Sherry
powerofevil Peter Strnad; Đỗ N.Ba (Ẩmu đẹp chai)
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Tập 1

Chương 1-2

0 Bình luận - Độ dài: 10,462 từ - Cập nhật:

CHƯƠNG 1

Mẹ tôi nhốt tôi trong căn phòng. Bà sợ tôi sẽ trưởng thành, sẽ có công ăn việc làm, sẽ có mục tiêu, lý tưởng, sự nghiệp, sẽ có gia đình nhỏ của mình mà bỏ rơi bà lại trong căn nhà cũ.

Nhưng, trái lẽ thường, bà không trói, hay nhốt, hay xích tôi. Bà không đánh đập tôi. Không chửi mắng tôi. Bà chưa từng làm gì tổn hại đến thân thể tôi. Vâng! Chưa từng bạo hành hay bất cứ điều gì cả. Bà không khóa trái cửa. Không cấm cản, không nhiếc móc, không hề chĩa súng vào đầu hăm dọa mỗi khi tôi cố cách đào tẩu sang bên kia biên giới nhà – đường. Không. Bà không làm gì cả. Không gì cả! 

Nhưng không gì cả là cả một vấn đề.

Tôi từ bé đã là một đứa có tính e dè, nhút nhát. Tôi sợ bị mắng. Sợ bị mấy đứa to xác trong trường bắt nạt. Sợ bị ăn trứng ngỗng làm phật ý thầy cô. Sợ bị bạn bè ghét. Sợ họ không cần, bỏ rơi tôi. Sợ họ tẩy chay, xa lánh tôi. Sợ cô đơn. Sợ lông bông suốt đời không có được một việc làm ổn định. Sợ sống trong cảnh nợ nần, túng bấn. Sợ không ai yêu mình. Sợ không cưới được vợ. Sợ con cái cãi lời mình rồi làm chuyện bồng bột, nông nỗi. Tôi sợ chúng sẽ bỏ rơi mình. Rồi tôi sợ chết. Hằng hà sa số các nỗi sợ.

Nhưng nỗi sợ chớ phải chuyện gì to tát. 

Vì xét cho cùng thì nếu đã có ước mơ, ý chí thì thể nào mà chả tìm ra cách. Nếu ví nỗi sợ như cái ấm đun thì nước nhỏ mãi từ cái vòi mang tên tham vọng một lúc nào đó cũng phải tràn thôi. Cậu sợ không dám thổ lộ với nhỏ bạn nhưng nếu thích quá cũng có ngày cậu quyết tâm thu hết can đảm mà tỏ tình thôi. Do đó nỗi sợ nào phải là chuyện to tát!

Bi kịch là khi nỗi sợ thành ra hiện thực, chính đáng. 

Tôi dần nhận ra là tôi không sở hữu nét điển trai như người khác. Không thông minh, tài giỏi như người khác. Tôi dần nhận ra rằng đến cả thằng bạn thân nhất cũng có ngày rời bỏ tôi mà rẽ sang một hướng khác mà đi. Rằng càng lên lớp, con điểm chín điểm mười ngày một khó đạt được, cho đến một ngày là quá sức của tôi. Tôi bị nhỏ bạn từ chối. Tôi nhận ra rằng những cô gái cũng đâu có lý do nào để yêu mình, trong khi ngoài kia còn biết bao nhiêu người đàn ông khác tốt đẹp hơn, chín chắn hơn, và tài giỏi hơn. Tôi nhận ra với sức tôi thì có lẽ không bao giờ đỗ nổi vào học viện Adam. Từng nỗi sợ trở thành chính đáng, sự thực. Và có lẽ các nỗi sợ khác chỉ còn đang chực chờ trở thành sự thực trong tương lai. Tôi nhận ra rằng cuộc đời còn đáng sợ hơn tôi hình dung, nhưng chớ phải là bởi cuộc đời đáng sợ mà là bởi tôi không đủ sức đối đầu với các nỗi sợ mà cuộc đời quăng vào trong mình. Nếu cậu là con cá thì không thể nào bắt cậu leo cây. Tôi là con cá do đó tôi làm sao có thể leo cây? Tôi là con cá do đó trọn đời tôi phải sống dưới chỗ trũng!

Thành thử vấn đề nằm ở chỗ sao bà không làm gì cả? Lý ra bà phải vả vào mặt tôi. Bà phải tét đít tôi. Bà phải mắng tôi suy nghĩ như vậy là lầm rồi, sao mà tôi ngu quá. Là cuộc đời là để tôi chinh phục. Là sẽ luôn có người thương yêu tôi không phải vì tôi tài giỏi, điển trai, hay giàu có. Họ yêu thương tôi không phải vì bản thân tôi, mà vì... không vì gì cả! Họ chỉ đơn giản là yêu thương tôi mà thôi. Là tôi đủ tài giỏi để làm chủ vận mệnh của mình, dù tôi có nghi ngờ năng lực của tôi đi chăng nữa. Và bà sẽ đuổi tôi khỏi nhà cho đến khi tôi chinh phục được bản thân tôi. Vì tôi là con người, chớ phải con cá. Và con người chế ngự nỗi sợ của mình. 

Nhưng không. Bà không làm gì cả. Bà không chửi mắng tôi, cũng không thúc bách tôi. Tôi không biết là vì bà không muốn, hay là vì bà không nỡ, hay là vì cả hai. Bà dung dưỡng cho nỗi sợ của tôi, bà yêu thương, chiều chuộng tôi. Bà vỗ béo tâm hồn tôi. Bà xây cho tôi một căn cứ thật vững chãi, thật tiện nghi, ấm áp để tôi có chỗ trốn tránh khỏi những mối nguy trong cuộc đời. Và có lẽ bà cũng không cần khóa cửa hay xích tôi lại vì bà đã biết là có thả ra thì tôi vẫn chọn trốn trong cái nhà giam đẹp đẽ mà bà dày công xây dựng mà thôi.

Và có lẽ là lỗi của tôi khi đã chọn nhốt thanh xuân, cuộc đời mình trong căn phòng này. Có lẽ đó là lỗi của tôi khi chọn cuộc đời chỉ xoay quanh chuyện ăn uống ngủ nghỉ bài tiết cùng các thú vui tiêu khiển vô thưởng vô phạt. Nhưng có lẽ đó cũng chẳng là phải lỗi của tôi, vì phải đến khi trở thành một đứa trẻ to xác đần độn ấu trĩ không còn một tí hiểu biết gì về xã hội, một con lợn trong bộ lốt người, thì tôi mới ngộ ra là đáng lý ra, từ hồi thơ ấu, mình đã nên dần dà chinh phục các thử thách mà cuộc đời ban tặng cho mình; đáng lẽ tôi nên dần dần trưởng thành.

Nhưng tôi còn biết trách ai bây giờ? Cuộc đời tôi là một nỗi ô nhục của tạo hóa, của dòng họ, của xã hội, của đất nước, và của chính bản thân mình. Đôi khi tôi tự nhủ rằng bằng cách tự kết liễu con lợn vô dụng là bản thân tôi là tôi đã diệt trừ được một thứ ấu trùng bệnh hoạn, xóa được một vết nhơ cho thế giới và cho bản thân mình. Khi đó chí ít tôi cũng làm được một việc tốt! Nhưng tôi không còn sức, còn dũng khí mà chuyển sinh cho bản thân nữa rồi. 

Nhìn lại căn phòng tôi, không còn lấy một cây bút, một mẩu giấy, một cuốn sách, một ước ao, một hy vọng, không khác nào một cái chuồng súc sinh hoa mỹ. Ngày ngày, tôi tự rủa mình sao vô dụng. Nhưng còn biết làm gì hơn? Dù gì tôi cũng cảm thông phần nào được cho số phận của chính mình. Thôi thì buông xuôi theo dòng đời rồi chửi rủa số phận cũng xong một kiếp người. Bởi vì nếu thả con lợn nhà về rừng thì nó có còn biết làm gì mà không loanh quanh lớ ngớ rồi làm mồi cho thú dữ xơi mất.

Và có lẽ đời tôi đã vĩnh viễn trôi theo lối đó nếu chẳng vì cái sáng định mệnh tôi gặp cô.

CHƯƠNG 2

Trước đó một tháng, vào một ngày sáng mùa hạ oi bức, tôi đã đào tẩu khỏi cái hang tôi đã ngủ đông bấy lâu nay. Chẳng như mọi ngày tôi sẽ vùi mình dưới lớp mền trong căn phòng được làm mát nhân tạo, ngủ nướng tới tận trưa, ngày hôm đó tôi nhồi toàn bộ mền gối, thú nhồi gòn vào tủ quần áo rồi chuồn khỏi nhà từ lúc những con gà bình minh còn chưa kịp gáy. Trời còn chưa xanh. Tôi chẳng chỉnh trang gì cả, như thường lệ. Tôi đang trong tâm trạng của những ngày cuối tuần. Thông thường vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, tôi thường nổi hứng thử cái mới. Chẳng hạn như tuần trước tôi ăn thử ở tiệm bánh nướng vừa khai trương ở đầu bên kia thành phố. Nhưng đặc biệt vào ngày hôm nay có một thứ tôi đã muốn thử từ lâu, lâu lắm rồi.

Tôi khóa cửa rời căn hộ. 

Gia đình tôi sống trong một căn hộ cao ốc tầm trung, tầng mười chín, ba phòng ngủ và một phòng tắm, cha tặng cho mẹ. Cha tôi là thủy thủ tàu viễn dương, nửa năm trên biển, nửa năm trên bờ. Có vẻ như những con sóng trái mùa, những loài cá dữ có răng nhanh vùng Hồng Hải và nửa năm trôi dạt ròng rã không hơi hướm đàn bà là quá đủ để bẻ gãy tình cảm vợ chồng, cha con của ngay cả những người đàn ông nặng tình thương gia đình nhất. Nửa năm trên mặt đất là quá ngắn để đảo ngược hậu quả của nửa năm dưới biển. Ông mê đánh bạc hơn là ngồi ăn tối với gia đình, thích ôm vại rượu hơn là ôm tôi, và yêu những giọt nước mắt của những cô gái điếm buồn hơn là nước mắt pha lê của vợ mình. Chúng gợi cho ông về những thị trấn ông từng quá cảnh, những ngày tháng lênh đênh trên biển cả, hàng vạn ván bài cùng đồng đội, rượu tra vào cơ thể mỗi ngày, lũ gái điếm rẻ tiền nhung nhúc ở khắp mọi nơi, vùng, và mỗi nơi mỗi vị, mỗi vùng một đặc sản. Cậu thấy đấy, khi vĩnh viễn chu du xuyên các đới khí hậu và giữa những giấc mơ, từ hư vinh này sang hư vinh khác, con người còn giữ làm sao nỗi chiếc nhẫn trung thành. Những ngày cám dỗ ở xứ người và những đêm nhung nhớ trên biển sẽ làm biến dạng bất cứ con khỉ nào thành con khỉ đa đoan và một con khỉ đa đoan nào còn có thể trung thành bên một cây chuối thẳng. Tôi đủ lớn để hiểu, nhưng chưa đủ lớn để tha thứ cho ông.

Tôi cũng đủ hiểu phần nào quan điểm của mẹ chẳng muốn tôi rời khỏi nhà. Nhưng một nửa dòng máu phiêu lưu của loài hải quái máu lạnh vẫn chảy trong thân thể tôi. Cơ thể tôi là nơi trú ngụ phân liệt của hai bản thể quyền năng, cao ngạo, một từ mẹ, một từ bố, bao giờ cũng cắn xé lẫn nhau, giằng lấy tôi về phía họ. Chẳng thà họ đừng kết hôn. Chẳng thà họ đừng nặn ra tôi. Chẳng thà tôi đừng sinh ra đời, một bên băng một bên lửa. Thành thử một mặt tôi sợ những chuyến phiêu lưu, tôi là cái cây chẳng muốn mọc chân chạy; một mặt tôi lại thèm khát, thèm khát chúng cực kỳ, như con cánh cụt thèm biển vậy. Tôi cũng giống con cánh cụt vậy, tôi nghĩ.

Nhưng trở về với hiện tại trên con đại lộ men theo con sông Isonas xẻ dọc thủ đô Adam thành hai nửa: Adam đông và Adam tây. Ở Adam, mọi con đường đều dẫn về con sông Isonas. Thành thử mười năm trước, lúc mẹ và bố vừa ly thân và hằng ngày bà vẫn mở tủ ngắm nghía những bức ảnh và những ngôi sao ông hái tặng bà cái hồi cả hai còn là hai con cún mới lớn, yêu nhau, cái thời ông chưa xin được một chân làm tay boong trên con tàu và đại lộ này vào mỗi sáu giờ tới bảy giờ sáng và từ bốn giờ rưỡi tới sáu giờ chiều bao giờ cũng tắc nghẽn thành các đoàn rồng rắn dài hàng chục cây số. Năm năm sau đó, họ khởi công xây bốn đường tàu hỏa tốc mỗi bên đông, tây dọc trên bãi sông và cấm xe hơi lưu chuyển vào con đại lộ ai ai cũng biết này. Họ tẻ ra các tiểu đại lộ nhánh (chẳng hiểu sao chữ tiểu và chữ đại không triệt tiêu nhau?) nhằm giảm áp suất lưu thông. Nhưng tới một lúc nào đó, một đại dịch tư tưởng sống xanh bùng lan khắp mọi ngóc ngách Adam và dường như tàu điện là hợp mốt hơn nên lũ người trẻ kè kè tấm ván bên nách chẳng thà bắt tàu nhanh rồi trượt nốt quãng đường còn lại, luồn qua khoảng hổng giữa những ô tô xám, còn hơn là ngồi tới ung mông nhọt đít trong bụng con tê giác sắt, bấm còi trong cơn phẫn nộ vô vọng bị trói cứng đằng sau thắt lưng ghế. 

Tôi cũng thuộc lớp người trẻ, nên chẳng cách nào hóa giải được lời nguyền của những tấm ván trượt. Cô cũng vậy. Cô cùng tuổi tôi. Chúng tôi học cùng trường, cùng khối, khác lớp. Nhưng vào cái sáng ấy, tôi nào biết! Suốt bốn mùa đầu tiên trong năm thứ nhất của ba năm cao trung, tôi chẳng hề biết cô là ai cả. Nói đúng hơn là tôi chẳng hề biết ai là ai cả. Từ hồi cấp ba, tôi nhận thấy một bản năng hắc ám kỳ khôi khiến tôi chẳng muốn, sợ, kết nghĩa với những kẻ xa lạ. Tất nhiên là tôi có bạn, nhưng các mối quan hệ chỉ dừng lại ở ngưỡng cửa xã giao như những người lạ hỏi đường. Tôi học chung với họ và chúng tôi trao đổi bài tập, thông tin trường, hoạt động lớp, ngoài ra cũng chẳng có gì sâu đậm, khả lưu luyến. Tựa lưng vào thành cửa kính khoang tàu kim loại trống rỗng, trông ra con sông Isonas ửng dần màu đỏ bình minh gợi tôi những hoài niệm vô bổ về các hồi ức cuộc đời tôi như thế đó!

Bắt tàu ở trung tâm Adam sẽ đâm qua một số quận trong lòng thủ đô, rồi sau khi đã ra ngoại thành Adam, các đường tàu nhìn trên bản đồ như những con rạch sẽ chảy xuống hợp với con sông Isonas, rồi men theo Isonas chảy xuống tận cửa sông ở miền Nam thì tẻ ra các tỉnh lẻ. Tàu nghỉ chân giữa những tỉnh ven sông. Con sông Isonas ấm dần trong nắng. Sự trống trải vô nghĩa trên con tàu sạch tươm chẳng một mẩu vụn rác. Sự cô độc này, trông ra những con sóng lăn tăn trên sông làm tôi nghĩ tôi là bố những ngày đầu trên con tàu đi biển. Có giống lắm chăng? Hồi đó phong cảnh như thế nào? Chẳng phải cũng như bây giờ hay sao? Chẳng phải cũng trông ra những con sóng ỉu xìu hay sao? Ông có sợ không? Tôi nghĩ là có. Ông có nhớ mẹ không? Đương nhiên rồi. Nhưng một con tàu bé tẹo, chật ních tham vọng biển làm gì còn chừa chỗ cho nỗi nhớ nhung, quyến luyến người thân? Có lẽ trong lúc dọn tàu ở chỗ một hòn đảo nào đó, một người thủy thủ đã vô tình quét mất tình thương của ông dành cho mẹ xuống biển rồi.

Con rồng thép gầm lên một tiếng rung rinh sân ga, xong lọc cọc phi đi. Con rồng sẽ bay là là gần sát mặt đất, bay từ chỗ thủ đô nhà tôi, chỗ những tu viện, ủy ban, quốc học Adam phương Bắc, xuống những khu rừng hiện đại, đài phun nước sạch tự động, chỗ những công viên thuộc quyền sở hữu của mèo hoang và lũ chim bồ câu thất nghiệp, nhưng cũng là chỗ của những con hẻm rác rếnh, lũ chuột ăn cắp giỏ xách, và những bàn nhậu bằng gỗ ở phương Nam. Ấy là nơi bố ưa lui tới. Và ở đó cũng bán một loại táo mà tôi rất muốn thử. Loài táo ấy chẳng giúp an thần như rượu, thuốc tẩu, cũng chẳng phải kích thích như những tách cà phê thủ đô, nhưng nó gây ảo giác. Kỳ thực, họ bảo đó chẳng phải là ảo giác đâu, mà là "khai nhãn," trong một giờ đồng hồ sẽ "thấy được những thứ con người thông thường không thấy được." Như loài dơi nhìn đời bằng sóng siêu âm và nghe được những tần số tai người chẳng nghe được, chỉ một cắn vào loài táo này là trong vòng một giờ đồng hồ, cậu sẽ cảm thụ được các hiện diện vật lý mà trước đây cậu không thể nghe, nhìn, ngửi, hay sờ thấy được. Đối với tôi, chúng rặt toàn lời quảng bá ba xàm, dối trá nhằm thu hút mấy kẻ mò tới chất ảo giác nhưng chẳng dám thừa nhận là mình thèm chất ảo giác. Không nói nhiều, ảo giác là ảo giác!

Nhưng quan trọng hơn thảy là chỉ một mảnh cắn (các mảnh sau không còn tác dụng) là kể từ sau tour du lịch ở quốc gia ảo giác (người ta gọi là mộng quốc), con người ta sẽ cảm thấy vĩnh viễn phấn chấn và yêu đời hơn, có mục tiêu, lý tưởng mà phấn đấu, cuộc đời thay đổi theo chiều hướng xán lạn hơn. Cậu sẽ sống trong lốt một con người khác: một kẻ lạc quan, chu toàn, một kẻ hướng ngoại. Đối với tôi, như vậy đã đủ dũng cảm để thoát khỏi cái cảnh vô dụng, bao giờ cũng sợ sệt ngay bây giờ và đã đủ yêu đợi để chịu đựng cái vô nghĩa, lạnh lẽo và gớm guốc của cuộc đời đằng sau hậu cảnh này rồi. Tóm lại là tôi cần nó! 

Ngặt nỗi thứ táo ấy chỉ mọc ở vịnh Goose dưới Nam, cái vùng hàn thiên nhiệt địa, thiên đường du lịch, thiên đường mạo hiểm gia. Cây cối ở Goose phổi thì hít thở trong oxi lạnh, khô do bản thân Eden đã nằm trong ôn đới lạnh rồi, nhưng rễ thì được sưởi ấm do dòng dung nham núi lửa chảy dưới lòng đất. Giống táo kén sống phải nói nên phải vậy thì trồng táo vàng mới chịu ra quả. Và dù rằng vương triều Eden không cấm, nhưng vì cái tập quán vô hình quái đản nào đó của miền bắc Eden nơi chỉ cách đáy miền nam cỡ bảy trăm cây số mà dân ở đây dường như là thích hân hoan trong sự thống khổ hơn là lắp vào thân thể thứ táo vàng lạc quan yêu đời ấy. Chả ai ăn táo ở đây cả. Chả ai bán táo ở đây cả. Có thì cũng chỉ là táo thường, táo tẻ nhạt, táo đỏ, táo tráng miệng, táo công nghiệp, táo vô thưởng vô phạt, táo nhân viên văn phòng. Còn táo vàng khai nhãn, khai thần thì chả ai ăn.

Cậu thắc mắc vì sao tôi biết nhiều về táo đến cỡ đó sao? Trong chuỗi ngày hè lười chảy dãi, ngày đằng đẵng như chuyến xe đò xuyên quốc, bánh xe cứ lăn mãi, lăn mãi vẫn chưa đến nơi, thì tôi chỉ làm đúng mỗi hai việc là vuốt đuôi mèo và nghe đài radio. Bây giờ thì tôi chẳng còn vuốt đuôi mèo được nữa, vì bé mèo của tôi mất rồi. Nhưng nghe đài thì còn. Một chiếc đài radio mới toanh, chính thống chỉ bắt được các đài chính phủ, kênh ca nhạc, kênh thời sự, dự báo thời tiết, v.v. – các kênh chán òm, thông tin tiệt trùng. Nhưng trong một dịp vớ vẩn mà con mèo giấu chiếc quần chíp ưa thích tôi biết có mặc hay không thì cũng chẳng ai phát giác hay đủ thân thiết với tôi để được phép điều tra thì trong cơn cáu giận mười-phút-nữa-chuông-reo-vào-lớp-mà-giờ-còn-chưa-ra-khỏi-nhà và năng lực thần giao cách cảm bộc phát bừa bãi gây ra một vụ nổ mini mà nạn nhân là cái tủ quần áo bốn hộc, một con chuột chuyên ăn vụng hang ổ ẩn náu dưới gầm tủ bấy lâu tôi không dò ra được, và chiếc đài radio (điều khiển cho bé mèo bay vô tủ nổ cái đùng, tủ ngã gây chấn động làm rơi khỏi bàn mấy cây bút chì và vỡ chiếc đài.)

Hãi quá chẳng dám kể với mẹ, tôi bèn cầu cứu bố sửa lại. Nghe qua điện chưa trót lọt đầu đuôi câu chuyện ra sao là ở đầu bên kia ống nghe, ông đã giơ cao ngón cái và nhe răng nhếch mép cười toe toét để lộ cách trên khóe miệng cỡ hai, ba li, một lúm đồng xu ti tí, ngồ ngộ, mà tôi đoán hồi trẻ ông thường dùng để cưa mẹ. Sở dĩ ông hớn hở ra mặt có lẽ vì kinh nghiệm và tài lẻ sửa chữa những thứ ngẫu nhiên hỏng hóc trên tàu từ chuỗi ngày trên biển vào ngày hôm đó cũng được dịp phát huy tác dụng trong môi trường thành thị gia đình. Qua một tối màu tím quanh quẩn khắp thành phố Eve và bắt tàu đêm lên thủ đô thì sáng hôm kế, canh lúc mẹ vừa khóa cửa rời căn hộ đi làm là ông reo chuông, lú đầu lộ diện như con gà trống vui tươi, cầm sẵn bốn tấm ván gỗ, một cây búa, mớ đinh trong túi quần, tinh thần hồ hởi giống đứa trẻ sắp sửa được xây nhà trên cây. Ông đóng cái tủ hệt nó chưa từng nổ bao giờ. Nhưng còn cái đài thì bởi vì tôi quên kể ông tối hôm nọ thành thử trưa hôm đó, sửa xong cái tủ, ông không có vít hoặc móng tay đủ dài để vặn ốc, gỡ cái vỏ thiếc, cũng như không có dây đồng, mạch mà thay thế bên trong. Móng tay dài thì có sẵn ở nhà loại móng tay giả đính đá của mẹ, nhưng đồ điện bên trong mà sửa thì nhọc quá, thành thử ông nảy ra ý là ông sắm hẳn cho tôi một chiếc đài mới luôn.

Thoạt đầu, tôi đã thấy kỳ lạ là chiếc đài ông sắm có tận hai nút vặn chuyển kênh và bắt được đa dạng kênh hơn hẳn chiếc đài cũ. Nhiều kênh rất quái dị như có một kênh chỉ nghe tiếng rè rè nhưng đúng năm giờ sáng thì phát chuông báo thức tiếng mèo kêu (là mèo cái, con mèo đực nhà tôi mê lắm.) Có kênh mấy ông già thập tự quân về hưu ngồi lầm bầm về những chuyến hành trình hồi trẻ xuống các quốc gia phương Nam, truy tìm các bí tích, giong thuyền ra Hồng Hải. Tôi cho rằng chúng là những kênh lậu, kênh ngầm, kênh vô chính phủ. Từ ấy, chiếc đài là một cái hang thỏ xuống xứ thần tiên và vương quốc Eden không còn bé bằng cái vung mà là tập hợp của hàng ngàn, hàng vạn sự ngẫu nhiên quyến rũ nhưng duy lý. Tôi sẽ không tiết lộ các kênh ưa thích tôi nghe từ sáng đến trưa và trưa đến chiều và chiều đến tối, nhưng một trong số chúng là kênh Phượt Eden. Eden là một quốc gia khổng lồ mà chỉ nghe đài ở thủ đô Adam thì khó họa nổi trong não toàn cảnh sự vĩ đại bạt ngàn của vùng đất rộng gấp ba mươi bảy cái Adam này. Các làng suối nguồn trên núi, các làng chài trên đảo, thành phố trong hang động đá vôi, thành phố ma, thành phố tư bản hóa bất thành công, thị trấn lũ lụt mỗi hạ, làng ngập trong tuyết, thị trấn rừng thông dễ hỏa hoạn... đủ cả. Nhưng con chuột thành thị bao giờ trong lòng cũng ngứa nhiều tâm sự hơn con chuột nông thôn, thành thử tổng hợp những điều kỳ lạ, dị biệt nhất vẫn nằm ở thủ đô sôi động của Eden này: Adam.

Vào một ngày mùa đông tuyết rơi trắng xóa ngoài cửa sổ, từ chiếc cốc nhựa trong suốt mua từ một chi nhánh của chuỗi cửa hàng cà phê Nissan cất trong ngôi nhà hình nấm mọc trên con đường mùa tuyết lấm tấm màu màu xám nhựa đường dẫn từ nhà tôi ra con sông Isonas, tôi sang cà phê qua chiếc cốc sắt ở nhà, rồi đặt trên cái tủ gỗ đầu giường cạnh cái đèn ngủ và chiếc đài đang hót nhạc giới thiệu chương trình Phượt Eden sáng. Cốc cà phê thở ra hơi nước và con mèo đen còn cuộn mình lười biếng trong chăn, hai giọng Bắc, một nam một nữ, ríu rít trong đài radio giới thiệu về thứ táo tiên đổ đống dưới chợ trời ở bãi sau thành phố Goose. Hai người là các mạo hiểm gia trực thuộc Eve: anh thanh niên tuổi đúng hai mươi bốn, còn cô gái nhỏ tuổi hơn, áng chừng tuổi hoa nở. Anh thanh niên ngoài làm con chuột bạch nếm đặc sản phương Nam cho kênh Phượt Eden này còn là phóng viên hiện tường tập sự của tập san pháp luật, chuyên viết về các kỳ án ác độc vô phương. Còn cô gái tuổi anh đào thì chẳng biết gốc gác ở đâu cũng chẳng có tài năng, gốc gác gì lại được làm giọng nói đại diện của kênh khi còn trẻ thế, nhưng giọng cô hay cực, rành rành là giọng Bắc nhưng ngọt lịm và nhõng nhẽo chẳng kém giọng con gái miền Nam. Tôi chỉ thấy mặt anh thanh niên trên báo, nhận được giải thưởng nhiếp ảnh hiện trường gì đấy xong hình như anh tự viết, tự đăng bài, tên là Alexander. Còn cô gái thì qua chất giọng họa mi dễ tưởng tượng rằng cô cũng phải xinh lắm, nhưng thực hư giao diện thế nào thì thiên hạ chưa bao giờ được dịp chứng kiến.

Cả hai mạo hiểm gia đều gốc Bắc thành thử thân thể cũng bị rủa cái lời nguyền văn hóa làm cho những quả táo, đường gân nổi loằng ngoằng, trông ghê rợn như một thứ trái của ác quỷ. Anh thanh niên cầm một trái trên bàn tay phải run rẩy, cười ngặt nghẽo trong cơn sợ hãi nguyên thủy. Chợt anh rú lên một tiếng làm cô gái giật thót và làm cho bên đây đài con mèo trong chăn giật tỉnh một cái, ngọ nguậy, grừ grừ mấy tiếng  bị phá giấc ngủ. Gã lái thương vận quần đùi, áo thun ba lỗ để lộ cái bụng bia to bự chỉ ngáp một cái. Khu chợ trời tư bản ban sáng nhộn nhịp bởi còn nhiều cá sống, thịt tươi, nhưng đồng thời sạch sẽ do quy định, đồng thời cũng bởi chiếc xe jeep lùn màu đen khoáng thạch, huy hiệu quả táo vàng đính trước lưới tản nhiệt, đậu trước bãi đỗ xe của khu chợ và ba cảnh binh đi tuần loanh quanh, nhiệm vụ chính là canh phòng kẻ gian, nhiệm vụ phụ là canh gian hàng nào dơ, bừa bộn, mất mỹ quan: phạt.

Sau vài phút lưỡng lự dường như tự vấn về lựa chọn nghề nghiệp thì Alexander, nhắm mắt và nín thở, đút quả táo vào mồm cô gái đồng nghiệp. Cắn lẹ! cắn! cắn! không muốn ngạt thở thì cắn! giục cô phải cắn một mảnh rõ giòn như con thỏ cắn mảnh cà rốt. Vừa cắn thì mắt cô chao đảo, người cô rủ xuống như bông hồng úa. Dưới vai trò phóng viên hiện trường kiêm mạo hiểm giả, vừa tường thuật sinh động, kịch tính cái thí nghiệm mảnh táo vàng phản ứng với bao tử dân miền Bắc, hắn vừa bế cô ba chân bốn cẳng phóng ra xe. Gã lái thương vẫn bình thản phe phẩy cây quạt ba tiêu mini trên tay và thiên hạ trong chợ vẫn tấp nập như đất chẳng động trời chớ vần và không có gì xảy ra. Cứ như thể đôi cẩu nam nữ đóng vai phóng viên này và lũ người thuộc vùng địa lý cao hơn và rét hơn đang chắp tay nghe đài cứ nghiêm trọng hóa cái chuyện không có gì, không đáng.

Sáng hôm sau, chẳng ai biết tung tích cô gái hoa anh đào nữa, Alexander xuất hiện trên đài cũng một cô gái mới, giọng không ngọt như cô tiền nhiệm nhưng bù lại đã lăn lộn ba năm trong giới phóng viên, phỏng vấn và chụp ảnh sến giới nhà giàu, minh tinh cho thời báo Golden Cherry. Chẳng ai biết gì về cô gái cũ, tên, ngoại hình, nghề nghiệp; ngoại trừ chất giọng mỏng như cánh bướm trong những ký ức vàng của đám người hâm mộ (gồm cả tôi). Nghe đồn rằng một khi yêu đời thì cô đã chán ngấy cái nghiệp phóng viên phượt, thành ra bỏ nghề, yên gia nghi thất với một gã nhà sản xuất có tuổi và tiếng tăm trong công ty. Một tin đồn khác là Alexander đã thủ tiêu cô, phi tang chứng cứ của hành động hèn hạ của hắn. Nhưng thực hư số phận cô gái chắc chỉ được truyền miệng trong tổ chức Phượt Eden, còn cụ thể sự tình ngày hôm đó ra sao, lúc bất tỉnh trên đùi cô có bao nhiêu nốt ruồi, thì chẳng còn ai, chẳng một ai nắm rõ ngoài tên khốn tóc vàng Alexander.

Mặt khác, tác dụng của táo vàng đã được đài khoa học Eden kiểm chứng bằng thí nghiệm trên chuột bạch và không những chúng yêu đời hơn, hướng ngoại hơn, giao phối nhiều hơn, mà còn biết yêu đồng bào hơn, khiêm tốn, biết nhường thức ăn cho lũ chuột con, chuột cái, chuột khuyết tật, và biết xếp hàng ngăn nắp, trật tự nhận phô mát hảo tâm từ các nhà bác học với cái gật đầu cảm ơn. Cần thử nghiệm thêm trên con người vì họ vẫn chưa giải thích được các phản ứng giữa các hoạt chất trong táo và lông não của loài động vật có tâm hồn, tuy nhiên trường hợp tác dụng phụ, phản ứng phụ, phản tác dụng, hay tác dụng xấu, ngộ độc, người ăn hóa súc sinh thì chưa có. Tóm lại là thứ táo vàng này vô hại, còn có lợi hay không thì khoa học chưa rõ.

Bác soát vé khoét một cái lỗ hình cánh cửa từ bên trong bụng con rồng thép. Chẳng có con gì chui ra từ trong bao tử, nhưng có hai con người tự nguyện leo vào: một vest đen nhưng không thắt cà vạt, một blu trắng nhưng chẳng đeo ống nghe. Họ ổn định vào hai băng ghế dài đối diện nhau, mỗi băng ghế tựa lưng vào một hàng cửa sổ phân ô, bên trái và bên phải. Tôi bên phải, vest đen đầu dãy bên trái. Con rồng chợp mắt được năm phút thì bác soát vé may bụng cho nó. Rồi nó bay tiếp.  

Con tàu cũ kĩ, cồng kềnh mà cái hồi mới khánh thành, một tên vô danh cứ sơn bậy ngoài vỏ tàu. Thoạt đầu gã siêu trộm cứ đột nhập rồi sơn toán loạn đủ thứ hình, nhưng chủ yếu là những chữ ngớ ngẩn, vô nghĩa như it, means, nothing, stop, over, thinking... bằng một thứ sơn mà mặt trời phải lên cao thì sơn mới sáng, trời tối thì có đeo kính hồng ngoại cũng trông không ra. 

Chẳng cần nói cũng đoán được ngài trưởng nghiệp đoàn đường sắt phải điên tiết lắm. Ổng cho tẩy trắng da cấp tốc con tàu, cũng như méc Sở Trị An, áp lực họ phải tóm đầu lẹ lẹ lũ con nít ranh phá hoại, xử lý nghiêm khắc, để còn giữ thanh danh cho nghiệp đoàn. Thế là chưa đầy một tuần sau, tờ pháp luật quăng tin Sở Trị An đã gô cổ một anh họa sĩ vô danh trong thành phố vì nét vẽ của anh giống hình xăm trên bụng con tàu, giống lắm kìa! Nhưng tống anh vào nhà lao chưa đầy một hôm thì ai đó lại xăm kín con tàu với các chữ no, you, did, not, catch, me, and, this, dragon, love, tattoo.

Cuộc chiến xăm, tẩy này diễn ra trong vòng một tháng, đến chừng ngài trưởng nghiệp đoàn phải phải miễn cưỡng từ chức vì bất tài và vì bê bối tham nhũng mới bị Sở Trị An phanh phui. Đừng dính dáng đến Sở Trị An, mọi người kháo nhau vậy. Vừa nhậm chức là ngài trường nghiệp đoàn kế nhiệm đã viết một bức tâm thư ngỏ ý cầu hòa với tên tội phạm, mời gã dùng bữa tối mật danh, ấm cúng: bữa tối online. Từ đó sẽ hiểu nguyện vọng của nhau mà đáp ứng. Lá thư được đăng lên báo ở trang thứ tư, cạnh trang thứ năm là sự nổi tiếng bất đắc dĩ của chàng họa sĩ vô danh vừa ra ngục. Vì các tranh chân dung được lên báo nên nhiều người hợp gu bỗng nhiên tò mò và tham quan xưởng vẽ tại gia của anh hơn, nhờ anh vẽ giúp chân dung chó, mèo của mình. Và tranh anh vẽ cũng thuộc hàng cực phẩm, hư hư thực thực, giản dị nhưng vẫn sang, thành thử nhiều bức được chào mua, thậm chí bán đấu giá với mức cao ngất. Vào thời điểm này, chẳng ai biết chàng họa sĩ vô danh này sẽ ảnh hưởng đến hội họa Eden đến nhường nào cả. Nhưng hãy nhớ, tên anh ta là Ian.

Còn về bức tâm thư, với cái tôi tổ chảng của mình, dễ gì gã khủng bố chịu huề? Gã lịch thiệp từ chối bằng một bức tâm thư ngắn gửi tòa soạn và không, gã là thần thánh nên không cần ăn tối. Ở bức tâm thư thứ hai, ngài trưởng nghiệp đoàn hứa rằng chỉ cần đừng vẽ nữa, Sở Trị An sẽ miễn truy tố gã khủng bố và sẽ dâng cống vật bao gồm 7 chai rượu quý và 19 hộp xì gà đắt tiền nhập khẩu từ xứ Livia, hãy sai xà ích công nghệ đến cửa hàng xyz trong thủ đô mà nhận. Trong bức tâm thư hồi âm thứ hai, gã khủng bố lại lịch sự từ chối và thay vì chỉ ra cái bẫy rành rành trong bức tâm thư của ngài trưởng nghiệp đoàn, cũng chẳng trách ngài trưởng nghiệp đoàn đã coi thường mình, gã chỉ nhã nhặn đáp rằng gã không nhậu, cũng không hút thuốc. Lá tâm thư thứ ba và cuối cùng, hiểu được đối thủ của mình là một kẻ thông minh nhưng cũng tự cao, ngài trưởng nghiệp đoàn chỉ mong gã hãy đối xử tử tế với bà con; tội nghiệp bà con, họ làm tình làm tội gì mà hằng ngày phải vướng vào cuộc chiến phi nghĩa giữa hai danh hài mới nổi. 

Vẫn là con người, hiển nhiên gã vẫn bị lay động bởi lối hành văn mùi mẫn của ngài trưởng nghiệp đoàn. Cũng vì ăn nói mùi mẫn nhưng khôn khéo vậy mà ngài mới lên được trưởng nghiệp đoàn chứ đâu phải đùa? Được thôi! Gã không chịu huề, những cũng không muốn vô duyên vô cớ làm khổ bà con như vầy được Những hình vẽ vô nghĩa là vấn đề, vậy thì sao cho chúng một ý nghĩa? Lợi dụng một buổi tối bất cẩn của hàng rào bảo vệ nhà ga, gã luồn vào trong, tẩy toàn bộ các hình xăm vô nghĩa, thay vào đó là hình vẽ những con tê giác, gồm nhiều màu, đỏ, cam, vàng, xanh lục, đỏ, sặc sỡ cuốn hút trẻ con; con thì đứng bằng bốn chân, con thì đứng bằng hai, có con đeo kính mát, có con nhe răng cười, con thì xòe bàn chân mà tôi ướm bàn tay vào thì vừa khít, con thì bự chảng như con tê giác thật... Tất cả đều bị băng bó chỗ cái sừng, và hành khách ngồi trên tàu thì qua cửa sổ sẽ trông như đang cưỡi những con tê giác. Cuối cùng là dòng chữ ride no to rhino.

Chả ai hiểu gã nghĩ gì nữa. Nhưng ngài trưởng nghiệp đoàn hình như cũng hài lòng với diện mạo mới này, cũng vì hồi đó tự nhiên tê giác bị săn trộm tới gần tuyệt chủng, thành ra ai cũng hoảng. Đón chờ một vài ngày, vừa ngửi thấy phản ứng tích cực từ công chúng thì ngài trưởng nghiệp đoàn viết một lá tâm thư khác, lần này để cảm tạ tên khủng bố vì đã hành xử tử tế (chữ tử tế nhắc đi nhắc lại cả chục lần.) Sau cùng thì huề cả làng, tê giác có tỷ lệ trẻ con bình chọn làm động vật ưa thích cao nhất, và ba năm sau, trẻ em tiểu học được bầu chọn trong danh sách các mẫu linh vật cho kỳ thế vận hội thì linh vật đăng quang là một con tê giác. Mãi sau này, mỗi khi sản xuất một đoàn tàu mới, mỗi khi những con tê giác trên một đoàn tàu bị mưa tẩy lợt màu và dù lũ tê giác đã được bảo vệ kỹ càng, đã thoát khỏi số phận diệt chủng, thì hoặc là người của công ty đường sắt hoặc là hậu duệ các đời của gã khủng bố sẽ đến sơn lại cho mới, cho tươi, dù đến thế hệ của tôi thì chẳng còn ai nhớ tại sao họ phải làm như vậy cả.

Nên bây giờ tôi ngồi trong bụng con rồng thép, trên bụng con rồng xăm tùm lum tê giác. Thật lạ... 

Trong khoang tàu, sàn, tường, vách ngăn đều lợp gỗ. Con tàu thuộc các thế hệ đầu, công nghệ còn thô sơ, lối trang trí còn Phục Hưng, công nhân nhà xưởng còn bị bóc lột. Những con tàu những thế hệ đầu giờ chỉ còn chở khách, chứ hàng hóa cõng không nổi nữa. Con tàu tôi đang ngồi chỉ còn ngược xuôi mỗi tuyến Adam - Eve, dậy và khởi hành từ sáng sớm như thói quen sinh hoạt những người công nhân ngày xưa chế tạo ra nó. Khách đi tàu loại này cũng ít, vì tàu chạy rề rề, nghỉ nhiều trạm, đi để ngắm cảnh là chính, rất gây khó chịu cho thế hệ măng tụi tôi sống hối hả, sống vội quá, nhưng hợp cạ hơn với thế hệ tre. Họ là những khách đường dài kiên nhẫn, thích ngắm ra ngoài cửa sổ, hoài niệm cuộc đời đã trôi qua, ưa vặn vặn chiếc nhẫn vàng trên ngón áp út, thường già cả hoặc đứng tuổi. Những người mà tàu phóng nhanh quá sẽ lên tăng xông, không thở nổi. Những con tàu quá xì tin, quá ít gỉ sét, màu sơn quá rực, bảng quảng cáo trên tàu quá chói, quá hiện đại, đèn huỳnh quang quá trắng cũng vì lẽ khiến họ hoài tưởng đến cái thời niên thiếu, cái thời còn yêu, còn lụy, còn thất tình, vì lẽ đó khó mà yên tim.

Nhưng triều đình dự trù rằng lao động một, hai năm nữa, có lẽ các đoàn tàu trạc tuổi ông, tuổi bà của tôi này cũng lao sức, phải cưỡng chế về hưu, vì bây giờ đã thường xuyên gặp hỏng hóc cơ khí, ngày một nặng, đồng thời nhiên liệu cũng hao tốn gấp rưỡi các dòng tàu mới. Thành thử vừa tháng trước, những số báo chính thống của triều đình đồng loạt công bố sắc lệnh rằng đầu năm sau sẽ đào thải toàn bộ tàu thuộc thế hệ một, hai, ba, và thay thế bằng tàu thế hệ sáu và bảy. Trong lứa tàu thế hệ cũ, một số ít có công lớn với vương quốc Eden, chẳng hạn như chở vũ khí thời chiến, chở tượng anh hùng bằng đồng, cùng với con tàu ưa thích của hoàng đế (con tàu tôi đang ngồi này,) sẽ được trưng bày ở viện bảo tàng và trùng tu thường xuyên; số còn lại không nghe đài nói nhưng tôi nghĩ sẽ bị chặt đầu, chặt đuôi bán sắt vụn.

Tôi chọn ngồi trên chuyến tàu này vì ngày xưa cha tôi cũng thường bắt con tàu này mà đi. Đây là con tàu đầu tiên được sản xuất, con tàu duy nhất bị vẽ bậy, con tàu đã chở cha tôi xuống khu cảng miền Nam những ngày đầu ông làm thủy thủ. Ông không kể tôi nhiều về các cuộc hải trình. Bao giờ tôi hỏi ông cũng đánh trống lảng, không thì ông bảo họ ép ông giữ im lặng, công chuyện của ông bí mật quốc gia, khế ước khiến ông nói ra thì sẽ nuốt ngàn cái ống hút nhựa, nhưng tôi hiểu rằng có bị ép buộc hay không có lẽ ông cũng chẳng muốn kể cho con bé ngây thơ tôi hồi nhỏ những điều chẳng hay ho gì trong các chuyến đi quốc tế của ông đâu. 

Mặt khác, phấn khởi vô cùng khi ông kể về các chuyến đi trong nước, nhất là đi tàu. Ông đã đi đi về về trên con tàu này nhiều đến nỗi thân với cả bác soát vé, cả bác tài chính và bác tài phụ và thân đến nỗi một trưa oi bức ở một nhà ga nông thôn dưới miền Nam, nơi mà ếch ồm ộp khóc lóc dưới mương, ông được mời ngồi cả trong buồng lái trông cây cối, đường ray, những ngôi nhà lùn nông thôn giữa thênh thang đất hoang và đường chân trời trôi về phía sau, dạt sang hai bên tàu, và được bác tài phong cho làm phụ lái bán thời gian, không hợp đồng, quan trọng nhất là không lương, và được giao cho trách nhiệm cao cả canh chừng hai nút bấm tối quan trọng. 

Hồi đó ông vừa kể vừa cười hề hề mà theo tôi nhớ là cái hồi tôi còn nhỏ, nhỏ lắm kìa, hồi còn phải nhờ ông bắt hộ con ve trên cành cây vì tay tôi với không tới thì ông kể cho tôi câu chuyện cổ tích về những loài côn trùng rằng con kiến siêng năng làm lụng, con ve mải mê hát, rồi mùa đông con ve bụng rỗng tuếch phải cầu xin thức ăn con kiến. Ông kể như thể đang kể về cuộc đời mình. Rồi cuối cùng kết luận rằng chẳng nên bắt cóc con ve khỏi quê hương, gia đình của nó đâu! Nè, bắt nó rồi nhốt nó trong một chiếc lồng đói khát, tuyệt vọng, tương lai mù mịt, ước mơ bị tước đoạt. Ngay cả cho ăn, ngay cả không chết đói, con ve sầu cũng cắn lưỡi tự vẫn vì sầu mà thôi! Sau một mớ truyện cộng một mớ chơi chữ củ chuối thì ông kể về cái hồi ông đi tàu hỏa hơi nước. Cái hôm đi tàu, ông háo hức tới nỗi mỗi năm phút lại hỏi bác tài một lần là cái nút này để làm gì, bây giờ bấm được chưa? được chưa? được chưa? Nhức đầu quá, bác tài chính phải nhờ bác soát vé túm cổ ông xuống toa hai ngồi hàn thuyên tâm sự bớt, kêu ông kể về những cuộc viễn du của ông ở Hồng Hải, đến bao giờ cần bấm sẽ đích thân xuống mời ông lên bấm. Ông kể lòng vòng, chuyện nọ xọ chuyện kia, rốt cục cũng chẳng tiết lộ xem hai cái nút ấn nó làm gì. 

Tóm lại là sau mớ bòng bong truyện, ông đã đánh lạc hướng thành công bộ não còn chưa ra hoa của tôi; tôi cũng quên bẵng, chẳng thắc mắc hai cái nút đó có tác dụng gì mà quan trọng đến thế. Nhưng chiều tối về đến nhà, ngồi trong bồn tắm ngẫm lại thì cụm từ "đích thân xuống mời" đã gây nên trong tôi một mối nghi ngờ, tò mò sâu sắc rằng làm sao bác tài dám buông tay lái mà xuống mời ông? Mãi đến hai năm sau, lớn hơn, bộ óc duy lý và khó dụ hơn, chờ đến ngày cha đi biển về, tôi gặng hỏi thì ông phá lên cười, tiết lộ cái bí mật đồng trời đã giấu tôi bấy lâu nay rằng hai cái nút đó, chả có gì to tát đâu, một dùng để mở loa, đọc thông báo tàu đã đến ga hoặc tàu sắp rời ga, hành khách vui lòng kiểm tra tư trang, hành lý trước khi rời khỏi tàu, còn cái nút còn lại đến ông cũng chẳng biết để làm gì: vừa hé môi định hỏi thì bác tài đã choàng vai kéo ông xuống sân ga rủ dùng điểm tâm, một lần nữa dụ ông kể về những chuyến hải trình, kể qua loa, cầm chừng thôi cũng được, tại ai cũng hiểu rằng bí mật quốc gia đâu có quang quác cho mọi người đều nghe được.

Ước gì tôi cũng hoạt ngôn như ba. Ước gì tôi cũng quen biết rộng như ông, ai cũng thân được nhưng không thực lòng thân với ai cả. Ông sống bằng trái tim của một mạo hiểm gia thuần khiết. Tôi ngưỡng mộ ông ở điểm ấy. Tôi cũng hận ông vì điểm ấy.

Ngồi bốn giờ đồng hồ ươn hết cả chân mà tàu chỉ vừa đậu ở ga thứ năm, ga sau sẽ vượt hầm dãy Moses, vượt hầm một giờ mới xuống tới miền Nam, rồi bốn giờ nữa mới xuống đến Eve, rồi từ Eve còn mới bắt tàu ra vịnh Goose. Giờ tôi mới hiểu được là đoạn đường một ngàn bảy trăm cây xuống thành phố miền nam Eden nó dài, nản đến cỡ nào.

Dãy Moses phân cách hai miền Eden bởi gồm hai dãy chính; hình dạng trên bản đồ của hai cánh này như hai con rắn khổng lồ SS nằm song song với nhau. Có một ải hẹp luồn qua khoảng giữa hai con rắn đang ôm và cỡ năm năm trước, hầm Moses còn khoan chưa khoan xong, thì những đoàn tàu cũ mà đứng trên đỉnh núi hai bên ải trông xuống thì như một đàn chuột máy, con này ngậm đuôi con kia, len qua ải đó chở than, chì, đồng, sắt, và chủ nghĩa xã hội khoa học xuống miền Nam và rượu thịt, rau quả tươi, và những cơ thể sinh học say tư tưởng từ miền Nam ngược trở lên. Sự phân cách địa lý giữa hai miền là có thực song sự phân cách văn hóa lại không được rạch ròi cho lắm, và hai miền vẫn hòa hợp thần kỳ và dường như cách biệt duy nhất là ở văn hóa nhâm nhi  nỗi buồn và thị hiếu ăn táo – không ăn táo của mỗi vùng.

Có vẻ ngồi dài là quá sức kiên nhẫn của cơ thể thế hệ mới, tôi đành tách khỏi toa tàu ở ga thứ năm này, tranh thủ nửa giây không ai nhìn nhảy phóc xuống bậc tam cấp, ván trượt kẹp bên nách, và không khí dưới nhà ga thì trong lành, còn tự do chán. Vỏ tàu đen sì không che nổi những chỗ gỉ xam xám hoặc cam. Trái với vỏ tàu già cỗi, xăm tùm lum thì nhà ga trẻ trung, gạch lát chỉnh tề, ngay hàng thẳng lối, tường thì được sơn trắng màu bột bó chân, sân quét sạch tới nỗi lũ bồ câu đi chân đất mà chẳng ngại bẩn chân. Giọng đọc khàn khàn cất lên thông báo tàu đã vào ga và sẽ nằm nghỉ chừng hai mươi phút, sắp sửa vượt hầm dài. Vậy sẽ kịp thì giờ cho một cốc cà phê nhà ga!

Có một điều gì đó khiến cà phê nhà ga bao giờ cũng đậm hơn tất thảy cà phê phố, chuỗi mà tôi thường uống. Tôi không biết vì khách đường xa người ta vội hơn hay ngồi trên tàu dễ buồn ngủ hơn mà các nhà ga họ pha cà phê rất nhiều, sữa cũng đặc. Tôi bước nhanh qua hai hàng cây phượng canh gác, đi một lúc sẽ thấy một cái hang hình vuông tuyệt đối khoét từ trong nhà ga ra, chị nhân viên vận tạp dề màu lá cà phê, tóc màu hạt cà phê, và đôi mắt mơ màng, hơi hơi ngái ngủ. Đồng hồ ở trung tâm nhà ga điểm mười giờ ba phút sáng. Còn sớm chán! Nhưng tính ra nếu đào tẩu khỏi căn hộ hồi ông mặt trời còn ngáp thì tàu đi cũng chậm hơn nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. 

Cũng phải. Tàu này đâu có quan tâm giờ giấc. Người ta luôn có thể bắt những đoàn tàu mới mà. Đảm bảo đúng đến từng phút. Sở dĩ đoàn tàu này còn chạy là vì kỷ niệm, con tàu yêu dấu một thời. Tôi đi vì cha tôi đi, như người khác chắc tôi đã bắt chuyến khác rồi.

Ga để biển cấm trượt ván, cấm trượt xe scooter. Phải bước nhẹ, bước khẽ, bước nghiêm, giống con chồn đang bước trong chùa. Phải làm thinh như những cảnh vệ phượng, con gái họ bẹo má cũng không được cười. Tôi vội cầm ván lên (kẻo chị nhân viên môi hồng trong hang đánh giá.) Cốc cà phê giấy rỗng cà phê, Sherry tên tôi ghi trên thành cốc. Tôi cất mớ xu lẻ tiền thối vào chiếc ví da bò, cạnh tấm vé khứ hồi, tuyến tàu Adam – Eve,  giữ nụ cười công nghiệp, song vẫn khả ái chán của chị vào lòng.

Lũ ve gáy sớm. Nhưng chúng không gáy đơn lẻ mà đột ngột, đồng loạt gáy đùng lên giống một cuộc khởi nghĩa có tổ chức. Đang đợi chị gái tạp dề chống cằm đợi cỗ máy ép tinh hoa của khoa học và thứ chất lỏng màu nỗi sợ xuống cốc giấy thì, trên sàn ga lát đầy gạch, mỗi tấm như một cách cửa bí mật bằng đá xuống con đường hầm ra khu rừng gần đó, hai thực thể lạ giẫm lên cái bóng tôi. Chột dạ, tôi bất giác ngoảnh đầu kiểm tra sau lưng. Hai pho tượng đen trùi trũi từ đâu bỗng đứng đó, đang xếp hàng mua cà phê.

Tôi sợ đến nỗi không dám run. Vest và mũ phớt cả hai đang vận đều mang màu đen của khẩu súng. Toàn bộ cơ thể họ không hề phản xạ ánh sáng. Tảng đá lớn hơn trong hai tảng to gấp rưỡi tôi, đứng ngay sau lưng tôi, và nếu như người ta đeo cà vạt thì tôi chỉ đứng tới chỗ nút thắt. Người đứng sau, phom người gọn hơn, tự dưng liếc con ngươi sang chỗ tôi thì cũng thấy tôi đang trân trối nhìn gã. Hai chân đang mềm uột ra vì hãi. Con ngươi bên trái của gã đỏ lừ, ngà ngà rượu. Vừa ngắm tròng đen màu đỏ rượu của gã trong nỗi kinh hoàng man dại, tôi bèn nhắm mắt rồi nhìn lảng sang một cây phượng ngẫu nhiên, một lúc sau len lén ngó lại thì gã đã đeo kính râm lên.

Ờ, chắc người ta đeo lens thôi mà. Gã khổng lồ bất thình lình ôm tôi, như con gấu ôm khúc gỗ. Á! À không. Không có... Tôi tự tưởng tượng ra đó. Tôi khùng rồi! Tôi... sợ! Giữa hai hòn đá đang đợi đến lượt mua cà phê này cũng chẳng trao đổi bất kỳ một tiếng ậm ừ nào, ngậm thinh, giống đôi tình nhân đang cãi nhau nhưng sẽ chẳng bao giờ chia tay bởi quá quen nhau rồi á, bỏ còn tìm được ai khác tốt hơn? Tôi chụp cốc cà phê rồi nắm bàn tay bạc đang chìa ra của gió, bỏ trốn. Trên tàu, tôi cuộn tròn trong cái hõm của cái ghế chỗ ngồi cũ, cẳng tay bần bật rung cầm cốc cà phê đưa lên miệng hớp một ngụm cũng không nên thân nóng! nóng! gần bỏng miệng với vãi trên áo mấy giọt mấy giọt trên áo nhưng chắc không sao, chẳng lộ vết ố đâu, tôi mặc hoodie đen mà nên ố cà phê mắt thường sao thấy được và trên toàn Eden này, nghe đài nói là, duy những kẻ đã đổi một nửa trái tim của mình lấy sức mạnh quỷ mới sở hữu con ngươi đỏ màu rượu vang kiểu đó. Không có chuyện người ta đeo lens cho đẹp đâu ha? Người ta là ai mới được? Có khi nào dân đâm thuê chém mướn không? Sát thủ? Tổ chức áo đen? Trời! Tôi lỡ thấy thứ không nên thấy rồi!

Những tuyến tàu đường thế hệ mới sẽ xếp ghế thành nhiều hàng ghế như hồi lễ tốt nghiệp á, hành lang xẻ giữa hai hàng, khác ít ghế hơn thôi. Mỗi ghế sẽ đeo một túi treo đồ gồm giá đựng cốc, bàn ăn gấp, bìa kẹp hồ sơ, ổ sạc. Nhưng trên toa tàu già tôi đang ngồi thì chẳng lắp giá đựng cốc nên tôi phải cầm cốc bằng tay. Tôi thường bơm vào thân thể hai liều cà phê mỗi ngày, một cốc buổi trưa (đá, tôi thường dậy lúc mười hai giờ) và một cốc chị gái barista quán gần nhà rót bọt sữa hình trái tim ba lớp vẽ bằng sữa buổi chiều. Ở nhà thì tôi lồng theo kiểu búp bê Nga cốc giấy trong cốc sắt để nước đọng trên bề mặt cốc giấy đừng vãi lung tung trên mặt bàn, phải lau. 

Trời không có vẻ gì là sắp mưa, mây không đục. Tôi ngồi hối tàu chạy, nghe tiếng ve ngoài cửa và giọng khàn khàn quen thuộc, tàu sẽ rời trong mười phút nữa, thì hai tảng đá trùm áo choàng ban nãy mà đến giờ ký ức vẫn đang cố làm bộ như không tồn tại, ban nãy mua cà phê sau lưng chẳng xuất hiện một ai sất, không có gì xảy ra sất, thì bỗng có hai cặp chân ông kẹ đang rón rén theo biển hướng dẫn dưới ga, rón rén giẫm lên các bậc tam cấp và leo vào trong bụng tàu. Tất nhiên là trong sự hồn nhiên, ngái ngủ, ngáp ngáp, làm như chẳng biết hai người này là ai cả của bác soát vé và tấm vé nho nhỏ cỡ tấm thẻ cào điện thoại được bấm một lỗ xíu xiu của người đàn ông ban nãy tôi vô tình phát hiện danh tính qua con ngươi màu đỏ, đỏ rượu, đỏ rượu, đỏ rượu! Người ta đã đổi màu lens con ngươi thành màu đen rồi. Mỗi tôi biết! chỉ một cái nháy đã hóa đen như người ta đặt khối ly rượu bóng tối và nó không còn óng ánh, không còn đỏ nữa, nhưng điều đó đâu có nghĩa là nó không say. Hai kẻ xấu thong dong sấn về chỗ con mồi đang co rúm, bất khả kháng tôi và ám khí và hào quang bá vương rực rỡ thoát ra từ hai thân thể rắn rỏi, trắng trẻo của hai pho tượng Hy Lạp dưới tấm áo choàng đen màu tội phạm này có khi sẽ làm tôi sùi ra bọt dãi mất!

Hai người đàn ông ngồi chỗ đối diện tôi. Trùm áo choàng không biết họ có khoanh tay hay không, hay nghỉ tay trên đùi. Người to lớn nhìn tôi, ánh mắt bình thản đến mức chẳng đoán được anh đang nghĩ gì, dự định chết chóc nào. Hình như kích cỡ hamster tôi gợi người ta nhớ tới một nạn nhân nào đó chăng. Cô ta có xin lỗi không? Có khóc lóc van được sống không? Nhưng hồi ấy tôi nào nghĩ vậy. Ánh mắt lơ đễnh của anh gợi bộ não nguyên thủy, hoảng loạn của tôi gán cho nó một ý nghĩa, một viễn cảnh xấu nhất. Chúng sẽ tọng một viên thuốc teo nhỏ vào họng tôi (một viên thôi là đủ vì tôi đã nhỏ sẵn rồi) nhưng khác ở chỗ không teo nhỏ mà tôi sẽ được xuống ngủ với giun.

Bất thình lình, một phát súng nổ bùm ra trong não tôi rằng tôi phải cố đào thoát khỏi đoàn tàu. Tàu sắp chạy rồi, có giọng thông báo. Nhưng bây giờ mà tôi đứng dậy rời khỏi toa thì thể nào người ta cũng bám theo. Con rồng may bụng sắp xong rồi. Tôi sẽ phóng ra một giây trước khi cửa đóng hẳn. Người ta không kịp phản ứng, vừa nhận ra thì tôi đã ở ngoài rồi, cửa tàu đóng chặt rồi, tàu lăn bánh rồi. Không được đâu, trời! Trò đó những tàu thế hệ trẻ, cửa tự động còn làm được. Tàu này người soát vé đóng cửa mở cửa cơ mà! Tôi mà chuồn ra trước thì người ta nhờ bác soát vé mở cửa rồi theo sau là xong. Chân tôi run lẩy bẩy, giờ có muốn cũng không chạy được. Lỡ đâu vấp té thì toi! 

Hay là giờ nhảy ra cửa sổ. Đúng rồi! Cơ thể nhỏ nhắn của tôi may ra còn chui lọt ô cửa sổ này chứ, hai pho tượng  kia chui làm sao lọt. Nhưng phải lẹ. Đóng cửa là tàu tăng tốc ngay. Nhanh quá nhảy ra thì nguy! Phải lẹ! Lẹ là bây giờ hả? Bây giờ luôn? Đúng rồi, bây giờ! Đứng dậy đi! Đứng dậy! Lẹ! Mau! Đứng rồi! Người ta trừng mắt ngó kìa. Đứng lên ghế. Kéo cửa sổ. Nhảy ra. Giống người ta nhảy lầu vậy! Lẹ! Mắt tôi cũng lườm gã kiểu lêu lêu. Bốn con ngươi bắn lade tung tóe vào nhau. Tôi đang thách gã? Khùng rồi! Tôi đạp chân phải lên cửa sổ lấy đà (hên mang bata dễ.) Mọi người trong toa sửng sốt ngó tôi, ai ai cũng sửng sốt. Nhưng lúc đó hướng mặt ra ngoài tôi làm sao thấy được ánh sáng hãi hùng rọi trên gương mặt họ. Tôi phóng ra ngoài, té bịch xuống sân ga, nhưng ngay lập tức ngỏng dậy, thả ván trượt dưới sàn, bỏ lại ánh nhìn của bốn hành khách, một bác soát vé đang chồm người ra cửa sổ dõi theo, vọt đi mất tăm.

Tốt! Thế thì tại làm sao mà tôi còn ngồi trên tàu?

Ấy là dự tính. Uầy, viễn cảnh ấy đẹp lắm! Nhưng không, tôi không hề nhảy ra khỏi cửa sổ. Tôi hiểu ngay lập tức rằng không đào tẩu không phải vì tôi sợ: sợ người chui không lọt, sợ chân vấp cửa sổ, hay sợ tàu tăng tốc nhanh quá té nhào ra ngoài lỡ chấn thương, lòi tim ra ngoài. Không. Tôi bình thản đứng dậy rồi sang ngồi ngay cạnh bên trái của người ta. 

Cửa tàu đóng hẳn.

Ăn táo xong về nhà tôi sẽ làm gì? Có lẽ sẽ đi săn việc. Làm ở cửa hàng tiện lợi hay sao? Hay ở rạp chiếu phim, quán cà phê? Ngoài hai lựa chọn hiển nhiên đó thì bộ óc bã đậu bao nhiêu cái mùa xuân rồi chẳng chịu suy nghĩ còn nặn được ra một công việc, viễn cảnh nào khác? Nhưng chung quy thì làm gì cũng như nhau thôi. Tôi là con gái mà. Con gái con đứa thì lẩn quẩn làm mấy chuyện nội trợ thôi. Làm gì được nữa đâu? Một khi nhắc tới anh hùng là người ta nghĩ tới anh này, anh kia. Chỉ có con trai thì mới làm anh hùng được thôi. Tôi vẫn tin như thế đó. Nhưng ở cái Adam này ai đâu mà bảo tôi sai? Có khi tôi quen ít người quá! Có khi trong cái vương quốc niềm tin chật chội của tôi thì đặc quyền của phái nữ cũng chỉ đến thế thôi. Không học vấn, không kinh nghiệm, không có năng lực, không quan hệ và cậu biết không, tôi đang cố quên đi cái không khí trong khoang tàu hơi nước ngột đến chết này đây này. Phải, tôi đang cố làm như không có gì xảy ra. Tôi ngồi một mình. Làm gì có ai ngồi cạnh tôi cơ chứ!

Ngồi gần năm phút mà con tàu vẫn không chuyển động. Không lẽ đã xong rồi? Tôi đã chuyển sinh thành cái ghế rồi sao? Nghe nói một khi không còn trên cõi đời nữa là thời gian ngừng trôi, trọng lực ngừng chảy, và nhiều hồn ma vẫn cứ mắc kẹt ở cú chớp mắt trước cuối cùng của họ, vĩnh viễn và vĩnh viễn. Có khi họ đầu thai thành cái ghế cho người ta ngồi. Những hồn ma cũng bởi vậy mà phát điên lên, gầm rú, cắn mông người vô tội, với hy vọng rằng ai đó, ai đó thôi sẽ đừng mặc quần khi mông còn ướt. 

Nhưng mà không phải, giọng loa khàn khàn vang lên báo rằng tàu gặp sự cố (và tôi còn sống, còn nghe) và mọi tuyến tàu vượt hầm Moses sẽ bị hoãn đến bao giờ sự cố được khắc phục. 

Hành khách vui lòng đến quầy của nhà ga để được hoàn tiền vé.

Mọi người trong toa xuống ga. Hai người đàn ông nguy hiểm cũng xuống ga luôn, còn chẳng thèm đợi tôi, còn chẳng thèm làm ra vẻ nguy hiểm. Ể, họ không có ý định thủ tiêu tôi sao? Vậy thì... họ là ai mới được? Nãy giờ tôi làm gì vậy trời?

Ngượng đỏ hai gò má, tôi bưng mặt lủi thủi xuống ga.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận