Tập 1 - Kem đá 氷菓 - You can't escape / The niece of time.
Chương 5 - Ẩn tích trong kỉ yếu của CLB Cổ Điển.
2 Bình luận - Độ dài: 9,368 từ - Cập nhật:
CHƯƠNG 5 : ẨN TÍCH TRONG KỈ YẾU CỦA CLB CỔ ĐIỂN
“Thánh địa của hoạt động ngoại khoá” trường Kamiyama, như đã nói, vẫn có những chương trình đào tạo cho kì thi đại học nhưng chưa bao giờ thực sự cố gắng cải thiện thành tích học tập của học sinh cả. Những ai thực sự muốn vào đại học sẽ tham gia đủ một (hoặc hai, nếu hên) kì thi thử và trường cũng không mở lớp bồi dưỡng trong các kì nghỉ dài ngày. Tóm lại đúng như biệt danh của nó, trường Kamiyama chẳng khác nào một tên học trò lười biếng.
Nhưng dĩ nhiên phải giống như bao ngôi trường bình thường khác, Kamiyama có những đợt thi và kiểm tra định kì – thiên địch của “cuộc sống màu hồng thời học sinh”. Một trong những lí do là tất cả hoạt động CLB bao gồm CLB Cổ Điển đều bị ngừng lại, mặc dù chúng tôi cũng chẳng có gì đang làm để phải tiếc.
Hôm nay là ngày thi cuối. Tôi nằm trên giường mà ngước nhìn trần nhà. Như mọi khi cái trần sơn màu trắng ấy chẳng có gì đặc biệt, ít nhất là không đặc biệt bằng kết quả thi của các thành viên trong CLB Cổ Điển.
Đầu tiên là Fukube Satoshi. Tuy hắn đúng là một cơ sở đồ sộ với nhiều dữ liệu từ vô dụng đến hơi hữu ích nhưng hắn lại tỏ ra không hứng thú lắm với việc học ở trường. Kết quả giữa kì của Satoshi là cực kì tệ hại nên tôi cũng chả mong hắn làm nên trò trống gì trong đợt ngày. Để biện hộ cho kết quả lần trước hắn đã nói thế này : “Đó là vì tớ đang bận nghiên cứu vì sao người Nhật ngày nay không còn viết Hán tự theo lối liền nét [1] nữa.”
Nếu Satoshi nghĩ điều gì là quan trọng thì nó chắc chắn là quan trọng với hắn. Không muốn xem thường gì nhưng đi trên một chặng đường dài như học tập mà suy nghĩ như thế thì ngốc nghếch thật. Cơ mà hắn có thèm quan tâm mình ngốc hay không đâu? Hắn là loại sẽ coi lời cằn nhằn “Mày sống buông thả quá!” là một lời khen đầy ngưỡng mộ. Kết luận : một thằng ngốc không đụng hàng.
Dù đang là thành viên của CLB Nghiên Cứu Manga, Ibara Mayaka đã tham gia CLB Cổ Điển để tiếp tục sự nghiệp cưa đổ Satoshi. Nhỏ chắc chắn thuộc loại chăm chỉ, và nhờ cái tính miệt mài “vạch lá tìm lỗi sai” của mình nên điểm nhỏ cũng vừa đủ ngoi lên tốp nửa trên. Thành thực mà nói thì có lẽ quỹ thời gian Ibara bỏ ra cho học hành dường như chưa tương xứng với kết quả của nhỏ. Ibara là người theo Chủ nghĩa hoàn mỹ. Nhỏ bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo đến mức lúc nào cũng trăn trở để tìm lời giải tốt nhất cho toàn bộ câu hỏi – nhưng thường thì không thành công lắm. Phải chăng vì thế mà nhỏ sinh ra cái tính hay gắt gỏng?
Kế đến là Chitanda Eru, người đứng đầu cả nhóm với số điểm tuyệt vời của mình – hạng sáu toàn khối. Và cũng như hồi giữa kì nhỏ không tỏ ra thoả mãn với kết quả của mình lắm. Nhỏ từng nói với tôi nhỏ không muốn chỉ được học một cách phiến diện, nhỏ muốn hiểu toàn thể cơ. Một trong những ví dụ tiêu biểu là vụ ông cậu của nhỏ : ý nghĩa đằng sau những lời nói mà cả nhỏ cũng không nhớ chính là cái “toàn thể” mà nhỏ đang kiếm tìm, và nhỏ sẽ dám làm tất cả để đạt được điều đó.
Cuối cùng là tôi, điểm của tôi trung bình.
Trong số ba trăm năm mươi học sinh toàn khối tôi xếp thứ một trăm bảy mươi lăm. Có thể bạn nghĩ đây là một trò đùa tức cười nhưng quả thật tôi đã nằm đúng boong chính giữa bảng xếp hạng. Nếu tính hay hiếu kì của Chitanda giúp nhỏ đạt điểm cao, lối sống buông thả “giúp” Sasoshi có kết quả tệ hại và Chủ nghĩa hoàn mỹ chỉ làm Ibara ngày càng trở nên khó chịu, thì số điểm lần này là kết quả rất xứng đáng cho những ngày ôn tập không-quá-lười-biếng của tôi. Dường như đã trở thành bản năng, tôi luôn để mình cheo leo ở một khoảng lưng chừng – đủ thấp đối với đỉnh và đủ cao so với đáy. Vậy có lẽ Satoshi đã đúng, có thể cuộc sống của tôi “xám” thật.
Đương nhiên để kết luận một thứ trừu tượng như “màu” cũa cuộc sống cần phải đi từ nhiều khía cạnh cụ thể hơn như hoạt động xã hội, thể thao, sở thích, tình cảm… những thứ không-trừu-tượng trực tiếp tạo nên cuộc sống con người. Một danh nhân từng nói đừng chỉ nhìn một cái cây mà bỏ qua cả khu rừng, một kết quả thuộc về phương diện cảm nhận lại càng không thể được áp đặt cho toàn thể. Từ điển tiếng Nhật đã định nghĩa đầy văn vẻ “thời học sinh” như một đoá hồng, nhưng thử trồng trên sa mạc xem nó có nở hoa nổi không?
Thế thì cứ xem như tôi là loại đất không phú hợp để trồng hoa đi, cho nó “văn vẻ”.
Nắp khe bỏ thư vang lên tiếng lách cách dưới nhà. Nếu không phải do người phá thì một bức thư đã vừa được gửi đến…
Tôi ngẩn người. Bao thư có sọc ba màu đỏ, xanh và trắng chỉ có thể là gửi từ nước ngoài. Tên người nhận là tôi, vậy tác giả bức thư chắc chắn không ai khác ngoài Oreki Tomoe. Để xem gửi từ đâu nào… Istanbul à?
Tôi liền mở phong bì và thấy khá nhiều lá thư nhỏ bên trong, một trong số đó là dành cho tôi.
Chào em, Houtarou.
Chị đang ở Istanbul[2]. Một vài rắc rối cỏn con vừa xảy ra và hiện tại chị phải trú nhờ trong đại sứ quán Nhật, thế nên chưa được tham quan thành phố tẹo nào cả.
Tuy vậy chỉ với vài cú liếc mắt chị đã thấy thành phố này rất đỉnh. Nếu có cỗ máy thời gian để được trở về thời Istanbul còn bị giam cầm trong một cánh cổng, chắc chị sẽ đóng chặt nó mà giữ hết những cảnh quan tuyệt đẹp này cho riêng mình quá.
Hiện tại thì chuyến du ngoạn thế giới của chị vẫn thú vị như ngày đầu tiên chị rời Nhật Bản. Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu.
Thế CLB Cổ Điển ra sao rồi? Thêm được bé nào không?
Nếu vẫn chỉ có mình em thì cũng đừng có buồn. Sự cô độc sẽ làm một người đàn ông trở nên mạnh mẽ. Còn nếu có thêm người thì quá ổn! Em của chị sẽ có cơ hội giao thiệp rộng rãi hơn.
Thôi vào vấn đề chính, có một thứ chị đang quan tâm đây.
Em (hay các em) đã bắt tay làm tập san văn học chưa? CLB Cổ Điển năm nào cũng xuất bản một tập nên chị không muốn em (hay các em) dừng truyền thống này lại đâu đó.
Còn nếu đã nghĩ tới việc làm tập san thì chị cá là chưa có chủ đề để viết và phải tìm các ấn bản cũ phải không? Khỏi mò mẫm trong thư viện, không có đâu.
Những tập san của CLB đều được đặt trong cái hộp sơ cứu cũ kĩ trong phòng họp ấy. Ổ khoá hư luôn rồi nên khỏi lo cần chìa.
Đến Pristina chị sẽ gọi điện.
Yêu cục cưng của chị
Oreki Tomoe
*****
Trú trong lãnh sự quán, lần này là chuyện gì nữa đây hả bà chị yêu dấu? Chi tiết chắc là nằm trong đống thư còn lại nhưng tôi chẳng việc gì phải làm bộ lo lắng cho bả. Pristina… nghe quen quen nhỉ? Đã là nơi Oreki Tomoe thèm đặt chân đến thì không là tàn tích thì cũng phải thắng cảnh.
Điều làm tôi quan tâm – đúng hơn là ngạc nhiên – là bà chị yêu dấu này hiểu rõ hoạt động của chúng tôi ác liệt thật, và ai ngờ mấy tiền bối ở CLB Cổ Điển đã chủ động tạo điều kiện cho đàn em tiếp nối truyền thống như thế? Thật là đỡ tốn công. Chitanda mà nghe tin này chắc là mừng lắm. Cám ơn bà chị yêu dấu nhiều.
Nếu xem kết quả là mục đích thì để đạt được mục đích chúng ta chỉ cần nhắm đến việc tạo ra kết quả.
Vậy là lại một lần nữa Oreki Tomoe thành công trong việc thò một chân vào cuộc sống của tôi.
Đành vậy, tôi bỏ lá thư vào túi áo đồng phục.
Vừa hết giờ học ngày hôm sau tôi lên thẳng phòng Địa Chất. Ngày sau-kì-thi đầu tiên thật đẹp trời nên dường như mọi CLB đều hoạt động sôi nổi hẳn lên. Tiếng hô hào, tiếng đập bóng xen lẫn vô số giai điệu đến từ CLB Trống Kèn, CLB Nhạc nhẹ, CLB nhạc Dân Gian vân vân và vân vân. Mặc dù người ta thường thấy các CLB Thể thao hoạt động hơn nhưng linh hồn của lễ hội văn hoá lại là ở các CLB Văn hoá nghệ thuật, vậy nên vào thời gian này không lạ gì khi hầu hết các phòng học ở khu Chuyên Dụng đều chật kín người và ồn ào.
Chitanda và Ibara đã ngồi sẵn trong phòng. Chỉ qua vụ quyển sách trong thư viện mà hai nhỏ đã thân nhau trông thấy. Mùa hè đã đến và nữ sinh bắt đầu khoác lên mình những bộ đồng phục thoáng mát hơn, tôi có thể thấy đôi tay bé tẹo ngăm nâu của Ibara tương phản với lan da trắng nõn của Chitanda. Hình như hai cô nàng đang bàn bạc chuyện gì đó, tôi bèn ghé đầu vào khe hở nhỏ xíu để nghe ngóng chuyện bên trong.
“…Nói cách khác, cần phải có một chủ đề chung cho những bài viết.”
“Nhưng ai có thể giúp bọn mình đây?”
“Đừng lo lắng quá, để tớ nhờ bạn bên CLB Manga xem.”
“Nhờ được à?”
Ra là bàn chuyện tập san, vậy thì chúc may mắn nhé.
Bỗng nhiên Chitanda bụm tay vào mặt, chuyện gì mới xảy ra vậy?
“…Ách xì!”
Lo lắng thừa rồi, nhỏ vừa hắt hơi một cách rất truyền thống.
“…Ách xì! Ách xì!”
“Sao vậy, cậu bị cảm à?”
“…A, cũng đỡ nhiều rồi. Thật là kì nhưng tớ hay bị cảm hè.”
Kinh nghiệm bị cảm hè đủ cho tôi biết cảm giác đó khó chịu như thế nào, mà quả là giọng nhỏ có hơi khàn khàn.
“Chào Chitanda, Ibara.”
“A, Oreki-san. Xin chào.”
“Thấy CLB Manga đang bàn luận sôi nổi lắm, ở đây có sao không thế Ibara?”
“Đã phân ca hết rồi. Sao nào, có vấn đề gì khi tôi ở đây à?”
Lại gây sự. Thôi kệ.
Tôi quyết định lờ nhỏ mà đi thẳng vào vấn đề chính – lá thư của bà chị,
“Chị tớ là cựu thành viên CLB Cổ Điển, vừa rồi chị ấy có gửi thư chỉ tớ nơi cất mấy cuốn tập san cũ.”
Chitanda vẫn ngơ mặt ra, nhỏ chậm hiểu quá.
“Có nghĩa là tớ biết mấy cuốn tập san đó ở đâu rồi.”
Nhỏ mím môi như đang kiếm từ ở đó,
“Thật …”
Và hai mắt nhỏ sáng rực lên,
“Thật thế sao?”
“Dĩ nhiên là thật, tớ gạt cậu thì được gì?”
Rốt cuộc nhỏ cũng hiểu. Cặp môi mỏng manh của Chitanda bừng lên một nụ cười thật tươi, rất rất tươi mới đúng. Đây là lần đầu tiên tôi thấy tiểu thư nhà Chitanda cười toe toét đến thế - điều mà cơ mặt của tôi chắc chắn làm không nổi. Chitanda từng tâm sự với tôi ở “Pineapple Sandwich” với Chitanda bây gờ cứ như là hai người khác nhau vậy.
“Vậy là, đã có tập san rồi…”
Chitanda hạ giọng xuống, và thực sự nhỏ thì thầm rất dở.
“…Hi hi, tập san ơi… tập san à…”
Đấy, đừng trông mặt mà bắt hình dong nhé các bạn.
Tôi quay sang Ibara, nhỏ đang ca mày và bắt đầu hỏi : “Tôi không hiểu, sao khi không chị ông lại gửi thư để nói về chuyện tập san của chúng ta?”
Hỏi hay. Không người nào có đầu óc lại nghĩ đến chuyện tìm kiếm thông tin về đồ thất lạc liên quan tới lễ hội văn hoá trong một lá thư từ Istanbul cả. Nhưng đây đúng là thư của bà chị yêu dấu, và cũng cần lưu ý một chút : không một ai biết cái gì Oreki Tomoe xem là quan trọng.
“Sự thật là lá thư đang có ở đây, đọc đi rồi cậu sẽ biết tôi có giỡn hay không?”
Tôi mở thư và đặt lên bàn cho Ibara và Chitanda cùng xem. Hai nhỏ đọc từng dòng thư cả một lúc mà không nói câu nào, cuối cùng Chitanda cũng quay lên nhìn tôi.
“Chị cậu có thích đi Thổ Nhĩ Kỳ không?”
“Cả thế giới đang là mục tiêu của bả.”
“Oreki-san có một người chị thật tuyệt nhỉ?”
Ôi giời! Đọc nhanh xuống dưới một chút đi.
“ ‘Dám cá là mười năm sau nhìn lại chị sẽ không chút nuối tiếc gì với quyết định này đâu’. A, thật là một lời nói đầy quyết đoán.”
Đồng ý là bả rất quyết đoán, nhưng đọc xuống cái đoạn phía dưới nữa kìa!
Lia mắt vào đoạn chữ tôi mong muốn, hai cô nàng cùng đồng thanh:
“Hộp sơ cứu?”
“Hộp sơ cứu à?”
Ibara nhìn quanh phóng một lượt rồi khoanh tay lại.
“Hừm… tôi chẳng thấy cái hộp sơ cứu nào ở đây cả.”
“Đúng là vậy.”
Không khó để lộ ra điều đó, và không khó để thấy chitanda bắt đầu xanh mặt.
“Ể!? V… vậy thì… vậy mấy cuốn tập san…”
“Chi-chan à bình tĩnh nào! Bình tĩnh một chút.”
Tôi công nhận “Chi-chan” là một biệt danh dể thương. Vậy ra cái mồm độc địa của Ibara không phải là dành cho tất-cả-mọi-người-trừ-Satoshi nhỉ, đúng là chả ai lại nỡ tỏ ra thô lỗ trước Chitanda cả.
Tôi vẫy lá thư trước mặt Chitanda vừa chấp nhận ngồi lại vào ghế,
“Chitanda này, trong thư nói là ‘cái hộp sơ cứu cũ kĩ trong phòng họp’. Chị tớ đã ra trường hai năm rồi nên rất có thể ‘phòng họp’ CLB Cổ Điển đã bị đổi đúng không?”
“Ơ… đúng là vậy.”
“Thế ông có biết phòng họp của CLB hai năm trước là ở đâu không Oreki?”
Để tránh lãng phí năng lượng tôi đã đi hỏi thầy phụ trách.
“Vừa hỏi thầy xong, đó là phòng thí nghiệm Sinh Học.”
“Chuẩn bị kĩ càng quá ha.”
“Dĩ nhiên, cho nó hiệu quá.”
“Bắt đầu biết hoạt động hơn rồi sao?”
Đây là tôi hào phóng giúp cho, lâu lâu hoạt động một lần thôi.
“Phóng thí nghiệm Sinh Học ở ngay dưới chúng ta một lầu, vậy tụi mình đi xuống đó chứ?” Nói xong Chitanda đi thẳng ra cửa cái một.
Có một người luôn rất là hoạt động, đừng hỏi là ai đấy.
Đúng như Chitanda nói phòng thí nghiệm Sinh Học nằm ngay dưới phòng Địa Chất, tức là cùng ở vị trí sát góc của khu Chuyên Dụng và cũng tức là bị biệt lập chẳng kém gì phòng ở trên. Nãy tôi có nói khu Chuyên Dụng giờ này chật kín người là hơi sai, bời vì phòng Địa Chất và Sinh Học đều được bố trí ở cuối hai hành lang toàn những phòng học rộng và (lúc này) trống trơn nên không gian ở đây cực kì tĩnh lặng, chỉ đang có tiếng bước chân của ba đứa học sinh.
Trên đường đi Chitanda hắt hơi liên tục.
“Cậu bị cảm nặng rồi đấy.”
“Cám ơn cậu đã quan tâm. Chỉ là mũi tớ khá nhạy cảm, nên khó mà dừng hắt… Ách xì!”
Nếu đang phải hắt hơi cả chục lần trong một phút như Chitanda thì chắc tôi sẽ khóc mất. Bị như vậy mà trông nhỏ vẫn cố gắng tươi tỉnh, thật đáng khâm phục.
Ibara bước nhanh về phía trước và ngoảnh đầu lại,
“Mả Oreki, ông có mang chìa khoá phòng này theo không đấy?”
“Không, có người mượn rồi.”
“Ách xì… vậy là phòng Sinh Học đang có CLB họp sao?”
“Hoặc là có một thằng ngốc nào mượn để vọc chơi, nếu không họp thì chắc chắn là thế.”
“Oreki-san… đừng gọi người khác là ‘thằng ngốc’, thô lỗ lắm.”
Tôi vừa bị mắng, nếu chỉ thế mà nhỏ giận thì có là Satoshi hay Ibara cũng đừng hòng chống chế. Trong lúc cười dạo và nhìn quanh cho qua chuyện, một vật đauợc đặt sát vào chân tường lọt vào tầm nhìn của tôi. Chẳng biết nó là cái gì, và hình như cả Chitanda lẫn Ibara đều không để ý. Đó là một cái hộp nhỏ, sơn màu trắng giống hệt bức tường phía sau như là để nguỵ trang vậy. Ở chân tường đối diện cũng có một hộp như vậy. Chẳng biết có phải là đồ để quên không, nhưng trông chẳng có chút giá trị gì nên tôi lờ nó luôn. Hành động khom người sẽ tốn nguồn năng lượng trị giá khoảng một yên, mà để lượm một vật trị giá chưa tới một yên là hoàn toàn phí phạm năng lượng. Một người tiết kiệm năng lượng phải hiểu rõ điều đó.
Thế rồi cả ba đã đứng trước phòng thí nghiệm Sinh Học. Trong khi tôi đang suy nghĩ có nên gõ cửa hay không thì Chitanda đã với lấy tay nắm,
“Ơ?”
Cửa không mở.
“Nó bị khoá rồi.”
“Đúng là vậy.”
Hai cô gái nhìn chằm chằm vào tôi, Chitanda trông có vẻ bối rối còn Ibara thì nheo mắt lạnh lùng. Cà hai ánh mắt đều khó chịu như nhau.
“Thực sự là không mượn được chìa khoá mà, làm sao tớ biết cửa bị khoá chứ?”
Ibara cố đẩy thêm vài lần nữa và chỉ nghe thấy tiếng lách cách của tay nắm bị chặn lại. Khá ngẫu nhiên Chitanda nói ngay điều tôi vừa nghĩ tới : “Lại nữa sao?”
Lại nữa rồi!
“Ý của Chi-chan là gì vậy?”
“Ưm, là sự viện hồi tháng tư…”
Chả có cánh cửa nào ở trường Kami mang lại điều tốt lành cả. Trong khi Chitanda thuật lại câu chuyện hồi tháng tư, tôi bắt đầu kiếm cách giải quyết.
“… và thế là bí ẩn đã được giải đáp.”
“Hừm, Oreki tự mình đoán ra hết sao?”
Tôi xoay mũi chân hướng lại vào cánh cửa mà la to :
“CÓ AI TRONG NÀY KHÔNG?”
Dĩ nhiên tôi không mong đợi lời hồi đáp nào cả.
Nhưng lại là có đấy, một tiếng cách vang lên và có lẽ cánh cửa đã được mở khoá.
“Ai vậy?”
Cánh cửa bắt đầu trượt sang bên.
Đứng trước chúng tôi lúc này là một nam sinh mặc áo thun bó và quần đồng phục. Anh cao và có dáng người mành khảnh trông ra dáng thư sinh hơn là tuýp người ưa vận động. Nhìn nhanh vào cổ áo để biết chúng tôi là học sinh lớp dưới, anh mỉm cười lịch sự và nói : “Ồ xin lỗi mấy em nhé, mấy em muốn tham gia vào CLB Báo Tường phải không?”
Không nghe tiếng đẩy cửa bao nhiêu lần à? Thay vì cằn nhằn như vậy tôi chọn cách hỏi anh : “Đây là CLB Báo Tường sao?”
“Đúng vậy. Bộ em không đến đây vì thế à?”
Người nam sinh đi ra ngoài và đóng cửa lại. Ngay lập tức tôi ngửi thấy hương cồn khử mùi thoảng ra từ anh, có lẽ anh chàng này gặp rắc rối với mùi cơ thể. Anh liền nhướn mày khi để ý sự chăm chú của tôi,
“Có vấn đề gì không?”
Rồi như vừa sực nhớ ra điều gì anh vội quay về với giọng điệu ân cần :
“Thế, anh giúp gì được đây?”
Tôi và Chitanda nhìn nhau, dĩ nhiên hội trưởng nên là người thương lượng.
“Chào anh, em là Chitanda Eru, hội trưởng CLB Cổ Điển. Anh là Toogaito-sempai ở lớp 3-E phải không ạ?”
Người vừa được gọi là Toogaito thốt lên kinh ngạc :
“Sao em biết?”
Một nỗi đồng cảm dành cho anh chàng này khi đó chính xác là điều tôi gặp phải vào tháng tư : bị một người hoàn toàn xa lạ gọi đích danh. Và cũng như hôm ấy, Chitanda chỉ mỉm cười,
“Em đã gặp anh ở trang viên nhà Manninbashi năm ngoái.”
“Nhà Manninbashi… thế, thế hồi nãy em nói tên em là Chitanda, vậy em là người nhà chú Chitanda sống ở Kanda sao?”
“Vâng, ông là ba của em. Cám ơn anh đã quan tâm.”
Ồ, ở đây đang diễn ra cuộc hội ngộ của hai người con thuộc tầng lớp thượng lưu đây. Tôi nhớ ra trước đây khi Satoshi kể về những gia tộc lâu đời ở vùng Kamiyama này thì nhà Toogaito cũng là một trong số đó.
“À, không anh mới phải cảm ơn. Ra em đúng là người nhà Chitanda...”
“Dạ vâ… ách xì!”
“Bị cảm à? Nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé.”
Biết Chitanda Eru là tiểu thư của gia tộc điền nông lớn nhất vùng khiến thái độ của anh Toogaito thay đổi đến kì lạ. Anh vẫn giữ cung cách lịch sự nhưng đôi mắt thường hay nhíu lại và trong nó đang lộ rõ sự căng thẳng. Chitanda có gì làm anh sợ thế nhỉ? Hay đó là là áp lực là một “Luỹ Thừa gia tộc” có thể gây cho những gia tộc khác ít tiếng tăm hơn? Cũng có thể là tôi chỉ tưởng tượng, nhưng có một sự thật là anh ta đang tránh nhìn vào mắt chitanda và phát ra từng lời đầy cẩn trọng :
“Vậy, em cần gì?”
Ngược lại, tiểu thư cả chúng ta hầu như chẳng để ý gì đến anh chàng tội nghiệp.
“Dạ, thật ra, em được biết tập san những năm trước của CLB được lưu trữ ở phòng thí nghiệm Sinh Học. Nhưng đây từng là phòng họp CLB của tụi em phải không ạ?”
“Hồi anh học năm nhất thì đúng là vậy, nhưng năm ngoái thầy phụ trách đã cho đổi cái roẹt vị trí của tất cả phòng họp.”
“Thế anh có thấy mấy cuốn tập san ở trong phòng không?”
Toogaito khựng lại một tích tắc trước khi đáp : “Không em à, chẳng thấy cuốn nào cả.”
Im lặng lắng nghe hai người họ nói chuyện, Ibara quay qua nhìn tôi và tôi gật đầu. Một người có trực giác hắc chắn sẽ thấy những hành động của anh này rất bất bình thường.
“Vậy à …”
Một trí nhớ siêu phàm, tính hiếu kì siêu hạng và khả năng học tập siêu đẳng; thế nhưng ông trời đã không quá hào phóng khi để Chitanda sở hữu một trực giác cực tệ hại. Nhỏ trông thất vọng thấy rõ và định quay về thì Ibara đã chen vào,
“Xin lỗi sempai, anh có phiền nếu tụi em vào phòng và tìm một chút chứ?”
“Em là …”
“Ibara Mayaka, CLB Cổ Điển. Vì hoạt động của mấy anh không dính dáng gì mấy cuốn tập san nên anh cũng đâu để ý nhiều đến nó đúng không?”
Sẽ có lãng phí năng lượng nhưng tôi muốn trợ giúp nhỏ một tay ,
“Tụi em sẽ cố gắng không đá động gì đến đồ đạc của anh, được chưa hay là anh còn phiền gì nữa?”
“Được không anh?”
“Em cũng muốn vào xem thử.”
Hứng một loạt thỉnh cầu của chúng tôi, anh Toogaito đã bắt đầu hơi hoảng,
“Anh thường không thích người lạ vào phóng họp …”
Chưa được dứt câu Ibara đã phản pháo :
“Nhưng sempai à, dù đây có là phòng họp thì nó cũng vẫn là phòng học đấy!”
Tôi bụm miệng cười, trong khi Ibara giảng đạo cho anh chàng : “Anh không có quyền từ chối học sinh vào phòng học để làm những việc chính đáng.” Lúc này trông Toogaito đã rối lắm rồi, công với sự quyết liệt của Ibara khiến anh rốt cuộc cũng chào thua,
“Thôi được, mấy đứa có thể vào. Nhớ là không được đụng vào đồ của anh đấy.”
Vậy là không còn cách nào khác người hội trưởng của CLB Báo Tường phải mở cửa cho chúng tôi vào.
Phòng thí nghiệm Sinh Học nhìn chung không khác gì mấy so với phòng của chúng tôi ngoại trừ có thêm một cánh cửa, trên cửa phụ có gắn biển “Phòng trù bị dụng cụ”. Cạnh phòng Địa Chất trên tầng bốn cũng có một phòng trù bị nhưng không có cửa nối giữa hai phòng.
Anh Toogaito bắt đầu giải thích : “Tụi anh có bốn người, nhưng vì hôm nay không có hoạt động gì nên chỉ mình anh ở đây suy nghĩ xem CLB sẽ xuất bản cái gì vào dịp hội sắp tới.”
Nếu tôi nhớ không nhầm thì hội Kanya tổ chức vào tháng mười hằng năm, vậy là còn tầm hai tháng rưỡi nữa.
“Có gì khác giữa CLB Báo Chí và CLB Báo Tường vậy anh?” Chitanda hỏi một câu hoàn toàn lạc quẻ, và anh Toogaito cũng từ tốn đáp :
“Có ba đầu báo được phát hành trong trường Kami : thứ nhất là báo ‘Thanh Long’ được phát đến mỗi lớp học mỗi tháng một lần, thứ hai là ‘Tin tức Hội học sinh Cao trung Kami’ được dán ở ngoài phòng Hội và không định kì, cuối cùng là ‘Nguyện san Cao trung Kami’ phát hành hàng tháng trừ tháng tám và mười hai được dán ngay trên cảnh thông báo cạnh cổng chính. Tụi anh phụ trách ‘Nguyệt san Cao trung Kami’.”
“Còn hai cái kia?”
“ ‘Thanh Long’ là của CLB Báo Chí, còn ‘Tin tức Hội học sinh Cao trung Kami’ dĩ nhiên thuộc Hội học sinh rồi. Báo của tụi anh có lịch sử phát hành xưa nhất đó. ‘Nguyệt san Cao trung Kami’ sắp kỉ niệm kì thứ bốn trăm, trong khi hai tờ kia lẹt đẹt mãi còn chưa tới nổi một trăm.”
Bốn trăm kì cơ à? Vậy CLB Báo Tường cũng có truyền thống lâu năm đấy chứ. Chitanda có nói cậu của nhỏ từng kể chuyện về CLB Cổ Điển hồi cậu còn đi học ba mươi ba năm trước, vậy là chí ít CLB đã gấp đôi tuổi chúng tôi. Ước gì cuộc sống tiết kiệm năng lượng của tôi cũng kéo dài được như thế, dù hiện tại nó đang bị đe doạ nghiêm trọng.
“Hình như không có ở đây.”
Ibara kết luận sau khi rảo quanh căn phòng gần chục vòng. Vậy chỉ còn lại phòng trù bị, tôi bèn lên tiếng : “Tụi em xem luôn phòng trù bị được chứ?”
“…Ờ, cứ tự nhiên.”
Tôi bước vào căn phòng nhỏ và lập tức nghe tiếng giấy kêu loạch xoạch xen lẫn tiếng có vẻ là mô-tơ đang chạy, chả biết là cái gì.
Căn phòng rộng cỡ một phần ba phòng thí nghiệm và tất cả những dụng cụ chuyên dụng cho bộ môn hình như chỉ là vài cái kính hiển vi đặt trên kệ. Trường Kami chú trọng lí thuyết là chính nên việc dụng cụ thực hành bị bỏ xó chẳng có gì là lạ. Bây giờ phòng trù bị là nhà kho riêng của CLB Báo Tường. Tôi thấy một chiếc camera loại cầm tay, một hộp bút chì nhiều màu và loại đen thì đủ độ đậm nhạt, bốn năm thùng các-tông chất thành đống cạnh cái máy photo cùng một cái loa nhỏ… nhưng nổi bật nhất là một cái giống-như-bàn án ngữ ngay giữa căn phòng vốn đã hẹp về không gian. Nói “giống-như-bàn” vì nó chỉ là một tấm gỗ đặt trên một cái thúng các-tông cỡ lớn và trông khá vững chãi. Bày ra khắp mặt bàn là cỡ chục tờ giấy B1[3] với những dòng chữ viết tháu không đọc nổi đang bị đè chặt dưới chiếc hộp bút bằng kim loại. Tiếng loạch xoạch ban nãy hoá ra là do mớ giấy bị gió thổi…
Gió?
Có gió trong phòng này, gió từ bên trong phòng. Hướng mắt về nguồn phát ra thứ âm thanh như mô-tơ tôi thấy một chiếc quạt máy. Cũng khó để nhận ra từ đầu vì chiếc quạt khá nhỏ lại bị kẹp giữa chồng thùng các-tông và cái máy photo bự chảng. Quạt được để hướng về cái giống-như-bàn và đối diện cửa sổ đang để mở, nấc mạnh nhất.
Gió còn đang làm phất phời một thư nữa, đó là cái áo đồng phục hè của nam sinh đang vắt tạm trên khung cửa sổ.
“…?”
“Tìm được gì chưa Oreki?”
Chitanda và Ibara đang đứng ở cửa phòng trù bị. À quên, phải đi tìm cái hộp sơ cứu chứ.
Với cách bố trí đồ đạc trong cái phòng nhỏ hẹp mà “không được đụng đến đồ đạc của anh” thì khó đây. Theo lời bà chị nó là một cái hộp cũ kĩ trong khi những thứ hiện giờ có thể thấy bằng mắt thường vẫn còn mới.
Hừm…
Tôi bước ra ngoài và hỏi anh Toogaito, người nãy giờ theo dõi chúng tôi rất sát : “Anh có biết tại sao năm ngoái vị trí các phòng họp lại phải đổi không vậy?”
“Không, chắc là có nhiều CLB không còn hoạt động nữa nên thầy phụ trách muốn ém lại cho gọn ấy mà.”
“Khi mới chuyển tới anh đã mang vào đây mấy cái thùng à?”
Toogaito nghĩ ngợi một chút …
“Ý em là thùng nào?… À là thùng các-tông ấy hả? Đó, cái đống cạnh máy photo.”
“Vâng.”
Xong!
Rất có khả năng là chỗ đó. Xém nữa tôi quên mất rằng nhà Toogaito cũng là một gia tộc lớn, vậy thì “động cơ gây án” – mảnh ghép cuối cùng đã được tìm ra.
Kiếm được chỗ giấu mấy cuốn tập san rồi, vậy câu hỏi được đặt ra là làm sao để lấy?
…Thử đặt cái bẫy xem sao. Tôi lại quay về phía anh Toogaito,
“Sempai này, trong đây có nhiều đồ quá mà chỉ có ba tụi em thì khó mà tìm nổi. Hơi phiền anh một chút, nhưng để công việc diễn ra nhanh hơn tụi em có thể nhờ thầy Ooide đến giúp được không?”
Toogaito trợn mắt lên, nhìn sơ cũng biết khả năng giữ một bộ mặt bình thường của anh chàng đã mấp mé giới hạn.
“Không. Anh đã bảo mấy đứa không được động vào đồ ở đây!”
“Sau khi tìm xong tụi em sẽ sắp xếp lại đâu vào đấy mà, anh khỏi lo.”
“ĐÃ BẢO KHÔNG LÀ KHÔNG!”
Anh đột ngột quát.
“Ơ… cho em xin lỗi! Xin lỗi đã làm phiền Toogaito-sempai ạ.”
Không thèm để ý tới Chitanda, anh Toogaito vẫn tiếp tục lớn tiếng :
“Ngày mai phải trình bày ý tưởng cho nhóm biên tập nên giờ anh đang rất bận, vậy mà tụi bây tính lục lọi trong đây cả tiếng à? Không có cuốn tập san nào trong đây hết, tụi bây đi dùm cho anh nhờ!”
Tôi nhìn đầy thương hại trước một Toogaito đang sửng cồ. Dính bẫy rồi!
Chỉ mỉm cười, tôi nói :
“Sempai à, cái tụi em cần tìm thực ra là một hộp sơ cứu.”
“Cái gì?”
“Những cuốn tập san nằm trong một cái hộp sơ cứu cũ kĩ, nhưng anh đã nói là không có thì đành vậy. Tụi em không có ý làm phiền hơn nữa…
Nghiêm mặt lại, tôi bồi thêm cú chót : “Mà anh này, bây giờ tụi em đến thư viện. Nếu sau khi tụi em đi anhvô tình tìm thấy mấy cuốn tập san thì chắc anh sẽ tử tế mang lên phòng Địa Chất cho tụi em chứ? Cửa không khoá đâu.”
Toogaito trông đã điên máu lắm rồi nhưng anh ta không làm gì khác ngoài việc trừng mắt nhìn tôi. Kệ, trước giờ có ai chết vì bị nhìn đâu?
“Sao lại? Sao m…”
“Sempai muốn hỏi gì ạ?”
Sau khi lấy lại bình tĩnh, anh Toogaito bỏ lửng câu nói. Anh thở dài cái thượt rồi quay trở lại với bộ mặt hiền từ,
“Được rồi, tìm thấy anh mang lên cho.”
“Cám ơn anh rất nhiều … Vậy giờ mình đi thôi há Chitanda, Ibara?”
Dù chưa hiểu mô tê gì về cuộc đấu khẩu ban nãy nhưng hai cô nàng cũng đành đồng ý mà đi theo tôi, chứ ở lại để mà nghe chửi tiếp à?
“Oreki-san, chuyện gì vừa diễn ra vậy?”
“Tí nữa tớ giải thích.”
Thế là ba chúng tôi rời khỏi phòng thí nghiệm Sinh Học …
Bỗng dưng một giọng nói từ phía sau vói theo : “Nè năm nhất, tôi chưa biết tên cậu.”
Tôi ngoảnh đầu lại và đáp ngắn gọn :
“Oreki Houtarou. Xin lỗi chuyện hồi nãy nhé.”
Tôi đang dựa lưng vào bức tường trên hành lang nối dãy thường và chuyên dụng. Thời gian chúng tôi chờ đợi ở đây là dịp để hai cô nàng được thắc mắc.
“Oreki, tôi không biết là chuyện gì nhưng ông vừa bảo phải đến thư viện cơ mà?”
“Không, không cần đâu”, tôi vẫy tay.
“Là sao? Nếu không cần thì sao không lên thẳng phòng họp luôn?”
“Giờ thì chưa, chút nữa mới được.”
“Mưu tính cái quái gì không biết”, Ibara làu bàu. Chắc chắn là nhỏ vẫn chẳng hiểu cái gì.
Sau một cơn hắt hơi dài đến lượt Chitanda lên tiếng : “Hồi nãy trông anh Toogaito giận lắm đấy Oreki-san.”
“Có lẽ thế.”
“Tìm được tập san thì tốt, nhưng cậu cũng không phải khi ép buộc anh ấy quá.”
“ ‘Ép buộc’? Yêu cầu có lí do hẳn hòi cơ mà?”
Chitanda tính mở miệng rồi lại thôi, rõ ràng tôi đã nhờ một cách hoàn toàn chính đáng.
“Nhưng mà ảnh giận thiệt đó.”
“Có giận thật không?”
Bước tới cạnh Chitanda, Ibara tiếp tục nói :
“Sau khi Oreki đề xuất việc mời thầy, trông vẻ tức tối của anh ta giống như là đang làm bộ ấy.”
Ô, ra là có người để ý.
“Thật thế sao?”
Và chác chắn Chitanda không nằm trong số đó.
Tôi nhìn đồng hồ và thấy đã ba phút trôi qua. Sắp đến lúc rồi. Tôi đứng thẳng người và hỏi : “Chitanda này, gia đình anh Toogaito nổi tiếng cỡ nào?”
Chitanda khẽ nghiêng đầu trước một câu hỏi lạ, nhỏ đáp : “Chủ yếu là trong lĩnh vực giáo dục trung học. Một người ở Bộ Giáo Dục cấp tỉnh, một người ở Bộ huyện, còn ở đây thì có thầy hiệu trưởng và hai giáo viên là người nhà anh ấy.”
Chả trách…
“Oreki, vậy mấy cuốn tập san tính sao?”
“Đến lúc về lấy rồi đó.”
Tôi chỉ mỉm cười còn Chitanda và Ibara thì nhìn nhau bối rối.
Chúng tôi đã về đến phòng Địa Chất.
“Ơ, có rồi nè!”
Trên bàn giáo viên là vài tá quyển tập mỏng để ngổn ngang. Tôi không thể ngăn mình vỗ hai tay vào nhau một cái bốp. Còn gì tuyệt vời hơn khi kế hoạch thành công hệt như dự tính?
“Đùa hả trời? Sao mà có thể…” Ibara vừa nói vừa đi đến chồng tập. Cầm một lên một quyển nhỏ lẩm bẩm như là tưởng mình đang mơ : “Đúng là tập san văn học thật này!”
“Ơ, hả? C-cho tớ xem với!”
“Lần này là trò bịp gì thế hả Oreki?”
Cứ làm như tôi vừa làm sai ấy. Ngồi lên cái bàn học sinh gần đó tôi nói : “ ‘Trò bịp’ ấy là một tối hậu thư, thế thôi.”
“Tối hậu thư? Cho cái anh ở CLB Báo Tường đó hả?”
“Đúng, nhưng Ibara này. Chuyện tôi sắp kể khá là quan trọng nên phải giữ bí mật đấy.”
Ibara làm bộ mặt khinh khỉnh,
“Tôi không lười, nhưng cũng chẳng phải là hạng to mồm đâu.”
“Ai biết được... Tóm lại như vầy, câu chuyện ở đây là một bí mật của anh Toogaito. Nếu bí mật này bị lộ chắc là thảm cho ảnh lắm.”
“Nếu ông không tin thì tôi sẽ ra về… nhưng tôi đã hứa sẽ không nói thì là không nói”, Ibara nhấn mạnh. Chitanda thì không phải lo lắm, bởi chắc chắn vì cái tính hiếu kì nhỏ sẽ làm mọi thứ để được ở đây nghe. Thế là ổn, tin vào sự kín tiếng của hai cô nàng vậy,
“Xin lỗi. Mà Ibara này, cậu có thấy lạ khi anh Toogaito phải chặn cửa không?”
Nhỏ đáp : “Thì ảnh đã nói không muốn ai quấy rầy để tìm ý tưởng cho ngày mai cơ mà.”
“Rồi, vậy thì về cái phòng trù bị. Tại sao mở cửa sổ rồi ảnh lại bật quạt máy?”
“Vì không có gió… và ảnh nóng?”
“Thế thì phải đặt bên cạnh chứ, ai lại để đối diện với cửa sổ bao giờ? Đó là chưa nói đến cái quạt còn hướng vào cái bàn giữa phòng. Lỡ ai mà nhấc cái hộp chặn lên thì mớ giấy phía dưới có mà thi nhau bay ra ngoài cửa sổ hết.”
Ibara gãi đầu,
“Đúng là lạ thật, rồi sao nữa?”
“Vẫn chưa hiểu anh Toogaito muốn làm gì à?”
“Phần nào, nếu để quạt như vậy… tức là ảnh muốn thổi bay cái mùi gì ra khỏi phòng đúng không?”
Tôi giơ ngón cái lên thể hiện sự tán dương. Dĩ nhiên Ibara sẽ không bao giờ coi nó là lời khen để mà vui nên nhỏ quay mặt đi chỗ khác.
“Vậy đây là câu hỏi tiếp theo là tại sao anh ta lại muốn khử mùi căn phòng? Hay nói cho đầy đủ luôn : tại sao anh Toogaito – con trai của một gia tộc giàu truyền thống nhà giáo – lại khoá mình trong phòng cùng một bộcảm ứng hồng ngoại thủ sẵn bên ngoài?”
“T-từ từ đã! Cái gì mà có cảm ứng hồng ngoại ở đây? Ông bị lậm tiểu thuyết hành động rồi hả?”
Biết ngay, quên chưa giải thích là y như rằng,
“Chưa ghé qua cái cửa hàng công nghệ mới khai trương à? Họ từng giới thiệu một bộ cảm ứng hồng ngoại có khả năng kích hoạt chuông báo cho người sử dụng. Giờ mà mua là 5000 yên một bộ thì phải.”
“Chúng được gắn ở đâu?”
“Ngay hành lang trước phòng thí nghiệm Sinh Học. Anh Toogaito đã sơn bộ cảm ứng bằng màu trắng nên chỉ nhìn sơ thì khó mà nhận ra, nhưng khi thấy cái loa nhỏ xíu trong phòng trù bị thì nghi ngờ của tôi cũng được xác nhận phần nào.”
“Ông kì dị thật đó”, Ibara cau mày.
“Muốn thằng kì dị này nói tiếp không?… Đến đâu rồi?… À đây. Vì chúng ta đã đi qua bộ cảm ứng nên một thông báo khẩn đã được gửi đến ảnh. Có ai nghĩ được vì sao ảnh dám liều cái chồng giấy đặt trên bàn để mở quạt không?”
Tôi có kiên nhẫn chờ câu trả lời của Ibara.
Nhỏ ngần ngừ một chút rồi đáp lại với ánh mắt nghi ngờ : “Chẳng lẽ là… không muốn chúng ta ngửi thấy cái mùi trước đó còn ở trong phòng?”
Kì này nhỏ đáng nhận được một tràng pháo tay,
“Quá chuẩn. Anh ta thậm chí còn xịt cồn khử mùi lên khắp người. Vậy thứ mùi gì có thể phát tán nhanh chóng ra xung quanh và bám chặt lấy cơ thể của một người nhất định nào đó?”
“Đừng nói là…”
“Đúng vậy, Toogaito đã hút thuốc lá. Anh ta còn đi xa tới mức sắm cả cảm ứng chỉ để sở hữu một nơi hút thuốc riêng tư, nhưng đây là chuyện có thể tạm thông cảm. Đừng quên nhà Toogaito là một gia tộc danh giá và có ảnh hưởng lớn trong ngành giáo dục của vùng. Tưởng tượng xem việc quý tử nhà Toogaito bị phát hiện hút thuốc trong trường sẽ tạo nên tai tiếng lớn đến cỡ nào?”
“Hiểu rồi, nếu đúng là vậy … thì ảnh cũng tội nghiệp thật.”
Quả vậy. Sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi – nói đúng hơn là của Chitanda – đã làm sụp đổ cả một hệ thống phòng ngự của anh chàng Toogaito tội nghiệp cố công gầy dựng. Chính cái họ “Chitanda” làm anh run sợ. Nếu Chitanda phát hiện bí mật của anh và kể cho nhà mình nghe thì có thể không chỉ mối quan hệ giữa hai nhà, mà mọi quan hệ với các gia tộc danh giá khác đều sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng tính ra anh cũng may mắn vì Chitanda đang bị cảm. Nếu cái mũi của nhỏ hoạt động bình thường có nước anh giấu cái mùi thuốc lên trời.
“À, và tôi không có thừa năng lượng để tìm hiểu cái sở thích khoái hút thuốc ở trường của ảnh nhé. Hài lòng với lời giải thích rồi chứ?”
Nói xong tôi thấy ánh nhìn của Ibara thay đổi hẳn.
“Này, thực ra nãy giờ điều tôi cố gắng hỏi ông là làm thế nào mấy cuốn tập san lại có ở đây? Anh Toogaito đã giấu chúng ở đâu để có thể mang lên phòng của chúng ta ngay sau khi ông gửi cái tối hậu thư cho ảnh?”
Đúng là bỏ quên phần này rồi, tôi lai phải nói tiếp : “Chắc là trong cái hộp sơ cứu.”
“O – re – ki!”
“Không hề đùa đâu. Vậy vấn đề cuối cùng đặt ra là tìm cái hộp sơ cứu. Còn nhớ câu trả lời của anh Toogaito về việc chuyển mấy cái thùng các-tông vào phòng trù bị không? Ngay lúc đó tôi đã đoán được chắc chắn cái hộp sơ cứu vẫn còn ở trong phòng.”
“…Nhưng chúng ta đâu có thấy?”
“Không thấy không đồng nghĩa với không có. Dĩ nhiên là nó đã bị giấu đi, nguỵ trang, cùng với nhiều thứ khác.”
Đề Ibara tiêu hoá xong những lời vừa rồi tôi mới tiếp tục : “Lí do anh ta phải giấu biệt cái hộp vì nơi đó còn là nơi chứa đống ‘sở thích’ của ảnh. Có ai thấy đầu lọc, bật lửa hay gạt tàn để đâu không nào? Nhớ mãi cảnh ảnh lồng lộn lên khi nghe đến tên thầy Ooide… Quay lại chủ đề chính, nơi mà cái hộp bị giấu ấy tôi đoán chính là bên trong chiếc thùng các-tông lớn nhất được dùng làm cái bàn ngay chính giữa phòng trù bị.”
Kết thúc một lời giải thích dài, tôi thở phào.
Không sai khi Chitanda nói tôi đã có phần không phải khi cố cài anh Toogaito vào thế bí và buộc ảnh nổi nóng, nhưng thực tình tôi không bao giờ muốn bí mật của anh bị lộ. Ai cũng có bí mật, và cũng như ảnh tôi sẽ không vui chút nào khi có kẻ tò te được bí mật của mình. Cứ xem như kì này anh ấy gặp xui đi.
Ibara có vẻ không còn muốn đưa ra câu hỏi nào. Đến lúc này tôi mới nhận thấy sự hiện diện cùa một người bình thường rất hay nói. Tôi quay sang người ấy,
“Chitanda?”
Chitanda đang nhìn vào mấy cuốn tập san trên bàn giáo viên, ánh mắt của nhỏ nghiêm túc hệt như lần tôi thấy ở “Pineapple Sandwich”. Hình như nhỏ đã không nghe thấy tiếng gọi của tôi.
“Sao thế Chitanda?”
Nhỏ vẫn chẳng để ý, tôi đành vác thân mình lên đó để vỗ vào vai nhỏ một cái,
“Có chuyện gì vậy?”
“Ồ, Oreki-san à… cậu xem này”, nhỏ đưa cho tôi một trong những cuốn tập san.
Đó là một quyển tập khá mỏng , cỡ bằng loại tập Campus [4] bán ở nhà sách. Từng trang từng trang được kết với nhau bằng chỉ, bởi một bàn tay cực kì thành thục nào đó. Trang bìa là một lớp da thuộc màu nâu lợt, trên có một hình vẽ bằng mực đen hai loài vật : chó săn và thỏ.
Một đàn thỏ quây thành một vòng tròn và trong vòng là hình một con chó săn và một con thỏ cắn chặt lấy nhau. Hàm răng sắc nhọn của con chó cắm sâu vào đầu con thỏ như sắp dứt lìa nó ra, trong khi bộ răng cửa của con thỏ cũng ngoạm cả cần cổ kẻ thù. Vì được vẽ theo kiểu hoạt hình nên trông bức tranh này buồn cười hơn là thấy ghê. Từng có một thành ngữ của người xưa nói về việc những con chó săn bị giết chung với lũ thỏ chúng vừa bắt được [5], nhưng ở đây cứ như thể hai con thú đang săn lẫn nhau vậy. Để ý kĩ đám thỏ bên ngoài có thể thấy hai con trong số chúng ném cái nhìn bàn quan vào cảnh tượng bên trong. Tự dưng tôi cảm thấy một thứ điềm báo như vừa toát ra từ bức tranh, điềm không lành…
Trên phần hình minh hoạ có ghi mấy chữ “Kem Đá [6], tập hai” cùng với năm xuất bản là 1968. Khá là xưa đấy, nhưng cái làm tôi băn khoăn là …
“Kem Đá?”
Nhan đề đây sao?
“Tên gì lạ thế?”
Ibara ngó qua vai tôi để nhìn cuốn tập. Nhỏ đồng ý : “Ừ, còn khó hiểu nữa.”
Y như lần đầu tôi nghe đến tên “Hội Kanya” vậy, mặc dù đoán gốc gác của nó kể ra cũng có hướng – bằng chứng là Satoshi đã mò ra được. Thông thường nhan đề một tác phẩm sẽ bao trùm toàn bộ nội dung chứa trong nó, đằng này chẳng có chút xíu liên quan nào giữa “CLB Cổ Điển” và “Kem Đá” mà tôi có thể suy ra được.
Chỉ vào hình minh hoạ, tôi hỏi Ibara : “Với tư cách là thành viên của CLB Nghiên Cứu Manga, cậu nghĩ sao về hình vẽ này?”
“Một bức tranh ấn tượng. Tất cả hình ảnh được gói gọn trong một hình tròn nên hầu như không có khoảng bị trống … Nói chung là tốt, tôi thích đấy.”
Tôi khá bất ngờ khi nhỏ có thể nói thích hay ghét một thứ rõ ràng như vậy. Nhận ra điều mình vừa nói, Ibara liền trả cuốn tập lại cho tôi mà chống chế :
“Ơ, cũng không hẳn là ‘thích’ đâu, vì nó chẳng đẹp gì cả … thấy gớm là đằng khác. Xét về mặt nghệ thuật thì ổn, nhưng về ý nghĩa thì …”
Lúc này Chitanda có vẻ không vui, hình như mọi niềm vui mà nhỏ lẽ ra phải có khi tìm được tập san vừa bị mộ con ma cà rồng hút hết sạch.
Tèn bèn hỏi lần nữa : “Chitanda này, có chuyện gì vậy?”
Vừa nghe tiếng nhỏ liền kéo tôi vào một góc phòng và nói khẽ : “Cái này.”
“Cái gì?”
Thay vì một đôi mắt nở to vì hiếu kì như thường lệ, bộ mặt nghiêm túc được tô sáng bởi vô vàn ánh tà dương màu cam sẫm của nhỏ làm tôi cảm thấy nhỏ vừa phát hiện một bí ẩn quan trọng. Nhỏ tiếp tục thì thầm : “Tớ tìm ra rồi, đây chính là thứ cậu của tớ muốn cho tớ xem. Cuốn tập san này sẽ giúp tớ tìm lại những lời nói ấy!”
Hay vậy.
“Thế là cậu đã nhớ ra chút gì rồi sao?”
Thay vì trả lời nhỏ chỉ tay vào cuốn “Kem Đá, tập hai” tôi đang cầm,
“Trong đây họ có nhắc về cậu ấy, liên quan đền một sự việc nào đó xảy ra ba mươi ba năm về trước. Cậu xem đi.”
Tôi làm theo lời nhỏ mà mở cuốn tập ra, trang đầu tiên …
Lời tựa
Vậy là năm nay chúng ta lại tham dự hội văn hoá…
Thời gian thấm thoát, vậy là đã một năm kể từ lúc Sekitani-sempai[7] rời xa CLB Cổ Điển và chúng ta.
Năm ấy, sempai đã giũ bỏ tấm áo anh hùng để trở thành huyền thoại, nhờ đó mà lễ hội văn hoá năm ngày vẫn được tổ chức như thường niên.
Tuy vậy, tôi vẫn thường trộm nghĩ : những con người đang bàn tán và ca tụng kia mười năm sau liệu còn nhớ đến người chiến binh thầm lặng và người anh hùng tử tế ấy chăng? Khi tất cả những gì anh để lại chỉ là một quyển tập san, với nhan đề “Kem Đá” do chính tay anh đặt?
Dù là người hy sinh trong cuộc tranh đấu ấy, sempai vẫn cười. Nụ cười của anh như đã theo dòng thời gian mà đến cõi vĩnh hằng, mà đến tận cùng của sự vô biên…
Không, có lẽ chúng ta không ai nên nhớ về anh. Vì câu chuyện của anh không phải là câu chuyện về một người anh hùng.
Khi một câu chuyện bị mất đi phần chủ ngữ cụ thể, nó sẽ được trao cơ hội để trôi theo dòng chảy vô tình của thời gian, để hy vọng được trở nên “kinh điển”.
Liệu ngày đó có tới, khi câu chuyện của chúng ta trở nên kinh điển với một ai đó?
13/10/1968
Kooriyama Youko.
“Đây là…”
“Cụm từ ‘đã một năm’ tức là chỉ ba mươi ba năm về trước, vậy ‘Sekitani-sempai’ chắc chắn là cậu của tớ. Vậy chuyện gì đã xảy ra với cậu ấy? Câu trả lời cuối cùng của cậu dành cho tớ … về một câu hỏi liên quan đến CLB Cổ Điển …”
Tôi mỉm cười, và tôi cũng không kịp nhận ra nhỏ đanh vui một tí nào khi lên tiếng :
“Vậy là tốt rồi đúng khô…”
Tôi đã không kịp nhận ra ánh mắt vô hồn của nhỏ.
“Nhưng tớ vẫn không thể, dù đã tiến sát đến mức này rồi! Chẳng… chẳng lẽ trí nhớ của tớ tệ hại đến thế ư? Câu trả lời ấy là gì? Chuyện ba mươi ba năm về trước rốt cuộc là chuyện gì?”
Nhỏ đang cố gắng ghê lắm để phát âm rõ ràng, nhưng từng chữ từng chữ cứ run lên rồi lạc đi không biết là bệnh cảm hay do nước mắt của nhỏ.
Chitanda…
Có lẽ không lên tiếng không được rồi,
“Chúng ta thử tìm hiểu xem!”
Có ba điều chúng tôi biết được từ cuốn “Kem Đá, tập hai” đó là : nó được xuất bản một năm sau khi chú Sekitani Jun ra đi, chú ấy ra đi vì một sự kiện nào đó, và cuối cùng cái nhan đề “Ken Đá” là do chú đặt.
Đây là một thời cơ tốt. Ba manh mối bất ngờ xuất hiện gữa lúc chúng tôi đang mò mẫm trong bóng tối. Một trực giác mạnh mẽ mách bảo rằng tôi phải tận dụng triệt để các manh mối quý giá này mới có cơ hội giúp Chitanda tìm lại kí ức.
Vì vậy tôi nói tiếp : “Chúng ta chỉ cần điều tra về sự việc xảy ra ba mươi ba năm về trước.”
“Nhưng mà …”
Chitanda thả lòng hai vai,
“Trong đây bảo là không ai nên nhớ về cậu ấy …”
“Nhưng cậu muốn nhớ, phải không?”
“Đúng vậy, nhưng nếu khám phá được nhiều hơn …”
Nhỏ hơi khựng lại, “…Nếu tụi mình khám phá được nhiều hơn, để rồi kết quả đạt được lại không như mong muốn… Có những thứ quên được thì tốt hơn, phải không?”
“…”
Đó là bởi vì cậu hiền lành quá thôi Chitanda à.
“Dù cho đó là chuyện của ba mươi ba năm trước?”
“Không phải sao?”
Tôi gật đầu,
“Trong đây cũng có nói mà. Khi một câu chuyện bị mất đi phần chủ ngữ cụ thể, nó sẽ được trao cơ hội để trôi theo dòng chảy vô tình của thời gian, để hy vọng được trở nên ‘kinh điển’…”
“Nói cách khác, ‘chủ ngữ cụ thể’ của chúng ta sắp quá đát rồi đấy.”
Nói xong tôi cười khì, Chitanda không cưởi theo nhưng ít ra nhỏ cũng gật đầu,
“…Cám ơn cậu.”
Và thế là …
Vâng, và thế là mọi chuyện xem như xong. Quá dễ! Nếu “tập hai” đã đề cập đến “một năm trôi qua” thì chẳng khác nào mời gọi ta đọc tập san năm trước – cuốn “Kem Đá, tập một”. Hành trình tìm hiểu về chú Sekitani Jun đã đến hồi kết thúc. Ha, kì này đúng là chả biết né tránh hay giải quyết cái nào dễ hơn nữa…
…Chí ít là cho tới khi Ibara làm hỏng bét cái dự tính ngây thơ ấy của tôi.
“Gì thế này? Thiếu đâu cuốn một rồi?”
Mất một thời gian tôi mới nuốt trôi cái sự thật oái oăm này.
[1] (Tiếng Anh gọi là cursive style) Một lối viết Hán tự sử dụng rất ít nét, thường thấy trong lối viết thư pháp.
[2] Thành phố lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
[3] Một loại khổ giấy ít thông dụng hơn khổ A. Kích cỡ của khổ B tuân theo quy luật : chiều rộng bằng trung bình nhân hai kích thước của khổ A tương ứng, chiều dài bằng căn2 lần chiều rộng (giống như khổ A, chia đôi chiều dài của 1 tờ giấy khổ B(n) sẽ tạo ra 2 tờ khổ B(n+1)). Ví dụ khổ A0 có kích cỡ là 841x1189 thì chiều rộng của khổ B0 bằng căn2 của (841*1189) và chiều dài bằng 1000*căn2, vậy kích cỡ của khổ B0 là 1000x1414. Khổ B1 có kích cỡ 707x1000.
[4] Một nhãn hiệu đồ dùng học tập nổi tiếng của Nhật.
[5] Có thể là câu nói “Thịt thỏ hết chó săn bị mổ” ("Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh”), lấy điển tích từ việc công thần Hàn Tín giết viên tướng bỏ trốn của Hạng Vương (Hạng Vũ) là Chung Ly Muội để dâng cho Lưu Bang, bị Lưu Bang kết tội làm phản và bắt trói nhưng đến Lạc Dương thì được thả và chỉ bị giáng chức.
[6] Nguyên bản là “hyouka”. Hyouka có nghĩa khá rộng là “đồ ăn lạnh”, ở đây người dịch sử dụng từ “Kem đá”.
[7] Một tiếp hậu ngữ để gọi đàn anh hay đàn chị lớn hơn, tương ứng cách gọi “Anh A, chị B” thì người Nhật sẽ gọi là “A-sempai, B-sempai).
2 Bình luận