• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập duy nhất

Chương 04: Bí mật 002.

1 Bình luận - Độ dài: 2,060 từ - Cập nhật:

Tôi thất vọng lắm. Cực kì thất vọng. Thậm chí là trong lòng tôi còn dấy lên một chút tức tối và bực bội nữa cơ. Những đứa khác ham chơi thì cũng thôi đi, tại sao thằng nhóc Trung Hiếu - cái đứa học trò mà tôi luôn tin là rất hiểu chuyện cũng thành ra như thế này? Tại sao vừa mới xong tiết học, nó đã đi vào tiệm net rồi…

Tự buồn bã, tôi lại tự cười mình. Nếu có ai biết tôi thất vọng chỉ vì thấy học trò vào chơi trong tiệm net, chắc là họ sẽ chửi tôi vì nghĩ rằng tôi đây là cái hạng giáo viên cổ hủ mất. Dù thực tế thì tôi không cổ hủ, tôi đâu có cấm học trò chơi game ngoài giờ. Nhưng việc gì thì cũng có ngoại lệ, thằng nhóc Trung Hiếu đó là ngoại lệ duy nhất trong sổ ghi chú của tôi. Vì sao ư? Vì nhà thằng nhóc hoàn cảnh lắm. Ba nó bị bệnh tâm thần, không có khả năng lao động, một mình mẹ nó phải vất vả mưu sinh bằng cái nghề nhặt ve chai. Cả gia đình nó đang sống trong một cái chòi lá được dựng hờ trên mảnh đất của người hàng xóm. Trong một gia đình như thế, mẹ của Trung Hiếu là lao động chính. Chị ấy phải làm việc từ lúc bốn giờ sáng đến tận bảy giờ chiều, miệt mài suốt ngày này qua tháng nọ mà luôn lo sợ rằng ngày mai sẽ không có tiền mua gạo, nấu cơm. Tôi nghe chị kể chuyện mà thương lắm. Chị nói, nguyện vọng duy nhất của chị là nuôi thằng Trung Hiếu ăn học tử tế, để nó biết cái chữ và có một nghề mưu sinh cho đàng hoàng, không phải khổ sở như người mẹ một chữ bẻ đôi cũng không biết. Nên khi thấy đứa học trò ấy dám cầm tiền để bước vào quán net, tôi khó chịu cực kì.

“Nhất định là mình phải can thiệp vào chuyện này.” Tôi nghĩ thầm như vậy. Nhưng ngay khi tôi vừa hạ quyết tâm, thằng nhóc Trung Hiếu mới bước quán vào tiệm net chưa được bao lâu đã lon ton xách một cái bao ni lông to tướng chạy ra trước cửa. Bao trong suốt nên tôi có thể nhìn thấy khá rõ rằng trong đó chứa một lon thiếc của đủ hãng nước ngọt, lác đác vài chai nhựa đựng nước lọc cũng được bỏ lẫn vào. Tôi ngơ ngác, hóa ra, thằng nhóc của tôi đến đây chỉ để xin ve chai thôi ư? Vậy mà…

Cảm giác áy náy ùa lên như cơn sóng cả, choáng ngợp cõi lòng tôi. Tôi vẫn nhớ, thời đi học, khi đọc câu chuyện Khổng Tử hiểu lầm Nhan Hồi, tôi đã cười và bảo rằng mình sẽ không bao giờ như thế. Ấy vậy mà ngày hôm nay, chính tôi đã phạm phải một sai lầm y hệt, tôi quá tin vào những gì mắt thấy mà không thèm điều tra nguồn cơn sự tình. Thật may là vì Trung Hiếu chạy ra quá nhanh, tôi đã kịp hiểu ra nguồn cơn cớ sự. Chứ nhỡ thằng bé ra chậm một chút, tôi đã đi mất rồi thì tôi làm sao biết được sự thật này? Rồi những sự “can thiệp” mà tôi nghĩ là tốt cho thằng bé sẽ làm nó tổn thương đến đâu? Ôi, chỉ nghĩ thôi mà tôi đã phát hoảng.

May mắn là mọi chuyện chưa tồi tệ đến thế. Tôi hít một hơi thật sâu, cố gắng lấy lại bình tĩnh và tự nhắc mình là sẽ không bao giờ lặp lại những sai lầm kiểu này. Cùng lúc đó, thằng nhóc Trung Hiếu cũng xách túi ve chai to tướng mà nhảy tót lên xe Khôi Nguyên. Hai đứa nó bắt đầu lái xe về hướng ngược lại - nghĩa là nơi tôi đang đứng. Thấy tôi, cả hai đứa nó mắt tròn mắt dẹt. Nhóc Khôi Nguyên vội vã phanh xe, miệng nói thật to:

- Dạ con chào cô.

Trung Hiếu cũng chào tôi theo. Nhìn bộ dạng rón rén của Khôi Nguyên, trong bụng tôi cũng buồn cười phải biết. Ai chứ thằng nhóc ấy sợ tôi lắm, tôi biết tỏng điều đó. Bởi vì nó là đứa rất ư là nghịch ngợm, đầu năm, tôi đã phải mời phụ huynh nó một lần lần. Tất nhiên thì mấy cuộc họp đấy chỉ là để nhắc nhở các bậc cha mẹ quan tâm tới con em mình nhiều hơn là chính, ngoài ra thì cũng để răn đe bọn nhỏ phần nào. Không rõ sau khi về nhà, phụ huynh Nguyên Khôi đã nói những gì nhưng từ sau cái buổi họp định mệnh đó, thằng nhỏ ngoan hơn hẳn. Ngoan trên mọi mặt, ít phá phách trong lớp, ít chọc ghẹo bạn bè, học tập nghiêm túc hơn và có vẻ “sợ” tôi ra mặt nữa. Chỉ cần thấy tôi, bất

kể đang làm gì, nó cũng thưa chào với bộ mặt nghiêm túc y như là đi gặp nguyên thủ quốc gia.

- Con chào cô ạ.

Trung Hiếu cũng chào, nhưng giọng điệu tươi tắn và tự nhiên hơn. Tôi chào lại bọn trẻ, nhanh trí bịa ra một lý do để hợp lý hóa sự xuất hiện của mình ở đây:

- Ủa các con đi đâu vậy? Cô đang đi mua nui sốt ở quán đằng đó.

Vừa nói, tôi vừa chỉ đến cái quán mà mình mới ăn lúc sáng. Nào ngờ, hai đứa trẻ giương mắt nhìn nhau. Rồi Khôi Nguyên lúng túng gãi đầu:

- Cô ơi, quán đấy hổng có bán buổi chiều đâu!

- Ồ, cô không biết. Trưa cô mới được mấy anh lớp 8 giới thiệu quán này, thấy ngon nên định chiều ăn tiếp.

Tôi tiếp tục lấp liếm. Lỡ phóng lao rồi đành phải theo lao thôi. Và để bọn trẻ không nghi ngờ rằng mình đã theo dõi chúng, tôi chủ động hỏi luôn:

- Ủa mà các con làm gì ở đây vậy?

Khôi Nguyên quay ra nhìn bạn, lộ rõ sự lúng túng. Trong khi đó, Trung Hiếu cười khì:

- Dạ, con nhờ bạn Khôi Nguyên chở con đến đây xin một ít ve chai mang về ạ.

Thằng bé kể lại bằng cái giọng nhẹ bẫng, giọng điệu và sắc mặt thản nhiên hết sức. Tuy vậy, câu trả lời ấy lại làm cho những cảm xúc trong lòng tôi càng hỗn loạn hơn. Tôi mừng vì thằng bé biết phụ giúp người mẹ phải đi nhặt ve chai từ đêm khuya đến tối mịt, nhưng tôi cũng mủi lòng cho thằng bé. Nó còn nhỏ mà đã phải lo nghĩ thế này. Ở độ tuổi của nó, những đứa trẻ con khác chỉ cần chăm chăm vào việc ăn với học. Ấy thế mà Trung Hiếu đã phải vất vả…

- Mệt không con?

Tôi hỏi nó. Trung Hiếu lại cười khì khì:

- Có gì đâu mà mệt cô ơi! Con có xin cô chú chủ quán trước rồi, nên bao nhiêu ve chai họ để riêng cho con hết. Cuối ngày, con chỉ cần ghé lấy là được.

Tâm trí nhớ tôi vô thức nhớ về câu chuyện mà mẹ Trung Hiếu kể. Rằng hồi Tiểu học, thằng nhóc của tôi vẫn hay đi thu gom ve chai trong lớp. Chẳng biết nó nói năng làm sao mà được bác bảo vệ trường hỗ trợ, bao nhiêu ve chai nó lượm, bác đều sẽ trông dùm, cuối ngày nó sẽ đến chỗ bác để nhận về. Tưởng chừng như đó là một mối ngon vì trường học mỗi ngày thải ra bao nhiêu là chai, là lon nước ngọt, ấy vậy mà, việc làm đó của Trung Hiếu lại khiến nó khổ sở suốt thời gian đó. Dù đã rất cố gắng tránh mặt bạn bè nhưng cuối cùng, đám bạn trong lớp cũng phát hiện ra chuyện thằng bé đi lượm nhặt những thứ mà người ta quăng vào thùng rác. Thế là nó bị kì thị, các bạn trong lớp đã cô lập và nghỉ chơi với đứa trẻ tội nghiệp này. Nhưng nó vẫn cứng đầu cứng cổ làm những gì mình nghĩ là đúng. Mãi đến khi mẹ thằng Trung Hiếu phát hiện tay chân con bầm tím thì mới biết rằng nó bị bạn bè đánh.

Tất nhiên là ngôi trường Tiểu học đó cũng nỗ lực can thiệp. Tuy vậy, đâu dễ dàng gì để xóa những định kiến trong tâm trí một người. Dù chúng chỉ là những đứa trẻ, nhưng từ lâu, sự khinh khi, coi thường những người làm nghề lượm rác đã ghim sâu vào đầu óc chúng. Nên dù cô giáo chủ nhiệm lớp có khuyên nhủ cách mấy, Trung Hiếu vẫn không thể hòa nhập với bạn bè. Điều họ có thể làm chỉ là giữ cho thằng bé an toàn, không bị đánh, không bị chửi mắng công khai. Nhưng những ánh mắt kì thị hay thái độ lạnh lùng vốn dĩ là điều mà họ chẳng thể nào can thiệp được.

Vì thằng bé đã trải qua những năm tiểu học chật vật như vậy, nên trong buổi họp phụ huynh đầu năm lớp sáu, mẹ Trung Hiếu - cái người mà không dám nghỉ làm khi mình sốt ba mươi chín độ - đã ngừng lụm ve chai hơn bốn tiếng để nói chuyện với tôi. Chị năn nỉ tôi rằng hãy để ý thằng bé nhiều hơn giùm chị, vì chị thật sự không có thời gian dành cho nó. Chị nhờ tôi trông nó giúp, đừng để nó lụm ve chai trong trường. Chị sợ con chị lại bị kì thị thêm một lần nữa, lại phải trải qua những tháng ngày chật vật. Thương thay tấm lòng của một người mẹ, thương thay cái nghèo. Và ghét thay những định kiến vớ vẩn khiến cho việc lao động chân chính bỗng trở thành điều nhục nhã.

- Thôi tụi con xin đi trước nha cô, con tranh thủ về nhà để nấu cơm để lát mẹ về có sẵn cái mà ăn ạ.

Tôi ừ một tiếng, chào tụi nhỏ. Đôi mắt tôi dõi theo đến tận khi bóng lưng của chúng khuất ở nơi xa. Trong đầu tôi đang nghĩ vô số điều, rằng tôi có nên nói cho mẹ Trung Hiếu biết chuyện thằng nhỏ xin ve chai ở tiệm net không? Có lẽ là không nhỉ? Thằng bé đang giúp mẹ, tôi không nên ngăn cản việc đó. Huống hồ, có vẻ như câu chuyện tệ hại hồi tiểu học sẽ không lặp lại trong năm học này. Thấy Nguyên Khôi không, một đứa kiêu ngạo và có phần hống hách như nó mà còn biết thông cảm, biết giúp đỡ cho người bạn nghèo khó nữa mà. Những đứa khác chắc cũng sẽ hành xử như thế thôi nhỉ?

Tôi tự hỏi, để rồi chính tôi cũng không dám nêu ra một câu trả lời chắc chắn. Thở dài, tôi quyết định là sẽ gặp riêng Nguyên Khôi vào ngày mai. Hừm, tôi nghĩ là mình sẽ hỏi thăm xem bọn trẻ đã biết chuyện Trung Hiếu nhặt ve chai hay chưa, nếu chúng chưa biết tôi sẽ dặn thằng bé giấu kín. Dù sao thì cái lớp này có tận bốn mươi bảy đứa lận, tính nết mỗi đứa đều khác nhau, chắc gì chúng đã phản ứng giống nhau. Thế nên, giữ bí mật vẫn là cách làm tốt nhất. Ít nhất thì tôi nghĩ như vậy đấy!

- Cơ mà, mẹ thằng nhỏ kiên quyết không cho nó nhặt ve chai thì nó xử lý cái đống đồ mới xin được kia như thế nào nhỉ?

Câu hỏi ấy bất chợt hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi lập tức đưa tay lên chống cằm, ánh mắt lơ đãng nhìn sang kính chiếu hậu của chiếc xe máy cùi thì thấy bên trong đó đang phản chiếu hình ảnh của một cô ả đang ra chiều đăm chiêu nghĩ ngợi.

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Hình như chương này chỉ lấy được nước mắt của tác giả chứ độc giả thì không =)))
Xem thêm