Giải thích những reference có trong tập 1 của Ude wo Nakushita Lilith
Members

Bài này được viết dựa theo sự hiểu biết của bản thân và những tài liệu mình đã có thể tham khảo, đọc qua bởi tác giả sử dụng nhiều chất liệu từ Kinh Phật và Thần Khúc của Dante. Do đó sẽ có sai sót cũng như tồn đọng các yếu tố reference mình không nhận ra hoặc không hiểu rõ để diễn giải. Mong là các bạn có thể xem đây là nguồn tư liệu để hiểu thêm về tác phẩm rất tiềm năng này, đồng thời góp ý bổ sung cho những thiếu sót trong bài để hoàn thiện hơn.

 

Bên phía Thầy Trừ Tà

 

Vũ Khí

 

Súng ngắn Nambu - Nambu Shiki 14

Dòng súng ngắn bán tự động được thiết kế bởi Trung Tướng Kijiro Nambu và được Lục quân Đế quốc Nhật Bản dùng trong Thế chiến thứ hai. Đến năm 1925, tức năm Đại Chính thứ 14, mẫu cải tiến Shiki 14 được ra đời.

 

Súng trường Murata

Dòng súng trường nội địa do Đại Tá Murata đề xuất và đã trở thành vũ khí chính của bộ binh Nhật Bản trong chiến tranh Nga-Nhật.

 

Đinh Zechariah

Trong Ecclesiastical History, Theodoret đề cập rằng Thánh Helena, mẹ của Constantine Đại Đế đã dùng Đinh Thánh đã đóng lên người Chúa Jesus, tìm được tại Jerusalem cài lên mũ trụ của hoàng đế nhằm bảo vệ ngài khỏi cung tên của kẻ thù. Phần còn lại đóng vào dây cương của ngựa để ứng với lời tiên tri cổ xưa của Zechariah rằng “Sẽ có sự thánh hóa trên dây cương của con ngựa cưỡi bởi vị Chúa Toàn Năng”.

 

Đạn Dược

Loại đạn trong tác phẩm được sử dụng được dựa theo Phẩm trật Thiên Thần, là phân loại cấp bậc của các thiên thần trên thiên đàng, được đề cập lần đầu trong tác phẩm De Coelesti Hierarchia (Phẩm trật trên trời).

 

Bậc 1 - Nhóm thiên thần kề cận với Thiên Chúa nhất, có nhiệm vụ thờ phụng Ngài.

Luyến Thần - Seraphim 

“Những ngọn lửa” là tạo vật hầu cận Ngai Thần và tỏa ra ánh sáng tinh khiết. Mỗi Seraphim có sáu đôi cánh, hai cánh để che mặt, hai cánh để bay, hai cánh để che chân.

 

Bậc 2 - Nhóm thiên thần phụ trách quản trị thiên đàng.

Quản Thần - Dominions

Các thiên thần có vai trò quản lý hoạt động của các thiên sứ cấp thấp hơn, đảm bảo thực hiện đúng theo ý muốn của Chúa. Chịu trách nhiệm ổn định trật tự thế giới, ban tặng vương quyền cho những người được chọn. Mang hình dạng thiên sứ có cánh với thanh gươm trên đầu.

Dũng Thần - Virtues

Các thiên thần với nhiệm vụ giám sát sự chuyển động tự nhiên của vũ trụ và các thiên thể. Thường xuất hiện để mang ân sủng của Thiên Chúa đến với thế giới, ban sức mạnh và sự dũng cảm cho các cá nhân.

Quyền Thần - Powers

Những thiên thần chiến binh với vai trò giữ gìn cân bằng trong vũ trụ, ngăn cho các thiên sứ sa ngã xâm chiếm thế giới. 

 

Bậc 3 - Nhóm thiên thần làm sứ giả của Chúa để truyền đạt ý muốn của Ngài đến với con người, cũng là lực lượng thiên binh trên thiên đàng.

Lãnh Thần - Principality

Các thiên thần bảo hộ cho quốc gia và thành bang cùng với các Powers. Xuất hiện dưới hình dạng thiên thần đội vương miện, cầm quyền trượng ủng hộ cho các nhà lãnh đạo xứng đáng.

Tổng Lãnh Thiên Thần - Archangel

Những thiên thần truyền tải thông điệp quan trọng của Thiên Chúa đến với con người và lãnh đạo các thiên binh chống lại với các thiên sứ sa ngã.

Thiên Thần - Angel

Cấp bậc cuối cùng là nhóm thiên thần gần gũi với loài người. Hoạt động dưới tư cách ngôn sứ giúp Thiên Chúa giao tiếp với con người. Họ còn theo dõi và hộ mệnh cho con người trên trần thế.



Lời Chú

Những phép thần thông được các thầy trừ tà sử dụng.

 

[Tân Nguyệt Dạ - bề tôi của Lakṣmī chạy giữa trời đêm – Oṃ mahā-śrīyaye svāhā____Đôi mắt cú đêm]

 

Nữ Thần Đức Mẹ Lakshmi là vợ của vị thần Vishnu, cũng là nữ thần thuộc Tridevi (phiên bản nữ của bộ ba Trimurti). Biểu trưng cho sự giàu có, thịnh vượng (cả về vật chất lẫn tinh thần), vận may và sắc đẹp. Theo thời gian cùng sự biến chuyển của văn hóa, nữ thần trở thành Cát Tường Thiên Nữ của Phật giáo, hay Công Đức Thiên, hoặc Thiện Nữ Thiên.

Oṃ mahā-śrīyaye svāhā là Chân Ngôn của Cát Tường Thiên Nữ, mang nghĩa là “Quy mệnh Đại Cát Tường Đẳng, viên mãn tốt lành”.

Trong sự kiện “Khuấy Biển Sữa” thuộc thần thoại Ấn Độ, dưới sự chung sức giữa Chư Thần và Ashura, Biển Sữa sau ngàn năm khuấy động đã ngầu bọt và nữ thần Lakshmi là người đầu tiên xuất hiện theo sau với vô số báu vật, trong đó có Mặt Trăng (Chandra) được trang trí trên đầu thần Shiva. 

Dịp lễ Sharad Purnima là lễ hội mặt trăng diễn ra diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Ashvin (tháng 10 âm), một phần trong Lễ Kaumudi (Ánh Trăng). Nhằm cảm tạ nữ thần Lakshmi mang đến mùa màng bội thu và người đời cũng tin rằng, trong đêm trăng rằm ấy, nữ thần sẽ hạ thế ngắm nhìn chúng sinh.

 

[Oṃ arapacana____Văn Thù Tuệ Nhãn]

 

Văn Thù Lợi Sư Bồ Tát là vị Bồ Tát tượng trưng cho trí tuệ siêu việt qua việc phá tan đêm tối của vô minh và nhị nguyên, đồng thời điều phục tâm, khuất phục sư tử hung hãn trở thành thú cưỡi.

Oṃ arapacana dhīḥ là Chân Ngôn ca tụng Văn Thù Lợi Sư Bồ Tát xuất phát từ những câu kinh trong Bát Nhã Kinh. Hiểu rằng đây là những lời Đức Phật truyền dạy qua chứng nhân là chư vị Bồ Tát.

 

[A Xà Thế - Mười ba Quán Pháp do Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng – Tôn Quang Quán Vô Lượng – Oṃ amṛta teje hara hūṃ_____Quang Minh]

 

A Xà Thế Vương hay Vua Ajatashatru là vị vua của vương quốc cổ đại Magadha, tọa lạc ở phía bắc tiểu lục địa Ấn Độ. Người đã giết hại vua cha Bimbisara và định ám hại Đức Phật, nhưng không thành nhưng sau đó đã giác ngộ, phụng sự Phật pháp. 

Mười Ba Pháp Tu Hạnh Đầu Đà là những pháp tu khổ hạnh để tôi luyện thân tâm, trừ bỏ phiền não mà Đức Phật giác ngộ và tán dương. Sau đó, ngài truyền thụ lại cho tăng đoàn. Bao gồm - Mặc y phấn tảo, chỉ mặc ba y, khất thực để sống, khất thực theo thứ lớp, ngồi ăn một lần, ngồi bằng bình bát, không để dành đồ ăn, sống trong rừng, ở dưới gốc cây, ở ngoài trời, ở nghĩa địa, nghỉ ở đâu cũng được và không nằm ngủ.

Oṃ amṛta teje hara hūṃ là Chân Ngôn của A Di Đà Ngũ Trí Mạn Đà La, mang ý nghĩa là “Thân khẩu ý hãy thâu nhiếp ánh sáng uy đức của Cam Lộ Bất Tử mà thành tựu tự tính an vui vắng lặng của Đại Niết Bàn”.

 

[Hỡi Ô Khu Sa Ma Minh Vương – Hãy thanh tẩy nhơ bẩn bằng liệt hoả – Oṃ krodhana hūṃ jaḥ____Tịnh Hoả]

 

Ô Khu Sa Ma Minh Vương hay Uế Tích Kim Cương, tên Phạn là Ucchusma, một vị Tôn Phẫn Nộ được tôn thờ trong Phật Giáo Mật Tông, là hóa thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Trong Ấn Độ Giáo, từ Ucchusma vốn dùng để chỉ Thần Lửa Agni.

Với đại bi vô cùng thâm tịnh, ngài không từ chốn dơ bẩn nào, dùng ánh sáng uy lực tựa như ngọn lửa hừng hực tẩy trừ ô uế cáu bẩn để cứu độ cho chúng sinh.

Oṃ krodhana hūṃ jaḥ là Chân Ngôn rút gọn của Ô Khu Sa Ma Minh Vương dùng trong Giải Uế Chú, đọc là “Án câu lỗ đà nẵng, hồng, nhạ”.

 

[Thanh kiếm của Chiến Thần Skanda vĩ đại – Quả táo của Newton – Oṃ vidhati mahāghota svāhā ____Chiếc guốc của Vi Đà Thiên]

 

Thần Chiến Tranh Skanda hay Kartikeya là con trai đầu lòng của thần Shiva và nữ thần Parvati. Khi du nhập vào Phật Giáo Đại Thừa, ngài trở thành Vi Đà Hộ Pháp hay Vi Đà Tôn Thiên, vị Hộ Pháp cũng là Bồ Tát bảo hộ cho chùa chiền, tu viện và giáo lý Phật Pháp. Trong hàng ngũ các Hộ Pháp, Vi Đà Thiên nổi danh hơn cả bởi tài năng phi nhanh như bay.

Trong các ngôi chùa tại Trung Quốc và Việt Nam, tượng của Vi Đà Thiên được khắc họa là võ tướng tay chống thanh kiếm với nét mặt hiền hòa.

Oṃ vidhati mahāghota svāhā là Chân Ngôn của Vi Đà Thiên. 

Sir Isaac Newton là nhà khoa học lỗi lạc, nhà toán học vĩ đại của thế giới nổi tiếng cùng với giai thoại khám phá ra lực hấp dẫn qua việc quả táo đã rơi trúng đầu ông trong lúc ngồi ở trang viên Woolsthorpe tại Lincolnshire, Anh vào năm 1666.

 

[Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc___Kho Hư Không]

 

Trong Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Phật dạy bảo rằng 

“Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc

Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc”

Sự vật, sự việc vừa là nó mà cũng vừa không phải là nó. Sắc ở đây là chỉ cho một sự vật hay sự việc, còn Không là chỉ cho tính duyên sinh vô ngã của sự vật, sự việc đó.

‘Sắc’ tướng của vật không khác với tánh ‘không’ của nó; tánh ‘không’ của vật cũng không khác với ‘sắc’ tướng của nó. ‘Sắc’ tướng chính là tánh ‘không’; tánh ‘không’ chính là ‘sắc’ tướng.’

 

[Trong bàn tay của Người – Tổ quốc, Sức mạnh, Vinh quang – Vĩnh viễn không bao giờ tận___Amen]

 

Khó lòng mà bàn luận nhiều về lời chú này bởi có vẻ nó thiên về mặt châm ngôn của quân đội trong tác phẩm này dùng. Trừ việc đi kèm là kết ấn Dấu Thánh Giá.

Dấu Thánh Giá là Á bí tích đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo để nói lên niềm tin vào sự cứu độ chúng sinh của Chúa Jesus. Trong lúc làm dấu theo thứ hình chữ thập sẽ đọc “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”, kết thúc bằng “Amen” và chắp tay hoặc hôn lên tay làm dấu.

Ngoài ra, từ “Amen” là áp dụng giản lược của kỹ thuật Notarikon. Nguyên gốc là “Adonai Melef Neman”, mang ý nghĩa là “Hỡi Đức Chúa và vị vua thành tín”. Khi ghép những chữ cái đầu lại ta sẽ có từ Amen. Tuy vậy hiện tại nhiều người phiên dịch thành “Đúng thật là như thế”.

 

[Hiếp Thị của Thích Ca Mâu Ni – Hũ thuốc của Trưởng Giả Tinh Tú Quang – Oṃ bhaiṣajya-raja svāhā____Trị Liệu]

 

Dược Vương Bồ Tát và Dược Thượng Bồ Tát là hai trong số chư vị Dược Sư Bát Đại Bồ Tát theo Kinh Dược Sư, cũng là thị giả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Theo Quan Dược Vương Thượng Bồ Tát Kinh, người huynh trưởng lúc bấy giờ là Trưởng Giả Tinh Tú Quang đã dùng thuốc quý cứu độ chúng sinh, trở thành Dược Vương Bồ Tát. Học tập theo anh mình, Trưởng Giả Lôi Quang Minh với đại nguyên cứu rỗi chúng sinh khỏi bệnh tật trở thành Dược Thượng Bồ Tát. 

Tương truyền rằng, Đức Phật đã nói với Bồ Tát Di Lặc rằng “Hai vị Bồ Tát sẽ đạt được Phật Quả trong tương lai, người anh sẽ là Tịnh Nhãn Như Lai, người em sẽ là Tịnh Tàng Như Lai”.

Oṃ bhaiṣajya-raja svāhā là Chân Ngôn của cả hai vị Dược Vương Bồ Tát và Dược Thượng Bồ Tát. Nhận được ơn huệ “Phòng bệnh”, “Khỏi bệnh”, “Cầu sức khỏe”, “Kéo dài tuổi thọ”.

 

[Oṃ varuṇāya svāhā___ Băng Cơ]

 

Thần Biển Varuna là vị thần cổ xưa nhất được tôn thờ trong thần thoại Ấn Độ, xuất hiện từ buổi đầu trong Kinh Vệ Đà. Trước đây từng là vị thần toàn năng, nắm giữ vai trò quan trọng nhất trong các chư thần nhưng vì không thể đánh bại con quỷ đã đánh cắp nguồn nước của cả thế giới mà dần lép vế hơn Thần Sấm Sét Indra.

Qua Phật Giáo, Varuna trở thành Thủy Thiên cai quản phương Tây trong Thập Nhị Thiên.

Oṃ varuṇāya svāhā là Chân Ngôn của Thủy Thiên.

 

[Oṃ vajra śanti svāhā___Nhập Miên]

 

Do đây là lời chú rút gọn nên khó mà xác định nguồn gốc. Dữ kiện duy nhất là đoạn Chân Ngôn tiếng Phạn tuy vậy lại không thể tìm ra được gì cụ thể, có thể đây là sự biến tấu của riêng tác giả hoặc là dạng Chân Ngôn rút gọn, cũng có thể là theo bản dịch riêng của Phật Giáo Nhật Bản.

 

[Agni Nhị Diện Nhị Thủ – Một trong Thập Nhị Thiên – Hỡi Hỏa Thiên, hóa thân của hỏa diễm]

[Hỡi Tổng Lãnh Thiên Thần, Thánh Michael, kẻ giống Thiên Chúa – Xin ngài hãy thanh trừng Ác Quỷ này bằng ngọn lửa tinh khiết]

[Thần Sứ Hỏa Kích]

 

Thần Lửa Agni là vị thần đại diện cho ngọn lửa gia đình nên rất gần gũi với con người. Ngài được mô tả rằng có hai khuôn mặt đại diện cho lửa mặt trời và lửa trần thế.

Khi du nhập vào Phật Giáo, Agni trở thành Hỏa Thiên ở phương Đông Nam trong Thập Nhị Thiên, các vị thần hộ pháp quan trọng của Mật Giáo. 

 

 

Thánh Michael là vị Tổng Lãnh Thiên Thần trung thành với Thiên Chúa chống lại những kẻ nổi loạn dưới sự dẫn dắt của Lucifer. Trong tiếng Do Thái, Michael có nghĩa là “Người giống Thiên Chúa”. Đôi lúc ngài được khắc họa với thanh hỏa kiếm trong tay, dẫn lối cho Adam và cũng canh gác cổng địa đàng khi loài người sa ngã.

Tiferet - Sắc Đẹp, Vinh Quang, Trang Hoàng là một trong Sefirot thứ sáu trên Cây Sự Sống Kabbalah. Mỗi Sefirot là thuộc tính, sự lưu xuất, qua đó Ein Sof bộc lộ bản chất và hình thành các cõi vật chất. Tiferet là ngai vàng tráng lệ đầy vinh quang, khắc ghi lời Chúa phán “Hãy có ánh sáng, thì có ánh sáng”. 

 

[Vayu, Phong thuộc Ngũ Đại – Một trong Thập Nhị Thiên – Hỡi Phong Thiên, hóa thân của gió]

[Hỡi người thủ hộ nhà lữ hành, Tổng Lãnh Thiên Thần Raphael – Người chữa trị đôi mắt của Tobit – Xin ngài hãy dẫn lối cho con đường phía trước]

[Truy Vĩ Phong Kích]

 

Thần Gió Vayu là hơi thở của lửa, chịu trách nhiệm thanh tẩy và chuyển lễ vật đến với chư thần. Trong Phật Giáo Mật Tông, ngài trở thành Phong Thiên cai quản phương Tây Bắc trong Thập Nhị Thiên.

 

Thánh Raphael là vị Tổng Lãnh Thiên Thần luôn diệt trừ các thực thể xấu xa và hộ tống mọi người trên khắp nơi. Nên ngài trở thành người bảo hộ cho lữ hành, người mù và ngành y. Tên của ngài mang nghĩa là “Thiên Chúa Chữa Lành”. Xuất hiện lần đầu trong Sách của Tobit mô tả về việc Thiên Chúa thử thách và đáp lại đức tin của tín đồ. Thánh Raphael đã hóa thân thành người phàm, để đồng hành với Tobias diệt trừ con quỷ Asmodeus và chữa lành sự mù lòa của cha cậu, Tobit.

Hod - Uy Nghi, Huy Hoàng, Vinh Quang là một trong Sefirot thứ sáu trên Cây Sự Sống Kabbalah. Mỗi Sefirot là thuộc tính, sự lưu xuất, qua đó Ein Sof bộc lộ bản chất và hình thành các cõi vật chất. Hod và Netzach được ví như đôi chân của một người, không chỉ đưa họ đến nơi đã định mà còn là cột trụ nền tảng chống đỡ tất cả. 

 

[Namaḥ samantabuddhānāṃ hrīka svāhā___A nậu đa la tam miệu tam bồ đề_____ Niết Bàn Tịch Tĩnh]

[Namaḥ samantabuddhānāṃ hrīka svāhā___Quỷ Hoả Cửu Vĩ Hồ]

 

Bồ Đề là trí tuệ đoạn tuyệt phiền não của thế gian, đạt tới Niết Bàn. A nậu đa la tam miệu tam bồ đề dịch là Vô thượng chánh đẳng Chánh giác, là vượt trội nhất trong 5 loại Bồ Đề. Gọi là Vô Thượng Bồ Đề tức đạt được Giác Trí của Phật Quả.

 

Đạo Hà Đại Thần - Inari Okami là vị thần của loài cáo, sự phì nhiêu, gạo, trà sake, cả nông nghiệp và công nghiệp cũng như sự thành công của thế gian. 

Đồ Chỉ Ni Thiên là vị nữ Bồ Tát cưỡi cáo trắng được sáp nhập vào văn hóa Nhật Bản và gắn liền với Inari Okami thông qua Phật Giáo Chân Ngôn Tông. Trong thời kỳ Chiến Quốc, các lãnh chúa bắt đầu thờ phụng Inari Okami và Đồ Chỉ Ni Thiên cùng với nhau.

Namaḥ samantabuddhānāṃ hrīka svāhā là Chân Ngôn của Đồ Chỉ Ni Thiên.

Cửu Vĩ Hồ Tamamo no Mae là một trong Tam Đại Yêu Quái của thần thoại Nhật Bản. Một tuyệt thế mỹ nhân đã quyến rũ Thiên Hoàng Konoe khiến cho ngài trở nên rất ốm yếu nhưng Abe no Seimei phát hiện ra chân tướng. Nên cửu vĩ hồ đã bị truy giết và hóa thành Sát Sinh Thạch.

 

[Jesus đã nói rằng, hãy đánh lưới ở bên phải chiếc thuyền, như thế thì hẳn sẽ bắt được]

[Khi thử đánh lưới về phía đó, cá thật sự quá nhiều___]

 

“Mẻ cá diệu kỳ” là sự kiện thường được xem là phép lạ của Chúa Jesus trong các phúc âm kinh điển. Khi các sứ đồ đang chật vật trong việc đánh cá tại vùng Biển Galilee thì Chúa Jesus đã khuyên họ thử thả lưới tại vùng nước sâu thêm một lần nữa. Thần kỳ thay, cá bắt lên nhiều đến nỗi, lưới bắt muốn đứt toác ra.

 

 


Bên phía Ác Quỷ 

 

Giáp, Ất, Bính, Đinh

 

Can Chi là hệ thống đánh số thành chu kỳ được dùng tại các nước vùng Đông Á. Gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

 

Danh Tính của một số Ác Quỷ

 

Lilith de la Asmodeus - Lilith dòng dõi Asmodeus

 

Lilith là người phụ nữ đầu tiên được Chúa tạo ra để bầu bạn với Adam. Nhưng cô cho rằng mình được sinh ra với cùng một phương thức, tức ngang hàng với Adam nên từ chối tuân phục, lép vế trước phái nam. Sau khi tranh cãi nổ ra, cô rời khỏi Vườn Địa Đàng, trở thành một cặp với thiên thần sa ngã Samael.

Cô ta cũng được xem là biểu tượng của sự dục vọng bởi thường xâm nhập vào giấc mơ của đàn ông, khơi gợi ham muốn của họ để hút lấy tinh khí. Chính vì thế hiện tượng mộng tinh được xem là do Lilith quấy rối.

 

Asmodeus là Chúa Quỷ đại diện cho Dục Vọng (Lust) trong Thất Đại Tội, thứ tội lỗi mê hoặc con người lẫn quỷ dữ. Hắn khơi gợi ham muốn thể xác, khát khao đen tối, xúi giục con người thực hiện những hành động dâm ô. Đồng thời cũng là con quỷ đứng thứ 32 trong số 72 con quỷ của Vua Solomon. 

Có truyền thuyết kể rằng hắn là chồng của Lilith nhưng cũng có người nói hắn là con của Lilith và Adam.

 

Behemoth

 

Behemoth là sinh vật cổ đại thống trị mặt đất, được Chúa tạo ra từ thuở sơ khai của Trái Đất. Nó kiểm soát các lục địa và sinh sống tại vùng sa mạc phía Đông Vườn Địa Đàng. Mang hình dạng dung hòa từ nhiều loại cự thú như tê giác, hà mã hoặc voi nên sở hữu thân hình to lớn, rắn chắc như kim loại và có sức mạnh vô song.

Con quái vật này còn được coi là con quỷ đại diện cho sự Phẫn Nộ (Wrath) bởi người xưa cho rằng cơn giận của nó gây ra các sự kiện động đất.

 

Beelzebub

 

Beelzebub vốn là một trong ba thiên thần hùng mạnh bậc nhất trước khi sa ngã và bị trục xuất khỏi Thiên Đàng. Hắn trở thành chúa tể của loài ruồi, những sinh vật mang đến dịch bệnh tước đoạt sự sống của hàng triệu sinh mạng. Không chỉ thế, đội quân châu chấu của hắn đi đến đâu sẽ quét sạch mùa màng đến đó, tàn phá mùa vụ.

Hắn còn được xem là Chúa Quỷ đại diện cho sự Phàm Ăn (Gluttony), sự thèm khát vượt quá mức là tội lỗi ích kỷ, đặt lợi ích bản thân lên trên, gián tiếp giết người khác trong những tình cảnh chiến tranh và nạn đói diễn ra.

 

Sabnacke

 

Hầu Tước Sabnacke là con quỷ đứng thứ 42 trong số 72 con quỷ của Vua Solomon. Một bậc thầy về kiến trúc, xây dựng nên những thành trì vĩ đại được trang bị vũ trang toàn diện. Còn được biết đến là con quỷ có thể gây ra những mâu thuẫn dẫn đến các cuộc chiến lớn. 

 

Lời Chú

Ác Quỷ cũng vận chú để sử dụng kỹ năng cũng như kích hoạt Sigil - Ấn Chương của chúng.

 

[Hỡi thợ săn vĩ đại, hỡi Công Tước Barbatos lý giải ngôn ngữ của vạn loài động vật. Hãy tiết lộ một phần tri thức ấy cho ta____Transaction]

 

Công Tước Barbatos là con quỷ đứng thứ 8 trong số 72 con quỷ của Vua Solomon. Được khắc họa với hình ảnh thợ săn có thể thấu được tương lai, chuyện trò với động vật cũng như hàn gắn, tao ra mối quan hệ. Thường được triệu hồi để nhận sự chỉ dẫn đến nơi cất giữ kho báu hoặc quan sát quang cảnh viển vông.

 

[Grosser Marquis von Zwietracht Andras bestelle] - “Nhân danh Hầu Tước Bất Hoà Andras vĩ đại, ta ra lệnh”

[Grosser Sigil von Demon_____Einsatz] - “Ác Quỷ Đại Ấn Chương __ Hiện hình đi”

[Artikel Kasten] - “Không Gian Thu Nạp”

 

Hầu Tước Bất Hòa Andras là con quỷ đứng thứ 63 trong số 72 con quỷ của Vua Solomon. Dù không thuộc top 20 nhưng lại là kẻ có thực lực đáng sợ, hắn ta từng là vị thần Celtic Andrasta - Kẻ bất khả chiến bại. Là kẻ tài năng trong việc giết chóc với loài thú tượng trưng là chó địa ngục và sói.

 

[Đôi cánh bạch sắc - Bốn chiếc chân vạm vỡ - Tiếng ngựa hí trải dài ba nghìn thế giới]

[Lệnh cho Grand Sigil của Quân Chủ Ác Quỷ Sear vĩ đại – Hãy hoá vạn lý xa xôi thành số không____Grand Teleport]

 

Quân Chủ Sear hay Hoàng Tử Seere là con quỷ đứng thứ 70 trong số 72 con quỷ của Vua Solomon. Do cấp bậc vốn biểu thị mức độ thân thiết với Satan nên dù thứ hạng vô cùng thấp thì Sear vẫn rất hùng mạnh. Sở hữu năng lực có thể đặt chân đến bất kỳ đâu trên hành tinh để thực hiện mong muốn của người triệu hồi, mang đến sự sung túc và tìm ra những kho báu, các vụ trộm cắp. Được miêu tả là một con quỷ có dung mạo tuấn tú cưỡi trên lưng con ngựa có cánh, hắn sở hữu tư chất tốt đẹp, hầu như thờ ơ với cái ác.

 

[Xích Xà – Loài dây nho mà vị thần ác ý Samael trồng xuống – Trái Táo của Adam____Analyze]

 

Trong Sách Sáng Thế, Adam và Eve đã ăn quả “hiểu biết thiện ác” bất chấp lời răn của Chúa nên bị đuổi khỏi Vườn Địa Đàng.

Theo nhà hiền triết Do Thái Rabbi Meir và từ tác phẩm Zohar, nhận định rằng loại quả kia thực chất là quả nho. Bởi lẽ Noah đã cố gắng sửa chữa lỗi lầm của Adam bằng cách sử dụng cho mục đích thánh nhưng không thành công.

Samael là vị thiên thần thường xuất hiện trong các mẩu chuyện liên quan tới Vườn Địa Đàng. Theo Khải Huyền phiên bản Hy Lạp của Baruch, Samael vì trồng cây tri thức mà bị Chúa trục xuất và nguyền rủa nên đã nuôi ác tâm trả thù. Hóa thành con rắn cám dỗ Adam và Eve phạm tội.

 

[Toàn bộ thế giới này là sân khấu]

[Cả nam lẫn nữ đều là diễn viên – Lên đài và lui xuống luân phiên – Một vài vai diễn ngược xuôi – Toàn bộ thế giới này đều là nơi vui đùa của ta____ Egoistic]

[Nếu ăn ngủ là ưu điểm, vậy thì cuộc đời ấy giống như thú vật ____Vollerei]

[Kẻ yếu đuối – Tên của ngươi là phụ nữ]

[Gross Siegel von Demon____ Einsatz]

[Biến mất đi, đốm lửa trong khoảnh khắc, đời người là chiếc bóng dạo bước]

[Đất đai màu mỡ, cỏ dại lan tràn]

[Chết đi và ngủ say, khi ngủ say sẽ có giấc mơ đang chờ]

[To be or not to be, that is the question]

 

Phần Lời chú này có lẽ lấy cảm hứng từ vở kịch Hamlet của nhà văn William Shakespeare, với cảm hứng từ truyện dân gian thời Trung Cổ. Người đời cho rằng vở kịch dựa trên Bi kịch lịch sử của François Belleforest.

 

Ma Thuật cấp Địa Ngục

Ma thuật cấp Địa Ngục là các ma thuật cực hạn được phỏng theo [Chương Địa Ngục – Thần Khúc] của Dante.

 

[Minos, Đệ Nhị Địa Ngục Phong Bạo]

 

Địa Ngục Lust - Nhục Dục là tầng thứ 2 trong trường ca Thần Khúc của Dante. Nơi giam giữ những kẻ bị dục vọng chi phối, ảnh hưởng đến lý trí. Nhận lấy hình phạt luôn bị cuốn bay bởi những cơn cuồng phong vĩnh hằng, tượng trưng cho sự ham muốn mất kiểm soát.

Vua Minos là người phán xét những tội nhân sau khi qua được tầng thứ nhất, Địa Ngục Limbo - U Minh. Linh hồn sau khi thú nhận tội lỗi sẽ bị đẩy xuống tầng địa ngục sâu hơn ứng với số vòng mà đuôi của Minos quấn quanh người.

 

[Malebranche - Mười Hai Móng Vuốt Ác Quỷ]

 

Malebranche, Móng Vuốt Ác Quỷ là một nhóm gồm mười con quỷ canh giữ rãnh đá (Bolgia) thứ 5 của tầng Địa Ngục thứ 8, Fraud - Gian Trá. Chúng thô tục và thường hay gây gỗ, có nhiệm vụ giam giữ bọn chính trị gia tham nhũng phải ở dưới mặt hồ sôi sục.

 

[Giữa đầm lầy Styx – Đáy hố ảm đạm - Hỡi bức tường sắt địa ngục bao vây Ác Quỷ và người chết, hãy xuất hiện đi____Tường Thành của Dis]

 

Dis Pater hay Father Dis vốn là vị thần La Mã gắn liền với sự màu mỡ của đất đai và sự giàu sang từ khoáng thạch. Tuy nhiên, với quan niệm rằng khoáng thạch đến từ lòng đất, là một phần của địa ngục trong văn hóa Hy Lạp và La Mã cổ đại nên ngài dần được dung hòa với Thần Minh Phủ Pluto và Thần Địa Phủ Orcus của nền văn minh Etrusca. 

Từ đó, Dis Pater, hay gắn hơn là Dis, đã trở thành danh từ gắn liền với địa ngục. Điển hình như Thần Phố của Dis trong Thần Khúc của Dante.

 

Thành Phố của Dis với tường thành nóng đỏ tọa lạc tại trung tâm đầm lầy sông Styx ở Địa Ngục Tầng Năm Wrath - Thịnh Nộ.

Bị trừng phạt tại nơi đây là những phạm nhân “hoàn toàn có đầy đủ ý thức và chủ ý phạm tội”. Những linh hồn cuồng nộ chém giết lẫn nhau trên đầm lầy, còn những kẻ uể oải sẽ nằm lại dưới dòng nước đen, nơi không tìm thấy hạnh phúc trong Chúa. 

Dòng sông Styx là một trong năm con sông tại Âm Phủ (Hades), nơi linh hồn người chết sẽ dùng đồng tiền vàng được an táng cũng họ để trả cho người lái đò Charon và đi đến trung tâm Âm Phủ để nhận lấy sự phán xét. Styx còn là Dòng Sông Thệ Ước, chứng giám mọi lời thề của chư thần và ngăn cấm họ không được nuốt lời. 

 

[Ba loại bạo lực – Vương miện lá bị mổ bởi Harpy – Con hào trách tội]____

[Hỡi những giọt nước mắt ngập tràn khu rừng đoạ đày, hãy hóa thành cơn mưa]

[Trở thành dòng sông máu sôi sục]

[Pape Satàn, pape Satàn aleppe, Plutus]_______

[Phlegethon – Đệ Thất Địa Ngục Hỏa Viêm]

 

Địa Ngục Violence - Bạo Lực là tầng thứ 7 trong trường ca Thần Khúc của Dante. Nơi đây giam giữ những kẻ bạo lực và được chia làm ba vòng: 

 

Bạo lực với người khác - Những kẻ giết người, bạo chúa hiếu chiến, cưỡng bức người khác và tài sản sẽ mãi chìm trong dòng sông máu lửa sôi sục, Phlegethon tùy theo tội trạng của bản thân.

Bạo lực với bản thân - Giam giữ những linh hồn có ý định và đã tự tử cùng người hoang phí tiền của. Họ sẽ bị trừng phạt biến thành bụi cây xương xẩu, gai góc và trở thành món ăn khoái khẩu của các Harpy, loài chim rùng rợn với khuôn mặt của phụ nữ.

Bạo lực chống lại Thiên Chúa, Kỹ Nghệ và Thiên Nhiên - Nơi sa mạc đầy cát nóng rực cháy với mưa lửa trút xuống từ trời cao, hình ảnh liên hệ với số phận của Thành Sodom và Gomorrah. Những kẻ báng bổ Thiên Chúa sẽ phải nằm ngửa trên bãi cát cháy, bọn chống lại Thiên Nhiên sẽ phải lang thang khắp một vòng và cuối cùng là những kẻ cho vay nặng lãi chỉ có thể ngồi co rúm và khóc bởi chúng phản lại lao động và hoạt động vốn dĩ của loài người - Kỹ Nghệ, con của Thiên Nhiên, cháu của Thiên Chúa.

Những tội lỗi ở vòng ba quá phi tự nhiên đến mức sẽ mãi bị giam giữ vĩnh viễn tại sa mạc không thể chịu đựng này, cơn mưa vốn mang lại sự màu mỡ và tươi mát cũng phải rực cháy thành lửa mà giáng xuống.

 

Dòng sông Phlegethon là một trong năm con sông tại Âm Phủ (Hades), chảy song song với sông Styx. Đây là dòng sông lửa cuộn quanh bề mặt Âm Phủ và chảy vào sâu trong Địa Ngục (Tartarus). Trong Thần Khúc, dòng sông máu Phlegethon tràn từ vòng ngoài cùng sẽ sôi sục ở khu rừng đọa đày vòng thứ hai và sau cùng là băng qua bình nguyên rực chảy ở vòng cuối.

“Pape Satàn, pape Satàn aleppe” là dòng mở đầu của Canto VII trong Hỏa Ngục, thuộc trường ca Thần Khúc của Dante. Dòng chữ này được tạo thành chỉ bởi ba từ, nhưng cho đến nay, các học giả vẫn không dám chắc về ý nghĩa thật sự và dành nhiều nỗ lực nhằm diễn giải. Đa số học giả về địa ngục cho rằng đây là một dạng cầu khẩn với Satan.

 

Plutus vốn là vị thần của sự giàu sang, nhưng trong Thần Khúc, Dante biến ngài thành con quỷ gớm ghiếc canh giữ Địa Ngục Tầng Bốn Greed - Tham Lam, nơi kết án những kẻ hà tiện tích trữ và tiêu xài hoang phí. Dù vốn Dante đặt tên con quỷ là Pluto, nhưng đa số học giả dịch thành Plutus để ám chỉ vị thần kể trên, bởi lẽ thần Pluto gắn liền với âm phủ không thật sự có tính liên hệ. Ngoài ra Pluto là Latinh hóa của Pluton, trong tiếng Ý phải là Plutone so với Plutus bắt nguồn từ Ploûtos, nghĩa là “sự giàu sang”.

 

[Lãnh vực của Iscariot Judas – Ngục giam tại vùng đất đóng băng vĩnh cửu]___

[Hỡi Đế Vương Lucifer thống trị vương quốc đoạ đày – 

Hãy cắn nát trái tim ta và chia sẻ vinh quang ngày xưa – 

Pape Satàn, pape Satàn aleppe, Plutus]

[Cocytus Judecca - Đệ Cửu Địa Ngục Băng, Đoạn Chương Thứ Tư]

 

Địa Ngục Treachery - Phản Bội là tầng thứ 9 trong trường ca Thần Khúc của Dante. Ở đây giam giữ những kẻ phạm tội phản bội, khác với tội gian trá ở tầng 8, hành động của họ phải có liên hệ đến một mối quan hệ đặc biệt. Tồn tại 4 khu vực ứng với mức độ nghiêm trọng. Khác với những tầng địa ngục phía trên, những kẻ phản bội bị đóng băng trong hồ Cocytus.

 

Vòng 1 - Caina: Theo tên của kẻ tội đồ đầu tiên Cain, đã xuống tay giết hại em trai. Nơi giam cầm những kẻ phản bội lại máu mủ, đóng băng đến cằm của chúng.

Vòng 2 - Antenora: Theo tên của Antenor của thành Troy, kẻ phản bội thành bang để kết đồng minh với quân Hy Lạp. Nơi giam giữ những kẻ phản bội cộng đồng, nhận lấy hình phạt tương tự ở Caina.

Vòng 3 - Ptolomaea: Theo tên của Ptolemy, con trai của Abubus, kẻ đã mời Simon Maccabaeus cùng các con trai đến dự tiệc nhưng lại xuống tay giết họ. Nơi giam giữ những kẻ phản bội quan khách, phải ngửa mặt trên mặt hồ, bị đóng băng toàn thân chỉ trừ khuôn mặt. Tội trạng nơi đây nặng hơn bởi lẽ mối quan hệ với khách là mối quan hệ tự nguyện, tự họ xây dựng.

Vòng 4 - Judecca: Theo tên của Judas Iscariot, vị tông đồ phản bội lại Chúa Jesus. Nơi giam giữ những kẻ phản bội với bề trên và ân nhân. Nhận lấy tội trạng bị đông cứng hoàn toàn, thân xác vặn vẹo biến dạng theo đủ loại hình thù.

 

Ở trung tâm khu vực này cũng chính là Trung Tâm của Địa Ngục. Nơi kết án kẻ phạm phải tội lỗi tột cùng - phản bội lại Thiên Chúa. Lucifer đã hóa thành Satan, kẻ mà Virgil gọi là Dis, Ác quỷ phản bội không đội trời chung đã chống lại Thiên Chúa. Satan là con quái vật khổng lồ hung bạo với 3 khuôn mặt, đỏ ở giữa, vàng nhạt bên trái và đen bên phải. Hắn thống khổ vì bị chôn vùi trong lớp băng đến thắt lưng và cố vùng vẫy thoát ra nhưng mỗi lần đập cánh thì băng lại dày hơn.

Mỗi cái miệng của Satan sẽ nhai lấy một kẻ phản bội nổi danh trong truyền thuyết. Marcus Junius Brutus và Gaius Cassius Longinus bị nhai mãi mãi ở hai cái miệng hai bên cho tội trạng phản bội và ám sát Julius Caesar, người mang thiên mệnh cai trị thế giới, dẫn đến sự sụp đổ của một La Mã thống nhất. Cái miệng tàn độc nhất ở giữa dành cho Iscariot Judas, chịu sự tra tấn khủng khiếp nhất với đầu bị gặm trong khi móng vuốt của Satan lột da và xé nát.

 

Dòng sông than thở Cocytus là một trong năm con sông tại Âm Phủ (Hades). Trong Thần Khúc, thay vì là một con sông, Dante mô tả dưới dạng một mặt hồ băng giam giữ những kẻ tội đồ phản bội.

Truyện dịch

0 Bình luận