“Bạn sinh ra để làm gì?”
Bắt đầu một bài cảm nhận cho một đầu truyện tutin bằng một câu hỏi mang tính hiện sinh thì có vẻ không được hay cho lắm, nhưng theo mình đây chính là đầu đề cho cả tác phẩm Nhân Tâm Thiên Ý nên đường nào cũng không tránh nó được hết =)))))
Trong Nhân Tâm Thiên Ý tác giả lựa chọn một vấn đề khá hay, đó là vấn đề về “Đạo tâm”, cái “đạo” mà “tâm” mỗi người luôn muốn hướng đến, là lý tưởng, mục đích sống, hay ý nghĩa về sự tồn tại của mình, thứ phân biệt giữa sống và không sống (“không sống” chứ không phải chết), tồn tại hay không tồn tại (to be or not to be đồ đó - đùa thôi). Thứ mà vì nó con người ta sống và chết, chọn bước tiếp hay là hy sinh, chọn chém giết nhau hay là cứu độ nhau. Đó là khao khát mãnh liệt mà con người không thể nào chối bỏ, như Hạo Lực dù sụp đổ hình tượng nhưng vẫn mãi tin vào sư phụ của mình, hay A Mãnh dù bất lực trước trái tim sắt đá của tên sư phụ họ Trương nhưng vẫn chọn ở lại để hoàn thành điều mà mình mong muốn. Nghĩa là con người trong Nhân Tâm Thiên Ý không thể trốn chạy chính mình, họ đi một vòng rồi lại phải quay về đối diện với chân tâm, đối diện với những gì mà mình tin tưởng và bị phán quyết bởi “Đạo tâm” của bản thân. Cũng vì “Đạo tâm” mà người ta trở nên tốt đẹp hay biến thành xấu xa, các nhân vật phải sống với điều mà mình tin tưởng và lựa chọn, đi trên con đường số mệnh đã định, không thể không đối diện.
Song, dù “Đạo tâm” của một người là tốt hay xấu, thiện hay ác thì “Một kẻ chiến đấu hết mình vì Đạo tâm! Thì không có lỗi gì cả”. Vấn đề tác giả đưa ra làm mình nhớ đến một câu khác: “Cuộc đời xảy ra trước, rồi đúng sai mới đến sau”(1). Một người chọn sống vì điều mình tin tưởng, sống vì hoài bão và khao khát của bản thân, không thẹn với lòng thì không có gì phải xin lỗi. Vấn đề là sống như thế nào để khi nhìn lại bản thân không xấu hổ với chính mình. Mình xin tóm tắt bằng một câu hỏi: Bạn có dám sống hay không? =)))))))) Và tất nhiên câu hỏi này không dễ trả lời một tí nào, đặc biệt là đối với những người “Đạo tâm” chưa vững vàng (như mình, má nó chứ!). Chọn sống khác, chọn đối diện với hoàn cảnh, chọn đối đầu với sự thù địch, chọn vượt lên trên hoàn cảnh, quá nhiều thứ phải can đảm đối mặt khi quyết định hoàn thành “Đạo tâm”, thế nên người chọn sống và chết với nó thì tự họ đã là một kẻ can đảm, mà một kẻ can đảm thì không có gì để mà xin lỗi, còn chuyện đúng và sai nó là chuyện đã rồi, con người phải sống trước đã rồi đúng sai mới đến sau.
Nhân vật chính của chúng ta (tất nhiên) cũng được chọn cho một “Đạo tâm” khá gì và này nọ, đó là “cứu nhân độ thế”. Một mục đích vô cùng chính nghĩa đúng chuẩn, và cậu ta tin vào điều đó, sống vì nó và chiến đấu vì nó. Và (tất nhiên) cậu sẽ phải gặp những cuộc “khủng hoảng lý tưởng”, ai có một ước mơ cũng điều sẽ có những lúc gặp khủng hoảng với cái ước mơ đó của mình. Thứ mình muốn sẽ làm khổ mình (câu này nghe hơi có mùi Phật giáo nhưng thôi kệ). Quan trọng là Tiếu Dương nhà ta có dễ dàng từ bỏ “Đạo tâm” ấy hay không, có giải quyết được cuộc khủng hoảng ấy hay không, điều đó liên quan rất nhiều đến sự vững vàng của niềm tin (ừ thì đa số chúng ta sẽ thất bại ở bước này và cảm thấy ước mơ của mình là hão huyền dẫn đến từ bỏ). Mọi người cùng đọc truyện để biết nha chứ bài cảm nhận nên không có ngồi đây kể =))))))
Trên hành trình phiêu lưu của mình, Tiếu Dương gặp những người bạn đường thú vị, vướng vào vô số rắc rối và những âm mưu của các phe phái đối lập, càng ngày cậu sẽ càng trưởng thành hơn (chắc vậy), đặc biệt là từng bước chinh phục đạo tâm của mình (chắc vậy, má ơi truyện chưa ra hết hong có dám nói bừa). Có hai cuộc chiến song tồn trong Nhân Tâm Thiên Ý, cuộc chiến của những con người bằng xương bằng thịt và cuộc chiến của những lý tưởng khi chúng phải va chạm nhau, chất vấn nhau và mâu thuẫn lẫn nhau, tất nhiên là cuộc chiến sau sẽ khó thấy hơn nhưng nó vẫn luôn tồn tại, khi mong muốn của người này đối nghịch với mong muốn của người khác.
Thế cuối cùng là tác phẩm này đang muốn nói về cái gì vậy? Theo mình nghĩ, nó đang nói về việc Làm người. Cái mùi này khá nồng nặc =)))))) Bàn về lý tưởng, mục đích sống, việc phải sống như thế nào và hành trình đạt đến cái mục đích sống trong đời, khá rõ ràng là nó đang nói đến chuyện thành nhân, đến cái cây nó còn muốn thành nhân mà (chết mịa spoil rồi, my bad!). Mỗi Tu Tiên Giả bắt đầu lên đường thực hiện “Đạo tâm” của mình thì họ đã bắt đầu sống, bắt đầu quá trình trưởng thành mỗi ngày, luôn phải soi chiếu, chất vấn, suy nghĩ về chính mình. Làm người không chỉ là việc sống với mọi người xung quanh, mà còn là sống với chính mình.
Vậy cuối cùng là tác phẩm này có gì đáng để bỏ thời gian đọc vậy ngoài cái việc đọc xong sẽ bị khủng hoảng hiện sinh như mình nói? Trả lời luôn, đây là một tác phẩm rất là vui, có lúc không vui, vô cùng hài hước trừ những lúc không hài ra. Về cơ bản sẽ khá phù hợp cho các bạn đang tìm một tác phẩm nào đó để giải trí nhưng vẫn đủ ấn tượng về mặt ý nghĩa và nội dung chứ không bị trôi tuột đi mất. Phải nói đây là một tác phẩm rất hài, nội dung thú vị, tuy có mấp mé một số triết lý vậy thôi chứ chủ yếu vẫn là hài, đánh nhau ầm ầm chứ không phải trầm cảm gì đâu (còn muốn trầm cảm đúng nghĩa thì qua Lẫy hoặc Chết non à mà thôi).
Tóm lại, Nhân Tâm Thiên Ý sẽ là một tác phẩm không làm bạn thất vọng đâu, mình thề. Khá hiếm hoi có một tác phẩm làm tốt cả về mặt giải trí lẫn ý nghĩa như thế này, nên mọi người hãy ủng hộ tinh thần tác giả bằng cách nhấp vào và đọc thử và nếu thấy hay thì để lại tym và bình luận nhé!
Đây là bài cảm nhận về ý nghĩa của truyện, nếu muốn nghe nhận xét, đánh giá thiên về mặt nội dung và kỹ thuật viết hơn thì mời bạn hãy đọc bài review Nhân Tâm Thiên Ý thứ hai của mình tại: Trang NHẬN XÉT VÀ ĐÁNH GIÁ NHÂN TÂM THIÊN Ý (PHIÊN BẢN ĐẦY KHẢ ÁI VÀ NGÂY NGẤT LÒNG NGƯỜI)
Hy vọng bạn sẽ sớm thực hiện được “Đạo tâm” của mình!
(14/7/2022)
(1) Trích từ “Tiếng Kiều đồng vọng” của Đoàn Minh Phượng.
8 Bình luận