Nhận xét về truyện Reincarnated as an Extra Villainess - Muen.
Members

Trước khi vào bài đánh giá thì có một số điều mình cần lưu ý người đọc trước. Đây là nhận xét công tâm của mình trên tư cách là một đọc giả. Chưa nói đến khả năng phân tích sâu xa như thế nào, nên những gì viết dưới đây không phải là "kinh thánh", mà đơn thuần chỉ là từ quan điểm của một người đọc.

 

Ngoài ra trong bài viết mình có trích dẫn một số đoạn trong truyện. Việc này vô tình khiến độ dài của bài đánh giá, nhận xét dài hơn (dù không đáng kể).

 

Bài đánh giá bắt đầu từ dưới đây:

___________________________________

 

Reincarnated as an Extra Villainess của tác giả Muen, một bộ truyện theo thể loại chuyển sinh vào tiểu thuyết với motip thường thấy như là nhân vật chính sẽ cố gắng tránh death flag và sống sót trong thế giới mới này, hoặc cũng có thể là nhân vật chính giúp đỡ nữ chính của bộ tiểu thuyết, đôi khi cả nữ phản diện tránh death end của mình. Re: Villainess (Reincarnated as an Extra Villainess) có đa phần những yếu tố trên, nhưng điều khiến nó đặc biệt hơn nằm ở việc nhân vật chính lại là người trực tiếp chuyển sinh thành nữ phản diện - như cái tên truyện đã nói lên. Và một điểm đặc biệt nữa, nhân vật chính khi còn ở thế giới trước là nam, thế nên bộ truyện này cũng mang thêm một yếu tố gender bender đi kèm. Việc này sẽ dẫn đến những câu hỏi, thắc mắc về hướng phát triển của tổng thể câu chuyện nói chung và mối quan hệ/mục tiêu của nhân vật chính nói riêng. Tuy vậy, một bộ truyện cũng không phải là không có điểm lưu ý. Một chủ đề thường thấy khi đọc Re: Villainess là việc những thứ được tác giả sử dụng đôi khi dư thừa khiến nó trở thành bị lạm dụng. Bài đánh giá này sẽ tập trung khai thác những yếu tố làm bộ truyện Re: Villainess trở nên nổi bật hơn mặt hàng chung trên OLN của Hako hiện tại, cũng như nói về những mặt tác giả có thể khắc phục và làm tốt hơn. 



Đầu tiên, khi nhắc tới thể loại chuyển sinh, motip cơ bản luôn xuất hiện nhất là việc nhân vật chính bị tác động bởi một sự kiện nào đó và chuyển sinh. Có thể là do xe tải như thường thấy, có thể là nhức đầu chóng mặt và té cầu thang, hoặc sau một giấc ngủ thì bỗng dưng bị chuyển sinh. Re: Villainess thuộc vào motip đầu tiên với việc nhân vật chính bị xe tải tông trúng ở ngay chương 1. Thế nhưng điều khiến nó đặc biệt hơn với những bộ truyện ăn theo motip này mà không có sự sáng tạo, nằm ở việc nhân vật chính Hasegawa Mamoru được khai thác ổn định và có hồn, trước khi bị chuyển sinh. Một điều ít thường thấy ở các bộ truyện chuyển sinh vào tiểu thuyết, hay game ở hiện tại là việc nhân vật chính ít được giới thiệu, thậm chí không được giới thiệu qua mà chỉ tóm tắt chút ít về cuộc sống trước khi chuyển sinh bằng vài ba dòng kể rồi bị xe tải tông. Re: Villainess mang người đọc vào thẳng cuộc sống, cụ thể là một ngày bình thường cuối xuân của nhân vật chính. Bắt đầu bằng một giấc mơ về cuộc đối thoại với ông già quá cố của mình, trong đó có gài gắm ý định về quá khứ nhân vật chính. Ngay sau đó là bắt đầu những khung cảnh tới trường, gặp bạn bè, đi chơi và rồi bị tông xe chuyển sinh. 

 

Với một số người đọc mà nói, việc này có thể bị gọi là dư thừa, làm chậm mạch truyện. Một số cảnh trong chương 1 mà tác giả xây dựng có vẻ là không có chủ đích (ít nhất là ở hiện tại), mà chỉ xuất hiện để làm tiếp nối cảnh khác. Ví dụ, cảnh Mamoru và hai người bạn thân ngồi ăn trong nhà hàng ở chương 1. Nhưng nếu xét về mặt còn lại, điều này cũng có thể tạo nên điểm nhấn vì nó giúp người đọc hiểu thêm, dù không phải là những thông tin hữu ích để đồng cảm (hoặc có thể các khung cảnh tác giả dựng lên sẽ phục vụ cho một mục đích nào đó, như gài gắm thông tin sau này), thì cũng là dành thời gian với nhân vật chính nhiều hơn. Cố tình hay vô tình, việc này giúp (mình) cảm giác như đã quen biết con người Mamoru, gần gũi với cậu. Vì đây là thể loại chuyển sinh vô tiểu thuyết, một ví dụ so sánh được dùng cũng tương tự có thể nói đến việc chơi game. Khi tạo một nhân vật trong game, người chơi được dẫn qua những cảnh đầu tiên để nhân vật tương tác với môi trường xung quanh, khiến người chơi có cảm giác gần gũi với nhân vật mà mình điều khiển hơn. Trong trường hợp này cũng được áp dụng với cách tác giả xây dựng chương 1 - sự tương tác. Sự tương tác là điểm nhấn đặc biệt của bộ truyện Re: Villainess, cũng là điều đầu tiên mà có lẽ đa phần độc giả sẽ nhận ra ngay từ chương 1.

 

Tác giả Muen có một lối xây dựng khung cảnh và tình tiết, đối thoại giữa các nhân vật khiến họ trở nên thực tế, dễ thấu hiểu, và “con người” hơn. Đây là điều để lại ấn tượng nhất không chỉ trong các chương đầu, mà có thể nói là trong toàn bộ 17 chương hiện tại. Chương 1 có cuộc đối thoại trong mơ giữa Mamoru và ông của mình, và Mamoru với Amari. Qua những lời thoại này và việc dẫn dắt câu chuyện phần nào giúp người đọc nhìn vào được tâm trí của các nhân vật rõ hơn (cô hầu Mary và quản gia Henricus). 



Tiếp theo đó, từ chương 2 trở đi đến chương 4 đã bắt đầu cuộc sống sau chuyển sinh của Mamoru trong vai nhân vật nữ phản diện Lucretia, một cô gái, như các cô nữ phản diện trong các bộ truyện theo motip này, cũng có quá khứ không mấy may mắn. Dù là vì hứa hôn với hoàng tử mà bị từ chối vì thánh nữ xuất hiện, hay vì ham muốn quyền lực nhưng thực ra họ đều từng rất ngây thơ và trong sáng. Thế nhưng một lần nữa, điều khiến nó khác biệt là tác giả thực sự khai thác quá trình làm quen với cơ thể mới của Mamoru, với môi trường xung quanh và với nhân vật. Tóm gọn lại, nó có sự tương tác, rồi sau đó mới nói đến quá khứ và đi vào mục tiêu của Mamoru trong thế giới mới này (sẽ nói tới sau). So với các bộ truyện khác, thường thì việc làm quen, tương tác với thế giới, cơ thể mới bị bỏ qua hoặc làm lu mờ mà nhảy trực tiếp vào mục tiêu của nhân vật chính sau khi chuyển sinh. Như đã nói trước đó, nó vẫn có hai mặt cho cách tiếp cận này. Trong trường hợp này, mạch truyện đi chậm lại hơn, nhưng đồng thời cũng là một phương thức tiếp cận vấn đề truyện có hệ thống.

 

Đầu chương 2, tác giả bắt đầu ngay sau sự kiện bị “cục sắt ôm nhẹ” bằng một phân đoạn mơ màng của nhân vật chính. Việc bắt đầu bằng phân cảnh này giúp thiết lập được tư tưởng rằng nhân vật chính Mamoru đã chấp nhận rằng mình đã chết và sẽ không làm gì được khác nữa. “Liệu cô ấy có sao không nhỉ? À không, đó là một câu hỏi ngu ngốc thật… Tôi mỉm cười cay đắng khi nghĩ đến điều đó. Nếu nó mà thành sự thật thì chắc sẽ thú vị lắm đây.” (Muen, chương 2). Đoạn trích này thông qua cách dẫn truyện của nhân vật chính mà bộc lộ ra phần nào con người cậu, tư tưởng của cậu khiến nó dễ gần và thấu hiểu hơn cho người đọc. 

 

Điều đáng lưu tâm trong ba chương này (từ chương 2 đến chương 4) đều tập trung vào việc nhân vật chính Mamoru làm quen với thế giới mới của mình thông qua những tương tác. Như đã nói bên trên, tương tác là điểm mạnh của câu chuyện. Tác giả để nhân vật chính (bây giờ gọi là Lucretia) bị (giả vờ) mất trí nhớ. Đây là một bước đi rất hay, tuy không phải cách làm hiếm hoi, trên thực tế có nhiều bộ truyện cùng motip, thể loại cũng đã làm như vậy. Nhưng dù sao, nó vẫn tạo được sự thú vị theo hướng tiếp cận này. Phân tích kỹ càng hơn, khi chuyển sinh vào một thế giới mới với nhiều nhân vật mới xuất hiện. Việc giải thích và phân bổ nguồn thông tin cho người đọc là một vấn đề khó khăn. Giả sử, khi so sánh nó với ví dụ là game ban nãy, có thể thấy rõ việc khiến cho Lucretia giả vờ bị mất trí, tác giả thông qua đó sử dụng tương tác với các nhân vật mới xuất hiện và giải thích dần về họ cũng như thế giới và gia cảnh nhân vật hiện tại. Việc này giống như một màn introduction khi bước vào game mà người chơi không hề biết một chút gì về thế giới mà họ chuẩn bị khám phá. Thay vì nhồi nhét nguồn thông tin dư thừa hay những thông tin về bối cảnh, quá khứ dày đặc vào một slideshow một cách ép buộc, buồn ngủ và chán thì tác giả đã khéo léo đưa nó cho người đọc thông qua việc tương tác. Tóm tắt lại, trong ba chương này được sử dụng để cho người đọc cũng như Lucretia làm quen với bối cảnh và nhân vật mới (cô hầu Mary, quản gia trưởng Henricus).



Đến những chương từ 5 đến 8, tác giả chuyển góc nhìn từ ngôi một qua thành ngôi ba theo chân của nhân vật Lucretia (nữ phản diện lúc còn nhỏ, trước khi Mamoru chuyển sinh vào). Ba chương này cũng phục vụ như ba chương trước để giới thiệu, nhưng đây là phần giới thiệu về quá khứ của nữ phản diện Lucretia qua nhật ký của cô khi còn nhỏ. Điều đáng nói ở chương này cũng là những điều đã nói ở những dòng trên. Tương tác - sự thú vị của những chương đầu chậm này. Trong các bộ truyện chuyển sinh với motip nữ phản diện, việc làm diễn biến chậm đã là hiếm hoi, nhưng chậm mà còn thú vị và chắc chắn như của tác giả Muen lại chính là điều khiến nó nổi bật hơn tất cả các truyện trên mặt bằng chung. 

 

Trước khi đi kỹ hơn vào việc phân tích tương tác của nhân vật Lucretia (nữ phản diện), trước đó có một thứ khác cần được nhắc tới và đáng được lưu tâm. Trong ba chương này, việc gợi lại ký ức cũ của nữ phản diện Lucretia không hề tạo cảm giác bị ép buộc mà ngược lại, nó diễn ra rất tự nhiên. Nối tiếp sự kiện ở cuối chương 4, đầu chương 5, nhân vật chính Mamoru tỉnh dậy ở một không gian khác. Đúng vậy, là nhân vật chính Mamoru trong thể linh hồn chứ không phải thân xác của Lucretia. Trong không gian này cậu gặp được một thực thể không xác định. Sau đó được biết thực thể này là Shinjuni - tác giả của bộ truyện mà Mamoru bị chuyển sinh vào. Dĩ nhiên, việc tương tác giữa hai nhân vật rất tự nhiên và hài hước, đồng thời cũng mang những điều bí ẩn trong đó để độc giả suy đoán. Những câu hỏi được đặt ra, như là tại sao tác giả lại có thể biến thành thực thể này? Tại sao tác giả có khả năng làm chuyển sinh ai đó được? Và nhiều điều khác liên quan tới sự thật đằng sau mục đích mà tác giả đem nhân vật chính Mamoru vào chính bộ tiểu thuyết của mình. Đây một lần nữa là sự khác biệt có thể nói là rõ rệt nhất so với các bộ truyện cùng thể loại. Việc chuyển sinh và phải sống sót trong bộ truyện không chỉ là mục tiêu duy nhất, mà còn có cả sự bí ẩn của kẻ (hoặc nhiều) chủ mưu đứng đằng sau các sự kiện. Từ đó tạo nên nhiều tầng lớp cho câu chuyện và cách nó có thể được triển khai, nhấn nhá vừa phải.

 

Với những ý trên được làm rõ, điều đáng lưu tâm còn lại chính là sự tương tác giữa Lucretia và mẹ của cô. Trong ba chương ngắn ngủi, qua những dòng tường thuật lại trên trang giấy của quyển nhật ký một cô bé, bộc lộ nhiều thứ cảm xúc mà người đọc có thể đồng cảm được, thấu hiểu được, và thương xót cho cô. Có một điều đặc biệt là việc tác giả xây dựng bầu không khí tương tác giữa các nhân vật rất phù hợp và tự nhiên, nếu không phải là hoàn toàn nhập tâm, dù là ở góc một trước đó hay góc ba ở đây.

 

Việc tương tác giữa nhân vật mẹ và Lucretia rất tự nhiên như hai mẹ con chứ không phải là hai diễn viên của một vở kịch. Có thể thấy được sự quan tâm trong hành động và lời nói của người mẹ. Việc này sẽ khiến tâm lý Lucretia gắn bó với hình mẫu bao che của người mẹ. Một cách xây dựng rất tốt khi cần payoff sau này. Dĩ nhiên, cách triển khai rất có hệ thống, mượt mà và giãn cách đều. Không dồn ép, không cringe. Thế nhưng vấn đề không phải chỉ nằm ở chỗ tác giả tạo lên sự đồng cảm cho nhân vật nữ phản diện Lucretia từ quá khứ của cô, mà còn nhấn mạnh được mục tiêu, củng cố ý chí cho nhân vật chính Mamoru. Trong chương 8, khi quay trở lại từ không gian bí ẩn kia, nhân vật chính tìm được quyển nhật ký của Lucretia trong hộc tủ bàn của mình. Khi này, những dòng chữ được ghi trong đó càng trở nên thấm hơn khi đọc vì tác giả đã setup rất tốt trong 2 chương trước. Việc tâm trí của Lucretia đan xen vào thực thế trong suy nghĩ của Mamoru ở phân đoạn này, rối bời và hoang dại, hoàn toàn hoang dại khiến người đọc phải rùng mình vì sự chuyển biến trong tâm lý - từ một đứa trẻ ngây thơ đến một con người bị phá hủy và cướp đi mọi thứ. Set up và payoff rất tốt, độc giả hiểu được quyết tâm của nhân vật chính khi cậu muốn giúp cho cuộc đời của Lucretia hạnh phúc - một quyết tâm được gửi gắm chứ không nửa vời và thiếu xây dựng. 



Trước khi chuyển sang điểm phân tích tiếp theo, có một vấn đề cần nói tới. Tuy là nó đã hiện diện ở các chương trước đó, nhưng từ chương 9 trở đi nó càng diễn ra nhiều hơn - vấn đề đổi ngôi kể. Đôi khi các chương đổi góc nhìn từ ba sang một và từ một sang ba liên tục. Việc này cũng không hẳn là không thể hay không có. Thực tế là tác giả làm khá tốt trong việc chuyển đổi để độc giả ít bị nhầm lẫn hay khó hiểu nhất có thể. Nhưng việc thay đổi góc nhìn như vậy đôi khi cũng không thể tránh gây rối loạn, ví dụ trong chương 9 khi chuyển qua góc ba theo sau nhân vật quản gia Henricus khiến (mình) có chút thắc mắc rằng sự kiện này đang diễn ra ở thời điểm nào trong tuyến truyện. Nhưng mà như nói ở trên, việc tác giả chuyển rất tốt, cụ thể là có nhắc tới sự kiện từ bốn chương trước để làm cột mốc thời gian. Tuy nhiên thì vẫn nên lưu ý điều này. Dù sao cũng không phải toàn bộ việc chuyển góc nhìn là không tốt. Như trong chương 6 đến 8, việc tác giả chuyển thành ngôi ba theo sau nhân vật Lucretia trong ký ức tạo nên một sức nhấn thú vị mà ngôi một khuyết danh (Mamoru quan sát những sự kiện đó diễn ra) không thể truyền tải được.

 

Các chương sau này cũng bị ảnh hưởng cùng một lỗi chuyển góc nhìn liên tục như vậy. Việc xoay chuyển góc nhìn và thứ tự tình tiết được trình bày/kể cho người đọc có thể tạo nên sự độc đáo, nhưng bù lại, nếu lạm dụng sẽ gây khó hiểu và khó theo dõi tuyến tình tiết của truyện một cách mạch lạc. 

 

Ngoài ra, từ chương 10 trở đi, sự tương tác giữa Lucretia và quản gia Henricus được củng cố thêm. Tác giả lại một lần nữa làm rất tốt trong việc biến ông dần trở thành hình mẫu bảo bọc - “mẹ” mà nữ phản diện Lucretia đã thiếu. Tất nhiên là không chỉ Henricus mà còn có cả cô hầu Mary, người được nhắc qua trong ba chương nhật ký trước, một người có sức ảnh hưởng lớn lên Lucretia của hiện tại. Thế nhưng có vẻ cô không được để ý và phát triển nhiều từ sau chương nhật ký trở đi. 

 

Trong chương 12, lúc này thì mục tiêu trước mắt đã được xác nhận và thiết lập bởi nhân vật chính - tránh death flag bị ép cưới hoàng tử. Từ đó trở đi đến những chương 15 - 16 cũng không có thêm nhiều diễn biến hay nội dung để nhắc tới và phân tích. 

 

Đến đây, những gì mà độc giả hiểu và biết về các nhân vật hầu như cũng đã được thông qua hết trong 16 chương chính kia. Để tránh spoiler nhất có thể, nhân vật Henricus được xây dựng rất tốt, ngầu là một cách nói tóm gọn, còn cụ thể hơn thì ông toát ra khí chất của một người quản gia trưởng, điềm đạm và thông minh, ân cần quan tâm, một người có thể nói là hiểu rõ về bản thân Lucretia hơn cả chính cha của cô.

 

 

Tổng quan, Reincarnated as an Extra Villainess của tác giả Muen là một bộ truyện thú vị và độc đáo, tuy cùng motip đại trà nhưng không bị nhàm chán, ngược lại rất có chất riêng trong cách tiếp cận tình tiết, nhân vật và câu chuyện. Những điểm tỏa sáng như việc khai thác quá khứ của nhân vật chính trước khi chuyển sinh, tương tác của cậu với các nhân vật khác, đưa bí ẩn của việc chuyển sinh vào mạch truyện đi kèm với mục tiêu né death flag và vv… Với những yếu tố này, việc đọc qua bộ truyện chỉ càng trở nên thú vị chứ không buồn ngủ. Thế nhưng nói về những điểm tốt cũng phải kể đến những vấn đề cần sửa chữa. Ngoại trừ một số lỗi typo trong các chương đầu ra, tác giả cũng nên tránh việc lạm dụng đổi ngôi kể liên tục để tình tiết truyện được mạch lạc hơn.

 

8 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Cho những ai thắc mắc thì cái phần (Muen, chương 2) này là citation theo APA nhé. Muen họ tác giả, và "chương 2" là chương mà đoạn trích được sử dụng.
Xem thêm
AUTHOR
3th-1ch
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
1269160382690365450.webp?size=64&quality=lossless Thật sự chân thành cảm ơn vì bài review công tâm cũng như tâm huyết của bác đã dành ra để đọc truyện mình. Mình sẽ ghi nhớ và cố gắng khắc phục lại để làm truyện trở nên tốt hơn mặc dù ko biết có giữ vững đc phong độ sau này ko nữa 😅
Xem thêm
Mều Bơ nghe chưa
Xem thêm
AUTHOR
TRANS
948513856035106828.webp?size=64&quality=lossless Thấy người ta review công tâm không? Ai như bài rv chê vội nào đó
Xem thêm
@Muen: Làm bài chê vội nữa giờ
Xem thêm
AUTHOR
🤡
Xem thêm
Delay trúa.
Xem thêm