Đại Lộ 29 Tháng Hai
Phước Văn Đoàn
  • Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Đại Lộ 29 Tháng Hai

Chương Kết. Hay Chương Đầu

0 Bình luận - Độ dài: 3,299 từ - Cập nhật:

“Bệnh viện đa khoa đảo Thiên Đường

Ngày 21 tháng Tám năm 2023

Chị Gió yêu quý của Dương!

Khi nhận được thư này, hẳn là chị đã biết tình hình của em rồi nhỉ? Vậy nên, để tránh làm chị đau buồn hơn, em xin phép thôi không nhắc lại nữa nhé.

.

Dù, có rất nhiều thứ muốn nói với chị, thế nhưng sau khi cân nhắc, em tính sẽ bắt đầu bằng điều quan trọng nhất vậy. Bởi em sợ rằng nếu nấn ná thêm nữa thì chị Gió sẽ hồi sinh cho em mất.

Và, dù đã tính nói về tương lai cơ…

Chả là hôm trước, vì giữa hai chị em mình vẫn chưa có quá nhiều với nhau những kỷ niệm mà. Nên lúc em đang phân vân chưa biết phải nói gì với chị, thì bác sĩ Hạnh đã nói, ‘sao cháu không thử viết về tương lai đi’.

‘Ừ ha!’

Quả là ý tưởng sáng suốt.

Thế là em quyết định sẽ viết về tương lai đấy. Chị thấy em có thông minh không?

Tuy nhiên, để mở đầu thì vẫn phải bằng một câu chuyện ở quá khứ thôi chị ạ.

Đó là lần đầu tiên em đi xem phim với anh Sóng.

Bộ phim rất buồn. Nhân vật nam chính, đến cao trào đã… chết. Anh ấy đẹp trai lắm, lại còn rất tốt bụng nữa (như anh Sóng ấy). Nên em đã khóc đến sưng húp cả mắt cơ. Còn hy vọng đạo diễn sẽ cho anh ta sống lại nữa.

Lúc đó, thay vì an ủi, anh Sóng lại nói:

‘Anh nghĩ, số phận của cậu ấy như vậy, khéo lại tốt cho nữ chính, khiến cô ấy trở nên mạnh mẽ hơn. Và việc không hồi sinh cũng tốt cho cả bộ phim nữa. Vì nếu như cậu ấy sống lại, thì sao có thể tạo được ấn tượng lớn như hiện tại chứ?’

Nghe giống anh Sóng thật, chị nhỉ?

Nhưng hôm ấy, em đã rất giận ạ. Lâu lắm. Phải cả tiếng đồng hồ không thèm nói chuyện cơ.

Thâm tâm em nghĩ rằng, nam chính sống lại, đó mới chính là cái kết viên mãn nhất.

Có lẽ, cũng vì ý nguyện ấy mà em mới nhờ chị hồi sinh em sau này chăng? Em cũng không rõ nữa.

Thế nhưng, dạo gần đây khi nghĩ về giới hạn thời gian mình nhận được từ chị, em lại lo sợ nó quá ngắn ngủi để có thể gặp mặt, nói chuyện và từ biệt với hết tất cả mọi người mình yêu quý mất. Nên đành truyền tải vào thư vậy. Và, khi đặt bút rồi, em lại nhớ tới lời của anh Sóng dạo trước.

Quả thực, nếu đã viết tất tần tật tâm tư của bản thân vào trong thư rồi, thì chẳng phải chưa kể việc hồi sinh, ngay cả bức thư cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa nữa hay sao?

Em không muốn, tuyệt nhiên không muốn thế một chút nào cả.

Nên chị Gió ơi.

Thật lòng chị không cần phải hồi sinh cho em nữa đâu ạ.

Và dẫu muộn màng, nhưng xin chị hãy giúp em gửi tới anh Sóng lời xin lỗi nhé.

Uầy. Khi đọc lại bức thư, em thấy bản thân sao mà trưởng thành quá ta. Chị có thấy vậy không nè? (Mặt tự đắc)

.

Tiếp theo là về anh Sóng.

……….”

.

Tôi được sinh ra cùng với tình yêu thương mà cha mẹ dành cho mình.

Anh được sinh ra cùng với sự kỳ vọng mà cha mẹ dành cho người chị gái xấu số.

Năm tôi 5 tuổi, anh 5 tuổi. Tôi phải gánh chịu thứ bất hạnh và tội lỗi mà ít ai có thể thấu hiểu cho được.

Năm tôi 9 tuổi, anh 9 tuổi. Anh đã phải sống trong sự hắt hủi, căm ghét từ chính gia đình mình.

Để rồi không biết từ lúc nào, thế giới của tôi và anh đã trở nên vô sắc. Cả hai dù chưa gặp nhưng lại có cùng một suy nghĩ, cùng một khát khao được chết đi, để có thể thoát khỏi cái thực tại nghiệt ngã đầy bất công này.

Năm tôi 15 tuổi, anh 15 tuổi. Chúng tôi gặp gỡ và coi nhau như hai người xa lạ.

Năm tôi 16 tuổi, anh 16 tuổi. Anh vô tình bước vào cuộc đời tôi, từng chút một sẻ chia nỗi bất hạnh cố hữu. Tô điểm cho thế giới của chúng tôi trở nên rực rỡ sắc màu, khiến trái tim đã đóng băng hàng chục năm trời tan chảy. Dạy cho cô gái này biết thế nào là yêu thương, đặt niềm tin và hi vọng vào một ai khác.

Năm 17 tuổi. Bên cạnh tôi đã không còn bóng hình của anh nữa. Nhưng thật tàn nhẫn biết bao khi thế giới vẫn tiếp tục vận hành, như cái cách mà nó đã từng làm từ trước đến nay.

Anh chết đi, đánh đổi cả tuổi thọ, cảm xúc lẫn trái tim mình, để cướp lấy những nỗi đau tưởng chừng sẽ hành hạ tôi vĩnh viễn. Nhưng cũng vì thế mà để lại trong trái tim đang đập từng hồi trong lồng ngực này, một vết thương không cách nào hàn gắn cho nổi.

Năm tôi 18 tuổi, anh vẫn 17 tuổi. Một năm đã trôi qua, cứ tưởng nỗi cô đơn khi không có anh bên cạnh đã nguôi ngoai phần nào. Cơ mà mỗi khi vô tình hồi tưởng lại từng dòng ký ức về người đó, nước mắt tôi lại chẳng rõ vì cớ gì lại bất chợt tuôn rơi, lăn dài trên hai gò má.

Năm tôi 19 tuổi, anh vẫn 17 tuổi. Dù muộn hơn hai người bạn tận một khoá, nhưng tôi cuối cùng cũng tốt nghiệp cấp ba rồi. Tôi đã nộp hồ sơ vào cùng trường đại học nơi Hà và Sơn đang theo học. Ngày tôi rời đảo, đến đất liền, họ đã tổ chức bữa tiệc mừng vô cùng linh đình nữa.

Và trong bữa tiệc ấy, chúng tôi đã nói về anh… rất nhiều.

Năm tôi 22 tuổi, anh vẫn 17 tuổi. Dựa vào số tiền khổng lồ mà anh dành dụm cho tôi, cùng quá trình học cấp tốc nữa, nên thật may là tôi đã kịp tốt nghiệp cùng thời gian với hai người bạn của mình.

Rồi tôi trở về đảo, gửi CV xin việc vào nơi mà bản thân luôn hằng mơ ước. Trại trẻ mồ côi đảo Thiên Đường.

Tôi không nhớ từ bao giờ bản thân muốn làm việc tại nơi đây. Cũng không biết lý do là gì.

Thế nhưng, khi tiếp nhận hồ sơ của tôi kèm theo đôi ba lời phỏng vấn, mang hơi hướng hỏi thăm, các cô nuôi đã ngay lập tức đồng ý. Quá trình công tác ở đó, họ cũng đối xử với tôi vô cùng tử tế nữa.

Đến lúc này, tôi mới ngộ ra, rằng cho đến cuối cùng, mình hình như vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ từ anh. Và cả cô bé ấy nữa thì phải.

Và, năm tôi 23 tuổi, anh vẫn chỉ 17 tuổi. Vào ngày giỗ của anh, tôi, à không, “chúng tôi” mới đúng. Lại cùng nhau tìm đến nơi anh an nghỉ, như một thói quen đã hình thành qua sáu năm trời trước đó vậy.

Đồng thời cũng tại nơi đây, tôi đã lần nữa đọc lại bức thư cô bé ấy viết cho mình. Một bức thư chứa chan từng niềm hi vọng.

.

“..........

Tiếp theo là về anh Sóng.

Chị Gió ạ. Có thể chị không biết, nhưng anh Sóng trước đây là người vô cùng đặc biệt, nói là khác biệt với phần còn lại cũng không ngoa. Chẳng bao giờ hứa hẹn, hay nhắc tới những thứ biểu trưng cho tương lai hết.

Cô Hạnh có giải thích rằng trong quá khứ, anh ấy từng mất đi người chị gái yêu quý, nên kể từ đó đã thu mình lại, sống khép kín hơn và chẳng bao giờ chịu mở lòng với ai cả, cũng chưa từng một lần thành thật với bản thân mình luôn. Khá là thiếu sức sống đấy ạ. Việc đó thật tội nghiệp, em thương anh ấy lắm. Nên chỉ muốn ở bên anh Sóng mãi thôi.

Rồi anh dần thay đổi. Rõ rệt nhất là từ tháng Ba đến tháng Sáu. Trong khoảng thời gian đó, dù không rõ ràng, nhưng trong mắt em, em luôn thấy ở anh ấy đã thực sự có gì đó rất tích cực. Hay nói về trường lớp hơn nè, cũng thường động viên em vượt qua bệnh tật nữa.

Tốt, thực sự rất tốt. Đồng nghĩa em cũng vô cùng hãnh diện mỗi khi nghĩ bản thân đã giúp anh Sóng trở nên yêu đời đấy.

Nhưng chị ạ. Thời điểm nhận ra dấu hiệu đó chỉ nổi bật hẳn lên, mỗi lần anh ấy kể về chị. Em đã bắt đầu nghi ngờ điều ấy có đúng hay không? Và vào khoảnh khắc đầu tiên gặp chị. Không hiểu vì cớ gì, mà em càng đoan chắc, mình chỉ đang lầm tưởng mà thôi. Sự thật, chị mới là người khiến anh ấy thay đổi, chứ không phải em hay bất kỳ ai khác.

Thú thực, ban đầu em có chút ghen tị lắm. Cái mà người ta vẫn nói là không cam lòng ấy. Song chỉ là một chút thôi, cho đến khi nói chuyện và trở nên thân thiết với chị, em lại dần chấp nhận.

Chị Gió này. Vì là con gái, nên chắc chị cũng hiểu rồi nhỉ? Đó là anh Sóng… đang yêu chị đấy ạ.

Em cũng biết luôn là trong mắt chị cũng có anh ấy, đúng không nè? Hihi.

(Mặt xấu hổ)

Chuyển biến đẹp đẽ nhất là sau đó ít hôm, em nhận ra anh Sóng bắt đầu nỗ lực. Vì cái gì cơ? Đến đây thì em chịu thua. Không đoán được.

Việc đó, mặc dù so với trước đây cũng tốt chứ. Thế nhưng, qua ánh mắt, em vẫn có cảm giác, anh ấy chỉ là đang cố thực hiện điều, vốn không dành cho mình. Kiểu làm việc, mà có thể bất chấp đánh đổi tất cả mọi thứ để đạt được mục đích ấy chị.

Cái này, có lẽ là linh cảm thôi. Cơ mà…

Em sợ lắm. (Mặt sợ hãi)

Sợ rằng anh Sóng có thể hủy hoại thậm chí ngay cả bản thân mình mất.

Vậy nên chị, người có khả năng hiểu điều đó nhất ạ, xin chị hãy lựa thời gian mà khuyên nhủ anh ấy mau dừng lại nhé.

Thay em chăm sóc cho anh Sóng.

Rồi hai người cũng phải sống thật hạnh phúc bên nhau nữa ạ. ❤️ ❤️ ❤️

Em tin là chị sẽ làm được thôi mà! (Mặt quyết tâm).

……….”

.

Bộp!

Không hiểu vì cớ gì, nhưng cứ mỗi khi đọc tới những dòng này, nước mắt tôi, một giọt, hai giọt, rồi ba giọt, lại nối đuôi nhau, không ngừng lăn dài trên khắp hai gò má.

Nhất là khi, nơi tôi đang đứng đây là một mỏm núi hướng ra ngoài đại dương bao la. Tại đó có hai ngôi mộ, một lớn một nhỏ. Ngôi mộ lớn hơn là của chị Biển. Được trồng ngay trước tấm bia đá bị nhuốm thứ màu của thời gian, là một khóm bỉ ngạn, nhưng vì là trái mùa nên hoa bỉ ngạn không nở. Còn ngôi nhỏ hơn là của Sóng. Khi còn sống, từng có lần anh nói với tôi mình rất thích bồ công anh.

‘Vì từ lúc sinh ra nó đã được thả mình vào những cơn gió, được cùng gió chu du khắp mọi nơi trên thế gian này.'

Nên sau khi anh mất, tôi đã trồng lên đó bụi bồ công anh nhỏ.

Năm rộng tháng dài, bụi hoa dại đó lớn dần, và cứ mỗi lần đến đây vào tháng Tư hằng năm, tôi lại thấy vô vàn cánh hoa đang đua nhau khoe sắc. Chờ chực một lúc nào đó, cơn gió của biển khơi bao la sẽ cuốn những hạt mầm nhỏ bay đến một vùng đất xa lạ nào đó mà tôi không hề biết tới. Như ý nguyện của anh từ những ngày xưa cũ vậy.

Vừa đưa tay gạt đi dòng lệ chảy dài, tôi vừa thầm thổn thức:

“Muộn rồi Dương ạ. Chị xin lỗi, vì dù đã nhận ra, dù đã biết rõ nhưng lại không dám ngăn cản anh ấy sớm hơn. Để cuối cùng lại phải nhìn người mình yêu thương nhất ra đi, mà bản thân chẳng thể làm bất kì một điều gì cả. Chẳng thể nào thực hiện mong muốn của em. Thực lòng xin lỗi, xin lỗi Dương.”

Và, ngay tại khoảnh khắc dòng tâm trạng ấy sắp sửa thốt ra thành từng lời ủy khuất, thì đột nhiên:

“Mẹ ơi! Đừng khóc.”

Một giọng nói trẻ thơ thân thuộc chợt vang lên, đồng thời, có bàn tay nhỏ nhắn bấu vào ống quần tôi mà lắc nhẹ. Tôi nghe vậy, liền vội vàng đưa tay gạt dòng lệ nơi khóe mắt, tay còn lại dịu dàng xoa mái đầu trẻ thơ bên dưới. Rồi vừa cúi xuống, tôi vừa sụt xịt trấn an:

“Ừ! Mẹ sẽ không khóc đâu.”

Đứa bé này, chính là đứa bé mà bảy năm về trước, Sóng đã để vuột mất cơ hội hồi sinh mẹ nó hòng giữ lại đứa con. Đồng thời cũng một trong những đứa trẻ mà tôi đang phụ trách, ở trại trẻ mồ côi đảo Thiên Đường.

May mắn, đứa bé sinh ra, phát triển rất khoẻ mạnh, và xui xẻo là gia đình lại cự tuyệt, quyết phủi sạch trơn trách nhiệm, nên cuối cùng nó đã được gửi vào cô nhi viện.

Trùng hợp thay, sau tôi này khi về đó làm việc, mặc dù cũng gọi tôi là mẹ như bao đứa trẻ khác thôi, nhưng lạ cái là cu cậu tự bao giờ lại bám dính tôi như sam. Và cũng chẳng biết từ bao giờ nữa, tôi đã coi nhóc này, như một đứa con trai ruột thịt vậy.

“Nhưng mẹ vừa mới khóc mà.” Vẫn chưa chịu thua, cu cậu tiếp tục nhìn tôi, chất vấn bằng vẻ mặt đầy lo lắng.

“Vậy thì giờ mẹ sẽ không khóc nữa, nhé.”

Và tôi mỉm cười đáp lời. Sau đó, vô tình phát hiện vật mà thằng bé đang nắm chặt trong tay, liền không kìm được lòng mình, tò mò hỏi:

“Tĩnh của mẹ có gì vậy nè?”

“Cái này ạ.” Vừa nói, thằng bé vừa giơ ra chiếc vỏ ốc, to cỡ bàn tay, hẵng còn dính nguyên cát và nước biển lên cho tôi, vừa hứng khởi khoe: “Lúc nãy, khi con với dì Hà và chú Sơn xuống biển chơi, con đã nhặt được nó. Mẹ thấy có đẹp không ạ? Dì Hà còn nói nếu lắng tai nghe thì sẽ thấy tiếng gió biển đấy. Con có áp tai vào thì đúng là có tiếng ù ù, nên muốn mang lên tặng lại cho mẹ ạ. Vì mẹ tên là Gió mà.”

Một nỗi xúc động dâng trào, kèm theo một dòng hồi ức xưa cũ từ quá khứ chợt ùa về, tôi liền đón lấy chiếc vỏ ốc từ tay Tĩnh, vừa ôm lấy cu cậu vào lòng mà lên tiếng giải thích:

“Món quà này, mẹ thích lắm. Nhưng Tĩnh của mẹ biết không, đó vốn dĩ không phải âm thanh của gió biển đâu, mà là của biển mới đúng. Bao gồm cả gió và sóng đấy.”

“Dạ.” Thằng bé lập tức gật đầu cái rụp.

Sau đó, tại khoảnh khắc tôi vẫn hướng ánh nhìn về một nơi nào đó phía đại dương sâu thẳm. Đứa trẻ ấy lại trỏ vào thứ mà nãy giờ tôi vẫn luôn cầm khư khư trên tay, mà ngây thơ hỏi tiếp:

“Mẹ ơi, đây là thư ạ?”

“Đúng rồi.” Tôi gật đầu cái rụp, nhưng rồi lại nhận ra đứa trẻ này mới chỉ gần bảy tuổi đầu, sắp sửa vào lớp một thôi, liền ngạc nhiên thắc mắc: “Cơ mà Tĩnh của mẹ giỏi quá! Sao con lại biết vậy? Ở trường cô giáo dạy rồi à?”

“Dạ không. Nhưng con xem tivi có thấy. Là ai gửi cho mẹ vậy?”

“Một người vô cùng quan trọng.” Trầm ngâm giây lát, tôi hạ giọng trả lời: “Có thể nói là em gái của chồng mẹ chăng.”

“Dạ.” Có lẽ không hiểu gì đâu, song Tĩnh vẫn mơ hồ đồng tình, vừa chăm chú ngó nghiêng bức thư đang xoè rộng trên tay tôi, được một lúc, nó liền tặc lưỡi than phiền hệt một ông cụ non: “Chữ xấu quá! Con không đọc được. Mẹ Gió đọc cho con nghe đi.”

Và, theo hướng ngón tay của thằng bé, tôi bắt đầu thủ thỉ đọc từng chữ thành lời:

.

“..........

Và cuối cùng là về chị.

Chị Gió ạ.

Anh Sóng từng kể với em đôi chút về sự tình hoàn cảnh của chị rồi. Sự thật là, em cũng buồn lắm. Nhưng vẫn phải khuyên chị hãy thật mạnh mẽ lên và cố gắng vượt qua mọi khó khăn nhé. Cũng đừng nhìn cuộc sống theo cách bi quan nữa. Đừng đổ hết mọi tội lỗi cho bản thân mình, và thi thoảng, hãy dựa vào anh Sóng chị nhé.

Bởi vì, như một bài thơ em từng đọc có viết thế này chị ạ:

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa.

Sao rãnh nước trong veo đến thế? (*)

Cuộc đời này, còn nhiều điều tốt đẹp đang chờ đón chị lắm.

Nên chị hãy sống và tận hưởng tất cả, thay cho cả phần của em nữa nhé!

Em gái của chị!

Dương”

.

Và, dù chỉ mới khóc nấc lên từng hồi thôi. Thế nhưng, không hiểu vì cớ gì, mà lần nào cũng vậy, hễ cứ đọc đến những dòng cuối cùng của bức thư, tôi lại không kìm được, bất giác phì cười bởi cái luận điệu đậm chất trẻ thơ của cô bé.

Ai chả biết,...

Cây táo nở hoa là bản năng vốn dĩ của nó.

Còn rãnh nước, dẫu trong đấy, nhưng đâu thể nào uống được.

Vả lại, chuyện đó thì có liên quan gì đến những điều tốt đẹp hay xấu xa cơ chứ?

.

Tuy nhiên, dù đoan chắc là vậy, song khi đã ổn định lại cảm xúc của mình, từ biệt hai nấm mồ nằm bất động tại nơi giao thoa giữa biển và trời. Rồi dắt Tĩnh trở lại chiếc xe gia đình đang đỗ cách đó một khoảng không xa. Khoảnh khắc Sơn và Hà đã yên vị ở ghế sau, còn tôi bế Tĩnh lên lòng mình, để hai mẹ con cùng ngồi vào ghế phụ. Và khoảnh khắc anh Phong bắt đầu nổ máy, mà vẫn không quay sang tôi, chỉ nhẹ nhàng hỏi:

“Về thôi nhỉ.”

Thì tôi lại khẽ lẩm nhẩm lại bài thơ xưa cũ:

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa.

Sao rãnh nước trong veo đến thế?

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

(*) Trích trong bài thơ Phố ta, của nhà thơ Lưu Quang Vũ

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận