• Bạn phải đăng nhập để sử dụng bookmark
Tùy chỉnh

Toàn tập

II.

0 Bình luận - Độ dài: 4,098 từ - Cập nhật:

II.

Dạo rày lão Khải có cảm giác tình hình những con cua mình nuôi trong bể cứ kỳ quặc thế nào. Ban đầu chỉ là vài con bị xổng ra khỏi bể, bằng cách nào đó chúng đã bò lên được thành xi măng và ra khỏi cái nơi mà lẽ thường chúng sẽ không ra như vậy. Có khi chúng nằm dưới đất cạnh thành xi măng, hai cái càng và sáu cái ngoe chổng ngược lên trời, ngọ nguậy tứ tung, lão phải nhặt chúng lên và thả ngược vào lại. Nhưng càng ngày có những con càng đi được xa hơn, xa hơn nữa. Như có một điều gì đã biến những con cua ấy trở thành loài vật táo tợn hơn cái vẻ lặng lẽ nép mình từ trước đến nay của chúng. Thế mà lão lại không xem đó là sự lạ, bởi vì không mấy khi xảy ra chuyện như vậy, và đâu phải lúc nào lũ cua cũng ngoan ngoãn ở một chỗ. Có khi lứa này lão nuôi có một điểm gì đó khác với những lứa trước, về tính tình và tính cách.

Có lẽ vì đã sống bao nhiêu năm trong cô đơn lặng lẽ, đã lủi thủi một mình suốt cả một quãng thời gian đời người quá dài mà gần đây lão Khải bắt đầu mắc phải tật thích lải nhải một mình. Có khi đang xả nước bẩn cho ba cái bể thì lão đột ngột nhận ra nãy giờ mình đã vô thức rì rầm rì rầm trong miệng.

“Đấy, ta xả chỗ này đi cho tụi bây rồi sẽ thay nước khác trong hơn. Rõ khổ, sao dạo này nước mau đục thế chứ? Chắc ta phải bỏ hẳn thức cá tạp để chuyển qua nuôi toàn bộ bằng trùn quế cho đỡ phiền phức? Nhưng trùn quế lại có cái cực riêng chứ đâu phải khoẻ hẳn.”

“Chúng bây thật lạ, cứ bơm nước là lại tụ tập hết vào một chỗ. Rồi lại cắn nhau. Đấy, lại có xích mích gì kia! Sao chúng bây lại dễ dàng cắn xé và ăn thịt đồng loại của mình như vậy? Ta có cảm giác như mình đang nuôi một lũ máu lạnh và tàn nhẫn. Nếu loài nào cũng như tụi bây thì hẳn là cuộc đời chẳng còn ra thể thống gì nữa, vì cái gì tụi bây cũng có thể ăn và có khi còn ăn người bên cạnh mình, gia đình mình. Đó mới là thứ đáng sợ nhất của một giống loài dám ăn thịt đồng loại, một ngày nào đó chúng sẽ ăn thịt cái người đã đẻ ra mình.”

“Nhưng ta kết tội chúng bây để làm gì, chúng bây làm sao hiểu được những điều đó. Tạo hoá sinh ra thế nào thì đó là định mệnh của giống loài chúng bây, chúng bây không làm trái và không đủ khả năng để làm trái những thứ đã được sắp đặt. Giống như bây giờ, chỉ cần ta không cho chúng bây ăn nữa, chúng bây tự khắc sẽ nhào đến ăn thịt lẫn nhau và cuối cùng là chết sạch. Ta nắm giữ sinh mạng của chúng bây, là Chúa Trời của chúng bây.”

Cứ như vậy, lão lèm bèm như đọc Kinh cho đến khi đột ngột sững người lại, nhận ra từ nãy đến giờ mình đã nói ra miệng hết những suy nghĩ miên man nhảm nhí trong đầu. Rồi lão tẽn tò xấu hổ vì điều đó, biết đâu lão đã bắt đầu trở nên lẩn thẩn, đã không kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình. Cũng may là ở đây chỉ có con Xăm nghe được lão nói chuyện, chứ nếu còn người khác, ôi thôi, người ta sẽ cười đến mức làm cho lão thấy bẽ mặt hay tệ hơn là cho rằng lão đã hoá điên hoá rồ.

Lão tự trấn an mình rằng chỉ tại đôi lúc lão lơ mơ chìm vào suy nghĩ quá nên mới thế. Và cái không gian sống của lão, cái khu đất quá rộng nhưng vắng vẻ, chẳng có tiếng người này, thì lại quá hiu quạnh, nên lão cần phải nói để ít ra vẫn còn có cái gì làm lão tỉnh táo hơn. Lão nghĩ khi ai ở một mình quá lâu thì cũng sẽ như thế cả, mà cái việc lẩm nhẩm tự nói chuyện đâu phải là điều gì đáng xấu hổ đến vậy. Đúng rồi, hẳn đây cũng là sự thường mà thôi.

Song càng lúc mọi thứ càng không đơn giản như lão nghĩ, việc nói chuyện một mình của lão bắt đầu nghiêm trọng hơn, không chỉ về vấn đề tần suất của việc ấy cao hơn, mà còn bởi vì những điều lão nghĩ và nói ra ngày một trở nên kỳ lạ hơn. Lão Khải càng lúc càng chìm sâu vào những suy nghĩ đâu đâu, những suy nghĩ mà ai nghe cũng sẽ cho rằng chúng kỳ lạ, quái dị và có vấn đề.

Lão bắt đầu tự xưng mình là Chúa, con Xăm là một người học trò của lão và những con cua nuôi trong ba cái bể bạt lớn là cộng đoàn con chiên hùng mạnh của lão. Ban đầu, lão còn thấy ngượng nghịu, chẳng hiểu sao mình lại tràn đầy hứng khởi và tin vào thứ suy nghĩ quái gở ấy. Nhưng dần dà lão trở nên dạn dĩ hơn, lão tuyên bố dõng dạc hơn, mà người ta một khi đã tự thuyết phục được mình về một chuyện thì sẽ không kể gì đến những điểm phi lý của chuyện đó nữa. Lão nhận ra chính lão đây rõ ràng đang xây dựng một Vườn Địa Đàng cho lũ cua, vậy thì chúng nó phải xem lão như Chúa Trời mới là hợp nhẽ.

Những lần cùng vợ đi nghe giáo lý, lão chỉ quan tâm đến thái độ của cộng đoàn đối với linh mục và đối với những lời Chúa truyền đạt được dẫn lại qua lời của vị linh mục ấy. Ôi chao, không ngờ biết bao nhiêu con người như vậy lại hết mực trung thành và tin cẩn với một điều duy nhất. Và lão thoáng có những suy nghĩ hàm hồ kỳ quặc rằng nếu mình cũng có khả năng nắm giữ một điều gì đó thì thật hay biết bao. Nhưng khác với Đức Chúa của Tình Yêu, lão khao khát một thứ quyền lực tuyệt đối, có thể chi phối được sự sống và cái chết.

Công việc chăn nuôi giúp cho lão thoả mãn được thứ mong muốn táo tợn đó. Chẳng phải là như thế hay sao? Khi mình có quyền nuôi một con vật thì mình đã nắm trong tay toàn quyền quyết định về sinh mệnh và cuộc đời của con vật ấy, mình bảo nó sống là sống và bảo nó chết là chết, mình có toàn bộ tự do và vô hạn những quyền lực. Lão bám chặt vào cái suy nghĩ này và cũng bởi vì lão chỉ sống một mình, không có ai nhận ra để ngăn lão đừng suy nghĩ như thế nữa, nên càng ngày lão càng chìm vào một cơn mê cùng với thứ ảo tưởng mình đã có.

Con Xăm thì không có gì để bàn cãi, nó là giống vật cả đời tuyệt đối trung thành và chẳng khi nào dám có mưu tính làm trái ý chủ. Ngay cả nếu có trường hợp lão bỏ rơi con chó thì nó cũng sẽ không oán trách lão, ngược lại lão càng không lo về việc con chó sẽ bỏ rơi mình. Nhưng lũ cua thì khó dò hơn, bởi vì thái độ chẳng quan tâm một cách hiển nhiên ở chúng, mải miết sống cuộc đời đầy bản năng và vô lý trí của chúng. Vậy mới kỳ, cùng là loài vật mà có con khôn con dại. Đôi khi lão quát mắng, chỉ vào mặt chúng, vậy mà mấy con cua có thèm đoái hoài gì tới đâu, thật ra lão còn không chắc chúng có nghe thấy những gì lão nói hay không nữa.

Trước lũ cua và con Xăm, lão Khải hay trịnh trọng tuyên bố thế này, “Các ngươi phải tôn xưng ta là Chúa, ta là chủ nhân của các ngươi và các ngươi đều phải sống dựa vào ta trong mọi chuyện. Vì thế nên ta là Chúa!”

Đến đây thì lão Khải đã sáng lập ra một tôn giáo mới của riêng mình, một tôn giáo mà điên rồ thay lại mang nhiều cảm giác của sự độc tài và áp chế. Song, đến mức đấy rồi mà lũ cua còn chả thèm quan tâm đến lão. Chúng không quan tâm đến cái chết, hay đáng sợ hơn, có khi chúng còn chả quan tâm đến sự sống của bản thân. Đứng trước lão hay đứng trước bất kỳ một thứ gì khác, lũ cua vẫn cứ như vậy. Con Xăm thì luôn thay đổi biểu cảm soàn soạt, muôn hình vạn trạng từ hí ha hí hửng đến buồn rũ rượi, rồi lại tỏ vẻ hối lỗi khi bị la mắng, hay lúc ốm đau mệt mỏi nó cũng thể hiện ra hết. Thế mà lũ cua thì sao, chúng chả có một cái gì khác ngoài việc bò tới bò lui, ngang ngang dọc dọc. Chúng vui không vui mà buồn cũng không buồn, chỉ có hai con mắt lồi ra lúc nào cũng động đậy láo liên và những cái chân lúng túng cứ hay cuốn cả lên.

Song không vì vậy mà lão Khải cảm thấy nản lòng, lão hiểu rõ đứa con nào cũng là con, tín đồ nào cũng là tín đồ, dù đứa khờ khạo hay đứa thông minh cũng đều cần được đối xử ngang nhau, công bình với tất cả mọi người. Lão vẫn chấp nhận lũ cua là con chiên của mình. Từ đó thứ tôn giáo tự lão sáng lập nên đã ra đời thông qua những giờ phút rỗi rãi chỉ có một mình và hay nghĩ gàn của lão, mỗi ngày một chút, hôm nay nghĩ chỗ này ngày mai nghĩ chỗ kia, sửa chỗ này cho nghe có vẻ hợp lý hơn hay chỉnh chỗ nọ lại cho chặt chẽ, dần dần đắp nên thành một hệ thống vững chắc, mà không vững cũng sẽ vững vì chẳng ai biết đến nó để mà đạp đổ hay chất vấn khiến nó lung lay.

Ba cái bể lớn cộng lại có thể có bao nhiêu con? Lão chưa bao giờ dành thời gian cho việc đếm hết số lượng của chúng, chỉ biết cua nhà lão nuôi thuộc hàng chất lượng, thịt chắt lẳng và con nào cũng đạt kích thước to hết mức có thể. Vì vậy mỗi bể lão nuôi được tầm vài tạ cua. Như thế thì số lượng phải lớn lắm, hùng hậu và đáng gờm lắm. Giả cứ xem cua như người thì thứ tôn giáo mà lão sáng lập đã thừa sức trở thành một tôn giáo có số tín đồ ấn tượng.

Lão đâm ra bị ngáo quyền lực.

***

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly…”

Lần đầu nhìn thấy vợ mình, cũng như bao người khác, lão Khải tập trung vào cánh tay bên trái đã bị cụt mất một nửa phần cẳng tay, loe ngoe như một cái chân cua. Cả khuôn mặt của mụ, dù là thời con gái, cũng không thuộc hàng ưng mắt. Bởi lẽ cũng không thể hy vọng gì vào một người con gái đã lam lũ, đã nhảy vào đời từ những năm còn rất trẻ. Song ít ra thì mụ vẫn có một cái duyên ngầm, mụ có một thứ nhún nhường, lặng lẽ của một con người biết mình thua thiệt hơn người khác, của một người đáng thương.

Ấy thế mà còn mắc thêm một nỗi là mụ lại thuộc người Công giáo, trong một cái xóm mà không có nhà nào theo Công giáo cả. Lẽ ra nhà mụ có thể dời đến xóm đạo ở với các tín hữu, như vậy thì thuận tiện hơn rất nhiều và người ta cũng khuyến khích, nhưng tính đi tính lại, tính tới tính lui, lăn tăn hai ba lượt, gia đình mụ vẫn ở đó. Mà cũng chẳng có vấn đề gì, ngoài việc mụ bình thường đã khó lấy được chồng nay càng khó hơn nữa.

May mắn thay Thiên Chúa của Tình Yêu đã không bỏ rơi mụ, Người đã đem lão Khải đến với cuộc đời mụ và từ đó cuộc đời của một người đàn bà không đẹp mà còn có khiếm khuyết, đã được cứu vớt với một sự biết ơn sâu xa. Lão cũng chấp nhận trở thành một người Công giáo, cũng chịu đi học giáo lý dự tòng, cũng cố gắng thấu hiểu và hăng hái khi trở thành một người của cộng đoàn. Song những điều ấy vẫn chưa bằng việc lão là một người đàn ông hiền lành, sinh ra với một tâm hồn mà khó để tin rằng thật sự trên đời có tồn tại một tâm hồn như vậy. Ở lão Khải, mụ thấy được sự bao dung phi thường, đức hy sinh đến quên mình và lối sống bộc trực, năng nổ, cả trong cuộc đời của mình lẫn trong cuộc đời của người khác.

Càng chung đụng một nhà mụ càng quý lão hơn. Khi biết về chuyện ngày xưa lão đã hy sinh đời mình cho em trai mà chưa từng có một lời kể công hay tị nạnh gì, đã đành biết sống vì người khác là một điều tốt, nhưng ở lão Khải còn có cái gì đó của một thái độ ban phát mà không từ nan. Nhưng cái cho đi ở lão cũng rất lý trí, rất trí tuệ, bằng chứng là chưa từng có ai vinh vào lòng tốt của lão mà ép uổng được lão làm gì ngược lại với ý chí của mình.

Có phải thế không mà mụ đã từng nghĩ trước khi chồng mình vào đạo thì ở tự bản thân lão đã có một cái gì đó rất giống một người Công giáo, có lẽ lão đã sống như một người Công giáo trước cả khi lão thật sự trở thành như vậy.

Chỉ có một điều rằng hai vợ chồng ở với nhau mãi mà mụ chẳng sinh được con. Chúa ơi! Bản thân mụ còn có thể tệ hại đến mức nào nữa. Dẫu biết chồng mình không hối thúc, không làm khó hay ra điều gì về chuyện ấy, nhưng mụ thừa biết lão muốn có một đứa con lắm lắm. Trai hay gái cũng được, lão Khải tha thiết muốn nuôi dưỡng một sự sống. Lão tốt với mụ quá nên thành ra mụ cảm thấy mình khó mà được tha thứ. Chồng không trách nhưng mụ tự trách bản thân. Lão đã làm đến thế rồi, đã cho mụ tất cả những gì mà mụ ngỡ như cả cuộc đời con gái này của mụ sẽ không bao giờ có được, ấy thế mà đến lượt mình, mụ lại bất lực khi chẳng cho lão lại được gì. Điều đó hẳn đã trở thành hòn đá đeo mang trong lòng mụ suốt bao nhiêu năm tháng, đến khi mụ thật sự có thể hoài thai ra con bé Thị, mụ mới thấy mình nhẹ nhõm đi nhiều…

“Anh Khải! Anh có đương nghe chúng tôi nói không?”

Lão Khải giật mình ngẩng phắt đầu dậy. Từ nãy giờ lão đã vô thức rơi vào những suy nghĩ xa xôi mà để tâm trí đi khỏi cái cuộc nói chuyện này.

Trước mặt lão là hai ông bạn hàng, họ đến để xem tình hình của lứa cua lần này. Đã buôn bán với nhau lâu, đã hiểu hết tính nết và hoàn cảnh của nhau, hai ông bạn cũng lấy làm ái ngại cho lão. Họ nhiều lần khuyên giải, bảo lão cứ cải đạo rồi tái hôn phứt đi, chuyện đó chẳng có gì là xấu, chẳng có gì là xấu khi người ta muốn có một ai đó ở bên cạnh để hủ hỉ tâm tình. Và lão liệu có thể cứ sống mãi như vậy được sao, có thể thui thủi một mình mãi được sao, bằng chứng là gần đây lão đã bắt đầu đâm ra gàn dở và hay mông lung.

“Tôi nói anh là lứa cua lần này hình như đã to vượt mức bình thường rồi đấy! Cua đồng mà có thể to đến mức thế, anh Khải làm sao mà hay vậy? Nhưng phải cẩn thận, cho ăn nhiều quá cũng không tốt đâu, chúng mà trương lên thì có mà toi cả lũ.”

“Ừ, hai anh nói phải. Trộm vía, tôi cũng thấy lứa này con nào cũng phát triển kích thước khiếp thật. Chắc là nhờ vớ được giống tốt quá chăng!” Lão gật gù đồng tình.

Ba người nói chuyện thêm một lúc thì khách cắp nón về, lão ra cổng tiễn, khi thấy họ đi khuất thì mới chú ý đến hai bụi dâu tằm và táo dại trước nhà. Lão nhận ra mình đã để mặc chúng ở đó quá lâu rồi, đến mức chúng sắp choáng hết đường đi lối vào và lão phải mở một con đường bên cạnh, thỉnh thoảng đi ngang, lão hay có thói quen sẵn tay hái mấy quả mọng ăn chơi. Nhưng có lẽ con Xăm thì lại khá thích, nó cứ lẩn quẩn quanh gốc cây dâu như một chốn trú thân bình yên của riêng con vật. Lão huýt gọi nó, con vật hớn hở chạy đến quấn lấy ống quần lão, cùng lão đi vào trong.

Lúc đi ngang những bể cua, lão đứng lại nghía một lát. Quả thật là những con cua lần này lão nuôi to hơn bình thường, ban đầu chúng vẫn như những giống cua khác, không có gì kỳ lạ nhưng dạo gần đây lão để ý thấy chúng đã ngày một phát triển, phát triển hơn rất nhiều, không đến mức to bằng cua biển nhưng so với cua đồng thông thường thì đã thuộc dạng rất to rồi. Thức ăn vẫn thế, cách nuôi vẫn thế, lão không áp dụng phương pháp nào mới để trông chờ một kết quả khác mọi khi, và chuyện đến gần đây mới bắt đầu kỳ lạ nên lão không biết sao nữa, chỉ hy vọng đây không phải là một dấu hiệu run rủi nào. Đành rằng chăn nuôi thì cũng có may có rủi, nhưng vì một thứ tính nết và suy nghĩ cố hữu mà lão quyết tâm rằng cái chết của lũ cua phải do lão quyết định, bởi vì lão là một vị thần. Một vị thần thì không thể bị số phận chi phối mà ngược lại phải có khả năng chi phối những số phận khác, thế mới hợp lý.

Lão đi đến gần, lũ cua nghe động liền tập tức rút hết vào sau những đám lá và thân bèo, lúc nào cái lũ này cũng tán loạn lên như thế. Rồi lão chống hông, nghiêm trang và đĩnh đạc nhìn xuống các tín đồ của mình, những con dân nương nhờ vào thứ quyền lực tuyệt đối của mình.

“Hôm nay, ta nghĩ rằng mình nên ban phát ân tứ cho các con chiên của ta. Các ngươi có thể dùng ân tứ mà ta ban tặng để hầu việc Chúa, mỗi người trong các ngươi đều có những ân tứ riêng và nhớ phải luôn trao dồi, phát triển món quà đó, để phụng sự Chúa.”

Lão nhìn một lượt giáp vòng ba bể cua, chúng nhìn lão mấp mé trong đám rễ cáu bẩn với những ánh nhìn dường như là đần độn, chẳng có con nào ý kiến và chẳng có con nào ra điều. Con Xăm vẫn lăn xăn đi theo lão, nó hình như cũng chẳng hiểu gì hết. Lão chỉ có thể tự biên tự diễn một mình. Lão chống tay sau mông và gườm gườm nhìn lũ cua, như cố tình phô bày thứ quyền uy trong tay.

Đột ngột và cố làm cho kịch tính, lão giật người một cái rồi quay phắt đầu lại, đưa ngón tay trỏ vào một con cua, nói dõng dạc, “Ngươi! Ngươi sẽ được ban ân tứ chữa tật bệnh, đây là một ân tứ cao cả và quan trọng, hãy sử dụng nó cho tốt. Đừng phụ lòng ta!”

Con cua lúc này đã vội vàng trốn biệt đi mất. Dưới chân lão, con Xăm quẩy đuôi tíu tít, tưởng đâu chủ nó đang chơi đùa một trò gì vui thú lắm. Con vật trung thành không thể hiểu rằng lão Khải đang thật nghiêm túc và có lẽ trong cuộc đời lão chưa khi nào lão nghiêm túc đến như thế. Bởi với lão, có quyền định đoạt số phận của một ai đó đã thoả mãn được cái sở thích lâu nay của lão là chiếm dụng mọi thứ làm của riêng, nắm trong tay sự sống và chịu trách nhiệm về việc phát triển hay chấm dứt cái sự sống đó.

Như một đứa trẻ đang chơi trò chơi tưởng tượng của mình, lão đứng trước những con chiên lũ lượt tôn thờ lão, phát hồng ân cho từng cá nhân nào mà lão muốn.

“Ngươi sẽ có ân tứ âm nhạc!”

“Ngươi sẽ có ân tứ giảng dạy!”

“Còn ngươi, cơ thể thật to lớn và vững vàng, hãy nhận lấy ân tứ chăm sóc! Đó cũng là một ân tứ tốt đẹp!”

Lão nhìn dáo dác, bắt đầu cảm thấy đuối sức dù cái trò này chẳng phải vận động gì nhiều cả, nhưng có lẽ cái thái độ nghiêm trang, cái trạng thái tập trung căng thẳng và cơ thể phải gồng cứng lên đã khiến cho lão mệt. Lão Khải bắt đầu nghĩ có lẽ ba bể cua là quá nhiều chăng, lão không thể nào bao quát hết được chúng, chỉ đi vài vòng tôi là đủ vất chứ nói gì đến việc xem từng con một.

Nhưng rồi lão chợt nhận thấy có hai con cua đang cố leo lên thành bể ở giữa, có vẻ như chúng đang muốn tìm cách sổ ra. Hai con vật ấy thật to lớn, hơn hẳn những con khác, ấn tượng đó làm cho lão càng thêm hưng phấn tợn. Lão vòng ngược lại, vội chạy đến và nâng cả hai lên, tỉ mỉ xem xét.

“Hai đứa thật kỳ lạ, sao lại to đến mức này!” Chúng to bằng bàn tay của lão, như thế thì đã đạt kích thước của giống cua biển rồi chứ chẳng còn là cua đồng nữa.

Và nhìn xem, hai cái càng của chúng, một bên quá to và một bên quá nhỏ, sự chênh lệch ấy thật mất tự nhiên và hẳn là gây nhiều khó khăn lắm. Lão cảm thấy thương hại và thương yêu, giống như cảm giác lúc lão nhìn thấy một bên tay cụt và một bên tay lành lặn của vợ lão. Thế là lão đã chốt hạ một quyết định quan trọng.

Lão nâng hai con cua lên cao quá đầu, dưới ánh nắng chói chang làm hai cái mai cua lấp lánh những nước, lão hắng giọng rồi tuyên bố một cách trọng thể, “Cả hai người các ngươi! Một đứa sẽ nhận ân tứ nói tiếng lạ và một đứa sẽ nhận ân tứ thông hiểu được tiếng lạ!”

Đoạn, lão hạ chúng xuống ngang tầm mắt mình, hai cặp mắt lồi thậm thụt nhìn lão.

Lão mỉm cười, khuôn mặt đắc ý, “Hai ngươi bây giờ đã nhận được loại ân tứ mà ta xem là quan trọng nhất, các ngươi đã vượt khỏi khả năng giống loài của mình, có thể trò chuyện và hiểu được tiếng nói của các giống loài khác, mà quan trọng hơn là còn có thể hiểu cả những lời ta đang nói nữa. Hai ngươi đã nhận được ân tứ tiếng lạ!”

Bình luận (0)
Báo cáo bình luận không phù hợp ở đây

0 Bình luận