• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

III.

0 Bình luận - Độ dài: 6,188 từ - Cập nhật:

III.

Đó là một buổi tối trong và lặng lẽ, lão Khải hết ngồi lại đứng, hết đứng lại đi, hết đi lại ngồi bệt xuống sàn bệnh viện. Lão thấp thỏm, sốt ruột, tay chân cứ như muốn vặn hết vào nhau. Ngó trân xuống sàn bệnh viện hắt ánh đèn điện sáng choang, rồi đưa mắt nhìn ra cửa sổ cuối dãy phòng, lão thấy gió đêm mát mẻ và hình như có chút ánh sáng dự báo đêm đã bắt đầu tan và ngày mới đang đến. Vợ lão đang ở trong phòng sinh. Lão đợi ở ngoài, không biết là đã trải qua bao nhiêu giờ bao nhiêu phút, cái cảm giác thời gian đằng đẵng bị kéo dãn đến vô cùng này là lần đầu lão được trải nghiệm. Cho đến khi một y tá hộ sinh bước ra, báo với lão mọi thứ đã xong rồi, lúc đó lão mới thật sự nhẹ nhõm, nhưng cái nhẹ nhõm ấy không kéo dài được lâu khi tiếp theo lão phải chuẩn bị tinh thần để vào bên trong xem đứa con vừa mới chào đời của mình.

Và lần đầu tiên trong đời lão, một người đàn ông từng ấy tuổi đầu lại bối rối và khép nép như một đứa trẻ bị cha mẹ ép phải ra chào khách lạ. Lão hơi rụt người, mắt lấm lét nhìn các bác sĩ bịt khẩu trang kín mặt và những thiết bị y tế mà lão không hiểu. Vợ lão nằm trên giường. Quá trình sinh nở gian nan và căng thẳng làm cho người đàn bà ấy kiệt quệ hoàn toàn. Vợ lão xơ xác, mồ hôi đầm đìa, còn thở phì phò chứ chưa ổn định lại được, nhưng trên khuôn mặt thì lại mang nét cười hạnh phúc và mãn nguyện. Lão nhìn vợ lão và nhìn đứa trẻ đang nằm trong chiếc nôi bên cạnh.

Trong khoảnh khắc ấy, giống như có hạt mầm nào đã trú ngụ rất lâu, rất lâu tận cõi lòng lão đột nhiên bừng bừng sức sống và bung nở, khiến lão nhộn nhạo trong người một cảm giác nôn nao lạ lùng. Ôi chao, cái thứ nằm trong nôi sao mà ngộ nghĩnh, nó nhỏ hơn là lão nghĩ, và trông nhăn nheo đỏ đắn đến hay! Lão thường thấy người ta treo những bức ảnh trẻ sơ sinh trong nhà, những đứa trẻ bụ bẫm, trắng nõn, da thịt căng mướt và khoẻ mạnh. Hay hình ảnh Đức Mẹ bế Chúa Hài Đồng cũng làm lão tưởng đâu những đứa trẻ mới sinh đều sẽ đẹp đẽ giống vậy. Nhưng ra là một đứa trẻ mới sinh ngoài đời thực lại không phải trông như thế. Nó khóc ngằn ngặt, vì thế mà cái mặt tí xíu ấy cứ dúm dó lại, da thịt cứ rút rít lại, ngộ mắt vô cùng. Lão đưa tay sờ thử vào đứa nhỏ, làn da mỏng tang và yếu ớt, những ngón tay nhỏ xíu. Lão cảm nhận được một sự sống đang diễn ra, nó vừa mới được tạo thành và là một phần gắn liền với lão, không có bất kỳ thứ gì có thể chia cắt được sinh mệnh này với lão. Lẽ ra trong cái giờ phút thiêng liêng này lão phải thấy cảm động, phải mừng rỡ reo hò hay rơi nước mắt mãn nguyện, nhưng sao lão chỉ cảm thấy nó nhộn thế nào. Trời, đứa trẻ này sao mà xấu thế! Sao mà ghét thế! Sao mà thương thế!

Lão vỗ về vợ mình trên giường, đôi mắt mụ ướt đẫm, mụ quá mệt nên chỉ im lặng nhưng ai nhìn cũng thừa biết là mụ đang chìm đắm trong thứ hạnh phúc không gì sánh bằng. Ở tuổi này mà phải sinh con thì hẳn là cực nhọc cho mụ lắm, nhưng trên tất cả, mụ thấy vinh quang vì mình đã làm được, mình đã làm được điều mà bao nhiêu người phụ nữ từ trước đến nay - trước mụ và sau mụ - làm được.

Lại nhìn đứa bé một lần nữa, lão quan sát nó từng chút từng chút một, rồi đột nhiên lão thấy thẹn thùng. Một người đàn ông ở cái tuổi mặt dày mày dạn mà có lúc cũng bày đặt xấu hổ. Chà, không biết khi nào thì đứa nhỏ này mới biết lật, mới biết bò, mới chập chững bước đi, mới bập bẹ gọi cha gọi mẹ, không biết đến khi nào thì lão sẽ cõng nó trên vai, dắt nó đến trường, không biết khi nào thì thấy cảnh nó chạy giỡn, nô đùa, đuổi bắt, rồi đến khi nào thì mới dắt nó đi nhà thờ, mới làm lễ này lễ nọ cho nó? Bao nhiêu là cảnh tượng diễn ra trong trí óc lão, bao nhiêu kế hoạch mà lão đã nghĩ đến cho đứa con vừa mới sinh của mình, và lão sẽ tận hưởng hết những điều ấy, những điều mà từ lúc em trai lão mất thì lão đã không còn có thể cảm nhận được nữa…

Soạt một cái, lão Khải ngã bổ người ra đất. Con chó chạy đến bên cạnh, chỉ ra sức sủa rống lên chứ chẳng biết làm gì. Dòng hồi ức của lão bị đứt đoạn ngay đó.

Chân lão đột ngột quàng phải cuộn dây ai đặt dưới đất, trên đoạn đường dẫn ra bể cua mà lão thường hay đi lại. Ai đặt cuộn dây này dưới đất? Thì ngoài lão, ở đây có còn ai nữa đâu. Nhưng không đúng, lão lôi cái cuộn dây chão này ra làm gì? Lại còn để nó la liệt vô mục đích dưới đất, lại còn quên mất mà quàng chân trúng nó. Không phải, lão không nhớ là hôm nay, hay những hôm trước lão có dùng đến nó. Chắc chắn lão còn nhớ rõ nó đã được cuộn lại gọn gàng và treo lên móc sắt trong cái chuồng bỏ không mà bây giờ lão dùng để đặt thùng xốp nuôi trùn quế. Nhưng nếu lão không mang nó ra đây thì ai mang nó ra đây? À, thủ phạm chỉ có thể là con Xăm mà thôi, báo hại lão một phen chết giấc.

Song khi đứng dậy, phủi sạch đất cát trên người, cảm nhận được vị mằn mặn trong miệng và dần lấy lại tỉnh táo, lão nhìn con Xăm và tự dưng linh cảm mách bảo lão rằng con Xăm sẽ không khi nào quậy phá như vậy. Bởi một lẽ đơn giản là từ trước đến nay nó có bao giờ quậy phá đâu! Hay bỗng dưng nó trở chứng, như thế thì sợ quá! Hôm nay là một cú ngã sõng soài nhưng ai biết đến mai thì có thể thành ra cái gì. Lão vớ lấy cuộn dây chão, quật tới tấp vào người con vật. Nó sợ quá cuốn quýt chạy đi, miệng rên ư ử.

Lão thở hổn hển nhìn theo, con chó lủi xuống gầm cũi quen thuộc là nơi trú ẩn của riêng nó. Lão nhìn món đồ trong tay và nghi hoặc. Lẽ nào chính lão đặt cuộn dây ở đây mà lão không nhớ. Lão đã đến cái mức ấy rồi hay sao? Cái mức mà mình đã dần mất đi những đoạn ký ức vừa mới xảy ra và chỉ có thể nhớ về những chuyện xưa lơ xưa lắc. Nhưng làm gì đến nỗi chuyện cả cuộn dây chão có lấy ra dùng hay không mà lão còn không nhớ, thế thì vô lý!

Nhặt cái thau lăn kềnh dưới đất lên, rồi đem cất cuộn dây về lại chỗ cũ, lão Khải bước vào trong nhà. Nỗi băn khoăn mơ hồ vẫn còn trở đi trở lại nhưng lão vẫn không tìm ra được đáp án nào phù hợp, ngoài việc con Xăm đã giở trò quậy phá.

Năm thứ mười ba vậy là đã trôi qua được gần một nửa, thứ tôn giáo quái gở của lão thì đã tồn tại được hơn ba tháng. Cuộc sống vẫn không có gì thay đổi, ngoài việc lão lấy thú vui phán xét, khen ngợi hay kết tội những con cua của lão để giết thời gian và thoả mãn sở thích. Sự quy phục hoàn toàn của chúng làm cho lão yên lòng, chúng không bao giờ trở mặt hay thắc mắc gì về những điều lão nói. Hai con cua to nhất đám mà lão để mắt đến lâu lâu lại xuất hiện, lấp ló quan sát lão qua những lá bèo tròn trịa căng bóng.

Nhưng dần dần, lão Khải nhận ra có cái gì đó không đúng trong chính ngôi nhà mà lão đang sống. Tần suất những con cua thoát ra khỏi bể ngày càng dày đặc hơn, hình như chúng đã trở nên tinh khôn hơn trước, táo tợn hơn trước. Thêm nữa là dạo gần đây lão hay gặp tai nạn, những tai nạn tủn mủn nhưng hết sức kỳ quặc, tuy không gây ra hậu quả nào nghiêm trọng nhưng cứ lôi thôi phiền phức. Từ việc cái thau đựng thức ăn cho cua mà hàng ngày lão vẫn dùng bỗng nhiên bị thủng đáy, đôi dép đứt quai, tấm thớt đặt chênh vênh trên chạn bếp rớt trúng đầu (mà lão nhớ là mình đã cất nó vào sâu lắm rồi), ống bơm bị rỉ nước, bếp ga đột nhiên quên tắt (mà lão còn chẳng nhớ mình đã bật nó lên từ bao giờ), bốn chân bàn ăn bị thụt thọt, quyển Kinh Thánh mà lão dùng hàng ngày bị sổ chỉ...

Nói chung là toàn những chuyện nho nhỏ như thế, biết là nhỏ nhưng cứ gây bất an và quan ngại. Lão đành thở dài chấp nhận rằng cơ thể và đầu óc mình đã bắt đầu thời kỳ hỏng hóc thật rồi, lão đã mắc cái bệnh đãng trí của tuổi già mà ai rồi cũng sẽ mắc phải, cái ngày mà lão luôn lo sợ cuối cùng đã đến, cái ngày mà lão sẽ chết dần chết mòn vì chính lão chứ không phải vì ai khác. Và ở cái tuổi này, người ta hiểu rằng mọi thứ dường như đang muốn chống lại mình, đến cả cái cơ thể thuộc về mình cũng đang muốn chống đối. Nó muốn nghỉ ngơi mà lão không cho nó nghỉ, nó muốn an dưỡng mà lão cứ bắt nó làm quần quật suốt ngày, vậy thì tất nhiên là nó không chịu.

Lão đã đinh ninh thế, nhưng rồi đến một hôm trời nắng ráo, lão nhìn đám bèo tây và mặt nước đục quánh những cặn bẩn cùng bùn đất trong ba bể cua. Đột nhiên một cơn rùng mình chạy dọc sống lưng lão, đầu lão chợt chao qua chao lại và hai hốc mắt nóng rẩy lên.

Lão nhớ lại từng chút một cái ngày mà nhiều lần lão đã muốn quên đi, nhưng bây giờ chính nó lại gợi cho lão đến một kết luận khác, một kết luận mà không ai có thể tin và chính lão cũng đã từng không tin. Rằng có khi nào thủ phạm của tất cả những tai nạn này không ai khác ngoài lũ cua mà lão đang nuôi. Rằng lũ cua đang muốn vùng lên giết lão?

***

Hồi ấy đứa con gái lão đã hơn ba tuổi, đã lạch bạch chạy loạn khắp nơi, tính nết con bé nghịch ngợm nhưng cái việc nghịch ngợm đó lại làm lão Khải thấy mừng rơn, vì lão nghĩ trẻ con như thế mới là khoẻ mạnh. Hồi ấy sao mà vui, lão và vợ tràn đầy sức sống để làm, để nuôi con, để tận hưởng những ngày cuối tuần cả nhà đi dự lễ nhà thờ. Con bé Thị ấy có đôi lần làm lão bực, nhưng rồi nó lại tìm cách nũng nịu khiến lão nguôi đi, lão không thể giận nó quá lâu và đâm ra trở thành một người cha dễ dãi.

Lão Khải còn nhớ trong những chuỗi quá khứ đứt gãy và hỗn loạn của mình, con bé Thị nhà lão trèo thoăn thoắt lên cây sung sau nhà để trốn đòn roi của mẹ nó. Song bởi vì cái cây quá vướng víu nên sau này lão đã nhờ hàng xóm giúp mình chặt bỏ đi, con bé từ đó không có chỗ nào để trốn nữa, ngoài sau lưng cha nó, là lão. Và con bé ngay từ nhỏ đã yêu mến nhà thờ, vợ lão xem đây là phúc phần của gia đình lão, con bé sẽ sống trong vòng tay bảo bọc của cộng đoàn, sẽ hiểu những điều mà cha mẹ nó hiểu. Và chính lão, lão cũng không tiếc gì dù chỉ một chút tình yêu thương dành cho đứa con mà khó khăn và muộn mằn lắm mới có được ấy, lão tận hưởng việc mình lại một lần nữa nhìn thấy sự trưởng thành, thay đổi của một sinh mệnh. Không hiểu sao, lão lại yêu quý việc nuôi dưỡng như thế, lão thấy mình như có một thứ quyền hạn vô biên khi đứng trước đứa con của lão, cái quyền lực không phải là cực đoan áp chế mà nó giống như niềm vui của người đi ban phát sinh mệnh và ban phát sự phát triển.

Vào cái ngày mà cuộc đời lão và cuộc đời gia đình lão chấm dứt, lão còn vui vẻ khi vừa vớ được giống bèo chất lượng mà giá thành lại rẻ, từ một ông bạn chuyên buôn giống cây nhận chuyển hàng từ thành phố về. Lão đi ngang bụi táo dại và dâu tằm, lúc ấy hãy chưa xum xuê mà chỉ mới là mấy cái cây tong teo, lão định bụng sẽ bứng sạch chúng trước khi chúng lớn quá mức để sau đỡ nhọc công, bởi vì hàng xóm cũng nhắc rằng trước nhà đừng nên trồng mấy loại cây kiểu này.

Nhưng chỉ vừa đi đến gần, lão đã nghe thấy từ bên trong phát ra tiếng ơ hờ của mụ vợ lão. Mụ hờ ai mà ghê thế? Lão rậm rật trong người, mặt mũi tối sầm như tất cả bóng tối trên thế gian đều đang dồn lại một chỗ. Lão ngờ ngợ. Một người đàn bà hờ đến mức này thì một là hờ chồng và hai là hờ con. Chồng mụ thì là lão đang đứng đây rồi, có gì phải hờ. Vậy thì chỉ còn con bé Thị, nhưng con bé gặp chuyện gì mới được? Một sức mạnh ghì hai cẳng chân lão xuống, hai lòng bàn chân như dính khắn vào mặt đất bên dưới, lão không bước lên được. Lão không muốn vào trong đó. Lão biết nếu mình vào trong đó thì cuộc đời mình sẽ khác, nên lão buộc phải đứng trân ở đây, vì biết đâu nếu đứng mãi ở đây thì cái điều mà lão nghĩ sẽ không bao giờ tới, miễn là lão không bước vào thì nó sẽ không cách gì đổ ập lên đầu lão. Ban đầu còn có một động lực khác thôi thúc lão hãy quay đầu bỏ chạy, nhưng bởi vì đây là nhà của lão nên lão không bỏ chạy được. Vào không được mà đi cũng không xong, lão chỉ có thể đứng đó. Tiếng khóc, tiếng hò hét, tiếng kêu la, tiếng mụ vợ, tiếng mấy người hàng xóm biết chuyện nên đã chạy qua, đến cả tiếng những con chim chiêm chiếp và tiếng cành cây va đập vào nhau, tất cả đều bị khuếch đại, dộng ầm ầm như những nhát búa lò rèn đập vào màng nhĩ lão. Và lão nghĩ có khi nào mình sẽ chết luôn ở đây, mình sẽ chết đứng trong tư thế cầm một bịch giống bèo tây thượng hạng (trớ trêu không khi lão mua chúng về là để nuôi dưỡng sự sống thì thứ chờ đợi lão ở nhà lại là cái chết).

Một lần nữa như bao lần, chuyện lại không diễn ra như ý lão, lão vẫn sống và dù lão không muốn vào nhà thì cũng phải vào. Vài người chạy ra, kéo tay lão, họ cũng hớt hãi, cũng hoang mang, cũng ái ngại cho lão. Tội nghiệp, những người hàng xóm mà người ta không thể bỏ rơi nhau hay phó mặc nhau lúc khó khăn. Nhưng đột nhiên không cần ai kéo nữa, khi lão đã bước vào sân rồi thì tự động trong lão bộc phát một sức mạnh ghê gớm, giúp bản thân lão có thể tự mình đi đến chỗ mụ vợ.

Giữa bể nuôi cua, xác con Thị nằm úp mặt xuống nước, mái tóc xoã rối đanh như rễ bèo tây, chiếc váy hoa nhí chỉ vừa mới mua hồi tuần trước bập bềnh, phồng lên và lấm lem không chừa một chỗ nào.

Vấn đề là đã đến cái nước đó mà lão vẫn không tin, lão vẫn thấy chuyện xảy ra thật vô lý và kỳ quặc. Một đứa trẻ ba tuổi rưỡi có thể chết đuối trong một bể nuôi cua hộ gia đình được chăng? Mực nước quả là có cao nhưng không đến mức chết người, nó chỉ cần đứng lên, nếu có gặp tai nạn ngã xuống đó thì nó chỉ cần đứng lên mà thôi. Đứng lên! Đứng thẳng lên! Có thế mà không làm được hay sao? Phải biết rướn cái người lên chứ!

Lão lơ láo nhìn vợ mình đang lăn lộn dưới đất, mụ đương kêu gào thảm thiết không còn một cái gì, mụ lăn như lợn lăn bùn, cái tay cụt cố ngoắc ngoắc để trờ tới ống quần lão. Những người xung quanh cố vực mụ dậy, ai cũng sa sầm, vài người đến bên cạnh lão, canh để chuẩn bị lúc nào lão sắp không trụ được còn chạy lại mà đỡ. Nhưng lão vẫn trụ được, hay nói đúng hơn là lão không có cảm giác như mình đang đứng nữa.

Tai hoạ này có thể giáng xuống cuộc đời lão hay sao? Lão tưởng như địa ngục đang trồi lên từ mặt đất và bao vây lấy ngôi nhà của lão, như chỉ cần một phát trượt chân người ta có thể rơi thẳng xuống địa ngục mà không cần phải phạm vào bất kỳ tội lỗi nào. Và những tưởng tượng mà lão đã vẽ nên ngày con bé Thị ra đời dặt dìu tan biến, trả lại cái hiện thực lúc này đang lúng túng và rối ren, trả lại cái xác nằm sấp trong khoảng hồ đục ngầu. Lũ cua đang cố chiếm lấy cái xác của con bé, như chúng muốn biến con bé Thị thành ngôi nhà mới của chúng. Chúng bò khắp thân thể nhỏ nhắn và xinh đẹp. Điều này làm ai đứng đó nhìn thấy cũng kinh tởm nhưng họ không dám nói ra.

Đúng không, lúc ấy lão đã chắc chắn một điều, là do lũ cua bày mưu giết chết con gái lão. Chính chúng đã làm gì đó, chúng đã dắt con bé đến gần bể, đã đẩy con bé xuống và khi con bé muốn ngoi lên giành lại sự sống thì chúng nhấn đầu con bé sâu hơn, sâu hơn nữa. Lũ cua là hiện thân của ác quỷ. Lão đã nhận ra nhưng đến giờ lão luôn giấu kín suy nghĩ ấy cho riêng mình.

Và vẫn giữ cái vẻ ngơ ngác đó, lão đi qua đám tang con lão, đi qua những lời chia buồn và an ủi rằng kiếp sau con bé sẽ được hưởng hạnh phúc nước trời. Lão đi qua những vắng vẻ sau đó, những lời hỏi thăm khắp lượt đổ về từ những người quen biết, những mối làm ăn rải rác ở nơi này nơi nọ. Vợ chồng lão lọ mọ đứng dậy để tiếp khách đến thăm viếng, lọ mọ giữ vững tinh thần để tiếp chuyện người này người kia, bởi vì đám tang là nhiệm vụ của người sống và việc đó không thể thoái thác được cho ai.

Sau cái ngày con lão bị tai nạn mất, trở về nhà, đi ngang một hàng bể nuôi cua - lúc đó không phải ba mà là nhiều lắm, bất chợt lão lấy cây rựa dựng ở sau bếp, xông thẳng vào một trong những cái bể rồi ra sức đập phá, vừa đập lưỡi rựa xuống nước lão vừa gào, vừa hét. Chưa bao giờ người ta thấy lão phát tiết đến thế, và có lẽ do trước giờ lão chưa từng phát ra nên một khi đã phát thì sẽ ghê gớm lắm.

Những con cua nát bươm văng tá lả khắp nơi, những đám bèo trụi lủi và bét nhè, nhưng nước thì lão không giết được, cố gắng giết nước chỉ càng làm người ta thêm bực, và lão càng thêm bực. Rồi trong cơn hăng máu điên cuồng như phải giết một ai đó mới hả, lão nghe loáng thoáng tiếng móng bò giậm trên nền đất cứng, lão nhớ về cái ngày mình đánh xe bò đưa thằng em trai ra bến xe cho nó lên thành phố học. Lão ngật ngưỡng như người say. Lão lại nhận ra một điều mà từ bấy đến nay vẫn không thay đổi, đó chính là việc tạo thành và nuôi dưỡng sự sống trên cuộc đời này là rất gian nan, và sự sống hay cái chết không nằm trong quyết định của lão, vì lão chẳng phải Chúa Trời.

Có một người nào đó mà lão Khải không còn nhớ rõ là người nào, nói rằng có khi do lão đã chặt cây sung phía sau nhà nên con bé Thị mới chết, bởi vì cây cối thường gắn bó với mệnh số của con người, đặc biệt việc chặt những cái cây quá lâu năm thì lại càng phải kiêng kỵ. Lão ngớ người nhận ra hình như là đúng vậy thật, con gái lão từ lúc nhỏ đã rất gắn bó với cái cây ấy, nên biết đâu chừng! Đó là lý do lão bỏ phứt ý định chặt hai cây táo dại và dâu tằm đằng trước nhà, vì lão nghĩ có khi nào, một trong hai cái cây đó đương gắn với mệnh số của lão, nên lão để phứt cho chúng cứ mọc, cứ mọc như vậy, dù đã có nhiều người khuyên là nên chặt bỏ chúng đi. Nhưng lão không có đủ can đảm cho vụ cá cược ấy…

Và đây là tất cả lý do làm cho lão tin mọi chuyện đều là do lũ cua rắp tâm muốn hại lão.

Nhưng rồi lão cũng không cần phải đợi lâu để chứng thực được điều đó…

Một buổi đêm dông gió, nước từ trời đổ xuống tạt rát mặt, lão Khải chạy đến chỗ tấm cao su mà lão đã cuộn vào một thanh xà, tháo dây kéo tấm cao su ra, làm thành một cái mái che tạm thời cho những bể cua. Lão xấn bấn nên không kịp che chắn gì cho chính mình. Tấm phủ kêu phần phật, gió thốc lên làm nó giãy giụa như muốn hất tung lão đi, lão lấy thế ghì nó xuống. Gió lại thổi giật ngược, lão bị nó kéo tới kéo lui, cuối cùng sau một lúc mệt bở người thì lão cũng đã cố định được thứ vật hung hãn ấy. Lúc này, người ngợm lão đã ướt như chuột lột.

“Chà, dông gớm! Khổ chưa, các ngươi thấy ta khổ vì các ngươi thế nào chưa, bọn tín đồ chẳng được cái tích sự gì. Ta hết gan hết ruột đối đãi với các ngươi như thế này đây, Thánh nhân cũng chỉ đến cái mức như ta mà thôi. Ai bảo ta có trách nhiệm với sự sống của các ngươi làm gì, trở thành Chúa của các ngươi làm gì, thế mà các ngươi có bao giờ biết yêu thương ta, chỉ trơ trơ hai con mắt lồi đứng ngó như thế, ra vẻ chuyện chẳng liên quan đến mình. Đừng giấu ta, ta thừa biết các ngươi không vô dụng như các ngươi đang cố thể hiện, ta thừa biết đấy nhưng bởi vì ta là Chúa nên ta phải bao dung và bởi vì các ngươi là con chiên của ta nên các ngươi được quyền hân hưởng sự bảo vệ. Nhưng ta nói cho các ngươi nghe, cứ thế đi rồi đến một ngày ta sẽ vạch trần sự thông minh, xảo trá, sự gian manh, mưu mô của các ngươi. Một lão già như ta mà có thể để thua màn kịch của các ngươi hay sao?”

“Còn mày nữa, con chó ngu độn chẳng giúp ích được gì, người học trò ngoài trung thành ra thì chẳng còn thứ gì có thể tin cậy được nữa. Giá có thể đổi một phần sự trung thành của ngươi thành trí khôn để ngươi có thể giúp đỡ ta vào những lúc như thế này thì tốt biết mấy. Con Xăm, ngươi đừng có câng cẩng lên làm ra vẻ bản thân đang lo lắng cho ta như thế, cái lòng nhiệt thành nhưng vô dụng đó của ngươi chẳng giúp ích được gì cả. Sự ngu độn của ngươi làm cho ta bất lực biết mấy.”

Trong lúc kéo bạt che và khi đã làm xong, lão cứ lải nhải những lời như vậy. Giọng nói của lão bị mưa và gió thổi bạt đi, chính lão còn chẳng nghe ra những gì mình nói, lão chỉ nói để nói thế thôi, ngoài ra lão cũng chẳng mong người khác nghe và hiểu. Lão Khải đã đi đến cái mức tự nói chuyện một mình trong vô thức mà chính lão cũng không thấy có vấn đề gì, bởi vì thói quen ấy xem ra cũng chẳng ảnh hưởng đến ai ngoài chính lão.

Sau khi đã giải quyết xong bể cua, lão Khải đi vào nhà thay đồ tắm rửa, dọn dẹp qua quýt một chút và chui ngay vào chăn. Bão lớn quá! Tiếng mái tôn kêu lên bất an và gió thổi nát những tán cây sừng sững kết thành những dải bóng đen kéo dài hết hút tầm mắt. Từ trong tấm chăn, lão đưa tay kéo rèm cửa, gió tạt làm lớp kính rung lên, mưa xối xuống vẽ lên mặt kính những đường vằn vện và ở đằng xa những tia sấm chốc chốc lại nhấp nháy sáng rực. Lão quan sát dải bể cua để chắc chắn mình không quên bất cứ thứ gì. Sau khi đã yên tâm, lão càng rút người vào sâu hơn trong chăn, ít ra thì thời tiết này có thể đưa lão vào một giấc ngủ thoải mái hơn bình thường.

Nhưng đột nhiên, trong chuỗi âm thanh loạn xạ của mưa, của gió và của ngôi nhà, lão nghe thấy tiếng động ở bên ngoài, có thể là phát ra từ trong bếp. Không phải tiếng bước chân, đó là tiếng của đồ vật, một cái cửa vào đó kêu cót két, một cái ghế nào đó bị kéo lê trên sàn như ai đang dời nó đi nơi khác, tiếng bát đũa va vào nhau lanh canh. Giống như dưới bếp đang có người lục đồ ăn. Nhưng ai có thể lục đồ ăn trong nhà này, ngoài lão? Nhưng lão đang nằm ở đây rồi. Lão Khải nhớ lại xem mình đã khoá cửa kỹ lưỡng để ngăn không cho con Xăm lẻn vào ban đêm hay chưa, lão nhớ rõ mình đã khoá hết cả rồi. Con Xăm thì quá lớn để chui lọt qua những ngách để hở của ngôi nhà và không đời nào nó leo được vào bên trong bằng đường cửa sổ. Không thể là con Xăm. Vậy thì ai? Ăn trộm?

Lão Khải với tay lấy cái chân bàn gãy mà lão luôn đặt ở đầu giường để tự vệ khi cần. Lão chậm rãi đi xuống bếp.

Nhưng dưới bếp chẳng có ai. Lão bật đèn lên và chỉ thấy những thứ muôn khi lão đã thấy, căn bếp trống trải, ít đồ dùng và dường như thiếu thốn sự sống. Lấy làm nhẹ nhõm, chắc là chuột! Lão kiểm tra một lượt các tủ chạn để chắc chắn rồi quay trở về giường.

Và trong cái đêm dông bão đó, lão Khải mơ thấy mình bị siết cổ. Cái con người đã siết cổ lão là ai? Lão đang bước ra vườn thì một thân người tầm tầm lão nhào đến, ghì lấy người lão và siết cổ lão bằng một miếng giẻ nhàu. Theo phản xạ, lão nắm lấy miếng dẻ trên cổ mình, sống chết giật nó ra. Mảnh vải siết điếng vào cổ lão, như thể không phải lão sắp bị siết cổ chết mà là sẽ chết vì bị khứa cổ bằng một mảnh vải mỏng. Hai bên giằng co qua lại, lão trợn mắt, há mồm, và chẳng biết bằng cách nào lão lại có thể quay đầu nhìn ra sau, đối mặt với địch thủ của mình. Và người đang siết cổ lão, cái kẻ vô nhân tính ấy cũng đang trợn mắt nhìn lão, kẻ có cái đầu giống lão, cái mặt giống lão, biểu cảm giống lão và sức lực cũng tương đương lão. Thì chính lão chứ ai! Chính lão là cái người đang muốn giết lão, nhưng lão đã đứng đây rồi thì sao người đứng đó lại cũng là lão được.

Lão Khải giật mình choàng tỉnh.

Trời, đã bao lâu rồi lão mới rơi vào một cơn mơ quái ác và quái đản đến thế, mà cũng lại chân thật đến thế. Lão ngỡ như mình vừa chết đi và sống lại tức thì. Giấc mê vừa rồi chân thật đến mức làm lão vã mồ hôi hột, dù đêm mưa vần vũ khiến căn buồng của lão mát rợn da thịt chứ có phải nóng bức gì. Giấc mê thật đến mức bây giờ lão vẫn còn thấy nhoi nhói ở cổ, thấy rát buốt ở cổ như vừa có thứ gì kề vào đó thật. Nhưng đúng là có thứ gì vừa kề vào đó thật. Một giọt máu nhỏ xuống tấm chăn, lão nhìn xuống, ban đầu còn không hiểu cho đến khi lão sờ vào cổ mình, tay lão toàn máu là máu. Lão hoảng hồn, tung chăn bật dậy. Ở giữa cổ lão, một đường miết ngọt xớt không biết từ đâu ra, vết cắt không sâu nhưng chảy máu rất nhiều. Lão cuốn lên như gà nhị nhấn đầu trên thớt.

Rồi, lão nhận ra khi nãy mình đã huơ tay hất cái gì xuống đất, và lúc này, sấm sét gào lên, bầu trời cháy vang và dội ánh sáng vào căn buồng của lão. Lão bật đèn. Một lũ cua nằm trên đất, chúng chật vật tụ lại, dùng cả cơ thể nhỏ bé của chúng để nhấc một con dao lên. Trên lưỡi dao có máu. Lão hoảng hồn. Một đội mấy chục con cua ở trên đất, chúng không thể giấu con dao vào đâu và có lẽ cũng không có ý định muốn giấu. Lão lùi lại. Ra là chúng nó! Lão đã đoán đúng và kinh hoàng vì mình đã đoán đúng, lũ cua này có vấn đề, chúng đang bày mưu để hãm hại lão. Lão không biết chúng làm cách nào để dùng con dao đó khứa cổ lão nhưng lão thừa biết rằng với số lượng đông đảo như thế, miễn là chúng muốn thì chúng sẽ làm được. Con dao mà bọn chúng đang nâng lên là con dao mẻ lão thường dùng để phát cỏ dại, bình thường lão dựng nó ở gần chỗ máy bơm. Nói dại, lỡ mà khi nãy lão không choàng tỉnh bằng một cơ chế tự vệ có sẵn trong cơ thể, thì chắc là lão đã chết dưới tay chúng rồi. Lũ độc ác! Vô nhân tính! Máu lạnh! Tụi bây không chỉ nhẫn tâm ăn thịt đồng loại của tụi bây, mà tụi bây còn muốn giết Chúa của tụi bây! Tụi bây có nghĩ nếu ta chết đi thì tụi bây sẽ ra sao không, tụi bây sẽ sống thế nào mà không có ta?

Lão vội vàng cầm cái chân bàn gãy lên, phát một cái khiến con dao văng vào vách. Nỗi sợ khiến lão lú lẫn đi, tay chân run rẩy và đầu óc choáng váng. Lão nhìn tụi cua, con thì ngửa bụng lên trời, con thì vội trốn đi. Bây giờ, trông chúng mới vô hại làm sao!

Đột nhiên, một con cua ló người ra từ trong tấm chăn trên giường: “Thất bại rồi, nhưng lần sau sẽ thành công!”

Giọng nói ngọng nghịu khó nghe nhưng nhờ cách nhả chữ chậm rãi mà lão vẫn có thể hiểu. Lão nhìn con cua, và chưa bao giờ lão đặt nhiều câu hỏi với chính mình như thế. Con cua đang đứng trên giường lão, to hơn bình thường, to như một con cua biển, hai bên càng không cân xứng đến mức như bị dị tật.

“Ngươi!” Lão trỏ ngón tay vào nó, “Ngươi chính là kẻ bày đầu chuyện này! Ngươi chính là đứa mà ta đã ban cho ân tứ tiếng lạ. Bây giờ ngươi đã có thể nói tiếng người. Ra vậy! Nhờ ta mà ngươi có được khả năng giao tiếp bằng những thứ tiếng mà lẽ ra ngươi không có khả năng. Cũng chính ngươi muốn giết ta.” Bởi vì chỉ có con vật này, chỉ có nó mới có khả năng giao tiếp với lão.

Con còn lại có khả năng hiểu những lời lão nói cuối cùng cũng xuất hiện. Lão quắt mắt nhìn nó.

Ân tứ tiếng lạ. Lão đã ban phát cho chúng khả năng này để tụi nó có thể trò chuyện được với lão. Và đúng không bởi vì thế mà tụi nó mới đứng ra làm người đại diện thách thức lão, như một người phàm không biết lượng cái sức lực bé tí của mình mà dám thách đấu với cả Thần Linh. Rồi thì sao, những con người phàm vẫn làm được, con người vẫn tìm cách để thống trị, tìm ra cách để chiến thắng và vượt lên trên khả năng của mình. Vậy thì lão đây phải biết kiêng nể lũ cua, vì biết đâu cũng như con người, chúng sẽ ngấm ngầm tìm cách vượt quyền của lão. Nhưng có không một ngày con người vượt quyền của Thượng Đế, con người đã vượt lên chính giống loài của mình, đã làm được những điều mà các giống loài khác đã làm và hơn thế: làm được những điều mà các giống loài khác không làm được. Nhưng những con cua này thì phải khác chứ, nói cho cùng chúng cũng chỉ là cua, đến việc đi thẳng còn không thể, lão sợ gì!

“Tại sao tụi bây lại muốn giết ta?” Lão hét lên.

Con cua vừa xuất hiện dường như đang thuật lại những ý lão nói, hai con vật đang phối hợp nhịp nhàng để giao tiếp với người đang đứng đối diện chúng.

“Người đã ban cho chúng con ngôn ngữ. Đó là thứ quyết định, có ngôn ngữ là có trí tuệ, là có mọi thứ.”

Có thể bởi vì chỉ là những con cua, tuy nói được tiếng người nhưng không thể thay đổi một sự thật chúng chỉ là những con cua, nên những gì chúng nói cứ lộn xộn, những chữ cái cứng nhắc và tịt ý, lão Khải nghe mà chẳng hiểu gì sất.

Lão vung khúc gỗ trong tay lên, nhưng món đồ tự vệ chỉ đập trúng mặt giường trống trơn, hai con cua đã chui ngay vào chăn. Lão lật tung tấm chăn, kéo nó xuống sàn, song bọn chúng đã lẻn đi đâu mất. Lão ôm lấy đầu, nhìn con dao nằm kềnh trong góc với phần lưỡi dính máu, một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Lão hét lên, tranh tiếng với cơn mưa bên ngoài. Cái ngày lão nhìn thấy xác của thằng Huyền nằm bầm dập dưới đất, cái ngày lão thấy xác con Thị lềnh bềnh trong bể cua, cái ngày lão nghe tin vợ mình chết trong nhà thương điên, giống như tất cả tiếng hét từ trước đến giờ đã gom lại và phát tiết ra cùng một lần, cùng một lúc.

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận