Lên Ý Tưởng, Xây Dựng Cốt Truyện, Và Kể Chuyện
Members

Một câu chuyện thường được xây dựng dựa trên sáu yếu tố gồm có tiền đề, nhân vật, thông điệp, cấu trúc, phân cảnh, và giọng văn. Trong đó tiền đề, nhân vật, và thông điệp thường là ba thứ được nghĩ đến đầu tiên khi mới bắt tay vào. Ba yếu tố này lại có sự giao thoa với nhau mà điểm chung là chúng đều trả lời cho câu “tôi muốn về một câu chuyện về…” Các câu trả lời thường thấy sẽ ở một trong ba dạng sau:

  • Tôi muốn viết một câu chuyện về Kim Tự Tháp. (Dạng chủ đề, thường là danh từ chỉ vật)
  • Tôi muốn viết một câu chuyện về nhà khảo cổ học. (Dạng nhân vật, thường là danh từ chỉ người)
  • Tôi muốn viết một câu chuyện về bí ẩn trên thế giới. (Dạng thông điệp, thường là danh từ trừu tượng)

Trong ba kiểu trả lời này, dạng thông điệp là mơ hồ và khó triển khai nhất nên nếu bạn nào đi theo hướng này thì nên tìm cách làm rõ hơn ý tưởng của mình. Ngược lại, cách trả lời với chủ đề lại dễ triển khai nhất. Chúng ta sẽ bắt đầu từ đây.

Tuy nhiên, từ chủ đề (Kim Tự Tháp) để trở thành tiền đề, còn cần thông qua vài bước nữa. Cụ thể như sau:

  1. TIỀN ĐỀ

Chúng ta sẽ tìm cách biến chủ đề đó thành ý tưởng bằng cách chuyển nó thành một câu đơn. Nội dung của câu này bắt buộc phải gây tranh cãi. Tuyệt đối không đưa ra những câu sự thật vô thưởng vô phạt.

  • Kim Tự Tháp là một trong những kỳ quan thế giới cổ đại. (Không đạt yêu cầu)
  • Kim Tự Tháp thực chất là do người ngoài hành tinh xây dựng nên. (Đạt yêu cầu)

Bước tiếp theo, từ ý tưởng lên khái niệm, chúng ta sẽ thêm các thành phần phụ vào câu đơn ban nãy. Ví dụ như thêm trạng ngữ thời gian, địa điểm, mục đích,…; hoặc bổ sung thêm một vế nữa để biến nó thành câu phức.

  • Kim Tự Tháp thực chất là do người ngoài hành tinh xây dựng nên trong một lần du hành với mục đích là đánh dấu lãnh thổ để chờ quay lại chinh phạt sau khi hành tinh của họ không thể sống được nữa.

Và bước cuối cùng, biến khái niệm thành tiền đề bằng cách áp vào đó một nhân vật với mục tiêu rõ ràng có liên quan tới khái niệm trên.

  • Trong một chuyến du khảo, nhà khảo cổ học ABC phát hiện ra rằng Kim Tự Tháp thực chất là do người ngoài hành tinh xây dựng nên trong một lần du hành với mục đích là đánh dấu lãnh thổ để chờ quay lại chinh phạt sau khi hành tinh của họ không thể sống được nữa. Vì vậy, anh tìm cách ngăn chặn âm mưu của họ lại.

Và đây chính là tiền đề của truyện. Hay nói cách khác, kim chỉ nam của bộ truyện mà tác giả tuyệt không được phép đi lệch. Qua tiền đề, chúng ta đã mơ hồ có nội dung sơ bộ và một nhân vật tuy còn khá thô sơ. Phần tiếp theo đó là xây dựng nhân vật và ném họ vào mạch truyện.

  1. NHÂN VẬT

Trước khi vào bước này, ta phải luôn tâm niệm trong đầu nhiệm vụ chính là xây dựng và phát triển nhân vật (chứ không phải cốt truyện). Xây dựng có nghĩa là từ không thành có (nhân vật lúc này là người que, không tên không tuổi, không giới tính, không mặt mũi màu tóc màu mắt, không quốc tịch,…). Phát triển là có sự thay đổi (ngoại hình, cách tư duy, ưu khuyết, kỹ năng, địa vị,…).

Và để làm việc đó thì mình phải thiết lập sơ bộ trước chặng đường nhân vật sẽ phải trải qua. Có rất nhiều cách để phác thảo chặng đường này, hay còn gọi là mạch truyện, nhưng đơn giản nhất là ứng dụng hai kỹ năng từ Z về A và luôn nghĩ về khuyết điểm. Giờ làm thử nhé.

  • ABC ngăn được bọn alien xâm nhập trái đất. (thật ra các bạn có thể cho đoạn kết là cuộc chiến với alien nhưng nhà khảo cổ học quèn mà đánh với alien thì nó ảo ma Canada và atsm kiểu tuổi teen nên mình không theo hướng đó nhé)
  • ABC huỷ được một vật phẩm alpha giấu bên trong xác ướp của Pharaoh Khafa, đồng thời cũng là huỷ luôn xác ướp còn nguyên vẹn của Khafa (ước mơ cả đời của ABC là tìm ra xác ướp thất lạc của Khafa).
  • Đối mặt với xác ướp vua Khafa sống lại, thực chất là bị điều khiển bởi vật phẩm alpha.
  • ABC và FL vượt qua những cạm bẫy thứ ba trong KTT.
  • Dùng nhà khoa học XYZ làm bàn đạp để thoát bẫy (bất đắc dĩ, XYZ chết do chính tham vọng của mình).
  • Đấu với nhà khoa học XYZ (ước mơ của nhà khoa học này là được tiếp xúc với alien để chứng minh sự tồn tại của họ).
  • Nhà khoa học XYZ đuổi tới nơi và dẫn theo FL làm con tin.
  • Đối mặt với cạm bẫy thứ ba trong KTT. Cạm bẫy này đòi hỏi phải có một người hy sinh.
  • Vượt qua cạm bẫy thứ hai trong KTT.
  • FL bị thương nên ở lại địa điểm đó cho ABC đi tiếp.
  • Huỷ đi một cổ vật quan trọng để cứu một người bạn đồng hành FL (ABC nổi tiếng là người thà chết chứ không làm hư cổ vật).
  • Vượt qua cạm bẫy thứ nhất trong KTT.
  • ABC và FL phải phối hợp với nhau ăn ý (ABC trước giờ là người làm việc độc lập và ghét bị quấy rầy).
  • ABC gặp khó khăn trong khi vượt qua cạm bẫy thứ nhất vì đó không phải là lĩnh vực (tạo ra một khuyến điểm cho nhân vật chính). FL bất ngờ xuất hiện giúp đỡ (ABC ngạo mạn nhưng phải nhượng bộ).
  • ABC một mình vào KTT và gặp cạm bẫy đầu tiên.
  • ABC vội vã đến KTT, chạy đua với thời gian vì ngày các alien đến đã gần kề.
  • ABC bỏ qua lời thỉnh cầu hợp tác của XYZ vì cho rằng XYZ điên loạn (mặc dù nghĩ rằng bản thân đột nhập vào KTT chỉ vì xác ướp của Khafa nhưng thực chất là vì muốn cứu người).
  • Tiết lộ backstory của XYZ luôn bị đồng bọn khinh do tìm bằng chứng alien trên Trái Đất trái với phương pháp của mọi người.
  • XYZ tiết lộ tham vọng muốn alien đến để chứng minh công trình nghiên cứu của mình.
  • ABC được XYZ cho biết sự thật về công dụng của vật phẩm alpha, thời gian kích hoạt, và bản đồ dẫn tới lõi KTT.
  • ABC cùng FL mang manh mối beta đến gặp XYZ để được hướng dẫn.
  • Beta có những dấu hiệu không giống Ai Cập cổ mà liên quan đến thiên văn nên ABC nghĩ đến một người.
  • Trong lúc họ cãi nhau thì beta bỗng nhiên kích hoạt dẫn đến việc hai người phải đình chiến để đi tìm hiểu.
  • FL tiết lộ bản thân mình là người được gia tộc uỷ thác trách nhiệm trông giữ beta.
  • ABC và FL cãi nhau xem ai sẽ là người sở hữu manh mối beta đó (set up mối quan hệ).
  • ABC và FL vào sinh ra tử vượt qua bọn buôn lậu để giành lại manh mối beta.
  • Trong lúc ABC vật lộn với bọn buôn lậu để lấy lại manh mối beta thì vô tình chạm mặt FL cũng đang đi thu hồi beta.
  • ABC đua tới sào huyệt của bọn buôn lậu (can đảm).
  • ABC bị bọn buôn lậu nẫng tay trên khi tìm ra beta trong một địa điểm khảo cổ.
  • ABC tìm thấy beta và kịp biết được beta dẫn đến lăng mộ của Khafa.
  • ABC bước vào một nơi bị ẩn giấu bên trong địa điểm khảo cổ.
  • ABC vào phát hiện thấy có những chỉ dẫn lạ thường không giống Ai Cập nên giải thử.
  • ABC lẻn vào đó và dễ dàng vượt qua các cạm bẫy.
  • ABC nghe tin về một hầm mộ vừa khai quật nhưng nơi đó vô cùng hung hiểm nên hiện đang bị niêm phong.
  • Tình huống giới thiệu ABC.

Tới đây, ta quay lại bước cuối cùng là thành công ngăn chặn alien xâm lược trái đất. Nếu kết ở đây thì hơi cụt nên chúng ta sẽ nghĩ thêm một chút đoạn sau cho cuối truyện hấp dẫn hơn. Ví dụ như!

  • ABC ngăn được bọn alien xâm nhập trái đất.
  • Ngôi mộ có dấu hiệu sụp đổ.
  • ABC và FL tìm đường thoát ra nhưng bị ngập trong nước.
  • FL có một bảo vật gia truyền hoạt động như một chìa khoá để mở cửa thoát ra ngoài (thân phận con cháu vương tộc của FL)
  • ABC không khai quật được Khafa và cũng không ai biết chuyện bảo vệ trái đất để công nhận nhưng bù lại thì có được tình cảm của FL (ABC nhận ra có những thứ còn quan trọng hơn khảo cổ).

Vậy là qua quá trình lên sơ bộ mạch truyện, ta đã có ba nhân vật với sơ sơ một vài đặc điểm tính cách, ngoại hình, và ước mơ,… Giờ là lúc phác thảo kỹ hơn, bóc tách kỹ hơn về nhân vật. Thông thường, mỗi nhân vật sẽ có cấu tạo ba chiều với tám đặc điểm sau:

  1. Chiều thứ nhất:

Đây là những gì mà nhân vật để lộ ra bên ngoài cho cả thế giới thấy. Ở chiều này, chúng ta sẽ phải thiết lập tên, tuổi, giới tính, quốc tịch, sắc tộc, ngoại hình, và tính cách bề nổi của nhân vật. Làm kỹ hơn một chút thì sẽ có thói quen, lối sống, vật liền thân,… Nhiệm vụ của chiều này là gây ấn tượng với độc giả, khiến độc giả nhớ được đặc điểm điển hình của nhân vật. Liên hệ với cách mấy người xem phim hay kể về nhân vật bằng biệt danh hoặc đặc điểm hơn là tên.

  1. Chiều thứ hai:

Chiều thứ hai là lý do vì sao lại có chiều thứ nhất hay nói cách khác, chiều thứ nhất là con đẻ của chiều thứ hai. Ở chiều này chúng ta sẽ thiết lập backstory và mâu thuẫn nội quan của nhân vật. Những sự kiện nào trong quá khứ đã để lại vết sẹo trên mặt nhân vật? Vì sao nhân vật lại ưa sạch sẽ đến thế? Vì sao nhân vật lại lười biếng và bàng quang?

  1. Chiều thứ ba:

Chiều thứ ba được thể hiện qua tuyến truyện. Đây là chiều ẩn. Độc giả không thấy được cho đến khi nhân vật nhập arc. Chiều này cho chúng ta thấy rõ nhân vật thật sự là người như thế nào. Khi đối mặt với tình huống thực tế, nhân vật có ứng xử như tính cách bề nổi của mình hay không? Chiều này gồm có thế giới quan. Công thức của thế giới quan là quá khứ cộng mâu thuẫn nội quan. Ngoài ra còn có mục tiêu cùng động lực của nhân vật. Tất cả những yếu tố này mới là thứ gây ảnh hưởng lên quyết định và hành động của nhân vật chứ không phải tính cách bề nổi. Một sinh viên lười có thể đi dậy muộn, đi học muộn, nhưng một sinh viên lười đang yêu thì vẫn sẽ dậy sớm để đón chuyến xe bus mà crush mình hay đi.

  1. THÔNG ĐIỆP

Thông điệp là một khái niệm trừu tượng và bị nhầm lấn với cốt truyện. Khi được hỏi “bộ truyện này nói về gì vậy?” thì đã số mọi người sẽ bắt đầu kể lại nội dung. Đúng ra câu hỏi nên là “Bộ truyện này gửi gắm thông điệp gì vậy?” Và quả thật, nghĩ ra câu trả lời cũng không phải là chuyện dễ.

Đó cũng chính là tính chất của thông điệp. Một câu chuyện có thông điệp sâu sắc sẽ khiến người ta dành nhiều thời gian để suy ngẫm. Một câu chuyện không nhất thiết chỉ có một thông điệp mà tác giả có thể khéo léo lồng ghép thành nhiều lớp, tạo điều kiện cho độc giả bóc tách và phân tích. Ví dụ như Parasite.

Thông điệp khá là mơ hồ nên nhiều khi tác giả cũng không tính đến, không nhận ra được là mình đang muốn truyền tải điều gì qua câu chuyện. Đơn giản mà nói thì thông điệp và nội dung khác biệt nhau như sau:

  • Nội dung chỉ quẩn quanh trong không gian truyện. Thông điệp vượt xa ra ngoài trang giấy.
  • Nội dung tác động đến nhân vật. Thông điệp tác động lên độc giả.
  • Nội dung là cuộc sống ảo. Thông điệp là cuộc đời thật.

Vậy có nhất thiết cần chèn thông điệp vào câu chuyện không? Câu trả lời là “không”. Hoàn toàn tuỳ thuộc vào thể loại, nội dung truyện, mục đích sáng tác và khả năng của tác giả. Vì thông điệp là yếu tố phân biệt dân pro và dân newbie. Nói một cách dễ hiểu, dân newbie kể chuyện, dân pro kể chuyện khiến người nghe ám ảnh vl~.

Những thông điệp thường thấy: tình bạn, tình yêu, sự hy sinh, sự phản bội, tình yêu nước, mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo, mâu thuẫn giữa khoa học và môi trường, quyền lực và sự suy đồi, tuổi thanh xuân và các vấn đề liên quan,… Nhìn chung, thông điệp thường có dạng là một danh từ trừu tượng.

Có hai cách để đưa thông điệp vào truyện. Thứ nhất đặt sẵn thông điệp muốn truyền tải rồi xây dựng tình tiết để nhân vật thể hiện thông điệp ra. Đây là cách cơ bản và thường gắn liền với câu “chúng ta nên làm thế này trong tình huống này.” Ví dụ như Mật Mã Da Vinci. Độc giả đứng hẳn về phe chống lại những bí mật tôn giáo. Thứ hai là để nhân vật và cốt truyện tự do tạo ra không gian thông điệp và ứng xử theo setting của họ. Cuối cùng, độc giả sẽ là người tự nghiệm ra thông điệp dựa trên hành động của nhân vật. Đây là cách nâng cao và thường gắn liền với câu “chúng ta sẽ làm gì trong tình huống đó?” Ví dụ như Tiệc Trăng Máu. Bạn sẽ ứng xử như thế nào trong bữa tiệc đó khi phát hiện ra những bí mật như vậy?

  1. CẤU TRÚC

Một câu hỏi thường được đặt ra là bây giờ viết cái gì và đặt cái đoạn ấy ở đâu. Chắc một số bạn đã từng nghe qua mô hình Plot Map. Mô hình này có tổng cộng 6 bước chia thành 3 phần giống hệ như một bài văn bình thường chúng ta hay viết gồm: Mở, Thân, và Kết.

    1. Mở

Trong phần Mở, truyện sẽ trải qua hai bước là Exposition và một phần Conflict. Tuy trình tự là như vậy nhưng theo kinh nghiệm của cá nhân mình, tác giả ban đầu nên xác định trước bước Conflict. Vì vậy mình sẽ nói về Conflict trước.

Conflict là cái mâu thuẫn khởi đầu cho tất cả mọi thứ. Conflict sẽ phá tan lối sống bình thường của nhân vật chính. Đưa nhân vật phản diện lần đầu tiếp xúc và cản bước nhân vật chính. Để rồi sau đó, hai bên chính thức bước vào cuộc đối đầu. Nhiệm vụ trước nhất của tác giả chính là tìm ra cái điểm này. Ví dụ như trong một câu chuyện romcom thì khi nữ phản diện công khai đối đầu với nữ chính để giành giật nam chính sẽ là Conflict. Hay lấy Huyền Thoại Cổ Ngọc ra làm ví dụ thì Conflict nằm ở chương 39 lúc quân đội Illuminus kéo tới đập đảo Froustmoust. Nhưng hết sức lưu ý là phần Mở chỉ dừng ở giới thiệu Conflict ra thôi. Ví dụ như chương 39 sẽ kết thúc khi phát pháo đầu tiên của Illuminus vang lên, và trong bộ Romcom thì nữ phản diện vừa cất lời tuyên bố theo đuổi nam chính. End ở đó. Nhân vật chính đối diện với Conflict sẽ nằm ở phần Thân.

Okay, vậy là chúng ta đã có Conflict. Giờ đi ngược lên Exposition. Exposition có nhiệm vụ giới thiệu nhân vật, bối cảnh thế giới, và định hướng phát triển mạch truyện. Nói chung là nó sẽ set up trước một loạt những thông tin và sự kiện để dẫn đến Conflict. Ví dụ như trong bộ Romcom thì phần Exposition phải giới thiệu nữ chính, nam chính, nữ phản diện, set up trước mối quan hệ giữa ba người, cho thấy được mục tiêu của nữ chính là giành được tình cảm của nam chính ngu ngơ, cho thấy được độ dở hơi và hậu đậu của nữ chính, cuối cùng là thấy được đẳng cấp thượng thừa của nữ phản diện trong việc lấy lòng nam chính, thể hiện được sự ức chế và cảm giác lo lắng nghi hoặc của nữ chính để rồi cuộc đối chính thức bùng nổ ở sự kiện Conflict. Ví dụ Huyền Thoại Cổ Ngọc, để Illuminus danh chính ngôn thuận tiến đánh Froustmoust thì cần hai yếu tố là nhân vật Charlotte phải nắm được chính quyền và phải có một cái cớ để chinh phạt. Phần Exposition kéo dài từ chương 1 đến chương 39 đã set up được bên phía Froustmoust cử Tiên tri sang thăm dò Illuminus như thế nào và bị bắt, vu cho là ám sát Tổng thống, từ đó tạo ra cái cớ. Bên cạnh đó là nhân vật Charlotte tự tay hạ độc Tổng thống bằng máu sinh vật huyền bí, thao túng Thống đốc các thành bang và dân chúng, khống chế nhánh lập pháp và tư pháp để tập trung quyền hành vào tay mình. Cuối cùng khi thoả cả hai điều kiện, có quyền và có cớ, cuộc chinh phạt diễn ra.

Chúng ta sang phần Thân.

    1. Thân

Phần Thân bắt đầu từ việc giải quyết phần Conflict và chuyển dần sang Rising Action. Có thể chèn nhiều Rising Action liên tiếp nhau tuỳ theo tác giả có bao nhiêu plot phụ (subplot) và cuối cùng là Climax.

Ở đây, chúng ta mới bắt đầu thấy cách nhân vật chính phản ứng lại với Conflict ra sao. Ví dụ như nữ chính chấp nhận cuộc thi đấu với nữ phản diện. Sự đối đầu kéo tới hàng loạt những Rising Action như giành nhau tặng quà sinh nhật cho nam chính, rủ nam chính đi cắm trại qua đêm với trường, muốn nam chính kèm cho mình học, và cuối cùng là Climax — sự kiện quan trọng mang tính quyết định. Cái này sẽ nói sau. Giờ tiếp tục lấy ví dụ Huyền Thoại Cổ Ngọc. Nhân vật chính là pháp sư Orvar phản ứng thế nào khi thấy Froustmoust đại bại dưới tay Illuminus? Cậu ta dĩ nhiên sẽ tìm đường báo thù và dẫn tới một loạt các Rising Action như sự kiện hợp tác với Tứ hoàng tử Long Cao Tuấn, hợp tác với nữ Huyết Chuỷ Titula, cuộc hành trình tìm thông tin về Cổ Ngọc ở Thư viện Hetra, cuộc đột nhập giải cứu Tiên tri Olivette, cuộc vây bắt ở Ngân hàng Florentino, sự kiện đẫm máu tại Lễ hội Thổ Mẫu Thần, tìm ra manh mối Cổ Ngọc tại bảo tàng Mathik, biến cố tại vùng Bolstrike, trận chiến ở dòng sông Kropewasse,… nhiều lắm và cuối cùng cũng dẫn tới cao trào Climax.

Climax là sự kiện lớn nhất, quan trọng nhất. Bản thân nó phải giải quyết được cái Conflict trong phần Mở. Ví dụ như bộ Romcom thì có thể buổi dạ hội tốt nghiệp. Nam chính chỉ có thể mời một trong hai cô gái và tác giả phải đưa ra được những trắc trở, hiểu lầm, để rồi nữ chính sẽ dùng thủ đoạn nào đó khiến nam chính nhận ra tình cảm của mình và chọn cô ấy. Phần climax này đưa ra cho các nhân vật câu hỏi cuối cùng, “giữa cô ấy và em, anh chọn ai?” Với trường hợp của Huyền Thoại Cổ Ngọc thì đó là buổi xét xử nhân vật Charlotte. Liệu Charlotte có phải trả giá cho những tội ác của mình hay không? Các bạn thử đọc đi rồi biết cao trào của truyện có hấp dẫn không nhé.

Và cũng tương tự như Conflict trong phần Mở, ở phần Thân này, tác giả chỉ nhá hàng bước Climax thôi chứ chưa giải quyết vội. Phần Thân sẽ kết thúc khi nhân vật nam chính gõ cửa nhà của người mà mình chọn nhưng chưa vội cho độc giả biết đó là ai. Phần Thân của Cổ Ngọc sẽ kết thúc khi Charlotte bị đưa ra toà nhưng chưa biết phiên toà đó sẽ diễn ra như thế nào.

    1. Kết

Phần Kết gồm có Falling Action và Resolution. Hai bước này thường hay nhầm lẫn qua lại. Nói ngắn gọn, Falling Action chính là bước giải quyết của Climax (nói một cách cục súc thì chính là đoạn đánh lộn loạn cào cào khúc gần cuối phim); còn Resolution là phần giải quyết những vấn đề tồn đọng sau khi climax qua đi.

Falling Action của bộ romcom sẽ bắt đầu khi lộ diện người nam chính chọn là nữ chính, theo sau là màn bóc phốt nữ phản diện khiến độc giả hả hê vì con mắm bitchy đã bị trừng phạt thích đáng. Falling Action của Cổ Ngọc là kết quả của phiên toà, phe Charlotte và phe Orvar đập lộn ra sao, tung tích viên Cổ Ngọc đầu tiên thế nào.

Resolution của bộ romcom sẽ là hai bạn vui vẻ chính thức bắt đầu những ngày tháng yêu nhau sủng ngọt đến tiểu đường và kết bằng câu happily ever after sến lụa sến là; nam chính và nữ chính giải quyết mối quan hệ với nữ phản diện; nữ phản diện sống với hậu quả từ những việc mình làm. Resolution của Cổ Ngọc thì có một chút đặc biệt hơn vì đây là truyện nhiều tập nên phần Resolution sẽ đương thêm nhiệm vụ set up tiếp bối cảnh cho quyển sau. Ngoài việc cho thấy phe thắng cuộc lập lại chính quyền như thế nào, phần này còn nhá hàng những mối hiểm hoạ mới, những âm mưu mới, và kế hoạch mới ở cả hai phía, sẵn sàng mở đường cho cuộc hành trình tiếp theo.

Tới đây, có thể những bạn nào đã đọc truyện rồi sẽ thắc mắc tại sao không nhắc tới tuyến của Thiên Thanh và Thobanon? Những tuyến đó sẽ nằm ở đâu trong Plot Map. Câu trả lời là những tuyến phụ này chủ yếu phục vụ cốt truyện ở quyển 2 nhưng không thể chờ đến quyển hai mới bắt đầu set up được nên tác giả sẽ cài cắm rải rác trong bước rising action. Bản thân những subplot này cũng có một plot map riêng của nó nằm trong plot map chính của quyển 1 và cũng có sáu bước riêng của mình. Kiểu như tập hợp con bên trong tập hợp mẹ vậy.

  1. TRIỂN KHAI PHÂN CẢNH

Thật ra chủ đề này mình đã có viết một bài riêng rồi (các bạn có thể tìm đọc lại bằng cách vào truyện HTCN và xem trong phân mục Thảo Luận nhé). Ở đây mình sẽ tóm tắt lại một số ý chính ở dạng gạch đầu dòng như sau:

  • Cảnh là một hệ thống nhân vật tương tác với nhau trong một khung thời gian và một địa điểm. Khi một trong địa điểm, thời gian, hoặc góc nhìn thay đổi thì hết một cảnh.
  • Một chương có thể là một hoặc nhiều cảnh.
  • Cảnh sẽ có kết cấu: [Nhân vật] muốn [mục tiêu], nhưng [trở ngại], nên [giải pháp]. Nếu thiếu một trong những yếu tố này thì cảnh đó thường sẽ thiếu cao trào vì không trọn vẹn. Nói cách khác, mỗi cảnh phải có mục tiêu và kết cảnh phải có gì đó mới mẻ, có gì đó thay đổi. Nếu một cảnh chỉ có ngồi nói chuyện phiếm với nhau về những thứ vớ va vớ vẩn thì cảnh đó không hiệu quả.
  • Khi chuyển cảnh, nên sử dụng những cụm trạng ngữ để chuyển. Hạn chế sử dụng khoảng trắng hoặc ký hiệu. Tuyệt đối không chuyển cảnh bất chợt, đột ngột như cầm độc giả quăng sang chỗ khác.
  • Cảnh tiếp theo thường sẽ mở đầu bằng kết thúc của cảnh trước.

Phần quan trọng nhất ở đây mà mình muốn nói tới là kỹ thuật chèn exposition, nói cách khác là chèn thông tin vào chương. Làm không tốt exposition thì sẽ dính lỗi info dump, tức là nhồi sọ độc giả với một lượng lớn thông tin không cần thiết.

Để làm tốt exposition thì tác giả trước hết phải giữ một cái đầu lạnh, không tham lam, và luôn tỉnh táo nhận xét tình hình. Tiếp theo, xét xem thông tin nào cần thiết. Tuy rằng chỗ này cần tiết lộ về luật pháp nhưng cũng đâu cần lôi hết cả hệ thống pháp luật, tư tưởng pháp trị, và báo cáo tình hình trị an ba năm gần đây thành mười đoạn văn dài sọc. Không ai muốn đọc những thứ đấy cả. Vậy, ta chèn thông tin bằng những cách nào?

  1. Chèn bằng miêu tả

Thay vì báo cáo tình hình trị an bất ổn, hãy miêu tả cho độc giả thấy những vụ trấn lột lộ liễu trắng trợn trong hẻm. Gái mại dâm tràn ra đường vẫy khách. Nạn cờ bạn khắp các nẻo phố. Cáo thị truy nã dán khắp nơi,… Tuy nhiên khi dùng cách này, chú ý đến vấn đề logic. Đừng chăm chăm vào tả mà làm quá lên vấn đề. Trong lúc miêu tả, tác giả có thể nhân cơ hội này dùng các hình ảnh để foreshadow trước các sự kiện (sẽ có một bài riêng về foreshadow nhé). Đây cũng là một kỹ thuật viết khá thú vị.

  1. Chèn bằng thoại

Thay vì cho một mớ kiến thức sách giáo khoa về cách phân cấp phép thuật và các nguyên tố sử dụng thì hãy lồng nó vào thoại. Nhân vật A hướng dẫn cho nhân vật B. Lưu ý, với cách này, phải bảo đảm một trong hai nhân vật không biết gì về thông tin đó. Nếu cả hai nhân vật đều là chuyên gia trong lĩnh vực mà còn ngồi giải thích cho nhau thì có hợp lý không nhỉ?

  1. Chèn bằng tình tiết

Cho nhân vật trực tiếp trải nghiệm cảm giác ăn cơm tù, hứng chịu bất công trong xã hội thay vì dùng cả một đoạn văn dài để kêu ca về tình hình bất ổn trong thành phố. Tình tiết này có thể đẩy cốt truyện đi tới, hay thậm chí là mở ra một nhánh subplot khác nữa.

  1. GIỌNG VĂN

Đây là yếu tố mà không ai giúp được tác giả ngoài chính bản thân bạn ra. Giọng văn hình thành từ tính cách, tâm trạng, trải nghiệm trong quá khứ, vốn liếng văn học mà bạn tích luỹ. Bạn là người lãng mạn, mỉa mai, cay độc, thờ ơ, sâu sắc, hay nông cạn phiên phiến, giàu vốn sống hay thiếu kiến thức xã hội? Tất cả đều hiện rõ một phần nào đó qua giọng văn.

Một người có thể có nhiều giọng văn khác nhau. Khi viết truyện tình cảm, truyện kinh dị, truyện hành động, mỗi thể loại sẽ đòi hỏi một giọng văn đặc thù. Nếu bạn dùng giọng hài hước để kể chuyện kinh dị, cũng được thôi, nhưng sẽ tạo ra một hiệu ứng hoàn toàn khác.

Giọng văn không chỉ thay đổi theo thể loại như ở trên vừa nói mà còn thay đổi theo nhân vật. Nếu bạn viết đa góc nhìn (Cổ Ngọc chẳng hạn), giọng văn sẽ có chút thay đổi ở những câu đậm chất góc nhìn của nhân vật. Một số chương sẽ thấy giọng văn hài hước hơn. Một số chương lại thấy cẩn trọng, dè dặt hơn. Một số chương nhịp độ nhanh hơn chương khác. Một số chương lại trầm buồn và chìm vào nội tâm. Hay khi nhân vật bước vào hội thoại, giọng văn cũng phải thay đổi dựa trên giới tính, văn hoá, tính cách, độ tuổi, sắc tộc, trình độ tri thức, tâm trạng hiện tại, và mục đích của họ.

Chính vì sự đa dạng như vậy nên tác giả mới cần phải trau dồi để làm chủ được nhiều giọng văn khác nhau và linh hoạt tuỳ biến trong các tình huống.

Nhưng quan trọng nhất là đừng quên giọng văn gốc của mình khi học theo giọng văn của người khác.

 

KẾT

Vậy đó. Trên đây chính là sáu yếu tố cần thiết để xây dựng và kể một câu chuyện. Tiền đề, nhân vật, thông điệp, cấu trúc, cảnh, và giọng văn. Chúc các tác giả luôn có cảm hứng dồi dào và vững tay sáng tác nhé.

Nguồn:

Các kiến thức trên đây (ngoại trừ ví dụ) đều là "chôm" và tổng hợp từ quyển Story Engineering của nhà văn Larry Brooks.

Truyện sáng tác

21 Bình luận

Bài viết đỉnh quá! Có tâm có tầm và có tấm chiếu đã trải đủ lâu
8893-signyummy.png
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Giựn Hỉ rồi ~ bảo đến dự thính mà rốt cuộc out server~ đã bảo ko gặp ko về mà lại lỗi hẹn! :-w
Xem thêm
@oceannguyen: xin lỗi anh, thế sự vô thường, thân bất do kỷ, sẽ có ngày chúng ta gặp lại. Yeehaw~
6550-peepocowboy.png
Xem thêm
Hay lắm ạ.(^~^)
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Bữa nghe trực tiếp rồi mà nay vô đọc lại nữa~ <3
Xem thêm
@oceannguyen: vâng. Em còn có cả bản ghi âm nữa cơ. Hôm ý em vào muộn 30p ><
Xem thêm
AUTHOR
Đào lên lại vì trôi quá.
Xem thêm
Tks, thấy của bác đại dương là chất lượng rồi.
Xem thêm
TRANS
Tem (3)
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Bài khá dài. Bạn nào ngán đọc thì có thể ghé qua Discord của OLN tối chủ nhật 8h để nghe tóm tắt, nếu không chê ạ... :(
Xem thêm
AUTHOR
Ấy chết, em lỡ quên tham gia rồi :(
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
@Tinker: Trời, anh cũng vậy~ ko ai nhắc ai~ :((
Xem thêm
TRANS
Hay quá ạ <3
Lâu rồi ko thấy bài hướng dẫn mới :))
Xem thêm
MOD
AUTHOR
TRANS
Tem
Xem thêm
phần giới thiệu bản thân của bác mod đọc ko hiểu gì
Xem thêm
MOD
AUTHOR
TRANS
Xem thêm
Xem thêm 3 trả lời