó lại bôi tro trát trấu vào mặt cả nhà mất thôi.

*****

- Có đúng con bỏ việc đi buôn không?

- Tại sao không viết thư về nhà? Bảy năm trời bên đó làm gì?

- Có đúng cảnh sát Ba Lan bắt mày về tội buôn bán hàng cấm?

- Người ta bảo mày qua Đức, qua Mỹ, sao giờ lại về bằng đường Moscow?

Đây chỉ là vài câu hỏi tiêu biểu trong hàng tá những câu hỏi đổ xuống đầu Út trong bữa cơm đoàn viên mừng nó trở về. Đáp lại tất cả những câu hỏi có phần ác ý đó, Út thong thả móc trong balo của mình ra một chiếc bao ni-lông đầy giấy tờ và đưa cho anh Năm công an – người có sự khắt khe được nâng lên tầm nghề nghiệp.

- Mọi chuyện nằm cả trong này. Anh cứ kiểm tra đi. Thắc mắc chỗ nào, tôi trả lời chỗ đó.

Lần lượt trình diện trước mắt viên sĩ quan cấp Tá là giấy chứng nhận đã làm việc hết hợp đồng suốt bảy năm ở nhà máy sản xuất thực phẩm, giấy xác nhận phẩm chất tư cách (rất tốt!) của Ban Quản lý công nhân Việt Nam ở Tiệp, giấy nhận thực của đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp, hộ chiếu có thị thực, giấy chứng nhận tay nghề kĩ thuật bậc cao nhất,…

Anh Năm đọc kĩ từng câu chữ trong mỗi tờ giấy. Với kĩ năng nghiệp vụ của anh, chẳng ai nỡ nghi ngờ những suy nghĩ của anh lúc này. Vậy nhưng anh vẫn bán tín bán nghi truyền lại đống giấy tờ cho từng người trong gia đình. Út khoan khoái ngắm nét sửng sốt trên gương mặt từng ông anh bà chị của mình, đợi chờ người đưa ra thắc mắc đầu tiên.

Người đó, rốt cuộc, vẫn là anh Năm. Giọng anh vẫn nghiêm nghị như chưa từng nhìn thấy bản lí lịch đồ sộ của Út:

- Vậy mà vẫn tay trắng trở về à?

Út khẽ nhún vai:

- Hiện giờ thì chỉ có hai bàn tay trắng.

- Người ta từ nước ngoài về ai cũng có ít vốn. – Chị Tư hiệu trưởng nói. – Mày một mình một kiểu như vậy rồi sẽ sống thế nào? Ba má đều đã về hưu…

Út nói ngắn gọn:

- Tôi sẽ không phiền ai cả.

Rồi nó tiếp tục dùng bữa. Vẻ mặt dửng dưng của nó hoàn toàn tương phản với những suy nghĩ của các anh chị trong gia đình lúc này. Bữa cơm đoàn viên chỉ có giá trị như cái mốc đánh dấu mối lo mới của gia đình với đứa con út. Tuy vậy, càng lo lắng thì các anh chị của Út lại càng quyết tâm nâng đỡ nó, bởi không ai có thể bỏ qua bản lí lịch đồ sộ mà nó mang từ trời Tây về.

Anh Hai – Tổng giám đốc tính đưa Út vào chân Phó phòng Vật tư vừa khuyết của xí nghiệp.

Anh Ba – Viện trưởng định đưa Út vào viện nghiên cứu, trong vai trò Trợ lý Viện trưởng.

Chị Tư – Hiệu trưởng muốn kéo Út về làm Trưởng nhóm Hướng dẫn Thực nghiệm.

Anh Năm công an thì khuyên Út vào trường Đại học Cảnh sát Nhân dân, sau này ra trường về công tác trong bộ phận của anh, rồi sẽ cất nhắc dần.

Sự ưu ái của các anh chị một phần nửa là từ quyết tâm gìn giữ truyền thống danh giá của gia đình. Nửa còn lại là bởi tất cả đều sợ một ngày nào đó không có ai kèm cặp, “ông tướng” sẽ lại ngứa ngáy tay chân mà quậy phá, gây tai tiếng cho cả gia đình.

Nhưng cũng phải đến ba tháng sau, khi đã “xả hơi” đã đời, Út mới nói với cha:

- Con sẽ làm việc chỗ chú Mười Chúc.

- Mười Chúc?

Ông Năm Sang lặp lại cái tên, điệu bộ ngạc nhiên nhiều hơn là thắc mắc. Suốt chiều dài của cuộc đời, ông chỉ biết một người duy nhất tên là Mười Chúc. Đó là một người đàn anh, một người thầy đã dìu dắt ông trên con đường sự nghiệp suốt mấy chục năm qua. Lần gần nhất hai người làm việc với nhau, ông Năm làm Vụ trưởng thì ông Mười làm Trưởng ban – cấp trên trực tiếp của ông. Vấn đề nằm ở chỗ ông Mười cũng nghỉ hưu trước ông Năm từ lâu.

- Chú Mười lập công ty tư nhân. Chú nghĩ quãng thời gian xuất khẩu lao động của con có thể có ích với chú ấy… - Út nói lơ lửng.

Ông Năm dần hiểu ra. Chỗ ông với ông Mười là bạn bè chí cốt, chẳng lạ gì hoàn cảnh của nhau cả. Bảy năm Út ở nước ngoài, ông Năm cũng vài lần bộc bạch những lo toan về thằng con với người bạn già của mình. Bởi vậy, ông hoàn toàn tin lời Út.

- Vậy cũng được. Con làm việc được với chú Mười thì ba yên tâm.

Với một bản mặt đăm chiêu, thằng Út chỉ nhún vai không nói. Dường như nó chỉ mang từ trời Tây về những cái nhún vai thay cho lời nói cả trong lúc vui, lúc buồn, đồng tình hoặc phật ý. Rồi khi thằng con đã giấu bản mặt đăm chiêu của mình vào phòng riêng, ông Năm bỗng bần thần cả người. Ông tự hỏi: thanh bạch đến cuối đời rồi, không hiểu còn tham vọng gì mà ông Mười xoay ra làm giàu?

Bởi vậy, ông định bụng phải có một chuyến đi thăm người bạn già của mình để dò hỏi.

Ngày hôm đó, từ nhà ông Mười về, ông Năm hết sức ngạc nhiên khi thấy các con mình tề tựu đông đủ. Người con tổng giám đốc đi vào vấn đề ngay:

- Con đã tìm được đám khách Đài Loan đồng ý trả bốn trăm cây vàng, cao nhất trong số những người từng đánh tiếng. Con nghĩ nhà mình không nên để lỡ cơ hội nữa, nên con mời các em về đây để cả nhà cùng bàn bạc thêm.

Người con viện trưởng nói:

- Xét cung cách làm ăn của họ thì chắc họ định xây một tòa cao ốc lớn để kinh doanh. Thành phố đang trên đà hiện đại hóa, mình có muốn đứng ngoài cũng khó. Không thức thời, vô tình lại thành cản trở quá trình phát triển.

Người con gái hiệu trưởng cũng nói:

- Bốn trăm cây vàng, chúng con định sẽ mua một căn nhà mặt phố đủ tiện nghi cho ba má và thằng Út. Còn dư lại thì chúng con sẽ chia đều.

Người con công an tỏ ý đồng tình:

- Cố ý giữ ngôi nhà mà không tu sửa cũng thất lễ với ông bà.

Dù vậy, lời nói của những người con được ăn học đàng hoàng không mê hoặc được ông Năm Sang. Ông lắc đầu, giọng tê tái:

- Tôi nói với các anh các chị rồi, khi nào nào hai thân già chúng tôi xuống lỗ, các các chị muốn làm gì thì làm. Còn bây giờ, căn nhà này có đáng giá ngàn cây, tôi cũng không để ai đụng đến nó.

Ấy là điềm báo rằng cuộc họp gia đình đã thất bại ngay từ điểm xuất phát. Khi các anh chị ra về với những vẻ mặt thất vọng, thằng Út mới lên tiếng:

- Ba không bán là đúng.

Ông Năm Sang ngồi bần thần trên ghế, chỉ đáp lại bằng một cái gật đầu hờ hững. Quyết định của ông chẳng nhận được sự đồng tình của bất cứ ai trong số những đứa con mà ông vẫn tự hào. Người ủng hộ ông lại là đứa con vẫn ngày đêm làm ông lo nghĩ. Thành thực hay mai mỉa? Ông lại đứng lên thắp một nén nhang lên bàn thờ gia tiên mà vái thì thụp, những mong ông bà tổ tiên chỉ đường dẫn lối xem mình đã làm đúng hay sai.

Ngôi nhà của ông Năm cách đây khoảng năm năm chẳng được ai coi là có giá trị. Nhà ấy cũng như nhiều ngôi nhà vườn cũ kĩ, cổ xưa trong con hẻm cụt. Đó là một ngôi nhà gỗ ba gian lợp ngói Tàu, lọt thỏm trong mảnh vườn đầy những cây cối cằn cỗi chỉ rộng chừng hơn ba trăm mét vuông. Theo gia phả ghi lại, ngôi nhà được làm từ thời cụ cố, tức những năm cuối thế kỷ trước. Ngầy ấy thời gian là quá nhiều để nó phải làm đúng bổn phận với chủ của nó. Đã thế lại còn chiến tranh và những biến động thời cuộc. Khu vườn ban đầu hàng mấy ngàn mét vuông đất dần bị thu hẹp. Vách gỗ, cột kèo, mái ngói,… đều được tu sửa cải tạo qua mỗi đời, nhưng chỉ là để khắc phục sự hư mòn lão hóa chứ chẳng đả động gì đến bản gốc.

Sau giải phóng, ông Năm cùng vợ và các con đi tập kết ngoài Bắc, nhà chỉ còn bà mẹ già đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” và đứa cháu gái từ dưới quê lên ở cùng để chăm sóc bà. Hai bà cháu đều sống trong cảnh nghèo khó đạm bạc. Ngôi nhà nhiều năm không được quan tâm tu bổ dần chìm trong hiu quạnh âm thẩm. Khi cha ông mất trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968, mẹ ông ngày qua ngày chỉ ăn chay niệm Phật. Gian giữa nhà được bà biến thành nơi vừa thờ Phật vừa lễ bái tổ tiên và vong hồn người thân. Từ đó, nhà cửa lúc nào cũng phảng phất hương khói nhang nghi ngút. Mỗi lần về thăm nhà, ông bà Năm Sang và các con không cầm nổi nước mắt trước cảnh cũ người xưa.

Hòa bình lập lại, ông Năm Sang về công tác ở thành phố. Nhưng hai ông bà không nhận những căn biệt thự sang trọng nơi mặt phố trung tâm được cấp theo tiêu chuẩn cán bộ nhà nước. Thay vào đó, cả gia đình về lại ngôi nhà cũ sau khi tiến hành tu sửa nó. Gian nhà giữa, ông vẫn để làm nơi thờ phụng, chỉ làm lại các tấm ảnh thờ của ông bà nội ngoại, cha và hai người anh trai liệt sĩ hi sinh trong hai cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc. Tất cả đều được lồng trong khung kính bằng gỗ tốt. Ông cũng dành riêng một bức vách để treo những tấm bảng Gia đình có công Cách mạng, Gia đình Liệt sĩ, bằng Huân chương Lao động,… Thay đổi duy nhất từ đó đến nay là tấm ảnh của mẹ ông khi bà tạ thế.

Con cái trong nhà không ai phản đối việc cha mẹ về ở và bảo toàn ngôi nhà tổ tiên. Nhưng bước đường sự nghiệp dần đưa họ đến với những ngôi nhà hiện đại, đầy đủ tiện nghi do nhà nước cấp. Giờ đây, trong ngôi nhà chỉ còn lại ông bà Năm và thằng Út. Khi bước vào thời kì mở cửa hội nhập, các tòa cao ốc mọc lên như nấm sau mưa thu hút khách thập phương, dãy phố ngắn vắng vẻ yên tĩnh bên ngoài con hẻm nhà ông Năm mới như cựa mình trở dậy sau một giấc ngủ dài. Chưa đầy ba năm, hàng chục ngôi nhà được thay tên đổi chủ, bị phá dỡ, rồi lại mọc lên những tòa nhà đủ kiểu lớn nhỏ. Tấc đất bỗng hóa tấc vàng. Con hẻm cụt dần trở nên có giá, thu hút sự săn đuổi, giành giật của bao ước mộng làm giàu.

Sau hôm họp mặt không lâu thì ông Mười Chúc đến thăm ông Năm Sang. Lúc đứng ngoài vườn ngắm nghía ngôi nhà cũ kĩ, ông Mười lắc đầu:

- Tôi sợ nhà anh không qua được mùa mưa năm nay đâu.

- Cũng định sửa lâu rồi, nhưng đứa nào cũng bảo ba má đi mua nhà mới cho nhanh. Sửa sang làm gì mất công. – Ông Năm rầu rĩ. – Lại thêm thằng Sáu gửi thư về, bảo sẵn sàng làm thủ tục để tôi và nhà tôi sang Nga chơi vài tháng. Tôi vừa ngỏ lời với mấy đứa ở nhà để chúng nó góp tiền mua vé máy bay thì chúng nó bảo ba má cứ bán nhà, tha hồ dư tiền đi vòng quanh thế giới.

Ông Mười sầm mặt:

- Con cái bây giờ… Không phải phiền đứa nào. Tôi sẽ mua vé cho anh chị đi.

Ông Năm băn khoăn:

- Anh cũng thằng hưu như tôi…

- Nhà nước cho mình về hưu, chứ đời có cho mình về hưu đâu mà anh phải lo? – Ông Mười hào phóng. – Khỏi bàn nữa. Sang bên đó, thằng Sáu gửi tiền về trả cũng được. Nếu không, coi như tôi chia sẻ chút lộc lá làm ăn với anh chị.

Kể ra thì ông Năm cũng có chút áy náy, nhưng trước mặt bạn nên ông không dám để lộ ra. Khi ông Mười ra về, ông bắt tay bạn thật chặt mà bảo:

- Đúng là chỉ có những người cùng thời như chúng ta mới thật lòng với nhau. Khi nào vợ chồng tôi đi vắng, nhờ anh để ý đến thằng Út giúm…

Ông Mười vỗ vai bạn:

- Nó là “lính” của tôi, đương nhiên tôi phải để mắt đến nó chứ.

*****

Chín tháng sau, một mình ông Năm chia tay với nước Nga đầy biến động. Bà Năm ở lại Moscow để đến Tết Nguyên đán sẽ về nước cùng thằng Sáu.

Lúc xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ông Năm không khỏi ngạc nhiên bởi chí có một mình thằng Út đợi ông trong phòng chờ.

- Các anh chị không biết ba về sao?

- Tất cả đều bận.

Út thở mạnh một hơi trước khi mang hành lí của ba mình lên chiếc Toyota bóng loáng. Sự khác thường khiến ông Năm cảnh giác. Điều bình thường duy nhất có lẽ là sự yên lặng giữa hai cha con trên đường về nhà.

- Con đi đâu đấy?

Phải mất vài giây sau khi buột miệng, ông Năm mới nhận ra con đường lạ hoắc trước mặt chính là con hẻm quen thuộc với cuộc đời mình. Đâu mất những ngôi nhà cổ nằm giữa vườn cây? Đâu mất dãy hàng rào thấp với những hàng song sắt đầu nhọn rỉ liền nhau suốt mấy ngôi nhà dọc hẻm? Từ ngã ba đầu hẻm lần lượt mọc lên những tòa nhà cao tầng, nhà ống đủ mọi hình thù. Cái đang xây dang dở thì thoảng vôi vữa, cát sỏi. Cái đã hoàn thành thì treo biển đề tên đủ mọi thể loại nhà hàng, khách sạn với những dòng chữ tây tàu loằng ngoằng. Ông Năm còn chưa kịp ngắm nghía hết những thay đổi của con hẻm thì xe dừng lại trước một tòa nhà cũng đồ sộ không kém, màu đá rửa mặt tiền còn trắng tinh, cửa kính viền khung nhôm sáng bóng dưới ánh nắng sớm mai. Chiếc xe do Út cầm lái chạy thẳng qua cổng sắt lớn sơn trắng với những hoa văn cầu kì đã mở sẵn, rồi đậu dưới vòm sảnh nguy nga của tòa nhà.

Khi gót giầy dưới chân chạm xuống nền bê tông phẳng lì, ông Năm mới dám thừa nhận mọi thứ trước mặt ông đều là sự thật. Ông lặng đi, không nói nên lời.

Bỗng ông Mười Chúc từ đâu đi tới, lấy điệu cười hào sảng của mình mà đánh tiếng:

- Trời! Trông ông mập trắng và trẻ hẳn ra. – Ông Mười cười lớn và ôm lấy bạn. – Ở bên đó vui chứ?

Mặc cho người bạn già của mình hân hoan xởi lởi, ông Năm vẫn không chút vồ vập mừng rỡ. Ngay cả một nụ cười xã giao, ông cũng không trưng ra nổi. Mọi sự thay đổi trắng trợn trước mặt ông đều như một sự xúc phạm dành cho ngôi nhà cũ kĩ trong quá khứ. Phải mất một lát, ông Năm mới thốt ra:

- Ai cho phép…? Ai cho phép…??

Ông Mười vẫn nhã nhặn:

- Rồi, tôi biết anh muốn nói gì. Xin anh cứ bình tĩnh theo tôi đã. Nào, xin mời.

Mặc cho ông Năm nghiêm mặt giận dữ, ông Mười vẫn xuề xòa khoác vai bạn. Cả hai băng qua tòa nhà tráng lệ như một cung điện. Lác đác đâu đó là những người thợ bận rộn đang hoàn chỉnh những chi tiết nội thất cuối cùng. Chẳng ai buồn chú ý đến sự có mặt của ông Năm. Thằng Út cất xong hành lí cho cha cũng lặng lẽ theo hai người vào buồng thang máy hết sức sang trọng. Khi bảng điện tử hiển thị con số 20 đỏ chói, cánh cửa bọc kim loại tự động tách ra làm hai, ông Năm mới biết những kinh ngạc mà ông trải qua nãy giờ chưa thấm vào đâu cả.

Trước mặt ông chính là ngôi nhà lợp ngói Tàu cũ kĩ phủ đầy rêu phong, nằm lọt thỏm trong khu vườn với những cây nhãn lâu năm tán rộng thấp. Những bồn hoa, thảm cỏ đều nguyên vẹn đến từng chi tiết như thể không hề có sự chuyển dịch nào tác động vào. Thậm chí, trước thềm nhà, cây si có bộ rễ xiên nứt chậu cảnh lớn và cắm xuống đất không biết từ năm nào cũng được bê nguyên đúng chỗ. So với ngôi nhà khi còn ở dưới đất, thay đổi duy nhất mà ông Năm cảm thấy được là cảm giác bồng bềnh giữa một vùng không gian thoáng rộng, tràn ngập nắng gió.

Ông Năm vẫn lặng thinh theo ông Mười vào nhà. Mọi thứ bên trong, dù là lớp bụi trên mặt đồ đạc, những vết rách, lỗ thủng của tờ giấy dán trên vách gỗ cũng… như cũ. Ở gian giữa, nơi thờ phụng cũng không có một chi tiết làm làm ông có cảm giác khác biệt. Không chỉ những tấm ảnh bọc khung gỗ, mà cả bầu không khí u uẩn thoang thoảng mùi gỗ mục và nhang khói cũng nguyên vẹn. Bên trong một căn phòng khác được kê một chiếc giường đơn trải nệm và bộ bàn ghế làm việc – chính là phòng riêng của ông Năm hồi còn ở… dưới đất.

Tuy nhiên, cảm giác sửng sốt khiến ông Năm không sao chấp nhận được chuyện này. Ông lầm bầm:

- Tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa! Tôi sẽ kiện! Hóa ra anh mua vé cho vợ chồng tôi đi Nga là để làm chuyện này…

Ông Mười vẫn ôn tồn:

- Anh nghe tôi nói đã, rồi kiện tụng cũng chưa muộn.

Đoạn ông mở chiếc cặp giả da nhỏ vẫn mang theo bên mình từ trước cả lúc làm việc chung với ông Năm, lấy ra một gói ni-lông đầy giấy tờ và trao cho ông Năm:

- Sau khi anh đi nửa tháng, một cơn mưa lớn kéo dài ba tiếng đã làm sập một nửa ngôi nhà. Các biên bản trong này đều có xác nhận của đại diện ủy ban nhân dân, công an phường, quận và tất cả các cháu trong nhà. Anh cứ kiểm tra đi. Thắc mắc chỗ nào, tôi trả lời chỗ đó.

Ông Mười tiếp tục đưa thêm một một gói giấy đựng những tấm ảnh màu khổ 12x19 chụp cảnh nhà sập ở nhiều góc độ khác nhau. Vừa làm, ông vừa nói tiếp:

- Các cháu nhà anh đã họp lại. Ban đầu chúng nó định gọi điện mời anh chị về để bán đất. Nhưng tôi thấy đây là hoàn cảnh bất khả kháng. Anh chị có về cũng chỉ có nước đồng ý với các con. Đã thế còn mất chuyến du lịch, chung quy cũng là thiệt đơn thiệt kép. Thế nên tôi can các cháu rồi đưa ra hướng giải quyết. Chúng tôi cùng nhau định giá ngôi nhà để công ty tôi đứng ra mua lại. Các cháu đều đã nhận trước một phần tiền thỏa đáng rồi. Phần tôi thì mạn phép xây cái khách sạn này lên cho đất sinh lợi. Nhưng ngôi nhà của anh có nhiều giá trị hơn tôi nghĩ nên tôi quyết định phục hồi toàn bộ cả mảnh vườn lẫn ngôi nhà trên nóc khách sạn, dù có phải trả bao nhiêu tiền đi chăng nữa.

Những giấy tờ đầy đủ pháp lí lần lượt trình diện trước mặt ông Năm. Tất cả đều hiên ngang thách thức cặp mắt dò xét kĩ lưỡng của ông. Lại thêm lời kể của ông Mười khiến ông chơi vơi như người ngủ mê. Ông có cảm giác mình từng trải qua cảm giác này rồi. Ngay cả lời ăn tiếng nói của ông Mười cũng có chút gì đó rất quen thuộc…

“Anh cứ kiểm tra đi. Thắc mắc chỗ nào, tôi trả lời chỗ đó.”

Câu nói như một hồi chuông ngân vang trong đầu khiến ông Năm như bừng tỉnh. Đột nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất hiện ra trước mặt ông, nhưng khung cảnh không có chút gì ăn nhập với lúc ông xuống máy bay cách đây vài phút. Ở đó chỉ có cái vẻ ngạo nghễ của một cái đầu xén hơi ngắn và không cần mượt, một bộ quần áo giản dị với nhiều chỗ đã hơi nhàu, một chiếc áo sơ-mi không ca-vat phanh ra đón gió lùa vào lồng ngực vạm vỡ, trên tay xách chiếc balo cũ mòn và bước chân thong dong như vừa trải qua một chuyến đi chơi…

- Út! Thằng Út…

Ông Mười không thể hiểu được những suy tư của bạn. Tưởng ông Năm gọi con, ông Mười bèn nói:

- Có người gọi, cháu vừa phải xuống nhà có công chuyện.

Bây giờ thì ông Năm Sang tỉnh hẳn. Ông bâng khuâng cả người. Miệng ông khô như rang. Chân ông bước một cách vô thức sang gian thờ. Bàn tay vốn đã lịch duyệt nên ông không cần quá nhiều tỉnh táo để rút lấy mấy nén nhang, rồi móc hộp diêm châm cháy. Khi những làn khói mờ phảng phất len lỏi giữa khung ảnh của người đã khuất, ông Năm mói nhìn thẳng vào mắt người bạn bạn già, giọng dứt khoát:

- Chuyện đã đến nước này rồi, tôi cũng không còn cách nào khác cả. Nhưng thú thật, tôi vẫn cảm thấy chuyện này có điều gì đó đáng sợ hơn cả mảnh vườn và ngôi nhà của tôi. Bởi vậy, tôi chỉ có thể bỏ qua nếu anh nói thật mọi chuyện trước vong linh ông bà, ba má và hai người anh đã khuất của tôi.

Ông Mười tái mặt. Vẫn biết là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, ông xây nhà trên đất của người khác thì cũng nên đánh tiếng với gia chủ một câu. Nhưng nhìn những khung ảnh chập chờn sau làn khói nhang mong manh, ông lại thấy run rẩy. Phải mất một lát, ông mới lấy lại được bình tĩnh để đáp:

- Anh Năm này, nếu anh cần sự thật, tôi sẽ nói vì tình nghĩa giữa tôi và anh. Đừng bắt hương hồn những người đã khuất phải phân xử những chuyện của ngày hôm nay.

Đoạn ông chắp tay khấn vái thì thụp một lượt. Khi quay sang ông Năm, giọng ông Mười trầm hẳn xuống:

- Tất cả chuyện này, kể từ việc mua vé cho anh chị đi Nga, tôi đều làm theo yêu cầu của thằng Quý.

Ông Năm giật mình:

- Quý nào?

- Thằng Út, con trai anh.

Ông Năm càng sửng sốt:

- Nhưng anh là bậc cha chú, là “sếp” của nó?

Ông Mười nói:

- Khi về nước, nó dự định mở một công ty công nhân để khởi nghiệp. Nhưng vì nhiều lí do tế nhị, không muốn ra mặt nên nó đã thuê tôi một tháng 200 đô-la để làm bình phong.

- Anh có hỏi nó lấy vốn ở đâu không?

- Tất nhiên là có. Ban đầu tôi lo nó là tay chân của bọn xấu ở nước ngoài. Nhưng khi nó đưa tôi đi gặp những người bạn làm ăn với nó từ Nam ra Bắc thì tôi yên tâm. Những năm ở Tiệp Khắc, nó đã tham gia những hội buôn bán lớn khắp Đông Âu. Số vốn khổng lồ của nó đều được gửi ở chỗ những người bạn làm ăn này.

Ông Năm toát mồ hôi:

- Chỉ có thể là ổ buôn lậu?

- Tôi cũng từng có phản xạ tư duy như anh. Giàu có ắt phải đi đôi với phạm pháp. Nhưng bây giờ thì tôi nghĩ khác. Thật khó để tìm xem thằng Út đã phạm pháp ở chỗ nào, nếu không muốn nói thẳng là… không có.

Câu kết luận của người có thừa kinh nghiệm và sự lọc lõi trong việc tìm ra sai phạm của kẻ khác khiến ông Năm không còn biết nói sao. Ông cố gắng tìm kiếm một chướng ngại vật mà thằng Út khó chinh phục nhất.

- Thế còn các anh chị của nó? Sao chúng nó có thể để cho thằng Út tự tung tự tác như vậy?

- Vì nó nắm được chỗ yếu của những kẻ luôn tưởng mình hùng mạnh. 

Và ông Năm hiểu rằng “chỗ yếu” ấy không gì hơn là ngôi nhà cũ kĩ của mình. Ông buông mình xuống ghế. Ông mệt. Ông buồn. Ông tím ruột, tím gan. Ông nghĩ đến sự thất thế của chính mình. Thế rồi ông lầm bầm với một sự vớt vát sĩ diện nhiều hơn là tức giận:

- Không có chữ kí của tôi, tất cả đều vô giá trị… Tôi sẽ bắt nó phải…

Bỗng có tiếng gõ làm ông Năm giật mình. Một bóng người đứng lừng lững trước cửa từ bao giờ. Ông Năm cố định thần. Đó không ai khác hơn là thằng Út, con trai ông. Nắm tay của nó đặt trên cây cột chống nhà, cũng là nơi phát ra tiếng gõ vừa rồi. Út đến bên hai người già, thong dong hệt như cái ngày nó trở về trên sân bay Tân Sơn Nhất.

- Chú Mười nói gì với ba rồi?

Ông Mười vội đáp:

- Tất cả. Chú nghĩ là chú với ba cháu thì dễ nói chuyện hơn.

Út (lại) nhún vai rồi quay sang ông Năm:

- Đáng ra con mới là người nên nói với ba về chuyện này. Nhưng thôi, dù sao những gì ba má trân trọng đều được giữ nguyên. Mọi sở hữu cũ và mới trên mảnh đất cũng giữ nguyên tên ba. Từ nay, ba má có thể sống theo nhu cầu của chính mình được rồi. Mong muốn duy nhất của con là ba má sống lâu trăm tuổi, không còn buồn phiền lo lắng gì cả. Khi khách sạn này bắt đầu đón du khách nước ngoài, con rất muốn dùng ngôi nhà này để giới thiệu với du khách về phong tục tập quán của người Việt ta. Tất nhiên là dưới sự cho phép của ba.

Ông Năm ngồi buông xuôi trên ghế, tưởng chừng như đang trong một cơn mộng du. Khi ông tỉnh táo lại thì Út và ông Mười đã đứng bên cửa sổ to nhỏ với nhau điều gì đó khiến ông cảm thấy như mình là người thừa. Ông bần thần bỏ ra cửa.

Mảnh vườn thân thương. Ngôi nhà quen thuộc. Nắng gió lồng lộng. Tất cả đều ở trên tầng 20.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận