• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

BỐN

2 Bình luận - Độ dài: 4,908 từ - Cập nhật:

Bài đăng đầu tiên về tôi, đoạn clip được quay bởi người đàn bà lạ mặt trên chiếc xe buýt số 40, hiện lúc ấy, lượt tương tác của nó đã lên đến con số ba chữ số, mà con số ba chữ số này không phải nhỏ như những con số nhỏ nhất có ba chữ số, mà nó khá lớn. Nói rõ hơn một chút thì nó đã nằm ở khoảng giữa con số đầu tiên có ba chữ số và con số đầu tiên có bốn chữ số - có thể đạt được lượng tương tác như thế chỉ trong vài ngày thì thật đáng lo ngại, nhất là khi nó vẫn đang tăng đều đều. Đặc biệt là ngoài bài đăng đó ra thì còn hai bài khác, bài về tôi và “con mồi mới” là cô bạn gái lạ mặt, và bài tôi “lấy sách ra đặt lên bàn nhưng không đọc mà chỉ bấm điện thoại”, tất cả cộng lại thì đã vượt mức con số bốn chữ số. Và nếu xét theo hướng ấy thì nghe có vẻ còn đáng lo ngại hơn.

Hẳn các bạn đang thắc mắc là, về phía tôi, tại sao tôi không có phản ứng gì trước tình hình đó. Thật ra tôi có phản ứng, tôi đã cố phản ứng nhưng câu chuyện ấy tôi sẽ kể sau, bây giờ tôi sẽ kể về cuộc nói chuyện giữa tôi và bạn thân Đại học bởi vì câu chuyện này xảy ra trước câu chuyện tôi phản ứng lại những lời xuyên tạc về mình.

Đúng như lời hứa, hôm sau tôi đã gặp bạn thân Đại học để giải thích tình hình mọi chuyện cho nó nghe, tất nhiên là kể từ đầu đến cuối và cố gắng để không thiếu hay thừa bất kỳ chi tiết nào. Tôi hy vọng mình sẽ có đồng minh bởi vì ít nhất thì đối với một người bạn thân Đại học, tôi có quyền trông đợi nó sẽ về phe mình, sẽ hiểu cho mình. Tôi kể với nó về sự việc người đàn bà có thai đột nhiên xuất hiện và tố cáo tôi giết mụ cùng mười hai người khác - gồm bảy người đàn ông và năm người phụ nữ hay bảy người phụ nữ và năm người đàn ông gì đó tôi không còn nhớ rõ, về vấn đề tôi bị ghi hình đăng lên mạng với nhiều lời lẽ bêu riếu không đúng sự thật, về người bạn gái lạ mặt cố tìm cách giúp đỡ nhưng đã khiến mọi chuyện tệ hơn vì thế mà cô đã quay sang xem tôi là một kẻ xấu xa, về hai tấm ảnh tôi bị chụp lén và tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là trả lời thắc mắc mà bạn thân Đại học đã đưa ra hôm qua, lý do tại sao tôi lại lấy một cuốn sách ra đặt trước mặt nhưng không đọc mà chỉ cắm mặt vào điện thoại, rồi chuyện bị đe doạ đình chỉ học và những lời cáo buộc của những người tôi không biết là ai. Khi kể lại tất cả, tôi nhận ra có quá nhiều sự kiện, quá nhiều thứ đã diễn ra và chúng đang tăng lên mỗi ngày, có khi là mỗi giờ. Tôi không thể tưởng tượng nổi nếu vài ngày nữa tôi lại phải kể toàn bộ từ đầu cho ai đó khác, làm sao để ngắn gọn nhất có thể, nhưng chắc không thể ngắn gọn nổi bởi vì - tôi thề là bản thân cũng không biết tại sao - mọi thứ thật quá đỗi phức tạp và dồn dập.

Lý do tại sao tôi lại chọn “lần tới” là ngay ngày hôm sau khi bình thường mọi người sẽ dùng “lần tới” cho một cuộc hẹn xa hơn là bởi vì tôi sắp bị đình chỉ tạm thời và quyết định đó sắp sửa được thông qua, nó có thể rơi xuống đầu tôi bất cứ lúc nào. Vì thế, đúng như bác bảo vệ đã nhắc nhở, tôi nên “tận hưởng nốt” những ngày sắp tới, cố tận dụng trước khi lệnh cấm thật sự được ban hành và lúc đó tôi sẽ không còn cơ hội để bào chữa cho mình nữa.

Người bạn thân Đại học của tôi lắng nghe rất chăm chú, không đặt câu hỏi nhưng có những ậm ờ và gật đầu khích lệ tôi kể tiếp. Thái độ đó của nó càng gia tăng hy vọng trong tôi, rằng nó lắng nghe chăm chú như vậy thì chắc nó sẽ nắm hết tình hình, và biết đâu trong một viễn cảnh tốt đẹp hơn, nó sẽ đưa ra được lời khuyên nào hữu ích giúp tôi tháo gỡ những vấn đề mình đang mắc phải. Thế là tôi cố gắng kể chi tiết hơn, về việc tôi cảm thấy như thế nào, hy vọng việc này kết thúc ra làm sao và rằng có quá nhiều thứ tôi không hề muốn nó như vậy nhưng nó lại như vậy.

Nhưng trái ngược với những kỳ vọng của tôi, khi tôi kết thúc câu chuyện, nó chỉ lịch sự và mềm mỏng hỏi lại:

“Mày có chắc tất cả mọi chuyện là thế không?”

Ban đầu, tôi không hiểu câu hỏi này có ý gì, bởi vì tôi chưa nghĩ đến tình huống bạn thân Đại học sẽ nghi ngờ về những điều tôi chia sẻ, nhưng ngay sau đó thì tôi nhận ra mình không hề nghe nhầm, nó đúng là đang nghi ngờ thật.

“Mày hỏi vậy là sao?” Tôi hỏi lại.

“Không phải là tao đang nghi ngờ mày, nhưng khi một người kể lại một câu chuyện, họ sẽ tự động chỉnh sửa câu chuyện đó thành có lợi cho họ. Bằng cách lược bớt đi những tiểu tiết tưởng nhỏ nhặt nhưng lại quan trọng, bằng cách thay những từ chuẩn xác bằng những từ mơ hồ hơn, bằng cách dùng lối diễn đạt mang tính định hướng người nghe đi đến kết luận này thay vì kết luận khác. Tao không nói mày là kẻ nói dối, nhưng đó là bản năng của con người và nó xảy ra một cách vô thức, tự nhiên và đôi khi chính mày cũng không nhận ra. Ai cũng đều muốn là nạn nhân trong câu chuyện của mình cả.” Nó diễn giải ý nó.

Ý bạn thân Đại học là tôi đang tự biến mình thành nạn nhân trong câu chuyện này? Rằng có lẽ sự thật thì tôi cũng chưa chắc là nạn nhân, hoặc chỉ nhìn ở một góc độ nào đó thì tôi là nạn nhân nhưng ở một góc độ khác thì không phải? Có phải ý nó là nó không có ý gì đâu nhưng nó không tin toàn bộ những gì tôi kể. Rằng công sức ngồi thuật lại từ nãy đến giờ đều đổ sông đổ biển vì một thứ triết học về “sự thật cuối cùng” của nó? Và quan trọng hơn hết là tôi từ một người chưa từng có hành động gì từ trước đến nay bị kết tội đã làm gì đó dù không ai trả lời - một cách chắc chắn - được là tôi đã làm gì.

“Nhưng tao không thể là kẻ sát nhân đã hành xác và giết mười ba mạng người kể cả người đàn bà đang mang thai kia, bởi vì nếu tao giết chừng đó người thì tao phải biết chứ và bởi vì - Trời ơi tao lại phải nói về chuyện này nữa - người đàn bà kia vẫn còn sống sờ sờ ra đó. Và sao tao lại là một thành phần trong nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia được khi tao không có như thế. Và sao ai cũng cố tin vào câu chuyện vô lý này vậy?” Tôi gần như muốn hét lên.

“Bởi vì,” Bạn thân Đại học tiếp tục giải thích, “tao là một người có tư duy phản biện - và mày cũng nên tập tư duy phản biện đi - nên tao sẽ nhìn mọi thứ theo nhiều hướng, mà hiện tại tao chỉ mới được nghe câu chuyện từ một hướng là mày, vẫn còn hướng còn lại cần nghe để xem xét.”

“Nếu hướng còn lại là người đàn bà đó thì chắc chắn mụ sẽ tiếp tục tố cáo tao về những việc tao không hề làm.”

“Vậy thì câu chuyện vẫn chưa thể ngã ngũ. Tao là một người có tư duy phản biện đấy.” Nó nói với khuôn mặt tràn đầy sự tự tin.

Và lúc ấy tôi nhận ra vấn đề nằm ở đâu, bạn thân Đại học của tôi đang mượn vấn đề của tôi để cố chứng minh nó là một người có tư duy phản biện, dù tôi không chắc nó có hiểu đúng tư duy phản biện là gì không hay nó nghe mọi người nói rằng cần có tư duy phản biện để thành công nên nó mới cố để có, hay cố thể hiện là mình có, trong khi tôi chỉ thấy nó thật lố bịch.

“Tất nhiên nếu mày có tư duy phản biện thì tốt cho mày thôi, nhưng đừng có đi rêu rao suốt rằng mình có tư duy phản biện như vậy. Nó là thứ ‘có thì tốt’ chứ không phải ‘có để đem khoe rằng mình có’.” Tôi cố nhắc nhở.

Rằng theo lối tư duy phản biện của nó thì khả năng tôi là một kẻ sát nhân giết mười mấy mạng người cũng không hẳn nằm ở mức không phần trăm, mọi thứ đều năm mươi năm mươi. Nhưng vấn đề là sự thật tôi có giết ai đâu hay tôi có phải là người dính líu đến những vấn đề chính trị phức tạp đâu. Và hơn hết là tại sao mọi thứ lại đi theo con đường triết học về sự thật với không sự thật hoặc không phải sự thật cuối cùng hoặc sự thật bị bản năng bóp méo hoặc nửa ổ bánh mì không phải là…

“Tao không khoe khoang gì cả. Tao chỉ muốn nói là mình cần nghe từ hai hướng để đưa ra kết luận cuối cùng, và tư duy phản biện thì tốt nên mày cũng cần phải giống như tao đi.”

Vậy ý nó là tôi cũng nên nghi ngờ rằng mình là kẻ sát nhân?

“Vậy nếu theo cái tư duy phản biện của mày, thì việc mày chối bỏ rằng mình đang khoe khoang chỉ là mày nghĩ như thế thôi, sự thật là mày đang khoe khoang. Não mày đang tự lừa mày đấy.” Tôi trả đũa một câu thật gắt gỏng.

Và người bạn thân Đại học của tôi, ngay lúc đó liền đứng hình, nó ngớ ra nhìn tôi mà không biết phải phản biện lại thế nào. Rồi mọi thứ chìm vào im lặng.

***

Thế là tình bạn giữa tôi và bạn thân Đại học có nguy cơ tan vỡ chỉ vì tư duy phản biện hay triết học về “sự thật cuối cùng”. Tôi vừa bị mất đi một người đứng về phe mình nữa dù tôi nghĩ tôi cần gì có ai đứng về phe mình trong khi mọi chuyện đã rõ rành rành. Rằng “giả thì không thể trở thành thật” hay tôi không cần phải chứng minh một chuyện quá hiển nhiên và dễ hiểu.

Nhưng chuyện xảy ra cũng khiến tôi tổn thương, tức giận và uất ức, vì thế nên lần đầu tiên kể từ khi mọi thứ diễn ra, tôi quyết định mình sẽ làm gì đó để chấm dứt vụ này. Tôi không thể nào cứ im lặng mà không phản bác gì các lời cáo buộc được. Dù trước đây, trong văn phòng Ban giám hiệu nhà trường tôi đã cố gắng, trong văn phòng Ban kỷ luật tôi đã cố gắng hay trước bạn thân Đại học tôi đã cố gắng và đều thất bại, thì ít ra tôi cũng cần cố gắng thêm một lần nữa. Thế nên mới dẫn đến chuyện tôi có động thái phản ứng lại những xuyên tạc về mình trên mạng vào tối hôm đó.

Thế là tôi dùng tài khoản mạng xã hội của mình, tài khoản chính, tài khoản mà tôi đã dùng nhiều năm nay nhưng ít khi cập nhật bởi vì tôi không có quá nhiều thứ để cập nhật và bởi vì thật ra tôi cảm thấy mình đã qua cái tuổi ấy rồi. Tôi thường dùng mạng xã hội để liên lạc với những người tôi quen, cập nhật tình hình của họ nếu họ có cập nhật tình hình của họ lên mạng, và chủ yếu phần còn lại là để giết thời gian, tiếp thu tin tức một cách thụ động bởi những tin tức ấy - như một phim mới ra rạp, một cuốn sách mới xuất bản, một hội nhóm đam mê nhiếp ảnh, một sự kiện thường niên hay ngày và giờ diễn ra một triển lãm tranh - không phải là những tin tức cần được tiếp thu chủ động làm gì. Nhưng bây giờ tôi lại phải sử dụng nó với mục đích cá nhân hơn, đó là đính chính những thông tin sai lệch về mình.

Đầu tiên, trong bài viết của mình, tôi thú nhận bản thân chính là người được nhắc đến trong những bài viết kia, nhưng không thú nhận những nội dung trong đấy. Sau đó, tôi cố gắng diễn giải chuyện gì đã xảy ra để dẫn đến những tin đồn thất thiệt, chối phắt những việc mà tôi không hề làm cũng như giải thích những nhầm lẫn tai hại và các hành động mà lẽ ra trong tình huống bình thường thì chúng sẽ bình thường nhưng trong tình huống này thì không hiểu vì sao ai cũng thấy nó bất thường, rằng mọi người đã đi quá xa sự thật và những suy diễn của mọi người cũng chỉ dừng lại ở những suy diễn chứ sự thật không phải như thế. Cuối cùng, tôi hy vọng mọi người dừng việc đăng tải hình ảnh cá nhân của tôi, gỡ hết những bài viết cũ có liên quan đến tôi xuống vì đây là vấn đề hình ảnh cá nhân và có liên quan đến pháp luật.

Ngoài ra, tôi còn soạn một phiên bản ngắn gọn của bài viết này để mang đi bình luận bên dưới ba bài viết về tôi, hy vọng rằng mọi người đọc được sẽ dừng tất cả lại và cuộc sống của tôi có thể trở về như bình thường.

Khi vừa mới được đăng tải, một số bạn bè và người quen của tôi có vào tương tác, có người bày tỏ rằng họ rất hiểu cho tôi và thật may là có người còn đứng ra bênh vực tôi. Điều ấy làm tôi cảm thấy yên tâm hơn. Nhưng chỉ qua ngày hôm sau, nghĩa là sau cái ngày tôi đăng bài viết đó và sau cái ngày tôi kể cho bạn thân Đại học nghe hết mọi chuyện và tranh cãi với nó, bài viết được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, lên các hội nhóm khác nhau và những người trong giáo phái cùng với người đàn bà kia - với số lượng đông đảo của họ - đã lan truyền bài viết này.

Tôi bất ngờ bởi vì chưa bao giờ một bài viết trên trang cá nhân của tôi lại nhận được sự quan tâm lớn đến thế, lượng tương tác còn nhiều gấp mười, hai mươi lần so với ảnh đại diện lúc đó của tôi. Nhưng đa phần thứ tôi nhận lại được chỉ là những phản ứng tiêu cực.

Các bình luận của người quen và bạn bè của tôi gửi ngày hôm qua đã bị một số lượng lớn những người lạ ùa vào chửi bới, vì vậy chính họ phải xoá những bình luận ấy. Dường như ai có thái độ ủng hộ tôi thì đều bị họ tấn công, vì thế mà nhìn vào mục bình luận lúc ấy, chẳng thấy được ai ủng hộ tôi cả dù ban đầu là có.

Có người bắt lỗi chính tả trong bài viết tôi đã đăng và nói rằng một khi tôi đã sai chính tả thì mọi điều tôi nói đều trở nên vô nghĩa, thế là từ việc tôi sai chính tả, họ suy ra tôi là người đã hành hạ và giết mười ba mạng người - mà chính họ cũng không biết mười mấy người đó là ai ngoài người đàn bà đã chửi tôi trên xe buýt. Thật ra đó không phải sai chính tả, là do tôi đánh nhầm, bởi vì không có lý do gì tôi sai chính tả một từ phổ biến như thế, nhưng họ cho rằng nếu tôi sai chính tả thì tôi bị cấm lên tiếng, không có quyền phát ngôn, rằng thà họ tin vào người đàn bà kia và những cáo buộc không kèm theo bằng chứng của mụ còn hơn là tin vào tôi - một người sai chính tả. Và có kha khá những bình luận khác cũng vin vào một lỗi sai nào đó trong bài của tôi để đưa ra phán quyết rằng tôi là kẻ không đáng tin, rằng tôi cần phải học cho đàng hoàng trước khi phát ngôn một thứ gì bởi người học hành đàng hoàng sẽ không sai chính tả và rằng theo họ trong một cuộc tranh luận thì người sai chính tả là người luôn luôn sai và việc này không cần bàn cãi thêm nữa.

Một số khác cho rằng việc tôi đăng bài viết này lên chỉ càng chứng minh tôi đang muốn lấp liếm, họ nghĩ tôi nên “thanh giả tự thanh”, nếu bản thân trong sạch thì không cần phải lên tiếng, không cần phải nói nhiều. Họ đưa ra ý kiến dù tôi có bị mắc oan, dù tôi có bị bêu xấu, bị xúc phạm danh dự đến mức nào thì tôi cũng phải im lặng bởi vì chỉ có người có tội mới phải lo lắng đi tìm cách bào chữa, chứ người vô tội thì sẽ im lặng bình tĩnh và không nói gì cả. Rồi lại những câu như có ai giết người mà tự nhận mình giết người đâu, có ai thuộc nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia mà lại tự nhận mình thuộc nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia đâu, hay có ai lại tự nhận mình xấu, tự nhận mình ác, tự nhận tội lỗi mình đã làm, vì thế việc tôi đăng bài phản bác chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng vấn đề là nếu tôi không lên tiếng thì họ lại cho rằng tôi không lên tiếng bởi vì mọi thứ là đúng sự thật, vì mọi người nói đúng quá nên tôi mới không tìm được cách phản bác, vì im lặng là ngầm thừa nhận những gì người khác nói. Thế là dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào tôi cũng rơi vào thế lưỡng nan làm cái này không được mà làm cái kia cũng không được nốt, vậy thì họ muốn tôi làm gì?

Họ còn nói rằng nhìn vào mục bình luận của bài viết chẳng thấy ai bênh vực tôi, vì thế tôi cũng phải suy nghĩ lại tại sao chẳng ai bênh vực tôi như thế, tôi đã sống như thế nào để không ai lên tiếng giúp đỡ mình. Cái này thì tôi biết lý do và có thể trả lời được. Rằng ban đầu, lúc tôi vừa mới đăng bài viết thì có một số người lên tiếng bảo vệ tôi và có những phản hồi theo hướng tích cực, nhưng chúng lại bị công kích quá khủng khiếp, bị chửi bới và phản ứng nặng nề nên bạn bè người quen của tôi đã xoá dần dần và cũng đã nhắn tin báo lại với tôi rồi. Và tôi không nói dối hay tự suy diễn ra điều đó, những bạn bè người quen - bạn thân cấp ba hay bạn bình thường cấp ba, các thầy cô cấp ba hay những người bạn xã giao của tôi trên mạng - đã nhắn tin nói rằng họ bị công kích thật ghê gớm, rằng họ không thể tranh luận nổi với chừng đó con người nên họ đành phải xoá bình luận. Điều ấy chứng tỏ rằng vẫn có người hiểu cho tôi, chỉ là họ không có đủ tiếng nói và quá ít ỏi, quá thiểu số và không hổ báo cáo chồn bằng những người khác, chứ không phải tôi làm gì sai trái mà không có ai bênh vực mình.

Ngoài ra, còn một số bình luận rất ngắn gọn, chỉ vài từ nhưng cũng khiến tôi sốc không kém, họ bảo tôi miễn trình bày, khỏi nói nhiều, không muốn nghe thêm, bớt kể chuyện lại, bao biện, ai mà tin, làm thế để được nổi à, muộn rồi… Và bởi vì quá nhiều nên tôi chỉ có thể liệt kê bao nhiêu đó để các bạn nắm được tình hình. Tất nhiên “không thấy ai đứng về phía tôi” chỉ là một cách nói, nếu chịu tìm kiếm trong đống này thì cũng có thể tìm ra một số người lạ mặt bày tỏ rằng họ cần xem xét thêm để chọn tin bên nào, rằng họ thấy việc tôi bị công kích là không hợp lý và - với thái độ phần nhiều tích cực hơn - họ muốn đứng về phía tôi. Nhưng số lượng của họ lại rất ít và dễ dàng bị áp đảo, bị chịu sức ép, bị đám đông lấy thịt đè người, bị gây áp lực và ý kiến của họ bị đẩy đi không được ai quan tâm, xem xét và nhìn nhận.

Bên phía những bình luận của tôi - phiên bản ngắn gọn hơn của bài viết - tình hình cũng không hề khá hơn. Tôi vẫn bị những người nhân danh công lý, nhân danh pháp luật, nhân danh xã hội, nhân danh đạo đức con người, nhân danh thuần phong mỹ tục - tôi không chắc họ hiểu đúng cụm từ này - và nhân danh nhiều thứ khác để mong đợi việc tôi phải vào tù, việc phải có ai đó quan tâm đến vụ này và ra tay xử lý tôi, rằng những người có quyền hạn hãy nhanh chóng tìm ra bằng chứng cho những hành động trái luân thường đạo lý của tôi, họ kêu gọi sức mạnh cộng đồng, kêu gọi tiếng nói của xã hội để tống tôi vào tù vì những chuyện tôi đã làm - họ cứ dùng cụm từ “những chuyện tôi đã làm” nhưng không liệt kê cụ thể chuyện đó là chuyện gì, họ chỉ biết nó ghê gớm lắm, đáng tởm và đáng khinh lắm, rằng họ nghe cô của cậu của mợ của bạn thân của dì dượng chú bác bảo rằng tôi thuộc nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia, rằng họ còn nghe phong thanh tôi đã làm việc kinh khủng ấy và việc kinh khủng hơn cả việc kinh khủng ấy và việc kinh khủng hơn hơn cả việc kinh khủng ấy nữa. Họ nghe ai đó đồn đoán như thế, và từ lời đồn họ suy diễn thêm và tiếp tục đem kết quả từ những suy diễn của mình đi đồn cho người khác. Vì lẽ đó danh sách tội lỗi của tôi đang tăng lên từng giờ từng phút, và họ càng ngày càng “khui” ra nhiều bằng chứng có được nhờ phương pháp tự-đi-kiểm-chứng, nhiều “sự thật” hơn, nhiều lời đồn nghe từ cô của cậu của mẹ của bạn cấp hai của bạn cấp ba của bà chị làm chung quán nước của ông chú bán bánh mì đầu ngõ mà họ phải mua năm ổ bánh mì một lượt thì chú đó mới chịu kể.

Và khi nói đến vấn đề “pháp luật”, họ bảo rằng mình không sợ và rằng việc lấy luật ra đe doạ là mánh “xưa như Trái Đất”, rằng giờ này ai lại sợ việc phạm pháp bằng cách tung ảnh cá nhân của người khác lên mạng hay thêu dệt về người khác nữa khi họ yên tâm rằng chẳng ai lại đi kiện chuyện đó và dù tôi có làm gì thì những người đáng lẽ phải quan tâm sẽ không quan tâm vì không ai cho rằng việc một người bị người khác đăng ảnh lên mạng là thứ “đáng để tâm” hơn những vấn đề lớn lao khác. Thật buồn là họ đúng, tôi không thể nhờ đến pháp luật bởi vì chẳng ai nhờ đến pháp luật khi gặp phải những tình huống thế này và dù tôi có nhờ thật thì ai sẽ giúp được gì cho tôi ngoài việc bảo tôi nên “bỏ qua”, “đừng quan tâm”, “không ảnh hưởng gì đâu”. Chưa kể là tôi làm gì có tiền để kiện cáo hay đủ kiến thức về pháp luật để bảo vệ bản thân bằng pháp luật bởi vì không ai đi kiện một xã hội, một cộng đồng, không ai đi kiện một đám đông lạ mặt trên mạng và dù có kiện thì phải xử lý ai trong cái đám đông đó đây, và vấn đề của tôi đã đủ lớn cho việc cần người đứng ra xử lý hay chưa hay nó chỉ dừng lại ở việc một người bị bắt nạt trên mạng, và bao nhiêu đứa trẻ hay người lớn bị bắt nạt ngoài đời còn chẳng thể xử lý được thì việc tôi bị bắt nạt trên mạng có là gì đâu. Rồi nếu muốn chấm dứt việc này bằng pháp luật thì tôi không thể làm một mình, ít ra người trong gia đình phải hỗ trợ tôi nhưng mẹ tôi thì đang ở “nơi nào đó” và cha tôi tuy không ở “nơi nào đó” nhưng sẽ không giúp tôi vì ông cho rằng tôi giống mẹ. Và thật rắc rối nếu dính dáng đến pháp luật và pháp luật sẽ cho rằng tôi thật rắc rối nếu dính dáng đến họ vì một chuyện không đáng thế này.

Với tất cả những lý do ấy, các bình luận cho rằng dù họ có vi phạm luật lệ về bản quyền hình ảnh cá nhân hay tung tin không đúng sự thật cũng không sao bởi vì tôi chẳng làm được gì họ đâu và đúng là tôi chẳng làm được gì thật. Bởi vì thay vì để bản thân dính dáng đến pháp luật, sẽ khôn ngoan hơn nếu chúng ta không dính dáng vào nó và họ chắc chắn tôi sẽ đưa ra lựa chọn theo hướng khôn ngoan. Rằng tất cả họ đều có thể nhanh chóng rút lui ngay khi có thể bằng cách ẩn tài khoản, xoá bình luận hay xoá dấu vết về những hoạt động của mình nhưng đó là giải pháp chỉ khi nào tôi dám làm gì đó mà tất nhiên là tôi không thể làm. Quá nhiều rào cản để tôi bảo vệ bản thân mình và không, không có cách nào để tôi bảo vệ bản thân mình lúc ấy ngoài việc xoá bài viết và các bình luận tôi đã viết, nhưng như thế lại càng không ổn vì họ rồi sẽ nói tôi hèn nhát, rằng tôi không cãi lại nên mới xoá bài, không thể bao biện về tội lỗi của mình nên mới trốn tránh và thà tôi cứ để đấy cho họ có chỗ để “nêu quan điểm chứ không công kích gì đâu” còn hơn là xoá để họ không còn chỗ nào nữa.

Nhưng tôi sẽ ngừng cái danh sách này lại bởi vì nó đã quá dài, quá rút kiệt năng lượng. Tôi tất nhiên đã bị sốc, bị hoang mang, sợ hãi và bất an, thế nên những ngày sau đó tôi không dám đi đâu, không mở cửa sổ, chỉ quanh quẩn trong nhà hay cùng lắm là trong phòng, bởi tôi không muốn có thêm hình ảnh nào về đời sống cá nhân của tôi bị tung lên mạng và hơn hết là tôi thấy mình đã kiệt sức trước bao nhiêu thứ vượt xa ngoài dự liệu hay sự bất lực khi phải chứng minh một tội lỗi từ trên trời rớt xuống. Trong thời gian ấy, tôi cũng không dùng mạng xã hội, không đọc bất kỳ thứ gì trên đó hay thậm chí là không chạm vào các thiết bị điện tử có kết nối mạng, để xem mọi chuyện có lắng xuống không và tất nhiên là nó không lắng xuống.

Bình luận (2)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

2 Bình luận

CHỦ THỚT
AUTHOR
Chúc mừng bạn đã đọc tới đây =))))) ok mình biết những trường đoạn nhân vật kể lại chi tiết việc bản thân bị công kích trên mạng thật sự rất nặng nề và kinh khủng, nhưng hít vào thở ra và đọc tiếp nào, mới 1/4 truyện thôi =))))
Xem thêm
Do toi te, rate 1 sao thoi
Xem thêm