Dù uất ức tột cùng, tuy vậy, trong suốt ngày hôm đó, tôi chẳng rơi một giọt nước mắt nào cả. Sau khi xong giờ dạy, tôi lê ngay cái thân xác rũ rượi của mình về nhà. Nói đúng hơn là nhà trọ, tôi làm gì có nhà ở chốn đô thị phồn hoa này. Nhưng dẫu sao, chỉ cần trả tiền định kì thì tôi vẫn có được chút riêng tư trong căn phòng đó.
Vừa về đến nhà, tôi thấy bao nhiêu sức lực trong cơ thể mình chính thức bị rút cạn. Cứ như một con cá khô đã bị ánh nắng mặt trời rút sạch phần nước còn sót lại bên trong từng thớ thịt, tôi đặt ngay cái cặp đi dạy xuống mé tường rồi ngã nhoài người ra chiếc đệm ở trong góc phòng ngay. Tôi đã kiệt sức rồi. Chẳng còn chút sức lực nào nữa cả. Tôi ôm chặt con gấu bông yêu thích, hai mắt mở ra trao tráo, dán chặt lên tường nhà. Tôi suy nghĩ về tất cả những gì xảy ra hôm nay, tôi suy nghĩ về tất cả những chuyện tồi tệ đã xảy ra với mình từ lúc bé cho đến tận bây giờ. Tôi cứ nghĩ, nghĩ mãi, nghĩ đến khi cảnh vật trước mắt tôi nhòe đi về lệ. Rồi đâu đó lúc ba giờ sáng, tự dưng, tôi tỉnh hẳn lại. Tôi thấy đói, vội vã đi nấu luôn một tô mì gói ăn lót dạ rồi lại ngồi vào máy vi tính để tiếp tục soạn bài. Ngày hôm sau, tôi có mặt ở trường thật sớm.
Chính tôi cũng khó tin với trạng thái của mình hiện tại. Vào chiều hôm qua, ngay lúc tan làm, tôi cảm thấy mình bức bối đến độ hận không thể nghỉ việc ngay tức thì. Nhưng sau một đêm cẩn thận suy nghĩ thiệt hơn, tôi đã dẹp đi ý nghĩ đấy. Hơn ai hết, tôi hiểu mình chỉ là một cái trứng yếu ớt. Nguyễn Quế Hoa tôi là ai? Chỉ là một đứa sinh viên mới tốt nghiệp vài năm, không thân không thế, không chỗ dựa nào. Cha mẹ… thôi khỏi kể cũng được, đằng nào thì họ cũng chẳng thể làm chỗ dựa cho tôi trong kiếp này. Chỉ cần họ không làm phiền đến tôi thôi thì tôi đã mang ơn họ lắm rồi, nói thật đấy! Hai món tài sản lớn nhất mà tôi đang có gồm một chiếc xe máy cũ để đi lại và một cái laptop - tôi đã vất vả lắm mới tự sắm nổi chúng cho mình trong hai năm đi làm. Chút tiền tiết kiệm ít ỏi còn lại trong người cũng chẳng đáng là bao, không đủ để nuôi sống tôi vài ba tháng sau khi thất nghiệp. Thế nên, dù có bất mãn cách mấy thì cái trứng như tôi cũng chẳng nên quăng mình vào đá. Tôi chỉ còn cách bơ đi mà sống cho qua ngày.
Mà không, tôi có một lựa chọn khác.
Vừa nghĩ ra cách mới đã có đối tượng để thí nghiệm ngay, tôi vui sướng khi nhận ra bà chị Tổ trưởng quý hóa Lê Tuyết Vân cũng vừa dừng xe trước cổng. Thế là tôi chủ động chào hỏi chị ta:
- Chào chị. Nay đến sớm quá chị ha?
Chẳng rõ là giật mình trước câu hỏi của tôi, hay xấu hổ vì những việc đã làm hoặc cả hai thứ đó, song chị ta quay mặt đi chỗ khác, tránh đi ánh mắt của tôi. Sau đó, chị ta mới lúng túng trả lời:
- Ừ, nay rảnh nên chị đến sớm.
Tôi cười toe toét:
- Chị rảnh không, góp ý giúp em bộ đề ôn “Văn hay chữ tốt” mà em vừa soạn cho bọn nhỏ nha!
- Không… Nay chị… chưa rảnh. Để… để hôm khác đi.
Rồi chị ta nhanh nhảu chạy đi, bộ dạng gấp gáp và vội vã đó chẳng khác gì gà con chạy trốn diều hâu vậy. Tôi nhún vai, sự đời nhiều lúc cũng khó hiểu nhỉ? Lẽ ra nạn nhân như tôi phải sợ gặp chị ta mới là hợp lẽ thường. Nào ngờ, khi tôi tỏ ra xởi lởi, phường gian ác như chị ta lại đâm ra e sợ. Thật đáng buồn cười!
Cơ mà tôi vẫn tiếc vì Lê Tuyết Vân chưa xem bộ đề cương mà tôi mất cả đêm hôm qua để soạn cho xong. Chứ không, chị ta đã “được” phát hiện ngay giữa bộ đề đó là mấy cái chữ chìm “Nguyễn Quế Hoa” to tướng. Từng ghét việc chèn chữ ngay giữa trang đề cương vì cảm thấy chúng thật thô thiển, nhưng giờ đây, tôi biết ơn chúng vô cùng. Bởi sự thô thiển trên bề mặt đó lại là vũ khí hữu hiệu nhất để bảo vệ tôi trước bao nhiêu thói tật của những người kì lạ.
Cảm thán chán chê, tôi bước vào lớp 6/3, lớp học mà mình chủ nhiệm. Do hôm nay tôi đến trường khá sớm nên trong lớp chẳng có bao nhiêu người. Ngoại trừ vài gương mặt nổi tiếng chăm chỉ như Gia An, Quốc Bảo đang ngồi cầm tập vở ôn lại bài cũ, đám còn lại đã biến đi đâu mất, chỉ còn lại vài chiếc cặp đang nằm chỏng chơ. Tôi nhìn tới nhìn lui, không khỏi bật cười khi thấy hai chiếc cặp của Bảo Ngọc và Ngọc Tâm cũng nằm trong số đó. Là bạn chí cốt đã thân nhau từ thời tiểu học, hai đứa nhỏ ấy dùng cùng một mẫu cặp chỉ khác nhau một chút về màu sắc. Một đứa dùng cặp xanh hồng, một đứa dùng cặp hồng xanh. Lúc nào cũng vậy, bọn trẻ đều kè kè sát rạt với nhau, hệt như hình với bóng. Nên khi thấy cả hai đều biến mất, tôi đoán rằng bọn trẻ cùng nhau đi ăn sáng.
Tranh thủ lớp học thưa lưa, tôi mở sách ra xem lại nội dung bài giảng. Thời gian lặng lẽ trôi qua, càng đến gần giờ học, số người trong lớp lại càng thêm đông dần. Đến sát giờ học, hai cô bé Bảo Ngọc và Ngọc Tâm mới hớt ha hớt hải mà chạy đến. Lúc này, lớp hầu như đã đông đủ. Tôi mới phun ra vài chữ khiến đám trẻ sợ run người:
- Các tổ trưởng kiểm tra vở bài tập của các bạn giúp cô rồi báo cáo lại ngay nhé. Bảo Ngọc, sau khi các bạn báo cáo xong, con đi kiểm tra ngẫu nhiên xem các bạn tổ trưởng đã báo đúng chưa.
Dưới sự huấn luyện nghiêm ngặt của tôi, ban cán sự lớp đã sớm thuần thục công việc kiểm tra tập vở này. Dù tôi thừa biết là lũ học trò nhất quỷ nhì ma luôn biết cách để “lách luật”. Cách đơn giản nhất để khỏi phải làm bài tập là cứ làm những câu thật dễ, các câu còn lại chỉ chép đề và báo cáo với tổ trưởng rằng mình không biết làm. Nhiều đứa lười nhát trong lớp thường làm cách đó để “qua mặt” ban cán sự.
Dù biết tuốt cái trò vặt ấy nhưng tôi vẫn mắt nhắm mắt mở với hành vi nêu trên. Bởi vì có những đứa cố làm bài nhưng không biết làm thật, không cho nó bỏ trống thì nó còn có thể làm gì? Nhưng để hạn chế thói “lười” lây lan, tôi đã tạo ra thêm một cơ chế khen thưởng cho học sinh. Rằng nếu bạn nào làm đúng bài tập mà nhiều bạn khác không biết thì sẽ được cộng một điểm tích lũy để tham gia bảng xếp hạng “Nhân tài”. Cuối mỗi tuần, tôi lại trao giải này. Vì vậy mà những đứa học hành rất khá trong lớp không lười nổi nữa. Tuổi trẻ mà, còn hăng hái lắm, chỉ cần có treo thưởng là bọn nhỏ lại ra sức ganh đua với nhau ngay. Nhờ vậy mà các giáo viên bộ môn đều hết lời ngợi khen rằng không khí học tập mà lớp tôi chủ nhiệm rất tốt, học sinh lúc nào cũng năng nổ, nhiệt tình hơn các lớp khác.
- Dạ thưa cô, trừ bạn Trung Hiếu ra thì hôm nay các bạn lớp ta làm bài tập đầy đủ…
Bảo Ngọc báo cáo với tôi như thế. Thằng bé Trung Hiếu lập tức đứng bật dậy, nói với tôi rằng:
- Cô ơi, bài tập của con làm đủ mà.
Câu nói đó chọc giận Bảo Ngọc, nó đốp chát lại ngay:
- Ông đừng tưởng là tui không biết, mấy tuần trước thì ông chỉ chép đề không làm. Tuần này thì làm hết bài, không thiếu bài nào, cơ mà người làm bài có phải chữ của ông đâu. Rõ khác!
Vừa nói, con bé vừa mang tập của Trung Hiếu đặt lên bàn giáo viên, lật giở trang này với trang khác:
- Cô ơi, cô nhìn xem, tập của bạn có hai nét chữ hoàn toàn khác nhau mà, đúng không?
- Tại… tại hôm bữa tôi viết ẩu, hôm nay viết nắn nót nên chữ xấu hơn.
Trung Hiếu vẫn cứ cãi lại. Tôi cầm tập lên, lặng lẽ nghiền ngẫm. Rõ ràng là Bảo Ngọc nói đúng, hai nét chữ trong tập hoàn toàn khác. Không chỉ là vấn đề viết cẩn thận hay viết vội, lực dùng khi viết chữ hay thói quen viết các nét móc của hai tuồng chữ này hoàn toàn khác nhau.
- Lớp giữ trật tự. Trung Hiếu, con ra ngoài nói chuyện với cô.
Tôi giao lại lớp cho Bảo Ngọc quản, bản thân thì gọi Trung Hiếu ra trước cửa để nói chuyện. Phía sau lưng tôi, bốn mươi sáu đứa trẻ đang dỏng tai lên nghe. Trước mặt tôi, thằng nhỏ Trung Hiếu đứng đó, cúi gằm mặt xuống, chẳng nói năng gì cả. Tôi thở dài:
- Hôm nay con gian dối trong việc làm bài tập về nhà thì chắc chắn là cô sẽ phạt. Con có ý kiến gì không.
- Dạ không ạ.
Thằng bé trả lời chắc nịch. Tôi nghe mà bực cả mình:
- Ngẩng mặt lên nhìn cô coi Hiếu, có hứa với cô là từ nay làm bài tập đàng hoàng không?
Thằng bé ngẩng mặt lên. Đó là một khuôn mặt nhỏ nhắn, trông cũng đáng yêu, và sẽ còn đáng yêu hơn nữa nếu mái tóc lôm chôm kia được tỉa tót đàng hoàng và da dẻ đỡ cháy nắng hơn một tẹo. Nhưng đó không phải là điều quan trọng, điều quan trọng nhất là trước câu hỏi của tôi, thằng bé chẳng nói năng gì cả. Nó mím môi thật chặt, lẳng lặng nhìn tôi:
- Sao, có nhiêu đó mà con không hứa với cô được à?
Thằng bé bóp chặt mấy đầu ngón tay của nó mà nói:
- Con thấy con không làm được nên con không thể hứa.
- Nhưng tại sao con không làm được?
Không kiềm chế nổi, tôi lên giọng. Đôi vai thằng bé rũ xuống:
- Con muốn phụ mẹ mình.
Năm chữ ngắn gọn đó dập tắt cơn bực bội trong tôi, khiến tôi tỉnh táo hẳn. Nhưng càng tỉnh, tôi lại càng hiểu rằng mình phải khuyên lơn thằng nhỏ:
- Con có biết bây giờ nhiệm vụ quan trọng nhất của con là học hành cho đàng hoàng không? Con có biết là mong muốn lớn nhất của mẹ con lúc này là để con ăn học đàng hoàng không.
Thằng bé lại im lặng. Mấy ngón tay của nó bóp chặt mãi rồi mới chịu buông lỏng ra:
- Con hứa, từ mai con sẽ làm bài tập.
- Ngoan.
Thở phào nhẹ nhõm, tôi đưa tay ra xoa đầu thằng bé. Mái tóc thằng bé lòa xòa, sợi nào sợi nấy cứng ngắt, xù xì, y hệt như mấy cái rễ tre mọc ngoài bụi rậm. Ngay sau đó, tôi dẫn Trung Hiếu quay lại lớp. Để cho đám đông khỏi phải bàn tán và nghĩ rằng tôi thiên vị cho đứa trẻ này, tôi thẳng thừng tuyên bố:
- Bạn Trung Hiếu không làm bài tập lần hai, về viết và nộp lại cho cô một Tờ tự kiểm.
0 Bình luận