Tình cờ
Hàn Nguyễn
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

Chương 1

1 Bình luận - Độ dài: 2,656 từ - Cập nhật:

Khi chuông báo hiệu vào tiết reo, tôi đang đánh tennis dưới sân với một gã lớp bên. Gã nghe tiếng chuông liền gác vợt lên quầy dù chưa xong ván, gã bảo phải về lớp rồi lủi đi ngay. Tôi xem như đó là một chiến thắng khi gã bị tôi dẫn trước một hiệp.

Không có gì phải vội, tôi nhẩn nha nhặt banh, đặt vợt lên quầy rồi đứng đó xem hai thằng khác đang chơi cầu lông ở sân bên cạnh. Bọn nó chơi khá hay, quả cầu bay qua bay lại mãi mà không chịu rơi. Một lúc sau, tôi thoáng thấy bóng dáng của ông hiệu phó bước ra từ văn phòng. Thế có nghĩa là tôi phải về lớp ngay. Ổng là chủ nhiệm lớp tôi. Hôm nay là thứ bảy, tiết sau là sinh hoạt lớp nên ổng sẽ ghé qua lớp.

Tôi chạy một mạch lên lớp và về thẳng chỗ ngồi. Tôi đặc biệt chọn chố này cho mình vì từ đây có thể nhìn thấy bao quát thị trấn bên dưới thung lũng.

Đám con gái vẫn đứng đầy bên ngoài hành lang và nói chuyện rôm rả. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy một lớp có nhiều con gái đến thế. Lớp tôi là lớp 10A, tổng sĩ số là bốn mươi tròn và trong đó thì ba mươi mốt đứa là con gái. Trước kia, tôi đã nghe qua nhiều lời đồn rằng đám con gái ở trường này rất xinh xắn. Tôi không tin lắm, kiểu như ở đâu thì cũng có vài đứa xinh, vài đứa bình thường cho đến khi thực sự được nhìn thấy tận mắt. Tôi phải công nhận lời đồn là đúng. Nhưng cũng chẳng để làm gì, cảm tưởng như bọn chúng thậm chí còn không thèm nhìn tôi bằng nửa con mắt. Tôi nghĩ đó là do bọn chúng đều là con nhà giàu cả.

Trường tôi đang theo học là trường Trung học Phổ thông Bác Ái. Trường là một trong ba trường cấp ba ở thị trấn Nam Phong. Có khá nhiều thứ để nói về trường này. Bác Ái tuy nằm trên địa bàn thị trấn tôi đang sống nhưng học sinh chủ yếu lại đến từ các thị trấn và thành phố lân cận. Lý do là do không đủ điểm đậu vào trường gần nhà nên chúng phải dạt về đây học.

Trường nằm trên một ngọn đồi phía tây thị trấn. Khuôn viên là toàn bộ ngọn đồi, rộng rãi y hệt mấy cái trường đại học tôi thường thấy người ta quảng cáo trên tivi. Dãy phòng học nằm ngay trên đỉnh đồi, còn khu kí túc cho đám học sinh xa nhà thì xây xung quanh, nằm rải rác dưới tán thông. Ngoài ra trường có đủ các tiện ích như sân bóng, tennis, bóng chuyền, bóng rổ, cửa hàng tiện lợi, nhà ăn, và thậm chí là rạp chiếu phim. Cả cái thị trấn này có hai cái rạp chiếu phim. Một cái ở gần quảng trường trung tâm, và cái còn lại ở đây. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu người ta tưởng chỗ này là khu phức hợp sinh thái chứ không phải trường học. Tất nhiên để vào học ở trường thì hàng tháng phụ huynh phải cúng cho trường một khoản tiền kha khá.

Một lúc sau, đám con gái nhao nhao chạy vào lớp. Tiếp theo đó, ông giáo chủ nhiệm bước vào. Mọi người đồng loạt đứng dậy, ổng khẽ gật đầu rằng chúng tôi có thể ngồi. Thế là chúng tôi ngồi và giữ im lặng tuyệt đối như thể tất cả đều đang nín thở.

“Sao rồi?” ổng nói. “Đói bụng chưa?”

“Đói rồi ạ,” đám con gái đánh bạo trả lời, tôi nghĩ thế vì chỉ toàn nghe thấy giọng nữ. Lúc ấy, tôi mới bớt căng thẳng đi một chút.

“Thích về không?”

“Thích ạ,” lần này là cả lớp đồng thanh đáp, trừ tôi.

“Vẫn còn sung vậy mà,” ổng nói. “Học xong rồi về.”

“Thầy...ơi...cho...tụi...em...về đi...mà...mà...” bọn nó lại bày trò thều thào như sắp chết. Bao giờ cũng thế, có vẻ như đã nắm bắt được tính cách của ông giáo nên bọn chúng bắt đầu làm tới.

“Nào. Nào,” ổng vỗ tay hai cái. “Nghiêm túc. Ba mươi phút nữa tôi cho về. Được chưa?”

“Dạ...,” bọn nó đáp, không hăng hái lắm.

Ổng đặt chiếc cặp lên bàn rồi đứng đó bắt đầu sắn tay áo các thứ. Tôi không biết nữa nhưng có vẻ như ổng tập thể thao thường xuyên. Thân hình ổng cao lớn và cơ bắp. Ổng mặc áo sơ mi trắng, và quần âu. Thắt thêm cà vạt, đeo kính đen và khoác thêm áo măng tô đen thì trông không khác gì mấy ông trùm mafia tôi thường thấy trên mấy bộ phim. Khi sắn tay áo, tôi để ý thấy một hình xăm nho nhỏ ở cổ tay trái gần chiếc đồng hồ. Sau khi sắn tay áo xong, ổng lấy một viên phấn viết lên bảng dòng chữ: “Sinh Hoạt Lớp”, rồi ổng lại mở cặp rút ra một tờ giấy A4, có vẻ là danh sách lớp.

“Giờ tôi sẽ xếp lại chỗ ngồi,” ổng nói. “Tôi gọi đến tên ai thì người đó đứng dậy và di chuyển đến chỗ ngồi tôi chỉ định nhé. Hoàng Nhật An.”

Đó là tên tôi, bao giờ cũng thế. Tên tôi ở đầu danh sách nên bị gọi đầu tiên không phải chuyện gì quá mới lạ nữa.

“Dạ,” tôi đáp, rồi đứng dậy. Tôi cũng xách ba lô lên và sẵn sàng di chuyển, dù thế tôi thật sự đau lòng khi phải chia tay chỗ ngồi hoàn hảo mà mãi tôi mới tìm ra được. Ông giáo nhìn quanh lớp một lượt rồi bước xuống lớp, gõ tay lên chiếc bàn thứ tư ở dãy giữa lớp.

“Em ngồi đây,” ổng nói. Tôi bước đến chỗ ổng chỉ và ngồi xuống.

Ông gọi tên những đữa khác theo danh sách, chỉ tay vào chỗ chúng sẽ ngồi. Ban đầu tôi tương cấp ba vẫn giống cấp hai, mỗi bàn sẽ vẫn có hai người ngồi hoặc kê sát hai bàn với nhau tạo thành một bàn bốn người. Nhưng ở đây, bàn học là bàn đơn, một người ngồi. Với tôi, bạn cùng bàn là rất quan trọng, nhất là vào những lúc kiểm tra. Còn nhớ hồi lớp chín, tôi ngồi cạnh một con nhỏ siêu dễ thương. Biết tôi học hành chẳng ra gì nên nó luôn cho tôi chép bài khi kiểm tra. Còn tình hình này, tôi biết chép bài của ai khi phải ngồi một mình một cõi như thế này.

Sau một hồi quần thảo, ông thầy đã xếp xong chỗ ngồi cho cả lớp. Ổng nhờ một con nhỏ nào đó vẽ lại sơ đồ lớp để cho các giáo viên khác tiện theo dõi. Ổng cũng nghiêm cấm hành vi tùy ý thay đổi chỗ ngồi cho cẩn thận.

“Các em đọc thông báo của trường chưa?” ổng đột nhiên hỏi chúng tôi. Và hiển nhiên không có đứa nào trả lời, tôi còn chẳng biết là có thông báo.

“Có vẻ là chưa nhỉ?” ổng tiếp tục. “Trong quá trình học tập, ngoài chương trình học bình thường thì còn có các hoạt động bên lề do trường tổ chức. Những thông báo này luôn được cập nhật ở bảng tin, fanpage và website của nhà trường. Tất nhiên là một số thông báo quan trọng thì tôi sẽ phải thông báo cho các em. Một số không quan trọng lắm tôi sẽ không thông báo nhưng có thể các em có hứng thú chẳng hạn. Do đó các em nên chủ động cập nhật tin tức cho bản thân.”

“Thưa thầy, fanpage và website của trường là gì ạ?” một đứa nào đó hỏi.

“Các em có thể theo dõi ở đây,” ổng nói rồi lấy phấn viết mấy cái địa chỉ website lên bảng.

“Tiện đây tôi nói luôn,” ổng nói. “Thông báo đầu tiên. Từ năm học này trở đi, các lớp sẽ không chia ra và thay đổi chủ nhiệm trong ba năm tới. Có nghĩa là, tôi sẽ chủ nhiệm lớp các em từ giờ cho đến khi các em tốt nghiệp. Do đó, vì một lí do nào đó, có thể do các em không ưa bản mặt của tôi chẳng hạn, thì các em có thể làm đơn chuyển sang lớp khác. Tất nhiên, tôi chỉ lấy ví dụ như vậy thôi. Nếu đó thực sự là lí do thì tôi sẽ xem đó là lí do không chính đáng. Vậy nên ai có nguyện vọng rời và có lí do chính đáng thì hãy suy nghĩ kĩ nhé. Tuy nhiên, mọi thủ tục phải được hoàn thành trong nửa đầu học kì một này. Hết kì hạn này thì coi như mọi chuyện đã rồi, sẽ không còn bất cứ sự xáo trộn nào được phép xảy ra nữa. Các em hiểu chứ?”

Tôi cho là vấn đề này chẳng có gì đáng bận tâm cho lắm. Tôi đã từng học cùng một lớp với đám bạn trong suốt năm năm tiểu học và hai lần thay đổi giáo viên chủ nhiệm trong quãng thời gian ấy. Hoặc năm lớp bảy, lớp tôi đổi ba giáo viên chủ nhiệm trong cùng một năm học. Những điều ấy còn chẳng quan trọng bằng việc trưa nay tôi sẽ ăn gì nữa. Nhưng có vẻ đám học sinh trong lớp khá hoang mang, trông như thể vừa nghe được tin cực kì xấu từ chiến trường. Và bọn chúng lại bắt đầu nhặng lên và hỏi những câu hết sức ngớ ngẩn như thể bọn chúng chẳng nghe ông giáo nói gì cả. Việc này với tôi cũng hết sức quen thuộc.

Sau một hồi thì cũng yên ổn, không ai hỏi gì thêm.

“Thông báo thứ hai,” ông giáo nói. “Các em thấy trường có nhiều cơ sở tập luyện thể thao chứ? Cho các em giải trí là một phần, ngoài ra còn được sử dụng để tập luyện và thi đấu nữa. Trường sẽ tổ chức giải đấu thể thao thường xuyên trong các kì học. Lịch trình thế nào thì các em có thể theo dõi ở bảng tin và nếu có hứng thú thì có thể đăng kí tham gia. Tôi nói luôn, cái này được tính vào điểm rèn luyện nên đừng hòng mà trốn nhé.”

“Thưa thầy,” bỗng có một đứa đưa tay lên. “Thí dụ nếu mình bị bệnh không vận động mạnh được thì phải làm sao ạ?”

“Các trường hợp có bệnh lí sẽ được miễn trừ,” ổng nói. “Tuy nhiên các em hãy cân nhắc. Có thể mình không tham gia thi đấu nhưng vẫn nên tập luyện nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe. Thể thao bao giờ cũng tốt mà. Còn bác sĩ bảo ngồi im thì tôi chịu.”

Sau cùng thì tôi kết luận rằng ông giáo không đáng sợ cho lắm, nếu không muốn nói là khá hài hước. Tôi bèn rút quyển truyện trong ba lô ra đặt dưới hộc bàn và đọc. Bao giờ tôi cũng thủ sẵn một cuốn truyện để phòng những trường hợp chán đời như thế này.

Tôi đọc được một lúc thì có con nhỏ ngồi bàn trên quay xuống gọi tôi.

“Thầy gọi ông kìa.”

“Tôi á?” tôi ngẩng lên nhìn con nhỏ.

Nó khẽ gật đầu rồi quay đi. Tôi nhìn quanh lớp thì thấy mọi ánh mắt đang đổ dồn về phía tôi, vẻ mặt ai nấy đều trông khá căng thẳng. Tôi ngước mặt lên chỗ ông thầy thì thấy ổng đang khoanh tay và nhìn tôi chằm chằm.

“Em có đang nghe tôi nói không đấy?” ổng hỏi, giọng vẫn khá nhẹ nhàng nên không biết ổng có đang bực hay không. “Em đang làm gì đấy.”

“Em đang đọc ạ,” tôi đáp, rồi đưa quyển truyện lên trước tầm mắt cho ổng thấy. Trước đây tôi từng dính vào tình huống này một lần rồi. Do đó để qua mặt ổng, tôi đã xé bìa của cuốn truyện và thay bằng bìa của một cuốn sách khác trông có học thuật và trí thức hơn. Tuy nhiên, tôi chỉ đưa thoáng qua cho ổng thấy bìa sách rồi nhanh chóng đút vào ba lô.

“Em lên đây,” ông nói. “Mang theo quyển sách nữa.”

Tôi làm theo lời ổng, đứng dậy và bước lên bục giảng. Ổng chìa tay ra khi tôi bước đến gần, ý bảo tôi đưa ổng quyển truyện. Tôi đặt quyển truyện vào tay ổng, không cần phải nói, tôi run như phải gió.

“Quay mặt xuống lớp đi nhìn tôi làm gì,” ổng nói. Tôi quay xuống lớp theo lời ổng.

“Rồi, bắt đầu đi.”

“B...bắt đầu gì ạ?”  tôi quay lên hỏi lại, không hiểu ổng muốn gì.

“Giới thiệu bản thân. Tên tuổi, sở thích, hồi cấp hai em học ở đâu. Em thấy có thể chia sẻ được những gì thì cứ chia sẻ,” ổng vừa nói vừa lướt qua mấy trang truyện của tôi nhưng không nói gì về nó. Tôi cũng tạm yên tâm quay xuống lớp.

“Chào các bạn,” tôi nói. “Tôi,...mình tên là An. Tên đầy đủ là Hoàng Nhật An. Mình từng học cấp hai ở trường Nam Phong, thị trấn Nam Phong. Mình thích chơi game và... Rất vui được làm quen với các bạn.”

Một vài đứa cũng chào lại, tôi cười cười với bọn chúng rồi quay lên nhìn ông giáo chờ đợi tín hiệu tiếp theo.

“Ừm,” ổng nói. “Từ giờ em sẽ là lớp trưởng của lớp cho đến khi có kết quả bài kiểm tra một tiết đầu tiên.”

Tôi đứng đực ở đó một lúc để tiêu hó những lời ông thầy vừa nói. Chắc phải có nhầm lẫn gì đó.

“Dạ, thưa thầy,” tôi nói. “Thầy có nhầm gì không thầy? Lớp mình có hai người tên Nhật An phải không ạ?”

“Em nói gì vậy?”

“Thầy,” tôi nói, cố gắng tìm từ ngữ phù hợp. “Em đâu có học giỏi gì đâu gì mà được làm lớp trưởng ạ.”

“Có luật nào quy định lớp trưởng phải học giỏi hả?” ổng nói. “Hay giả sử là có đi. Thì tôi cũng không thích đấy.”

“Nhưng mà em chưa từng làm lớp trưởng bao giờ cả.”

 “Trước khi làm giáo viên tôi cũng chưa từng làm giáo viên,” ổng nói, rồi đưa quyển truyện lại cho tôi. “Thôi, không bàn lùi nữa. Em có thể về chỗ. Lần sau đừng làm chuyện riêng trong giờ học nhé? Bạn tiếp theo.”

Tôi nhận quyển truyện, khẽ gật đầu rồi quay trở về chỗ ngồi. Cất quyển truyện vào ba lô, tôi ngồi ngay ngắn, cố không gây bất kì rắc rối nào nữa. Cũng may là tôi không bị mắng vì vụ đọc truyện trong giờ học nhưng chắc hẳn bắt tôi làm lớp trưởng là âm mưu của ông giáo. Đó hẳn là một hình phạt mà vừa nghĩ ra. Tôi chẳng biết có ai đó khoái làm lớp trưởng hay lớp phó không chứ tôi thấy chẳng khác nào rước rắc rối vào người.

Sau một hồi đám học sinh đang giới thiệu bản thân thì ông thầy dừng bọn nó lại.

“Tuần sau chúng ta tiếp tục nhé,” ổng nói. “Giờ thì các em nghỉ. Chúc các em một cuối tuần vui vẻ.”

Nghe thấy thế cả đám hú hét lên như điên như dại.

“Chúc thầy cuối tuần vui vẻ ạ,” bọn nó nói, rồi nhanh chóng xách cặp táp và ra về.

Bình luận (1)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

1 Bình luận

AUTHOR
Có những đoạn hơi bị tường chữ, tác có thể viết giãn ra chút. Văn phong của bác khá chân thực, tuy vậy một số từ như "cúng" tiền cho nhà trường bác có thể bỏ trong ngoặc kép nhé, dù sao văn nói cũng khác văn viết mà.
Xem thêm