“Dio này, dù cho có chuyện gì xảy ra, hãy luôn sống một cuộc đời cao quý và kiêu hãnh con nhé. Nếu làm vậy, mẹ chắc rằng con sẽ được lên Thiên Đường.”
Ta tự hỏi rằng liệu người mẹ từng luôn nói với ta điều đó, đến cuối cùng có thực sự được lên Thiên Đường hay chăng? Dù mẹ đã phải sống cả đời nơi đáy sâu bẩn thỉu nhất của xã hội, vậy mà bà không bao giờ mất đi lòng kiêu hãnh đã đi cùng mình cho đến tận cùng. Dù vậy, hoặc có lẽ là, vì vậy, bà ấy đã không thể có cho mình chiếc vé lên Thiên Đường.
Mẹ là một con người cao quý, kiêu hãnh, thuần khiết, ngay thẳng và xinh đẹp tựa một Nữ Thần, nhưng cũng đồng thời ngu ngốc vô phương cứu chữa.
Ví dụ thế này đi: khi chúng ta đang trong tình cảnh bần cùng đến nỗi ăn không đủ no – khi mẹ và ta, con trai của bà, đói đến muốn ngất đi, thì mẹ lại chia sẻ những đồng bạc ít ỏi mà bà đã làm việc quần quật sớm tối mới có được của mình cho lũ trẻ nhà hàng xóm cũng đang đói không kém.
Mà đâu chỉ có mỗi bọn trẻ con, kể cả mấy ông bà già khú đế và có khi là cả lũ động vật nữa. Mẹ sẵn lòng bố thí và ban ơn cho lũ yếu ớt đó như thể đó là nghĩa vụ của bà. Từ đó là gì nhỉ…”Lòng Tốt”. Bà ấy sẵn sàng lan tỏa thứ đó cho bất kỳ ai, bất kỳ thứ gì xung quanh mình.
Nếu đó không phải là ngu ngốc thì còn là gì nữa?
Ta cực kì căm ghét điều đó.
Dù lối sống ấy của mẹ đã giữ cho gia đình ta sự kiêu hãnh và cao quý, nhưng sống ở cái nơi đáy cặn của xã hội thì những điều đó có nghĩa lý gì chứ?
Ví dụ như ở chốn an yên bình dị của Nhà Joestar, những đức tính cao đẹp đó sẽ được người ta ngợi ca, được tôn vinh... Nhưng ở cái thị trấn còn tệ hơn rãnh nước thải này, mẹ chẳng khác nào trò cười cho thiên hạ sỉ vả.
Từ lũ trẻ được mẹ cho tiền trước kia cho đến người lớn, tất cả bọn chúng đều cười vào mặt của mẹ.
Chúng cười phá lên tựa như được xem trò đùa của gã hề trong rạp xiếc.
Thật ra khi phải nghe những tiếng cười ác ý kia, lòng ta không trào dâng căm phẫn như mình tưởng.
Bị cười cho là đúng, ta nghĩ. Đến mức mà ta muốn quay mặt ra cười chung với bọn chúng cho bõ, nhưng đương nhiên ta đã không làm vậy, bởi cơn giận của ta với mẹ cao hơn tất thảy.
Bởi vì mẹ ta đúng là đồ ngu ngốc.
Ngu ngốc không thể cứu vãn được.
Nhưng dẫu hiển nhiên đến vậy, như “ngươi” thấy đấy, ta vẫn là con trai của người đàn bà bị lôi ra làm trò cười đó, ta cũng đôi lúc bị đám người ấy khinh rẻ. Lẽ đương nhiên ta không thể dễ dàng bỏ qua cho bọn chúng được, nhưng cứ mỗi lần ta cho lũ khốn kia biết tay, mẹ lại mắng mỏ ta.
Thay vì cái đám đang móc mỉa mẹ hàng ngày, bà lại mắng ta vì đã tức giận với chúng.
“Con không được làm như vậy, Dio. Con không thể sống một cuộc đời dựa dẫm vào bạo lực như thế được, nếu không con sẽ không được lên thiên đường đâu.”
Giờ ngồi nghĩ lại, xem ra nó đã trở thành câu cửa miệng của bà. Mỗi từ ngữ đều có ý nghĩa của riêng chúng. Vậy phải chăng ấy là một dạng thần chú? Bởi những câu chữ mà mẹ thốt ra ngày xưa đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng ta. Cảm tưởng chỉ cần nhắc đến “Thiên Đường” mà mẹ sẽ được cứu rỗi vậy. Ta buộc phải nghĩ theo chiều hướng ấy, bởi nếu không, ta sẽ chẳng bao giờ hiểu được người phụ nữ ta gọi là mẹ đang nghĩ gì.
Không, kể cả theo lối nghĩ kia, mẹ vẫn là người phụ nữ không thể hiểu thấu được… Nhớ lại về những ngày ấy khiến ta lại cảm thấy những câu từ kia đã phần nào đó mang lại chút ánh sáng cho cuộc đời đen tối và bị khinh nhờn của mẹ chăng?
Mẹ đã luôn tận dụng mọi cơ hội để gieo rắc những câu chữ kia vào bộ óc non nớt của ta.
Nếu con làm thế này, con sẽ được lên Thiên Đường.
Nếu con làm thế kia, con sẽ không được lên Thiên Đường.
Thiên Đường, Thiên Đường, Thiên Đường.
Khi nghe những âm tiết thân quen ấy, một cảm giác khó chịu không ngừng dâng lên trong lòng – trí óc thuở ấu thơ của ta đã bị “dị ứng” nghiêm trọng, và những câu chữ kia chính là “tác nhân” gây ra điều đó.
Ta không thể tha thứ cho mẹ.
Vì vậy, mỗi khi ta thấy người cha say xỉn của mình đánh đập mẹ, ta bỗng thấy hả hê lạ kì. “Đáng đời!” Ta nghĩ thầm.
Ta của ngày xưa ngu ngơ ấu trĩ lại thích cha hơn là mẹ. Cái đồ hạ đẳng, tầm thường, vô vọng mà ta gọi là cha ấy còn dễ đồng cảm hơn cả người mẹ cao quý, kiêu hãnh kia.
Nếu mẹ là “cho đi” hay “bố thí”, thì ta cho rằng cha là “cưỡng đoạt”.
Thi thoảng khi suy nghĩ về mối liên hệ giữa ta và Nhà Joestar, mối quan hệ bị bó chặt bởi “Định Mệnh” tồn tại suốt hàng trăm năm, ta đoán rằng hành động trộm cắp mà cha ta gây ra có lẽ chính là sự thúc đẩy…Những gì mà lão “lấy” từ Geogre Joestar ngày ấy chính là nguyên do.
Ta chưa từng thấy cha lao động.
Ta chưa từng thấy lão làm việc hay kiếm chác gì cả.
Từ những trò đỏ đen, lừa gạt, tống tiền, lão “đoạt” tiền bạc và thức ăn của người ta – lão không bao giờ “kiếm”, mà lão chỉ “cướp”. Lão luôn làm vậy, cách sống của lão cho đến lúc xuống lỗ hoàn toàn đối lập mẹ.
Và để tồn tại ở cái thị trấn kia, cha ta đã chọn đúng. Cách sống của lão mới thực là chính xác, là chân lí. Cho đến cuối cùng, ta vẫn tin rằng lối sống buông thả và gian trá của cha rất ngầu. Không hẳn ngưỡng mộ, nhưng quả thực ta có đôi phần tôn trọng lão.
Khả năng suy nghĩ của một thằng nhóc thật ngu muội đến nực cười... Và nó đến tận hiện tại vẫn tin cái cách mà lão già ấy sống rất khéo léo. Lão luôn tước đoạt từ kẻ yếu hơn mình. Và để đáp ứng nhu cầu bất kể cần thiết hay không, lão sẽ sẵn sàng đánh tay bo với người khác. Bằng đôi mắt của một đứa trẻ ngây thơ vô tội không hơn, ta lặng lẽ quan sát cha.
Lão thật mạnh mẽ, phong cách, và ngầu.
Ở cái nơi ổ chuột đổ nát ấy, nhân cách của lão thật vĩ đại, niềm tự hào nho nhỏ duy nhất của ta.
Nhưng mẹ lại cự tuyệt điều đó.
Bà luôn luôn ngăn cản, thậm chí là chỉ trích lão.
“Dừng lại đi mình ơi. Hãy trả lại số tiền mình lấy của người ta. Mình không được làm như thế. Nếu mình làm điều ác thì sẽ không được lên Thiên Đường đâu.”
Mỗi lần nói vậy, mẹ lại bị đánh.
Người đàn bà ngu ngốc nói những lời ngu ngốc, để rồi bị đánh đập một cách ngu ngốc.
Khi mẹ lịm đi, lão lại bồi thêm vài cú đá rồi ném chai rượu rỗng vào mẹ.
Phải đến mãi về sau, ta mới biết được rằng mình lẽ ra đã có một đứa em, nhưng những trận đòn ấy đã cướp nó khỏi thế giới này.
Một câu chuyện tàn nhẫn đúng không? Đúng quá ấy chứ.
Bất chấp những trận đòn roi thường nhật, mẹ vẫn giữ tấm lòng ngay thẳng cho tới cùng.
Ở cái đáy hố của xã hội này, ở cái môi trường tồi tệ này, mẹ vẫn ra giảng về lẽ phải, đạo đức và đạo lý làm người. Bà cứ ôm lấy những thứ vô nghĩa kia và coi chúng như thể báu vật.
Ta chỉ ước bà có thể im đi.
Chí ít, ta ước mẹ có thể làm ngơ với những hành động của cha --- chỉ vậy thôi cũng đã đủ để con giận của lão già không hướng về bà nữa.
Không. Một khi đã để ma men khống chế, làm gì có ai thoát nổi khỏi cơn thịnh nộ của lão, không cần biết có làm đúng ý lão hay không… tuổi thơ ta đã luôn nỗ lực im lặng và tránh xa khỏi con quỷ già say mèm kia. Nhờ vậy những vết thương ta phải nhận luôn ở mức tối thiểu.
Kể cả một đứa trẻ con cũng có thể hiểu được điều đó, nhưng đáng tiếc mẹ ta thì không. Khá là đối nghịch nhỉ. Mỗi lần cha quá chén và say quắc cần câu, mẹ lại mắng vào mặt lão.
“Mình không nên uống nhiều thế chứ.”
Những câu kiểu như thế.
Bà cứ lèm bèm mãi những điều hết sức hiển nhiên như thế.
Mẹ bị đánh, và rồi lại nói mấy câu hiển nhiên --- thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi mẹ cứ lải nhải không thôi? Câu trả lời quá đỗi dễ dàng. Nhìn mẹ cố gắng nói chuyện với cha cho dù bản thân thậm chí không thể tự bảo vệ mình trước những cú ngón đòn khiến ta không khỏi phì cười.
Lạ thật đấy.
Ta chỉ có thể tự hỏi.
Nếu mẹ không thể thoát khỏi sự khinh bỉ, thì ít nhất bà có thể thoát khỏi sự bạo hành…Nhưng tại sao bà ấy không làm thế?
Hay đúng như những gì ta nghĩ, mẹ chỉ đơn giản là một kẻ ngốc? Tại vì bà ấy không thông minh? Có đúng là mẹ chỉ đơn giản đần độn hết thuốc chữa không?
Sai rồi.
Cả thế kỷ đã trôi qua đủ để ta biết rằng những suy nghĩ trên là sai.
Ta đã biết nhiều hơn về thế giới bên ngoài, và cả thế giới bên kia.
Vẫn còn sót lại trong đầu mẹ một chút tri thức và trí không, bởi khi trường lớp tưởng chừng như điều viển vông với một đứa nhóc nghèo, người đã trở thành giáo viên và dạy ta biết bao kiến thức trên đời, không ai khác ngoài mẹ.
Chính những kiến thức căn bản ấy đã trở thành nguyên liệu thô hun đúc cho quyết tâm sinh tồn của ta sau này.
Ta chưa từng nói lời cảm ơn với mẹ khi bà còn sống.
Dù đã từng cho rằng sự giáo dục ấy chỉ là thừa thãi vô ích, nhưng nhờ chúng mà ta có thể hòa nhập vào Gia tộc Joestar đức cao vọng trọng kia.
Vốn chẳng mảy may quan tâm đến huyết thống của mẹ, nhưng khi ta đào sâu một chút, ta đã biết rằng mẹ có xuất thân từ dòng dõi của một gia đình thuộc tầng lớp đứng đầu của xã hội.
Cho phép ta nói điều này vì nó mang một chút thành kiến cá nhân: sự tinh tế, phẩm giá và lòng mộ đạo của mẹ hoàn toàn không tương xứng với hoàn cảnh nghèo khó của bà, không phải khu ổ chuột này. Chúng đáng lẽ chỉ dành cho những người sinh ra trong nhung lụa xa hoa mới phải. Thế tại sao người phụ nữ ấy lại chấp nhận chọn người đàn ông tồi tệ kia làm chồng, tại sao mẹ lại sẩy chân vào cái hố bùn tanh tưởi này? Ấy không phải bí ẩn thì còn là gì nữa?
Nhân tiện, cha từng kể với ta bằng hơi thở đầy mùi rượu của lão. Về chuyện bỏ trốn cùng mẹ. Hay là, “Vì tình yêu, chẳng phải là rất lãng mạn sao?” rồi bắt đầu thao thao bất tuyệt suốt cả ngày….Ta chỉ đơn giản coi chúng là mấy lời vô nghĩa của một kẻ say, dẫu ít nhiều băn khoăn bao nhiêu phần trong số đó là thật. Một mặt xem câu chuyện lão kể thật khó nuốt và cứ để mặc nó trôi khỏi đầu, nhưng đồng thời không thể xác định tính xác thực của câu chuyện, hoặc chí ít, có phải điều nhảm nhí hay không.
Có lẽ người ta gọi là cha ấy đã thực sự bộc bạch những lời thật tâm từ tận đáy lòng…Nhưng giờ chẳng còn cách nào để xác thực được nữa.
“Dio à, con đừng trách cứ cha. Cha con thực sự là một người đàn ông tốt. Chỉ là do ông ấy uống rượu thôi. Mẹ tin rằng chỉ cần cha con cai rượu, ông sẽ làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai.”
Thôi được rồi, cái đó thì vớ vẩn thật, ta nghĩ bụng. Mẹ ta nói những lời ấy với gương mặt nghiêm túc….Ta đã phải rất kiềm chế để không hét lên những lời phủ định câu nói của bà. Ta muốn hỏi rằng tại sao mẹ lại có thể ngu ngốc đến như thế được.
Hắn thực sự là người tốt sao?
Chỉ cần hắn bỏ rượu thôi ấy à?
Làm thế nào và ở chỗ nào mà mẹ có thể nhìn theo chiều hướng đó được? Hay tại sao mà mẹ có thể nghĩ theo hướng đó? Hay có lẽ những trận đòn kia đã tước mất lý trí của mẹ mất rồi?
Cứ giả định rằng có người nhận xét hai người họ thực sự trông như một cặp uyên ương trời định. Thật sự luôn, không cần biết người ta nghĩ thế nào, nhìn kiểu gì thì ta cũng thấy họ như đũa mốc chòi mâm son vậy.
Tuy với tư cách là vợ của gã đàn ông hạ đẳng kia, mẹ vẫn cố gắng sống như một người tốt – với mục tiêu để được lên Thiên Đường – vậy thì có gì khác biệt với tra tấn đâu?
Có lẽ đối với mẹ, đó là điều “khoan dung” nhất mà mẹ có thể làm.
Có lẽ mẹ nghĩ rằng, khi ở bên cạnh cha ta, ràng buộc mình với lão qua hôn nhân, là một nhiệm vụ mà Chúa Trời bắt bà phải gánh vác hoặc những thứ kiểu như thế.
Nó chỉ dơn giản là một giả thiết táo bạo vô căn cứ, nhưng nếu không nghĩ như vậy thì ta sẽ mãi chẳng thể hiểu ý nghĩa của điều đó.
Cuộc đời của mẹ thực sự quá khó để hiểu thấu.
Mẹ trở thành trò cười cho cả thị trấn, nhưng vẫn cố gắng giúp đỡ chúng.
Mẹ bị đánh đập dã man bởi cha, nhưng vẫn phục tùng hắn.
Mỗi ngày, mẹ lại làm việc đến mức gần như ngã gục. Rồi cho đến cái ngày mẹ thực sự kiệt sức mà qua đời, thế là chẳng còn ai trên đời có thể giải thích cho những hành động của bà nữa.
Ta tự hỏi, liệu đến cuối cùng, mẹ có được lên thiên đường?
Ta không tin là vậy.
Chắc chắn rằng, bà ấy không thể tới bất cứ đâu cả.
Mẹ không có nơi để đi, cũng chẳng có chốn mà về.
8 Bình luận