• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

BA

4 Bình luận - Độ dài: 5,472 từ - Cập nhật:

Bức ảnh chụp lén tôi và cô bạn gái lạ mặt trông xấu xí và gớm ghiếc đến bất ngờ. Tôi trên tấm ảnh đó đầy vẻ nham hiểm và “bẩn bẩn”, tôi ngờ rằng người chụp tấm ảnh này thật sự đã chụp rất nhiều ảnh và sau cái tiếng tách khi ấy, người chụp đã tự ý thức được và tắt chuông điện thoại nên chúng tôi không được biết là họ chỉ chụp một lần hay nhiều lần. Tấm ảnh này có khả năng đã được lựa chọn kỹ lưỡng trong rất nhiều tấm ảnh khác, để đưa ra một tấm ảnh thật sự đánh vào nhận thức của người xem. Trong ảnh, tôi đang nhướng mắt lên, môi hơi chu ra, biểu cảm cứ lấm la lấm lét - thực chất lúc đó tôi đang tự hỏi người trước mặt mình là ai và tại sao bạn gái ấy lại đến bắt chuyện với tôi một cách tự nhiên như thế - và hơn hết là tính chất của bức ảnh, vì là ảnh chụp lén nên tự bản thân nó đã được bao phủ bởi một cảm giác không chính thống, không quang minh chính đại. Đó cũng là lời mà nhiều bình luận đã nói về tôi, trông tôi như một kẻ không quang minh chính đại, một kẻ làm việc xấu và chỉ có người làm việc xấu mới trông như làm việc xấu thế kia.

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình xấu xí, thật ra tôi chưa bao giờ bị chê thẳng mặt về vẻ ngoài của mình, tất nhiên có thể đó chỉ là do những người xung quanh tôi đều lịch thiệp và dù tôi có xấu thật thì cũng chẳng ai muốn đề cập thẳng thắn đến vấn đề ấy, nhưng ít nhất từ trước đến giờ tôi không nghĩ rằng mình trông tệ hại và “dơ dơ bẩn bẩn” như thế. Rõ ràng đây là ác ý của những người đã chụp tấm ảnh, bởi vì tôi trong mắt tất cả mọi người đang là kẻ sát nhân nên nếu có một tấm ảnh “phần nào chứng minh” tôi là kẻ sát nhân từ ai đó tung ra thì nó sẽ được quan tâm và đón nhận nhiệt liệt, và người đăng ảnh, dù chủ đích có muốn gây hại đến tôi hay không, có thù hằn tị hiềm gì với tôi hay không thì để đạt được ích lợi - dù ích lợi đó chỉ là những lượng tương tác xã hội ảo - họ vẫn sẽ làm.

Và tất nhiên như nhiều người nghĩ, đoạn clip tôi bị người đàn bà lạ mặt quay trên xe buýt số 40 và tấm ảnh chụp lén tôi và cô bạn gái lạ mặt cần phải được báo cáo với nền tảng, tôi chắc chắn sẽ yêu cầu quản trị viên nền tảng xã hội này gỡ chúng xuống, phải làm gì đó để hai bài đăng ấy biến mất. Nhưng khi tôi nhấp vào mục báo cáo - lần đầu tiên trong đời, tôi mới phát hiện ra một sự thật rằng người khác sử dụng hình ảnh cá nhân của tôi để đi bêu rếu tôi thì thật đơn giản, với những thao tác tốn chưa đến một phút, thì ngược lại việc báo cáo để các trang mạng gỡ chúng xuống lại quá khó khăn và phức tạp. Quá nhiều bước phải thực hiện, quá nhiều câu hỏi xác minh cần được trả lời và tất cả các bước đều đi đến kết cục rằng nền tảng bảo tôi nếu tôi không muốn thấy nội dung này thì họ sẽ ẩn nó với tôi.

Chỉ ẩn nó với tôi thì có tác dụng gì? Lúc đó tôi đã tự hỏi như thế. Hình ảnh của tôi ở trên đấy và rất nhiều người đang không ngừng buông lời chửi bới tôi, ấy thế mà vấn đề chỉ được giải quyết bằng cách che mắt tôi lại. Đây không phải là cách để bảo vệ tôi, cũng không phải là cách mà tôi nghĩ sẽ giúp ích gì cho mình. Vậy là tôi đành bất lực để tất cả mọi thứ diễn ra mà không làm gì được, bởi vì nếu nền tảng này mà ẩn những nội dung đó với tôi thật thì mọi thứ sẽ càng tệ hơn bởi vì nó không những không ngăn chặn được gì mà ngược lại nó tước đoạt luôn cả khả năng ngăn chặn mọi thứ từ tôi. Nên tôi chấp nhận rằng mình không thể tìm được sự giúp đỡ bằng cách ấy.

Có lẽ là bởi vì tấm ảnh đó, vì vụ việc lùm xùm xung quanh nó và những bình luận của những người tôi không biết tại sao họ lại dành thời gian quan tâm đến vụ này - như tôi “trông không thể nào giống một tên sát nhân hơn được nữa”, như “tâm thế nào thì sinh tướng sẽ thế ấy”, như tôi “vẫn chưa có ý định dừng lại chuỗi hành động của mình” và như “pháp luật phải can thiệp vào chuyện này dù chưa có chứng cứ nhưng ai cũng thừa biết sự thật là như thế nào rồi”. Có lẽ vì tất cả những điều ấy mà tôi đã hình thành cảm giác bài xích với cô bạn gái lạ mặt kia.

Hôm đó cô bạn gái ấy lại đến tiếp cận tôi, trên hành lang dãy phòng học lớn nhất, chúng tôi gọi nó là dãy phòng học lớn nhất bởi vì nó là dãy phòng học lớn nhất trong trường, để phân biệt với dãy phòng lớn thứ hai, thứ ba. Cô gặp tôi ở đó và hỏi rằng tôi đã thấy tấm ảnh kia chưa, tấm ảnh chụp lén cô và tôi.

“Tôi đã thấy rồi, nên tôi thiết nghĩ bạn cũng không nên tiếp cận tôi nữa vì như thế chỉ gây ra thêm nhiều hiểu lầm khó giải quyết mà thôi.” Tôi cũng thẳng thắn trình bày vấn đề này với cô.

Nhưng cô bạn gái ấy có lẽ lại hiểu điều tôi muốn nói theo một hướng khác.

“Mình không sợ bị cậu liên luỵ, dù hôm qua cậu có tỏ thái độ qua tin nhắn với mình nhưng mình hiểu vì sao cậu phản ứng như vậy, tình huống của cậu đang gặp phải lúc này rất khó khăn và việc cậu ứng xử gắt gỏng cũng là chuyện bình thường thôi.”

Tôi lại phải nói rằng, như điều mà tôi cố nói hôm qua, tôi không hề gắt gỏng gì hay muốn tỏ thái độ gì qua những dòng tin nhắn đó hết. Và điều quan trọng hơn, tôi nói:

“Không phải tôi sợ bạn bị tôi làm cho liên luỵ, mà ngược lại việc bạn cố gắng giúp đỡ chỉ càng khiến cho tình hình càng thêm khó khăn hơn thôi, đơn cử như vụ việc lùm xùm quanh tấm ảnh chụp lén bị đăng lên ngày hôm qua.”

Nhưng bạn gái lạ mặt, một lần nữa lại tiếp tục hiểu lời tôi theo một hướng khác hướng mà tôi đang muốn diễn đạt. Cô nói tôi thật tàn nhẫn, thật nhẫn tâm, thật ác ý khi nói về lòng tốt của cô như vậy, và dù ban đầu cô bán tín bán nghi về tin đồn tôi đã giết mười ba người, nhưng qua quá trình tiếp xúc với tôi trong hai ngày nay thì cô bắt đầu tin rằng cái tin đồn kia có lẽ cũng có phần đúng trong đấy. Cô nói rằng khi tiếp xúc với tôi, cô thấy ở tôi một con người thật sự xấu xa, và nếu sắp tới ngộ nhỡ pháp luật có can thiệp vào việc này, nếu thật sự tương lai tôi có bị mời ra toà đại hình thì cô chắc chắn sẽ không đứng ra bênh vực tôi mà ngược lại cô sẽ làm chứng cho sự xấu xa của tôi bởi vì cô đã hiểu con người tôi là như thế nào rồi. Và tất cả những cử chỉ vô ơn, những thái độ ác ý, những lời nói nhẫn tâm của tôi sẽ là một phần bằng chứng để mọi người thấy rằng tôi về bản chất là một người không tốt, không biết cách cư xử và từ đó là cơ sở để suy ra tôi có khả năng thực hiện những hành vi sai trái, như giết người chẳng hạn.

Tôi thật sự bất ngờ trước diễn biến của sự việc, không thể tin rằng mình lại biến thành người xấu và có nguy cơ là một tên sát nhân một cách dễ dàng như vậy. Và tất nhiên là những điều bạn gái này vừa nói đã hoàn toàn lệch hẳn đi khỏi sự thật, cô đã tự mình suy diễn trong đầu những điều đó rồi có ý định dùng chính những suy diễn ấy để buộc tội tôi. Tôi cần phải giải thích với cô rằng câu nói của tôi chỉ có ý là, tất nhiên, tôi cảm kích trước tấm lòng muốn giúp đỡ của cô, nhưng qua chuyện tấm ảnh hôm qua thì tôi nhận thấy nếu tôi và cô tiếp tục gặp nhau và đi chung với nhau thì sẽ dẫn đến nhiều chuyện không hay khác. Nhưng, vẫn như bao nhiêu lần tôi cố giải thích với cô bạn gái ấy, cô vẫn khăng khăng rằng tôi đã cư xử và tỏ thái độ tệ hại như thế nào trước tấm lòng tốt muốn giúp đỡ mình, và đây là bằng chứng cho thấy tôi đúng là một người xấu và tin đồn về tôi không phải là không có lý.

Thế là người bạn gái lạ mặt tức giận bỏ đi, tôi lại không thể chạy theo vì nếu tôi chạy theo cô và bị ai đó chụp hình được, tôi không tưởng tượng nổi bức ảnh lần này sẽ có nội dung kinh khủng đến mức nào. Vì thế mà tôi chỉ đứng yên tại chỗ nhìn cô bỏ đi.

Nhưng ít ra cuộc gặp mặt đó vẫn chưa đáng sợ, chưa hãi hùng bằng cuộc gặp mặt lúc đầu giờ trưa, dưới sân trường, giữa tôi và người đàn bà lạ mặt đang mang thai.

Cũng vào ngày hôm đó, lúc đang băng qua khuôn viên để đến dãy phòng học lớn thứ hai chuẩn bị học tiết học đầu giờ trưa, tôi nhìn thấy người đàn bà nọ đang đứng ở một góc, như thể đang đợi chờ sự xuất hiện của tôi. Và lúc ấy, thật sự tôi đã kinh hoàng đến độ giật bắn cả hai vai, toan quay lưng bỏ chạy. Nhưng mụ từ từ tiến lại gần tôi, mụ hét lên để chặn đường bỏ chạy của tôi, mụ nói rằng rõ ràng đúng như những gì mụ đã nói, rằng tôi là kẻ sát nhân, bởi thế nên khi gặp mụ tôi mới bỏ chạy, bởi vì chỉ có người có tật mới giật mình, phải làm gì có lỗi thì mới tìm cách bỏ chạy như vậy. Vì thế nếu tôi càng muốn trốn chạy, có nghĩa tôi đã tự thừa nhận tất cả tội lỗi của mình.

Và tranh thủ lúc tôi đang vô cùng bối rối như vậy, người đàn bà liền làm ầm lên, lại giở trò giãy nảy và lăn lộn, chửi bới sa sả vào tôi, vẫn là những câu từ nặng nề có liên quan đến tôi, cha mẹ tôi và tất cả những ai xung quanh tôi. Nhưng đáng sợ ở chỗ lần gặp thứ hai này diễn ra ở giữa sân trường, vì vậy sự ảnh hưởng của nó là vô cùng lớn, dường như tất cả mọi người có mặt trong khuôn viên nhà trường lúc ấy đều nhìn về phía này, nhìn vào tôi. Dù cho mụ chửi muốn đứt hơi mà tôi - đã biết mình dù có phản kháng thì cũng vô ích - vẫn không phản kháng gì cả, thế nên mụ cho rằng:

“Mày không nói gì, mày im lặng nghe chửi bởi vì tất cả những gì tao chửi là đúng. Bởi vì nó đúng nên mày mới im lặng không cãi lại, như vậy là mày đã thừa nhận tội lỗi của mình.” Rồi có vẻ như mụ rất tự hào về điều ấy.

Người đàn bà như thể muốn hét lên cho cả trường biết, vẫn lặp lại những nội dung cũ và tôi nghĩ hẳn các bạn vẫn còn nhớ là gì, bởi vì chúng đã được lặp lại quá nhiều lần rồi. Nào là tôi đã hành hạ mười ba người họ đến chết, việc làm quá sức dã man và thú tính, nào là những con người đó đều là những người lương thiện, có cuộc sống bình thường và họ không xứng đáng phải chịu những điều đó - những điều móc mắt moi tim chặt tay chặt chân thẻo tai nong mũi mà tôi đã làm với họ. Nhưng lần này có vẻ như người đàn bà lạ mặt đã có được sự chủ động và tính toán hơn, lên kế hoạch kỹ lưỡng hơn, nên mụ kể lại một cách chi tiết và rùng rợn hơn, có những thứ mà ở lần đầu tiên không có bởi vì mụ nói mình đã dành thời gian để nhớ ra chúng. Và người đàn bà ấy bảo Chúa của mụ không thể sai khi thông linh nói với mụ rằng tôi là tên tội phạm đã làm tất cả những điều kia.

Nhưng khác với lần đầu tiên, ở lần gặp thứ hai này mọi chuyện được kết thúc sớm hơn. Trong lúc mụ vẫn đang chửi và tôi thì đang hoảng loạn nên cứng đờ người đứng yên chịu trận, thì một bác bảo vệ đã đến để giúp tôi thoát ra khỏi tình huống rắc rối đang gặp phải. Nhưng đấy chỉ là tôi nghĩ vậy, bởi vì bác bảo vệ đến để đưa tôi đi xử lý. Tôi? Bị xử lý? Tôi còn chẳng làm được bất cứ hành động nào từ đầu đến cuối và lẽ ra kẻ gây ồn ào ảnh hưởng đến những người trong trường phải là người đàn bà mới đúng, tại sao tôi lại là người bị xử lý.

“Tại vì cậu đã dẫn mụ đó vào trường.” Bác bảo vệ giải thích với tôi khi chúng tôi ngồi đối diện nhau trong phòng kỷ luật.

Tôi nói rằng không phải mình dẫn người đàn bà lạ mặt vào trường, tôi không hề quen mụ, tôi không biết mụ là ai và từ đâu ra. Nhưng bác bảo vệ lại hết sức ôn tồn, xem chuyện mình đang diễn giải là hiển nhiên và chỉ vì tôi còn nhỏ tuổi nên có những thứ tôi không hiểu.

“Mụ đó tìm cậu để gây chuyện, mà cậu thì đi vào trong trường, nên mụ cũng vào trong trường theo. Vậy thì cậu là người đã dẫn dụ mụ vào gây rối trong trường này, tất nhiên trách nhiệm là nằm ở cậu.”

Tôi trả lời là tất nhiên tôi phải vào trong trường vì tôi còn phải học - và chuyện xảy ra đã khiến tôi phải bỏ buổi lên lớp tiếp theo của mình để ngồi đây - và tôi nếu muốn đi học thì không còn cách nào khác là vào trong trường, vấn đề là tại sao những người bảo vệ lại để mụ lọt được vào trong trường gây rối.

Bác bảo vệ hít sâu và thở ra, như muốn thể hiện rằng mình đang kiềm chế để không nổi giận, đó là cách để hâm doạ tôi, bác nói rằng tôi chỉ đang cố đổ lỗi cho tập thể nhân viên bảo vệ trường để phủi bỏ trách nhiệm và lỗi lầm của mình, rằng những lời kết tội kỳ quặc của mụ kia có đúng hay sai thì cũng không còn quan trọng nữa, quan trọng là tôi, tôi là một sinh viên hỗn láo và chỉ biết đổ lỗi cho người khác chứ không có khả năng nhận trách nhiệm và phần lỗi thuộc về mình, và nếu tôi cứ cứng đầu như thế này thì cũng đừng trách vì sao người khác nghĩ tôi là người đã làm những việc xấu như người đàn bà kia nói. Nghĩa là, bác cho rằng, người đàn bà kia chẳng hề đưa ra bằng chứng gì cho những lời kết tội của mụ, nhưng hành động của tôi lại càng ngày càng thay cho mụ chứng minh những lời mụ nói.

Đến đây tôi lại càng không hiểu vấn đề nằm ở chỗ nào, tại sao việc người đàn bà tấn công tôi trong sân trường, sỉ vả tôi như thế mà rốt cuộc người sai, người phải vào phòng kỷ luật lại là tôi chứ không phải mụ. Rồi tôi nói với bác bảo vệ rằng hãy hiểu cho tôi, vì không còn cách nào khác, nếu tôi muốn đi học thì phải vào trường, và sắp tới việc bác có thể làm để giúp tôi và mọi người là đừng để cho người đàn bà đó bước vào khuôn viên nhà trường nữa. Nhưng bác ấy lại phản bác biện pháp do tôi đề xuất, bác nói:

“Giờ thì đến lượt cậu ra lệnh cho chúng tôi. Tất cả mọi chuyện đều là do cậu gây ra, vậy mà cuối cùng cậu đưa ra đề xuất chúng tôi là người phải đi dọn dẹp cho cậu. Giới trẻ ngày nay đều như thế đấy, đều hỗn láo, không xem những người thuộc tầng lớp lao động tay chân ra gì, trong đầu các cậu chỉ xem chúng tôi như con hầu thằng ở để sai vặt thôi, rồi khi có chuyện thì đổ hết trách nhiệm cho chúng tôi.”

Thế là tôi lại phải chật vật giải thích ý mình, rằng biện pháp tôi đưa ra là thiết thực và hữu hiệu nên tôi mới đề xuất như thế. Còn những gì bác ấy vừa nói, tôi nghĩ, là bởi vì bác có vấn đề về lòng tự trọng trong công việc, rằng bác tự nghĩ ai cũng khinh thường nghề của mình, nên bác mới trở nên nhạy cảm và dễ tổn thương, nên bác mới dễ dàng suy ra rằng tôi cũng đang khinh thường bác dù thực chất tôi chẳng hề khinh thường gì cả. Và tôi nói với bác điều đó, rằng không ai khinh thường ai hay muốn đổ lỗi cho ai - vì ngay từ đầu lỗi không phải nằm ở tôi mà ở người đàn bà kia, rằng bác nên bớt nhạy cảm lại về vấn đề nghề nghiệp và cứ tự tin với những điều mình làm, cũng đừng suy diễn giới trẻ thế này thế nọ vì như thế là vơ đũa cả nắm.

Không khí căn phòng kỷ luật đến giờ đã trở nên đầy nặng nề và căng thẳng. Dù tôi và bác bảo vệ không phải những người duy nhất có mặt ở đây, còn có vài người khác đang theo dõi câu chuyện, tất nhiên có cả các thầy cô trong Ban kỷ luật. Không biết họ đã có những phán đoán gì qua cuộc trao đổi vừa rồi nhưng có lẽ bởi vì quá căng thẳng mà chẳng ai dám nêu thêm ý kiến.

“Đấy đấy, câu nào của cậu cũng đều muốn đổ lỗi cho tôi, giờ thì cậu gán cho tôi là vơ đũa cả nắm. Cậu không thừa nhận chuyện bản thân mình đang khinh bỉ tôi mà lại tráo trở bảo rằng tất cả đều bởi do tôi là một người nhạy cảm và đang làm quá mọi chuyện lên. Cậu biết, có một cách khác mà tôi nghĩ mình cũng nên đề xuất với trường để giải quyết chuyện này, cậu biết đó là cách gì không?” Bác ấy hỏi và tất nhiên tôi không biết đó là cách gì. “Là tôi sẽ đề xuất cấm chỉ cậu một tháng, cậu bị buộc phải ngừng học, không được bước chân vào trường để đảm bảo an ninh cho nơi này, để bảo vệ an toàn cho nơi này!”

Người đàn ông đó nói với khuôn mặt thể hiện tràn đầy sự tức giận, một chút hống hách và chút thoả mãn quyền lực, giống như thể bác ta đã tìm ra được cách để lấy lại lòng tự tôn của mình, nhưng tôi không hề cướp lòng tự tôn của bác ta. Tôi bảo rằng đó không phải là cách giải quyết, rằng người đáng bị cấm chỉ bước chân vào đây là người đàn bà chứ không phải tôi, rằng bác đưa ra phương pháp này chỉ vì bác không thích tôi vì bác nghĩ tôi không thích bác và muốn trả đũa tôi vì bác nghĩ tôi đã xúc phạm danh dự của bác trong khi tôi không hề làm thế.

“Cậu còn nhỏ lắm, đáng tuổi con tuổi cháu tôi, nên đừng hòng mà đối đầu với tôi. Trứng mà đòi khôn hơn vịt. Cậu chỉ là hạng trẻ ranh láo toét nên tôi sẽ dạy cho cậu một bài học. Bài học về việc phải biết tôn trọng người khác, đặc biệt là những người lớn tuổi hơn mình.”

Tôi định sẽ giải thích là tôi không hề muốn đối đầu hay làm gì thiếu tôn trọng với bác ấy nhưng lúc đó tôi thật sự đã hết hơi rồi. Quá nhiều suy diễn, quá nhiều cáo buộc, quá nhiều lời giải thích, quá nhiều câu nói bị hiểu sai, quá nhiều thái độ bị đánh giá, quá nhiều tình huống đi theo hướng này nhưng bị gán ghép thành hướng khác. Nếu cứ thế này thì cuộc trao đổi giữa chúng tôi sẽ không dừng lại được nữa mất.

Thế là cứ vậy mà tôi bị đình chỉ học, và tất nhiên việc đình chỉ học là một chuyện, một chuyện khác là tôi không được phép đặt chân vào khuôn viên nhà trường nữa, dù để làm gì khác ngoài chuyện học cũng không. Tất nhiên, công tác báo cáo, đưa ra quyết định và gửi thông báo sẽ cần thêm thời gian và phải đợi vài ngày để thông qua các cấp lãnh đạo trong trường, nhưng bác bảo vệ nói bác sẽ cố gắng thúc đẩy tiến độ nhanh nhất có thể và trong những ngày sắp tới tôi hãy cố “tận hưởng nốt” đi.

***

Tôi cứ tưởng mọi thứ đến đó là hết, rằng nhiêu đó là đã quá đủ cho một ngày của tôi, bị bạn gái lạ mặt trách mắng dù chẳng hề làm gì, bị người đàn bà lạ mặt kết tội dù chẳng hề làm gì, thu hút sự chú ý của toàn bộ người trong trường dù chẳng hề làm gì và cuối cùng là bị đe doạ đình chỉ học dù chẳng hề làm gì. Lẽ ra như thế là quá đủ nhưng mọi thứ lại nói với tôi như vậy là chưa đủ. Rằng đúng như các bạn đang nghĩ, câu chuyện này diễn ra quá nhanh và dồn dập, quá nhiều sự kiện nối tiếp nhau liên tục, mọi thứ lộn vào nhau và không chừa ra giây phút nào để thở.

Người bạn thân Đại học của tôi tìm thấy tôi lúc tôi đứng đợi xe buýt đề về nhà, tôi tạm gọi nó là người bạn thân Đại học để phân biệt với những bạn bình thường Đại học và những bạn thân cấp ba và những bạn bình thường cấp ba. Vì trên Đại học tôi chỉ có nó là bạn thân, hay ít nhất thì nó cũng là đứa mà tôi thân nhất. Nó đến và cho tôi xem một bài viết trên mạng xã hội, đến bây giờ thì tốc độ lan truyền của những thông tin về tôi đã lớn mạnh đủ để những người xung quanh tôi, nếu có sử dụng mạng xã hội thường xuyên, sẽ thấy và biết, và tất nhiên không ngoại trừ người bạn thân Đại học của tôi.

Tấm ảnh trên màn hình điện thoại mà nó đưa lên cho tôi xem, trong đó tôi đang ngồi ở quán nước gần nhà, ảnh được chụp vào hôm qua. Nội dung bài viết ấy kể về chuyện ai đó thấy tôi ngồi trong quán nước gần nhà, lấy một cuốn sách ra và đặt lên bàn, rồi bắt đầu bấm điện thoại.

Vấn đề là, bài viết nhấn mạnh việc tôi lấy cuốn sách ra đặt lên bàn rồi cả buổi chỉ ngồi bấm điện thoại chứ “không hề đọc sách”. Người viết bài cho rằng đây là một hành động quá mức tồi tệ, quá mức “đạo đức giả”, rằng tôi đến một nơi công cộng, đặt sách lên bàn để chứng tỏ mình là một con người tri thức, chứng tỏ với các khách hàng khác trong quán nước rằng tôi là “dân đọc sách” chứ thật ra không hề đọc. Họ cho rằng việc tôi đặt cuốn sách lên bàn và cả buổi ngồi xem cái gì đó trên điện thoại là đáng lên án bởi vì tôi chỉ đang “làm màu”, “lưu manh giả danh tri thức”, “cố chứng tỏ với người khác là tôi đứng đắn và mê đọc sách lắm nhưng thật ra chẳng hề đọc chữ nào”. Rồi họ cho rằng đây là hành động đáng sợ, khủng khiếp, đáng bị tẩy chay để làm gương cho những người khác. Họ liên hệ đến giới trẻ ngày nay, họ cho rằng giới trẻ bây giờ chỉ thích khoe khoang tri thức, thích làm “trọc phú tri thức”, ôm cuốn sách theo người như một phụ kiện để tìm kiếm sự ngưỡng mộ chứ chẳng hề đọc gì cả, thời của họ thì khác - họ khẳng định - thời của họ không có những chuyện bại hoại như thế này. Bởi vì nếu tôi có đọc cuốn sách đó thì tôi đã đọc rồi chứ không phải mang ra để lên bàn cả buổi và quay đi bấm điện thoại như thế. Họ nói về tác hại của thiết bị thông minh đến với con người, và việc có một cuốn sách đặt trước mặt nhưng không thèm đọc mà chỉ chăm chăm vào “anh bạn mặt vuông” là một trong những tác hại đáng để nhắc đến. Và từ đó họ kết luận rằng, con người tôi hẳn phải đê tiện đến mức nào mới làm ra hành động lấy sách đặt lên bàn nhưng không đọc như vậy.

Một cơn ớn lạnh chạy dọc người tôi, tôi sợ hãi và run rẩy đến mức mắt sắp hoa lên và hai chân gần như không thể trụ vững. Tôi cố điều hoà nhịp thở dù bây giờ tôi thật sự chỉ muốn nín thở vì sợ hãi và kinh hoàng.

Rồi người bạn thân nhất Đại học của tôi hỏi tôi tại sao tôi lại vào quán nước, đặt một cuốn sách lên bàn nhưng không đọc mà lại lo bấm điện thoại.

“Từ từ tao sẽ kể cho mày.”

Tôi hẹn nó vào lúc khác bởi vì tôi đang quá ngỡ ngàng, sợ hãi và bối rối. Ngoài ra còn một lý do khác nữa là, nếu kể hết mọi chuyện ngay bây giờ, về lý do tại sao tôi không đọc cuốn sách dù đã lấy nó ra, thì tôi phải kể về người bạn gái lạ mặt, về một giáo phái thờ Chúa Đức Năng, về người đàn bà lạ mặt và về chuyến xe số 40. Nếu kể hết chúng ra thì tôi sẽ trễ chuyến xe buýt mất, mà nếu tôi trễ chuyến xe buýt thì tôi sẽ về nhà trễ và cha tôi sẽ trách tôi giống mẹ thế này giống mẹ thế nọ. Vì vậy mà tôi đành phải hẹn nó vào lần tới.

Tôi dành cả tối đó để đọc những bình luận người khác nói về hành động “lấy sách ra đặt trước mặt nhưng không đọc mà bấm điện thoại” của mình. Có người than trời trách đất, rằng giới trẻ càng ngày càng tha hoá và thời của họ thì không như thế này. Có người quan ngại về tư tưởng hám danh hám lợi của bộ phận người trong xã hội ngày nay. Có người cười cợt, nhân chuyện này để bẻ lái qua khiêu khích những cộng đồng đọc sách, rằng tất cả chỉ là một đám “làm màu”, “ra vẻ”, “tri thức rởm”, “tiến sĩ giấy”, tất cả đều tỏ ra mình là dân đọc sách để nâng cao giá trị bản thân nhưng thật ra đều giống tôi, đều thèm khát sự chú ý chứ chẳng hề đọc được bao nhiêu sách cả, chỉ có những con người như họ - những con người bình thường chả đọc chữ nào - thì mới sống đàng hoàng và thật sự có đạo đức.

Một tài khoản khác đã phóng to tựa của cuốn sách tôi đặt lên bàn, Quê hương tan rã, và người ấy tỏ ra rất quan ngại. Họ nói tại sao một người trẻ như tôi lại đi đọc một cuốn sách có tựa như vậy, rằng cái tựa cuốn sách này khiến họ nghi ngờ về nội dung bên trong nó. Tại sao lại đặt chữ “quê hương” bên cạnh chữ “tan rã”, nó quá tiêu cực, quá cực đoan và họ nghi ngờ nội dung cuốn sách này đang viết về một vấn đề chính trị. Và họ cho như vậy là đáng lo ngại. Họ khẳng định mình “không phải đang đánh giá một cuốn sách qua bìa hay qua tựa đâu” nhưng chẳng lẽ không có vấn đề gì trong chuyện này hay sao. Họ quyết liệt đưa ra phán đoán rằng tôi, nếu đọc một cuốn sách có cái tên dễ gây liên tưởng đến những vấn đề chính trị thế này thì có khi nào, có khả năng, là tôi thuộc về nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia. Rằng tôi có dính líu đến một âm mưu chính trị, dính líu đến một tổ chức cực đoan hay đáng sợ hơn tôi chính là một thành viên trong những tổ chức đó. Bởi vì sinh viên là đối tượng dễ bị những đăng đảng bè phái chính trị dẫn dắt, nên họ nghi ngờ tôi đã bị dẫn dắt. Họ cho rằng tư tưởng chính trị của tôi có vấn đề nên mới tiếp xúc với loại sách nói đến việc gắn chữ “tan rã” với chữ “quê hương”, rằng hai chữ này không nên đi chung với nhau và hãy cảnh tỉnh, hãy sáng suốt trước những vấn đề chính trị.

Tất nhiên cuốn Quê hương tan rã của Chinua Achebe không có những nội dung như họ nói, người đưa ra ý kiến này hẳn là chưa đọc nó, cũng chưa dành thời gian để tìm hiểu xem nó viết về gì. Và tất nhiên, tôi không phải là người thuộc nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia. Tất cả những gì họ nói đều là suy diễn từ tựa cuốn sách tôi đặt lên bàn. Nhưng quan điểm ấy lại được rất nhiều người đồng tình, một số tỏ ra quan ngại, một số lên án tôi vì còn nhỏ như thế mà đã thuộc nhóm này nhóm nọ nhóm kia, bè phái này bè phái nọ bè phái kia, và họ bảo việc tôi có liên quan đến những tổ chức và thành phần tiêu cực càng chứng tỏ rằng việc tôi giết mười hai mười ba mạng người càng có khả năng xảy ra. Rằng càng lúc hành động của tôi càng chứng minh rằng nhân cách của tôi có vấn đề, và họ nhân danh trật tự đạo đức xã hội để yêu cầu ai đó nhanh chóng xử lý tôi, vì tôi quá bại hoại, quá đê tiện và quá cặn bã.

Vậy là, việc tôi không đọc cuốn sách này đã đem đến nhiều hậu quả xấu, mà việc tôi có đọc cuốn sách này còn đem lại nhiều hậu quả xấu hơn. Thế rốt cuộc họ muốn tôi đọc hay không đọc cuốn sách này? Tôi cũng chẳng biết nữa, chẳng biết đường nào mà lần.

Bình luận (4)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

4 Bình luận

Xin một bình oxy ạ, ngộp quạ
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Hít thở nào 🐧
Xem thêm
Đọc đến đây tôi vẫn chưa hiểu vì sao title là đại giá quang lâm 😞
Xem thêm
CHỦ THỚT
AUTHOR
Mới chương ba nên chắc chưa liên quan lắm, có khi tới chương cuối mới biết tại sao lại đặt như vậy ạ =))))) nhân tiện cho xin ý kiến về truyện luôn ạ 🙆‍♂️
Xem thêm