Cách mà mình viết ra một bản thảo.
Members

Xin chào! Đây là lần đầu mình tạo một bài viết. Cũng bởi vì mới vừa gặp câu hỏi của một bạn về việc viết bản thảo, thế nên đây sẽ là chủ đề mà mình muốn cùng mọi người đàm đạo.

Đầu tiên, phải nói trước là tuy bản thân đã có thời gian dài viết bản thảo, có thể nói đã đạt đến trình sáng tác cốt truyện của một biên kịch tài năng (mèo tự khen đuôi dài thôi). Nhưng mà về cách diễn đạt để mà có thể chia sẻ được kinh nghiêm bản thân cho mọi người hiểu thì mình có hơi kém. Mà còn cộng với việc mỗi nhà mỗi cảnh nên không phải tất cả những gì mình nói đều hữu ích.

Trước khi bắt đầu chia sẻ quá trình mà mình tạo ra một bản thảo. Mọi người cũng cần phải biết sơ bản thảo là gì, vai trò và tầm quan trọng. Nói gọn thì bản thảo là bản nháp của tác phẩm được viết trên giấy hoặc viết trên file điện tử. Vai trò thì là bản nháp. Còn tầm quan trọng thì tùy từng người. Có người không cần bản thảo để viết một tác phẩm. Nhưng mà mình khuyên là nên có, bởi vì đó là bằng chứng cho thấy rằng bạn là chủ nhân của tác phẩm.

 

Vào việc chính. Đây là quá trình tạo ra bản thảo mà mình tóm gọn thành các bước.

1. Chuẩn bị tâm lý.

Hãy tự nói với bản thân rằng: “Sẽ chẳng có ma nào rảnh mà đọc bản thảo của mình đâu”. Bởi vì mọi người thường sẽ không ăn một món ăn sống nhăn. Hồi mới viết được bản thảo 200k chữ cho [Thức Dậy Ở Tương Lai], mình vác nó đi khoe khắp nơi. Kết quả là đến cả người nhà cũng chẳng thèm đọc chứ đừng nói đến người lạ.

Khuyên vậy, nhưng mình vẫn mong là bạn sẽ tìm được ai đó để chia sẻ ý tưởng. Vì dù sao công sức bỏ ra mà không được công nhận thì cũng nản lắm. Bạn kể bằng miệng (đừng bắt người khác đọc), hoặc là chia sẻ một số đoạn ý tưởng mà bạn tâm đắc để nhận được phản hồi.

Nếu là truyện ngắn thì chắc cũng chẳng cần chuẩn bị tâm lý đâu nhỉ? À mà kinh nghiệm của minh là với truyện dài, nhiều phần, nhiều tình tiết… Thế nên truyện ngắn thì mình xin lỗi.

2. Nuôi dưỡng ý tưởng.

Bắt đầu bằng một ý tưởng đơn giản. Thường là câu hỏi “Sẽ như thế nào nếu như…” Mình thì chẳng nhớ nổi là ý tưởng bắt đầu của bản thân là gì nữa. Đó cũng là điều dễ hiểu. Bạn có thể cũng sẽ như mình. Vì sau một quá trình dài phát triển, câu chuyện có thể sẽ không như ý tưởng ban đầu nữa.

Nhưng mà tại thời điểm bắt đầu, hãy nghĩ thật nhiều về nó. Ý tưởng của bạn là gì? Bạn muốn câu chuyện của bạn có những gì? Lúc ăn, lúc đọc truyện, lúc xem tivi. Ý tưởng có thể xuất hiện ở bất cứ mọi nơi. Hãy giữ nó trong đầu, khoan hãy viết ra. Đừng sợ quên. Vì đã là ý tưởng hay thì làm sao mà quên được. Hãy để bộ não của bạn chọn lọc và vứt bỏ hết những ý tưởng mà bạn nảy ra do cảm xúc nhất thời.

Đến một lúc nào đó, trong đầu bạn đầy ắp các ý tưởng. Và bạn không thể ngừng nghĩ về nó. Giống như là bạn đang xa rời thế giới thực, hoặc là bị ảo tưởng sức mạnh, giống như mình đã từng. Phải nói là tồi tệ, nhất là khi mình đang là học sinh lớp 12 và đang chuẩn bị cho kì thi đại học. Đừng để điều đó xảy ra nhé. Đã đến lúc phải viết nó ra.

3. Nền tảng, khung, dàn bài? Bạn gọi nó là gì cũng được

Khi đã có  tất cả những ý tưởng cần thiết trong đầu. Hãy viết nó ra. Thường thì một ý tưởng sẽ là một sự kiện. Bạn cần phải sắp xếp chúng theo trình tự thời gian, kể cả khi đó một ý tưởng cần phải giấu kính cho một plot twist. Bởi vì bản thảo của bạn có thể sẽ trở thành một cuốn từ điển, hay đại loại vậy. Việc sắp xếp theo trình tự thời gian sẽ giúp cho việc tra cứu dễ dàng hơn.

Nếu được, hãy giở cuốn lịch ra và xem xem sự kiện xảy ra vào ngày tháng năm nào. Điều này để đảm bảo tính logic cho truyện.

4. Phát triển câu chuyện bằng cách phát triển quá khứ.

Để câu chuyện có chiều sâu về tính cách nhân vật, về thế giới, về cốt truyện, bạn không chỉ đi về tương lai mà còn phải đi về quá khứ. Bắt đầu bằng việc nhặt sạn trong cốt truyện. Từ những viên sạn đó, bạn tạo ra một câu chuyện để hợp lý hóa nó. Điều này sẽ rèn luyện cho bạn óc sáng tạo, tư duy biện hộ và khả năng tra cứu thông tin. Ví dụ như: “Tại sao Yuu lại thức dậy ở tương lai?”, “À vì trước đó đã xảy ra abc chuyện”. “Tại sao cậu ấy lại có tính cách khó ưa như vậy?” “Là vì cậu ấy đã từng gặp một chuyện.”

Bạn có thể chỉ dừng lại ở việc tạo ra quá khứ bằng việc nhặt sạn logic trong cốt truyện. Mình siêu hơn thế. Mình tạo ra nhiều quá khứ hơn từ những quá khứ mà mình tạo ra từ việc nhặt sạn. Kiểu như cứ hỏi “Tại sao?” liên tục thì sẽ chẳng bao giờ có điểm dừng cả. Đến lúc mà mình tự hỏi “Tại sao vũ trụ này được sinh ra?”, mình biết mình đi quá xa rồi.

Song song với việc đi về quá khứ, bạn sẽ đồng thời đi về tương lai. Bởi vì đó là luật nhân quả. Những sự kiện xảy ra trong quá khứ sẽ cho bạn ý tưởng để viết tiếp những gì xảy ra trong tương lai. Hãy sử dụng những ý tưởng đó để lấp đầy câu chuyện.

5. Chia chương. Tóm tắt nội dung.

Thường thì một chương sẽ là một sự kiện, mâu thuẫn hoặc vấn đề, và chúng phải có một kết thúc. Cái này bạn tìm thêm tài liệu trên Hako. Việc phân chia chương như thế nào cho hợp lý khá là quan trọng. Nhưng mà đó là khi viết. Còn là bản nháp thì bạn cứ tập làm quen.

Sau khi chia chương xong, hãy viết tóm tắt của chương đó. Viết các sự kiện sẽ diễn ra trong đó. Địa điểm, hoạt động của nhân vật, lời thoại nhất định phải có. Cái này tùy bạn. Cứ tưởng tượng mình là một biên kịch. Bạn có nhiệm vụ là viết làm sao cho thằng đạo diễn hiểu được ý đồ của bạn.

Mà đây không nhất định phải là bước thứ năm. Bạn có thể chia chương và tóm tắt khi đang phát triển câu chuyện cũng được. Mà chắc là phải vậy rồi. Bạn đâu thể chỉ thể hiện mỗi một ý tưởng chỉ bằng một câu.

6. Bạn muốn dừng lại khi nào?

Có thể bạn đã có một cái kết cho câu chuyện từ trước khi viết bản thảo. Nhưng mà quên nó đi. Như đã nói, sau một thời gian phát triển câu chuyện, mọi thứ sẽ không còn như cũ. Bạn sẽ phải tìm ra một điểm kết thúc mới, phù hợp với câu chuyện. Cái này thì mình không có kinh nghiệm.

Mà cũng chẳng ai bắt bạn phải dừng lại cả. Một cái kết không đồng nghĩa với việc câu chuyện đã kết thúc. Bạn có thể viết thêm phần 2, phần 3. Miễn là ý tưởng còn dồi dào. Mình tin rằng nếu ở công đoạn xây dựng quá khứ mà bạn chăm chút thì ý tưởng là vô biên. Mình cũng vậy. Dù bản thảo đã được 400k chữ, những với mình vẫn chưa đã. Mình vẫn còn muốn viết thêm.

 

 

Tóm lại. Công đoạn viết bản thảo là công đoạn vui thứ hai của việc viết truyện dài, chỉ sau niềm hạnh phúc khi truyện được mọi người công nhận. Nếu bạn cảm thấy bản thân không quá vội, hãy dành nhiều thời gian cho công đoạn này. 3 hay 4 năm gì đó. Với mình là 6 năm. Thời gian càng dài thì bạn sẽ có nhiều thời gian suy ngẫm và sửa đổi câu chuyện của mình, để cho nó trở nên hoàn hảo hơn.

 

Trên đây là chia sẻ của cá nhân mình. Rất hy vọng được nghe ý kiến của mọi người.

4 Bình luận

Ah~. Xem chừng tôi là người được đề cập ở đầu bài nhề. Và, vâng, bài viết thực sự giúp t thoả mãn đc phần nhiều câu hỏi liên quan đến bản thảo (chắc chắc là nhiều hơn gg)
Cảm ơn nhìu!!!
Xem thêm
yay!! cuối cùng cũng có người dạy tôi cách viết bản thảo.
Xem thêm
AUTHOR
Được đấy chứ.
Xem thêm
AUTHOR
Quá được đấy.
Xem thêm