Vốn trong các tác phẩm của Masada luôn lấy các chủ đề nhất định cho từng câu chuyện, hay đúng hơn là các thời đại, qua đó ta có Công Giáo/Do Thái, Pangan Giáo, Thần Đạo, Ca kịch phương Tây,... Bộ Hắc Bạch Avesta này cũng không ngoại lệ, chủ đề chính của tác phẩm lấy cảm hứng từ tôn giáo Zoroastrian hay Bái Hỏa Giáo - đạo thờ thần lửa của người Ba Tư. Giờ bắt đầu điểm qua những khái niệm trong Hắc Bạch Avesta và mối liên hệ với Hỏa Giáo.
Avesta
Khái niệm đóng vai trò chính yếu trong bộ truyện. Avesta là một tập hợp các bản kinh thánh thời Ba Tư cổ đại của Hỏa Giáo (tôn giáo Zoroastrian) tôn vinh vị thần Ahura Mazda và được viết bằng tiếng Avesta (ngôn ngữ Đông Iran thuộc hệ Ấn- Âu).
Mithra/Chân Ngã (Shinga)
Trong bộ truyện, đây thường là nghĩa đi kèm với Avesta, nhưng Chân Ngã hay Mithra là vị nữ thần đầu tiên đạt được Thần Tọa, chi phối Đệ Nhất Thiên và áp đặt Pháp Tắc của bản thân lên toàn bộ Vạn Tượng. Hay nói cách khác, cô chính là người đứng đằng sau thao túng câu chuyện.
Vào thời tín ngưỡng đa thần (ngoài đời), Mithra là thần ánh sáng đem lại chiến thắng và sự phì nhiêu cho những kẻ thờ cúng. Tuy nhiên, trong Hỏa Giáo (sau khi cải cách), Mithra không còn vai trò quan trọng mà bị giáng cấp xuống thành một Yazata dưới trướng Ahura Mazda, đại diện cho lời thề, sự thật và hy vọng. Ngoài ra, La Mã cũng hình thành tôn giáo bí ẩn Mithraism sau khi chinh chiến Ba Tư.
Ngoài ra, thời Tiền Thần Tọa có thể lấy chủ đề là tôn giáo Ấn Độ/Kinh Vệ Đà. Trong đó, Mithra và Varuna, hai người thuộc thời kỳ ấy đều liên quan tới Vệ Đà. Mithra của Avesta hay Mitra trong Vệ Đà đều xuất phát từ mitrás nghĩa là “khế ước, hiệp ước, thỏa thuận, lời hứa” trong văn hóa Ấn-Ba Tư. Có lẽ cơ chế Điều Răn trong Đệ Nhất Thiên xuất phát từ nghĩa nguyên bản này và bản thân Mithra cũng sở hữu Điều Răn.
Ahura Mazda- Thiện Ác Nhị Nguyên Chân Ngã
Tên của thời Đệ Nhất Thiên, thế giới đầu tiên trong lịch sử Thần Tọa. Trước hết, Ahura Mazda, hay còn có tên là Ohrmazd, nghĩa là Chúa tể thông tuệ, là vị thần tối cao của Hỏa Giáo. Vị thần của ánh sáng, bầu trời, lửa thiêng và có thể phân biệt thiện ác. Tiếp đến là cụm bổ nghĩa, bỏ qua phần “Chân Ngã” vốn là tên vị thần cai trị thời đại, “Thiện Ác Nhị Nguyên” đề cập đến “Thiện Nguyên” - hóa thân của thần ánh sáng Ahura Mazda và “Ác Nguyên” - hóa thân của thần hắc ám Angra Mainyu. Trong Hỏa Giáo cũng tin rằng thế giới gồm 2 bản nguyên đối lập này đấu tranh lẫn nhau và con người có thể lựa chọn tự do, quyết định vận mệnh của mình (trong Avesta thì tất cả đều bị Mithra chi phối). Từ đây trở thành nền tảng cho việc giao tranh bất tận giữa hai phe Thiện và Ác trong thời Đệ Nhất Thiên này.
Ashavan - Nghĩa Giả và Dregvant - Bất Nghĩa Giả
Ngoài nghĩa được đề cập trong truyện, đây còn là thuật ngữ trong Hỏa Giáo, có nghĩa là sở hữu Aša (Đại Đức hoặc Chân Lý), có thể diễn giải thành “thấu hiểu chân lý” hoặc “có tấm lòng ngay thẳng”. Ngược lại, Dregvant có nghĩa là "quỷ quyệt, những kẻ bất chính". Trong Hỏa Giáo, đại diện của Dregvant là Angra Mainyu (vị ác thần bóng tối) còn đại diện cho Ashavan là Spenta Mainyu (vị thánh Amesa Spenta thứ bảy cai quản loài người) hoặc Ahura Mazda.
Vốn trong Hỏa Giáo, bất kỳ ai cũng có thể đạt được Aša nhưng trong Kinh Vệ Đà, chỉ có những người được định sẵn mới có thể sở hữu nên việc thấu hiểu Chân Ngã ở các mức độ khác nhau có thể là trộn lẫn từ 2 điều trên - mọi người đều hiểu Chân Ngã nhưng chỉ có các Chiến Binh mới hiểu hoàn toàn. Sự đối lập giữa Ashavan và Dregvant có trong Hỏa Giáo nhưng không có trong Kinh Vệ Đà.
Chiến Binh [Yazata] và Ma Tướng [Daeva]
Các Chiến Binh của phe Thiện và Daeva của phe Ác. Vốn trong thần thoại, Yazata là các thiên thần cũng được Ahura Mazda sinh ra để phò trợ ngài, bảo hộ đạo thờ lửa, còn mang nghĩa là “sùng bái” hoặc “kính trọng”. Hầu hết họ là những vị thần vào thời đa thần bị giáng cấp, tiêu biểu nhất là bộ ba Mithra, Rashnu, Sraosha. Daeva là những ác quỷ dưới trướng Angra Mainyu, đối nghịch với 6 Amesa Spenta, còn có thể được diễn giải là “những vị thần bị ruồng bỏ”. Sự tương phản giữa Yazata và Daeva tồn tại trong Hỏa Giáo lẫn Đệ Nhất Thiên.
Lãnh Địa Thánh Vương - Wahman Yasht
Điện Đường Chiến Binh nơi anh hùng hào kiệt tụ hội dưới sự dẫn dắt của Thánh Vương và chính nghĩa. Wahman Yasht có thể được lấy từ Zand-i Wahman yasht, sự nhầm lẫn dịch thuật của Zand-i Wahman yasn. Đây là một văn bản tiên tri về ngày tận thế trong Hỏa Giáo, được Ahura Mazda báo cho nhà tiên tri Zoroaster. Ngoài ra, Yasht còn là một tuyển tập gồm 21 bài thánh ca được viết bằng tiếng Avesta hiện đại, mỗi bài sẽ ngợi ca một vị thần hoặc khái niệm cụ thể trong Hỏa Giáo.
Vohu Manah
Tinh Linh Bảo Hộ của Lãnh Địa Thánh Vương, một con đại bàng trắng khổng lồ với kích cỡ ngang đại lục và ban phước lành cho các Chiến Binh [Yazata]. Trong Hỏa Giáo, Vohu Manah là một trong 6 Amesa Spenta - 6 vị thánh bất tử dưới quyền, phò trợ Ahura Mazda và cai quản các phương diện của thế giới. Trong đó, Vohu Manah cai quản gia súc, đồng thời ghi chép những việc làm tốt xấu của mỗi con người. Cái tên này có thể dịch ra là “Mục đích tốt đẹp”, “lý trí đúng đắn” hoặc “tư tưởng tốt”, đề cập đến trạng thái tinh thần hoàn hảo cho phép một cá nhân hoàn thành nhiệm vụ của mình. Có thể từ đây mà tác giả khai thác việc Vohu Manah ban các lông vũ Phước Lành cho các Chiến Binh trước khi họ bắt đầu nhiệm vụ.
Những Phước Lành:
・ Cường Hóa Công Kích [Sām] - Sām hay Saam là một vị anh hùng thần thoại của Ba Tư cổ đại, thuộc sử thi Shahnameh. Trong tiếng Avesta, thì tương đương với từ Sāma, nghĩa là đen hoặc màu tối. Trong từ điển Dehkhoda của Ba Tư thì có nghĩa là lửa.
・ Cường Hóa Phòng Ngự [Kshatra] - Lấy từ Kshatra Vairya, tên của một vị Amesa Spenta, người bảo vệ bầu trời và kim khí. Dịch ra là thống trị.
・ Cường Hóa Hồi Phục [Haoma] - Haoma là một loại cỏ tiên giúp trở nên bất tử trong Hỏa Giáo, bắt nguồn từ văn hóa Ấn - Ba Tư.
・ Phi Hành Không Trung [Fravard] - Fravard, biến âm từ Fravashi, có nghĩa là linh hồn. Trong tác phẩm, phước lành này cũng giúp cho người dùng trở nên nhẹ hơn khá phù hợp với mặt nghĩa.
・ Dịch Chuyển Tức Thời [Shewatir] - Shewatir có nghĩa là Swift - nhanh, được lấy từ tính ngữ của vị anh hùng thiện xạ Arash - Arash-e Shewatir trong Avesta, có thể dịch thành “Arash the Swift”.
1 Bình luận
Arash vất vả quá.