Do gần đây nhận được tin nhắn nhờ giúp đỡ từ vài bạn mới tập viết nên tôi tự nhiên thấy muốn chia sẻ cái này.
+Tâm lý viết dành cho newbie:
Do thời gian gần đây gặp nhiều trường hợp thật hết nói nổi nên tôi sẽ thêm một mục nữa về phần tâm lý người mới này.
Đừng nên nghĩ bạn là cái rốn của vũ trụ. Ở Hako, mọi thứ đều có luật, bạn được một nơi miễn phí để thỏa sức sáng tạo thì cũng cần tôn trọng luật.
Viết lách cho người khác là một hành trình của sự tôn trọng. Tôn trọng bản thân, tôn trọng thứ mình viết ra, tôn trọng nơi mình đăng truyện, tôn trọng những người đọc truyện.
Tôn trọng nhân vật và thế giới mình xây dựng nên, đừng trở thành một vị chúa phiền phức bẻ cong suy nghĩ, tính cách nhân vật và quy luật thế giới vận hành để mọi thứ diễn ra như mình muốn một cách vô lý.
Chưa kể, nhập gia tùy tục, và bạn phải tôn trọng người khác rồi thì hẵn mong họ tôn trọng bạn, ok?
+Các kỹ năng viết cơ bản:
Thực sự thì tôi là một người có văn phong thuộc nhóm còn non tay trong group sáng tác. Cơ mà người ta vẫn bảo học thầy không tày học bạn, thế nên tôi sẽ chia sẻ vài mẹo của chính mình.
Ok, bắt đầu nào.
Để cải thiện kỹ năng viết một câu chuyện thì đầu chia kỹ năng này ra làm hai danh mục: Cốt truyện/Diễn Biến và Cách trình bày/Bố cục
Đầu tiên về Cốt truyện/Diễn biến:
Để cải thiện cái này thì bạn cần có sự thấu hiểu về ba điều:
-Thấu hiểu nhân vật:
Nhân vật là lăng kính mà qua họ, người đọc sẽ khám phá, trải nghiệm câu chuyện này. Hiểu nhân vật của bạn là thế nào, cách suy nghĩ, tính cách, cách mà họ sẽ phản ứng trước các tình huống ra sao, cách họ đối nhân xử thế, mục đích của họ. Và ngoài ra, còn cả sự phát triển tính cách nhân vật nữa. Tất cả là để tạo ra những nhân vật đa chiều và có thể cuốn hút người đọc. Để làm điều này, tôi sẽ xem thật nhiều video breakdown các nhân vật đa chiều từ các phim tôi thích để hiểu cách dựng một nhân vật.
Ba thứ tạo nên một nhân vật chính dễ theo dõi:
+Mục tiêu: Mục đích của nhân vật, thứ thúc đẩy mọi hành động của họ, nên làm rõ càng sớm càng tốt, trừ khi muốn làm kiểu nhân vật bí ẩn (phải làm rất khéo kiểu té đập mặt đó). Mục đích của nhân vật cũng có thể coi là lời hứa về kết thúc của truyện, giúp người đọc không mơ hồ về chuyện gì đang xảy ra.
Đây cũng là thành phần cần thiết nhất để tạo một nhân vật chủ động. (Loại nhân vật dễ được người đọc quan tâm)
=> Muốn tạo một nhân vật chủ động, dễ theo dõi thì sự liên kết giữa mục tiêu của nhân vật, (cái nhân vật muốn) và những hành động nhân vật làm gì liệu có được thúc đẩy bởi điều đó. VD: Anh em nhà Eldric của Full Metal Alchemist mong muốn khôi phục cơ thể nên cả cuộc phiêu lưu đều đóng vai trò hỗ trợ mục đích này thành hiện thực.
+Lựa chọn: Khoảnh khắc phải đưa ra lựa chọn (khó khăn) là lúc ta hiểu nhân vật rõ ràng nhất, mong muốn, tính cách, bản chất, họ sẵn sàng hi sinh điều gì vì mục tiêu đã nói tới ở trên. VD: Liệu một anh hùng có sẵn sàng hi sinh mạng sống của một đứa trẻ vô tội để cứu lấy vạn người? Tùy lựa chọn mà người đọc sẽ hiểu lý tưởng anh hùng này nằm ở đâu.
+Điểm yếu: Là thứ tạo nên một nhân vật sống động và đa tầng. Điểm yếu ở đây không phải là thứ đụng vào chết ngay như Kryptonite của anh sịp đỏ. Mà là một lỗi về bản chất, tính cách hoặc lo âu gì đó khiến họ muốn chỉnh sửa nó, và có thể hành trình của câu chuyện là để sửa nó là đằng khác. Một điểm yếu sẽ giúp cho người đọc thấy rằng nhân vật không phải là hoàn hảo như một người máy thiếu chiều sâu mà gần giống như một người phàm hơn. Bởi vì chẳng ai hoàn hảo ngoài đời cả. Với cả một nhân vật có điểm yếu về mặt tính cách sẽ có thể thu hút người xem quan tâm hơn.
-Thấu hiểu thế giới:
Hiểu cách mà thế giới bạn viết vận hành thế nào, giới hạn của nó ra sao, ảnh hưởng của nó tới cốt truyện, tất cả là để tạo một thế giới đáng tin và cuốn hút. Xác định rõ là nó khác với hiện thực của mình ngay bây giờ đến cỡ nào. Và nếu khác thì điểm nhấn độc đáo nào khiến cho thế giới này thú vị? Và nếu đó là điểm nhấn khác biệt độc đáo thì thế giới với sự tồn tại của nó sẽ phát triển quay quanh nó thế nào?
CẢNH BÁO: Dù đối với người đọc đặc điểm của thế ấy ấy là khác biệt, nhưng từ góc nhìn của nhân vật thì đấy là thường thức, nên đừng giảng giãi quá mức thành mất tự nhiên
Có thể thời liên tục nghĩ tới ba dạng câu hỏi "cái gì", "tại sao" và "như thế nào" về các đặc điểm trong quá trình hình thành thế giới. Họ ăn cái gì? Tại sao họ ăn nó? Họ ăn như thế nào? Vv, giải đáp dần từ các câu hỏi nhỏ mà phát triển thành các câu hỏi lớn hơn về địa lý, kinh tế, chính trị.
CẢNH BÁO: Dù có tạo ra thế giới thú vị, chi tiết cỡ nào, đổ dồn hết thông tin trong mấy chương đầu rồi bơ luôn từ đó là chết mụ nội đấy. Người đọc không phải học sinh lịch sử, nên đừng bắt họ học tập như đề cương trước khi đọc. Nên dàn trải thông tin cần thiết cho nhỏ và ngắn gọn phù hợp với từng diễn biến với cách lồng vào cốt truyện, đối thoại tự nhiên. Và hãy tự nhủ là phân nửa cái world building mình soạn ra người đọc sẽ không thấy trong cốt truyện đâu, hoặc ko bao giờ thấy.
-Thấu hiểu điều cốt lõi, ý nghĩa, chủ đề của câu chuyện mình truyền tải:
Đây là cái dễ nhất nhưng cũng đồng thời là khó nhất, bạn phải hiểu được cái mình viết là mục đích gì, có ý nghĩa gì.
Biết mình cần truyền tải điều gì thì mới có thể dễ dàng quyết định được một cách thống nhất các diễn biến, nhân vật mình viết sẽ ra sao.
Cốt lõi của truyện nên đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt, có thể giải thích gọn ghẽ trong 1, 2 câu chứ đừng cao xa nhảm nhí quá.
VD: Truyện của tôi là về sự cô đơn và tìm kiếm nơi mình thực sự thuộc về, phim The Dark Knight là sự đối đầu giữa công lý và tội ác, giữa trật tự và sự hỗn loạn, Rick and Morty là về một gia đình có vấn đề, Sự im lặng của bầy cừu là một chuyến đi khám phá vào cách suy nghĩ của những kẻ điên rồ.
=> Và cuối cùng trọng cần nhớ là phải có sự liên kết giữa cả nhân vật, thế giới và câu chuyện truyền tải. Chúng phải hỗ trợ cho nhau và cùng giúp tạo dựng một câu chuyện đặc sắc, cuốn hút hơn.
Tiếp theo là về mục Cách trình bày/bố cục:
Sau khi đã có được câu chuyện, cái quan trọng là cách bạn truyền đạt nó cho người khác. Một trong những quy luật cơ bản nhất chính là "Show, don't tell", đừng kể lể hết từ đầu cái lịch sử của một thế giới hay cá tính nhân vật ra sao, hãy cho người đọc tận mắt chứng kiến điều đó qua những trải nghiệm, học hỏi của nhân vật, cách họ suy nghĩ, cách họ đối nhân xử thế. Hãy cứ rải từ từ những cái đó thật tự nhiên. Về cái này thì hãy đọc nhiều tác phẩm tốt, phù hợp, tìm hiểu những video, bài viết về cách kể một câu chuyện (how to tell a story), các video breakdown về cách kể chuyện của phim hay, truyện, vv
Một vài ví dụ về cách kể chuyện:
Một lời khuyên tôi tìm được khi viết một nhân vật chính (người tốt) là hãy khiến cho nhân vật chính của bạn được lòng người đọc càng sớm càng tốt, khiến cho người đọc muốn ủng hộ họ. Vì người đọc ủng hộ và có hứng thú thì mới muốn theo dõi nhân vật này sẽ làm gì.
Hãy khiến cho người đọc có thể đồng cảm và muốn cổ vũ cho nhân vật chính càng sớm càng tốt. Ví dụ như John Wick trong 15 phút đầu của phim, được đạo diễn tập trung lột tả là một người đàn ông vô cùng yêu thương vợ, đang đau đớn tột cùng vì mất cô ấy, nhận được món quà cuối cùng từ người vợ quá cố là chú chó con, gắn kết, chăm sóc, yêu thương nó. Đây là các điểm để khiến người xem đồng cảm, thấu hiểu và muốn cỗ vũ cho anh ta. Cũng như dùng làm tiền đề để họ theo dõi phản ứng nổi điên của John khi trả thù.
Một ví dụ quan trọng khác còn có "Hành trình của anh hùng", một người đang có cuộc sống bình thường, nhận được tiếng gọi phiêu lưu, đi vào một hành trình đầy những điều mới mẻ, đối mặt với một nghịch cảnh, vượt qua và trưởng thành/thay đổi, trở về cuộc sống trước đây với một góc nhìn khác về thế giới.
Ngoài ra thì còn cả xây dựng tình huống, build up để tạo ra sức chấn động, ảnh hưởng của tình huống. Có thể ví một diễn biến, tình huống nào đó như chích nổ một trái bóng bay, bạn càng bơm nhiều khí vào thì nó nổ càng to. Tức là muốn tạo sự chấn động thì phải có sự xây dựng kỹ càng trước đó. Ví dụ như khi bạn giết một nhân vật đi, hãy xây dựng sự quan trọng của họ đối với các nhân vật khác và thế giới, họ là người thân của ai, họ đối xử với ai đó như thế nào, họ mạnh cỡ nào, vv, thì khi bị giết, cái chết của họ sẽ có sự chấn động lớn hơn nhiều với cả câu chuyện lẫn người đọc.
Đó là vài ví dụ cơ bản, còn nhiều thủ thuật kể chuyện lắm nên xin hãy tự tìm hiểu thêm.
Và về cách trình bày truyện, bạn hãy cải thiện văn phong của mình bằng cách đọc thêm nhiều tác phẩm hay và học cách họ viết. Hãy thí nghiệm với các cấu trúc câu khác nhau thay vì các câu đơn giản. Hãy tìm thêm các từ vựng mới trên mạng và bổ sung vào vốn từ của mình.
Và tránh đừng để câu cú quá dài dòng hay lặp từ. Theo tôi, một câu chỉ cần chứa hai vế chính là đủ, ba nếu bạn thực sự muốn kéo dài nó. Nếu thấy quá dài, hãy cắt nó ra. Tuy nhiên, việc tránh lặp từ cũng là một bài tập tốt để mở rộng vốn từ và luyện kỹ năng viết. Bởi vì bạn sẽ phải tìm cách thay thế những từ bị lặp, dù là tìm đồng nghĩa, hay thay đổi cấu trúc câu, vv
Về văn tả, tôi nghĩ một bài tập tốt để thử là hãy viết một đoạn văn tầm 300 từ để tả ai đó, gì đó hay nơi nào đó, nhưng không hề sử dụng tới những tính từ chung chung như xấu, đẹp, vv
Để tránh tường thoại, thì tôi sử dụng quy luật do một bà chị trùm sò biến thái cực kỳ cực kỳ cực kỳ cực kỳ đáng sợ của group đã chỉ. Một cuộc đối thoại nên tách ra thành các phân đoạn bốn câu nói mà thôi. Sau đó thì phải có một sự thay đổi, nút thắt gì đó trong diễn biến truyện hay một thứ gì đó vừa được hé lộ qua cuộc đối thoại này. Hoặc có thể là miêu tả phản ứng, biểu cảm của nhân vật trong cuộc đối thoại này.
QUAN TRỌNG: hãy làm theo như bộ quy định của trang https://ln.hako.re/thao-luan/77-quy-dinh-doi-voi-oln và đọc các bài trong link lưu ý thêm dưới cùng của bài viết. Đây chẳng phải cổ hủ gì đâu, mà là những cái cốt lõi, cơ bản nhất trong việc viết văn đó. Chỉ cần làm theo thì chất lượng truyện sẽ ok trở lên.
Nói chung, cách luyện tập tốt nhất vẫn là viết, viết nữa, viết mãi để cải thiện kỹ năng.
Có thể đọc để có kinh nghiệm về cách các tác giả khác viết truyện... Nhưng có lẽ, quan trọng nhất vẫn là thể hiện chính mình qua văn viết. Viết văn là một cách lột tả bản thân. Hãy viết cái bạn muốn và chỉ bạn có thể viết. Và để làm điều đó thì hãy trải nghiệm thế giới này, đi du lịch, dậy sớm đón bình minh, nói chuyện, tâm sự với người khác, thực sự trải nghiệm những điều đơn giản thường nhật và tìm điều kỳ diệu, đẹp đẽ trong cuộc sống, tóm gọn những cảm xúc trong khoảnh khắc đó và đưa chúng vào văn mình. Hãy cho chúng tôi thấy thế giới này từ góc nhìn của bạn.
Và một điều cuối cùng, tự tin vào văn mình viết nhưng đừng tự mãn. Bạn chưa phải giỏi nhất và dù có là giỏi nhất cũng không thể là thế mãi mãi. Viết văn là phải liên tục phát triển, cầu tiến, cải thiện bản thân. Tự mãn sẽ khiến văn mình trở nên trì trệ và rỗng toác hoặc có phần hợm hĩnh. Hãy tiếp thu ý kiến của người đọc rồi cải thiện bản thân.
Thế thôi, cảm ơn các bạn đã đọc. Mong là những chia sẻ từ kẻ vô dụng này sẽ có ích gì đó đối với hành trình viết văn của các bạn. :)
24 Bình luận
Để mình bới tô cơm vào, rồi đọc xem bạn viết cái gì đã. =)))
Ừ, tui vẫn tạch.
Kì này đang bí ý tưởng, rồi nãy mới lụ lại mấy tin nhắn anh nhắn....
Giờ thì ý tưởng nhiều nhưng đang khó diễn đạt.